SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Ga đêm quạnh quẽ

(trích Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối)

Trần Hoài Thư

Khu máy nước, xóm đường rầy, nhà ga xe lửa. Những dãy nhà mọc lên chi chít như bàn cờ, bên cạnh những đống rác nhão nhoẹt dưới những trận mưa mùa đông. Rác, rác ngập bốn bề, trong lòng sân ga quạnh quẽ, rác nổi lên giữa những toa tàu xám đã bị bỏ quên từ một ngày binh lửa. Cũng như những chiếc đầu máy đã nằm yên trong dãy cơ xưởng và những đống vỉ sắt chồng chất trên bãi cỏ dại, chưa một lần được bốc đi về một chân trời xa. Ở đây là một cõi lãng quên. Ở đây, có những người chờ đợi một ngày như những đầu tàu bỏ không chờ ngày hú hồi còi vạn lý. Ở đây, chiến tranh không đến, nhưng chiến tranh bủa xuống ngậm ngùi. Sân ga năm nào, cột đèn vàng, người phụ việc đội mũ kê-pi, hành lang thăm thẳm, vang động gót giày, những bàn tay vẫy, những nụ hôn ràn rụa. Con tàu huýt hồi còi trong sương...Tất cả đều bay miệt mù tăm, để lại bây giờ một bãi nghĩa địa hoang phế.

oOo

Có một người thanh niên trở về khu máy nước như một kẻ bí mật. Chàng xuất hiện trước ngôi nhà cạnh đường rầy vào một đêm mùa đông. Tay phải chàng mang chiếc xắc. Chiếc xắc độc nhất, bạc màu được vá víu bằng mảnh vải nhựa. Xắc nhẹ tênh. Một bộ quần áo và dăm bảy quyển sách. Một quyển vở bọc bìa nhựa, cái bàn chải đánh răng, và một chiếc khẩu cầm bé nhỏ. Rồi hết. Đó là cơ nghiệp của một thằng con trai lưu lạc trở về, sau những năm tháng miệt mài Trường Sơn chất ngất. Cửa nhà đóng kín. Gã cúi đầu yên lặng một chút, rồi đưa ta gõ cửa.

"Ai đó ?"
"Con".
"Ai?"
"Con! Tân đây"

Cửa mở. Người thanh niên đứng giữa khung cửa, dáng gầy guộc. Ông già, cầm chiếc đèn dầu soi lên:

"Trời ơi, thằng Tân. Mày về lúc nào vậy ?"
"Con mới về tức thì. Các cháu đâu?"
"Chúng ngủ hết cả trong phòng"
"Anh chị con đâu, ba"
"Cũng ngủ rồi"
"Sao đêm nay không có điện, ba"
"Tối nay điện cúp"

Ông già vẫn còn cầm chiếc đèn dầu hỏa. Vẫn cái dáng quen thuộc năm nào khi ông đứng trên sân ga, xách đèn lồng, vào một buổi sáng tinh sương, trước khi con tàu chuyển bánh. Những vết nhăn cằn trên vầng trán. Gió mùa đông bặt tung cánh cửa. Ánh dầu trở nên lập lòe.

"Sao con lại về tối vậy?"

Người thanh niên không đáp.Chàng bước vào nhà, đôi mắt quan sát từng đồ vật. Vẫn chiếc bàn cũ, vẫn tủ kính năm nào, vẫn những chồng báo kê trên chiếc bục nhỏ, vẫn những chiếc ghế bành độn rơm.

"Con về thăm nhà. Mai con đi"
"Sao lại đi sớm vậy? Ở lại vài bữa với các cháu. Chúng nhắc đến mày luôn"
"Con phải dời nơi này thật sớm. Về lại căn nhà này thấy ba bình yên là con mừng rồi"

Ông già bỏ chiếc đèn lồng xuống. Trời đổ cơn mưa lớn.

"Có lẽ bão"
"Con nghe đài nói bão ở Đà Nẵng. Má con đâu rồi ba?"

Ông già nhìn xuống đất. Mưa đổ đập lộp bộp trên mái tôn. Người thanh niên lấy bao thuốc.

"Mời ba điếu thuốc"
"Xem mày thay đổi nhiều quá..."
"Con thay đổi thế nào, thưa ba?"
"Mày nom già cằn già cỗi. Hình như đầu mày có tóc bạc rồi".
"Những ngày ở Trường Sơn, những ngày xuống dưới biển, vượt biên giới, ba xem, những ngày đó..."
"Tao biết. Nhưng quả thật tao không ngờ mày già đến độ tao muốn chảy nước mắt. Mày mệt mỏi lắm phải không?"
"Dạ, con mệt mỏi lắm rồi. Con đã trở về".

Ông già, bước đến phía chiếc bàn nước.

"Con uống cà phê. Ba pha cà phê cho con nhé?"
"Để con pha cho ba".
"Tao pha".

Người thanh niên nhìn lên trần nhà. Bóng cây đèn in trên vách tường vôi trắng. Tiếng thằn lằn kêu buồn bã ở đâu đó.

"Má con đâu rồi, ba?"

Ông già vẫn im lặng. Ông ta lui cui soạn tách, pha cà phê và đổ nước sôi.

"Má con đâu rồi ba?"

Ông già quay lại nhìn vào người con. Ông lắc đầu:

" Má con bỏ đi lâu rồi".
"Sao vậy, ba? " Người thanh niên la lên, hốt hoảng.
"Ba má không thể sống chung nữa. Con tha lỗi cho ba..."

Người thanh niên cúi đầu xuống, nói như muốn khóc.

"Vâng, con biết. Nhưng con không thể ngờ cái ngày trở lại như thế này. Chẳng thà con biệt tăm, biệt xứ, không về. Chẳng thà con buông xuôi đời con cho gió, cát, núi rừng, cho chiến tranh, đồng đội, cho súng đạn, hành quân... Ba làm sao biết trên chặng đường trở lại con phải trải qua bao nhiêu gian lao, khó khăn ghê gớm này không..."
"Ba vẫn không hiểu con nói gì".

Tiếng nói của ông già bị át bởi tiếng mưa. Mưa mùa đông. Trận bão rớt từ ngoài khơi eo biển bắt đầu thổi về ào ạt. Mái tôn thốc ầm ầm. Những miếng vải bạt ngoài hiên đập từng hồi cuồng nộ.

"Con mà biết một ngày như thế này, con sẽ không về đâu. Ba, cho con thưa một điều. Con khinh ba. Chính ba đã tạo nên gia đình này nhưng cũng chính ba đã phá bỏ gia đình này. Chỉ có đám con cái mới là những đứa đau khổ nhất”.
"Ba biết. Tại ba quá nhu nhược"

Ông ngừng nói, nhìn chăm vào đứa con trai.

"Bây giờ, con nom già quá. Da đen, má lại hóp. Ba nhìn con mà cứ ngỡ là một người lạ nào..."

Có tiếng dép kéo lê từ cầu thang. Ông già nói nhỏ:

"Dì con xuống"

Một người đàn bà cỡ trên dưới 40 tuổi xuất hiện. Bà mang bộ áo quần hoa tím, vải lụa. Nom bà sung mãn như một người thừa thãi sinh lực và vật chất. Người thanh niên cúi đầu chào.

"Thằng Tân, con trai đầu lòng của tôi đấy, mình".
"Thế à, anh mới về?"
"Vâng, con mới về"
"Anh đi lính, về phép ?"

Anh trả lời gượng gạo:

"Vâng, con về phép"
"Chừng nào anh đi?"
"Mai sớm. thưa dì"
"sao gấp vậy ?"
"......"

Người thanh niên lặng lẽ đốt thêm điếu thuốc. Khói thuốc xanh, lượn vòng bay trong thinh không. Một chiếc xe Honda băng qua con đường trước ngõ, tiếng máy lẫn trong tiếng mưa gầm thét. Trước mặt anh là người đàn bà sắc sảo: đôi lông mày cạo nhẵn thín, những móng tay sơn đỏ chót, và bộ quần áo bằng lụa mỏng sặc sỡ. Anh đoán bà ta làm sở Mỹ. Căn nhà bây giờ trở nên khang trang và đầy đủ tiện nghi hơn. Ngày nào tấm trần ủ mốc, những khung cửa sổ cũ kỹ, chiếc tủ gương chưa một lần đánh thêm nước sơn mới, bây giờ là những kệ ngăn đầy những bộ ly chén mua từ PX, những chai rượu trong tủ kính sáng trưng, những radio, pickup, con búp bê, hay tờ lịch Playboy... Anh đâm nhớ mẹ anh. Người đàn bà mỗi sáng mỗi chiều bưng gánh những rổ chuối, rổ hột gà bán buôn ngoài chợ. Người đàn bà hy sinh trọn tuổi thanh xuân cho chồng cho con chưa một lần thở dài một tiếng. Anh nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ khi tiễn đưa anh lên đường, những món quà nhỏ thăm nuôi khi anh là tân binh trong quân trường. Anh lại thấy gương mặt đen đúa, xấu xí như hai trái táo khô, như mang nặng nỗi bất hạnh suốt đời trên đôi vai. Bây giờ bà đã bỏ đi. Anh nhìn ra ngoài song cửa. Đêm tối bưng kín. Ánh đèn dầu hỏa của căn nhà đối diện vẫn còn thắp. Cơn mưa đột ngột đã dứt.

oOo

Anh ra ngoài hành lang. Bên kia con đường đất, cách hàng rào, Liên đang ngồi học dưới ánh đèn dầu. Mái tóc của nàng phủ ngập trên bờ vai. Và khuôn mặt của nàng lung linh dưới ánh đèn vàng vọt. Anh ngồi trên bậc thành xi măng lạnh lẽo. Căn nhà bên cạnh, đóa hoa quỳnh nhạt nhòa trong ánh đèn từ song cửa hắt ra. Anh vừa nghe một bản nhạc từ chiếc máy thu thanh. "...Tôi ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em thấy chăng mùa thu đã chết rồi..."
Tự nhiên, mắt anh muốn ràn rụa. Người ca sĩ, đôi mắt than chì mở lớn như một cô gái da đen man dại. Người ca sĩ, bước chân trần, ru ngủ bao cõi lòng phiền muộn, mang lại những nỗi buồn vui trong tuổi thanh xuân. Người ca sĩ nức nở mang mùa thu ly biệt, mang tình yêu và ngăn cách, mang cuộc chiến và râu tóc Trường Sơn... Ôi. còn anh, anh vẫn như thế này. Điếu thuốc được đốt lên. Đây là điếu thứ bao nhiêu, cho vơi đi bao nỗi sầu muộn lê thê của kiếp làm người Việt Nam. Trường Sơn, đỉnh cao chót vót. Bảy ngày gạo mang theo, bảy ngày gạo tiếp tế. Những bước chân thất thểu, những bộ áo quần trận tơi tả, chiếc áo ấm chưa giữ được hơi hướm cho những ngày mùa đông hàn thử biểu xuống đến mức tối thiểu, những viên đạn được bắn đi, những vỏ đạn rớt lại dọc đường, những lá thư viết không gởi. Gởi ai. Máy thu thanh nghe lúc dừng quân. Hòa bình, ngưng chiến, ngày sum họp mẹ con mừng tủi... Anh ngồi lặng yên ngắm nhìn mái tóc kề vai nhỏ bé. Liên bỗng hát theo. Giọng Liên cao. Anh đứng dậy qua nhà Liên. Anh vịn tay ở khung cửa nhìn vào. Liên thốt lên khe khẽ, như tiếng thốt bị nén lại, mà cõi lòng òa vở bão bùng. Anh hỏi nhỏ:

"Biết ai đây không, Liên"
"Anh Tân, anh về hồi nào vậy?"
"Suỵt. Coi chừng cả nhà dậy"

Liên rối rít lăng xăng:

"Mời anh vào nhà"

Anh cười:

"Anh vừa nghe em hát xong. Thật là một tiếng hát tuyệt vời".
"Anh cứ ngạo em hoài à".
"Không, anh khen em thật tình".
"Lâu lắm em mới gặp lại anh".

Và anh ném mẩu thuốc ra ngoài cửa. Anh nhìn lên trang giấy học trò. Hình quang phổ.

"Cho anh đoán nhé. Em học ban A phải không?"
"Dạ".
"Quang phổ có bao nhiêu vân? Mấy màu?"
"Anh lại đố em nữa à?"
"Anh hỏi vì anh quên. Năm, sáu năm rời Đại học, rời phòng thí nghiệm, bây giờ anh trả bài học về giáo sư hết cả rồi. Bây giờ chỉ có đêm nằm kích, ngày với trái khói, lựu đạn, có những hét hò xung phong, sát, chỉ có những gương mặt của dòng họ Y, Nay".
"Anh đi lính có khác".
"Anh thay đổi nhiều lắm, hở Liên?"
"Dạ".
"Em vẫn không thay đổi. Khi anh nghe em hát, anh cứ ngỡ ngày nào anh ngồi bên này nhà anh, đang dõi mắt nhìn em. Bây giờ em lớn hẳn ra, lại đẹp nữa".

Liên chớp mắt.

"Chừng nào anh hết phép?"
"Anh không có phép. Anh trốn đi. Nhưng mai anh sẽ dời đây sớm".
"Sao gấp vậy, anh. Ở lại một thời gian đi anh".
"Em không hiểu anh đâu".

Anh nhìn si dại khuôn mặt người nữ. Năm nào, anh làm một tên si dại, mở cửa mỗi ngày, mong chờ một tà áo trắng và vành nón nghiêng nghiêng.Năm nào, anh để lá thơ trong cuốn sách học, cho em mượn học bài. Năm nào, anh tỏ tình bằng đôi mắt qua bờ dậu, và em cũng đã trao lại cho anh bao nhiêu lời âu yếm. Khi em cứ ngồi mái tóc mun chảy, mà cửa mở cho anh. Khi em hát lên, giọng ca tuồng như chỉ dành riêng cho người con trai hàng xóm. Khi em theo anh về miền xa, để lần đâu tiên anh được hôn em, để biết được thế nào là hơi hướm của một người con gái...
Anh nói:

"Em ra ngoài đường rầy với anh một chốc nhé. Anh chỉ còn đêm nay bên em"

Đêm đã khuya. Hai người cầm tay nhau bước ra khu sân ga. Người thanh niên thầm thì:

"Bàn tay em lạnh".
"Em sợ anh".
"Sao lại sợ. Anh vẫn nhớ những đêm trăng, ngày còn nhỏ, hai đứa mình trốn cha trốn mẹ ra ngồi trên đường sắt..."
"Em cảm thấy sợ. Tại sao anh cứ biền biệt mù tăm. Khi trở về thì vội vàng bí mật, và khi đi thì gấp rút lạ lùng. Em không hiểu".

Gió đêm trở nên lạnh. hai người bước đi trên con đường đất ướt, đầy vũng nước. Hai bên nhà đã đóng cửa. Một con chó sủa khi hai người bước qua. Người thanh niên cười, siết chặt bàn tay người con gái:

"Nó sủa vì ghen chúng ta".
"Hay nó xô đuổi chúng ta ?"
"Cả hai. Trong thời chiến tranh mỗi người là một con mồi. Một là bị tròng cổ, dắt đi. Hai là trốn chạy rồi bị săn đuổi hoài. Con người còn thua cả con vật. Anh không hiểu sao khi người ta cầm lưỡi lê thọc vào tim, mổ gan, lấy mật, xẻo lóc từng mảnh thịt, người ta coi như là chiến công. Anh không thể hiểu tại sao lại có những thằng lính trẻ bị chết mà khẩu súng vẫn còn bị khóa vào ống chân...Anh đã quá mệt để nghe những mỹ từ, nhân danh... "

Hai người ra sân ga. Đêm dầy và hình như đã khuya lắm. Bầu trời đen tối. Những ánh đèn ở phía thành phố lấp lánh trên những building cao ngất. Dãy núi ngoài biển nhìn thấy bởi một dải ánh sáng nhòa nhạt trong hơi sương. Trên cao, con tàu chớp đèn xanh đỏ, rù rì một âm điệu bất tận. Một chuyến bay đêm. Hai người trẻ ngồi trên thanh sắt đường rầy. Trước mặt, bể nước vàng vọt dưới ánh điện. Anh nói:

"Bốn năm ra đi, khi trở về mọi sự thay đổi hết, từ cái sân ga này, đến khu xóm kia, từ người thân đến hàng xóm. Họ sống, như những cù lao cô độc, đầy những nghi kỵ và tham lam..".

Người con gái gục đầu trên vai anh, khóc:

"Còn em thì sao? Anh không biết, nếu khổ thì chỉ khổ những người ở lại mà thôi".
"Anh xin lỗi em".

Người con gái bỗng run:

"Em lạnh".
"Em mang áo ấm của anh đỡ một lát".
"Sao anh đi mãi hoài".

Người thanh niên quay mặt lại. Đêm tối mờ mờ làm anh không thể nhận ra cả khuôn mặt của người thân yêu. Anh chỉ nghe hơi nóng của người con gái. Anh chỉ nghe cánh tay, bờ vai mềm mại ở trên bờ vai của anh. Anh kéo đầu người yêu xuống và hôn ràn rụa vào mặt và môi của người con gái. Người con gái bấu chặt lấy vai người yêu. Các móng tay sắc bấu cào. Hai người lặng thiếp trong vòng tay siết cứng. Hai người ôm nhau như thể lần cuối được ôm. Được một lát, người con gái bỗng đẩy nhẹ người con trai. Nàng sợ không dám đi quá xa hơn.

"Em sẽ hát cho anh nghe. Anh chịu không?"
"Em ca đi. Rồi anh sẽ đọc cho em một bài thơ anh làm trên Trường Sơn". Người con gái bắt đầu hát. Một bản nhạc về tình yêu và ngăn cách: "Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay vi vu lời ca say...biết bao buồn vui, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu..."

oOo

Bây giờ chỉ còn lại người thanh niên, lặng lẽ ngồi trên con đường sắt. Anh đang ở giữa một cõi lãng quên cũng nên. Tiếng bánh sắt nghiến lăn trên con đường rầy, chiếc đầu máy thở khói phì phò, tiếng còi vang động cả vùng trời, bây giờ đã không còn nữa. Anh đã trở về cùng xóm cũ và sân ga xưa. Nhưng về để nhận ra con tàu nào đã đưa mẹ anh đi. Phương trời nào mẹ anh lao đao lận đận. Và cả anh nữa, cõi trời mù mịt nào để anh tìm đến ẩn thân như một chàng ẩn sĩ, để tìm bình an sau những năm tháng nổi trôi. Quê hương nào để anh tìm lại cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một đời người trẻ tuổi. Ở đâu? ở đâu bây giờ? Trước mặt anh các toa tàu vẫn nằm yên ngủ từ một ngày ly loạn, các đầu máy vẫn nằm lì trong góc tối của cơ xưởng, các con đường sắt vẫn yên lặng ngủ thiếp trong đám cỏ dại mọc lên tự do.

Còn ba anh, người xếp tàu của một thời xuôi Nam ngược Bắc, có còn xách đèn lồng mỗi buổi sáng, kiểm soát lại một chuyến đi, hay chờ đợi một chuyến đi. Của ai, của căn nhà phiền muộn.

Nhatrang 27-10-1970
(Văn 176,  15/4/1971)

(http://thuanquan.com/)