SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

Đọc “Mộng & Thực” của Phan Ngọc Danh

Nhận được tập truyện ngắn đầu tay “Mộng & Thực” gởi tặng của tác giả Phan Ngọc Danh, một người bạn lâu năm nhưng không thường liên lạc, làm tôi hết sức ngạc nhiên. Ngạc nhiên là bởi vì ông bạn Danh mà tôi quen biết nhau từ cái thời lính tráng trẻ trung, nông nổi, tôi chưa hề thấy ở ông có sự biểu hiện chút nào về khả năng viết lách. “Ông” Danh mà tôi biết là một ông Danh với cái vóc dáng cao ráo, điển trai, tánh tình hiền hòa, mau mắn, và mang đậm cái tính nghệ sĩ qua sự đam mê của anh về ngón đàn ghi-ta cổ điển mà anh thường “trổ tài” cho các bạn thưởng thức. Nhưng viết lách thì tuyệt nhiên không có dấu hiệu nào. Ông Danh, nhà văn? Tôi không hề mường tượng được điều này. Cho nên sự ngạc nhiên làm tôi thích thú.

“Mộng & Thực” gồm có 14 truyện ngắn - Đúng là những truyện ngắn, vì truyện dài nhất chưa tới 13 trang giấy và ngắn nhất có lẽ là câu chuyện “Mộng & Thực” vỏn vẹn chỉ có hơn sáu trang chữ mà tác giả lấy nó đặt tên cho quyển truyện. Phải chăng tác giả muốn lấy cái tâm trạng đau khổ đến điên loạn, khi tỉnh khi mê của cô Ba vì chồng đi lính chết trận để làm rối trí những đọc giả gọi là tỉnh táo -  Một thông điệp cho sự nhắc nhở, cảnh giác rằng kể cả những người tỉnh táo, mộng và thực đôi khi cũng khó phân biệt?

Các truyện của anh viết đều ngắn, người đọc không mất nhiều thì giờ để hiểu hết một câu chuyện. Mặc dù ngắn nhưng sự mô tả về chân dung, tâm lý các nhân vật rất chi tiết và sâu sắc, và đó là điều cốt lõi cho sự thành công của bất cứ câu chuyện nào được viết. Từ ông Xây, chủ tiệm cầm đồ trong câu chuyện “Cầm Đồ” vì cái tính keo kiệt, lợi lộc, tính toán đã bị cô Thêm gánh nước mướn ranh mãnh lợi dụng. Tâm sự của vợ chồng lão Tư Yêm trong “ Giấc Mơ Hồi Hương” đã không thực hiện được giấc mơ của mình vì va chạm vào thực tế những ràng buộc tình cảm không dễ dàng dứt bỏ.  Sự tương phản giữa hai nhân vật – anh Mộc canh giữ nghĩa địa và ông cán bộ tên Huế, người khách trọ mưa bất ngờ trong “Cán Bộ”  - Một bên nghèo nàn mà bình an còn một bên có tiền và có quyền mà lo lắng, bất ổn. Trong “Đoàn Tụ”, tác giả mô tả nỗi xót xa và cô đơn của bà Thân sau khi đoàn tụ với các con ở nước ngoài, để rồi cuối đời đành sống một mình trong viện dưỡng lão. Nhân vật lão Tám Đoàn và cô Lưu trong “ Bắt Trộm” có hơi cường điệu về tính cách bi thảm không thực lắm ở hồi kết thúc nhưng thằng ăn trộm không ngờ là đứa con rơi của lão Tám Đoàn đã làm tôi tò mò theo dõi cái mối tình ngắn hạn, có tính toán của lão ta với cô Lưu. “Sinh Nhật” là câu chuyện giận nhau lẻn xẹt giữa cặp vợ chồng ông Nam, bà Phúc đã làm hỏng cái buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày lấy nhau, qua đó tác giả cho thấy cái tính rởm đời của những người mới ăn nên làm ra. Rồi “Bên Hàng Dậu” là chuyện của mấy con gà được kết thúc bởi hành động dứt điểm của anh chàng Việt kiều Mai Cồ, nhưng khi con gà chết đi không còn tiếng gáy thì anh Việt kiều kia lại nhớ đến cái âm thanh quen thuộc của hương đồng cỏ nội. “Mẹ Gà Con Vịt” là câu chuyện thương tâm và trái ngang của hai người mẹ mới sinh đang nằm trong bệnh viện -  cô Trâm và cô Loan- đưa đến việc cô Trâm nhận con của cô Loan làm con mình.  Ở “ Người Chết Hai Lần”, tác giả đã mỉa mai diễn tả những sinh hoạt “chống cộng, yêu nước” nặng phần trình diễn, mang tính võ mồm ở khu phố Bôn sa mà thằng Quới, con cô Than là một trong những kẻ hăng hái, lăng xả vào những việc “ruồi bu” nên không dám về Việt Nam thăm mẹ mặc cho sự thương nhớ, đợi chờ của bà Than đến mỏi mòn, tuyệt vọng.  Đến nhân vật chị Dung trong “Vâng!” nói lên cái triết lý sống cầu hòa, đơn giản mà hạnh phúc trái ngược lại cái lối sống kiêu kỳ, phức tạp mà bất an của bà Tú chủ nhà. “Vợ Hiền” là câu chuyện khó có thực xảy ra ngoài đời, trong đó ông Minh đã trở thành kẻ không nhà, sống lê lết ngoài đường vì bị mắc kẹt giữa hai người vợ “hiền”- Nao nức qua Mỹ để gặp lại người vợ cũ thì chứng kiến ngày vợ mình lên xe hoa với người khác, nhưng không dám về lại Việt Nam để  tái hợp lại với người vợ chắp nối mà tính tình đã đổi thay theo lợi lộc kim tiền. “Chung Thủy” là câu chuyện mẹ kể cho con nghe về sự chung thủy vô điều kiện của bà đối với người chồng dối trá và vô trách nhiệm, và khuyên con của mình trước ngày nó lấy vợ là khi đã yêu ai thì yêu cho đến hơi thở cuối cùng -  Tôi tự hỏi không biết người con trai có nên nghe theo lời khuyên thiếu thực tế này của mẹ hay không. Cuối cùng là “Nhà Văn Nhớn” trong đó với lời văn diễu cợt, châm biếm tác giả đã nói lên chính cái tâm trạng trở thành nhà văn một cách trễ nải của mình.

Mười bốn cốt truyện là mười bốn sắc thái khác nhau. Mỗi cốt truyện đều được dàn dựng với bố cục rõ ràng, dẫn nhập một cách liên tục, khéo léo, và hợp lý từ đầu tới cuối với sự mô tả sắc sảo diện mạo và tình tiết các nhân vật cùng với bối cảnh nuôi dưỡng chúng.  Các truyện tôi ưa thích là “Bắt Trộm”, “Mộng & Thực”, “Vâng!”, “Người Chết Hai Lần”, “Nhà Văn Nhớn”. Và có lẽ cốt truyện tôi thích nhất là “Cầm Đồ” vì khi đọc xong nó, nỗi ấm ức của tôi vẫn cứ dây dưa mãi, nghĩ thật là tức cho cái thằng cha chủ tiệm cầm đồ, vì cái đầu óc tư lợi hạn hẹp mà để vụt mất “cái miếng mở “cô Thêm ngon lành đang kề trước miệng!

Thật bất ngờ đến thích thú khi nhận và đọc “Mộng & Thực” của ông bạn Danh. Tôi thầm nghĩ ông bạn của tôi viết hồi nào, viết đã bao lâu mà viết hay quá vậy. Nhưng có thể tiên đoán được rằng “Mộng & Thực” sẽ khó thành công về mặc tài chánh. Những nhà văn đã tương đối có tiếng khi ra mắt sách với sự khoa trương rầm rộ, kèn trống inh ỏi mà còn chưa bán được bao nhiêu huống hồ “Mộng & Thực” là đứa con tinh thần đầu tay của một người viết văn không chuyên, chưa nổi tiếng, lại thai nghén ở cái tuổi 60, và ra mắt một cách âm thầm, lặng lẽ. Tác giả cũng không hề có ảo tưởng về điều này như anh đã trần tình trong “Nhà Văn Nhớn”. Nhưng điều này không đánh mất đi sự xứng đáng cho anh về niềm tự hào có được một đứa con tinh thần theo tôi là rất nặng ký, rất vuông tròn. Cuối cùng, vấn đề còn lại ở chỗ là tác giả đã coi việc viết lách như là cách tiêu khiển, giải trí, chia xẻ với người thân, bè bạn, làm phong phú thêm cho cuộc sống về hưu của mình.    

 

Nguyễn Ch.
10/10/09

 

Xin Lưu Ý:  Nếu muốn mua tập truyện ngắn “Mộng & Thực” giá $12.50 USD bao gồm tiền cước phí, xin liên lạc nhà xuất bản Văn Bút ở huongque1975@gmail.com, hoặc liên lạc thẳng với tác giả danhngocphan@gmail.com.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009