SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

MẸ TÔI KHI XONG MÙA KHÁNG-CHIẾN

Tâm-Phương

Xưa nay đã có biết bao Văn-nhân Thi-sĩ, Nhạc-sĩ dùng Văn Thơ hay ho, dùng tìếng nhạc ngọt ngào nhất để Vinh-danh, Ca-ngợi MẸ.

Mẹ là Xôi Nếp-một,là Chuối Ba-hương,là Đường thơm Mật ngọt.
Mẹ là Nguồn-suối trong bất tận, là Dòng-sông tươi mát hiền hòa.
Mẹ là cây Đại Thọ có bóng mát, hương thơm che chở cuộc đời Con.
Mẹ nuôi sống Con bằng dòng sữa ấm. Dạy dỗ Con tiếng nói đầu đời.

Công lao của Mẹ không giấy mực nào tả hết.

Mỗi một người viết về Mẹ bằng tấm lòng trân quí, bằng kính trọng, bằng thán phục ngưỡng mộ hay bằng những thương tiếc trong nổi niềm riêng tư.

Nhưng với Tôi, Mẹ còn là Đấng Quyền-Năng tuyệt-đối khi Tôi trong lứa tuổi lên mười lúc Mẹ còn sống.

Hoặc lúc lớn khôn đã thực sự lăn lóc vào đời, mặc dầu Mẹ không còn nữa, nhưng mỗi lần gặp khó khăn, nguy khốn như trường hợp đối đầu với giặc vùng Nam-Căn, Cà-Mâu, Đông-Hưng, Chương-Thiện àà.Tôi cầu xin Mẹ cho con sự thông minh, may mắn để thoát khỏi cơn hiểm nghèo...

Bất cứ lúc nào Tôi cũng chỉ Cầu xin Mẹ phò trợ cho Tôi thay vì phải cầu xin Chúa, cầu xin Phật như mọi người, bởi Tôi hiểu Phật đã dạy chúng sanh những điều căn-bản cho đời sống trần gian :

- Hãy tự mình thắp Đuốc lấy mà đi.
- PHẬT chỉ ta con đường Từ-bi nhân-ái, Ta là người quyết định đi hay không.
- Không ai có thể cứu ta được bằng chính Bản-thân ta.
- Phải gieo NHÂN tốt hôm nay để có được QUẢ tốt ngày mai.

Cho nên chỉ có Mẹ, dù còn sống hay đã chết, lúc nào Tôi cũng cảm nhận có Mẹ theo sát bên Tôi.

Chính Mẹ đã phò trợ cho Anh Em tôi vươn lên khỏi sự mù chữ nghèo khó từ làng quê và ngước mặt hiên ngang nhìn đời bằng kiến thức Học-vấn mà đáng lẽ tất cả chúng tôi phải vất vả suốt đời bên cái cày, con trâu, thửa ruộng...

Đặc biệt sau cuộc chiến, hầu hết những gia-đình sống tại làng quê tôi đều không được vẹn toàn, bởi trong đám con cái, có đứa bên này đứa bên kia.

Ngược lại, gia-đinh tôi, sáu Anh Em trong các Quân Binh Chủng Hải Lục Không Quân và Công Nhân-Viên Hành-Chánh miền Nam, cho đến giờ vẫn bình an sau khi đã bị vùi-dập trong Chiến-tranh kéo dài ba mươi năm và cuộc Đổi Đời hỗn loạn 1975.

Khi Mẹ tôi vừa ngoài ba mươi tuổi, là bắt đầu sống đời góa bụa ở đồng quê trong vùng kháng-chiến chống thực-dân Pháp gần Vĩ-tuyến 17 cùng với sáu con,năm trai một gái.

Ba tôi mất khi anh lớn nhất chỉ mới mười hai. Nhờ Ông ngoại để lại nhiều tài-sản nên ba người anh lớn được học trường Pháp trong thời gian đó.

Ngày xưa Ông ngoại rất giàu, nhưng chỉ có ba người con gái. Văn hóa Trung hoa ảnh hưởng quá sâu đậm trong lòng dân Việt sau một ngàn năm đô hộ nên vẫn là : Nhất Nam viết hữu, Thập Nữ viết vô.

Mẹ và các Dì không được đến trường, dù cho Tây đô hộ gần cả trăm năm, sau Tàu.

Khi Ông Bà ngoại mất đã để lại cho con mỗi người một căn nhà và tiền của để làm ăn buôn bán.

Kể từ năm 1952, hơn một trăm Bộ đội Việt minh đến ở lì trong nhà, bắt Mẹ phải nuôi ăn và cung cấp lương-thực cho từng người, mỗi khi họ đi vài ngày hành quân đánh đồn Tây.

Lúc bấy giờ Mẹ được phong chức Thủ lãnh đoàn Tiền phương yểm-trợ Bộ-đội. Mẹ cai quản hai toán công nhân tình nguyện, một toán lo may vá áo quần và các túi vải cá- nhân đựng gạo mang đi hành quân ( thường được gọi là ruột tượng ) một toán khác lo về thuốc men y-tế. Mỗi tháng Mẹ phải vào thành phố Huế bán vàng để mua thuốc tây.

Có những lần, sau khi đi tấn công quấy phá đồn Tây, mang theo trở về vài anh bộ đội bị thương, Mẹ phải điều động y-tá băng bó vết thương, và bảo toán phụ nữ nấu cháo gà thết đãi bộ đội ăn mừng chiến thắng.

Không ai biết Đồn Tây thiệt hại thế nào mà chỉ nghe anh Đại đội trưởng nói địch thiệt hại nặng nề lắm.

Hầu như đêm nào bộ-đội cũng đi quấy phá đồn Tây cách xa làng tôi, hoặc đắp mô đất, gài mìn những con đường chính dẫn về làng. Còn đồn Tây trong làng thì do tiểu đội của Dượng Thọ đảm trách. Ngoài ra, tất cả trai gái lúc đêm về phải tụ tập ở sân đình làng để nhảy “ Xồn-Đô-Mị...) và ca những bài “ Kết đoàn... Chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn... Chúng ta là Sắt, Gang...” hoặc là “Đông phương hồng, mặt trời lên... Nhân dân chúng ta có Hồ chí Minh...” v.v.

Các thanh niên nam nữ trong toán tình nguyện của Mẹ cũng phải tham gia nhảy múa hát hò... Có những đêm khuya tiếng hát hò vang dội đến đồn Tây, ban đầu vài trái hỏa-châu bắn lên soi sáng, tiếp theo là vài quả mọt-chê rót trúng nhà dân cháy sáng cả vùng trời cùng với vài người dân chết oan tức-tưởi.

Dân chúng hận thù quân Pháp xâm lược lên tột độ, nên bằng mọi giá phải đánh đuổi quân xâm lăng.

Từ làng trên xóm dưới đều sinh hoạt như nhau, ban ngày ra đồng cày cuốc làm ruộng,lúc đêm về thì tụ họp ở đình làng để học tập đường lối của Bác, Đảng và hát ca nhảy múa …

Đám trẻ con tuổi lên mười vì không có trường học, bởi tất cả trường Tây đã bị phá tan hoang và trường Việt không có nên phải đi cắt cỏ, chăn trâu. Ngày nào cũng trông trời mau tối để tụ tập nhảy múa hát hò. Những đứa hơi lớn hơn, tuổi mười lăm mười bảy như ba anh lớn của tôi, tuân theo lời Mẹ phải tham gia đoàn tấn công quấy phá đồn Tây dưới sự chỉ huy của Dượng Thọ.

Dượng Thọ là người to cao, trắng trẻo, có Bằng Diplome Pháp.

Lúc đầu Dượng làm Trưởng Ban Thông-tin tuyên truyền, mỗi buổi sáng phải đi bộ lên Khu chiến trên núi Trường sơn để nhận chỉ thị.

Không biết chức-vụ này làm những chuyện gì, nhưng mỗi buổi chiều lúc trời sẩm tối, Dượng tập họp khoảng chín mười thanh thiếu niên trạc tuổi mười ba mười sáu, trong đó có ba anh lớn của tôi cùng sáu anh Bộ-đội mang súng trường và hai cái thùng thiếc đi quấy phá đồn Tây.

Mục đích đem theo hai thùng thiếc là để đút nòng súng vào, khi bắn nghe tiếng nổ đùng đùng như loại súng lớn.
Đồn Tây đóng gần Chợ-hôm, sát hàng rào phía trước là sông Ô-lâu, phía sau là đồng ruộng.

Đoàn quân Dượng Thọ lúc nào cũng bố trí bên kia bờ sông thuộc làng Văn-quỷ.

Khi đến vị-trí đối diện đồn Tây, đám thiếu niên nằm sát bờ ruộng. Phía trước ven bờ sông là sáu anh Bộ-đội nằm rải rác, chĩa mũi súng về phía đồn Tây.

Dượng Thọ trèo lên Cây Đa cao, dùng cái loa bằng thiếc kê sát vào miệng la lớn lời kêu gọi buông súng đầu hàng, nếu không sẽ bị tấn công.

Lúc đầu kêu gọi bằng tiếng Pháp, sau đó kêu gọi bằng tiếng Việt, bởi vì mặc dầu là đồn canh của Pháp nhưng cũng có người Việt nam đi lính Pháp canh gác chung.

Khi đọc xong lời kêu gọi, Dượng ra lệnh bắn.

Thế là tất cả súng thi nhau nhả đạn. Nhờ có thùng thiếc nên nghe tạch tạch đùng đùng như có nhiều loại súng lớn súng nhỏ đang tấn công.

Trong khi đó, đám Thiếu niên chỉ có gậy gộc trên tay nằm tại chỗ nhưng miệng la Xung phong... Xung phong... vang dội vào không trung.

Không biết bọn lính Tây bên kia bờ sông có nghe lời kêu gọi của Dượng Thọ và tiếng la xung phong hay không mà thấy vẫn im lìm, không một phát súng bắn trả lại.

Cũng có thể bọn Tây biết bên kia sông toàn là một lũ con nít nên tội nghiệp, bắn làm chi uổng đạn à

Chừng vài phút sau, vài ba trái hỏa-châu bắn lên từ đồn Tây, sáng rực cả vùng trời...

Đợi cho hỏa-châu vừa tắt, là bắt đầu người lớn con nít mạnh ai nấy chạy tìm đường về, xem như cuộc tấn công chấm dứt.

Có những lần, khi vừa chạy khỏi là vài trái Mọt-chê rớt ngay nơi bố trí của họ,thật là hú vía !...

Đồng thời ở nhà Mẹ sai toán phụ-nữ tình nguyện nấu cháo gà đợi sẵn.

Nhờ có kinh nghiệm tấn công như thế, nên đã nhiều lần đi đánh đồn Tây mà cả hai phía ta và địch chẳng có ai bị thương hay chết chóc.

Lần sau cùng, khi vài trái hỏa-châu vừa bắn lên, tiếp theo mấy tràng Đại-liên nhắm vào Cây-đa. Dượng Thọ bị thương chân phải, té ngay xuống đất.

Đám thiếu niên bỏ chạy tán loạn. Mấy anh bộ-đội khiêng Dượng chạy một đoạn rồi dùng ghe chở lên chiến-khu Trường-sơn ngay trong đêm.

Gần nửa năm sau, Dượng trở về trên hai nạng gỗ, chân phải cụt tới háng, trên ngực áo được gắn cái Huy-chương màu đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng.

Dượng rất hãnh diện khoe với mọi người : “ Anh-dũng Bội-tinh này được đổi bằng cái chân phải của tôi “. Dân trong làng rất nể phục nhưng mỗi tháng Mẹ phải cho thêm ít tiền để phụ giúp nuôi gia đình.

Kể từ khi Dượng Thọ bị thương, tiểu đội quấy phá đồn Tây của Dượng cũng tan rả.

Thấy Dượng không còn khả năng làm lụng như cày bừa, cuốc đất làm ruộng lấy lợi tức giúp gia-đình gồm vợ và sáu con còn nhỏ dại. Do đó, dân làng góp sức đan cho Dượng chiếc xuồng tre để đi câu cá sống độ nhật. 

Cho đến tháng 7 năm 1954 khi Hiệp định Genève ký kết, tất cả Bộ đội biến đâu mất trong đêm, để lại cho Mẹ tờ giấy khen thưởng, vinh danh Mẹ là Mẹ Chiến sĩ, bên dưới ký tên Tỉnh ủy Thừa-Thiên, thay mặt Bác và đảng, rồi hẹn ngày bộ đội trở lại.

Cuộc đời cơ-cực của Mẹ bắt đầu lúc tài-sản và tiền-bạc đã đi theo Bộ đội từ đó.

Của Hương-hỏa nay chỉ còn lại mấy mẫu ruộng, Mẹ và các anh lớn ra sức cấy cày nhưng khi đến mùa gặt thì phải đóng thuế bằng lúa gạo cho cán bộ nằm vùng nên gia đình vẫn không đủ ăn.

Dân làng bây giờ người lớn lo cày cấy ruộng vườn, cuốc đất trồng khoai sắn,trẻ con lo việc chăn trâu.

Ba người anh lớn có vốn liếng Tây học, bây giờ Tây đi rồi nên phải ở nhà giúp Mẹ xay lúa giã gạo gánh ra chợ bán.
Nhìn cảnh mấy đứa con lớn làm lụng khó nhọc vất vả, mấy đứa nhỏ không có trường đi học. Cả đàn con hoàn toàn không có tương lai nên nhiều đêm Mẹ âm thầm khóc để rồi cuối cùng Mẹ quyết định cho Anh cả vào thành phố Huế tìm kế sinh nhai, vì dầu sao anh cũng dã có được mảnh bằng Diplome của Pháp.

Chắc chắn trong thâm tâm Mẹ đã hiểu được rằng con đường độc nhất để con mình thoát khỏi cảnh cực khổ, nghèo đói ở vùng quê này là con đường vào thành phố Huế học hành để tiến thân.

Riêng Mẹ thì ngày nào như ngày nấy, quang gánh nặng vai, đi đò từ sáng sớm qua sông Ô-Lâu, đi bộ đến làng Văn-Quỹ, có khi lên đến làng Câu-Nhi hay ra tới Diên-trường, Cam-Lộ buôn bán những thứ lặt vặt cho đến trưa, mua 04 thúng lúa, ì-ạch cong đòn gánh, gánh về nhà xay và giả thật nhanh cho kịp phiên chợ chiều.

Quanh năm suốt tháng, Mẹ gồng gánh khổ cực như thế, không một ngày nghỉ.

Lúc này Mẹ nói với chúng tôi : “ Chắc bây giờ Mẹ không còn khả năng nuôi các con ăn học thành tài thì nhờ TRỜI NUÔI. Hàng ngày Mẹ cố gắng lên Chùa cầu nguyện “.

Những năm tháng kế tiếp kể từ 1958, khi anh lớn đã được vào trường Quân-y, Mẹ tiếp tục gửi người anh thứ ba và tôi vào Huế để tìm cách tự túc mưu sinh và học hành. Đây cũng là thời gian cán bộ Cộng Sản ào ạt từ Bắc đưa vào để phối hợp hoạt-động với cán bộ được gài lại khi Hiệp-định Genève 1954 chia đôi đất nước.

Do đó, dân làng quê tôi giờ đây bị kẹp giữa hai gọng kềm, ban ngày quân đội Quốc-gia về bắt dân chúng làm hàng rào Ấp-Chiến-lược nhưng về đêm thì đi tháo gỡ để cho bộ-đội về làng.

Dân chúng bắt đầu chán nản, ù-lì việc cày cấy vì biết rằng dù cho ráng hết sức canh tác rồi kết quả cũng không đủ cơm ăn.

Có lẽ đây là lý do chính Mẹ bắt buộc các con phải từ giã thôn làng. Thật khó mà hiểu được ý-nghĩ trong lòng Mẹ. Có lúc Mẹ như oán hờn vì tài sản đem nuôi bộ-đội nên bây giờ trắng tay, để cho con cái phải sống trong cơ-hàn đói khổ. Nhưng nếu có ai oán hờn Việt-công thì Mẹ lại bênh vực hết mình.

Lúc nào Mẹ cũng nghĩ đơn giản Việt cộng là bộ-đội, có công lao to tát với đất nước, đánh đuổi ngoại bang, không cần biết là Pháp hay Mỹ cũng như hẩu hết ý-nghĩ của mọi người dân trong làng.

Nhớ lại lúc bộ-đội yêu cầu cho anh cả theo họ tập-kết ra Bắc, Mẹ một mực chối từ.

Nhưng khi Anh cả xin Mẹ thi vào Trường Quân-y VNCH thì Mẹ bằng lòng ngay.

Kể từ khi đuổi hết các con vào thành phổ, thì sức khỏe Mẹ cũng bắt đầu giảm sút nên không còn xay lúa gánh gạo ra chợ bán mà chỉ trổng vài luống rau cải đủ ăn và hàng tháng anh cả gửi tiền về giúp MẸ mua gạo.

Bây giờ chiến tranh đã bắt đầu tràn về qua thôn xóm, đã có những trận đánh lớn xảy ra ngay trong làng. Dân làng giờ đây phải thuộc lòng khẩu hiệu mới :” Chống Mỹ cứu nước “.

Nhìn cảnh làng thôn tan nát tiêu điều bởi những trận giao-tranh và mưa bom nên Mẹ càng căm hận quân Mỹ nhiều hơn.

Tất cả anh em tôi không thể về thăm Mẹ được lúc này ngoại trừ chị Sáu tôi lấy chồng ở Diên-trường thỉnh thoảng vào thăm.

Đã bao nhiêu năm xa quê hương làng mạc tôi nhớ nhà, nhớ Mẹ muốn điên lên nhưng không về thăm được vì đã nhiều lần Mẹ nhắn tin các con từ nay không được về thăm Mẹ, nhất là ba anh lớn.

Bởi làng thôn bây giờ, hầu như đêm nào cũng có bóng dáng bộ-đội và cán-bộ miền Bắc xuất hiện. Có nhiều khi họ xuất hiện ban ngày nếu không có quân đội VNCH hành quân qua thôn xóm.

Tôi nhất quyết trở về vì nghĩ rằng mình là thằng học trò nhỏ chắc không sao,nên nhiều lần thăm dò tin tức. Gặp được thằng bạn hồi tiểu-học, bây giờ làm lơ-xe-đò, nó khuyên không nên về nhưng nếu bắt buộc thì nên về buổi sang và xế chiều phải trở lại Huế ngay.

Khi niên học vừa dứt, mùa hè bắt đầu là tôi mua vé xe đò về quê.
Về làng ban ngày không nghe tiếng đạn bom, nhưng sao lòng tôi cứ bồn chồn, lo lắng đủ thứ và luôn e-sợ sẽ gặp chuyện bất-trắc không may.

Trên cánh đồng mênh mông, chỉ thấy lác đác vài người dắt trâu cày ruộng dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè.
Bên cạnh Đền Âm-hồn, đàn trâu vẫn vô-tư gặm cỏ. Không thấy đám thiếu niên chăn trâu đùa giỡn như ngày nào, mà chỉ thấy năm ba đứa trẻ con tuổi lên mười quanh quẩn đó đây Có lẽ mấy đứa lớn hơn đã lên đường đi quân-dịch.
Vào đến sân nhà thấy Mẹ đang quét sân phơi lúa. Thấy tôi, Mẹ ngừng tay, vội vã chạy lại nói nhỏ :

- Con về đó hả ?. Đi vào nhà cho Mạ dặn.

Nhìn cử chỉ có vẻ khẩn-trương của Mẹ, tôi đoán được Mẹ sẽ nói những điều không bình thường. Vừa bước chân vào nhà Mẹ nói :

- Tất cả các con từ nay không được về thăm Mạ thình lình, mà phải thăm dò tình-hình xem có yên ổn hay không và Mẹ cho phép mới được về. Nhất là không được ở lại đêm Lỡ có chuyện chi cho tụi bây chắc Mạ không sống được.

Tôi ngắt lời :

- Thì tụi con cũng nghĩ như rứa cho Mạ.Tại sao Mạ không chịu vào Đà-nẵng với các anh ?.Ngoài lý do trông coi mồ-mả, tụi con vẫn không hiểu tại sao Mạ nhất định không đi ?. Hay có ai ép buộc Mạ điều gì ?

Mẹ suy nghĩ một hồi rồi trả lời :

- Mạ khác tụi bây. Mạ già rồi, không ai bắt Mạ đi mô mà sợ. Đừng lo cho Mạ.Họ cũng đã biết lúc trước Mạ có công nuôi bộ-đội đánh đồn Tây. Bây giờ Mạ có thêm trọng trách là động viên tinh thần dân chúng cũng như bộ-đội hăng hái đánh giặc Mỹ.Sở dĩ Mạ dặn các con như rứa vì hơn tháng nay, mỗi buổi tối Mạ phải tham gia đi học tập “ Tội ác Mỹ Ngụy “.và kê khai tài sản cũng như danh tánh các con đang làm gì, ở đâu ?
Mạ đã khai sự thật, và tối nào như tối nấy, khai đi khai lại từng nớ chuyện để làm gương cho dân làng.

Tôi thở dài bực bội nói :

- Con có ý nghĩ là Mạ làm việc như một cán-bộ Cộng sản không bằng. Mạ nhớ một điều là bây giờ tất cả con của Mạ đang ở thành phố, trước sau rồi cũng theo hang ngủ Quốc-gia, không lẽ Mạ muốn tụi con trở về làng đi theo bộ-đội đánh giặc hay sao ? Hơn nữa, sao Mạ không nhớ lời ông Quý la mắng cán-bộ Việt-cộng lúc bị nhốt trong chuồng củi phơi nắng trước Đình làng ? Hoặc hãy nhìn những gia-đình có con đi bên này bên kia. Cha Mẹ suốt ngày khóc lóc lo sợ cho lũ con, một lúc nào đó đối mặt nhau trên cùng một trận chiến.
- Thôi thôi đừng nói nữa, Mạ có lý do của Mạ. Mạ biết phải làm gì và các con ở mô mới bảo toàn tánh mạng để Mạ yên lòng.

Một ý-nghĩ bắt buộc chợt thoáng trong đầu, tôi nói :

- Mạ hãy chuẩn bị, kỳ này vào con sẽ nói các anh đem Mạ vô Đà-nẵng, không chần chờ được nữa.

Mẹ suy nghĩ một lúc rồi nói như ra lệnh :

- Lát nữa ăn trưa xong con phải về Chợ-hôm đón xe vào Huế ngay. Bởi vì đôi lúc Họ cũng lai vãng ban ngày. Con đủ khôn lớn để Họ mời đi theo.

Nghe Mẹ nói thế tự nhiên tôi ớn lạnh xương sống.
Mẹ đi dọn cơm, tôi ăn vội vã rồi từ giã Mẹ đi bộ ra chợ cho kịp chuyến xe.
Lúc từ giã, tôi năn nỉ Mẹ lần chót :

- Mạ nhớ chuẩn bị sẵn sàng, khi có tin chị Sáu nhắn là Mạ phải đi ngay.

Mẹ buồn bã trả lời :

- Mạ sinh ra và lớn lên ở đây. Chừ Mạ muốn sống những ngày còn lại tuổi già và chết đây thôi. Mạ không muốn đi mô cả.

Tôi giải thích :

- Mạ đã thấy bây giờ chiến tranh lan tràn khắp các vùng nông thôn. Lỡ ra đêm hôm có chuyện gì, một mình Mạ làm sao xoay xở ?.
- Không răng mô !. Tụi con đừng lo cho Mạ. Sống chết có số...........

Tôi từ giã Mẹ vội vã đi về Chợ-hôm.
Len lỏi qua mấy khóm tre làng phủ kín bầu trời, băng qua con đường đất đá gồ ghề, tình cờ gặp chị Nhạn con ông Hách, một thời vang tiếng con nhà phú-nông, có sắc đẹp nhất nhì trong làng. Bây giờ chị cạo đầu mặc áo nâu đi tu. Tôi giật mình khi nghe hỏi mà không nhận ra chị.

- Em về hồi nào ? Đi mô mà vội vàng rứa ?

Tôi nhìn một lúc rồi hỏi :

- Có phải chị... Nhạn không ?
- Phải rồi.
- Chị đi tu hồi nào vậy ?
- Đã hơn ba năm rồi, em không biết sao ? Sự thực là chị đang làm nghĩa vụ cho Tổ-quốc. Quê mình chừ có nhiều người trẻ như em đi làm nghĩa vụ giống chị. Họ vào tu trong các Chùa ở Huế hoặc Quảng-trị như chú Chẩm, chú Lữ,à hiện nay cả hai đều lên chức Thượng-tọa rồi đó em.

Tôi quá đỗi ngạc nhiên bèn hỏi :

- Hình như cả hai chú đều không biết đọc biết viết, làm sao mà lên được Thượng-tọa ?

Chị vừa cười vừa trả lời :

- Em ngây thơ quá. Chức Cha Công-giáo thì phải cần Vatican phong cho.Muốn lên chức trong quân đội thì cần Bộ Quốc-phòng phê chuẩn. Chức sắc trong Phật giáo chỉ cần đến Chùa cạo trọc đầu thì muốn chức gì chả được ? Hơn nữa, đi tu để làm nghĩa vụ Tổ-quốc đâu cần đòi hỏi chữ nghĩa nhiều, chỉ cần biết đọc biết viết.

Rồi Chị hỏi lãng sang chuyện khác :

- Em còn nhớ anh Hiếu, anh ruột của Chị đi tập-kết năm 54 không ? Chừ anh trở vô hoạt động ở làng mình.

Nghe Chị nói, tôi hiểu gần hết vai trò những người đi tu như Chị, như chú Chẩm chú Lữ, tôi bắt đầu lo sợ bèn nói :

- Em xin phép đi vì gần trễ xe.

Ngồi trên xe đò vào Huế, tôi suy nghĩ nếu Việt-công áp lực Mẹ bắt buộc anh em tôi đi tu giống chị Nhạn, chú Chẩm, chú Lữ thì biết phải làm sao đây ?

Tôi cố nhắm mắt ngủ để quên nỗi lo âu, nhưng lại càng suy nghĩ nhiều hơn.
Mới ngày nào trên quê hương thôn xóm thật thanh bình, không bao giờ nghe tiếng bom nổ đạn bay. Mỗi đêm về chỉ nghe câu hát tiếng hò của trai gái làng trên xóm dưới xay lúa giã gạo.

Khi trời gần sáng thì nghe tiếng gọi nhau ơi-ới của những nông-dân hay những bé chăn trâu rủ nhau ra đồng làm ruộng.

Trái lại bây giờ, khi màn đêm buông xuống, nhà nào nhà nấy ăn tối vội vàng đua nhau xuống hầm trú-ẩn và chỉ nghe tiếng bom đạn gần xa.

Nhiều khi nghe tiếng gào thét của trẻ con giựt mình sợ hãi khi có tiếng nổ gần kề.

Đêm khuya nếu có tiếng người kêu gọi, thì đó là tiếng của cán-bộ nằm vùng đốc thúc dân chúng ra Đình-làng học tập tội-ác Mỹ-Ngụy mà thôi.

Nhưng khổ nỗi, ngoài gia-đình tôi ra, hầu như gia-đình nào cũng có con đi tập-kết ra Bắc, và đám con lớn lên sau này đi theo Quốc-gia ( Mỹ-Ngụy ).

Cũng vì hoàn-cảnh trớ-trêu đó nên ông Quý ở xóm trên đã bị đi học-tập cải-tạo ở vùng rừng thiêng nước độc trên núi Trường-sơn hơn ba tháng vì lời tâm-sự bộc-trực của ông : “ Ngày xưa thời-thế tạo anh hùng, ngày nay thời-thế tạo cảnh nồi-da-xáo-thịt, anh em ruột bắn giết nhau “.

Ông chỉ nói có thế mà cán-bộ kết tội ông có tư-tưởng phản-động, bi-quan yếm-thế, không thông suốt đường lối Bác, Đảng là :
“ Những người đi tập-kết là những người con thương yêu của Tổ-quốc. Những người theo Quốc-gia Mỹ-Ngụy là đã đi lầm đường lạc lối, là phản dân hại nước.
Cha Mẹ có bổn phận kêu gọi trở về “.
Sau đó Họ đem ông ra Đình-làng để phê-bình kiểm-thảo trước nhân dân.
Ông bị tổn-thương thể-diện vì dầu sao Ông cũng thuộc thành phần khá-giả của thôn làng. Ông bực tức chưởi bới cán-bộ, rồi Họ nhốt ông vô chuồng củi, phơi nắng trước Đình-làng. Ông căm phẫn hét lên :

“ Nếu kêu gọi con trở về, Tao chỉ kêu thằng San, vì từ khi đi tập-kết tới chừ, gia-đình tao đói khổ, sống chết ra răng, nó đách cần biết tới, chứ thằng Gạ, thằng Đôn đi lính Quốc-gia thì tháng nào cũng đem tiền về nuôi gia-đình “.
Cán-bộ đánh giá ông thực sự là tên phản-động, nếu không có anh San tập-kết ra Bắc năm 54, chắc ông bị thủ-tiêu ban đêm từ lâu rồi.
Bây giờ được đặc-ân chỉ đi học-tập cải-tạo.

Mãi suy nghĩ những điều lo sợ có thể xảy ra trong tương lai mà xe đến bến hồi nào không hay, chỉ nghe tiếng thằng bạn lơ-xe-đò thông báo :

- Đã tới bến rồi, mời bà con cô bác xuống xe và nhớ đừng bỏ quên đồ đoàn.

Thấy trời còn nắng sáng, tôi vội vã qua bến xe đò đi Đà-nẵng.
Gần một tuần ở Đà-nẵng, tôi kể hết những sinh hoạt của Mẹ cho hai anh lớn nghe đòng thời thăm dò và thuyết phục hai chị dâu xem chị nào hoan hỉ cho Mẹ sống chung. Kết quả chị Ba bằng lòng, chị Hai lấy lý do bốn đứa nhỏ nghịch ngợm sợ quấy rầy Mẹ.Anh Hai sợ Mẹ không chịu đi nên bảo anh Ba xin nghỉ phép một tuần về ở lại Mỹ-chánh, nhắn Mẹ lên thăm rồi đem Mẹ đi luôn. Còn tôi phải ở lại Đà-nẵng giúp đưa rước mấy đứa con anh Ba đi học.

Đúng như anh Hai nghĩ, anh Ba về ở lại Mỹ-chánh hết bảy ngày phép, nhắn tin cả chục lần, nhưng Mẹ chỉ nhắn lại là Mẹ không đi xa được, MẸ muốn anh Ba về làng thăm Mẹ.

Nơi Mẹ sống chỉ cách Mỹ-chánh hơn ba cây số, nhưng không còn là vùng an toàn nên ai cũng khuyên anh Ba không nên về và đừng tin lời nhắn đó là của Mẹ.

Thế là chuyến đi của anh Ba không có kết quả, anh Hai quyết định đợi chờ thêm một thời gian nữa xem sao.
Xui xẻo thay chiến tranh vùng địa-đầu giới-tuyến ngày càng khốc liệt, không còn liên lạc được với bất cứ ai trong làng. Mẹ xem như biệt vô âm tín.

Ròng rã hơn hai năm sau, trước khi vào Sài-gòn học Đại-học, hơn nữa quá nhớ Mẹ nên tôi đánh liều, không dám cho các anh hay biết vì sợ can ngăn bởi thân xác tôi đã to lớn, về làng chắc chắn sẽ bị Việt-cộng bắt đi.

ôi về Huế thăm dò tin tức, ra Mỹ-chánh ở lại một ngày, sau cùng tôi đến được nhà chị Sáu ở Diên-trường. Chị em mừng mừng tủi tủi bởi xa nhau quá lâu.

Qua một đêm tìm phương cách làm sao bắt buộc Mẹ phải đi. Chị cho hay lúc nào Mẹ cũng lấy lý do mồ mả Tổ-tiên Nội Ngoại ở đây bỏ đi sao đành và lấy ai nhang khói ?

Bản tánh thủ-cựu “Đất-lề-quê-thói “đã in đậm nét trong tâm trí Mẹ cũng như mọi người dân trong làng nên vẫn là “ Cái khó bó cái khôn “ đời đời kiếp kiếp.

Mặt khác bây giờ Mẹ có được niềm yêu thích làm gương cho dân làng hăng hái đánh đuổi quân ngoại xâm như lời tuyên truyền của bộ-đội Bắc-việt. Điều này làm cho anh em tôi có quyết định mạnh mẽ hơn.

Sáng hôm sau Chị Sáu quyết định đi một mình vào làng đem Mẹ ra, tôi ở lại chăm sóc mấy đứa nhỏ giùm chị.
Tôi căn dặn chị thật kỹ, nếu Mẹ không chịu đi thì phải nói dối rằng mấy cháu nhớ Bà-ngoại nên bịnh nặng, nhờ Mẹ ra thăm chúng nó vài ngày, và nhất là Chị phải gom góp đem theo những gì quí giá nhất của Mẹ, để khi ra đến đây Mẹ không còn lý do phải trở về lấy.

May mắn thay, đến xế chiều thì Mẹ và Chị trở về. Bây giờ thấy Mẹ quá gầy gò đen đúa nhưng rất may là còn đi đứng khỏe mạnh. Tôi ôm chầm lấy Mẹ và khóc òa như hồi còn bé. Mẹ cũng khóc theo và nói :

- Tụi bây vẫn mạnh khỏe Mạ mừng lắm. Còn thằng út và các anh con thì sao ?
- Mạ đừng lo, sớm muộn gì chiều mai tới Đà-nẵng sẽ biết.

Mẹ ngạc nhiên hỏi :

- Ủa ! phải đi Đà-nẵng hả ? Lần này đi chắc lâu lắm mới trở về hả con ? Mạ rất tiếc đàn gà mới nở và luống rau lang mới trồng.

Chị Sáu xen vào :

- Còn gì nữa mà đòi về, Làng mình giờ đây trông giống ngôi làng thời Tiền-sử. Nguyên cả làng không một căn nhà nào còn nguyên vẹn. Nhà mình chỉ còn chơ vơ vài cây cột cháy dở. Mẹ sống chui rúc trong căn hầm chống đạn bom anh Ba đào cho Mẹ mấy năm trước, cũng giống như tất cả dân trong làng.

Tôi an ủi Mẹ :

- Mẹ biết bây giờ người ta bỏ của chạy lấy người mà vẫn không kịp, rất nhiều người mất mạng trên đường chạy loạn, Mẹ đã đến được nơi an-toàn rồi thì còn tiếc gì mấy thứ đó ?.

Sáng hôm sau tôi và Mẹ khăn gói lên đường đi Đà-nẵng thật sớm.

Trong cuộc chiến Việt-nam, tôi và Mẹ dù hai thế hệ nhưng cùng là Chứng-nhân sự hoang-tàn đổ-nát của quê-hương.

Mẹ yêu quê-hương đất nước, thương con cái, qua ý-tưởng đơn-thuần của Mẹ. Không cần biết Cộng-sản hay Quốc-gia.

Kẻ nào đem bom đạn cày nát quê hương xóm làng giết chết dân oan là Mẹ chống. Vì chính Mẹ đã mắt thấy tai nghe những bi-thương thống-khỏ của dân lành qua những trận mưa bom, những lần giao-chiến, cho nên, những khẩu hiệu:
“Đánh bại Cộng-sản để giành lại Tự-do “. Mẹ và hầu hết 80% dân quê Việt-nam nghe sao mơ hồ quá. Vì quả thực, một ngàn năm giặc Tàu đô-hộ, một trăm năm bởi giặc Tây, Dân làng và Mẹ vẫn sống thanh bình tự do hơn thời gian này.
Và những khẩu-hiệu : “Đánh đuổi quân xâm lăng Mỹ và bọn tay sai Mỹ-Ngụy đã cày nát quê hương, giết chết dân lành “. Nghe quá dễ hiểu, rất thực-tế và nhanh chóng thấm sâu vào lòng dân quê.

Thuở còn tuổi học trò, tuổi sinh viên, tôi nghe lời Mẹ tuyệt đối, những lời Mẹ nói là những Mệnh-lệnh : “ Các con hãy nghe theo và làm theo những gì các Thầy ở Chùa Từ-Đàm, Chùa Thiên-Mụ... chỉ dạy “.

Với bầu nhiệt-huyết tuổi thanh xuân, tôi cũng như hàng triệu sinh viên học sinh đã lăn xả vào những cuộc xuống đường đấu tranh bởi thấy Phật-giáo-đồ bị đàn áp.

Chính Mẹ và dân chúng Huế đã khóc hết nước mắt khi chứng kiến cảnh các Thượng-tọa, các Đại-đức Phật-giáo bị bỏ đói, bị trói tay lên đầu, nhốt dưới hầm tối-tăm ngập nước lên tới ngực trong các ngục tù “ Chín-Hầm “ tại Huế.. Các thầy được giải thoát khi chế-độ Nhà Ngô sụp đổ.Toàn dân oán hờn Gia-đình-trị Nhà Ngô ngút tận trời cao.

Khi lớn lên, vào quân đội, Tôi cũng đã tuyệt đối tuân hành theo Mệnh-lệnh cấp trên, không cần biết đó là trò Chính-tri hay hậu quả sẽ như thế nào ?.

Gần nửa đời người của Tôi đã bị trói buộc bởi Mệnh-lệnh. Hay nói đúng hơn, hàng triệu thanh niên cùng trang lứa với tôi cũng cùng chung ý-chí và bầu nhiệt huyết yêu quê hương quốc-gia dân tộc, đã bị lợi dụng tối đa bởi bên này hay bên kia.

Từ khi Mẹ mất, Nước mất, Tôi may mắn chạy được ra nước ngoài, không còn bất cứ Mệnh-lệnh nào trói buộc.
Tôi tự do suy nghĩ những gì về cuộc đời Tôi về số phận đất nước Việt.
Nhưng than ôi !. Tất cả đều đã mất mát, muộn màng.

Những tài-liệu chính trị, những trang Web, những sử-sách viết bằng nhiều ngôn ngữ trên thế-giới nói về cuộc nội-chiến Quốc-Cộng tại Việt-nam, trong đó có những đoạn mô-tả sự đạo-diễn tài tình của cán-bộ Cộng-sản nằm vùng trong màn kịch “ Ngục-tù Chín-hầm “ tại Huế.

Các Thầy được cứu thoát ở ” Chín-hám “ chính là những cán bộ Cộng-sản được lệnh cạo đầu và nhịn đói vài ngày trước đó.

Dân Huế trong đó có Mẹ được cổ-võ, khuyến-khích đến chứng kiến cảnh thương tâm giải-thoát các Thầy.

Và còn rất nhiều tài-liệu, nhiều dữ-kiện cho thấy khi ký Hiệp-định Genève chia đôi đất nước, Cộng-sản Việt-nam đã gài lại hàng ngàn cán-bộ. Sau này phân phối vào các guồng máy chính-quyền miền Nam và một số lớn đưa vào thụ-huấn trong các Quân-Binh Chủng Hãi Lục Không quân.

Do đó, Đệ nhất Cộng hòa với nền dân chủ phôi thai của Cụ Ngô-Đình-Diệm đã bị bủa vây dày đặc màng lưới Vô-sản Cộng-sản, trong khi Cụ cai trị đất nước theo phương pháp : “ Hoàng -Thượng phê chuẩn Tấu-Chương “ mà phần lớn Tấu-Chương do phe theo và thân Cộng tấu trình.

Cụ không còn tin tưởng ai, buộc lòng phải dùng người gia-đình và bà con thân thuộc.
Hậu quả đưa đến tai tiếng “ Gia-Đình-Trị “ làm cho Đệ-nhất Cộng-Hòa sụp đổ và Anh Em Cụ bị giết chết thảm thương.

Bây giờ nghĩ lại ngày xưa Tôi và hàng triệu thanh niên sinh viên Phật-tử giống như đàn Cừu non, ai lùa đi đâu thì đi, hay đàn Ngựa được huấn luyện thuần thục, hai mắt bị bít kín, tuân theo mệnh-lệnh của người cưỡi đi đường.

Sau khi bức-tử nền Đệ-nhất Cộng-hòa, Các Tướng-lãnh tranh giành vai trò lãnh-đạo đất nước, so sánh lòng yêu thương Quốc-gia Dân-tộc và tài năng lãnh-đạo thì thua kém Cụ xa, cọng thêm sự kềm kẹp vì quyền-lợi của đất nước Hoa-Kỳ, nên Nga Tàu có nhiều cơ-hội bóp chết nền Đệ-nhị Cộng-hòa Nam Việt-Nam nhanh chóng hơn.
Tóm lại, Nam Việt-nam thời gian này không có Thiên-thời, không Địa-lợi và cũng không có Nhân-hòa.

Điển hình như Cụ Trần văn Hương, một người với tấm lòng thiết tha yêu thương Quê hương Đất nước, trong khi chọn nhân sự vào Nội-các, có người hỏi tại sao Cụ chọn những người có ít nhiều dính dáng tham nhũng ?. Cụ thẳng thắn trả lời :
“ Xách giỏ ra Chợ không còn có cá tươi, đành phải mua cá ươn vậy “.

Có lẽ trong thâm tâm Cụ nghĩ, với tài năng của mình, giỏ cá ươn này nay mai sẽ trở thành thơm ngon. Nhưng rất tiếc, không như Cụ nghĩ, bởi vận mệnh Việt-nam lúc này nằm trong tay Mỹ-Tàu-Nga.

Hôm nay ngày giỗ Mẹ, cũng là ngày một số người làm đám giỗ Cụ Ngô.
Lễ bái Mẹ xong Tôi vội vã đi đến Nhà Thờ, nơi người ta làm lễ giỗ Cụ. Tôi muốn vào nhưng bước chân chùng lại, vì sợ sẽ trở thành đứa con bất hiếu của Mẹ, bèn đứng bên ngoài nguyện cầu...

Tâm-Phương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009