SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

 HOÀNG HÔN SAY NẮNG

Vào năm tôi đang học lớp đệ tam chương trình giáo dục lại thay đổi tên gọi các cấp lớp, thay vì gọi tên bằng từ Hán việt là đệ Tam, Nhị hoặc đệ Nhất giờ gọi bằng số thành lớp Mười, Mười một, Mười hai theo chương trình của Mỹ. Không biết mọi người ra sao chứ tôi thấy mình không thích cái tên gọi này lắm vì có vẻ khô khan, không còn thể hiện nét từ chương trích cú của ngày xưa. Bỗng một hôm vào trường tôi thấy không khí khác lạ hơn ngày thường, khoảng sân dưới trước dãy lầu phía đường bà Huyện Thanh Quan dường như đang bày triển lãm, lại gần mới biết là của đất nước Đại Hàn một bạn đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa. Họ đang trưng bày hình ảnh tiêu biểu về văn hóa sinh hoạt nước mình, đặc biệt là chiến tranh Triều tiên xảy ra hơn ba năm và kết thúc vào năm 1950 và đất nước họ cũng bị chia đôi hai miền Nam Bắc giống Việt Nam. Một người lính Đại Hàn đang đứng trên hành lang lầu một chĩa ống kính xuống quay phim chụp ảnh đám nữ sinh trong tà áo dài trắng xúm xít xem các bức ảnh to được đặt trên giá đỡ xếp thành dãy dài, một nhóm khác phía bên kia lại giống đàn bướm trắng vây quanh mấy cô gái mặc quốc phục người Đại Hàn, với thân áo rộng đủ màu phía trên dài đến eo, bên dưới là chiếc váy cũng thật rộng thắt eo dài phủ gót chân, đi kèm với áo là chiếc nơ to bản được tạo từ hai dây vải dài buộc chặc vào nhau. Áo làm bằng vải gai có hai màu là trắng xanh hay đỏ xanh như bông hoa trông rất lạ và tuyệt đẹp. Đây là lần đầu tôi được trông thấy y phục truyền thống của phụ nữ nước này. Dưới chân các cô gái mang vớ trắng đi kèm với giày thấp không có gót. Đại Hàn là xứ khí hậu ôn đới, bốn mùa rõ rệt và mùa đông cực lạnh nên có tuyết. Hầu hết các cô gái và đàn ông đều có gương mặt hình bầu dục với lưỡng quyền cao và mắt một mí, bù lại trên gò má người nào cũng ửng hồng và môi đỏ tự nhiên dù không hề đánh phấn nhờ vậy trông họ không thấy “xấu” lắm. Trên sân khấu dã chiến một người lính Đại hàn được giới thiệu trình diễn bài hát thích nhất của những người lính sang phục vụ tại Việt Nam, bài hát có tên “Nắng Chiều”, khi người này bắt đầu cất giọng mọi người đều trầm trồ ngạc nhiên khi nghe anh ta hát rất rõ ràng bằng tiếng Việt :

- Qua bến nước xưa lá hoa về chiều, lạnh lùng niềm thương trong nắng lưa thưa.
 Anh nhớ bước em khi nắng vương thm, Má em màu ngà tóc thề nhẹ vương.
.... Mây lướt thướt trôi khi nắng vương thềm, Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi.

Công nhận ông nhạc sĩ thật tài hoa chỉ với ánh nắng chiều đã mang lại cung bậc cảm xúc khiến người nghe dường như say nắng, động thái không sâu sắc bởi nó đến chớp nhoáng dễ đến cũng dễ đi.

oOo

Bước vào thế kỷ của năm “Hai ngàn năm” thế giới hoàn hồn khi biết mọi việc vẫn bình thường không có gì đảo lộn. Khoảng hơn chục năm tiếp theo đà tiến hóa văn minh khám phá từ máy móc người ta biết đến “thánh Gu gồ” ( Google ) một vị tiên thần kỳ hóa phép giúp đủ thứ hiểu biết cho người trần thế bất cứ lúc nào họ cần đến. Đọc tin thấy một anh chàng không quen biết bên trời Tây hay châu Phi xa lăng lắc gửi thư làm quen bày tỏ lòng yêu thích một cô hay bà người Việt Nam nào đó qua hình ảnh thư từ. Nghe vậy tôi phục lăn quay vì phụ nữ ở Việt Nam bây giờ giỏi quá sức tưởng tượng, bỗng thấy mình ở nước ngoài hơn ba chục năm trở thành lạc hậu và ngu dốt hơn người đang sống trên quê hương, họ viết và đọc thư bằng tiếng Anh còn dễ hơn ăn cơm tấm sườn nướng !!

Nhớ hồi đó còn “trẻ miu” (con trai thì gọi là trẻ trâu) tôi đang học lớp Mười một tức là lớp đệ Nhị ban văn chương bắt buộc kèm theo sinh ngữ. Ông giáo sư lúc ấy bắt mỗi tuần phải nộp một bài luận văn ông cho đề tài và ông gọi là “essays”. Mới đầu phải thuật lại một chuyến du lịch đi đâu đó, tôi vốn “khuê môn bất xuất” từ khi cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ đi đâu ra khỏi Saigon một mình ngoại trừ từ nhà đến trường và trở về. Đề tài quá khó trong khi mấy nhỏ bạn kể lại những chuyến đi Vũng tàu, Đà Lạt, Nha Trang thậm chí nhỏ bạn tâm đắc của tôi còn kể lại mùa hè nào nó cũng được theo tàu ra Côn Đảo thăm ba. Thoạt đầu tôi hết hồn tưởng ba nó là tù nhân ai dè ông đang làm công chức ngoài ấy. Nó học rất giỏi vì ba tháng hè nó được các chú tù nhân trí thức quen với ba dạy học còn hơn sinh viên dạy kèm tại tư gia. Cuối cùng tôi bỗng nhớ đến những chuyến đi chơi được ba má dẫn đi vào Sở thú. Vậy là đề tài được tôi văn vẻ kể lại là đi Thảo cầm viên, nhân vật diễn tả trong bài luận bắt đầu từ chuồng khỉ tiến dần đến chuồng cọp, chuồng voi..v..v. Tôi lại kể thêm một nét chấm phá cho sinh động bài văn việc mình mua cây mía tự tay đút cho voi ăn. Bài văn khoảng mười mấy câu thôi nhưng tôi lật gần rách cái bìa quyển tự điển Việt Anh, Anh Việt và Anh Anh, bởi vì năm đệ Tam tức lớp Mười cô giáo dạy Anh văn bắt chúng tôi phải giải thích nghĩa của từ tiếng Anh đang học bằng tiếng Anh, tôi chép luôn câu giải thích trong tự điển Anh Anh vô bài viết khi diển tả con khỉ trong sở thú cho xong. Đến hôm trả lại bài văn viết bằng tiếng Anh, những chỗ thầy sửa lại bằng mực đỏ nhiều đến nổi không còn thấy chữ viết màu xanh của tôi !!.

Bởi vậy khi tôi thấy ai ở trong nước mà đọc và trả lời thư bằng Anh văn là tôi phục lăn lông lốc xin bái làm sư phụ hết bởi họ rất giỏi. Ở trong nước mà làm bạn bè quen biết dẫn đến con đường có thể kết hôn với Tây, Mỹ là một hãnh diện ngất trời. May mắn gặp mặt trong nước sánh đôi với nhau trên phố xem như nâng cấp giá trị bản thân được giao lưu văn hóa với đời sống của thế giới tiến bộ, thế nên bây giờ ngời ngời các hoa hậu, á hậu, ca sĩ nổi tiếng lấy chồng Tây được người người ngưỡng mộ mặc dù ông chồng già ‘khú’ hay đen thui như cột nhà, hoặc một anh Ấn Độ sặc mùi cà ry ăn bốc bằng năm ngón tay truyền thống. Chẳng bù với những người ngày xưa mang tiếng lấy Mỹ là bị khinh khi, xã hội dè bỉu vì tiền. Về sau đọc báo thấy nhiều người kết bạn tâm tình với người nước ngoài kể lại chuyện được tặng quà tình yêu nhân dịp các lễ Valentine, Christmas, quà nhận được đâu chưa thấy chỉ thấy những giọt nước mắt ngắn dài khi trót chuyển những số tiền từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD đóng lệ phí vận chuyển bởi là hàng hóa đắt giá “khủng” !! Và các anh Tây thì lặn mất tăm không còn bóng dáng những lá thư gửi đi hay nhận về qua Google dịch giùm.

oOo

 “Bà già tuổi đã tám tư
Ngồi bên cửa sổ viết thư lấy chồng”

Tưởng rằng chỉ là những câu ca dao tục ngữ trêu chọc của dân gian vào những năm của thế kỷ trước. Nhưng bây giờ chỉ là hai chục năm đầu của thế kỷ 21 chuyện này đã thành hiện thực phổ biến khắp nơi qua hệ thống internet. Mọi người già trẻ lớn bé gặp gỡ tán tỉnh và yêu nhau qua Zalo, Facebook dù chưa được gặp ngoài đời chỉ nhìn qua hình ảnh đại diện gọi là Avatar cùng với tiếng nói mà thôi. Không cần đâu xa, chỉ là mới cách đây không đầy sáu tháng chúng tôi đi dự đám tang chồng một người bạn hàng xóm từ khi thơ ấu, trong đám tang chị khóc lóc rất thảm thiết, khi quan tài được đẩy vào phòng hỏa thiêu chị kêu với chồng : “Anh ơi, mình hẹn nhau kiếp sau nhé anh !”

Mấy tháng sau rồi tình cờ gặp lại thấy chị có vẻ nguôi ngoai nỗi buồn tôi cũng mừng cho rằng thời gian là liều thần dược giúp người ta cân bằng cuộc sống sau biến cố. Từ đó tôi hay gọi phone hỏi thăm và đến rủ chị đi chùa viếng linh vị chồng chị đặt ở đó. Chúng tôi là hàng xóm từ bé nhà ở cạnh nhau nên rất thân thiết, năm bảy lăm chị cùng chồng đi di tản còn tôi ở lại gần hai mươi năm nhờ chương trình HO chúng tôi gặp lại nhau trên đất Mỹ. Lúc này gia đình chị là người đã thành đạt còn chúng tôi chỉ có hai bàn tay trắng, tôi suýt soa khi thấy chị lái xe, nói tiếng Anh như gió, nhà cao cửa rộng con cái đề huề nên than với chị :

- Không biết chừng nào tôi mới được như bà, chỉ với ao ước nhỏ kiếm được việc làm để gia đình đủ sống là mừng rồi.

Chị cười khanh khách ra vẻ mãn nguyện trấn an tôi.

- Dễ mà đừng lo rồi dần dần cũng sẽ có hết.

Ở tuổi gần tám mươi với điều kiện y tế tốt được chăm sóc sức khỏe kỹ càng, không rượu bia, thuốc lá vậy mà tôi nghe tin chồng chị qua đời giống như nghe thùng thuốc súng nổ bên tai. Anh lái xe chở chị đi shopping, mở cửa bước ra thì té xuống đưa vào bệnh viện và qua đời sau đó. Chuyện không ai có thể ngờ, chị kém sức khỏe hơn chồng nên mọi người lo lắng người đi trước là chị dè đâu ngược lại.

Nghe chị cười nói với tôi qua phone :

- Oanh à, chắc tui phải đi bước nữa quá.

Tôi lắp bắp, lần này không phải là thùng thuốc súng mà là bom nguyên tử nổ bên tai. Tôi thầm nghĩ chắc chị thương nhớ chồng hóa ra “tưng tửng”. Tôi cũng nói đùa lại :

- Bà cứ nói giỡn chơi hoài, năm nay bà bảy mươi bảy tuổi bà lấy ai đây. Tui nhìn chung quanh thấy bà đâu có hẹn hò với ai. Bà tính tái giá hay tái nạm ?

Chị kể thêm :

- Tui cũng có nói với bà chị ruột và bả giáo huấn tôi một chặp rằng “cho dù mình sống bên Mỹ, truyền thống Mỹ nhưng gốc gác mình vẫn là người Việt Nam, gia đình mình là gia đình đạo đức chồng chết ở vậy không nên đi bước nữa.” Oanh nghĩ xem thời bây giờ khác thế kỷ trước rồi.
- Ừa thì bà chị của bà nói đúng mà với lại bà cũng đâu còn trẻ, không lẽ bà lấy con nít ! Vì lấy người lớn tuổi hơn không lẽ bà lại phải đút cơm, tắm rửa cho ổng bởi có khi ổng thình lình đột quỵ nếu bà không đưa ổng vô viện dưỡng lão, cho tui “Ai can you”, không chồng còn khỏe hơn bà ơi !
- Con tui nó cũng không chịu cho tôi quen ai hết, nó nói chỉ có ba nó mà thôi. Tui nói với mọi người là tui cũng biết vậy mà, tui chỉ là làm bạn thôi, nói chuyện an ủi nhau tâm sự vui buồn qua facebook qua phone thôi.

Tôi tò mò quá hỏi thẳng chị :

- Xin lỗi không phải tui muốn “lăn bánh xe vô đời tư của bà”, nhưng tôi hỏi bà quen với họ hồi nào và ở đâu ??

Chị cười có vẻ hào hứng và hãnh diện :

- Tui quen trên facebook, trời ơi ! Tui tuổi này mà có nhiều người khen tui đẹp lắm nha. Họ nói thấy hình tui trên đó nên vô làm quen quá chừng. Tui nói chồng tui mới qua đời thì họ an ủi tôi, lần nào nói chuyện cũng khuyên lơn, chăm sóc bảo tôi giữ gìn sức khỏe, đừng buồn nữa...blah...blah... Mà nói chuyện vui lắm kìa. Họ còn khuyên tôi nhiều thứ lắm.

Thiếu điều tôi té lăn xuống ghế, chuyện tìm bạn bốn phương nghe nhiều và nhàm rồi, gặp nhau mới thấy “đời thường giết chết mộng mơ.” Chừng như chị biết tôi không tin nên chị nói thêm.

- Tui chỉ nhận lời kết bạn trên facebook thôi. Họ tự tìm tôi chứ tôi đâu tìm họ đâu.

Nghe chị nói vậy tui “phi” thẳng vô facebook chị ngay. Rất nhiều người chia buồn với chị về cái chết của chồng. Nhiều lắm, bạn xưa trường cũ, bạn hàng xóm, bà con thân thuộc. Vài người thân cận trong xóm tôi có biết cũng như nhiều người tôi không biết. Lại có hơn chục người lạ hoắc trong hình trẻ hơn chị gần hai chục tuổi cứ tha thiết gởi “còm men” muốn làm quen, than thở đi tìm chị và hỏi hình chị chụp quang cảnh là ở đâu v...v...Sao tìm hoài không thấy. Nhưng tất cả có một điểm chung là khen chị rất đẹp. Tôi thấy chị không trả lời với họ dù nài nỉ nhiều lần.

Trong số người gửi comment chị tôi đọc thấy có ba cái tên chị đã kể. Một là tên Tây nhưng họ đi kèm sau cái tên ngờ ngợ giống họ người Tàu là Lee, Lyeng.. gì đó ? Tên kế tiếp là tên Tây họ là Nguyen, nhưng tôi lại không tin là người Việt. Bởi vì cả hai gửi những dòng làm quen với chị lời lẽ giống hệt nhau không sai dấu phẩy, dấu chấm. Đây là họ nhờ Google dịch tiếng Việt cho họ. Còn người thứ ba là tên một ông tướng gốc Việt nổi danh trên đất Mỹ. Tôi lại càng không tin vì người nổi tiếng đâu có rảnh rang vô facebook làm quen một góa phụ lớn tuổi hơn mình trong khi chỉ cần ngoắc tay là có các bà sồn sồn trẻ hơn dĩ nhiên với công nghệ hiện tại không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết dùng “dao kéo” chăm sóc sắc đẹp mình.

Bắt đầu biết chuyện tôi siêng gọi phone cho chị để hiểu thêm những chuyện xảy ra cho chị. Phần chị cũng thích nói chuyện tâm sự với tôi vì nhìn quanh chỉ có người hàng xóm thân thiết từ nhỏ đến lớn là tôi đang ở cùng thành phố với chị bên này. Má sinh tôi là con thứ hai của bà, mọi người gọi theo kiểu miền Nam là con Ba, chị Ba, em Ba nên dĩ nhiên tôi không có tính tình của “bà Tám”.

Ngày nào chị cũng tâm sự với họ qua phone, tất cả chỉ bằng tiếng Anh. Mục đích cuối cùng họ thổ lộ là muốn kết hôn với chị. Chị kể :

- Tui nói tui lớn tuổi rồi kết hôn với tui đâu được gì nữa đâu. Họ nói là họ chỉ thích phụ nữ lớn tuổi hơn là phụ nữ Việt Nam và nhất là chị xinh đẹp.

Ai nghe lại không thích điều này kể cả tôi, tiếc rằng tôi không “chơi” facebook và xấu nên không có ai được dịp “thả thính” khi nhìn thấy tôi. Ba người nổi bật được chị liên lạc bằng phone đều còn đi làm việc. Một người ở nước Anh nghề nghiệp kỹ sư dầu khí, người kia vợ chết mười mấy năm có một con gái rất giàu có. Còn ông tướng người Việt ly dị “bề trong” với vợ rồi.. than là cực khổ đi huấn luyện cho lính bên Iraq, về doanh trại không còn gì ăn hết, có khi ăn mì gói ? Rất là tội nghiệp cho ông này !.

Nghe sơ qua chi tiết chị kể, tôi định nói với chị nhưng sợ mình triệt tiêu niềm hào hứng chị đang có. Một điều căn bản tôi thắc mắc dự định hỏi chị là “Tại sao có nhiều người cùng lúc muốn làm quen kết hôn với một phụ nữ lớn hơn họ mười mấy tuổi và góa chồng ?”. Tôi cho rằng họ đều là người đã nghiên cứu về tâm lý một phụ nữ khi đột ngột mất đi người chồng là chỗ dựa tình cảm, bị hụt hẫng trở nên yếu đuối và cần bù đắp những mất mát, cho nên người ấy sẽ dễ dàng chấp nhận sự thay thế nào đó. Và tại sao những người họ đều xuất hiện cùng thời điểm này ? Ngẫu nhiên hay tính toán và có liên quan với nhau chăng. Và thực chất họ cần gì ở chị ? Đặc biệt là cả ba người này lần đầu tiên nói chuyện đều khuyên nhủ là nên cẩn thận về tiền bạc, không nên tin ai hết vv... và vv... chứng tỏ họ rất tốt. Chị cho biết họ là người trí thức có địa vị và thành đạt, đáng kể là rất đẹp trai, vẻ đẹp của người trung niên, khi được xem sơ qua hình chị đưa cho, tôi thấy cả hai dường như là người Trung đông, Nam Á qua nước da, không đen, không vàng cũng không phải trắng hẳn mà cái trắng đùng đục hơi nâu ??

Chị vui mừng khoe với tôi, ảnh của người kỹ sư bên Anh, giờ giấc trái ngược bên Mỹ nên mỗi sáng chị nhận được phone gọi từ người này, bên ấy là đêm.. rồi khuyên nhủ thăm hỏi, còn muốn kết hôn kiếp sau, chị trả lời rằng không được vì chị đã hứa hẹn với chồng sẽ gặp lại kiếp sau hôm đưa đám tang rồi !

Người còn lại có đứa con gái mười bốn tuổi, nhắc với chị là xưa kia ở xóm phía sau nhà, người này biết chị năm chị mười bảy tuổi và khi ấy dù chỉ mười bốn nhưng đã yêu chị từ dạo ấy. Còn kể thêm gia đình cha mẹ làm lớn ở miền Nam trước kia nên anh này được gởi đi di tản trước theo danh sách trẻ mồ côi mang qua Mỹ, vì ở với cha mẹ nuôi nên bây giờ không nói được tiếng Việt. Tôi thấy hình như có chút nào đó phi lý, vì một đứa trẻ mười bốn tuổi nhiều hay ít làm sao quên hết tất cả ngôn ngữ quê hương ngoại trừ bị một cú sốc làm mất trí nhớ ngắn hạn ? Chị rất hãnh diện về điều này và cho rằng đây là tình yêu thật sự vì qua bao nhiêu năm vẫn còn nhớ đến chị ! Một việc cứ làm tôi khắc khoải nên không kìm nén được nên nói với chị :

- Bà nói với tôi là hắn kể yêu bà năm mười bốn và được di tản vào 30/4 75. Nhưng tôi biết năm ấy bà đã lấy chồng và sinh được hai đứa con, đứa lớn thì hơn một tuổi và đứa nhỏ tám tháng. Đám cưới của bà ít nhất bà phải hơn hai mươi mốt tuổi và vào ngày hắn di tản bà không phải mười bảy tuổi như hắn nói. Câu chuyện bịa ra chắp vá không có logic, có thể hắn đã theo dõi facebook, các mối liên lạc trong này của bà rồi viết thành lời thoại đễ diễn gọi qua phone cho bà.

Chị có vẻ phật lòng nên trả lời :

- Tiền bạc, nhà cửa, xe cộ kể cả các account trong ngân hàng khi chồng tôi chết đều được con tôi dẫn đi sang tên đúng thủ tục của di chúc, điều khoản ghi thêm do con tôi quản lý kiểm soát. Như vậy người ta gạt tôi được gì ???

Nghe vậy nên tôi cũng an tâm cho chị. Mới đây tình cờ con tôi xem được đài CNN của Mỹ, trong khung tin thời sự hàng ngày gởi cho mọi người xem phóng sự của toán phóng viên điều tra về một nhóm người đủ thành phần và quốc tịch, chuyên đi lừa gạt phụ nữ và đàn ông lớn tuổi góa chồng và góa vợ. Họ có cả một tổ chức nhiều người cùng bắt tay khép vòng vây kín con mồi, người này đi ra người khác thâm nhập vào cốt yếu làm bối rối óc nhận thức tinh tế sáng suốt đối phương. Nạn nhân giống như đang rơi vào mê hồn trận ! Những nhân vật mang danh Scammers mà đài CNN đưa lên, trong đó có hình ảnh người kỹ sư dầu khí làm việc ở Anh quốc sao tôi lại thấy giống người bạn mà chị đã kể với tôi, không kìm được câu tự hỏi có phải là hắn đang quăng lưới chị chăng ? Sao trùng hợp vậy ??? Những nạn nhân đưa hình ảnh tâm sự với phóng viên là đã mất rất nhiều tiền, thậm chí có một ông cụ phải bán mất nhà. Nhưng quan trọng nhất là tất cả đều trót dại dột trao hết niềm tin đến nổi biến thành một cú sốc vì bị tổn thương tình cảm hết sức nặng nề.

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, con của chị không đồng ý việc chị liên lạc quen trên facebook, chúng phản đối dữ dội và xác quyết những người họ là scammer đang lừa gạt chị. Chúng bảo thà rằng má quen những người mới bên ngoài bằng xương thịt hẳn hoi. Chị khóc và nhất quyết không tin họ là scammers chị kể :

- Họ muốn đi cùng tôi về Việt Nam vì thấy tôi hay nhắc đến những kỷ niệm khi còn sống nơi ấy. Người ta rất giàu mới phone cho tôi là sẽ phải vắng mặt một tháng vì phải đi Ấn Độ thay một lúc hai quả thận tốn mấy trăm ngàn và nói rõ trước khi đi sẽ làm di chúc chia một phần gia tài cho tôi. Tôi từ chối không nhận điều này. Qua hai tuần là tôi có phone của người anh ta mướn chăm sóc báo tin anh này đã khỏe và chuyển phone để tôi nghe rõ giọng anh nói rằng mọi việc thành công tốt đẹp. Tiếp theo là hôm kia tôi lại được luật sư của người này gọi đến hỏi các chi tiết cá nhân của tôi như ngày sinh tháng đẻ và các chi tiết khác như địa chỉ liên lạc và số an sinh xã hội.

Vừa nghe xong tôi giựt mình thót tim, bởi ai ai cũng được khuyến cáo không được tiết lộ số thẻ An sinh xã hội cá nhân cho người khác biết, chị sang Mỹ từ ngày đầu chắc chắn thừa hiểu nguy hại việc này nhưng tôi biết nếu hỏi thì sẽ đụng chạm tự ái cá nhân, huống chi tôi sang Mỹ sau chị hai chục năm dốt nát hơn chị nhiều. Bụng tôi đánh lô tô mong cho chị vẫn còn sáng suốt không tiết lộ. Bọn Scammers chúng đánh đòn tâm lý thật cao tay, đánh vào lòng tham ai cũng có không nhiều thì ít.! Tiếp cận thói quen mọi người bằng cách cho luật sư đồng bọn làm việc y như thật, hỏi han chi tiết bình thường lòng vòng đánh lạc hướng sự quan tâm cẩn thận của đối phương mới ra một cú nốc ao hỏi con số cần biết vào phút cuối. Ai cũng phải nhiều lần làm việc với các nhân viên nhà nước theo quán tính sẽ tự động đọc một hơi ngày sinh tháng đẻ và số an sinh xã hội của mình khi được hỏi. Với hoang mang tôi đi tìm hỏi những người bạn quen : “Nếu một người sơ xuất tiết lộ con số an sinh xã hội cá nhân sẽ bị thiệt hại gì ?” Câu trả lời làm tôi nhẹ lòng một chút là với con số này họ có thể ngụy tạo lý lịch khác để xin các thẻ tín dụng mới rút tiền của mình, nhưng nếu làm được cũng không dễ dàng đâu vì nhiều nước ngay cả ở Mỹ chuyện trộm cắp, mua bán lý lịch người khác để lừa gạt xảy ra như cơm bữa, ăn cắp mật mã thẻ tín dụng còn nhanh như “chớp” kìa.

oOo

Hy vọng những Scammers này nếu theo đuổi con mồi một thời gian không đạt kết quả sẽ tự động đi tìm con mồi khác. Hai vợ chồng già tôi định cư muộn màng nên có chút xấu hổ về chuyện không giỏi tiếng Anh tuyệt vời. Những cú phone đại diện cho ngân hàng gọi rất nhiều nói đủ thứ, nhờ chuyện không rành rẽ và tự tin nên đều trả lời không tiếp chuyện qua phone, muốn gì gởi thơ đến chúng tôi ra thẳng ngân hàng nói chuyện. Những năm mới sang tôi thấy các bà cụ ở nhà một mình khi tất cả con cháu phải đi làm, đi học, ngày ấy tầm tuổi họ còn trẻ hơn tôi bây giờ đều kể rằng khi nhận phone, bên kia xổ một tràng tiếng Anh các bà nói vắn tắt “No English”. Nếu nghe câu đầu đề cập tên con, cháu trong nhà bà cũng trả lời ngọt nhạt “Not Home”. Thế nên chẳng có hệ lụy hay di chứng làm phiền đến bản thân và con cháu. Có khi vì quá dỡ lại thành quá giỏi.

Đêm qua tôi bỏ thì giờ thức quá nửa đêm để theo dõi một chương trình từ đài truyền hình nước Úc phát trên Youtube của một cô luật sư gốc Việt. Cô trả lời câu hỏi của người phỏng vấn đặt ra : “Làm cách nào tránh khỏi bị scammers lừa gạt”. Nói tới nói lui hai vị này đề cập những cảnh báo mọi người đều biết rồi, lại không có nói đến các chiêu trò lừa đảo những người vừa mới bị góa chồng hay góa vợ giống như trường hợp chị bạn “góa phụ ngây thơ” của tôi đang “Say nắng hoàng hôn !!”

Cỏ Biển
Tháng tư 2024.
Ngậm ngùi nhớ 30/4/1975

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024