SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Phá Tam Giang: “Lòng đời nở thật lẻ loi một cành mai nhị độ”

Tống Mai

Ánh sáng yên lặng, ngày êm ả, và tôi đang về nhà. Đường không xa, chỉ một bến đò là tôi đã về đến nơi với sông nước mênh mang những con thuyền gầy guộc.

Bạn yêu dấu,
Thế là đã hơn ba tháng kể từ ngày tôi rời Phá Tam Giang. Biết bao điều trôi qua như một cơn lốc xoáy mòn sự thăng bằng của tâm hồn. Đêm hôm trước sau khi đọc thư của em tôi nói đang chờ những hình ảnh hoa anh đào năm nay của tôi ở DC, tôi mới giật mình ừ nhỉ, tôi đã ơ thờ với hoa nở ngoài kia và xóa mờ cả ký ức về con Phá thương yêu.

Nhưng tôi đang trở về và chỗ ngồi trên góc chiếu của tôi thấp thoáng ánh nhìn một nét bao dung.  Những ngày rong ruổi trên Phá cùng ký ức mềm mại những con thuyền lặng lẽ đứng êm như màu xanh của sông nước khi ngày vỡ ra tia sáng đầu tiên sống dậy trong lòng.

Tôi đã từng phơi hồn mình trên trang giấy về vùng sông nước này nhưng cảm xúc của lần đầu tiên đặt chân vào Phá của những năm trước vẫn tinh khôi như mối tình đầu không kết thúc, nở ra như tiếng suối nhẹ nhàng, đều như cơn gió trong rừng sâu, rồi hóa thân thành niềm đam mê, để cuối cùng trở nên ngọt ngào êm đềm như một dòng sông luôn quay về bờ.

Hôm nay tôi sẽ đọc lại những gì tôi đã viết những năm về trước, những gì vẫn còn xanh màu tha thiết. Giọng của tôi sẽ rất nhỏ, không còn non nớt như xưa nhưng hồn tôi vẫn thủy chung một cành mai nhị độ:

Có cái gì đó quyến rũ lạ kỳ một vùng nước không thấy nơi nào khác, hay có lẽ vì sáng sớm trên mênh mông của nước khi mặt trời chưa lên, giữa những mê cung của cánh đồng nuôi tôm cá, sứa, hay có lẽ vì những huyền thoại ngày xưa của truông nhà Hồ, của thương em anh cũng muốn vô, sợ truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang, của ơi bến đò Ca Cút gắn với câu chuyện một người tình nửa đêm sang sông gọi đò, chết hóa thành con chim Ca Cút.

Năm nay tôi không dừng lại ở bến đò Ca Cút vì bến đò nay không còn nữa, thay vào đó là cầu Tam Giang trơ trụi phũ phàng lấy đi dấu tích của một câu truyện tình dân gian về một người con trai bên kia núi yêu người con gái bên này núi, một lần hẹn, người con trai băng núi lội đầm, đến bến Ca cút đã khuya, không còn đò thì đứng bên kia gọi mãi kiệt sức chết hóa thành con chim Ca Cút mỗi đêm trăng lại gọi “Ơi đò Ca cút !”

Tam Giang là tên của ba con sông lịch sử, Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương cùng bắt nguồn ở ngã ba Sình chạy đến tận Trường Sơn, nơi đây là núi Ngọc Trản, Hòn Chén, và đỉnh Mang, nối liền với núi Bạch Mã và đèo Hải Vân. Tất cả những nguồn nước dẫn về Phá Tam Giang trước khi chảy ra biển bằng cửa Thuận An thì biến thành một vùng nước xoáy. Huyền thoại phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị đánh chìm nên có câu ca dao “Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ, truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau, cho nên xin hẹn kiếp sau, đổ truông Nhà Hồ, đập phá Tam Giang”.

Phá Tam Giang rộng ngút ngàn, nước ngọt mùa lũ và nước lợ vào mùa khô, là nơi nuôi nấng người dân nghèo với nhiều hải sản phong phú. Tôi tưởng xa thành phố Huế lắm, nhưng từ khách sạn Morin đến Phá chỉ 7 km qua đường Bà Triệu, xuống đường Tố Hữu, đụng đường vành đai 1 thành phố Huế, đoạn này được đặt tên là đường Tự Đức. Đến ngã tư Phú Mỹ thì đi tiếp đến làng Chuồn, tức là làng An Truyền,một hệ đầm trên Phá.  Từ bến đầm Chuồn, thuyền đưa tôi vào phá, vừa rời bến thì tiến vào vùng nước bao la ngay. Đẹp quá làm tôi mất bình tĩnh, cảm giác mênh mông bất tận không ngờ trước cái kỳ lạ của đầm làm tôi loay hoay trên mạn thuyền, xoay mắt nhìn tứ phía. Từng hàng lưới thẳng, xéo bày khắp nơi trên phá như một trận địa. Nắng buổi sáng còn mềm nên nước lặng, chỉ có chiếc thuyền làm xao động những cây cọc soi bóng nước mà thôi. Tôi thảng thốt, bàn tay nào dựng lên những rừng lưới trùng điệp này thật đáng phục.

Bài thơ “Chiều Trên Phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên tôi nghe ác tà mùi chiến tranh, không hiền hòa như một Tam Giang nước lặng sóng li ti. Đầm nước vẫn còn mãi những giòng thơ cô liêu “trong lòng đời nở thật lẻ loi một cành mai nhị độ”.

Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời
… Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ …

Bạn yêu dấu,
Bài thơ chấm dứt những gì tôi đã viết năm trước.

Và ba tháng trước tôi đã trở về để thực hiện giấc mơ chứng kiến mặt trời lên và xuống trên Phá. Mỗi năm về quê hương bao giờ tôi cũng ra Huế thăm mộ cha tôi dưới chân núi Ngự Bình, ghé qua vội vàng con dốc Bến Ngự nơi có dấu tích của ngôi nhà xưa của mình rồi vội vã ra đi. Nhưng lần này tôi nán lại lâu hơn và suốt bốn ngày ở đó, tôi ra Phá Tam Giang mỗi sáng và mỗi chiều để chờ bình minh và hoàng hôn. Những đêm trong khách sạn tôi không hề chợp mắt, lòng nôn nao đợi chờ. Từ khách sạn vào khu làng chài chỉ mất nửa tiếng nhưng sáng nào tôi cũng đi thật sớm lúc bốn giờ sáng để được hòa vào những ghe đánh cá quay về trong đêm. Trời còn tối lắm, phải cố gắng mắt tôi mới thấp thoáng được những con thuyền nhỏ neo bên bờ kênh trên con đường làng quê. Bao giờ tôi cũng xin ông lái cho thuyền ra khơi trong đêm. Quanh tôi vào giờ đó chỉ lác đác vài chiếc ghe về sớm bán những miếng cá đánh được trong đêm. Họ rì rào với nhau trong tối, giọng lặng lẽ không bổng không trầm, đều đều như tiếng kinh cầu. Tôi xúc động ứa nước mắt cho âm hưởng quen thuộc một thời thơ ấu của tôi, tiếng nói ngày nào của mẹ tôi, của cha tôi, của người thầy áo nâu sồng sống trong ngôi chùa nhỏ bên kia đường trước mặt nhà chiều nào cũng cho tôi vào chánh điện nghe tụng kinh.

Người ơi, tôi muốn nói vô tận về vùng đầm phá đó lắm, nhưng đêm đã khuya, dù một ngày nào không còn thấy lại được những chiếc thuyền gầy khi tôi tan biến đi, nhưng đêm nay, những mảnh nhỏ tôi đem về vẫn còn đây, đó là chân dung của những con thuyền, màu đỏ của hoàng hôn và màu xanh cerulean của bình minh trên Phá.

Bonne nuit!

Tống Mai
Virginia, Mar 23, 2024

BÓNG CHIỀU

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue1e-copy.jpg
Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2k.jpg
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2l.jpg
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2m.jpg
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1l.jpg
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1m.jpg
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1n.jpg
Chiều trên phá Tam Giang
Anh chợt nhớ em
Nhớ bất tận

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2p.jpg
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1q-copy.jpg
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1u.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2f.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2d.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2q.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2024-VN-Hue.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2v-copy.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1t2.jpg

 

ÁNH SÁNG

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2c.jpg
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ


https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2s2.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue1b.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue1c.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue1.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue1d-use-this.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2b-copy.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2n.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2o.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1s-copy.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2a.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1f.jpg

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1k.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1x.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1v.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1z.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1p2.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-1p.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-2j.jpg

 

https://khungcuahep.com/wp-content/uploads/2024/03/TongMai-2023-VN-Hue-3.jpg

(nguồn: khungcuahep.com)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024