SỐ 102 - THÁNG 4 NĂM 2024

 

Những mẫu chuyện ngày cũ.

Thăm Tù!

Có những chuyện đôi lúc tôi nghĩ sao mình không quên, trong khi những người trong cuộc có liên quan còn không nhớ, tôi lại cứ giữ mãi để… nhớ một mình! Dù chỉ là những mẫu chuyện nho nhỏ, nhưng tôi vẫn muốn ghi lại, để làm gì? Không biết!

Đó là chuyện về những người lính của chế độ cũ ở quê tôi khi họ bị tập trung ở chi khu ĐD (Mà mới đầu nói là trình diện 10 ngày, nhưng mấy tháng sau vẫn chưa được về mà chuyển tất cả đến Don Bosco ở Cầu Đất, các anh bị tập trung ở đó và chắc cũng để chờ đợi… biết ra sao ngày sau!)

Mùng hai tết năm 1976, tôi và chị  D được má cho phép lên Don Bosco thăm “Tù”, tôi chỉ thân vài anh trong số đó! Thời điểm đó dù là tết nhưng trong nhà không còn đầy đủ như những tết xưa (Chữ “xưa” được mặc định là trước 1975). Nhà chúng tôi chỉ có một ít bánh tự làm, đậu xanh hấp với đường, xay nhuyễn vo thành viên tròn rồi sấy khô, sau đó cho vào giấy màu cắt tua hai đầu xoắn lại gọi là bánh hạt sen, khoảng chục cây bánh tét, mức cũng làm vài loại đơn giản vì lúc đó là thời muốn mua gì cũng phải có tem phiếu, không được mua tự do dù đó là những thứ nhu yếu phẩm cần thiết. Nhưng má cho phép chúng tôi mang đi một nửa để làm quà tết cho… “Tù”. Lúc đó việc thăm nuôi dễ dãi, ai muốn gởi quà cho thân nhân ngày nào cũng được, nên chuyện đói, khổ của “Tù” chưa xảy ra như sau khi họ chuyển đi các trại. Các anh ở Don Bosco đi hái trà ở sở trà nên chắc chưa nếm mùi đau khổ?! 

Ngày ấy còn ngây thơ lắm, đi thăm tù mà tôi và chị D đều mặc áo dài vì… tưởng như cái thời “tư sản mại bản” khi đi thăm người quen ở… quân trường! Chúng tôi đi xe đò, đường đèo Dran quanh co, tôi ngắm rừng thông còn dày với một vẻ đẹp hoang sơ, sự khó khăn ngày đó chưa làm tâm hồn tôi chai sạn, tôi đang ngắm quang cảnh qua cửa xe thì thấy một chiếc Jeep chạy vượt lên, trên xe cạnh ghế tài xế là một nàng mặc áo dài xanh, đeo kính râm. Vẻ mặt nàng có vẻ hãnh diện lắm, tôi nhận ra ngay đó là U, ở cùng xóm với tôi (Nàng bằng tuổi tôi nhưng có chồng từ thuở 15, chồng nàng là thông dịch viên cho Mỹ. U đã có con 3 tuổi, còn chồng thì không biết ra sao vì sau 1975 không thấy xuất hiện ở nhà nàng nữa), tôi không ngạc nhiên khi thấy U ngồi trên xe bộ đội, vì không riêng tôi mà nhiều người biết nàng có “qua, lại” với một ông là trung úy chính trị viên tên Phúc, ông ta tới nhà nàng thì phải ngang qua nhà tôi nên tôi biết và hiện ông đang công tác tại Don Bosco. Vậy là tôi biết U và chúng tôi cùng có một điểm đến nhưng tôi đi thăm tù, còn U được đón lên với “bạn trai”! Chiếc Jeep chở U đã tới nơi trước. Còn chúng tôi xuống xe đò thì thấy nhiều người “Tay xách, nách mang” những thứ cần thiết gì đó, họ là thân nhân ngồi trước cổng dưới nắng chờ tới giờ để được phép gặp con, em của mình. Tôi và chị D đứng ngớ ra không biết xử trí ra sao, cứ tưởng tới là được vô liền. Còn đang phân vân thì một anh du kích trong trạm gác bên hông cổng hỏi lớn:

- MH lên chơi à?

 Tôi nhận ra đó là…(Quên mất tên rồi!?) Khi những người đi trình diện còn tập trung ở chi khu ĐD, họ được phép đi chợ và anh ta (?) là người thường theo giám sát, hồi ấy tôi có một sạp hàng tạp hóa trong chợ (Tại đây vài người nhà của “Tù” thường gởi nhờ tôi chuyển giùm những thứ lặt vặt khi thấy các anh đi chợ) để không bị trở ngại tôi phải làm quen với (?) để anh ta “thả lỏng” đoàn người đi chợ. Thật tình nhận xét thì anh ta hiền, ít nói, gặp tôi thường chỉ chào rồi cười. (Bây giờ khi viết những dòng này tôi đã cố mà không thể nhớ ra tên anh ta). Nghe anh ta hỏi, thốt nhiên tôi quay nhìn những người đang ngồi lộn xộn trước cổng chờ giờ cho vào, vì sợ bị hiểu lầm mình đi thăm du kích, tôi trả lời:

- Không! Tôi lên thăm… cải tạo!

Anh ta ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Chưa tới giờ cho thăm, hai người đi vào bằng đường bên hông nè!
- Cám ơn! Tôi chờ vào cùng với những người này cũng được.

Chúng tôi đứng đó một lát, thì anh ta bước ra mở cổng chính rồi nói với những người có mặt ở đó:

- Tới giờ đá bóng mấy người trong đó mới được ra, các ông bà vào tuốt trong kia chờ…

Anh ta chỉ tay về phía dãy đồi bên phía phải của dãy nhà Don Bosco. Tôi và chị D lúc đó mới theo vào và được (?) dẫn vào một căn phòng phía trái, lúc đó tôi thấy nàng U đứng khoanh tay tựa cửa ở một phòng cùng dãy nhìn chúng tôi. Tôi và chị D vào một căn phòng đơn giản chỉ có một cái bàn nhỏ thấp và 2 băng ghế dài bằng gỗ (Tôi thấy bên ngoài có chữ “Phòng tiếp tân”). Anh ta hỏi:

- Hai người muốn thăm ai? Ghi tên ra đây tôi gọi cho…

Anh ta đưa cho tờ giấy và tôi ghi ngay tên người quen thân (Cũng như không quen thân mà tôi biết). Anh ta đi một lát thì dẫn mười mấy “Anh Tù” được cho ra sớm. Khi vừa bước vào phòng thấy hai chị em tôi, ông anh ULQ thắc mắc:

- Đây là chỗ dành cho cán bộ, sao hai cô được vào?

Tôi chắc anh có ý nghi ngờ chúng tôi giống trường hợp của nàng U! 

Chưa kịp giải thích gì thì một ông xuất hiện, đó chính là trung úy Phúc. Ông ta chỉ tay một lượt vào những người có mặt hỏi như quát:

- Ai cho phép các người vào đây?

Tôi không ngần ngại nói ngay tên người cho phép chúng tôi. Ông ta liền quay bước ra ngoài, vẻ mặt giận dữ. Anh ULQ cũng đứng lên:

- Đây không phải là chỗ của tụi anh! 

Tôi nhớ không lầm thì anh Thử nói “Tụi mày nghĩ sao mà đi hết để hai cô ở đây?”. Nhưng rồi ai cũng rút lui, họ đi về phía các thân nhân đang ngồi đợi mà không  hề mở lời rủ chúng tôi cùng đi. Chẳng phải tôi và chị D đến nơi đây là vì muốn tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với những người đang "lâm nạn" này hay sao!? Nên không biết tự ái gì cả! Tôi và chị D xách giỏ lẽo đẽo theo sau mấy ông tù hách dịch, giờ đá bóng đã tới chưa tôi không nhớ, chỉ thấy chẳng còn vui vẻ gì nữa. Chúng tôi cũng rán ngồi nói chuyện tào lao chờ xe về.

Một lát thì anh chàng du kích (?) tới chỗ chúng tôi ngồi, anh ta nói:

- Chị D và MH về sau nhé. Tôi phải đi công tác ngay bây giờ.

Sau này tôi được biết anh ta bị kỷ luật phải chuyển đi đâu đó (Chắc là do cái tội mở cổng cho chúng tôi vào) và cũng từ đó tôi không còn gặp lại anh ta rồi…quên mất tên luôn.

Hôm đó về tới nhà, tôi và chị D bị má cho một trận:

- Tụi mày quá lắm, dám nói láo đi thăm tụi nó (Ý là mấy anh tù), té ra đi thăm bộ đội! Bà T đi thăm con bả thấy về nói um xùm kìa… (Bà T là má của anh ĐVH, K30 VBQGVN)

Tụi tôi bị oan quá chừng nhưng không ai hiểu cho cả, ngay cả những người được chúng tôi quan tâm viết tên ra giấy để họ được ra ngoài sớm hơn giờ qui định cũng không hiểu. 

Sau đó thì tôi bị bệnh! Trời ạ, cái bệnh “ghẻ” từ trên trời rơi xuống nên có người bị nặng, có người bị nhẹ, nhưng hầu như ai cũng dính chưởng, mà tôi thì bị nặng, bàn tay tôi như “mọc” cẩm thạch, mưng mủ, đau đớn mà không có thuốc trị. Tôi không đi buôn bán gì được nữa nên phải nằm nhà. Nhưng tin tức bên ngoài vẫn được nghe, vì hồi ấy “Ngụy” còn sáng giá lắm nên ai cũng thương dù không liên quan họ hàng. Nhiều người cũng lo lắng cho các anh nên luôn nghe ngóng, cứ vài bữa họ lại đoán: “Hồi khuya có tiếng nhiều xe tải chạy xuống, chắc họ chuyển mấy ổng đi rồi…”. Cho đến một sáng vẫn đang nằm “dưỡng bệnh”, có một người cầm vào mảnh giấy ghi tên tôi và địa chỉ, người ấy nói nhặt ngoài đường: “Vĩnh biệt các em…” , không có tên người viết, nhưng nhìn nét chữ rất đẹp tôi nhận ra là của anh ULQ, nỗi lòng của người hậu phương chúng tôi dành cho những người sa cơ lỡ vận đó lúc lớn lắm, không phải chỉ nghĩ đến người quen mà là nghĩ cho hết thảy, vì thế tôi khóc quá trời khi đọc mấy chữ đó, vì nghĩ “Thôi rồi!”

(Sau này khi anh ULQ được thả về, tôi hỏi thì anh nói “Anh quăng xuống đường khi xe chạy ngang Dran…”, anh ULQ là chúa hài hước, nên có lẽ những chữ bi thảm đó cũng là nói…giỡn!.)

Thời gian thắm thoát thoi đưa, mấy chục năm qua rồi! Gần đây tôi gặp lại anh ULQ và anh LD, họ cùng “học tập” từ Chi khu ĐD, Don Bosco rồi chuyển đi Sông Mao. Tôi hỏi “Có nhớ ông trung úy Phúc và anh chàng du kích hồi đó tên gì không?”, cả chuyện hai chị em tôi đi thăm, tôi nhắc thêm nhiều chi tiết nữa về chuyện đó mà chả ông nào nhớ. Lạ thật! Còn tôi sao chuyện của ải của ai mà cứ luẩn quẩn hoài trong ký ức, dù theo thời gian làm nhiều hình ảnh đã rơi rớt khỏi trí nhớ lúc nào…

Có lẽ tôi nhớ cái thời gian nan đó hơn là nhớ những người trong câu chuyện, bởi nhiều người vô tình đã rời khỏi những gì liên quan tới họ, mà đáng ra họ phải nhớ như nhớ một vết xước trong lòng.

Còn tôi:

Tóc mây giờ đã bạc
Môi đã khô nụ cười
Tôi chỉ sợ rồi sẽ
Tôi không còn là…tôi!

Đơn Phương Thạch Thảo
(2024)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024