SỐ 43 - THÁNG 7 NĂM 2009

 

Giữa Hai Lằn Đạn

Phần Thứ Nhì
Chương   28

 

CHIẾN TRANH VÀO GIỮA LÒNG NGƯỜI

 Có thể nào ngờ không? Năm 1960, mẹ cô Ty ở  Ba Tơ  (là bà vợ của ông Tú), chữ nghĩa không giỏi không rành, bà quên dấu chấm ở trước, quên dấu phết phía sau, bà ta đã nghễnh ngãng viết vội thư gửi thăm chồng, có câu:

… Tui nhớ ông. Đôi ta là nghĩa tạo phản. “Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau”. Ông đi nhớ mau về. À, ông ui, ai cũng hỏi tới ông cả. Cho 'bòa' vợ chú Tí gửi lời 'thèm' ông sống mãi trong quần chúng Tui và, sắp nhỏ chờ ông về... he.

(Nghĩa “tào khang” mà bà ấy viết là “tạo phản”). Ông chồng bóc thư ra xem, các anh em cô bác ghé tới coi, họ chuyền tay nhau đọc, và thích chí nức nở khen bà ấy có khiếu viết văn hoa bóng bẩy! Có ý tình thủy chung sau trước với mọi người. Hay lắm.

Bà vợ ông Tú ngọng nghịu lại ưa nói, mà hay nói lặp bặp. Sau ngày chồng bị trọng thương, kế đến con gái chết, khi gia đình bà lâm vào đại nạn chiến tranh, bà càng nói lái nói lịu kinh khủng hơn là:

- "Ẹ nó, đồ già dịch. Chính mi là ác...ác hồ ly tinh, lòm en chìa ư...ư... như cái con con... keeéc... 

Hồi xa xưa ấy, ông Tú làm việc bất cẩn, bị mìn mượn mất của ông một bàn chân, chân cụt lên tới gần đầu gối. Kèm theo một cánh tay trái cụt đến cùi chỏ. Ai ai cũng tưởng ông Tú chết thật, nào ngờ ông chết hụt. Hú vía. Thiệt là may!

Trời cao có mắt mà, Trời còn thương xót, nên chừa cho ông có "độc nhãn long",  để ông nhìn rõ Đời. Hai tai của ông bị điếc ù, điếc lác mất rồi, ai nói gì ông Tú cũng há hốc miệng:

- Hả?

Sức tàn hơi cạn, thân thể ông tật nguyền lê trên chiếc nạn tre cọc cạch ọp ẹp. Sau cơn ngoại thương và nội thương trầm trọng, ông Tú biến thành "cụ ông" vượt thời gian, trông ông càng già khọm cỡ bảy tám mươi tuổi.
Lúc thật sự lành vết thương -thể chất và tinh thần- ông Tú được chính phủ miền Nam Cọng Hòa Việt Nam cấp cho ông một chiếc xe lăn Mỹ Quốc Viện Trợ, có hai bàn tay Việt Mỹ bắt tay nhau chặt chẽ đề huề. Họ còn cho ông một máy trợ thính đặc biệt.

Trong khu vườn rộng mà vợ chồng ông Tú đã trồng hoa màu, và cây ăn quả trĩu cành. Chính phủ lại cho Công-binh Kiến-tạo Tiểu-đoàn 25 về xây một căn nhà gạch nho nhỏ xinh xinh. Rồi lại cấp phát lương thực, và một số tiền hậu hĩnh để gia đình họ sinh nhai độ nhật qua ngày.

Bây giờ, ông Tú thật sự trở thành một cụ già biết xấu hổ, (“ông” hèn mọn thô thiển trở thành “cụ” hồi nào không rõ!?).  “Cụ” chột dạ băn khoăn, trăn trở, dày vò một điều bí mật chỉ riêng “mình ta” biết lỗi nơi ta. Cụ Tú đeo “kính dâm”, mắc cỡ che che đậy đậy con mắt giả. Con mắt giả ấy chi mà bố láo bố lếu, khiến cụ Tú muốn độn thổ. Cụ ước có phép tiên, tung thần chưởng, luyện phù chú, để kéo tay, kéo chân mình dài ra, lành lặn như xưa. Thì hay biết mấy!

Cụ Tú thấy cái đùi cụt và cánh tay cụt trơ trẽn còn dính trong thân, ngày ngày phô bày ra giữa quần chúng, một lần đạp cứt không lẽ mình chặt nốt chân kia? Thôi thì, nhân vô thập toàn mà, với sức cạn hơi tàn, tật nguyền cùng khắp, không thể làm gì hơn, là mỗi lần trong Huyện, Xã, có hội họp đình đám vui vẻ, thì cụ Tú ra sức lấy thân mình làm ví dụ điển hình nhất. Điều cụ Tú nói ra đây, không dụng ý phủ nhận việc mình bất cẩn. Hay cụ Tú a dua khuyến khích, bác bỏ, châm chích chọc ghẹo ai. Tuyệt nhiên cụ cũng không muốn chụp mũ trù ẻo, hay vênh váo lên mặt chỉ trích phê phán ai. Cụ Tú càng không thích chống đối, miệt thị bài xích, tố khổ ai cả. Tuyệt nhiên không. Cụ Tú khác nào hòn đá lớn ném xuống lòng hồ sâu, làn sóng từ hòn đá trên mặt nước lan sóng rộng tỏa ra mãi.

Nầy! Chuyện ấy xưa quá rồi. Vì chính thân cụ Tú cũng là nạn nhân thật sự, cụ bị chiến tranh lừa bịp mình hụp xuống vực thẳm hố sâu tối đen, không hơn kém. Chiến tranh phỉnh nịnh một người dân quê mộc mạc chất phác, tình nguyện đi làm anh hùng đấy thôi! Nhưng thời thế không đãi ngộ, kéo lôi cụ xuống vực thẳm không đáy, chả có lối lên nà.

Vả lại, cụ suy nghĩ nát óc: “Một mình ta không làm nỗi chuyện kinh hồn động địa là: xoay lại ván bài của định mệnh ấy”.

Cụ Tú càng không thể bôi bác dựng đứng nên dữ kiện lịch sử, mà chỉ cay đắng, ưu tư nhìn sự kiện lịch sử đã xảy ra trước mắt, rồi mình lại ân hận mà thầm trách thân. Có thế thôi.
Có mấy người xì xầm với nhau:

- Quả thật cụ Tú quá rồ dại.
- Điên hết chỗ nói.

Cụ Tú trừng một con mắt thật, hét lên:

- Điên. Phải! Tui đã nhận thức những khổ đau rồi mờ. Tôi miệt thị đời mình cuồng ngông si dại, phi nhân, phi nghĩa. Tui căm thù chính thân tui như con cờ trâng tráo, bị thí cho cuộc cờ băng hoại. Hoàn cảnh và chiến tranh, đã xô tui ngã chúi xuống tình huống nan giải trong đời, không thể gượng đứng dậy bằng chính một chân còn lại của chính tui. Xin Đời hãy bằng lòng tha thứ cho tui chút mờ.

Cụ Tú nghỉ mệt, rồi la to:

- Kêu Trời không thấu mà. Xóm làng đang yên tĩnh, trù phú mới hôm kia, hôm qua. Hôm nay... Trời ơi! Sự thể thế nầy. Chiến tranh. Súng đạn tàn ác húc bừa bãi vào dân cư, bất chấp hành vi tội ác tầy trời. Không sợ xương máu đồng bào chất ngập lút đầu, lút cổ sao?

oOo

Sau bao ngày đoàn công tác Tâm Lý Chiến lo làm việc, họ gần gũi, thân thương, chí tình săn sóc đồng bào. Lần lần giọng nói bà con lối xóm không còn xa lạ rụt rè, lưỡng lự, hay giữ mồm giữ miệng như trước. Họ mang đầy âm sắc ân tình trìu mến.

Hoài nghĩ:

- “Người với Người cùng chung huyết thống, giống nòi, không đến nỗi coi nhau gớm ghiếc, hung ác, như họ nghĩ về ta ha”.

Tuy vậy, nàng nhầm. Vài ba người trong Thôn nhìn các cô với đôi mắt ác cảm, lạnh lùng, biểu lộ ra ngoài mặt thái độ mấy người ấy bất nhã, khiêu khích, châm chọc. Ở chốn cuối núi đầu đèo, đầy gian nguy khốn khó, đau khổ và tang thương nầy, nơi mà chiến tranh đến thăm tới tấp, và dừng lại ngủ nghỉ liên miên. Nỗi đau đớn càng vò xé tâm can mỗi người. Sự cô quạnh cùng khổ, mất mát, đớn đau tràn đầy ngao ngán đang xảy ra mỗi ngày.

Đáng nhẽ ra, con người cùng chung huyết thống, nên nhích lại gần bên, ưu ái lân mẫn, thân thương an ủi đùm bọc nhau hơn. “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”. Mới phải. Ấy thế mà... có bao cảnh nồi da xáo thịt kìa?!

Nhiều ngày không thấy đôi cánh diều bay trong gió, Hoài thật ray rứt. Ưu phiền, áy náy, bứt rứt, bồn chồn, buồn phiền, lo lắng cho đám trẻ lắm. Tuổi thơ của các em chưa có một ngày an bình đích thực, mà toàn là những ngày sống trong âu lo, hãi hùng bom đạn, bữa đói bữa no, ngủ không tròn giấc. Sống nay chết mai trong vùng chiến tranh kinh khiếp là thường.

Nàng đành ngậm miệng không dám hỏi thăm ai về tình hình sức khỏe của đám trẻ. Nàng sợ có người đa nghi, hiểu lầm “nàng với chúng móc nối”. Họ hỏi tại sao nàng biết và quen chúng; Các em sẽ bị lôi thôi giữa vùng tranh tối tranh sáng, mình sẽ mang tai họa đến cho các em tội nghiệp. Thôi đành vậy, lời nói là bạc, im lặng là vàng! Nhe các em!

Khi Cụ Tú chết đi sống lại lần thứ ba, tự chống tay vào chiếc gậy trúc tàu màu vàng làm ba ton. Cụ đứng lên, lạch bạch khập khễnh đi lại một mình, thì nhiệm vụ của Trúc và Hoài chấm dứt.

Nghe tin ấy, cụ bà ân cần nắm tay hai cô gái, lệ nhòe trên khóe mắt nhăn nheo, đôi môi móm mém run run, không thốt nên lời. Cụ ông mất hàm răng trên, cụ bà mất hàm răng dưới, như cảnh trâu ngựa mượn răng nhau, mỗi lần dự tiệc! Thật khổ hết biết đa.

Cô Ty lật chiếc chiếu hoa trên bộ ván gõ dày láng bóng, quét bụi cẩn thận. Bộ ván này, khi hữu sự mệnh chung, người ta sẽ xẻ mỏng ra, thành bốn tấm dài, hai tấm ngắn, làm người bạn sáu tấm chung kiếp cho hai người ấy.

Cô Ty mời hai người ăn chén chè đạm bạc, nhưng đầy ân tình. Thành thật mà nói, khoai môn là món Hoài không ưa thích. Nhưng sao hôm nay ăn vào, nàng thấy ngọt lịm ở bờ môi cuống cổ. Do chất đường mía, hay do mật ngọt dạt dào thắm đượm tình quê?

Cụ ông trầm tĩnh ngồi tréo chân dài lên chân cụt, vắt chữ ngũ. Một tay cụ vê điếu thuốc tròn, bỏ vào bát điếu gia truyền khảm xà cừ lên nước thời gian bóng láng. Cánh tay cụt của cụ cặp đầu cần tẩu, làm bằng ống trúc tre trăm mắt dài, cong vút. Tay kia cụ bật lửa mồi thuốc hút gọn ơ.

Cũng bàn tay đó cụ rót trà ra chén tống, rồi chuyên sang chén quân, nước trà vàng đậm sóng sánh trong chén, nổi lên lớp bọt sủi trên mặt. Buổi sáng chưa ăn gì, mà kéo điếu cày, uống ly trà Ô Long thì phải biết, say bí tỉ.

Giọng nói cụ ông hơi yếu, dường như muốn kềm chế lại... một cái gì cứ muốn trào ra, từ trái tim, từ một khóe bên con mắt thật. Và, bên một con mắt giả bất động nhìn hai con bé trừng trừng, trừng trừng.

Gọi là chút quà mọn, khi chiến tranh đi vào lòng người vô tội vạ, các cô mong tìm tình yêu thương chân thật của "Tình Quân Dân, như Cá với Nước", Trúc tặng cụ ông chiếc nón nỉ. Cụ bà con dao. Cô Ty bộ quần áo ngủ mầu xanh đọt chuối.

Hoài tặng cụ ông con dao cạo râu. Cụ bà cái cối giã trầu, đôi dép nhung. Ty đôi bao tay vải dày làm cỏ, chiếc áo bà ba mầu nâu non.

Cô thôn nữ Ty thực thà nết na và đôn hậu, đẹp hồn nhiên, miệng Ty lúc nào cũng chúm chím môi trầu cắn chỉ, mắt lá răm dưới vành nón lá kéo nghiêng, mặt Ty che khuất bởi nửa vành khăn vuông cột thắt ra phía sau gáy như mỏ quạ. Hai tay áo của Ty ướt nước mắt.

Họ đứng lên ngồi xuống mãi không nở rời xa. Buổi chia tay thật bùi ngùi cảm động dường bao! Năm đôi mắt đỏ hoe, (à không, chỉ có bốn đôi mắt rưỡi thôi nà). Không hiểu tại sao họ bùi ngùi quyến luyến nhau đến như vậy!?

Hai cô gái lính mới tò te đầu đội mũ sắt, mặc bộ đồ lính màu xanh cứt ngựa, bên ngoài khoát thêm chiếc field jacket đã may sữa lại cho vừa khổ người, họ buồn xo cúi đầu im lặng lủi thủi đi ra khỏi khúc quanh lộng gió.

Bỗng, hai cô lính nghe tiếng Ty gọi ơi ới sau lưng. Họ giật mình quay lại. Cô gái thở hổn hển, tay xách buồng chuối cau vừa chín tới, Ty nhất định ấn vào tay bạn, rồi quệt nước mắt, Ty vùng chạy nhanh về ngỏ nhà. Chân tình của người con gái miền quê, sao mà đơn sơ mộc mạc, đằm thắm, thành thật, mặn-mà tình tự quê hương đến thế không biết!

Hai cô gái lính lại ngập ngừng lủi thủi ra đi, trên mái tóc dài buông lơi sau lưng vướng sót lại mấy lá tre vàng úa. Gót giày đinh nặng nề kéo lệch xệch mang theo đầy bụi phấn đỏ, từ một góc trời đáng đau xót. Họ ưu phiền trong cảnh chiến tranh vẫn đi vào giữa lòng người. Và mang theo (có lẽ suốt đời) những ân tình chân chất mộc mạc, rất đáng kính trọng, thiết tha hoài nhớ một đời.

Cảnh chia ly khiến cho lòng Trúc, Hoài, ưu phiền thật sự trong từng tế bào run rẩy tâm hồn. Ôi! Đã mềm lòng bi lụy trước buổi biệt ly, mà họ đoán trước sẽ không có ngày tái ngộ. Người đi chao đảo với muôn ngàn bâng khuâng, băn khoăn trăn trở trong lòng. Người ở lại sau hàng giậu thưa bên hàng hoa tường vi sắc thắm, mắt nhòa lệ dõi trông theo đầy băn khoăn lo âu, bồn chồn, khắt khoải, ray rứt đứng ngồi không yên.

Hoài chợt nhớ đến cảnh cha mẹ già đơn độc đìu hiu ở quê nhà. Nhớ lạ lùng. Nhớ da diết. Thốt nhiên Hoài lo sợ kinh khủng! Rồi sẽ ra sao trên quê hương đang chinh chiến điêu linh nầy? Tháng ngày trước mặt sẽ có gì, còn gì? Hay chẳng còn gì tất cả, ngoài nỗi đớn đau kinh hoàng, hụt hẫng, mất mát. Vò xé tâm tư...  Như bao ngày chiến tranh bùng nổ đã qua, đang tới?

Hoài nhớ tới lời văn hào Victor Hugo nói:

- "Sống khốn khổ. Cô độc. Phụ rẫy. Nghèo nàn. Tất cả là những chiến trường, tạo ra những anh hùng. Số anh hùng âm thầm nầy, đông đúc hơn anh hùng lừng lẫy."                                                                                          

Phần Thứ Nhì
Chương  29

 CUỘC  TÌNH  NHƯ  BONG  BÓNG  BAY

 Về Đà Nẵng khoảng ba giờ chiều, đi tắm rửa giặt giũ xong, Nữ trở lên nhà soi gương chải tóc. Thì anh rể về với mấy người bạn. Thật ra Thiếu-tá Lang chưa vợ chưa con, chưa già... khú đế, chàng không đến nỗi xấu xí. Nhưng Nữ không thích dáng anh ta đạo mạo, lầm lì, coi lù khù bỏ cha, y như ông cụ non ấy mà.

Nên Nữ cố tình "tả oán". Nhất là cái lon trên cầu vai, khiến Nữ mặc cảm, sợ người ta nói Nữ thích cái lon mà chạy theo ông già! Nàng nghĩ: mình không vì cái lon đó mà ông ấy dễ chinh phục ta, còn lâu ta mới tươm tướp chạy theo. Phần nữa là cha của nàng sợ ông ấy buồn lòng, nên thúc giục mẹ nói vào. Cha mẹ muốn Nữ xiêu lòng chấp thuận làm “bà thiếu tá” cho con yên thân, đỡ nhọc nhằn.

Sau một lát, người làm đi chợ về. Vỡ lẽ ra, hôm nay gia đình anh rể mời mấy bạn thân đến dùng cơm tối. Không muốn dự, Nữ nói dối mẹ là nàng đi khám bệnh. Nữ thay quần áo, lấy xe đạp chạy thơ thẩn đường nầy qua đường nọ. Rồi vào tiệm sách ôm mấy tờ tuần báo, lại vào tiệm cơm quen thuộc. Nữ ngồi vào ghế có cái bàn trống gọi cơm gà và tô canh bông cải. Ly nước chanh. Vừa ăn thong thả, thỉnh thoảng nàng lật vài trang sách mới, như còn một đêm dài thảnh thơi trước mặt.

Mấy đôi mắt lạ tò mò ngạc nhiên, vì sự cô độc của người con gái trước dòng đời cuồn cuộn, ngoài khung cửa kính chiều thứ Bảy đã lên đèn. "Thây kệ, ai muốn nhìn thì nhìn, nói cười, nghĩ gì thì nghĩ. Tôi đói tôi ăn. Có sao đâu".  

Ra khỏi tiệm ăn, Nữ gửi xe rồi đi ciné một mình. Phim “The Longest Day” do Robert Mitchum đóng, mang đầy tính chất anh hùng ca trong chiến tranh thứ Hai. Những pha bắn giết, đấm đá, nghĩa hiệp, tưng bừng, giao tranh gay cấn, loạn xạ, hồi hộp, giật gân từ đầu đến phút cuối. Nữ xem, mà cảm thấy thật buồn, như chính cuộc chiến đó còn đọng lại trên quê hương mình.

Ra về, Nữ đang đứng chờ lấy xe, thì Thắng ở đâu đi đến với bạn trai. Mấy bạn nháy nhó to nhỏ điều gì, tủm tỉm cười cười, rồi bỏ đi. Mặc hai người đứng lại giữa làn sóng người vừa ra khỏi rạp hát. Nữ mừng và Thắng cũng vui:

- Anh không ngờ là... Nữ đã về đây.
- Chứ anh muốn Nữ chết dí ở xó rừng à. Ở thành phố hồ vi vút nhỉ!
- A di đà Phật. Vi vút với mấy ông nội nầy, chẳng thà chết dí xó rừng cho xong.
- Uổng lắm. Thiên hạ khóc đến lụt mất.
- Em có khóc không nào?
- Vô duyên! Là anh em mà không khóc. Hóa ra em vô tình hơn thiên hạ sao?
- Anh vô duyên từ khuya rồi. Bởi thế anh mới độc thân dài dài... À, anh vừa đi ciné ra. Chưa định đi đâu thì gặp em đây. Đến ngã năm ăn bún bò Huế nhe.

Thắng chở Nữ đi thong thả trên phố. Nữ cười:

- Cảnh vật ở Minh Long rất đẹp, thu hút quá chừng.
- Thế hở!
- Em thích lắm. À, em có gặp Hoài ở đó. Anh!
- Ơ! ... Rồi sao nữa?
- À, Hoài nó... có... có quen thân một... anh lính.
- Lính?
- Phải. Dễ thương là... là...

Thắng quay đầu lại cười cười. Đôi mắt sáng, vầng trán cao thông minh, biểu lộ tinh thần sảng khoái, anh ném vào Nữ cái nhìn tinh ranh, thấu hiểu, anh cười rất đểu, vừa nhẹ nhàng châm biếm:

- Thế nào? Dễ thương, nhưng thương có dễ không?
- Còn tùy anh đó.
- Ơ? Lạ nhỉ!
- Không lạ gì! Anh ấy cùng khóa, cùng đơn vị gốc với anh, tên là Đan, ngành pháo binh.

Một lúc im lặng. Tiếng Thắng cất lên:

- Có phải Đan dáng cao cao, ngăm ngăm, đẹp trai, tính tình điềm đạm?
- Ô! Phải rồi... Nầy... Anh Thắng ơi!
- Gì thế hở cô bạn?
- Anh có thích ăn đầu heo không?
- Muốn lấy chồng rồi hả!?... Chuyện nầy anh còn xét lại à.

Mắc cỡ, Nữ đấm nhè nhẹ vào lưng Thắng mấy cái:

- Có là chắc rồi.
- Thảo nào cô tặng đầu heo cho tôi. Ơ... Thôi đi. “Vô duyên” mà đi làm cái chuyện “hữu duyên”, là phản bội nhau quá cỡ thợ rèn. Ấy. Đồng tiền bát gạo, nó đau khổ ở chỗ ấy đấy.
- Anh hết tài lanh, tài lẹt, xí xọn rồi sao?
- Ối giời! Chán chưa. Dễ ghét thế không biết.

Hai tô bún bò, hai ly sữa đậu nành, một gói thuốc thơm đặt trên bàn. Vẻ thân hữu thường nhật của đôi trẻ hồn nhiên là thế. Tình cảm giữa Thắng và Nữ trôi vào giạt ra, như sóng trên bờ biển, lờ lững như mây trên trời xanh. Như gió bão thổi vào vách đá cheo leo.  Hai người nói chuyện thời sự. Chuyện chiến tranh vỡ bung ra nhiều cuộc hành quân sôi sục đêm ngày. Chuyện sao trên trời, cá dưới biển, chuyện lạ bốn phương, chuyện nắng sáng mưa chiều. Không ai đề cập đến "người lính trẻ dễ thương nơi ngàn chốn sơn khê" cả. Dù trong lòng mỗi người đều nghĩ về Đan. Nhìn Thắng tủm tỉm cười chọc quê, là Nữ biết chắc như thế.

Chín giờ rưỡi đêm, Thắng chở Nữ về ở đầu ngã tư Phan Chu Trinh và Hùng Vương, họ chia tay nhau tại đó. Nữ không muốn gia đình nghĩ nàng có hẹn với Thắng.

Hôm sau họp mặt đông đủ tại nhà Thắng để đi câu. Anh Tiến nói:

- Bây giờ tôi đề nghị các cô cậu chuyển đề tài đi. Nói mỗi người một câu. Phải nói làm sao cho hợp ý hợp tình câu chuyện đó. Nói có văn có vần à nha. Đi câu cá thì nói chuyện chim, chuyện cá. Xin mời cậu Thắng. Tựa đề là "Cành cây chi chít chim chóc".

Thắng suy nghĩ năm phút, ngẩng nhìn các bạn tủm tỉm cười, nói:

- Chùa Cảnh Cầm cạnh chợ Chứa Chan có cây cổ Cọ, cành cây chi chít chim chóc. Chủ Chợ: Cụ Chánh Chương... Cụ cứ chỉ chỏ cái cây cổ Cọ cao cho cả Chợ xem.
- Sai rồi. Cả Chợ coi mới đúng. Tiếp tục... cả chợ coi gì nữa?
- Coi Chim. Chấm hết
- Trời ơi! Ông bầu, bết quá! Nghe Quang tôi nói như vẹt nè:
- Cụ cứ chỉ chỏ cái cây cổ Cọ cao cho cả Chợ xem.
- Sai rồi. Cả Chợ coi mới đúng. Tiếp tục... cả chợ coi gì nữa?
- Coi Chim. Chấm hết
- Trời ơi! Ông bầu, bết quá! Nghe nè: Cuối cùng cô Cẩm Chướng chọn cậu Cao công Chiến cần cù. Cô Cẩm Chướng chịu chơi, chả cho cậu Chiến cái chi; Chỉ cho cậu cái cục cưng của cô cho cậu Chiến...  chùa.
- Bậy bạ quá. Anh Quang ba trợn quá.
- Đến lượt cô tú tài Huyền Nữ, chứ không phải ngồi đó mà... nghe chùa.

Nữ đành liều xem sao:

- ... Cha của cô cảnh cáo cậu Chiến, cụ chẳng chịu cho con cụ cùng cậu Chiến chung chạ chung chăn, chiếu.

Ai nấy đều vỗ tay hoan hô Nữ và Quang. Anh cười cười, quấn cần câu, nói:

- Lý Nguyên Bá thời xưa là người giỏi võ không ai địch nỗi. Được mệnh danh là 'Đệ nhất anh hùng". Nghe họ khen, anh ta khoái chí quá! Tung đôi chùy lên định đánh cả trời. Không ngờ chùy rơi trúng đầu chết tươi. Qua kinh nghiệm trên, tôi teo lắm. Sợ lắm. Không dám nhận lời hoan hô đâu. Thân tặng cho anh Tiến đó.
- Ui dào. Không ai nhận, tôi nhận tuốt, thử có chết con cá mô không nà!
- Cá chết lăn chiêng ra đây. Mau mau đi về, kẻo ươn.
- Trời ơi! Tên nầy, tầm ngầm mà đấm chết voi há.

Mỗi cô một tay, thoáng chốc cơm canh chua, cá tươi chiên, dọn ra chớp nhoáng. Các anh ngạc nhiên trố mắt nhìn thán phục. Có thế chứ. Nữ nghĩ ngày trước về nhà Quân chơi, họ nấu cơm canh vụng về, làm ăn luộm thuộm, không nhanh nhẹn gọn gàng như bây giờ. Dẫu sao Nữ đã trải qua nhiều đắng cay gian khổ. Lớn khôn hơn chút đỉnh rồi.
Sau giờ cơm tối, các anh chị nghe nhạc trong phòng khách, rồi kéo nhau đi thăm Bình bị thương, nằm điều trị tại Tổng Y Viện Duy Tân. Thắng chở Nữ đi, lát nữa sẽ đưa nàng về cho tiện. Mấy anh kia còn đi vi vút. Im lặng cho xe chạy suốt con đường dài. Khá lâu Thắng quay lại hỏi:

- Có qu..oái  gì ở chốn kia, mà quyến rũ các em gái tôi thế, không biết?
- Có quyến rũ em. Là cái chắc rồi.
- Có gì nào?
- Có anh... Thắng khiến em mê mệt.
- Trời ơi! Cô nầy xạo quá xá ta.
- Em nói thiệt đó. Anh đừng kêu Trời. Nhỡ Ông Trời mà "dạ" một cái, là anh... tận cùng bằng số, ở trong bệnh viện bi giờ. A! Anh nhớ mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng. Cho em nắm vạt áo bay theo. Chứ anh mặc quần có hai ống, em chả biết bấu bíu vào đâu, cho chắc ăn.

Thắng cười to. Anh dừng xe lại trước ngõ nhà:

- Sao cô dễ ghét thế. Chết thật. Tiếc là anh yêu người khác... mất rồi.

Nữ ngạc nhiên há hốc miệng, cô định hỏi: “ý trung nhân của anh là ai”. Nhưng Thắng đã cho xe vọt đi.
Ôi bỗng dưng cuộc tình tàn lụi như chiếc bong bóng màu bay xa, bay trên nền trời xám đục, quá đỗi là nhanh!

__________________________________________________

Phần phụ họa nguyên vần chữ   C
(Đời lính sống rày chết mai, xin vui lòng cho anh em tiếu ngạo giang hồ ti tí).

*

1.- Chùa Cảnh Cầm cạnh chợ Chứa Chan có cây cổ Cọ, cành cây chi chít chim chóc. Chủ Chợ: Cụ Chánh Chương... Cụ cứ chỉ chỏ cái cây cổ Cọ cao cho cả coi  Chim.

2.- Cả Chợ coi. Các cành của cây Cổ Cọ có chi chít chim chóc: Con Cao Cát. Con công, Con cưỡng. Con chích chòe. Con cò, con cú. Con chuồn chuồn... Con châu chấu, con cào cào... Con chim chích chòe...

3.- Con cú cứ căm, cay, con cò có cái cẳng cao cao, cái cổ cong cong, cái cánh cùn cụt. Con cú càng cay cú cắn cánh, cắn cổ, cắn cẳng chân con cò. Cò cụt cả chân cả cánh. Cú cùng cò càng chua cay, chít chít, chiêm chiếp chí chóe, cạnh các cành cây cổ cọ chằng chịt.

4.- Cụ Chánh Chương cứ cười cợt... cá cuộc cao cho các chàng cần cù, có công cưa cụt cây cổ cọ. Cả chợ chẳng chịu cưa cụt cái cây. Chỉ có cậu Cao Công Chiến chịu chơi, cậu con của cựu Cai cạnh cửa Chợ: Chiến con Cụ Cao Công Chí. 

5.- Chiến con của Cụ Chí. Cha con cậu cơ cực chẳng có chi. Cậu Chiến cứ chễm chệ, chăm chỉ, cần cù, cặm cụi cưa cái cây cổ cọ. Cậu cưa cụt cây. Cành cây chi chít cũng cưa.
Cụ Chánh Chương có cô Cẩm Chướng chính chuyên. "Cẩm chả, Cẩm chê". Cẩm Chướng chả chịu các chàng cùng chợ Chứ Chan. Cuối cùng cô Cẩm Chướng chọn cậu Cao Công Chiến cần cù. Cô Cẩm Chướng chịu chơi, chả cho cậu Chiến cái chi, chỉ cho cậu cục cưng của cô cho cậu Chiến...  chùa.

6.- ... Cha của cô cảnh cáo cậu Chiến, cụ chẳng chịu cho con cụ cùng cậu Chiến chung chạ chung chăn, chiếu. Cụ cấm cản. Chỉ chỏ. Châm chích. Chia cách. Căm. Cừu. Cô Cẩm Chướng cau có.

7.- Cô châm chích cha. Cô chọc cha chửi chí chóe. Chán chường cô càng cau có. Cô cắn, cô cấu. Cô cong cong cái cổ cào cào cánh cổng cài chặt chẽ của cha. Cha cô Cẩm Chướng có cái chuồng cho cô Cẩm Chướng chui. Cô cũng cào chỗ cấm cung.

8.- Cái chuồng chừ có con chó Cún chung chuồng cùng cô. Chó Cún chả chê cái cục “cải cách” của con cô. Chú Cún cứ cặm cụi "chè chén" cơm canh "cải cách" của chú cầy. Chiều chiều, Cụ Chánh cứ chỉ chỏ cái chuồng chó có cô Cẩm Chướng. Cụ càng cay cú, chua chát. Căm. Cuồng.

9.- Cụ cặm cụi chặt cái cổ cậu Chiến "cái cộp". Cô Cẩm cũng cạy chuồng, chồng chất cái cổ của cô cho cha chặt chung cùng cậu. Cô cười cợt cái cảnh cô có con, chẳng có chồng. Chừ chung chạ cùng con cẩu, con cầy. Chui chuồng chim, chuồng chó. Cả cô cùng cậu chết chẳng còn cổ. Cụ Chánh Cuồng. Cảm. Cười cười :"Có con cháu chi cho chán chê. Cha chặt cổ con, cha cũng chui chuồng cọp chật chội.

10.- Con chẳng còn con cừu cho cha cõng. Chừ, chiều chiều cha cõng cháu chầu cảnh chùa cùng cỏ cùng cây. Cao Chín, cháu của cụ Chánh Chương, Cụ Chánh cõng cháu chạy cùng cả chợ Chứa Chan. Chạy cùng cả chùa. Cháu chỉ cho cụ:
- “Cháu chui chái chùa. Chui, chui".
Các chấp chính chống cụ. Còng cẳng cụ "cái cộp". Cụ chào cổng cấm canh. Cửa chuồng cọp có cổng cài chắc chắn, chặt chẽ.

11.- Cả chợ Chứa Chan chê cười cái chết của cô Cẩm Chướng, chê cậu Chiến chết chung chẳng còn cổ. Chê cười cái cung cách cấm cản của cụ cuồng, cương, chẳng cao cơ của cụ Chánh Chương. Cả chợ coi cái cảnh cha con cô Cẩm Chướng "chui chuồng cọp." cùng cực.
Cụ cầu cạnh Cai Chấp chính coi chuồng cọp, cho cụ chóng chết. Chứ chết cằn, chết cỗi, cạnh cái cũi cẩn cừ coi càng cay cú, chua chát, chán chê.

Phần Thứ Nhì
Chương   30

 
DƯỚI VÙNG CỎ NON

Kính dâng anh linh chiến sĩ trận vong &
các anh hùng VNCH vô danh.
Ái Ưu Du

Thiếu vắng Trọng. Trọng đã đi qua rồi. Xong rồi! Hết rồi tận cùng kinh hoảng! Chàng dọt lẹ quá! Từ bây giờ anh ấy thật sự đơn độc. Đơn độc kinh khủng! Đúng với nghĩa của nó! Chiến sĩ ấy đã hững hờ quay lưng, xóa bỏ tất cả mọi thứ trên bàn cờ, khi cuộc chơi chưa kết thúc. Mặc bạn bè xôn xao bàn tán, bừng bừng mặt tím, say sưa cay cay men đời túy lúy.

Riêng Trọng vĩnh viễn một mình ở lại, không đầy bước chân, anh ấy đã nhảy qua bờ vực thẳm, để về dưới vùng cỏ non. Trọng đã vĩnh viễn từ giã bạn bè ra đi giữa hai lằn đạn, ẩn thân bên bờ lau sậy lô xô. Anh ấy chẳng thèm thấy bông lau xoay xoay, bay bay trắng cả lòng quê. Trọng không thấy tre la ngà, sọc xanh da vàng mọc bên suối, con suối chảy róc rách đập vào mô đá rêu rong, tạo thành những bọt nước trắng xóa, òa vỡ tung bay rồi chìm khuất. Anh ấy không nghe cây cỏ bức xúc cựa mình rì rào suốt tháng năm rồi! Trọng gửi xác thân trên quê cha đất tổ, mặc cỏ ướt sũng, phủ đầy nước sương, nước mưa, nước mắt tình bạn, tình quê, đan quyện vào nhau; mỗi lần họ ghé qua mồ Trọng và đặt lên bó hoa tươi. Anh ấy không thấy vòng couronne mortuaire cườm đen băng tím. Làm tâm hồn bạn bè ngậm ngùi, đau đau xúc động mãnh liệt. Anh ấy như chiếc lá xanh tươi mơn mởn, đột ngột bị bứt ra khỏi cành, biến đổi Trọng từ trạng thái sinh tồn, sang trạng thái tử quy lạnh giá. Đau buốt.

Anh ấy đã bị chiến tranh lừa mình hụp xuống con đường tử tuyệt, sâu hun hút. Không có lối lên. Trúc phẫn nộ suy nghĩ miên man. Thì ra tử thần thật chí công vô tư. Không thiên vị anh hùng kiện tướng. Không nể mặt ai!

Quê hương hiền hòa, nay buồn thảm, lặng thinh, nhận thêm một nấm mồ chưa xanh cỏ. Đời anh ấy dầm mình trong chiến tranh, cuối cùng chấm dứt cuộc sống thảm thiết. Sinh nghề tử nghiệp chưa đúng, thật vô duyên, khi tên anh ấy đã ghi vào danh bạ quân tử. Chính Trọng, người chiến binh hiền lành, oai dũng trẻ trung, dĩnh ngộ tự tin, tự trọng, mưu cầu nghệ thuật vị nhân sinh, dạt dào tình cảm không thích súng ống bom đạn. Anh ấy biết yêu nồng nàn tha thiết từ tấc lòng; yêu gia đình cha mẹ anh em, bà con, bạn bè đằm thắm.

Trung thành nồng nhiệt với chiến hữu, anh ấy đã cống hiến tuổi xanh, vì quê hương xứ sở. Yêu từng luống khoai vồng sắn, anh ấy luôn giữ gìn từng tấc đất ông cha truyền lại từ ngàn xưa. Trong năm điều Nhân. Lễ. Nghĩa. Trí. Tín, Trọng giữ chữ Nhân đứng ở hàng đầu. Nào có phải anh ấy là người bội bạc, dã man tàn ác, muốn cầm súng đi xâm lăng kẻ khác đâu!

Đau đớn thay! Nơi Trọng vùi tấm thân xuống dưới ba tấc đất, trong chiếc quan tài kẽm phủ kín, có lá cờ vàng ba sọc đỏ đậy lên trên. Tấm thẻ bài ghi tên Lê Văn Trọng. Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, kèm Anh Dũng Bội Tinh và Nhành Dương Liễu. Quân hàm cố Đại Úy, đã có những dấu ấn viên đạn xuyên thù triền miên, in trên chiếc nón sắt vấy máu, vẫn hằn sâu lỗ đạn diệt nhân lỗ chỗ. Cái nón sắt đó đã đặt trên bàn thờ, không bao giờ kỳ cọ, gội rửa sạch dấu hờn căm.

Nơi cách đây hai mươi sáu năm, anh ấy đã sinh ra, lớn khôn từ bầu sữa mẹ ngọt ngào. Cha mẹ chắt chiu từng vồng sắn, vườn rau, ao bèo, hồ nước, khúc sông bên bồi bên lở, qua dòng lưu thủy, luân lưu xuyên khắp mọi mạch nguồn, chảy ngầm trong lòng đất. Trước cuộc tương tàn đẫm máu quyết liệt, anh ấy không nở ra tay giết hại một ai. Cho dù Trọng đã biết rất rõ, kể cả người chú Di Linh cùng chung huyết thống với mình. Tất nhiên anh ấy đã mất mạng. Họ không buông tha anh ấy. Lòng Trọng bừng bừng ngọn lửa mến yêu thân nhân, tha nhân, và năm điều "từ Nhân đến Tín" kia. Khi kẻ khác lòng hừng hực cuồng quay ngọn lửa xâm lăng, quyết liệt không tàn.

Trong binh thư không dạy anh ấy buông súng gác mũ, đấy là người bạn đời bất khả ly thân của Lính. Thế sao anh ấy vội vứt mũ, buông súng bỏ cuộc ra đi? Khi bạn bè còn chiến đấu bên nhau thế nầy? Hóa ra, đã có nhiều lần, bạn với anh đã chuyền tay nhau từng điếu thuốc dỡ ngọn. Bao lần họ nâng ly rượu trên tay chúc tụng nhau rồi!? Anh ấy tao nhã thanh lịch, khả ái khi còn sống, lưu danh thơm sau khi lìa đời. "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng" mà.

Khốn thay điều ước nguyện duy nhất của Trọng: "Thiết tha mong đợi ngày an bình, ấm no hạnh phúc thực sự. Không còn cảnh nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn. Mình mang canh cánh bên lòng niềm khát vọng kỳ phùng, trở về sống trong mái nhà xưa. Chúng ta sẽ ngồi dưới giàn hoa thiên lý, cùng ba mẹ và anh chị em, hàn huyên tâm sự, cho bõ những ngày thương nhớ”.

Thật, chẳng bao giờ Trọng muốn bất hiếu với ba mẹ, khi anh ấy đột ngột lìa đời, không rứt ruột chít vành sô tang trên mái tóc xanh, anh ấy không mặc áo sô gai dệt bằng tay may tang phục, khi mẹ cha trăm tuổi. Trọng sẽ đội mũ cuộn bằng rơm, lưng thắt dây làm bằng bẹ chuối khô. Nếu ngày cha lìa đời, anh ấy sẽ phải chống gậy tre. Mẹ mất, anh ấy chống gậy gỗ vuông. Em gái sẽ mặc vải sô gai buông gấu, đội vải sô gai phủ mặt. Hàng cháu, chít khăn tang đỏ, hàng chắt khăn vàng, hàng chút khăn xanh. Trước di ảnh cha mẹ già tóc bạc răng long ngoài trăm tuổi, anh ấy sẽ đặt bát nhang trầm nghi ngút khói, hướng đông bình hoa, hướng tây đĩa trái cây, Trọng sẽ vái hai vái, tượng trưng cho âm dương nhị khí.

Tay anh ấy sẽ run run rót ly rượu tăm, lạy tạ công sinh thành dưỡng dục, kính thờ cha mẹ, trước khi nhắm mắt xuôi tay. Trọng khẽ nói câu của Léoparde:

- "Ôi! Đất Mẹ êm ái. Nguồn sống đã cung cấp cho con. Nầy đây con xin trả lại".

Có phải ngồi trước trên bàn thờ, Trọng muốn nói như thế hết sức? Mộ chí chôn người thân chưa kín cỏ. Bỗng một hôm thêm một lần bom đạn cày xới nấm mồ của Trọng tả tơi, lở loét. Thây tàn giờ đây anh ấy càng sình thối chương phình, đụng vào rữa nát lầy nhầy, chân một nơi, tay một ngả, đầu một góc. Anh bị móc lên, ráp nối hình hài, thiếu sót thô vụng, cái mất cái còn, không toàn vẹn.

Trọng nào biết cha mẹ, và đàn em nhỏ, khóc đỏ máu mắt. Họ vẫn chối bỏ sự thật, cay nghiệt phũ phàng. Họ không thể đối diện sự hủy diệt lần cuối cùng, đầy bất nhân nầy. Họ tưởng nếu anh ấy có sống khôn thác thiêng, nên kéo cha mẹ và đàn em, xuống mồ sâu bít kín. Hơn là để họ sống lụi hụi lù đù, mà chứng kiến cảnh đau đớn, trên cõi đời ô trọc.

Cha mẹ đã phổ tình yêu tuyệt đỉnh vào từng thớ tí nhau, tạo thành Trọng có đời sống tràn đầy sinh khí, dồi dào sức sống, anh ấy đẹp như vị thiên thần. Chứ họ nào dám nhìn một lần nữa, dám nghĩ đống xương thịt bầy nhầy, tanh nồng, hôi hám, thúi tha kia, ruồi bu kiến đậu, bọ rúc trương sình kia. Đó chính là đứa con ruột ngoài hai mươi sáu tuổi. Cha mẹ còn bịn rịn tiễn đưa con, mỗi lần Trọng về phép. Có đâu cảnh cha mẹ già khóc con trẻ bội bạc, bỏ cha mẹ lạnh lùng đơn độc mà đi vào vùng cỏ non. Xin cha mẹ tha lỗi cho con sự bất hiếu, trót lỡ lầm ra đi trước cha mẹ, để cha mẹ đau lòng, cúi đầu, gục mặt, rơi nước mắt vì con trẻ hoài mãi thế nầy!

Trọng là chứng nhân dòng họ đối nghịch, bôi nhọ từng trang lịch sử trong cảnh nồi da xáo thịt. Anh ấy nằm xuống, vĩnh viễn quên đi quá khứ. Quên hiện tại cốt nhục tương tàn, tương lai điêu linh buồn đau. Không trách nhiệm. Không đùm bọc. Không yêu thương. Đầy thù oán. Chém giết. Khổ đau. Lỡ lầm trách nhiệm. Lỗi lầm trong cuộc - Giữ Nước và Dành Nước - Tột cùng kinh khủng! Có điều gì vượt quá sức con người. Nó hút Trọng vào điệu quay chóng mặt. Tận diệt niềm khát vọng tái tê. Sự căm thù ác độc hung hăng giữa - Người với Người, - giữa Chú và Cháu - hiện ra rõ rệt.

Câu: “Ce dernier soupir de ma vie, je le garde pour aimer”, (Lamartine) hoặc câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng"; Với Trọng vào giờ phút nầy, bây giờ hoàn toàn rỗng tuếch. Vô nghĩa. Lạnh lùng. Cay đắng xiết bao! Có phải Trọng ngồi ở bàn thờ, muốn nói như thế hết sức?

Dù hiện tại buốt tê, lạnh lẽo hay an lành, đang nghiêng mình trên dĩ vãng đầy cay đắng, đau khổ? Trọng thật sự ra đi, như con đò khuất dạng vào chân cỏ lau sình lún, như con tàu suốt vào vùng dĩ vãng, khuất xa góc trời bom đạn mù mịt khói súng.

Trong tiệm, tiếng đàn hạ uy cầm đẩy nỗi buồn phiền, băn khoăn, bồn chồn ray rứt lên cao độ. Chợt dấy lên trong lòng bạn hữu, những tên gọi thân mến, dần dà mất lần lần đi đâu hết? Mất lần theo bóng tối kinh hoàng, chìm sâu vào miên viễn. Bạn bè dùng rượu, đè nén bi thương nội tâm xuống, họ dùng rượu khơi dậy lòng tiếc thương vô vàn, mãi mãi là niềm tiếc thương sâu thẳm, ngút ngán dâng cao!

Đồng thời, họ dùng rượu, hầu đốt lên niềm vui mừng may mắn còn ngồi bên nhau, lúc chiến tranh tàn khốc đi giữa cuộc sống, đe dọa từng nhân mạng. Cái chết giữa hai lằn đạn sát đầu tơ kẽ tóc. Thỉnh thoảng họ họp mặt “dăn nghệ dăn gừng” ti tí, cho đời lên hương.

Vậy, điều tôi muốn nói: Xin Đời rộng lượng bao dung và đức độ, nhân ái vị tha cho người Lính Thiên Lương sơ sót, hay có sai phạm tí lỗi lầm. Bởi nhân vô thập toàn! Xin hãy mến yêu Lính. Hãy thương Lính. Họ là những công cụ, là sản phẩm của chiến tranh. Họ có quậy phá đôi chút, khi men nồng lên, khi cuộc vui lụi tàn. Không là điều thất trách, thất thố lắm đâu.

Mấy bạn ngồi bên nhau trong bàn tiệc nhỏ, từ nhiều vùng đất xa xôi khác nhau. Có phong tục tập quán khác nhau, suy tư và tình yêu chẳng giống nhau. Họ hoàn toàn riêng lẻ, ánh mắt ngời sáng không ngừng ánh lên nỗi ngạc nhiên, qua câu chuyện vui buồn, trầm lắng, lịch duyệt, dí dỏm không mỏi. Nụ cười họ nở trên khuôn mặt nhuộm nắng gió khuya chiều sâu lắng nỗi niềm chung.

Trông điệu bộ Văn, có mái tóc bạc phếch bụi phong trần, mặc áo field jacket xệ vaiVăn  giả vờ khật khưỡng làm người say, nách anh ấy cặp vỏ chai rượu Martel, mơ màng ngâm mấy câu thơ. Các bạn không thể nhịn cười vì lối diễu ra trò ấy. Sự quyến rũ tuyệt vời nầy, làm các bạn mê mệt Văn. Thế mới chết.

Nhiều giọng nói trầm ấm, ngọt ngào hồn nhiên, sảng khoái, mang dấu tích Mẹ Quê Hương Việt Nam ba miền: Trung. Nam. Bắc. Rì rào giọng nói súc tích, đầy âm giai tuyệt diệu, nhiều hương sắc đặc biệt trìu mến riêng của mọi miền. Họ không có gì hơn tiếng cười, pha nước mắt ân tình, làm quà tặng cuối cùng, ngõ hầu chia sẻ niềm đau quặn thắt dại tê. Bằng ly rượu nồng, tách cafe đắng, hay điếu thuốc Quân Tiếp Vụ.

Và, tiếng lòng thì thầm gọi mời nhau, trầm lắng rung lên từng đợt nấc cuồng quay, bên mỗi phím loan.

Vĩnh  Biệt  Anh:

Anh lính ấy oai hùng trong chiến trận.
Sóng bạc đầu cánh thép kiếp đằng vân.
Anh hiên ngang phiêu lãng chẳng ngại ngần.
Đi tứ xứ gót giày đinh vang ngân.

Anh lau súng mài gươm dưới trăng rằm.
Thề quyết giữ non sông Việt hoa gấm.
Diệt bạo tàn. An vui  đến tha nhân.
Lòng trung kiên ngàn đời thề tiềm ẩn.

Uốn khúc ngập ngừng bờ lau sậy giẫm.
Rong rêu kè đá rễ già ướt dầm.
Men đời cạn khô dưới vùng cỏ non.
Dòng suối lững lờ bên bờ vực thẳm.

Vĩnh viễn từ đây lặng lẽ âm thầm.
Anh nằm đó tình buồn xanh một nấm.
Niềm xúc động bồi hồi thật trong tâm.
Tiếc thương anh quặn đau kiếp phù vân.

Đường tử huyệt một lối không chân!
Anh để Đời luyến nhớ đau vô ngần.
Chia một nửa hồn ai tình chôn vậy.
Người tiễn Người dòng lệ tới chân mây.