SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Lối thoát

Nguyễn Thế Hoàng

Nhà của Lộng Ngọc nằm cạnh bờ kênh nhỏ có dòng nước đục chảy lững lờ luồn lách giữa lòng thành phố. Hai bờ kênh nối liền bằng một cầu ván bắt ngang là phương tiện giao thông giữa hai quận của thành phố Saigòn.

Bên này cầu ván là một quận lớn của thành phố và bên kia là một quận ngoại thành tuy chỉ cách nhau một con kênh nước đen, nhưng nét sinh hoạt của người dân khác xa. Một bên là những cao ốc nhiều tầng, những ngôi biệt thự nguy nga, phố xá rực rỡ, người, xe dập dìu, sinh hoạt sầm uất. Bên kia là những túp nhà ổ chuột tối tăm thấp lè tè trong cuộc sống nghèo nàn trầm lắng của người dân lao động lam lũ.

Nhà của Lộng Ngọc, ngôi biệt thự nhiều tầng nằm cạnh bờ kênh nhìn ra hướng khu xóm nghèo bên kia dòng kênh. Lộng Ngọc có nét đẹp vừa phải của người con gái xứ Bắc, duyên dáng, nhu mì, khả ái. Khuôn mặt trái xoan, trầm uất  ẩn nét u buồn của một tâm hồn luôn hằn sâu chịu đựng. Khác với tôi, cô gái đồng bằng sông Cửu được sinh ra, lớn lên trong gia đình lễ giáo có truyền thống hiếu học.  Các anh chị đều được qua những trường lớp từ quê ra tỉnh. Tôi là con út lại được cha mẹ cưng chiều hơn, nên khi qua hết cấp trung học, tôi được lên Saigon tiếp tục con đuờng học vấn.

Trước năm 1975, tôi và Lộng Ngọc là sinh viên trường Luật. Tuy cùng trường, nhưng tôi và Lộng Ngọc chưa hề quen nhau. Sau tháng 4/1975, sinh viên trường Luật bị bắt buộc bỏ dở chương trình Luật, để chuyển qua Kinh Tế hoặc Sư Phạm. Không hẹn nhau, tôi và Lộng Ngọc lại được chuyển qua cùng lớp cùng trường Sư Phạm để rồi từ đó rất dễ dàng thân nhau bởi hợp tính tình, lối sống, những suy nghĩ, Tại Saigon, tôi trọ ký túc xá nhà trường trên tầng 2, qua khung cửa sổ nhìn xuống con đường phía trước có hàng me xanh rợp bóng. Tôi và Lộng Ngọc thường chia tay nhau mỗi lúc tan trường trên chặng đường rợp lá me thoáng mát ấy. Có lẽ tôi cũng xinh xắn, duyên dáng dễ thương nên thường được bạn bè khen, và cũng có những bạn tỏ ý thèm thuồng lẫn ganh tỵ. Còn Lộng Ngọc thì luôn nhắc ‘’điệp khúc ‘’ mỗi lần tạm chia tay trên đường về nửa đùa nửa thật :

- Khê Thủy này, mình hy vọng bạn sau này là chị dâu của tớ nhé. Bạn của tớ xinh đẹp mộng mơ như thế, tớ chỉ lo lo tên nào đó cuỗm mất đi thì thật đáng tiếc cho ông anh ‘’ế vợ’’ của mình.

Cứ thế, tôi thường e thẹn mắng yêu con nhỏ :

- Đừng nói tầm phào !  lo học hành đi đừng có ồn ào ba chuyện lẩm cẩm ấy chúng nó nghe được là ê cả mặt mũi chịu không nổi với chúng đâu.

Con nhỏ vẫn không tha, cứ lải nhải :

- Chẳng sợ gì. Tớ muốn xí phần trước được làm em chồng, chứ không thì...mấy cái đuôi bám sát hằng ngày bê mất.

Như một phản ứng tự nhiên, những lần như thế Lộng Ngọc lại liếc nhìn phía sau, khiến tôi cũng quay nhìn lại để lúc nào cũng phát hiện mấy ‘’cái đuôi’’ lù lù đang bám sát rất ư là đáng ghét. Anh chàng nào cũng thế mặt mũi cứ thộn ra rồi thậm thụt cười toe toét. Tôi hoảng sợ bước mau vào con đường nhỏ dẫn vào ký túc xá. Lộng Ngọc thì sượng sùng lầm lũi bước nhanh dưới hàng me xanh rợp bóng như một trốn chạy bởi những giọng nói, tiếng cười quái ác đuổi theo sau lưng. Đâu phải chỉ bây giờ, những cái đuôi ấy tôi đã nhìn thấy và rất hoảng sợ khi còn ngồi dưới mái trường Tống Phước Hiệp Vĩnh Long. Hoảng sợ trong một chút hãnh diện nào đó ở lứa tuổi mười sáu mười bảy thường được bạn bè thương tặng cho là hoa khôi tỉnh lẻ, nhất là mỗi lần chúng chụp hình thường cứ bắt tôi phải đứng chung để chúng có được những tấm hình thật đẹp đem khoe với bạn bè.  Hoặc ác hơn nữa để chúng đem hình tôi giới thiệu các ông anh trai, không anh ruột, thì anh bà con, anh kết nghĩa...Nhờ thế, tôi có được những tấm hình kỷ niệm của lứa tuổi ô mai.

Thời ấy, đời sống của bọn sinh viên xa nhà ở trọ ký túc xá như chúng tôi thật thiếu thốn nhiều thứ. Thèm ăn, hoặc ước ao một món gì cho cá nhân là phải khắc phục. Cứ mỗi cuối tuần Lộng Ngọc thường đưa tôi về nhà để được gia đình bạn đãi những bữa ăn no nê ngon miệng. Tôi là dân miền sông nước Hậu giang lại trở nên ghiền các món ăn đất Bắc, mà món tôi thích khẩu nhất là món ốc nấu bún, nên rất được mẹ nàng cho ăn thường xuyên. Lộng Ngọc thì cứ khuyến khích tôi tập tành làm bếp theo lối người Bắc để sớm trở thành chị dâu của nó. Tôi không phản đối, cũng không chấp nhận điều mà bạn ưa nói đùa. Còn mẹ Lộng Ngọc luôn khen tôi nết na, hiền thục, con gái sống xa nhà như tôi luôn giữ được nề nếp gia phong.

Những lời khen tặng và sự quí mến của gia đình bạn, tôi cảm thấy ấm lòng và an tâm trong đời sống sinh viên. Từng ngày tôi càng cảm thấy gần gũi gia đình bạn, và càng yêu thương người mẹ của bạn. Ở bà thể hiện rõ nét đức tính nhân ái đôn hậu, sự đảm đang chịu đựng tột cùng. Suốt cuộc đời bà dành trọn tình thương để vun xới hạnh phúc gia đình cho chồng con. Nhưng điều đáng khâm phục hơn hết là sự nhẫn nại chịu đựng của mẹ Lộng Ngọc trong cuộc sống chồng chung với một người đàn bà thứ hai trẻ hơn trong gia đình mà chưa lần nào tôi  nghe mẹ Lộng Ngọc than thở hờn trách hoặc thổ lộ với ai.

Ngôi trường Sư Phạm thời đó chúng tôi theo học tọa lạc cùng một hướng với ngôi Thánh Đường nhỏ, có Dòng Nữ Tu Tận Hiến trông uy nghi, trầm lắng. Hai cánh cửa chính ngôi Thánh Đường bằng sắt màu thẩm đen lầm lỳ trông nặng nề thường thì được đóng kín.  Mỗi lần đi ngang qua ngôi Thánh Đường tôi luôn liên tưởng bên trong là cả một thế giới huyền bí và linh thiêng từ Đấng Tối Cao mà theo trí óc thơ ngây của tôi luôn choáng ngợp sự tôn kính thiêng liêng đầy sợ hãi.

Đối với Lộng Ngọc không như tôi mỗi khi ngang qua ngôi Thánh Đường. Nàng thích thú nhìn ngắm ngôi Thánh Đường và các vị nữ tu áo đen như nhìn ngắm một hoạt cảnh tuyệt vời đầy ngưỡng mộ để thỉnh thoảng nàng lại thố lộ niềm mơ ước :

- Những lần tớ ngang qua ngôi Thánh Đường lòng tớ cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng và thật an bình Khê Thủy ạ. Ước gì mai đây tớ mong sao mình được là con chiên của Chúa, ước sao  được trở thành một nữ tu để có dịp cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, cho tha nhân. Tớ thật thèm khát một tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu tha nhân. Tình yêu gia đình mình. Nếu ý chỉ đạt thành thì cuộc sống này mới có ý nghĩa hơn Khê Thủy ơi !
- Chưa chi đã chán đời để rồi chối bỏ trách nhiệm. Trách nhiệm làm vợ, làm mẹ Mình thì nghĩ khác hơn Lộng Ngọc.  Con người được sinh ra, lớn lên ai cũng phải hoàn thành trách nhiệm làm người trước mặt Thượng Đế.  Không ai có quyền chối bỏ để sống ích kỷ.
- Theo hoàn cảnh và niềm tin của chính mỗi người, nhưng mình đang cảm thấy bị đánh mất niềm tin nơi chính mình bởi đời sống gia đình mình và nơi người thân của mình.

Nỗi suy tư từ cõi lòng Lộng Ngọc đôi lúc như uất nghẹn bằng những tiếng thở dài. Trong bất chợt có hôm Lộng Ngọc né tránh tôi sau giờ tan học, mọi người đã ra về, sân trường vắng vẻ, nàng tìm đến ngồi một mình dưới gốc phượng vỹ cuối trường bất động hằng giờ. Cho đến lúc từ căn gác trọ tôi nhìn thấy bạn và chạy đến thì Lộng Ngọc vội  lau nhanh khuôn mặt khả ái đầy nước mắt. Có những giờ nghỉ giải lao để chờ giờ học kế tiếp, hoặc những chiều râm mát tôi và Lộng Ngọc thả bộ trên con đường dọc theo bờ kênh...và những khi có cơ hội bên nhau, nàng thường than vãn nỗi bất hạnh của gia đình mình.

Lộng Ngọc kể...
Khê Thủy biết không ?  Gia đình ông bà Nội mình trước đây ở tận một làng quê miền Bắc là một địa chủ giàu có, thế lực khét tiếng nhất vùng. Bố của mình là trưởng nam lại là con trai độc nhất nên được ông bà Nội cưng chiều rất mực. Lớn lên, Bố đi cưới mẹ mình  được vài năm, sinh ông anh cả và bà chị kế của mình như Khê Thủy biết đó. Cho đến khi mẹ đang mang thai mình gần  ngày sinh, ông bố sinh lòng yêu thương một cô bé gái 13 tuổi, con của một tá điền của ông Nội trong làng, và quyết chiếm cho bằng được cô bé 13 xinh đẹp này đem về làm vợ thứ. Sự giàu có và thế lực địa chủ của ông bà Nội thời ấy muốn gì lại chẳng được, nên việc chiếm đoạt cô bé 13 làm vợ bé của bố không có gì là khó khăn, mặc dầu cô bé ấy và gia đình người tá điền không mấy bằng lòng chấp nhận, nhưng đành phải cúi đầu buông xuôi. Chính mẹ mình đang lúc bụng mang dạ chửa mình lại phải ép lòng mang trầu rượu lễ vật đi hỏi vợ bé cho bố. Nghiệt ngã cay đắng cho mẹ không dám cãi lời bố và ông bà Nội của mình. Đám cưới ấy tưng bừng ba ngày đêm rất hoang phí và cũng không ít lời đàm tiếu, phê phán đầy ác ý.

Nhưng điều tệ hại và đau lòng nhất đến với mẹ là đêm đầu tiên - đêm tân hôn của bố và cô bé 13 - bố mình đã buộc mẹ và cô bé 13 ấy phải ngủ chung một giường. Mẹ kể cái đêm hãi hùng ghê rợn ấy mẹ chỉ còn là một cái xác không hồn, nằm quay mặt vào trong vách để nghe và chứng kiến vở tuồng trơ tráo mà bố đang trình diễn với người vợ lẽ của bố trong đêm tân hôn của hai người. Những giây phút trôi qua trong đêm ấy mẹ mình quá uất ức đôi lúc muốn bùng lên đạp đổ, xóa sạch điều trái tai gai mắt đầy tủi nhục, nhưng mẹ lại không dám. Mẹ sợ bố ghê gớm. Mẹ bảo mẹ sợ đòn roi, đánh đập, chửi bới. Mẹ sợ tan vỡ cuộc sống gia đình. Mẹ đang nghĩ và yêu thương hai đứa con. Hơn nữa mẹ đang nghĩ đến và bảo vệ bào thai mình đang trong bụng mẹ.

Cứ thế theo ngày tháng mẹ mình phải âm thầm cắn răng chịu đựng chấp nhận cuộc sống chung nhà, chung chồng, chung giường để rồi kể từ đó cho đến ngày hôm nay cả ba người có một đàn con mười tám đứa mà tuổi tác xấp xỉ liền kề nhau. Khê Thủy có cảm thấy ‘’ớn lạnh’’ cho gia đình mình không nhỉ ! Mình nghĩ rằng trong cuộc sống giàu sang thế lực của gia đình ông bà Nội và bố, thì bố mình thừa khả năng lập thêm phòng hai, phòng ba...ở một nơi nào đó để tự do hưởng thụ khoái lạc...với những người đàn bà khác, hà cớ gì bố cưỡng bức mẹ và bà vợ lẽ phải sống trong cuộc sống chăn gối chung chạ giữa ba người trên một chiếc giường với nhau như thế. Sau này lớn lên, tớ cảm thấy uất ức thay cho mẹ, thương xót mẹ đã chịu bất hạnh trong hạnh phúc để dần dần mình càng hận và càng xa rời bố mình.

Năm 1954, Đất Nước chia đôi hai miền Nam Bắc vừa lúc mình tròn ba tuổi. Bố đưa toàn bộ gia đình di cư vào Nam. Ông Bà Nội tiếc của cải, nên ở lại ngoài Bắc và sau đó, năm 1956 bị giết chết tức tưởi trong đợt đấu tố địa chủ cường hào thời ấy ở quê. Nhờ tài sản, bạc vàng mang theo vào Nam, bố mẹ và dì mình tạo dựng nên cơ ngơi nhà cửa nguy nga như hôm nay mà Khê Thủy đã nhìn thấy. Đứng bên ngoài nhìn vào, ai cũng nhận rằng gia đình mình thuộc hàng trung lưu giàu sang và sống trong hạnh phúc. Nhưng kỳ thật đối với mình cảnh gia đình chẳng khác nào như một ngôi nhà mồ hoang lạnh. Tớ cảm thấy bất hạnh đã được sinh ra, lớn lên, được sống trong cảnh  nhà như thế.  Cho đến bây giờ bố mẹ và dì đã có  đến mười tám đứa con tuổi tác trùng nhau, kề nhau, lắm lúc đã không còn nhớ hết tên và tuổi của từng đứa con của mình thì việc gần gũi thân mật từng đứa con để tìm hiểu, hướng dẫn và dạy dỗ hầu như không có.

Ngoại trừ ông anh cả, bà chị và tớ...là con của mẹ đã trưởng thành, có sự hiểu biết, đã có thể giúp ích bố mẹ các công việc hằng ngày trong nhà...còn lại chỉ là một lũ em loi choi ngổ ngáo nghịch ngợm, chuyên giành ăn, thích đánh lộn, luôn chửi bới tục tĩu, thường nạnh hẹ công việc, chia phe phái, không ai nhịn ai, phân biệt đối xử con bà lớn bà nhỏ...tạo cho quang cảnh gia đình mình luôn ồn ào, bát nháo, không kỷ cương nề nếp, và thật mệt mỏi  từ sáng sớm cho đến nửa đêm.

Thời gian đầu về làm vợ hai cho bố, dì mình tỏ ra e dè, kiêng nễ, biết kính trên nhường dưới, biết ép mình dưới sự hướng dẫn của mẹ, biết nghe những lời chỉ bảo của mẹ. Nhờ thế mẹ cũng an ủi được phần nào, và không khí trong gia đình có đôi chút êm ấm, hạnh phúc. Cho đến lúc dì mình sinh cho bố đứa con thứ hai, thứ ba...dì càng lúc càng trẻ đẹp nõn nà như đóa hoa đang nở rộ, cũng là lúc dì bắt đầu lấn lướt mẹ, lần lượt nắm hết quyền trong gia đình, chi phối mọi sinh hoạt trong nhà theo ý của dì, để từng lúc dì như muốn áp đặt mẹ mình vào hàng thứ yếu, chỉ biết phục tùng và chịu lụy. Tội nghiệp mẹ, mẹ không phản đối, nhưng vẫn không muốn thỏa hiệp chấp nhận. Thế mà mẹ lại luôn cam lòng nhẫn nhục chịu đựng, không một lời than trách, không một ganh ghét đố kỵ, luôn nhận những thiệt thòi để cốt giữ hòa khí trong gia đình. Mẹ luôn vui sống lo cho các con của mình. Nhưng bản tính của dì càng lúc càng ngạo ngược, thích gây hấn từng công việc nhỏ để cố lấn áp mẹ. Vì thế, trong gia đình thường xảy ra những cãi vã đôi co, có lớn tiếng bên cạnh những hoạt cảnh tranh giành miếng ăn, tấm áo tấm quần thật ồn ào bát nháo, đánh lộn, chửi thề, ăn nói mất dạy của đàn con của dì luôn lấn áp đàn con của mẹ. Khê Thủy thấy không ?  Gia đình mình chẳng khác gì một địa ngục trần gian.

Bố thì càng cay nghiệt và độc đoán hơn. Bản tính độc đoán là lối sống của bố. Những lúc vắng mặt bố thì gia đình mình ồn ào như một cái chợ cá. Khi bố về đến nhà là mọi người im phăng phắc, ai lo việc nấy hoặc tìm cách tránh né, xa lánh bố. Ai ai cũng sợ bố, chẳng dám gần bố. Giữa bố mình và đàn con không có sự thông cảm, ít khi gần gũi và hiểu biết. Mẹ và dì vẫn thường bị bố mắng chửi hoặc đấm đá một cách hết sức tự nhiên và thật vô lý. Thế mà mẹ cũng như dì lại có được bản tính buông xuôi chấp nhận, cúi đầu nhịn nhục trước uy quyền của bố như một an bài. Ngày trước còn ngoài Bắc, bố là một công chức của một Bộ. Công việc làm của bố cho cơ quan chỉ là hình thức tô vẽ cuộc đời bố thêm hương hoa, tạo chút danh vọng bản thân. Chứ thật tình đồng lương của bố như giọt nước rơi trong bể chứa đâu đáng sá gì đối với một gia đình đại điền chủ kết xù khét tiếng. Đến khi vào Nam, bố bị động viên vào quân ngũ ở lứa tuổi ba mươi. Bố không phải xông pha trận mạc đánh giặc góp phần bảo vệ quê hương, không phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà lại được an toàn ngồi an vị trong mát hưởng thọ ân huệ ban phát nhờ áp phe, lo lót. Ngoài đồng lương cố định, bố mình còn ở trong nhóm chuyên khai thác gỗ lậu ở các khu rừng Bình Long Phước Long, Quảng Đức, Banmêthuột, để có nhiều tiền cung ứng cho một gia đình đông người không ai ăn nên làm ra như gia đình mình. Chuyện khai thác lâm sản bất hợp pháp nghe nói đại qui mô của nhóm người làm ăn bất chính trong đó có bố mình kéo dài từ năm này đến năm khác mà không bị phá vỡ làm thiệt hại tài nguyên đất nước. Không dừng ở đó, bố dùng đồng tiền bất chính kiếm được đem cho vay với lãi suất cao trục lợi. Có người vay nợ nhiều năm không trả nổi, bố tìm cách cho họ đi tù khiến cho những gia đình ấy lâm vào cảnh sa cơ tan nát. Sau này lớn lên, có sự hiểu biết, tớ cảm thấy không mấy vừa lòng lối sống của bố mình.

Ngoài lũ con đông lúc nhúc tại nhà với hai bà vợ ‘’mắn đẻ’’mỗi năm mỗi người sinh cho bố một đứa, bố mình là người có tiền lại có số đào hoa với nhiều phụ nữ bên ngoài, nên con rơi con rớt của bố cũng dăm bảy đứa ở nơi này nơi khác, khiến cho vài gia đình phải tan nát hạnh phúc. Thỉnh thoảng có những phụ nữ trẻ, xinh đẹp bế con dại đến nhà mình đòi gặp bố giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con hoặc ‘’tính toán chuyện tình’’ sao cho sòng phẳng giữa hai người. Mẹ mình và dì không dám tỏ thái độ ghen tuông, hờn giận bố vì bố luôn độc đoán dữ dằn, nên đành dằn lòng phải chấp nhận hiện trạng đau buồn đó để được yên thân lo cho bầy con.

Bố mình như thế thì đâu còn đủ thì giờ gần gủi răn dạy, hướng dẫn con cái nên người. Cuộc đời bố của mình chỉ biết làm ra tiền để chỉ biết hưởng thụ tình dục với những người đàn bà trong bản tính độc đoán ích kỷ. Nhất là chuyện bố ép mẹ và dì cùng bố chung chăn chung gối chung giường trong suốt cuộc đời của mẹ là một sự kiện khó có ai chấp nhận.

Khi vừa đủ lớn, có trí khôn suy nghĩ, tớ cảm thấy hận bố vô cùng Khê Thủy ạ, nhưng  chẳng biết làm sao hơn trong cương vị làm con. Mình luôn xa lánh bố. Mình không dám gần bên bố để chuyện trò, tâm sự, giãi bày,  hỏi han. Chính bố đã làm hoen ố tâm hồn trong trắng của một đứa con gái vừa lớn và đã đánh mất niềm tin trong cuộc đời mình. Nhìn bố, hoặc ở những người đàn ông khác, tớ không còn một ngưỡng mộ nào về đạo đức, về lối sống thánh thiện của họ. Hiểu biết, suy nghĩ để tự tìm  một hướng đi, một lối thoát trong âm thầm lặng lẽ bởi đạo làm con sao cho vuông tròn để khỏi mang tiếng bất hiếu.

Sau tháng 4/1975, lẽ ra bố mình không phải bị đi học tập cải tạo nhiều năm như những người khác, nhưng có những đơn tố cáo của những người được xem như nạn nhân của bố trước đây, khiến bố phải bị đi tù cải tạo nhiều năm ở ngoài Bắc. Mẹ và dì đôi lúc lại phải luân phiên đi thăm nuôi bố vừa tốn kém vừa xa xôi đâu dám chểnh mảng. 

Từ lúc vắng mặt bố, cảnh gia đình mình càng lúc càng hoảng loạn đến thê thảm  giữa hai đàn con đông đảo của mẹ và dì. Nhất là vấn đề sinh kế trong thời gian vắng bố và đất nước không còn chiến tranh, người dân đang phải khốn khổ chật vật trong đời sống khó khăn của thời bao cấp. Thời gian này, mẹ mình trở thành cột trụ gia đình, đói no bởi trong đôi tay quán xuyến mẹ. Mẹ lăn xả ra ngoài với tất cả sự khôn ngoan, lanh lợi, với sức chịu đựng bền bỉ, mẹ tất bật buôn chợ trên, bán chợ dưới bất cứ món hàng nào cho dù nhà nước nghiêm cấm mẹ không từ nan. Ông anh cả của tớ nghỉ dạy học vì chế độ mới không lưu dụng. Bà chị kế cũng phải nghỉ học đi theo mẹ, tiếp tay với mẹ. Đàn con đông đảo của hai người mẹ đứa đi học, đứa không. Đứa nào thích làm gì thì cứ làm, không ai nghe ai, không ai sai khiến được ai. Kỷ cương, nề nếp gia đình gần như bất lực. Dì mình thì chẳng làm nên tích sự gì, suốt ngày ở nhà trông nom nhà cửa, ăn ngủ, hoặc đi thu góp tiền cho vay lãi, cái nghề mà bố mình đã làm trước đó vẫn còn tiếp nối sau đó. Ở tuổi hồi xuân dì càng xinh xắn, duyên dáng, da dẻ trắng hồng mơn mởn, luôn thích phấn son tô điểm ngày mỗi trẻ ra. Dì chẳng có chút ưu tư gì trước cảnh gia đình đông người, lắm miệng ăn cũng như sự vắng mặt bố trong gia đình.

Khê Thủy à, tớ thường ước ao bạn là chị dâu của mình sau này, vì ông anh của mình đã lớn tuổi vẫn còn long bong, chưa chịu lấy vợ.  Nhưng rồi mình lại thất vọng cho ông anh cả của mình. Bố đi tù cải tạo, anh ấy không việc làm, dở thầy dở thợ, đành kiếm thuê xe xích lô đi rong khắp nơi chở khách. Hôm nào thích thì đi làm, làm để có làm, hôm nào không thích anh ấy ngủ vùi suốt ngày hoặc lấy Honda làm tài xế chở dì đi thu góp tiền cho vay. Có hôm hai người đi với nhau từ sáng đến tối mới về đến nhà. Con cái, nhà cửa, cơm nước không ai trông nom. Nản lắm Khê Thủy ơi ! Điều đáng chú ý sau đó là  ông anh và dì mình càng lúc càng thân mật với những cử chỉ lả lơi, lố bịch, khiến mình càng cảm thấy bất mãn.

Những năm ở đại học tôi là người bạn duy nhất để Lộng Ngọc tâm sự chuyện gia đình với một nỗi đau ray rứt không lúc nào nguôi. Chúng tôi trong lứa tuổi của những cô gái đôi mươi mộng mơ yêu đời, thế nhưng Lộng Ngọc luôn trầm tư ít có nụ cười trên môi và chưa hề nghe bạn nói đến chuyện tương lai, chuyện tình yêu hoặc những đam mê vật chất cho bản thân.

Thấm thoát những năm trên giảng đường đại học kết thúc, Lộng Ngọc tốt nghiệp hạng tối ưu nên được học bổng đi Pháp tiếp tục đèn sách. Lộng Ngọc vô cùng mừng rỡ. Phần tôi tốt nghiệp hạng bình, không may mắn như bạn mình, để chấp nhận cuộc đời trong nghề dạy học theo truyền thống gia đình. Khi được biết mình sắp đi xa, Lộng Ngọc mừng vui nói rõ nỗi lòng :

- Khê Thủy biết không ? Chuyện du học nước ngoài đến với tớ như vớ được chiếc phao giải thoát nỗi trầm luân cuộc đời mỗi người mà mình đang cảm thấy bất lực  Lúc nào tớ cũng muốn rời xa khỏi gia đình để tìm sự an bình cho tâm hồn và may ra còn có cơ hội đạt  niềm mong ước.

Tôi khuyên bạn :

- Chớ quá bi quan. Trước niềm vui đạt được, mình chúc mừng Lộng Ngọc. Chịu khó cố gắng đi vài năm đèn sách rồi trở về để có được một tương lai rực rỡ trong một gia đình hạnh phúc.
- Không là như thế Khê Thủy ạ. Tương lai của tớ đâu hẳn là lấy chồng, sinh con nối dõi tông đường, làm thật nhiều tiền, sống hạnh phúc giàu sang. Mình chỉ cầu xin sao gia đình mình có cuộc sống nhân hòa, nề nếp, mỗi người hiểu được giá trị nhân phẩm của chính mình và của người khác. Trong gia đình bố, mẹ, dì, anh,  chị,  các em của mình, tớ chỉ muốn nghĩ rằng phải có lối sống gương mẫu, đạo đức và tự trọng để những người kế tiếp noi theo. Hãy tự nhận rằng mỗi người sống cho chính mình và cũng phải sống cho chính người khác là hạnh phúc nào bằng. Chính gia đình mình đã đánh mất niềm tin ấy của mình, đã làm hoen ố tâm hồn trong trắng của cô gái mới lớn của mình. Khê Thủy biết không ?  Câu chuyện đồi bại nếu nói ra, mình cảm thấy hết sức ngượng ngùng, nhưng trước khi ra đi, mình muốn kể cho bạn nghe. Tớ luôn ao ước Khê Thủy là chị dâu của tớ, vì tớ rất yêu kính ông anh cả của mình. Thế nhưng vào những ngày thi ra trường vừa rồi, vào buổi sáng khi vừa  đến trường, tớ để quên bài tiểu luận ở nhà, vội quay trở về lấy. Lúc về đến nhà, khi đi ngang phòng ngủ của bố mẹ, đột nhiên tớ nghe những tiếng động lạ và những câu nói rầm rì, diễu cợt bên trong. Tò mò tớ nhìn qua khe cửa để rồi phải nhìn thấy một cảnh tượng hết sức bẩn thỉu, dâm đãng, loạn luân. Ông anh cả và dì của mình đang trần truồng quấn lấy nhau hì hục làm tình trên giường. Trước cảnh tượng hết sức kỳ dị quái gở ấy, tớ không còn tin vào đôi mắt mình và cứ ngỡ rằng sự thật không hẳn là như thế. Bố đi học tập cải tạo, vậy mà  dì ở nhà vẫn sống mơn mởn vô tư, ông anh cả vô công rỗi nghề bên cạnh đàn em lúc nhúc tranh ăn, nạnh hẹ, lười nhác, đánh lộn, chửi bới, hoặc thích vắng nhà đôi ba hôm đi bụi đời. Tớ nghĩ rằng giữa dì và anh mình cũng có thể đã có những lần về ‘’chuyện ấy’’vì thời gian sau này hai người đã có tình ý thân mật với nhau  lúc ở nhà hoặc những lúc chở nhau trên xe Honda đi thu nợ vay. Tại sao hai người thân yêu của mình lại có những hành động khó thể chấp nhận như thế !  Nói làm sao ! kết tội ai ! hoặc muốn bênh vực, hoặc muốn bào chữa trước thảm trạng gia đình rối ren như gia đình của mình như thế nào đây, mà gia đình là nền tảng của xã hội ! Tâm hồn tớ trở nên băng hoại khủng khiếp Khê Thủy ơi ! Bạn là người duy nhất hiểu mình, tớ hiểu. Bạn chính là người lấy đi nỗi buồn của mình trong suốt thời gian bên nhau. Khê Thủy ơi ! hãy hiểu cho mình.
Mấy ngày sau đó, tớ cảm thấy nhờm tởm, quyết tránh mặt dì, tránh mặt anh mình. Chính mình lại cảm thấy quá ngượng ngùng khi nhìn mặt họ, hoặc nói chuyện với họ, nhưng sao họ vẫn bình thường như không có gì xảy ra.  Sống trong gia đình mà cứ lánh mặt nhau giữa người thân với người thân thì không có điều gì đau khổ cho bằng. Trước đây tớ đã thường lánh mặt bố, chán cảnh đàn em không muốn đến gần. Mình đâu dám nói chuyện xảy ra giữa ông anh, bà dì cho mẹ biết. Đau đớn, nhức nhối nỗi lòng vô cùng.  Mẹ biết nhất định mẹ sẽ khổ sở tột cùng. Cô đơn, buồn chán ghê gớm ! Tớ chỉ duy nhất còn mẹ. Mẹ là ánh đuốc soi đường, là niềm vui, là lẽ sống của mình. Trọn đời mẹ kiên tâm chịu đựng lo cho chồng cho con không một lời thở than. Mẹ nhận tất cả thiệt thòi trên cõi đời này. Mẹ chẳng có một ngày vui cho riêng mẹ, Đời sống hạnh phúc vợ chồng của mẹ bị o ép trong lối sống độc tài kỳ hoặc của bố khó ai chấp nhận.
Khê Thủy ạ, tớ yêu thương mẹ đâu muốn rời mẹ, nhưng đành chấp nhận đi xa, xa lánh cảnh gia đình này. Chuyện ra đi, tớ đã tuyệt đối giấu kín, không muốn một ai hay biết, ngay cả bà chị kế, ngoại trừ mẹ mình. Bất kỳ ai trong gia đình đều có thể phá hỏng chuyến du học của tớ, vì bản tính ganh tỵ, ghen ghét, ích kỷ, hơn thua, so đo... Khê Thủy hiểu điều đó chứ ?. 

Trước thực trạng buồn và chán cảnh gia đình của bạn như thế, sự may mắn xuất ngoại du học là một lối thoát cho Lộng Ngọc để không còn sự lựa chọn, một cơ may nào khác. Tôi hiểu thế. Tôi mừng cho bạn. Những ngày cuối còn lại tại quê nhà, tôi và Lộng Ngọc luôn quấn quít bên nhau không rời một bước. Chúng tôi an ủi, góp ý, chỉ dẫn.  Mọi sự mua sắm, chuẩn bị cho chuyến đi của bạn, đều được diễn ra trong phòng trọ của tôi ở ký túc xá nhà trường trong sự lo lắng chăm sóc tận tình của người mẹ thân yêu. Ngày lên máy bay rời quê hương Lộng Ngọc may mắn có thêm hai người bạn gái cũng cùng chuyến đi du học nên nàng cũng bớt đi nỗi buồn cô đơn trên suốt chặng đường và nơi xứ người. Thân nhân, bạn bè của hai người bạn kia tiễn đưa đông đảo với những nụ cười rạng rỡ trên môi, những lời chúc tụng nồng nàn. Khung cảnh ấy đã  khác hẳn giây phút tạm biệt Lộng Ngọc nơi cầu thang máy bay  mà người thân chỉ duy nhất có tôi và người mẹ thân yêu của nàng trong đôi mắt đẫm lệ. Trong ba người ai cũng có một cảm nhận cuộc chia tay này dường như không có ngày hội ngộ. Người đi mang tâm trạng như một kẻ trốn chạy xa lánh thực tế, và người ở lại cảm thấy như đang phải mất vĩnh viễn người thân yêu.

Mãi đến 6 tháng sau, tôi mới đưọc thư của Lộng Ngọc từ Pháp gởi về. Lá thư ngắn ngủn với những lời thăm hỏi chân tình, đồng thời nàng cho biết việc ăn ở, học hành được diễn tiến tốt đẹp không xảy ra điều gì trở ngại khó khăn. Thời gian đi qua, cứ vài tháng, tôi và Lộng Ngọc lại có thư cho nhau chỉ cốt thăm hỏi nhau những thường tình giữa bạn bè. Tuyệt nhiên nàng không nói đến hoặc hỏi han chuyện gia đình, cha mẹ, anh chị em ở quê nhà. Có lẽ Lộng Ngọc như cố quên đi nỗi ám ảnh đã đánh mất niềm tin của lứa tuổi vừa trưởng thành. Tôi chúc mừng và luôn khuyến khích Lộng Ngọc phấn đấu trên đường học vấn. Lộng Ngọc hứa làm tròn trách nhiệm để mẹ nàng vui lòng và thực hiện hoài bão của mình để cuộc sống có ý nghĩa mà trong đời nàng vẫn hằng mơ ước.

Hoài bão ấy đã sinh sôi nẩy nở từ lúc còn ở giảng đường đại học tại quê nhà, những lúc tôi và Lộng Ngọc ngày trước mỗi lần ngang qua ngôi Thánh Đường cổ kính có dòng tu Tận Hiến nàng đã từng ngưỡng mộ ước ao. Giờ đây, nỗi ước muốn lớn lao, cao đẹp ấy được Lộng Ngọc giãi bày trong một lá thư dài tôi vừa nhận được.

Paris, ngày.....
Khê Thủy, bạn thương mến của mình,

Đã qua những lá thư trao đổi nhau trong hơn hai năm qua, tớ vẫn chưa tâm sự với Khê Thủy nỗi ước muốn riêng cho bản thân ngoài vấn đề đèn sách. Trước đây khi còn ở quê nhà, lúc được tin xuất ngoại du học, tớ cứ luôn nghĩ rằng đời sống của mình nơi xứ người sẽ không thoát khỏi cô đơn, buồn chán. Nhưng với niềm tin tự phát mà tớ nghĩ rằng dường như đấng Tối Cao đang quan phòng, thêm sức mạnh tinh thần và nghị lực cho tớ trong cuộc sống ở tại đây.

Ngày mới đến, tất cả đều xa lạ như kẻ ngốc ngếch lạc giữa rừng sâu, chẳng khác nào như anh Mán trong rừng lần đầu tiên ra phố thị. Từ một đất nước nghèo đến một xứ sở văn minh trời Âu thì mọi sự đều ngỡ ngàng là như thế. Nhưng với niềm tin tự chủ, tớ đã chế ngự dễ dàng những khó khăn, thích nghi kịp thời cuộc sống mới chỉ trong một thời gian ngắn phần lớn cũng là nhờ sự ưu đãi của chính phủ Pháp đối với các du học sinh. Như đã kể trong những thư trước cho bạn nghe rồi đấy, mình cư ngụ trong ký túc xá nhà trường, mình cũng đã gặp gỡ những du học sinh Việt Nam cũ có mới có , nhưng đối với mình sao chưa cảm thấy thích thú gần gũi làm thân với họ. Không hiểu sao, tớ luôn thích cuộc sống trầm lặng trong một không gian yên tĩnh có thể nói gần như cô đơn. Thủ Đô Paris, kinh đô ánh sáng trên quả địa cầu này, ốc đảo tình yêu, và phong cách ăn chơi muôn màu muôn vẻ, là biểu tượng của văn minh nhân loại, Paris huyền diệu lộng lẫy... trong muôn ngàn mới lạ, hấp dẫn, nhưng với mình sao thật lạc lõng, bơ vơ Khê Thủy ạ ! Hằng ngày, ngoài giờ ngồi trên giảng đường, trong phòng thí nghiệm...còn lại tớ chỉ thích lang thang một mình trên những khoảng đường vắng dọc theo bờ sông Seine thơ mộng, hoặc thích ngồi trên những băng ghế đá ẩn mình dưới những tàng cây cao rợp bóng trong khu vườn Lục Xâm Bảo cổ kính im vắng cạnh dòng sông Seine nước trong xanh...nghiên cứu tài liệu bài vở, đọc sách, cầu nguyện, suy niệm...và ngắm nhìn bao nét đẹp thơ mộng của vòm trời Paris đầy thanh sắc, của đỉnh tháp Eiffel chót vót cao vút trên nền trời . Paris muôn ngàn cảnh sắc hấp dẫn, cuốn hút con người trên thế giới. Paris có dòng sông Seine nước trong xanh  lững lờ uốn khúc trong lòng thủ đô từ đầu nguồn ra đến biển với ba mươi bảy nhịp cầu nối hai bờ sông, đầy sắc thái khác lạ. Trời vào thu cây lá đổi sắc vàng rực rỡ trong sương mù buổi sáng, trong nắng hanh vàng giữa trưa nhè nhẹ làn gió heo may cuốn bao lá vàng rơi đầy mặt nước sông Seine và đêm về Paris lành lạnh se da trong rực rỡ muôn ngàn ánh đèn màu lộng lẫy rực rỡ. Chính đó là một thẩm thấu đã tạo nên một yên ắng cho tâm hồn mình.

Là bạn thân, Khê Thủy đã hiểu mình rồi đấy chứ ! Chuyến du học trong chủ đích tiến thân không phải để tạo cuộc sống vinh thân phì gia trong ý nghĩa đạt danh vọng cao, đạt sự giàu sang cho bản thân và gia đình, mà mình luôn chỉ có ước vọng được an ổn cõi lòng, một tâm hồn thanh tịnh, thánh thiện để luôn mong cầu nguyện gia đình mình có được cuộc sống trong nhân hòa hạnh phúc.

Đến Paris, mình luôn thích thú đi bộ và đi rất nhiều như mọi người, chính đó là điều thú vị nhất của người dân Paris và cũng của chính mình. Những lúc rảnh rỗi mình ưa lang thang thả bộ theo dòng sông Seine ấy, tớ đã tìm đến được ngôi Thánh Đường Notre Dame de Paris cổ kính. Lần đầu tiên bước vào ngôi Thánh Đường lòng tớ cảm thấy an bình, ấm áp và đầy ắp niềm tự tin. Thế là từ lúc ấy mỗi sáng chúa nhật hoặc những ngày lễ trọng, lễ buộc tớ khởi sự đến Thánh Đường tham dự thánh lễ cùng với giáo dân địa phương trong niềm tôn kính và tin tưởng nơi Đấng Quyền Năng Tối Cao. Những ngày đầu tiên, quỳ trước nhan Thánh Giá Chúa Jêsu Kitô, dưới chân Đức Nữ Đồng Trinh Maria tớ chưa biết làm gì hơn trong lúc mọi người đọc kinh, cất cao lời ca tiếng hát tán tụng Thiên Chúa, cử hành thánh lễ thì tớ đã tự suy nghĩ tìm kiếm những lời cầu nguyện theo ý mình cho gia đình mình, cho bản thân mình để dâng lên Chúa, dâng lên Mẹ Maria nỗi ước muốn bằng tất cả niềm tin. Rồi chỉ thời gian trong sự thôi thúc trong hoài bão tớ đi gặp cha Chánh Xứ để xin gia nhập đạo. Cha Chánh Xứ biết tớ là người Việt Nam. Ngài rất vui và giới thiệu tớ với một frère để hướng dẫn giáo lý.  Không lâu, mình chịu phép Rửa Tội để trở nên con cái Chúa. Từ đó, mình quyết trở nên một con Chiên ngoan đạo, một Ky tô hữu thuần thành mang ánh sáng Tin Mừng đến những người khác.

Trong Chúa, mình cảm nhận thực sự một an bình hạnh phúc để có được một Tình Yêu bao la, thánh thiện và công chính. Chỉ có tình yêu Chúa là duy nhất để yêu cho chính mình, yêu tha nhân, yêu người thân trong gia đình mình và ngay cho kẻ thù của mình. Thời gian tới, tớ quyết định dâng hiến trọn cuộc đời mình cho Chúa...dâng lời khấn xin nhập Dòng Nữ Tu Thừa Sai, học tập, nghiên cứu thần học, học hỏi về tu đức và tất cả những qui luật, những kiến thức...từ bỏ tất cả để bước theo Chúa Kitô phụng sự Ngài qua tha nhân, để sống thân mật với Chúa trong đời sống thiêng liêng, trong khi thi hành những bổn phận ân đức hằng ngày noi gương Mẹ Maria, người Mẹ gương mẫu của nhân loại. Tớ quyết định dấn thân vào tổ chức thiện nguyện khi đã trở thành một Nữ Tu Dòng Thừa Sai và khi đã đạt học vị tốt nghiệp. Mục đích hoàn thành là để đưa Chúa đến với tha nhân và dẫn dắt tha nhân đến với Chúa.

Khê Thủy à, hạnh phúc cuộc đời của mình gói trọn trong Đức Tin nơi Chúa. Có Đức Tin để được sự sống đời đời. Mỗi con người đang kéo lê cuộc sống tạm nơi trần thế hôm nay chỉ để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau. Khê Thủy biết không ? Con người chết không phải đã chấm dứt. Sự chết là khởi sự cho sự sống đời sau. Lời  nói, việc làm tốt hoặc xấu hôm nay sẽ liên kết, nối tiếp cho một đời sống miên viễn phúc thật ở nước Trời, hay khốn đốn sa chìm trong u minh tăm tối ở hỏa ngục chẳng còn đời sau. Gia đình mình như Khê Thủy đã biết, mỗi thành viên trong gia đình mình đang đắm chìm ngụp lặn trong tội lỗi rồi sẽ phải sa chìm hỏa ngục đời đời. Chính đó là nỗi lo nhức nhối đau đớn của chính mình. Trong mọi hoàn cảnh thời gian và không gian tớ quỳ trước hình tượng nhan thánh Chúa, dưới chân Mẹ Đồng Trinh Maria trong Thánh Đường, hoặc trên những bước chân lang thang bách bộ, hoặc ở những lúc yên tĩnh nơi thanh vắng...mình luôn hướng lòng cầu nguyện cho gia đình mình, bố mình, mẹ mình, dì mình, ông anh cả của mình, chị mình, và đàn em đông đảo của mình...và cho tha nhân, cho kẻ thù của mình, những người bất hạnh...đất nước khổ nghèo...mau thoát khỏi tội lỗi, biết ăn năn, thống hối để được cứu rỗi và trở nên người công chính.

Bạn à, tớ cầu nguyện liên lũy trong một nhẫn nại bền bĩ, Khê Thủy có tin những gì mình nói không ?  Cầu nguyện là lương thực bồi dưỡng tâm linh hằng ngày của tớ, giúp tớ vượt ra khỏi tháp ngà ích kỷ, nhỏ nhoi, cảm nhận được thân phận hèn yếu, đầy tội lỗi, xin ơn tha thứ để được đến gần bên Chúa. Cầu nguyện là thì thầm, nói chuyện, tỏ bày tâm sự, hàn huyên với Chúa, là đối thoại với sự thật, vì Chúa là Sự Thật. Mình luôn hướng về những người thân yêu trong gia đình để cầu nguyện Chúa tha thứ tội lỗi của mỗi người, ban cho họ sự khôn ngoan, hiểu biết để có được cuộc sống đời đời ngày sau. Cầu nguyện là lối thoát và là hạnh phúc cho con người hôm nay. Mình đang dấn thân vì gia đình mình. Hạnh phúc cuộc đời mình là như thế. Bạn hãy vui với mình nhen...bà chị dâu hụt của mình.  Khê Thủy ạ ! Tớ sẽ trở lại quê nhà thăm mọi người sau khi mình khoác lên người chiếc áo nữ tu.

Thư dài rồi, tớ hẹn bạn thư sau nhé.
Lộng Ngọc.

Nguyễn Thế Hoàng