SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Hãy Cứu Sống Người Vượt Biển


Photo: https://en.wikipedia.org/wiki/

Lời Giới Thiệu:

Tháng Tư năm nay, 2025, là năm thứ năm mươi, đúng nửa thế kỷ của hơn 3 triệu người Việt lưu vong xa xứ!

Phong trào Thuyền Nhân, dịch từ tiếng Anh, Boat People, mà thế giới đã đặt tên cho những người Việt Nam dũng cảm bỏ nước ra đi sau tháng tư, 1975 bằng những con thuyền nhỏ bé đơn sơ nhất. Họ đã dùng đôi chân của mình để biểu hiệu như một lá phiếu, một hình thức đối kháng trước sự áp bức của một chính quyền chuyên chế, bất nhân tại Việt Nam. Họ đơn độc đối diện với đại dương đen thẳm trước mặt để đi tìm tự do dù biết rằng phải phó thác sinh mệnh của chính mình cho sự rủi may ở chốn biển sâu. Bởi vì họ đã mất tất cả và bây giờ không còn gì để mất nữa. Theo sự phỏng đoán có khoảng nửa triệu thuyền nhân Việt đã bỏ mình trên đường vượt biển vì sóng gió, bão táp, cạn kiệt lương thực, giết chóc từ hải tặc, và bị xua đuổi ra khơi từ những nước vùng Đông Nam Á.

Tháng 11 năm 1978, ông Võ Văn Ái và tạp chí Quê Mẹ ở Paris đã đứng ra khởi xướng chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” để cứu vớt thuyền nhân ở biển Đông. Theo ông Ái cho biết: “Vào lúc Uỷ ban “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” chính thức ra đời ngày 27 tháng 11 năm 1978, chúng tôi thu nhận được 160 chữ ký của các nhân vật nổi danh hậu thuẫn chiến dịch. Danh sách bao gồm các siêu sao điện ảnh, nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo, nhà hoạt động công đoàn, và chính giới đủ mọi khuynh hướng — đọc lên như cẩm nang Who’s Who các nhà văn hoá Paris: Yves Montand, Brigitte Bardot, Simone Signoret, Simone de Beauvoir, Mstislav Rostropovich, Eugene Ionesco, Lionel Jospin, Michel Rocard, Jean Lacouture (nhà văn viết tiểu sử Hồ Chí Minh), Michel Foucault, Claude Mauriac, Olivier Todd, Jean François Revel, Bernard Kouchner…
Lần đầu tiên, kể từ năm 1945, hai triết gia đại thụ của Pháp, nhưng thù nghịch không đội trời chung, người phóng khoáng Raymond Aron và Jean-Paul Sartre, có thời biện hộ cho Staline — gặp nhau nơi lời kêu gọi cứu sống những nạn dân của chế độ độc tài toàn trị Hà Nội.

Xin đọc đầy đủ chi tiết về con tàu “Đảo Ánh Sáng” (Île de Lumière), một kết quả thành tựu trong công cuộc vận động quốc tế “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” của Quê Mẹ theo link dưới đây:

http://www.bienkhoi.com/so-90/dao-anh-sang.htm

Và xem những hoạt động của tạp chí Quê Mẹ ở Paris, một trong những tờ báo đầu tiên của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại sau tháng tư, 1975:

http://www.bienkhoi.com/so-78/nho-ve-tap-chi-que-me.htm

Trong bùi ngùi thương tiếc, tưởng niệm hàng trăm ngàn sinh linh thuyền nhân người Việt đã bỏ mình ở biển Đông nửa thế kỷ trước, và sự tin tưởng vào lý tưởng tự do của bất cứ người Việt nào, ở bất cứ nơi đâu, Văn Nghệ Biển Khơi xin đăng lại dưới đây bài Diễn văn khai mạc của ông Võ Văn Ái (1935 – 2023) trong cuộc Họp Báo Quốc tế mở đầu chiến dịch đầu tiên trong thế giới nhằm Cứu sống Người Vượt Biển, và quyên góp thực hiện « Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam » — tàu Đảo Ánh Sáng, Ile de Lumière — ra Biển Đông vớt người Việt đi tìm tự do. Chiến dịch do Quê Mẹ khởi xướng và tổ chức cùng với các thân hữu Pháp tại Hôtel Sofitel ở Paris ngày 22.11.1978. Bài diễn văn bằng Pháp ngữ đã được ông Võ Văn Ái chuyển dịch sang tiếng Việt dưới đây.

VNBK

Hãy Cứu Sống Người Vượt Biển.

Đây là lý do nhân đạo. Lý do lương tâm con người. Sự cấp cứu của qúy vị là động tác sống tiếp nối sự sống. Nhìn 163 chữ ký dưới bản văn kêu gọi « Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam » qúy vị sẽ hiểu ngay lời tôi vừa nói. Tất cả những tranh luận vì chính kiến, vì tư tưởng hay vì tôn giáo đều im bặt khi bước vào ngưỡng cửa sự sống. Thực đúng là tâm trạng cấp cứu của kẻ thấy một người đang chết chìm trên sông Seine, sông Hudson, sông Tamise, sông Cửu Long... Người cứu đã quên danh tính, chức nghiệp, tư tưởng, họ chỉ nghĩ điều duy nhất : một sự sống đang chìm cuốn vào dòng nước, và sự sống còn mạnh mẽ nguyên vẹn của người trên bờ phải tiếp cứu như một gạch nối cho sự sống kia nhoi lên.

Suốt lịch sử 4000 năm Việt Nam, chưa lần nào người Việt bỏ nước ra đi như ngày nay. Bởi vì dân tộc Việt Nam đa số là nông dân, họ sống với đất, với trời, vớỉ nền tín ngưỡng thờ cúng ông bà. Tín ngưỡng này là sợi giây vô hình gắn bó cột dính họ vào mẩu đất nơi họ sinh ra. Bỏ ngôi nhà của tổ tiên, bỏ làng xóm ra đi, là cắt đứt với nền tín ngưỡng cổ truyền, là chối bỏ nòi giống, là phản chống cuộc sống văn minh nước mình. Những bạn có dịp đến thăm Việt Nam đều thấy bàn thờ tổ tiên được thiết nơi gian phòng chính trong mọi gia đình. Khi một trẻ em Việt sinh ra, người mẹ lấy nhau con bỏ vào trách đất chôn ở góc sân nhà, dưới máng xối nước mưa. Làm như vậy, người mẹ nghĩ rằng : nước mưa sẽ tưới mát con suốt đời, và đất mẹ sẽ bảo bọc con mình. Đứa trẻ nhẫn vào lòng đất mẹ, tiếp nuôi sự sống và văn minh Việt.

Mỗi người Việt là một cây đại thụ mang hai đầu rễ. Rễ bám lấy mảnh đất quê hương nuôi sống cây. Và rễ kia vói trời gọi xanh về cho lá, níu gió và trời, đón nhận, thu hút ánh sáng các nền văn minh thế giới. Mỗi người Việt là một cõi mở, khát khao hội thoại toàn cầu. Song họ nhất thiết không chịu bứng gốc, rời xa đất tổ. Vì họ không muốn đốn cây đại thụ.

Thế mà ngày nay họ đành phải bứng gốc ? Người ta nói tới 200.000 người bỏ nước theo các chiếc tàu Mỹ ra đi sau ngày 30-4-75 là bọn giàu có sống nhờ chiến tranh, bọn tướng lãnh, chính trị gia tham nhũng, bọn « tay sai đế quốc ». Điều này chỉ thực ở số ít. Số lớn ra đi vì bất đồng chính kiến. Họ không trốn. Họ chống. Và họ biết rằng thế giới gọi là tự do đã bỏ rơi họ, thế giới tự do đã chạy theo sự tuyên truyền phù thủy của những người Stalinit việt nam. Vấn đề không chỉ có 200.000 người chạy thoát Việt Nam ngày 30-4-1975, vấn nạn chính yếu là ngày nay, mỗi tháng có hàng chục nghìn người vượt biển bằng thuyển. 30%, 50%, 70% chết trên đại dương vì nạn hải tặc, vì lính tuần cảnh cộng sản hay Cam Bốt bắn chết, hoặc vì các tàu buôn ích kỷ không áp dụng luật hàng hải vớt họ. Bao nhiêu phần trăm đã chết thảm trên biển ? Bản thống kê chính thức sẽ lập thành, khi loài cá mập biết sử dụng kỹ thuật thông tin học của chúng ta.

Tại sao người Việt Nam Vượt Biển ra đi ? Câu trả lời đơn giản đã được những người Bạn ly khai Liên Xô và Đông Âu trả lời : chế độ Stalinit biến quốc gia thành quần đảo ngục tù (goulag), nhà thương không chữa bệnh mà gieo bệnh, « lao động vinh quang » là danh từ che đậy chủ nghĩa hút máu vampirisme mới, và trong tất cả sự nô lệ con người dưới chế độ cộng sản stalinit, nguy hiểm nhất là sự nô lệ tinh thần. Con người nhìn, nhưng không được thấy, nghe nhưng không được hiểu, nói nhưng không được phát biểu, làm nhưng không được hành động.

Đối với người Việt Nam Vượt Biển, câu trả lời còn bi thiết hơn : rời bỏ mảnh đất của ông bà tổ tiên ra đi vì người Việt mất quê hương ngay trên chính quê hương họ. Ra đi bốn phương trời để tìm mảnh đất quê hương. Và họ tin tưởng rằng họ sẽ tìm thấy quê hương giữa trái tim loài người.

Tôi xin qúy vị hãy nhân danh thế giới mở rộng trái tim đón họ, cho họ một mẩu đất làm quê hương.

Xin qúy vị hãy tưởng tượng những người cùng đinh ấy ra đi chẳng hề biết nơi chốn tới. Biển cả mênh mông, con người như hạt cát, như bọt nước, như mũi kim. Tự do mang cùng nghĩa với nỗi chết hãi hùng biết trước. Đoái hoài tới thân phận họ, là qúy vị mở ra cánh cửa vô hình cho sự sống và tự do. Bởi niềm tin họ là thế giới.

Xin qúy vị nghĩ xem, chỉ riêng vùng Kuala Tren-ganu trên bờ biển Mã Lai Á, mỗi giờ có 55 người vượt biển, mỗi ngày là 1.320 người. Họ đi như thế nào ? — Có người ghép ván vào 40 thùng dầu trống, đang đêm kéo buồm ra đi. Có người vượt biển bằng chiếc ghe đánh cá, ra đi 18 người, nhưng chỉ một người tới bờ. Ghe đã bị bọn hải tặc cướp phá, chém giết bằng dao và búa tạ. Người bị phát đạn vào cánh tay phải, và bị bọn cướp hất xuống biển, anh giả chết, nằm nổi cho đến khi bọn cướp ra đi, mới trèo lên thuyền định hướng tìm về vùng đất tự do. Khi tới Pháp thăm chúng tôi, cánh tay còn băng bó.

Một trường hợp khác điển hình cho tình trạng của những người vượt biển : 84 người chen nhau trên một tàu đánh cá nhỏ. Họ chuẩn bị chuyến đi từ 8 tháng. Mua từng lít dầu, chuyển vận về địa điểm gần biển, chôn dưới cát. 84 người cùng cải trang, vượt qua các đồn gác giả dạng về quê thăm gia đình. Giờ hẹn là một đêm không trăng, không gió lớn, biển không động, tàu có thể xuôi giòng sông ra biển... Rồi vì cớ này hay cớ khác, những rủi ro nhỏ, những trục trặc vào phút chót, hai lần tới nơi hẹn, hai lần bỏ cuộc. Đường về lại nơi mình cư ngụ gay go hơn đường lên trời. Có bao nhiêu hạt mồ hôi là có bấy nhiêu nỗi lo sợ, thất vọng và tuyệt vọng ! Họ thử lần thứ ba, phó mặc cho định mệnh, và nghĩ rằng dù sao cũng một lần chết. Chết tức thì cho định mạng trên đường hay chết mòn bằng sự sống bóp nghẹt của một chế độ cũng như nhau thôi.

Lần thứ ba yên thấm, nhưng biển động. Tất cả đồng lòng quyết định : tới đâu hay đó. Họ thoát khỏi các vọng gác. Lúc tàu ra tới khơi xa, chân vịt bị gãy. Họ ngừng trong lo sợ, không biết bọn tuần cảnh duyên hải đứng gác đâu đây. Mọi người lâm râm cầu nguyện, tiếng niệm Phật Nam Mô Quan thế âm Bồ tát, tiếng kinh cầu Đức Mẹ Maria,... có người tự hứa nếu thoát hiểm « tôi sẽ chừa hút thuốc », « tôi sẽ cạo đầu », « tôi sẽ ăn chay trường trai », « tôi sẽ hiến thân cứu nước cứu dân »... Bao là lời hứa khi lâm nạn !

Suốt đêm họ lội tháo chân vịt sửa chữa dưới ánh sao, và loài cá lân tinh. Sáng hôm sau, không hiểu vì lẽ gì, bình khí bị thoát hơi, máy tàu tê liệt. Những thanh niên phá gỗ trên bục tàu làm chèo qua đại dương mênh mông sóng vỗ ! Thật khác xa với nhịp chèo đua giữa sinh viên hai đại học Oxford- Cambridge ! Thưa qúy vị, họ chèo giữa đại dương như vậy suốt nhiều ngày. Nước ngọt cạn. Chi đủ một số giọt dành thấm lên môi các trẻ nít. Nắng nhiệt đới trên biển đập xuống da người từng cái tát chát chúa. Và qúy vị có thể tưởng tượng rằng 52 chiếc tàu đã lướt qua, chẳng có chiếc nào chịu ngừng lại vớt họ ?

Một vị sư bèn cổi chiếc y vàng cắm lên tàu làm buồm. Trong cơn lâm nạn, ông ta nhớ tích Cây Nêu khi Phật phất áo cà sa đuổi ma qủy và cứu người. Nhưng chiếc y vàng trên đại dương đưa 84 ngưởi về bến nào ? Họ vùi dập trên sóng, thân người nằm rũ rượi, la liệt. Nhà sư bỗng nẩy ý đề nghị : chắc là chết, tôi xin một thùng dầu trống, viết một bức thư S.O.S. cột vào ngực, rồi ôm thùng nhờ sóng đưa đi, may tắp vào bờ gọi người ra cứu. Thùng dầu trên sóng cho một người, dù sao cũng đi chóng hơn. Tất cả phản đối : ra đi 84 người, chết cùng chết, sống cùng sống ! Chúng tôi không đồng ý. Vị sư đau lòng vì không thể đem thân mình hiến cho mọi người. Ông nghĩ kế khác, ông hỏi một người đàn bà : « Chị có gương soi không ? Cho tôi mượn ». Người đàn bà móc túi lấy một mảnh gương đã rạn nứt đưa nhà sư. Ông trèo lên chỗ cao nhất trên tàu, dù đói xỉu, ông cố rướn người, tay cầm chiếc gương chiếu vào mặt trời.

Phép lạ xảy ra : cách đó mấy cây số, chiếc tàu thứ 53 thấy đóm sáng lấp lánh chiếu lên khi yếu ớt, khi tới tấp. Sau đấy họ thấy một khuôn vải vàng phấp phới trên mảng tàu bé xiú. Chiếc tàu thứ 53, không biết phép lạ nào đã ngừng máy vớt 84 người Việt Nam sắp chết này lên. Ta hãy gọi phép lạ đó là lòng nhân đạo hay tình huynh đệ.

Hôm nay, tôi đứng đây, đại diện cho 84 người đó, đại diện cho 55 người vượt biển tới mỗi giờ trên bờ biển Mã Lai Á, đại biểu cho những cuộc sửa soạn ra đi trên những chiếc tàu 15 người, 38 người, 108 người... đã, đang hay sẽ tới. Tôi xin cất một lời rất nhỏ xin qúy vị ngồi trong căn phòng này hãy trao tặng cho tôi một chùm PHÉP LẠ kia, lòng nhân đạo kia, tình huynh đệ kia.

Tiếng nói của qúy vị phóng lớn trên đài phát thanh, bài viết của qúy vị trên trang báo, có giá trị và mãnh lực một trận gió, thổi đưa những chiếc tàu như lá mong manh kia sớm tới bến bờ tự do. Ở đây và ngay bây giờ, tôi tha thiết xin qúy vị hãy làm hết mọi sự để cho chúng tôi « MỘT CHIẾC TÀU CHO VIỆT NAM ». Xin hãy xem tôi như một người bạn, qúy vị sẽ cảm thấy tự nhiên, dễ dàng như mua một món quà sinh nhật tặng tôi. Và quả thực hôm nay là ngày sinh nhật tôi : tôi vừa thoát khỏi thế giới loài vật (sub-humain) của một thể chế độc tài tàn bạo để thác sinh vào thế giới của loài người, ở đó con người có quyền bình đẳng ăn nói phát biểu. Bằng cớ là tôi đang được qúy vị cho phép tôi bộc bạch khai mạc cuộc hội báo hôm nay.

Tôi xin cảm ơn qúy vị, cảm ơn 163 bạn hữu trong thế giới đã ký tên như ký một trát lệnh trả tự do cho dân tộc tôi.

Paris, 21.11.1978
Võ Văn Ái
Quê Mẹ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025