SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

Cây Dầu Cây Sao

Theo các tài liệu ghi lại, vùng đất miền Nam sau khi bị người Pháp đánh chiếm, nằm dưới quyền cai trị của các đề đốc hải quân Pháp như Charner, Bonardà Vào những năm tháng đầu, khoảng 1863 - 1865, thực dân cho mở rộng, chỉnh đốn những con đường mòn có sẵn từ trước của vùng Bến Nghé, sau đổi tên là Saigon, hay cho lấp nhiều kênh rạch thoát nước đổ ra sông Saigon, để làm thành các đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi à ngày nay, với mục đích phục vụ cho các vấn đề quân sự, giao thông và vận tải.

Dưới cái nắng oi bức, gay gắt của miền nhiệt đới này, họ đã cho trồng cây cối thuộc loại có tàn để lấy bóng mát cho ven đường của thành phố Saigon, thuở ấy chưa có vỉa hè dọc theo hai bên đường. Đó là các đường chính ngày xưa theo phương hướng Đông - Tây, Nam - Bắc, gồm: Catinat (Tự Do / Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Charner (Nguyễn Huệ), Taberd (Nguyễn Du), Blancsubé (Duy Tân / Phạm Ngọc Thạch), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Testard (Trần Quý Cáp/ Võ Văn Tần)...

Các loại cây đầu tiên được trồng là me, bàng, phượng … Nhưng sau vài chục năm, người Pháp đã cho đốn bớt hai loại cây bàng và phượng, để thay thế dần dần, và trồng thưa hơn một chút bằng các cây dầu, sao, bằng lăng, nhạc ngựa (dái ngựa), giá tỵ (gỗ tếch), sọ khỉ (xà cừ)… Vì lý do cây phượng tàn thưa, không tạo nhiều bóng mát; Còn cây bàng thì " lâu ngày, chầy tháng " rễ mọc đội xi măng, trồi lên khỏi mặt đất, làm hư lề đường.

Hiện nay, sau hơn một thế kỷ, trong thế giới cây xanh - cây bóng mát của thành phố Saigon, vẫn còn tồn tại  một số những hàng cây cổ thụ thuộc loại lão làng, được trồng từ thời Pháp thuộc. Đương nhiên nhiều nhất, thi vị nhất vẫn là những hàng me làm cho dịu mát bầu trời Saigon trên những con đường dù xưa nhất, vẫn luôn đẹp nhất như Tự Do (Đồng Khởi), Nguyễn Du... Và bên cạnh đó, ta còn phải kể những hàng cây dầu, cây sao mà “ cây dài bóng mát “ sừng sững, rợp xanh những công viên, những con đường Saigon.

Cây dầu được trồng trong vườn Tao Đàn, trong dinh Độc Lập nay là Hội trường Thống Nhất, chung quanh nhà thờ Đức Bà, ở các đường Lê Lợi, Cao Thắng, Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Phan Đình Phùng nay là Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quốc Toản nay là 3 tháng 2, Công Lý nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Thanh Giản nay là Điện Biên Phủ, Gia Long nay là Lý Tự Trọng.

Cây sao được trồng ở đường Huyền Trân công chúa, Hai Bà Trưng, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm, Mạc Đĩnh Chi, Trương Minh Giảng nay là Trần Quốc Thảo, Hồng Thập Tự nay là Nguyễn Thị Minh Khai, Hiền Vương nay là Võ thị Sáu, Hùng Vương nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Trời ơi! Ta nhớ làm sao
Cây dầu cao vút, sao trời ngủ quên
Nhớ cây, nhớ cỏ không tên
Nhớ ngày tháng cũ bồi nên một đời - Trương Đình Trác

Thông thường khi gọi tên hay đặt tên cho một địa danh nào đó, người miền Nam nói chung, người Saigon nói riêng, dựa theo những đặc điểm sau:

- Địa hình, địa thế của khu vực như: Bàu Cát (qua khỏi ngã tư Bảy Hiền khoảng 1 km về hướng Hóc Môn), Đầm Sen (quận 11), Hố Bò (Củ Chi), Trảng Bom (Biên Hòa)à
- Công dụng của địa điểm hay một khu vực sinh sống, làm ăn như Chợ Cũ (đường Hàm Nghi),  Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (tên các đồn canh gác dọc theo sông ngày xưa), Xóm Củi (Cholon)à hoặc do vị trí liên hệ đến giao thông như: bến đò Cây Bàng (Thủ Đức), cầu Ba Cẳng (trong Cholon, sau chợ Kim Biên), ngã năm Chuồng Chó (Gò Vấp) à
- Tên của một nhân vật nổi tiếng ở địa phương như: cầu ông Lãnh (Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng dưới thời vua Tự Đức), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), ngã ba Ông Ta (thầy thuốc Nam nổi tiếng Trần Văn Bỉ, còn gọi là ông Thủ Tạ), vườn Ông Thượng (vườn của Tả Quân Lê Văn Duyệt, nay là vườn Tao Đàn)à
- Tên cây trái trồng nhiều hay đặc sản của địa phương như: hẻm Cây Điệp (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3), cầu Cây Gõ (quận 6), rạch Chà Là (Cần Giờ)à

Cây dầu và cây sao ở Saigon được dùng để đặt tên cho các địa danh: Ấp Cây Dầu (một ấp của xã Tân Phú, huyện Thủ Đức, trước kia thuộc xã Tăng Nhơn Phú), Gò Sao (vùng đất của ấp 7, phường Thạnh Lộc, quận 12, trước kia là xã thôn của tổng Bình Trị Thượng, huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định), đường Bông Sao (nằm trên địa bàn phường 5, quận 8, từ bến Phạm Thế Hiển đến ranh giới huyện Bình Chánh, xưa là đường làng Hiệp Ân).

Tháng tư …
Bông sao nhảy nở đầy trời trong mắt em xanh
Vương mái tóc, đậu trên tà áo trắng
Chiều tan trường, bước chân giẫm vào bóng nắng
Phép lạ của mảnh đất cuối trời
Sự bình lặng của lòng tôi...-
Lê Đình Bích

Cây dầu và cây sao thuộc họ Dầu- Dipterocarpaceae, là một họ có 17 chi và khoảng 600 loài,  gồm những cây thân gỗ lớn, dùng để cung cấp gỗ trong ngành xây dựng, lấy tinh dầu, nhựa dầu (resin) và vỏ làm thuốc.
Tên gọi khoa học Dipterocarpaceae, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là quả có hai cánh - di=2, pteron=cánh, karpos= quả.

Vài loại cây trong họ Dầu này có tầm quan trọng trong việc buôn bán gỗ quý như: cẩm lai (Dalbergia Bariensis), trắc (Dalbergia Cochinchinesis), gõ mật (Sindora Siamensis).

Ở Việt Nam, họ Dầu có khoảng 46 loài, đa số là cây rừng, có nhiều ở miền Nam, cây mọc cao vút, tàn che rợp mặt đất, nên dưới gốc cây phủ đầy lá khô, cỏ mọc thưa thớt. Vào mùa khô, những nơi này là địa điểm thích hợp cho việc cắm trại, nghỉ ngơi. Những cây dầu, cây sao được trồng để lấy bóng mát ven đường trong thành phố Saigon thuộc hai loài: Dầu con rái và Sao đen.

Những mùa vô tận đi qua phố
mấy gốc dầu, sao … cũng ngẩn ngơ
dăm tia nắng rót khôn lường xuống
một góc đường im, ai vẫn chờ - TTSH

Cây dầu rái, dầu con rái hay dầu nước, tiếng Pháp gọi là huile de bois, tên khoa học là Dipterocarpus alatus Roxb, thuộc họ Dầu. Cây dầu rái là cây nhiệt đới rụng lá của miền Nam, cây thẳng, sừng sững, mạnh mẽ, cường tráng, dáng đẹp, tàn dày, tuổi thọ cao, ít khi bị sâu phá hoại, rễ cây lại ăn sâu xuống đất nên không gây hư hại lề đường. 
Có khoảng 5600 cây dầu rái trên đường phố Saigon, trong số đó có khoảng 2900 cây thuộc loại cổ thụ, đây là nét đặc biệt đã tạo nên phong cảnh chính cho thành phố.

Cây dầu rái thuộc loại đại mộc, thân suông tròn, cao từ 20 - 40m, gốc to khoảng 2, 3 người nối vòng tay ôm mới hết chu vi thân cây, đường kính có thể đến 2,5m. Gỗ cây màu đỏ lạt, thớ thô mà thẳng, dễ cưa xẻ, nhưng lại giòn, dễ gãy. Gỗ dầu rái thuộc loại cứng trung bình, chịu nước kém, để ra ngoài mưa nắng sẽ mau hư hỏng, nên chỉ dùng để đóng đồ mộc thông thường hay dùng trong ngành xây cất. Nhựa cây dùng chế biến sơn, vernie. Vỏ cây màu xám nâu, dễ tróc thành mảnh nhỏ.

Cây ưa sáng, sinh trưởng nhanh, nhưng lúc ươm cây, cần che bóng cho nó trong 3, 4 năm đầu. Cây có nhiều cành phụ, đường kính lớn. Tàn lá rộng, rậm, nhưng cân đối, tạo thành hình chóp nón và xanh quanh năm.
Cành non, cuống lá và mặt dưới lá có phủ lông. Lá đơn, mọc cách, có mặt ngoài màu xanh vàng, hình bầu dục, hơi nhọn ở đỉnh, dài từ 10 đến 30cm, rộng 6-15 cm, với 15 -20 đôi gân phụ. Lá kèm rất lớn, tạo thành lớp búp màu đỏ lạt, mịn ở mặt trong, dài khoảng 5, 6 cm, cuống dài độ 3, 4cm. Lá dầu rái rụng vào khoảng giữa tháng năm.

Hỏi dầu cây lớn bao nhiêu?
Cho niềm vui, cho lòng rạt rào
Ôi tuổi thơ hồn nhiên học trò
Hay dỗi hờn và hay ước mơ - Diệp Minh Tuyền

Hoa dầu mọc thành cụm, gần như không có cuống, dài chừng hai lóng ngón tay, tương tự như những bông lys nhỏ, xòe ra, trông giống như ngón tay của các thiếu nữ. Hoa có năm cánh dính, hai cánh đài to hơn các cánh khác, nhụy nhiều: khoảng 28 đến 32 cái, đính thành hai vòng. Hoa dầu tỏa hương ngai ngái về đêm. Hoa có màu trắng ngà với một sọc hồng đỏ chạy dọc ở giữa. Khi khô héo, hoa đổi sang màu nâu, rời cành, bay trong gió.

Ngày bình yên bình yên
Hoa dầu bay đầy ngõ
Mùa bình yên gõ cửa
Em ngồi nơi gió lùa - Y Mai

Trái dầu rái có đường kính từ 1, 5 đến 4 cm, có hai cánh đài phát triển, dài cỡ 10 - 15 cm, có từ ba đến năm gân, gân dài tới đỉnh. Nhờ hai cánh này mà trái dầu bay theo gió, dễ phát tán hạt. Khi rơi nó xoay tròn như cái chong chóng.

Trái dầu non màu đỏ tươi, khi già đổi thành màu nâu bóng, nên có nơi gọi là quả chò nâu. Trái dầu khô rụng vào giữa tháng 4 đến tháng 5. Tùy theo kích thước lớn nhỏ khác nhau, trẻ con trong thành phố thường lượm trái dầu khô hay kết nhiều trái thành một để chơi trò đá cầu. Trái dầu khô rất nhẹ, trung bình cứ 300 - 350 cân nặng một ký.  Ở Saigon sau 1975, lúc “ gạo châu củi quế “ cao độ, được gọi là “ thời bao cấp “, người ta phải nhặt nhạnh tất cả những gì có thể dùng làm củi để nấu ăn, kể cả trái dầu khô.

Me bâng quơ gió lìa ngàn lá
Vãi xuống lâm râm, nhột mắt người
Dầu trăm trái rụng nằm phơi cánh
Trẻ nít đâu rồi, chẳng lượm chơi ?- BC

Cây sao đen, tiếng Anh gọi là golden oak, tên khoa học là Hopea odorata Roxb, thuộc họ Dầu. Có khoảng 4300 cây sao đen ở Saigon, trong đó có 800 cây cổ thụ.

Cây sao là cây gỗ lớn, thân thẳng, thuôn dài, cao từ 20 -30 cm, có những lằn nứt dọc theo sớ, màu đen, lõi gỗ bên trong màu hơi đỏ.

Tàn lá rậm, hình chóp, cành nhánh to, dài, mọc thẳng đứng. Lá cây hình trái xoan, đáy tròn và mũi nhọn, ngắn ở đỉnh, dài 7- 17 cm, rộng 5- 9 cm. Mặt trên lá bóng, màu xanh vàng, mặt dưới mịn. Gân chính của lá rất rõ, với 7 - 10 đôi gân phụ. Các nách gân của đáy lá có tuyến. Cây sao luôn luôn xanh, dù hằng năm có hai lần thay lá  rõ rệt vào tháng 11, 12 và tháng 2, 3.

Chộn rộn giữa chiều tia nắng nháy
lấp la lấp lánh cuối đường đi
một chút Saigon mưa nhỏ với
hàng sao xanh mắt lá lên đầy - TTSH

Mùa cây sao ra hoa, kết trái là tháng 12 đến tháng 4 mỗi năm.
Hoa sao mọc thành chùm. Mỗi chùm có khoảng 11, 12 nhánh, mỗi nhánh có chừng 4 - 6 hoa. Hoa sao nhỏ cỡ cái nút bấm, đầu nhọn, màu vàng nhạt, nổi bật trên nền xanh của lá, khi khô trở thành nâu đen. Hai bên hoa có hai cánh thon dài, màu lá khô, dài khoảng 5 cm, cong cong như cánh hoa cúc đại đóa đưa lên cao đón ánh sáng,  hai cánh này thường bị khô trước nhất. Hoa sao có mùi thơm thoang thoảng sau mưa.

Trái sao giống như cái hột tròn, nhỏ bằng phân nửa trái dầu, đường kính 0, 5 - 0,7 cm, cũng có hai cánh đài từ 3 - 6cm, lông rất mịn. Trái sao lúc non có màu xanh nhạt, từ từ vàng hườm, rồi đổi sang màu đỏ hồng là rụng

Hoa sao bay bay
Những hàng cây cao
Hoa sao rơi rụng
Quấn quýt bên nhau - Phạm Sỹ Trung

Đầu mùa mưa, vào những lúc trời chuyển mưa, khi gió lành lạnh thổi mạnh, nếu khách thưởng ngoạn chịu nhìn ngắm, sẽ được thưởng thức một hình ảnh khó quên, đó là điệu luân vũ ngoạn mục của những trái sao:

" Vô vàn những con xoay đang lao xuống con đường yên tĩnh, những con xoay ấy là những trái sao đang bị buộc phải rời khỏi cành, bởi những con gió nghịch để rồi vùng vằng chẳng muốn rời, chúng nhảy vũ điệu của sự bất bình ấy và tạo nên khung cảnh tuyệt vời, làm ngây ngất bao nhiêu người khi đi ngang qua nơi đây.
Tôi chỉ muốn đứng mãi nơi đây để mà nhìn ngắm những vũ điệu này, và tôi thấy hình như chúng cũng thích có sự hiện diện của con người hay sao ấy, mà các vũ công luôn nói tiếp nhau nhảy những điệu khúc thật là lộng lẫy và duyên dáng, hết vũ công này đến vũ công khác đang chen chúc nhau mà thể hiện mình, làm cho cả một vùng vốn yên tĩnh trở nên náo nhiệt hơn và vui hơn. Chúng cũng không bỏ quên người nhạc công (con gió) tài ba đang dạo những phím đàn thật hay, thật ấn tượng để làm tăng thêm vẻ quyến rũ cho điệu nhảy của mình..." - nhinhanh

Nghễnh ngãng không nghe gió cuốn trời
chỉ hay chiều gió của em thôi
một hôm thổi mát. mà sao nhỉ ?
nhỏ nhẹ. trái sao cứ rụng rời - TTSH

Trái sao nhỏ bằng phân nửa trái dầu, vì vậy nhẹ hơn, lại rụng nhiều một lúc, tạo ra một hình ảnh “ nên thơ “  hơn trái dầu rụng, dù cả hai trái này đều rơi từ  chòm lá xuống, rồi quay vòng vòng, xoay tít như những cái chong chóng, trông rất đẹp mắt, rồi từ từ sà xuống mặt đất, mặt đường hay vướng trên thảm cỏ, bồn hoa, ghế đá... trong công viên - Có người ví chúng như một đàn chuồn chuồn đang bay lượn, có người gọi chúng là những đôi cánh thiên thần xoáy tròn trong không trung.

Bên kia dòng xe cộ,
cây dầu buổi chiều xoay tròn những quả khô
 Anh biết đấy, hoa dầu tháng năm bắt đầu vàng
Góc phố cũ quên lời tình tự
Bụi thời gian đã hóa rêu xanh - Y Mai

Nói theo phương diện thực vật học thì ta mô tả, phân biệt rõ ràng những thành phần của cây dầu, cây sao như: lá rồi cuống lá, lá chính rồi lá kèm, hoa rồi trái … nhưng trong ngôn ngữ hằng ngày của người miền Nam, và trong thơ văn, trái dầu, trái sao được gọi là hoa dầu, bông sao luôn - Đi dép mà đạp nhằm lên mấy " bông, hoa " này thì cũng ê ẩm bàn chân lắm - Mấy cây dầu, cây sao này thường cao ngất lên trời, vượt qua luôn những dây điện cao thế  mắc dọc, mắc ngang, vì vậy mà nhớ lại ngày xưa, dù mình có ngóng mỏi cổ cũng không thể nào nhìn thấy được hoa dầu, hoa sao nó mọc trên cây ra sao đâu!

Ký ức lao xao đã bao lần hoa dầu rụng
Xoay vòng tròn lại về bến hư không
...Tình vẫn còn xanh lắm
Mặc hoa dầu xoay nhanh trên nóc nhà thờ Đức Bà
Cuốn lời nguyện cầu bay xa... - CL

Saigon giờ đây, ở bất cứ chỗ nào, đi bất cứ nơi nào, cũng tạo cho ta cảm tưởng rất ngột ngạt, chật chội vì dân cư đông đúc, nào người với người xen lẫn những xe với xe đủ loại tràn ngập đường phố. Mọi người đều vội vàng, hối hả, bận rộn trong cuộc sống của mình, còn mấy ai dư thì giờ để lưu ý và để tâm tới những trái dầu, trái sao héo úa nằm ngổn ngang trên mặt đường, trên hè phố, trong những ngày nắng đổ lửa hay mưa dầm dề, để rồi tả tơi dưới chân của dòng người, dòng xe cộ qua lại vô tình. May ra chỉ còn có đám học trò nhỏ vẫn còn rung động, băn khoăn, để ý đến số phận của chúng mà thôi!

Có một buổi sáng nhìn ra đường chỉ để nhìn thôi
Mắt cay xè đếm người - xe cộ trên đường mải miết
Hoa dầu tháng ba rơi đầy góc phố
Người quét đường không đến đêm qua - Phạm Đoàn Thiên Thư

Khi bắt đầu thấy những cánh hoa dầu xoay vần trong gió, bọn học sinh biết đó là báo hiệu của mùa mưa mỗi năm lại về. Chỉ có họ mới xòe những bàn tay nhỏ ra để hứng lấy những trái dầu rụng. Chỉ có họ mới hăng hái chạy theo các trái dầu đang rơi xuống, hay đua nhau hốt lượm các trái dầu đã rớt xuống đất thành từng bụm, rồi nhón gót, họ tung chúng vào lại không trung, cho những trái này theo gió bay đi vòng vòng, và họ háo hức nhìn theo chúng nhẹ nhàng đáp xuống một lần nữa. Có khi đám con nít này còn so sánh xem trái dầu của đứa nào bay cao hơn, xoay nhanh hơn, để mà cãi nhau ỏm tỏi. Cũng là một niềm vui của thời niên thiếu vô tư vậy!

Cánh hoa dầu xoay tít bay bay
Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày
Có những chiều gọi gió bay lên
Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu - Diệp Minh Tuyền

Thêm vài tuổi nữa, những học trò thiếu niên này bước vào quãng đời học trò thanh niên - Thời học trò của lứa tuổi chúng tôi là thời Saigon ngay sau các đợt “ cải tạo tư sản “, dù cũng còn có xe gắn máy chạy ngoài đường, nhưng phần lớn lớn thì nhà nhà xe đạp, người người đạp xe - Thời niên thiếu đã qua ấy là những ngày cùng trường, cùng lớp, cùng chơi, cùng học, cùng nhau cắp sách đến trường, cùng nhau lang thang sau giờ tan học, cùng nhau long bong sau những bữa học luyện thi đại học, cùng nhau tha thẩn ngày cuối tuần... cùng đạp xe hay đèo nhau, chạy trên những con đường rợp bóng mát, nghe gió lao xao kể chuyện với những tàn lá xanh mướt, xum xuê, che gần hết nắng của những cây dầu, cây sao cổ thụ. Nhất là vào buổi trưa, lúc bầu trời mênh mông xanh ngắt, không một gợn mây, đường sá thưa thớt hơn, phố cũng ngủ trưa. Những con đường, những hàng cây đã từng ghi dấu bao kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ, đã là chứng nhân của những mối tình học trò đầy ắp mộng và mơ.

Chúng tôi đã nhìn hoa dầu, hoa sao bay trong không gian mà lòng nao nao với những hoài bão, những ước mơ về tương lai, những khắc khoải về cuộc đời, những cầu nguyện thành đạt trong thi cử, những hứa hẹn cho tình bạn dài lâu …
Có thể nào như trong chuyện cổ tích, hoa dầu xoay một vòng rồi làm cho cuộc đời này đổi khác đi không? Có thể nào cái thiện luôn luôn và mãi mãi thắng cái ác; Chuyện đẹp đẽ, tốt lành sẽ thay thế cho những oan trái, bất công không?…Cứ xoay xoay và bay bay theo mơ ước thần tiên  này đi nghe những cánh hoa dầu !

Anh mơ những chiều vàng
Hoa dầu thả cơn mưa chong chóng
Con đường dài áo lụa thênh thang...

...Và ...

Như trong truyện cổ tích - kẻ hiền ... sẽ gặp lành
Anh mở mắt - hoa dầu rơi trước cửa
- Đỗ Trung Quân

Rồi phải đến lúc những người tuổi trẻ ngày nào, họ và bạn bè của họ, cũng như những cánh hoa dầu rơi, lặng lẽ lìa cành bay đi muôn ngả đường, kẻ xuôi còn người ngược để tan tác, chia lìa bốn phương, tám hướng theo dòng đời.
Rồi phải đến lúc họ trưởng thành - Người lớn thì không còn dễ mơ mộng, bâng khuâng hay xúc động nữa! Người lớn thường vô tình khi nhìn thấy những hàng sao bắt đầu rụng trái, những cánh hoa dầu rơi rơi chao đảo, không phương hướng... Người lớn có trăm ngàn điều để ưu tư, trăm ngàn chuyện phải lo lắng - Nhưng con nít thời hiện tại cũng có thể  như người lớn, chúng đang chìm đắm với màn ảnh của máy điện toán, với những trò chơi điện tử  rồi!!!   

Giữ hộ giùm anh cuộc tình đến muộn
Saigon xa xưa mơ mãi một thời
Góc phố hoa dầu mỏi chân đứng đợi
Màu áo lụa vàng đài các kiêu sa - Linh Phương

 Tôi không thể nào quên được khu phố cũ, nơi gia đình tôi cư ngụ ở trong khu vực gần ngã sáu Cộng Hòa ngày trước, bao bọc bởi bốn con đường: Nguyễn Hoàng nay là Trần Phú, Cộng Hòa nay là Nguyễn Văn Cừ (riêng đường này có nhiều cây me tây), Thành Thái nay là An Dương Vương và Trần Bình Trọng.
Nơi đây, đầy những cây sao khá cao, khá to, đã từng là nơi lý tưởng cho chim chóc quy tụ về xây tổ. Tôi đã lớn lên ở đây, đã được hít thở không khí trong lành qua sự hấp thụ và thanh lọc từ lá các cây sao này. Tính ra cũng hơn hai mươi năm, trước khi ra đi theo đoàn người tỵ nạn, sống kiếp lưu vong.

Đường xưa lối cũ
Vương bay hoa sao

Cây cao bóng mát
Gió lùa lao xao
- Phạm Sỹ Trung

Chắc hẳn không ai quên được ngôi trường Petrus Ký Trương Vĩnh Ký ngày trước, cổ kính và nổi tiếng bậc nhất ở Saigon. Ngôi trường mà hai bên cổng chính có khắc hai câu đối " Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt " và " Âu Tây Khoa học Yếu Minh Tâm ". Nhưng hình ảnh cây sao lại đi đôi với cổng phụ của trường, là nơi có nhiệm vụ đưa đón học sinh các lớp mỗi ngày.

Theo cổng phụ, con đường tráng nhựa nho nhỏ dẫn đến bãi đậu xe (giáp ranh cùng trường Đại Học Khoa Học) được hai hàng cây sao che chở , để rồi khi đến mùa trái rụng, các bác lao công như bác Phẩm quét dọn " mệt nghỉ ". Nhắc đến cái cổng “oan nghiệt “ này thì không một cựu học sinh Petrus Ký nào quên được gương mặt “ hắc ám” của thày Tổng giám Thị mà bọn học sinh ngày ấy gán cho cái danh hiệu “ Tổng phệ “, thày Phó Tổng giám thị cùng các thày giám thị khác. Quanh quẩn bên trong khuôn viên, không quản ngại thời gian, dầu sáng hay chiều các thầy giám thị vẫn giữ vững vị trí để kiểm soát đồng phục và phong cách các học sinh.

Chiếc áo sơ mi (chemise) trắng ngắn tay gài trong quần xanh đậm là một hình ảnh chỉnh tề và quen thuộc cho học sinh trung học dưới thể chế Viet Nam Cộng Hòa. Ngoài phù hiệu tên trường, các học sinh phải mang thêm bảng nền đen chữ trắng ghi rỏ họ và tên và lớp học để các thầy giám thị ghi tên phạt dễ dàng. Vào  khoảng 1970-1971, bảng tên được bãi bỏ nhưng phù hiệu tên trường không thể thiếu. Để tránh bị “ ăn đòn oan” từ các học sinh các trường nam trung học khác, một số học sinh dùng hồ để dán phù hiệu vào túi áo để dễ bề tháo ra khi ra về, nhưng họ vẫn không qua mắt được các thầy giám thị lão luyện.

Hai cây sao gần cổng phụ là chứng nhân của các màn khám xét phù hiệu, thanh lọc các mái tóc dài quá ót hay phủ tai, trừng trị các chàng để hở nút áo ngực. Vào lúc phong trào hippy thịnh hành, khi bước qua ngưỡng cửa với cặp kính râm hay dây nịt to bản cùng với chiếc khoen kim khí gài trước bụng là giấy gọi cấm túc cầm chắc trong tay. Kỷ luật dẫu nghiêm minh nhưng muôn đời vẫn " nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò ". Có lẽ nhờ được rèn luyện trong kỷ luật mà từng niên khóa nối tiếp nhau, không biết bao nhiêu chàng trai đã trở thành con người hữu dụng, giúp ích cho quốc gia, xã hội.

Ngày nay, sau cuộc đổi đời, khung cảnh trường cũ không còn như xưa, hai hàng sao tiêu điều với bao đổi thay nhưng mỗi khi có dịp đi ngang, những kỷ niệm, những hình bóng đó vẫn xoáy trong tâm tư một số người. Thế mới biết đời là bể dâu!

thơ thẩn ta về xanh mướt tóc
một miền ký ức mở ra coi
trái tim mười bảy non như thể
chiếc lá sao xanh nhú nắng tươi - TTSH

Biết bao mùa dầu, sao ra trái đã trôi qua! Biết bao ngày nắng chói chang, mà những con đường với các hàng dầu, sao xanh um nối với nhau thành từng mảng lớn che ánh mặt trời, vừa giữ hơi mát, vừa che mát mặt lộ để khách bộ hành có dịp nép vào những bóng ấy mà giải tỏa cái oi bức, để thấy dễ chịu đôi phần dưới ánh nắng gay gắt của miền nhiệt đới. Biết bao ngày mà mưa lất phất, mà những con đường có trái dầu, sao bay tạo thành một hình ảnh khó quên. Biết bao ngày có gió bất ngờ xuất hiện cuốn theo lá hoa, trái dầu, sao rải đầy mọi lối. Biết bao buổi tối mà hương hoa dầu, hoa sao mộc mạc nhè nhẹ tỏa trong không khí, mùi hương này không quyến rũ, chỉ đơn sơ, bình thường như hơi thở của đất và nhịp sống của trời.

Hoa dầu nghiêng cánh xoay xoay
Trời xanh biên biếc tầng mây hững hờ
Cánh diều một thuở mộng mơ
Câu thơ ngày cũ vẫn chờ trao em - Vinh Nguyen Phan

" Cây cối ban đêm không giống cây cối ban ngày. Những hàng cây dầu, sao... đứng bất động, dáng vẻ trầm ngâm. Có cây im lìm như giấu kín một tâm sự. Có cây u sầu như trải qua bao năm tháng, đã chán chường với cảnh dâu bể của người. Và cũng có cây vô tư, thanh thoát như một triết nhân, hững hờ với nhịp sống vội vàng, hổn hển này, làm như ban đêm là vương quốc riêng, khép kín với một cư dân khác hẳn ban ngày " - Minh Hương

Tưởng xa xôi nhưng lại hóa gần
Cũng những hàng sao hàng dầu sai trái
Thả theo gió cánh hoa bay mãi
Trong trời chiều xoay tít giữa cơn mưa - Phù Sa Lộc

Cây cối được con người ươm, trồng rồi mọc, rồi lớn lên, rồi có thể chết bằng nhiều cách như bị  sâu, bị đốt cháy, bị chặt đốn à nhưng nếu chúng vẫn còn sống sót, còn bền bỉ cùng tháng ngày thì dần dà sẽ lên hàng cổ thụ. Những hàng cây cổ thụ giống như những con người đã từng trải qua biết bao tang thương biến đổi, đã quá quen với những lần nắng lửa, mưa dầu … như những thống khổ, những nghịch cảnh của cuộc đời.
" Một đời cây có cái gì na ná như một đời người. Cũng có tuổi thơ ấu vụng dại lơ thơ những chiếc lá non. Rồi tuổi mười bảy, cành vạm vỡ vươn dài, lớn nhanh như thổi. Tuổi trung niên chững chạc, cây đổi vỏ, múi nở từng trải. Và, một tuổi già tóc bạc trắng, thân cây còng xuống, chờ ngày sinh ly tử biệt " - Nguyễn Xuân Hoàng

Những hàng cây đã từng kiên cường cam chịu hay cố gắng chống chọi với nhiều trận giông gió, bão táp, sấm chớp... này, chỉ trong vòng hai ba chục năm trở lại, đã bị “ xử trảm “, hay đăng lên kế hoạch tử hình. Số lượng cổ thụ còn lại không được bao nhiêu, càng ngày càng thưa dần, vì  thành phố đã và đang " thay da, đổi thịt ", theo nhu cầu đường sá, hay nhường chỗ cho nhà cửa trên đà phát triển. Đã từng là cư dân Saigon từ đầu thế kỷ 20 cho đến các thập niên 70, mấy ai không khỏi bùi ngùi, nuối tiếc cho những hàng cây, những con đường với những cái tên thân thương, quen thuộc như Tự Do, Công Lý, Duy Tân à

những con dường dẫn tôi qua đời sống
những cây đèn xanh đỏ đứng nghiêm trang
những hoa dầu rơi kèm vạt nắng vàng
những mái ngói đỏ bầm trăn trở ngó - TTSH

Dù không có được tâm hồn nhạy cảm của các nhà văn, nhà thơ, nhưng ta cũng thấy rất nhiều kỷ niệm của mình gắn liền với một gốc cây, một hàng cây nào đó của một con đường, những con đường của các nơi chốn mà ta đã từng đi qua, trong thành phố mà ta đã từng sống này - Chúng là cả một vùng ký ức trầm tích, lặng im của biết bao con người Saigon.

Những hàng cây nối dài góc phố
Giữ cho em bóng mát ngày hè
Cho em tiếng ve râm ran sau vòm lá
Cho em ríu rít tiếng chim gọi bình minh
Cho em cả những giọt sương ban mai mát lành
Và nỗi nhớ mỗi lúc đi xa...

Ơi, chiếc lá cuối mùa thu trước
Em còn giữ trong ngăn cặp cùng những kỷ niệm yêu thương
Ơi góc phố với những đóa hoa dầu xoay tít
Có nhớ ngày em tuổi mười lăm?
- Trương Trọng Nghĩa

Đi xa đâu đó để một ngày trở về thăm lại, ta chợt giật mình, phát giác ra ký ức của mình chẳng còn chút gì sau nhiều chiến dịch mở mang đường phố, cái gọi là " làm đẹp thành phố ", những đợt đốn hạ cây được phát động trong công cuộc " đô thị hóa " rất tích cực và mang nhiều tính chất tự phát đã diễn ra.

Hôm nay, Saigon đang bày biện rất nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, tân tiến mà họ gán cho là “ tầm cỡ, hoành tráng “ mọc lên như nấm sau mưa, nhưng tiếc thay, chúng lại mọc lên trên, chúng đã thay thế những mầm sống đã hiện hữu cả trăm năm rồi - Một công trình xây dựng chỉ mất vài tháng đến hơn một năm, nhưng để có một cây xanh bình thường trên hè phố, phải mất thời gian bằng, đôi khi hơn cả một đời người!

" Sợ rằng thành phố rồi đây sẽ lần lần thấy thiên nhiên biến dạng, cùng một lúc với sự vắng mặt của màu xanh thực vật, của chim chóc nhảy nhót, của ong bướm dập dìu. Chỉ còn những khối nhà bê tông, những thỏi sắt thép xám xịt, lạnh lẽo, vô tri và những con người cứng ngắc, góc cạnh, xác xơ, ngẩn ngơ trên đường phố trần trụi, trơ trẽn … " - Minh Hương

Lại một mùa áo mưa xuống phố
mùa hoa dầu xoay chóng mặt
mùa đưa chân em rong chơi
Mùa ở kề, mùa thương,
mùa đợi xa, mùa mong gần
 mãi mãi …
Nhặt một nắm hoa dầu
tung lên không …
Thương nghẹn …- Song Phạm

Thực Dân Pháp khi đặt chân đến đất Bến Nghé vào cuối thế kỷ 19, đã có ý thức về vấn đề trồng cây xanh lấy bóng mát cho đường phố. Mỗi đường, mỗi phố đều có một, hai loại cây trồng theo quy củ, trật tự rõ ràng, nên sau này, khi nói đến đường phố nào, ta hình dung ra đến hình ảnh cây cối nơi đó, trước khi nhớ đến nhà cửa, hàng quán trong vùng … Họ  còn ra lệnh cấm triệt hạ các cây dầu, sao cổ thụ còn sót lại thời ấy, là chứng nhân của vùng Gia Định xưa, sơ khai vốn là rừng rậm hoang vu hàng ngàn dặm, với các cây ẩm nhiệt đới rụng lá tiêu biểu.

Cây xanh, tâm hồn mầu nhiệm của thành phố trải qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc cho đến nay, từ các thế hệ cư dân Bến Nghé đến các thế hệ cư dân Saigon, ngày càng bị thu nhỏ lại, bên cạnh sự bành trướng của thương mại cây cảnh, các buổi trình diễn văn nghệ lộ thiên à song song với sự tàn phá và hủy diệt của dân tứ xứ hiện thời tại Saigon: Hoặc họ đốn, chặt cây vô tội vạ; Hoặc họ tráng xi măng, đổ nước sôi, muối, thậm chí còn đổ hóa chất như acid vào gốc cây cho nó chết cho xong, như một chuyện đương nhiên phải thi hành, vì cái cây mang tội mọc án ngữ trước cửa nhà, ngăn cản việc buôn bán, làm cho khách hàng không thấy. Việc này ngày nay rất phổ biến, nên có tên gọi là " đốn cây lấy mặt bằng kinh doanh ", có khi còn do quan niệm phong thủy: cây mọc không đúng phương hướng tốt cho chủ nhà. Hoặc họ đóng đinh vào các thân cây còn non yếu để móc cái vỏ xe cũ, căng tấm bạt, treo  các bảng hiệu, bảng quảng cáo đủ cỡ, đủ kiểu của đủ ngành, đủ nghề “ thượng vàng hạ cám “.

Trong khi đó những người phụ trách ngành giao thông, công chánh cho phép đào, xới đất quanh các gốc cây để " đắp vá" đường, đặt ống cống, sửa ống nước … rễ con, rễ nhánh chằng chịt của cây bám vào lòng đất bị chặt đứt ra từng mảnh, tách khỏi rễ cái. Để  khi hè, nắng thì gay gắt cháy da, không khí thì đầy đặc khói xe vừa nóng, vừa bụi, mùi xăng nồng nặc, tiếng máy xe gầm rú để chạy, tiến còi xe liên tục inh ỏi.  Cho dù có khẩu trang che mặt, người ta gần như ngộp thở, mà vẫn phải ra khỏi nhà, khỏi chỗ làm, để đi trên những con đường trơ trụi, trống tuơ trống toác, không có lấy một cái cây nào để tạo chút bóng mát!!!

Khu phố không còn cây xanh
Từ những nóc nhà cao tầng trắng lạnh
 Những cần ăng ten vươn bàn tay đầy móng vuốt
 Xé rách trời xanh
 … Thành phố ngày xưa với những hàng cây xanh mát
 Và tiếng chim họp đàn
 Chỉ còn là huyền thoại - Nguyễn Thành Nhân

Những hàng cây trồng hai bên lề đường, ngoài nhiệm vụ là những cây dù che mưa, che nắng cho người di chuyển qua lại, chúng còn là những lá phổi của thành phố. Chúng duy trì và quân bình   lượng dưỡng khí và thán khí trong không khí, tinh lọc sạch môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng của khí độc, các độc chất phế thải gây ô nhiễm. Lớp lông dày  trên mỗi phiến lá có tác dụng ngăn chặn, giữ bụi khói lại, để sau các trận mưa lớn, bụi bặm trở về với đất. Lá cây sau khi được rửa sạch bụi sau cơn mưa, lại tiếp tục công việc của mình.

 “ Dân ta đang phải bỏ công, bỏ của, bỏ sức khỏe ra mà mua những bài học đắt giá cho cái ước vọng hóa rồng. Học phí máu đấy thôi! Mà tại sao phải thế, chung quy cũng tại cái không khí ô nhiễm của kênh rạch, của xe cộ, của các nhà máy công nghiệp thải ra. Con người ta thải ra rồi con người ta lại hít vào. Cái vòng lẩn quẩn mỉa mai của những quốc gia đang cắm đầu cắm cổ hiện đại hóa cho kịp anh kịp em. Những kỹ thuật công nghệ quá thì, lỗi thời đang được nhập ào ào vào Việt Nam, giải quyết rốt ráo bài toán nan giải môi trường cho những quốc gia tiền tiến. Chủ quan và khách quan, tất cả đang loay hoay với những tàn phá, những bóp nghẹt bầu không khí ở Sài gòn.
Nói nào ngay, không khí ở Sài gòn không thiếu, chỉ thiếu...dưỡng khí thôi. Cũng như, Sài gòn không thiếu cây, ngặt cây xanh thì...hơi hiếm, cây sắp ngã, cây cụt ngọn  thì...có dư. ”- BC

xanh không còn cây - nỗi đau không còn người
sẽ không ai thấy
mây đánh mất trời - sóng bỏ rơi sông
sẽ chẳng ai hay - TTSH

Các biện pháp chặt cụt đầu, cưa mất tàn cây cối một cách thê thảm được giải thích là để phòng ngừa các tai nạn hiểm nghèo dễ xảy ra trong mùa mưa bão mỗi năm khi cây đỗ, nhánh gẫy … Nhưng thật ra vì kém hiểu biết họ đã lầm lẫn, theo kinh nghiệm thì cây sao đen dễ gẫy cành, tét nhánh khi còn tươi, chứ không phải cây dầu rái. Riêng đối với cây dầu cổ thụ, những nhánh khô rụng xuống ở độ cao trên 15 m sẽ gây ra bất trắc mà thôi.

Để hạn chế được vấn đề này, ta có những biện pháp cần phải làm trước mùa mưa như: lấy đi các nhánh đã khô, cắt bớt những nhánh nhỏ cô độc vươn quá cao, tỉa những cành nằm ngang cản gió, xén những phần ở mé làm nặng cây theo đúng kỹ thuật... nhưng xem ra cũng tốn kém và không đơn giản!  Biện pháp dễ dàng nhất được nghĩ đến là triệt hạ tối đa cây cối, có nghĩa là không chỉ có cành to, nhánh nhỏ bị " dọn "  hết, mà đọt cây, ngọn cây cũng " làm " luôn một lúc cho tiện lợi và tiết kiệm công của,  nhưng xem ra cái cách này trước là làm mất vẻ thẩm mỹ của thành phố, sau lại còn cho thấy phần nào sự ấu trĩ, độc đoán và tàn bạo của con người đối với thiên nhiên và môi trường mình đang sinh sống.

" Có khi dáng vóc cao thẳng của cây xanh cũng trực tiếp cho biết con người ở đó đối xử với thiên nhiên như thế nào, và qua đó chứng minh được phẩm chất văn hóa của một dân tộc " - Lê Thiếu Nhơn
Nghe đâu giới hữu trách thành phố từ lâu đã mất rất nhiều thì giờ để tranh cãi ồn ào về chuyện đốn cây đi hay giữ cây lại mà không đi đến đâu; trống cứ đánh xuôi mà kèn cứ thổi ngược, bao năm rồi mà cũng chẳng có gì thay đổi khả quan hơn!

Hỡi những chú chim xưa đang bay về đâu với ai?
Còn nhớ góc phố thân quen bâng khuâng chờ nhau thiết tha.
Hỡi góc phố dịu dàng, và hàng hoa anh mua cho em bông hoa học trò.
Hỡi góc phố dịu dàng và hàng cây với những đóa sao xoay xoay thời gian
.- Trần Minh Phi

Cũng có nhiều cây xanh mới được trồng, nhưng cây do người trồng mà tưởng như cây bị " trời trồng "! Những hàng cây hoặc “ trụi lủi “, tàn thưa thớt, lá loe nghoe; Hoặc không cao lên được, chỉ bành trướng bề ngang; Hoặc cây mới trồng mà thân nó đã nghiêng ngả, cong vẹo còi cọc à Chưa kể nhiều khúc đường ngắn hay các con đường không dài lắm, mà có quãng trồng cây này, có đoạn trồng cây kia lộn xộn. Các vấn đề trên được họ giải thích rằng vì thiếu chỗ trồng, dù cây con được ươm không thiếu. Trồng cây xanh cho lề đường thành phố ngày nay, không phải dựa vào nguyên tắc đất trồng thích hợp cho loại cây hay cây phù hợp cho diện mạo khu phố, mà phải " trông trời , trông đất " để tránh " thiên la, địa võng ": Thiên la đây là dây điện chằng chịt, hễ cây mọc cao lên, đụng đến thì phải cắt đầu, tiệt ngọn nó đi. Địa võng đây là cống thoát nước, dây cáp ngầm …!!!

Nhưng ở các khu gọi là " đô thị cao cấp " như khu Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, là khu của người ngoại quốc, và các tay tư bản đỏ lắm tiền, nhiều bạc mới mua nổi, thì diện tích và mật độ cây xanh bóng mát được trồng không khác gì các nước tân tiến: trên các trục đường chính, trong các công viên tập trung, khu cao ốc văn phòng, giữa các căn nhà, ven kênh rạch …

trái tim đâu phải phố phường
phân bổ quy hoạch luông tuồng đó đây
cũng đâu có phải là cây
cắt. cưa. đốt. phá à loay hoay lại trồng - BC 

Chỉ là một cây nơi góc phố, hay cả một hàng cây trên con đường cũng góp phần của chúng trong việc giữ gìn ký ức cho thành phố. Cũng có khi, cây cối là chứng nhân lịch sử của một vùng đất, có khi ghi dấu một thời kỳ, một giai đoạn đã xảy ra. Khuôn mặt của phố phường, dáng vẻ riêng biệt cũng như tính chất của Saigon năm nào đã dần dần bị biến đổi với  sự ra đi,  “ bỏ phố lên trời “ của  những thực vật lẫn động vật đã chất chứa đầy kỷ niệm! 

" Có quá nhiều thứ đã mất đi ở đây. Mất đi không chỉ do hẹp hòi, dại dột, và vô tâm. Mất đi do thời cuộc, thời gian, mất đi do những quyết định vội vàng, tư lợi, thiếu hiểu biết của một số người. Mất đi trong xót xa, đắng chát nhưng hình như không một ai tự thấy mình có lỗi để ân hận, giày vo... Những mất đi đó đã làm nên bao hệ lụy đau đớn, nuối tiếc, buồn bã trong rất nhiều người. " - Đinh Thị Như Thúy

Sài Gòn giờ vắng tiếng chim
Cây dầu non- nhớ-nằm- thiêm thiếp -chờ
Hoa duôn đỏ- bóng người xưa
Sài Gòn -chợt thiếu- chợt thừa-sớm mai
Đứng- ngồi- và- thở- nơi đây
Trong tôi bỗng thấy từng giây phút này - Linh Phương

Saigon đã trải qua quá nhiều biến đổi. Việc “ hiện đại hóa “ một cách bát nháo, hỗn độn, vô tổ chức đã giết chết một cách không thương tiếc linh hồn của thành phố từng ngày, từng phút, từng giờ à qua sự biến mất dần mòn của những hàng cây, những con đường, những ngôi biệt thự cổ xưa... thậm chí những con người Saigon về vật chất lẫn tinh thần.

Những hình ảnh của Saigon năm xưa dù đã mai một, không còn tồn tại cùng tháng năm, nhưng vẫn còn ghi lại trong ký ức, nằm trong hốc tim của những người còn yêu thương và tha thiết với thành phố này. Những hình ảnh đẹp đẽ nhất luôn được hình thành trong quá khứ, luôn xứng đáng để hoài niệm bằng một cảm xúc khôn nguôi. Đó là một thời, một phần của cuộc đời mà ta đành bỏ lại tại Saigon.
Những trái dầu, trái sao còn rụng, còn xoay xoay trong gió như thời gian xoay xoay, không còn là những mơ mộng, không chỉ là kỷ niệm đơn thuần, mà bây giờ chúng sẽ phát tán hạt theo gió, để các hạt mầm, các chồi non sẽ nảy sinh, như những hy vọng về cuộc sống mới sẽ hình thành, cũng như Saigon trước giờ vẫn luôn là mảnh đất ươm mầm nuôi các ước mơ. 

 

Xuân Phương



- Trên đường phảng phất những trái sao - nhinhanh / Thanh niên giao lưu - Diễn đàn Đại Học Cần Thơ
- Sách Nhớ ...Saigon Minh Hương
- Sách Sống chậm thời @ - Lê Thiếu Nhơn
- Sách Tạp bút Hồn Mai - Nguyễn Xuân Hoàng
- Tùy bút Trương Quang / Hoa Đông Phương 's blog
- Tùy bút Đinh Thị Như Thúy / Hoa Đông Phương 's blog
- Đoản văn của BC về Saigon

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009