GHẺ
NGUYÊN NGHĨA
Ngày thứ nhất.
Khu rừng có vẻ như bị bỏ hoang từ nhiều năm. Cây cối mọc chằng chịt, gai góc và cỏ dại tràn lan không còn lối đi. Đây là một khu rừng thưa, ít cổ thụ, xen lẫn với những cây già là những thân cây còn non yếu, thấp. Từ dưới nhìn lên, người ta vẫn thấy được trời, nhận ra những đám mây không bị ràng buộc đang mặc tình thong dong. Từ trên nhìn xuống, giả dụ như nhìn từ một chiếc phi cơ đang bay, chắc khó ai biết phía dưới, che khuất bởi những chòm lá, có hàng bao nhiêu ngàn con người đang lau nhau lui tới như những con sâu, cái kiến. Dưới tàn những cổ thụ là các chòi nhỏ lợp tranh, vách cũng bện bằng tranh. Trong chòi, mấy chục mạng người đang chen chúc nhau đứng, ngồi, nằm dài trên nền đất hay toòng teng trên võng mắc từ cột này sang cột kia. Hình như chẳng ai ngủ được. Mỗi người đều có ý nghĩ riêng, nhưng tựu trung là nỗi hoang mang trước một đổi thay quá bất ngờ. Giống như ngay sau một cơn mơ dài, người ta giật mình thức dậy và phân vân không biết họ đang ở đâu. Hàng đoàn xe Molotova phủ bạt kín mít đã mang họ đổ xuống vùng này. Khi bạt phủ được kéo lên, họ bỗng nhận ra mình đang đứng giữa rừng, trước những họng súng AK. Ngoài cây cối và một vài chòi tranh thấp thoáng, chẳng còn gì khác chứng tỏ nơi đây có thường dân cư trú. Đây chỉ có thể là giang san của những con vượn người.
Trong vài chòi tranh rải rác, cách biệt với khu đông người, một hai kẻ mặc đồng phục màu ô-liu rộng thùng thình, chân mang dép loại cao su bánh xe hơi, mặt mũi non choẹt, nước da tái mét bệnh hoạn, đang nằm đong đưa trên võng, súng đặt trên ngực, miệng hát lảm nhảm những bài ca lạ hoắc được soạn theo lối nhạc Tàu pha nhạc kịch Tây phương. Trông những kẻ này có vẻ nhàn nhã đến chán ngấy vì chẳng có việc làm. Bắt được chúng nó rồi, để xem đảng ta làm thịt chúng nó cách nào. Đại thắng rồi, tưởng được ra khỏi rừng về phố cho sung sướng tấm thân, ai ngờ lại vào rừng mà ở nữa.
Trời không nóng lắm, mùa mưa chỉ mới bắt đầu. Những cơn mưa tới bất thường rồi bỏ đi thật nhanh. Tù nhân không biết làm gì để giết thì giờ và xua bớt nỗi lo âu dồn dập, bèn bày ra đủ thứ việc: kẻ thì lấy đồ đạc mang theo ra xếp lại cho thứ tự, người thì tìm vài sợi dây nối vào nhau rồi cột vào chiếc lon guigoz làm thành gầu múc nước. Vài kẻ ngồi quanh chiếc bếp dã chiến nhìn củi ẩm cháy nhẩn nha, chờ nước trong lon Guigoz sôi để pha trà hay cà phê. Đôi ba người khác cởi trần mặc quần đùi, kiên nhẫn múc từng lon nước từ giếng lên xối từ đầu tới chân ướt đẫm như muốn phủi sạch những thứ vô dụng đang bám vào người. Vài câu đùa bỡn xỏ xiên, rồi tiếng cười nổ ra giòn tan như pháo. Đúng là bọn điếc chưa sợ súng!
Giữa mặt đất có một cái lỗ sâu hoắm, đường kính cỡ một thước. Chung quanh cái lỗ đó, đất được đắp lên hơi cao hơn mẻ ngoài. Hai thân cây cưa ngắn được gác ngang qua miệng lỗ để làm chỗ đứng cho người. Lâu ngày, cỏ mọc lên chung quanh miệng lỗ, rêu bám đầy hai thân gỗ và cả phía dưới sâu của nơi được gọi là giếng này. Nhìn xuống đó, chỉ thấy một màu đen ngòm. Lá mục nổi lều bều thành lớp dầy trên mặt nước.
Tù nhân thả chiếc lon xuống, quơ tay qua lại cho lớp lá mục dạt sang một góc rồi hất tay mạnh một cái cho chiếc lon lật sang bên, cắm chúi xuống nước. Khi chiếc lon chìm hẳn thì kéo dây lên, cùng lúc phải khỏa cho lá đừng chui vào lon. Động tác đơn giản đó giờ đây trở nên hiện đại, tân kỳ. Không bị chở tới bỏ ở khu rừng này thì làm sao tận dụng được hết khả năng của một chiếc lon Guigoz tầm thường vốn dùng để đựng sữa bột trẻ em do “thực dân” Pháp chế tạo? “Cách mạng” vốn lo xa, đã nghĩ ra bao nhiêu kế hoạch năm năm, theo đó, đến năm thứ bao nhiêu thì loài người sẽ có thứ gì; nhưng những tù nhân hôm nay cũng lo xa không kém. Mọi thứ cần thiết cho một con người để có thể sinh tồn, dù là sẵn có mang theo hay tự chế cũng đều do chính tù nhân chuẩn bị. “Cách mạng” lấy của họ nhà, xe... đuổi cổ họ vào rừng, không cho họ bất cứ thứ gì, trong mười ngày. Thông báo của Ủy ban Quân quản đã nói rõ đó thôi: “Đi học tập, tự túc lương thực trong mười ngày.” Con vượn người không cần đánh răng, tắm rửa, không cần cơm gạo vẫn sống được kia mà.
oOo
Ngày thứ mười một.
Tù nhân kháo nhau:
- Bỏ mẹ rồi, hết cha nó mười ngày trong này mà vẫn chưa thấy tụi nó nói gì về chuyện thả!
- Cứ từ từ. Thế nào tụi nó cũng phải đề cập tới số phận tụi mình chứ.
Kẻ bi quan nhận xét:
- Tao tin là tụi mình bị lừa một vố nặng. Cá vô rọ rồi, đừng hòng trở ra!
Kẻ lạc quan mơ mộng:
- Tụi nó chỉ muốn xem phản ứng của mình thôi. Không thấy gì, tụi nó sẽ thả hết nay mai...
- Tao nhớ nhà quá! Chắc vợ tao đã sanh con đầu lòng rồi! Bả sắp sanh thì tao phải đi.
- Lương khô sắp cạn rồi! Biết lấy gì mà gặm đây? Một kẻ khác la hoảng:
- Sao tao cảm thấy ngứa ngáy khắp người... Hồi nào tới giờ đâu có bị như vậy.
oOo
Ngày thứ hai mươi tám.
Tù nhân được lệnh tập hợp tại một bãi trống để nghe chỉ thị. Một kẻ mặc quân phục màu ô-liu, đội mũ cối, không rõ cấp bậc vì không có gắn sao trên cổ áo, bước tới từ một góc rừng. Tiếng xầm xì nổi lên:
- Lần đầu tiên tao thấy quân đội của một xứ không mang giày mà mang dép.
- Sao không có chào tay gì hết trọi?
Tới trước những hàng tù, gã dừng lại quay mặt về phía họ. Tự nhiên tiếng ồn ào im bặt:
- Thưa các đồng chí!
Như sực nhớ ra, hắn im lặng một hồi rồi nhắc lại:
- Chào các anh. Tôi là thủ trưởng tiểu đoàn này, xin thay mặt đảng và nhà nước thông báo để các anh rõ: trong thời gian tới, các anh sẽ bắt tay vào việc dựng hội trường, làm nhà ở để chuẩn bị học tập chính sách khoan hồng của cách mạng.
Mọi người lại bắt đầu bàn tán:
- Cha nội này là ai vậy kìa? Tao đếch hiểu thủ trưởng là cái quái gì.
- Thì chắc là một thứ xếp gì đó.
- Mày đoán xem, nó mang cấp bậc gì ?
- Ai mà biết. Nó có mang sao, tao cũng chịu thua. Thằng nào cũng mang sao, toàn là cấp tướng. Cóc có thằng nào chịu mình binh nhì.
- Sếp gì mà coi lè phè quá trời. Quần áo rộng rinh, giống tân binh quân dịch.
Ở một góc khác của đám đông, đề tài có vẻ nóng bỏng hơn:
- Hắn vừa nói cái gì? Tai tao nghe lầm chăng? “Trong thời gian tới sẽ dựng hội trường, làm nhà, học tập chính sách.” Vậy tức là mình còn ở đây dài dài?
- Mày đâu có nghe lầm. Nhưng ở đây bao lâu nữa thì phải hỏi nó chứ sao lại hỏi tao.
Một tù nhân giơ tay xin phát biểu ý kiến:
- Thưa anh thủ trưởng, xin anh trả lời cho chúng tôi biết, phải chăng có chuyện lầm lẫn về vấn đề thời gian? Ủy ban quân quản đã ra thông cáo nói rằng chúng tôi chỉ phải đi học tập mười ngày mà giờ này đã là tuần lễ thứ tư...
Tên thủ trưởng nở nụ cười khó hiểu, nửa trông nham hiểm, nửa như cười thương hại bọn tù nhân ngây thơ. Sau đó hắn nghiêm mặt trả lời:
- Để rồi tôi sẽ phản ánh việc này lên để trên giải quyết. Tạm thời bây giờ tôi tiếp tục tiến hành chỉ thị của trên là thu tiền ăn mười ngày của các anh để sẽ lo lương thực cho các anh bắt đầu từ ngày mai.
Ngừng một chút, hắn tiếp:
- Các anh nhà trưởng có nhiệm vụ thu tiền ăn của mỗi người trong nhà mình và đem nộp cho tiểu đoàn ngay hôm nay. Nhớ lập danh sách rõ ràng những ai không nộp tiền ăn.
Và hắn cho lệnh giải tán. Tan hàng xong, mọi người bắt đầu nhốn nháo. Kẻ móc túi, người nhét tiền vào túi giùm “cách mạng.” Cảnh đếm tiền, thối tiền lại diễn ra giống như một cái chợ. Kẻ nhát gan thì nộp đủ số tiền nhà nước đòi hỏi, ngươi to gan lớn mật lắc đầu nguầy nguậy:
- Cứ thử không đưa xem tụi nó làm đếch gì được tao. “Cách mạng” dặn tao tự túc lương thực sao lại còn bắt tao trả tiền? Lột nhau kỹ thế, cướp cạn à?
- Câm cha cái mồm mày đi! Bộ muốn tụi nó nhốt đến mãn đời hay sao mà chửi vung vít lên? Nín thở qua sông cho rồi. Tao chịu cảnh này hết nổi, bực bội trong người quá, lại thêm cái màn “khảy đờn” mỗi đêm, ngủ ngáy gì được đâu.
oOo
Ngày thứ ba trăm sáu mươi lăm.
Đôi ba tù nhân vừa cắt tranh về, áo quần ướt đẫm vì mồ hôi lẫn nước mưa. Người nào người nấy mặt mũi, tay chân lấm lem do đất trộn lẫn với tro của những khu rừng bị cháy rụi. Họ liệng đánh phịch những bó tranh được cột vào nhau xuống đất, đứng thở một hồi lâu. Người này xắn tay áo lên, kẻ kia giơ ống tay áo bẩn và rách bươm lên nhìn vào cánh tay mình. Ở đó nhiều vết xước đủ hình dạng và đủ kích thước, chỗ nông, chỗ sâu, ửng lên màu đỏ tươi.
Một người tặc lưỡi:
- Phải chi gãi được thì đã biết mấy...
- Lỡ gãi cho nó tóe máu là vô phương lành nghe mậy. Tốt nhất là đi hơ lửa.
- Hơ lửa thì chỉ được hai cái tay hay cùng lắm là lưng quần, hai ống quyển. Cái ót cũng ngứa chịu không được.
- Mình nghỉ một chút rồi đi tắm, nghe?
Người kia trả lời:
- Còn phải bện nữa. Không đủ chỉ tiêu là bị bắt làm thêm giờ chứ chơi sao. Tao không thích nhịn đói làm phụ trội.
Một người bước vào gian nhà tranh, định tới bên giường nằm của mình tìm cái gì đó, khi đi ngang chiếc mùng giăng kín mít bỗng dừng lại:
- Ê vua ghẻ, mày làm cái giống gì mà ở hoài trong đó?
Người nằm trong mùng cười hềnh hệch, đáp lại:
- Tao đang ngâm thơ cụ Hương đây.
- Thơ gì?
- Ngồi buồn gãi háng d... lăn tăn.
- Vậy sao? Bữa nay thấy đỡ hơn chưa?
- Đỡ mẹ gì, càng ngày càng tệ!
- Mày có xin thuốc gì xức không ?
- Thuốc “khắc phục.” Nó bảo tao ngâm nước muối. Càng ngâm càng thấy lở thêm, lở trên lở dưới, chỉ còn chừa có cái mặt để tao còn nhận ra tao trong gương thôi.
Người đứng ngoài cười khẩy, nói thêm một câu trước khi bước về phía giường hắn:
- Còn bày đặt soi gương! Con vợ mày mà gặp lại mày ngay bây giờ chắc cũng phải chạy xa cả thước.
- Được vậy còn phước. Sợ tao bỏ xác ở đây chỉ vì cái thứ bệnh quái quỷ này quá...
Nắng bỗng lên, mặt trời chui ra khỏi mây nhìn xuống đám tù nhân lố nhố bên dưới cười thông cảm. Toán đi cắt tranh khi nãy lục tục kéo nhau ra sân ngồi bện tranh thành tấm. Người đang làm việc thì sợ ánh nắng mặt trời làm họ chảy mồ hôi. Càng ra mồ hôi, cơ thể họ càng nhớp nháp làm những chỗ đứt, trầy trụa trở nên bỏng rát thêm. Lại gặp phải cỏ tranh, thứ cỏ lá dài và có răng cưa li ti, không ai chịu được sự ngứa ngáy do loại cỏ đó gây ra.
Trong lúc đó, những người đang nằm trong mùng mừng vô hạn khi thấy ánh nắng. Họ bò ra khỏi chỗ, lết tới đứng vịn vào lớp hàng rào ngăn lối đi và vườn rau. Họ đang làm những con nhộng, phơi trần tất cả các phần thân thể ra giữa trời. Chẳng ai cảm thấy xấu hổ cả. Chỉ có cách tiêu diệt phần nào đỡ phần nấy những con vi trùng, những con cái ghẻ đang bám trên cơ thể họ bằng ánh nắng mặt trời thôi, ngoài ra làm gì kiếm được thuốc chữa trong giai đoạn này. Vả chăng, chỉ có giống đực với nhau, ngại gì kia chứ?
Để giết thì giờ, những kẻ đồng bệnh bèn gợi chuyện:
- Mới hai tuần trước còn thấy ông đi lao động mà?
- Đúng vậy. Đùng một cái nó nổ ra tung tóe đỡ không kip.
- Phơi đã chứ?
- Không có gì quý hơn được phơi tự do ! Hồi xưa tôi cứ chửi mấy thằng Tây no cơm ẩm cật, bày trò trở về với thiên nhiên. Nay nhờ có “cách mạng” tôi mới thấy bọn mình được dịp làm người Tây phương theo kiểu không cần quần áo.
Người vừa nói xong câu đó bỗng quơ tay như muốn chụp bắt vật gì.
- Nhưng chỉ chào thua mấy con ruồi. Sao mà chúng nó đánh hơi khá quá, hở ra là chúng bu lại.
Rồi hắn cười thương hại, nhìn theo con ruồi bay đi đậu lên hàng rào:
- Tao cũng còn đói, huống chi mày...
- Ông bạn nè, hồi xưa ông có đọc cuốn sách dành cho con nít mà trong đó có một nhân vật mang biệt danh Vọng ghẻ Tàu chưa?
- Có. Rồi sao?
- Tụi bạn của thằng Vọng cho rằng Mã Viện mang thứ ghẻ này qua Việt Nam nên gán cho nó cái tên ghẻ Tàu. Ông nghĩ thứ ghẻ này cũng là tàn dư của Mã Viện?
Người nọ lắc đầu:
- Ghẻ Tàu sao được? Con cháu Mã Viện ở ngay trong lòng thủ đô Sài Gòn bao nhiêu năm mà có ai thấy chứng ghẻ tràn lan như bây giờ đâu?
- Cái bệnh quái đản! Lẽ ra, nếu như “người anh em” chơi đẹp thì đã phát cho tụi mình xà phòng đen để làm cỏ ba con cái ghẻ..
- Đào đâu ra xà phòng đen? Dân Sài Gòn còn bị ghẻ nữa huống hồ gì tụi mình. Tôi mới nghe gia đình nói lại như vậy. Ông có nghĩ là tại mình ở bẩn mà sanh ghẻ không?
- Ở bẩn thế nào được? Ngày nào lại không tắm? Nhưng càng tắm càng chết. Này nhé: nước độc, nhựa cây độc, gai góc có mủ độc, thiếu dinh dưỡng... Bữa cơm, bữa khoai bắp, cả năm mới thấy một miếng thịt heo bằng ngón chân cái thì cơ thể lấy gì chống đỡ lại vi trùng? Làm gì có cái bàn hòa đàm Paris trong cơ thể mà hòng thằng yếu thắng thằng mạnh!
- Vậy ông muốn bảo rằng đây là loại ghẻ thời đại?
Người nọ nhìn quanh một vòng xong rồi trả lời:
- Ghẻ Hà Nội chứ gì nữa. Không có quý ngài đó vào đây năm bảy mươi lăm thì đâu xảy ra cớ sự!
Nói dứt câu, hắn ta ngẩng mặt nhìn trời cười khoái trá như một kép hát đang thủ vai Thành Cát Tư Hãn. Nhìn lâu quá nên sau đó hắn nhảy mũi liên tiếp mấy cái.
- Ông bạn có thấy tên trông như người Đại Hàn đang đứng ở cuối rào phơi nắng kia không?
- Ai vậy?
- Nguyên vô địch nhu đạo Đông Nam Á đó. Giờ này tả tơi như cái mền. Cũng mang hỗn danh vua ghẻ như ai.
- Nghe danh anh ta từ lâu, nay mới biết mà tiếc quá, người hùng đã thành kẻ ruồi bu.
- Có đồ sộ như mấy thằng chơi wrestling trên băng tần số mười một thì giờ này cũng gục như thường ông ơi.
oOo
Ngày thứ vài ngàn.
Tù nhân bị bệnh tập trung vào hội trường để được y sĩ “cách mạng” cho thuốc. Đứng ngoài nhìn vào, chỗ đó giống như một nhà lồng chợ. Kẻ đứng người ngồi hoặc chống gậy đi đi lại lại, nhìn nhìn ngắm ngắm. Y sĩ là một tên lùn tịt, mặt búng ra sữa, mặc đồ trận theo thời trang của năm bảy mươi lăm, chân đi dép lốp xe hơi và không đeo ống nghe trước ngực. Lần nào như lần nấy, khi đi cho thuốc người bệnh, hắn cẩn thận yêu cầu một bác sĩ tù đi kèm. Ông bác sĩ này trước đây phục vụ tại một bệnh viện tiểu khu, từ ngày vào rừng được giao cho công tác sưu tầm và nấu thuốc nam kiêm soạn sách y khoa liệt kê các loại thuốc tây phiên âm ra tiếng Việt, theo kiểu “pê-ni-xi-lin, xì-trếp-tô-mi-xin...” cho các y sĩ từ miền Bắc vào dễ đọc hơn, cùng công dụng của các thứ thuốc đó. Mỗi khi sắp hạ bút ghi vào sổ, chú y sĩ thường kề tai ông bác sĩ nói nhỏ một câu gì đó. Hễ ông bác sĩ gật đầu là mắt chú y sĩ sáng hẳn ra, tay ngoáy cây bút nhanh như chớp trên tờ giấy. Cuối giờ cho thuốc, bao giờ chú ta cũng dặn ông bác sĩ: “Tí nữa anh lên gặp tôi nhé!”
Thủ tục tiến hành hôm nay không khác gì những ngày trước đó. Tù ghẻ được hỏi tên để ghi sổ và được phát một lọ thuốc đỏ dùng thoa da. Tù “liệt sĩ” và tù phù thủng kém may mắn hơn, chỉ được cho nuốt một viên thuốc bé tí xíu màu hồng thường được gọi là “thuốc động viên,” rồi sau đó phải nghe lời khuyên nên chạy tới chạy lui lăng xăng và nên lấy cám gạo mà nấu uống hoặc ăn cho có sinh tố. Bỗng dưng, tù ghẻ được lệnh ngồi lại chờ cho tới khi chấm dứt cuộc cho thuốc.
Chú y sĩ đuổi tù “liệt sĩ” và tù phù thủng ra khỏi hội trường xong, lục lấy trong ba lô ra ít lọ thuốc chích trụ sinh, một ít gòn, một lọ thuốc đỏ và hai ống chích. Lần lượt, từng người tù ghẻ được gọi tên tiến tới trước mặt hắn. Họ phải sắp hàng một, khỏi cần vén tay áo lên vì hầu như không ai mặc quần áo gì mà chỉ quấn quanh bụng bằng cái khăn tắm hoặc tấm vải trải giường. Ghẻ lở đầy người, chỗ nào cũng mưng mủ, ngứa ngáy, đau rát nên chỉ còn cách dẹp áo quần sang một bên, trần truồng được càng tốt. Chú y sĩ vừa rút thuốc từ lọ vào ống chích vừa gãi lấy gãi để, bộ dạng như sắp sửa đến ngày chính chú ta phải được chích trụ sinh như đám người đang xếp hàng kia. Tay giơ ống chích lên, tay cầm miếng gòn tẩm thuốc đỏ để sát trùng thay cồn, chú ta quát tháo luôn miệng:
- Các anh đứng xa tôi ra xem nào. Đừng chạm vào người tôi!
Mũi kim vừa mới đâm vào cánh tay người tù ghẻ thì chú y sĩ đã vội rút ra, không hiểu có tí thuốc nào lọt được vào thớ thịt chưa.
- Đến lượt anh kế tiếp!
Cứ thế, chích mãi mà thuốc vẫn còn trong ống. Nhưng lạ nhỉ, người nào bị ghẻ có mặt tại đó cũng đều được chích. Ông bác sĩ tù thấy vậy xòe bàn tay ra trước mặt như đang thề trung thành tuyệt đối với tổ quốc xã hội chủ nghĩa:
- Khoan đã anh!
- Cái gì thế?
- Tôi đề nghị thế này: Anh chọn ra một vài người bị nặng nhất mà chích cho mỗi người một ống nguyên. Chứ chích như thế này sẽ chẳng ai khỏi bệnh cả mà lại thêm quen thuốc, khó chữa hơn.
Chú y sĩ dừng tay lại suy nghĩ. Bình thường hắn vẫn xem ông bác sĩ tù như sư phụ, nhưng hôm nay hắn cho rằng ông bác sĩ này sai đường lối, bèn trả lời
- Anh nói thế mà nghe được à? Ai cũng như ai, tất cả đều bình đẳng trong xã hội mới. Người nào cũng được chích một tí trụ sinh, thế mới công bằng chứ!
Vài người tù ghẻ rời khỏi hàng bỏ đi ra ngoài hội trường. Vừa đi họ vừa cởi phăng tấm vải quấn ngang bụng, đưa những cặp mông ghẻ lở về đằng sau.
NGUYÊN NGHĨA
(tuyển tập truyện ngắn “Chờ chết” [“Waiting for their names to be called”], đã xuất bản, 1989) |