SỐ 43 - THÁNG 7 NĂM 2009

 

VỌNG ĐĂNG 

Tôi về thăm nhà lần đầu sau hơn hai mươi lăm năm bỏ nước ra đi. Ngày đi gấp gáp lén lút chạy trốn  trong bóng đêm vắng vẻ, sợ hãi đủ thứ ngay cả một đứa bé đi mót cá, chèo thuyền ; ngày về lại trái ngược bấy nhiêu. Phi trường rộn rịp người đứng đầy vòng trong vòng ngoài ở lối ra, có cả những bó hoa đang héo rũ của người đón rước sau nhiều giờ đợi chờ thân nhân làm thủ tục " đầu tiên " bên trong.

Khi hành khách được thông báo cài lại dây an toàn chuẩn bị cho máy bay hạ cánh, cảm giác bồi hồi, nôn nao bỗng dâng lên mặc dù tôi cố trấn tĩnh lòng mình, sau cái lắc mình nhẹ lúc bánh xe chạm phi đạo tôi hồi hộp nghiêng người nhìn ra khung cửa, phi cơ chầm chậm bò vào đường băng giờ trở nên nhỏ hẹp, ngắn ngủn vì bị nhà cửa lấn chiếm, lướt ngang một đám người mặc quần áo màu xanh  bộ đội đang ngồi chồm hổm bên đường đưa mắt nhìn chiếc máy bay chạy qua, cách ngồi kiểu " nước lụt " này xuất hiện  " vô tư " trên ghế ngồi các công sở trong giờ làm việc vào những thời gian đầu sau bảy lăm tôi tưởng chừng bây giờ đã không còn nữa, ai ngờ lại là thứ đầu tiên tôi nhìn thấy dù chưa chính thức đặt bước chân xuống mảnh đất nơi mình đã ra đời và xa cách bấy lâu !.

Mỗi người về nước đều có mục đích của mình, còn tôi trở về chỉ vì tò mò muốn biết sau ngần ấy năm xa cách nơi chốn mình trải qua thời tuổi trẻ giờ có gì thay đổi ?. Bạn bè cũ giờ đã ly tán mỗi người một nơi, tôi thấy mình trở thành một kẻ xa lạ mặc dù chung quanh mình là người có cùng màu da và ngôn ngữ bởi dân sống ở Saigon bây giờ đa phần đều từ miền bắc vào. Buồn lòng nên tôi ở lỳ trong nhà và không muốn đi đâu hết, một phần vì không còn hợp với khí hậu đã trở thành nóng bức đối với mình, một phần không muốn mang tiếng " áo gấm về làng " vung tiền hưởng thụ tiện nghi trong các khu du lịch " năm sao, bẩy sao " khoe mẽ giàu sang như một số đã từng làm. Đứa em họ thấy tôi cứ ra vào và bó gối ngồi buồn thiu trước cửa nhà nhìn người qua lại bèn gợi ý :

-  Chị không thích du lịch đây đó thì thử theo em làm từ thiện cho đỡ buồn đi, em sắp có chuyến đi chùa phát quà cho những gia đình nghèo nhân ngày lễ Vu lan sắp tới.

Nghe đứa em nói tôi mới sực nhớ ra bây giờ ở hải ngoại người ta siêng năng làm từ thiện lắm, đọc qua báo chí thấy bao nhiêu là thông báo mời tham gia quyên góp, tham dự dạ vũ, yến tiệc trước mua vui sau làm nghĩa. Thông thường người sống trong khung cảnh thừa mứa điều kiện vật chất rất dễ động tâm, thương người trong hoàn cảnh khốn khổ. Những người đức hạnh cao dầy thì tìm vui trong công việc làm từ thiện, tích thêm chút phước báu chẳng những cho bản thân mà còn cho con cháu về sau. Tôi hỏi nó :

-  Làm sao mình biết người ta là người nghèo, có cần phải thông qua danh sách do Phường, xã chỉ định không ?

Nhỏ em lắc đầu :

-  Tụi em đi nhiều nơi lắm, đi " tùm lum " hễ thấy chùa nào nghèo thì tới nơi đó phát tâm trước cúng chùa sau nhờ chùa bố thí cho bá tánh chung quanh thôi chứ không có làm rình rang lớn chuyện như các tổ Chức ở nước ngoài. Với lại những chùa nhỏ ở xa thường nghèo vì ít ai biết và người dân sống chung quanh vùng đa số là người thiếu thốn chạy ăn hàng ngày, người khá giả đâu ai thèm ở chốn " khỉ ho cò gáy " này.

Tôi thấy có lý nên gật đầu :

-  Ừ cho chị đi chung với,

Nói đến chùa chiền tôi bỗng nhớ lại một chuyện :

-  Em biết ngôi chùa bên kia con đường lộ đỏ ở miếng đất của dì Bông  không ? Sau tháng 4/75, lúc chồng chị đi tập trung cải tạo có thời gian chị bồng đứa con mới mấy tháng về ở đó để làm rẫy nhưng làm không nỗi đành phải trở về thành phố, chỗ mình ở không có nước, hàng ngày chị phải ôm con qua chùa xin nước uống đó.
-  Chỗ đó bây giờ nhà nước phóng đường nên người ta cất nhà dọc theo con lộ hết rồi, còn cái chùa chị nói thì vẫn còn nhưng cất lại to đẹp hơn xưa nhiều, nghe nói ở đó làm thêm cô nhi viện do các sư cô phụ trách.

Trước ngày đi theo đoàn làm từ thiện tôi nói với nhỏ em nhờ anh xe ôm quen chở tôi đến thăm ngôi chùa trước kia sau khi gói hơn một trăm phần bánh kẹo, một chục thùng mì gói lá bồ đề, đến nơi tôi nhờ anh xe ôm chạy mua thêm năm chục ký gạo chở đến chùa. Tôi đến thăm cô nhi viện với tư cách một cá nhân và ngỏ ý muốn tận tay phát mỗi em một gói bánh kẹo. Có lẽ các em đã quen với việc có khách đến thăm và phát quà nên khi sư cô ra hàng hiên cầm cái chuông lắc to lên thì từ trong các phòng các em nhỏ chạy túa ra, đa số là những em sáu bảy tuổi vì các em lớn hơn đều đã đi học, tôi cầm gói bánh phát cho các em mà cõi lòng thổn thức không cầm được nước mắt, có những đứa mặt mày sáng sủa kháu khỉnh, lẫm chẫm chạy ra, con gái lẫn con trai, nhìn các cháu nhỏ tôi  thắc mắc trong lòng tự hỏi, tại sao có những cha mẹ đành lòng bỏ đi núm ruột thương yêu của mình như thế này ? Tôi quay sang thưa chuyện vị sư đi bên cạnh :

-  Thưa sư cô, hồi xưa con ở trong cái chòi lá phía bên kia con lộ, con nhớ hai mươi lăm năm trước chùa chưa cất lớn như bây giờ và hồi đó thì chưa có cô nhi viện này.
-  Thật tình thì không phải chùa có mục đích lập ra cô nhi viện, một buổi sáng sư trụ trì ra quét sân bỗng thấy có đứa con nít bọc trong tấm chăn bỏ trước cổng, sư đành mang vào thôi vì có biết mang đi đâu bây giờ, cũng là một sinh linh, ban đầu thì vài em, sau vài chục và đến nay hơn trăm em. Nuôi dạy các em là nhờ vào khách thập phương chung quanh cúng dường, các em lớn hơn sau giờ học thì giúp cho nhà chùa chăm sóc các em nhỏ hơn hoặc làm thêm công việc gói bánh gia công, làm đậu hủ  mang ra chợ bỏ mối. Đến nay chùa đã có một số em học xong Đại học đi làm nhưng các em vẫn về chùa để giúp tay với các ni sư.

Chờ những em nhỏ chạy ra nhận quà xong, nhìn vào thấy thùng bánh chỉ vơi phân nữa tôi ngỏ ý muốn vào tận các phòng để phát cho những em khuyết tật đi đứng khó khăn, một số khác không còn nhỏ nhưng chắc mới được người ta mang đến nên nằm trên giường quay mặt không buồn cử động, khi tôi gọi chỉ đưa cặp mắt buồn thiu, ráo hoảnh vô hồn nhìn lên và cũng không thèm giơ tay nhận phần quà tôi  đặt bên cạnh. Ở những em sơ sinh hay còn nhỏ dấu ấn về gia đình thường không có hoặc rất dễ phai nhạt, còn những em khá lớn đủ trí khôn hiểu chuyện nên trong hoàn cảnh này dễ bị cơn sốc nặng, chấn thương tâm lý này  khó có thể hồi phục trong đời.

Hôm sau theo  những người đi làm từ thiện  chúng tôi đến một vùng ven biển cạnh chân núi trời đã xế chiều, mọi người quyết định để lại hai bác tài và một cậu  trai giữ các thứ phẩm vật tại xe, còn lại  sáu người trong đó có tôi lần theo con đường nhỏ quanh co lên chùa. Chỉ có tôi là người lần đầu tiên đặt chân đến nơi này còn lại  tất cả đều tỏ ra quen thuộc thông thạo đường lối. Dọc theo hai bên  đường lên chùa đầy  lùm bụi thỉnh thoảng có vài cái nóc nhà chen chúc dựa vào nhau, cái quay lưng, cái quay mặt theo con đường đất. Ban đầu tôi hăng hái bước nhưng đi được một lúc thì đôi chân cảm thấy nặng nề, mặc dù khi xưa tôi cũng đã từng trèo non lội suối đi thăm nuôi chồng trong tù nhưng lúc đó hãy còn trẻ, hơn hai mươi lăm năm sống xứ người một bước là lên xe khiến tôi bây giờ từng bước lếch thếch theo mọi người muốn hụt hơi. Tôi vừa thở hào hển vừa hỏi đứa em :

-  Chùa ở đâu, chừng nào tới chùa vậy Mến ?

Chỉ tay vào phía trên cao Mến trả lời :

-  Mình đi thêm mười lăm phút nửa là tới thôi.

Thật ra đường không xa, có lẽ càng lên cao càng thấy mệt nên khiến tôi có cảm tưởng như thế. Trong bài thơ " Đi chùa Hương " của ông Nguyễn nhược Pháp chẳng phải đã viết rằng  :

-  " Con đường dài mệt ghê.
.....
Nam mô A di đà
Cứ vừa đi ta cầu. "

Thế nên có lẽ tôi phải bắt chước lời bà mẹ trong bài thơ này, tôi lại liên tưởng đến sáng mai mọi người lại phải trở xuống vận chuyển các phẩm vật mang lên để phát cho bà con trong đó nặng nề nhất là mấy bao gạo.

Mọi người giục nhau đi nhanh  vì chiều đã sẫm màu, ở đây bóng tối buông xuống nhanh hơn thành phố, lên đến nơi cũng vừa đỏ đèn. Ngôi chùa tọa lạc ở một vị trí cuối cùng  trên đỉnh cao nhất của mỏm núi, mặt trước và một bên hông nhìn thẳng xuống biển khơi phía xa đầy gió lộng lô nhô những con sóng lao xao. Chùa xây bằng vật liệu nhẹ, chỉ có chánh điện và hai gian bên cạnh là xây bằng gạch quét vôi, còn lại hậu liêu và nhà bếp phía sau ghép bằng mái tôle, cây rừng và đá núi. So với những ngôi chùa đồ sộ với tượng Phật thếp vàng to lớn, chùa giống như một cái am nhỏ, nghèo nàn với tượng Phật tạc bằng đá trắng của Ngũ hành sơn. Nghe nói tiền của bá tánh cúng chùa phần lớn vị sư già trụ trì dùng thí thực cho dân nghèo chung quanh. Tôi không phải là anh chàng Ngọc trong tác phẩm Hồn bướm mơ tiên  của Nhất Linh học từ năm Đệ thất nhưng hoàn cảnh thì rất giống, anh chàng Ngọc hôm đó cao hứng đạp xe lên chùa Long Giáng thăm ông Bác là sư cụ trụ trì và được thết đãi một bữa cơm chay  thấy nhà bếp rộn rịp nên cứ tưởng mình sẽ được thết đãi một cách đặc biệt ai dè "... Trên chiếc mâm gỗ lỏng chỏng chỉ thấy dĩa rau muống luộc và dĩa đậu phụ kho tương... " Bởi tôi đã từng đi ăn nhiều tiệm cơm chay, người ta cố làm cho thật giống các thức ăn mặn nào là tôm càng, gà rô ti, heo quay xá xíu.., vv..., thuyết nhà Phật tu là không sát sanh, người phát tâm ăn chay mà lòng vẫn còn vọng động phải đánh lừa đôi mắt mới có thể ăn uống theo giới luật, thật là một điều thất vọng cho những nhà tu hành chân chính.

Đêm xuống đã khuya, sau hồi kinh công phu tụng đầu hôm cảnh chùa rơi vào yên lặng, nằm mãi không ngũ được tôi lần ra phía sau hậu liêu trống trải nhìn ra biển, phía dưới xa thật xa trong đêm tối chấm đèn chập chờn  của những người câu mực ban đêm nhấp nhô từng chùm rải rác khắp mặt biển.  Ánh trăng lưỡi liềm trong đêm không đủ tỏa sáng  khiến bầu trời thành vũng tối ngơ ngẩn, buồn bã khôn cùng. Một bóng  phụ nữ từ bên trong bước ra, sau khi cắm những cọng nhang cháy đỏ ở đầu cây vào chiếc lư hương và sửa lại chiếc đèn đặt trên bàn thiên ngoài liêu, loại đèn bão có thể chịu được mưa gió không tắt, lâu lắm tôi mới thấy lại chiếc đèn kiểu này, khi người này quay mặt lại tôi nhận ra dáng người ban tối phụ việc dọn ăn cho chúng tôi ở nhà bếp. Thấy tôi người đàn bà không chút ngạc nhiên chỉ điềm đạm nói :

-  Chắc ở chỗ lạ nên chị không ngũ được, nhiều người cũng vậy.

Tôi hỏi ngược lại :

-  Thế sư cô sao cũng không ngũ vậy ?
-   Tôi thức như vầy cũng quen rồi, thỉnh thoảng phải dậy để canh chừng cho đèn đừng tắt.

Ngạc nhiên tôi hỏi :

-  Sao lại phải đốt đèn cả đêm, nếu thế sao cô không dùng đèn điện hoặc đèn bằng bình ắc quy cho tiện.
-  Cây đèn này là đèn vọng, phải đốt đèn có ánh lửa mới quyến các vong hồn lang thang trên biển nương theo hương khói đến chùa nghe kinh.

Nói xong người phụ nữ ngồi ghé xuống chiếc bàn ăn, nhìn kỹ tôi thấy người này chưa xuất gia bởi vẫn còn để tóc. Không biết có phải vì gió lạnh hay vì câu nói của người đàn bà khiến tôi rùng mình. chiếc võng tôi ngồi chao đi. Sao lại có người đốt đèn mời linh hồn người chết đến trú ngụ với mình. Trong bóng đêm tôi không nhìn được rõ ràng mặt người nói chuyện, nhưng giọng nói có vẽ hơi quen, mãi tôi vẫn không nhớ ra tôi nghĩ chắc mình nhớ lầm vì nhiều người  vẫn có giọng nói giống nhau. Người đàn bà vẫn đều đều tâm sự :

-  Chị biết không, những vong hồn khi chết oan ức người thân không biết ngày tháng, nơi chốn mãn phần thường vất vưởng lang thang vì không ai hương khói, những linh hồn ấy thường tìm đến trú ngụ ở chùa chiền, chỉ ở nơi này các sư thầy mới biết sự có mặt của họ và tụng kinh cứu độ cho họ siêu thoát.

Chỉ tay về phía biển người đàn bà nói tiếp :

-  Chị có nhìn thấy biển dưới kia không ? Nơi ấy biết bao người đã vùi thây trong đó có anh, hàng đêm tôi đốt cây đèn chờ anh trở về dù chỉ còn là một vong hồn.

Tôi bỗng nhận ra người phụ nữ không được bình thường, có lẽ đau khổ Tuyệt vọng về cái chết của người chồng, người yêu khiến chị thành quẫn trí. Thật tội nghiệp, lòng thương hại khiến tôi cố gắng ngồi lại mặc dù trong dạ rất sợ hãi, nhưng xem ra người này chỉ là một dạng tâm thần nhẹ, hoang tưởng chuyện của mình chứ không gây hại đến người chung quanh.

-  Anh ấy là thuyền trưởng, lúc còn sống anh hay kể Cho tôi nghe tàu thuyền khi ra khơi nhờ vào ánh đèn rọi của hải đăng để  tránh các mỏm đá ngầm tìm về  bến an toàn.

Tôi nhẹ nhàng ngắt lời :

-  Và bây giờ chị đốt đèn để anh từ biển về bình yên.

Người đàn bà tiếp lời có vẽ mãn nguyện :

-  Vâng, chị nói rất đúng.

Rời người phụ nữ tôi vừa vào chỗ nằm bên liêu vừa suy nghĩ, nếu ngày xưa nàng Tô thị vọng phu đến thành hóa đá, bây giờ người đàn bà với chiếc đèn chờ một vong hồn phải gọi là gì nhỉ, vọng đăng chăng ? tôi mang theo nỗi thắc mắc thiếp dần vào giấc ngủ.

Tôi không biết mình chợp mắt được bao lâu nhưng tiếng tụng kinh gõ mõ trên chánh điện đã đánh thức tôi dậy, nhìn ra ngoài trời vẫn còn tối, thì ra đã đến giờ tụng kinh công phu buổi sáng. Mọi người chung quanh đều lục tục thức dậy, sửa soạn xuống núi mang vật phẩm cứu trợ lên chùa. Bà bác trưởng nhóm nói nhờ có liên lạc trước nên sư thầy đã cho đệ tử đến những nhà nghèo quanh vùng gởi phiếu cho họ đến chùa nhận quà sáng nay. Món quà đơn sơ gồm chục ký gạo, thùng mì, gói bột ngọt, chai nước tương, lọ chao, ký đường  tất cả chỉ có thế nhưng ai nấy cũng đều vui mừng bởi ở nơi này dân hầu hết đều chỉ đi rừng kiếm củi hoặc lần xuống biển chèo chiếc thuyền thúng bắt ít cá tôm sống qua ngày. Người lớn kiếm cơm không đủ ăn nói gì đến chuyện cho trẻ con học hành, cũng may chùa có cô Huệ là người làm công quả lâu năm ở chùa  cất một gian nhà nhỏ dựa bên bếp nhà chùa, đặt vài chiếc bàn mở lớp dạy viết và đọc cho trẻ con quanh vùng. Hết cả buổi sáng làm việc cả nhóm được chùa khoản đãi buổi cơm chay trưa muộn màng trước khi trở về thành phố. Nhóm chúng tôi sau khi dùng cơm đã vào tận trong bếp cám ơn và từ giã từng người sau khi sư thầy giới thiệu tất cả những người trú ngụ trong chùa  với chúng tôi, bây giờ tôi mới nhìn tận mặt một cách rõ ràng người đàn bà nói chuyện với tôi ban khuya, mắt tôi hoa lên tôi thảng thốt hỏi :

-  Huệ, có phải là Huệ ? Huệ áo dài !!!

oOo

Những ai đã từng trải qua thời cắp sách đều biết những ngày vui đẹp nhất của thời làm học trò chắc chắn không phải là ngày hè, nếu không phải tại sao có ông nhạc sĩ viết bài hát " Nỗi buồn hoa phượng " đã bắt đầu bằng câu " Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn à.  ".Hè đến là những ngày vùi đầu vào sách vở chuẩn bị cho các kỳ thi để rồi than thở " thi ơi là thi ! Sinh mi làm chi !! à” Thời điểm vui nhất là những ngày cuối đông sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt của lớp, khoảng hai ba tuần lễ trước Tết nguyên đán, trường nào cũng rộn ràng với từng đoàn học sinh ôm các chồng báo đến trường khác giới thiệu giai phẩm Xuân của mình. Với những giáo sư dễ tính khi vào lớp thường hay nghe đám học trò nhao nhao điệp khúc : " Cô ơi, cho chơi đi cô, chơi cô  ". Nếu được nhận cái gật đầu dễ dàng cả lớp vỗ tay reo mừng như đám hội làng. Xóm nhà lá bọn tôi cũng không ngoại lệ, ở bàn trên tôi quay ngoắt 180 độ xuống bàn dưới nói với Huệ :

-  Chiều nay ta với nhỏ Tư, nhỏ Hồng và Mỹ ghé nhà mi nha, nhớ đó. Ta có xấp lụa  của tiệm Hồng Hoa  màu vàng hoàng hậu đẹp lắm, may giùm ta cái áo dài mới mặc Tết.

Huệ nhăn nhó :

-  Trời, sao ngươi đưa trễ vậy ! giờ này má ta không nhận áo của khách nữa đâu.
-  Ừ, đúng rồi đó là áo khách, ta đâu phải là khách đâu. Làm bạn với ngươi bao năm chỉ nhờ  được phút giây này thôi. Mi ráng thức thêm một đêm nữa thôi.

Nói xong tôi cười cười cầu tài, Tư đập vai tôi nhắc;

-  Nè, bà nhớ chiều ghé qua chở tôi lấy giầy trước rồi mới xuống nhỏ Huệ à nhen, qua nhà nó trước rồi ở lỳ bên đó đến tối luôn cho xem.

Hồng nói với Huệ  :

-  Hai đứa này điệu hết biết luôn, lúc nào cũng quần áo, giày dép. Ai đời chui vào cái hẻm ở " hốc bà tó " tận  Cầu tre " lắt lẻo " để đóng giày. Sao không ra Lê thánh Tôn hay chợ Saigon ?

Tôi cãi :

-  Mi mà biết gì, mua giày chợ thì chỉ ba hôm là sứt quai, há mõm. Giày Lê Thánh Tôn thì đắt gấp đôi gấp ba, nhỏ Tư chỉ chỗ ông thợ chuyên đo ni đóng giày đặt hàng bỏ mối cho các cửa tiệm ngoài nớ chứ đâu. Tại ông ta trốn quân dịch nên chỉ ru rú trong nhà không dám đi ra làm thợ ngoài tiệm nên lấy rất rẻ khi có người đến đặt hàng.

Mỹ gật gù :

-  Hèn chi ta thấy con Kim Minh mang mấy đôi giày " bít " lạ hoắc, Sai gon không thấy đôi thứ hai.

Tôi cười thỏa mãn :

-  Dĩ nhiên giày ta đóng là do ta chọn kiểu từ trong mấy cuốn catalogue của ngoại quốc chứ bộ, ta mang giày vừa rẻ, vừa đẹp, vừa bền, vừa " à la mode " chứ bộ. Nếu mình không khéo tính thì một năm có nhịn bao nhiêu quà sáng cũng chẳng đủ tiền mua được một đôi.

Mỹ lại nhắc Tư :

-  Ủa, sao mi nói chút tan học mi phải ra gian hàng bán Tết của ông chú ở chợ Saigon bán phụ mà, làm sao mi tới nhà Huệ được.
-  Ta chỉ trông giúp ổng đến ba giờ chiều thôi, sau đó anh Chương sẽ chở ta về.

Tôi ngạc nhiên :

-  Ông thầy giáo rượu đế Gò đen về rồi hả, bỏ bầy học trò nhà quê cho ai trông ?

Tư phản bác :

-  Mi nói quá làm như người yêu tao là dân hũ chìm.
-  Ta bảo đảm ông thầy nào về nơi đó dạy học không chóng thì chầy cũng nghiện rượu hết cho xem. Ở xứ nấu rượu ngon như Gò đen thể nào gia đình học trò cũng mời người dạy học cho con mình "thầy một ly, tui lỳ một lam "  cho đúng tinh thần " Tôn sư trọng đạo " trong sách thánh hiền. Sáu chục đứa học trò, mỗi ngày hắn chỉ cần gặp gỡ phụ huynh hai đứa học trò, một tháng ba mươi ngày mới hết, sau đó xoay tua lại chắc chắn hắn sẽ chết ngắt và chìm lỉm rồi.

Huệ cười :

-  Hèn gì con Kim Minh làm luận điểm cao hơn tụi mình. nghe nó lý luận và tưởng tượng không sai logic chút nào.
Quay sang Huệ tôi chọc :
-  Ông anh ruột của mi chiều nay có về phép không ? Sẵn dịp ta ghé nhà mi may áo bọn ta " thăm hỏi " sức khỏe của ảnh luôn.

Huệ trả đũa :

-  Mi đâu phải tuổi con khỉ đâu, sao ta lại thấy mi giống con cháu tề thiên quá.

Nhắc đến anh của Huệ cả bọn đều phì cười, đàn ông thanh niên gì trông thấy con gái là đỏ mặt tía tai, thấy vậy cả bọn tôi càng trêu chọc tợn hơn, đến nỗi vừa nghe tiếng bạn của em gái ngoài cổng là anh ta chui tọt xuống bếp lẫn sang nhà hàng xóm ngay, cũng may cho anh ấy là nhà có cửa sau thông ra miếng vườn nhà bên cạnh. Có lần chạy không kịp bị bọn tôi bắt gặp tôi reo lên :

-  A, anh Khanh lâu lắm tụi em mới gặp anh, thế " Ái Khanh " dạo này có khỏe không ạ. Thân mẫu dạo này sức khỏe có bình an không, sao không mời chúng em " thượng tọa " ?

Mấy câu sau tôi lên giọng lảnh lót như đang đang diễn tuồng, nhỏ Hồng tiếp lời luôn :

- "  Nàng không được trêu ghẹo " Khanh tướng " của ta đấy nhé. Thế Khanh tướng hôm nay không trực phi trường sao lại về đây ?.

Huệ sống với má và anh trai. Anh đi lính Không quân nhưng chỉ là lính gác vòng đai phi trường, là con trai độc nhất có mẹ già nên được phục vụ ở trong các đơn vị không tác chiến lại ở gần nên tuần nào cũng được về nhà. Má Huệ là thợ may giỏi, bà may áo quần rất đẹp và rất khéo, chuyên nhận hàng may ở các cửa tiệm lớn về may ở nhà, Huệ thừa hưởng nghề nghiệp của mẹ nên tuy còn nhỏ Huệ cũng may rất giỏi  vì ngoài giờ học Huệ thường thay mẹ may áo cho khách. Những ngày gần Tết hàng khách đặt may rất nhiều, Huệ than có đêm phải thức đến hai ba giờ sáng chưa ngũ. Bọn tôi chưa bao giờ nghe Huệ nhắc nhở đến ba mình, là bạn nhưng chúng tôi vẫn biết phép lịch sự, tôn trọng chuyện riêng tư nên chẳng bao giờ hỏi đến.

Ra trường mỗi đứa một nơi, chúng tôi gặp nhau lần duy nhất là ngày tôi mời các bạn đến dự đám cưới của mình, tôi là người tiên phong đi lấy chồng nên cả bọn ngầm đợi chờ đám cưới thứ hai, thứ ba của những đứa trong bọn để chúng tôi có dịp gặp nhau đông đủ, nhưng than ôi ngày ấy đã không bao giờ đến !

oOo

Tôi trở lại gặp Huệ ở chùa trước ngày tôi lên phi cơ trở về Mỹ, lần này tôi đi một mình, tôi muốn gặp và ở lại một ngày với bạn. Lần trước sở dĩ tôi nhận ra Huệ vì ở Huệ vẫn còn đôi mắt tròn, khóe miệng nhiều chiếc răng khểnh tôi hay gọi răng vô trật tự, nếu không tôi sẽ không nhớ nỗi vì Huệ giờ đã thay đổi hoàn toàn, già sọm, nhiều nếp nhăn trên mặt  với nét nhìn không còn tươi sáng, lờ đờ thỉnh thoảng như chìm vào cõi xa xăm, khi ấy người biết chuyện sẽ phải nhắc nhở tâm thức Huệ quay về thực tại. Tôi hỏi Huệ :

-  Bạn có nhớ lần cuối cùng mình gặp nhau không ? Lúc đó mình đi chợ tình cờ gặp nhau, khi ấy mình mới biết ông xã mình và chồng Huệ ở cùng quân chủng Hải quân, nhưng khác chỗ là chồng mình học ở OCS còn chồng Huệ là dân Nha Trang. Khi ấy bạn có thai hơn ba tháng., mình và bạn giống nhau ở chỗ cùng chờ đợi một người hết năm năm trong tù nhưng khác ở chỗ mình chờ chồng, còn bạn thì chờ người yêu.

Huệ nói trong mơ màng :

-  Ừ phải rồi, khi ấy mình có tâm sự với Kim Minh là mình vừa lấy chồng được nửa năm, trước bảy lăm mình với anh ấy mới là người yêu thôi nhưng sau đó mình thường hay theo gia đình ảnh đi thăm nuôi cho đến ngày được thả về và hai đứa mình lấy nhau sau đó.

Tôi nhắc tiếp :

-  Huệ có nhớ sau đó hai đứa mình ngồi trong buồng mất một ngày một đêm để cùng nhau scan lại tấm hải đồ đi biển cho hai ông chồng bọn mình chuẩn bị chuyến vượt biên sắp tới không ?
-  Huệ nhớ rồi, hồi đó ở ven biển dọc từ miền trung dến Vũng tàu trên hải đồ có chấm nhiều vị trí của những chiếc hải đăng.
-  Phải đó, Huệ còn thắc mắc là tại sao ở mỗi ngọn hải đăng lại ghi chú  khác nhau, cũng như  khắp mặt biển  trên hải đồ có những con số ft khác nhau  mà nhiều nhất gần các đảo và ven biển. Ông xã mình giải thích ft là chữ viết tắt của fathom cho biết nơi đó độ sâu là bao nhiêu cũng như mỗi hải đăng đèn chớp tắt khác nhau để người đi biển nhận ra tên hải đăng từ đó mới xác định được vị trí con tàu của mình trên biển thể  hiện trên tấm hải đồ.

Huệ ngồi lặng người, lưng  khòm hẳn và  mắt nhìn về hướng biển như đang suy tưởng về một cõi để nghĩ tiếp theo điều chúng tôi đang nói. Mỗi người chúng tôi như chìm sâu vào quá khứ, rồi thì giọng nói Huệ cất lên :

-  Mình có chuyến vượt biên sau Kim Minh một tuần, đêm đó hai đứa mình xuống bãi, cũng giống như bạn bọn mình đã quy ước nếu có chuyện bất trắc anh ấy phải thoát thân trước vì ai cũng biết nếu bị bắt người tài công cũng như tổ Chức bị tù rất nặng. Quả thật như vậy lúc đó ghe lớn tháo chạy với một số người, số còn lại thì bị bắt, mình ở trong số những người chưa kịp lên ghe. Về trại giam biết anh đã thoát mình mừng thầm nhưng cũng hơi buồn một chút. Đàn bà con nít được giam chung ngày đầu có một bà vượt biên với ba đứa con, đứa nhỏ nhất mới tám tháng tuổi, trại giam bắt bà thông báo với thân nhân đến mang mấy đứa con nhỏ về nhà, bà ngồi trong góc khóc lóc sợ đứa nhỏ nhất không có mẹ chăm sóc sẽ khó sống. Lúc ấy mụ giám thị trại khệnh khạng bước vào hất hàm hỏi tại sao bà ấy khóc, bà ta chưa kịp trả lời mụ phóng tới đá một cú vào ngực và người đàn bà ngã bật ngửa miệng trào ngay một búng máu tươi, mụ ta rảo ngang dọc hất hàm hỏi :
-  Ai ? còn ai khóc nửa ? lũ bây là đồ phản động, giờ này còn chạy theo liếm gót giày bọn đế quốc Mỹ.

Tất cả mọi người trong phòng giam xanh mặt ! Nhìn người phụ nữ nhưng lại có khuôn mặt dữ dằn đầy nét thô kệch của một tên đàn ông thuộc loại dao búa, lưu manh không ai dám thở mạnh. Rồi sau đó từng người lần lượt vào phòng bên cởi quần, đứng gác một chân lên cao để Mụ ta móc trong chỗ kín của họ khám xét xem có dấu dollar, vàng bạc hay không ? Đến lượt mình rụt rè nói mình đang có thai mụ gằn giọng quát :

-  Bụng mày thế mà nói có thai à ? để tao xem mày nói láo đến đâu ?

Nói xong mụ cào mạnh cây móc vào, mình chỉ kịp thấy đau điếng phía dưới rồi ngất đi.

Bất giác tôi lạnh toát cả người, hàm răng tôi bỗng run lập cập không phải vì gió biển thổi mạnh mà vì nỗi đau đớn ghê gớm xuất phát từ xương tủy, từ tim óc khi nghe Huệ kể chuyện, không cần Huệ nói tôi thừa biết đứa bé đã không còn. Câu chuyện bây giờ nếu người nghe được chắc sẽ nghĩ chỉ là một chuyện hư cấu để bêu xấu chế độ, nhưng tôi tin vào thời điểm đó những người phụ nữ vượt biên ở nơi đảng gọi là đất Đồng khởi, chỉ có họ mới biết  trò moi tìm vàng, dollar trong chỗ kín của mình là sự thật. Tôi không dám hỏi tiếp vì sao Huệ nương thân ở cảnh chùa này thì Huệ kể tiếp :

-  Sau chuyện đó mình được đưa vào trạm y tế và được thả về. Không bao lâu mình được thân nhân chủ tàu báo tin, vì muốn bảo vệ cho những người đàn bà con gái trên ghe trốn tránh hải tặc anh cố cho tàu chạy hết tốc lực nhưng vẫn không thoát, khi chúng đuổi kịp đã giận dữ đập đầu anh và vài thanh niên trên ghe rồi ném xác xuống biển. Lúc chúng cột ghe và  đang giở trò tồi bại với những phụ nữ trên ghe bỗng có chiếc trực thăng bay vòng vòng trên cao nên vội vã bỏ chạy, mọi người nhờ vậy nên mới được cứu thoát.

Tôi nắm tay Huệ, những biến cố xảy ra trong đời đủ biến Huệ từ một cô nữ xinh tươi vui bỗng chốc thành người đàn bà già nua héo hắt, ngớ ngẩn. Tôi muốn hỏi thăm về mẹ và anh Khanh của Huệ mà không biết làm cách nào mở lời. Cuối cùng tôi rụt rè hỏi :

- Bác gái giờ còn khỏe không ? Anh Khanh vợ con gì chưa ?

Huệ khe khẽ lắc đầu :

- Mình lên chùa được mấy năm thì má mình qua đời, thời gian đầu mình ở nhà với má, với vợ chồng anh Khanh. Nhưng có lẽ lúc ấy mình không được tỉnh táo cho lắm nên vợ anh ấy phiền hà. Tự nhiên mình muốn tìm một nơi yên tịnh để tự do sống trong thế giới của riêng mình. Từ đó mình ở lại chùa làm công quả, ngày ngày dạy lũ trẻ học chữ, cuối tuần xuống phố lãnh áo về may thêm, đêm đêm  mình đọc Bát nhã ba la mật đa tâm kinh "... độ nhất thiết khổ ách... Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc " " Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não  Phổ Nguyện tội chướng tất tiêu trừ."

Mặc dù tai vẫn nghe Huệ nói nhưng thật tình tôi không hiểu gì mấy về đạo pháp chỉ biết khi con người lâm vào hoàn cảnh cùng cực chỉ biết cầu xin ở các đấng thiêng liêng, đặt niềm tin cuối cùng vào đó, hiện tại xem ra Huệ sống thanh thản không phải tranh giành cũng như lao tâm cực nhọc về những vật chất ngoại thân. Những cán bộ CSVN vào những ngày đầu tiếp thu miền Nam nhiều người dè bỉu, đả phá tôn giáo thể hiện triệt để chủ thuyết vô thần, nhưng nay họ quay ngoắt ngược lại, chùa chiền là nơi xe hơi cán bộ CS đến nhiếu nhất từ Bắc chí Nam, dù cho họ đi chùa với bất cứ mục đích gì cũng đủ cho thấy đạo lý thời nào cũng sẽ thắng hung tàn.

Sực nhớ chuyện đêm đêm Huệ thắp hương, đốt đèn tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đọc trên internet, tôi nghĩ là chuyện thật vì tác giả có hình chụp chứng minh từng chi tiết về một ông Thiếu tá phi công bị bắn rơi máy bay và bị Cộng sản bắn chết vào những ngày cuối tháng 4/75 được người dân xót thương chôn vội vàng trong vườn nhà họ, tôi kể lại cho Huệ nghe toàn bộ câu chuyện và kết luận :

-  Qua câu chuyện của ông Thiếu tá mình tin rằng có thế giới thứ ba và nhà chùa là nơi tiếp dẫn các linh hồn không nơi nương tựa về trú ngụ. Chuyện Huệ tự nhiên dừng chân thấy hợp với cảnh chùa ở đây để có thể tu tập hành sử theo đạo pháp " Rước người chìm nổi mười phương phiêu trầm " từ đó " tùy duyên thuyết pháp độ mình hết mê " mình nghĩ rằng là một chuyện hữu duyên tốt đẹp.

Bây giờ tôi mới thấy Huệ mỉm cười và là Huệ của ngày xưa :

-  Bạn quên rằng mình tên Huệ sao. Hoa Huệ là loại hoa thanh cao, người ta trồng hoa chỉ để cúng Phật ở chùa chứ chẳng ai trưng bày trong phòng khách nhà mình../.

Cỏ Biển
Mùa Vu Lan / Xá tội vong nhân tháng 7/2009.