SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

THUỞ.... CHẲNG AI  HAY !

Trang Web xuất hiện trước mắt tôi là hình ảnh mái trường cổ kính chung quanh bao phủ một màu tím mờ nhẹ như sương khói, những kỷ niệm xa xưa thời áo trắng bỗng ùa vào trí óc, từng khuôn mặt thầy cô hiện ra qua những cái tên trong danh sách giáo sư của trường, có nhiều thầy cô được ghi là đã qua đời, nhiều vị đang định cư ở nước ngoài giống như chúng tôi và rất nhiều người vẫn còn đang sống ở quê hương. Một lần tình cờ đọc tin sinh hoạt trên báo thấy có tên giáo sư Việt văn ngày xưa đã cùng một học giả tên tuổi sang Pháp thuyết trình về một đề tài văn học, muốn gửi thư thăm cô nhưng mãi vẫn không liên lạc được. Bấm nhẹ vào ô cuối cùng của trang lưu bút trên đó xuất hiện rất nhiều dòng nhắn tin của bạn bè củ, qua đó các bạn biết được tin tức của nhau sau gần bốn mươi năm cách biệt, tìm mãi vẫn không thấy tên người quen nên tôi vào phần ghi lưu bút viết những cảm xúc của mình khi tìm thấy trang web.

Từ hôm ấy lần nào lên net tôi cũng lướt qua trang nhà đọc các tin nhắn và thấy lòng rộn ràng vui mỗi khi có người liên lạc được với bạn cũ. Không bao lâu sau tôi cũng nhận được email của một nhỏ bạn thân ở Cali, phải nói là chúng tôi vui mừng biết bao, nhỏ bạn phone ngay và cho tôi biết tin tức nhiều đứa, hầu hết bọn chúng tôi đều sống ở nước ngoài, chỉ còn một đứa ở lại, trong phone nó rủ :

- Lâu quá không gặp bạn bè cũ, lớp mình có mấy đứa cũng ở tiểu bang này hay là bạn xuống chơi dưới đây để gặp mặt luôn một thể ?

Tôi trả lời :

- Hoàn cảnh mình qua bên này muộn quá nên giờ vẫn phải đi cày lo chuyện nhà cửa, để mình xem lại. Nhưng chắc là mình sẽ xuống thăm bồ chứ mình không dám mời bạn tới tệ xá mình đâu.

Nghe tôi nói vậy con nhỏ "xì nẹc" liền :

- Bà thì lúc nào cũng mặc cảm chuyện nhà với cửa, hồi xưa cũng vậy bây giờ cũng rứa.

Tôi cười :

- Thì bồ cũng đâu có kém, vẫn sôi nổi, bộc trực như ngày nào và "nóng như Trương Phi" Xem phim bộ không nghe người ta nói hay sao "Giang sơn dễ đỗi, bản tính nan di" mà.
- Rồi, gặp bà là xổ nho liền tui "thầy chạy" bà luôn, chừng nào mới xuống với ta ?

Tôi ngần ngừ một chút rồi hứa :

- Khoảng cuối tháng bảy công việc của hãng hơi down, mình sẽ xin phép nghỉ một tuần khi nào đi mình sẽ phone cho bạn biết trước.

Có mặt ở Cali đúng theo lời hẹn, nhỏ bạn đón tôi về nhà, dọc đường chúng tôi trò chuyện huyên thiên ôn lại chuyện đã qua. Từ ngày rời ngưỡng cửa trung học mỗi đứa một phương bây giờ mới biết tin tức, hầu hết tất cả đều sống ở Mỹ, hai đứa ở Úc và một ở Canada. Tiếng là ở Hoa kỳ nhưng nước này rộng quá nên chẳng bao giờ gặp nhau ngoại trừ mấy đứa ở thủ đô người Việt tị nạn. Gia đình bạn tôi qua năm bảy lăm nhờ ở trong quân chủng Hải quân nên di tản dễ dàng cả gia đình. Những ngày ở chơi tại đó tôi được chở đi viếng Tượng đài Việt Mỹ, khu thương xá Phúc Lộc Thọ, đường Bolsa, buổi tối lại ra cầu tàu dọc theo bãi biển Longbeach xem người ta câu cá. Cũng không quên đi thăm Disney Land và Universal nổi tiếng của Hollywood. Mấy ngày còn lại hai vợ chồng người bạn rủ tôi :

- Kim Âu xuống đây cùng lúc Đại hội hải quân của tụi tôi tổ chức họp mặt ba ngày, sẵn dịp mời bạn cùng tham dự luôn cho vui.

 Ba ngày đại hôi trôi qua, đêm cuối cùng là buổi tiệc chia tay được tổ chức ở một nhà hàng sang trọng có dạ vũ và ca nhạc sĩ "cây nhà lá vườn" của gia đình Hải quân Trần Hưng Đạo đảm trách. Không khí hết sức vui nhộn và thân mật, cả ba thế hệ đều có mặt ; những chàng trai áo trắng hào hùng năm xưa giờ mái đầu ai cũng điểm bạc, dẫn theo cả bầu đoàn thê tử, con cái cháu nội ngoại, vậy mà qua những câu chuyện rôm rả, những trò chơi ngoài trời hôm picnic tôi như thấy lại những chàng trai, những cô gái của tuổi đôi mươi, đêm dạ hội họ vẫn quay cuồng trên sàn nhẫy dường như không hề già nua như tuổi tác. Vợ chồng bạn tôi cũng vậy chẳng có bản nào cả hai không dìu nhau lả lướt,

Một mình ngồi lại bàn chăm chú lắng nghe những bài hát, nhìn các ca nhạc sĩ được mời lên sân khấu tôi thấy có một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc bạc gần hết ôm đàn hát lại bài nhạc tôi vẫn hay nghe thời xưa, anh chàng hát một lúc hai bản Mộng dưới hoa và Ngậm ngùi. Trong khi người nhạc sĩ ôm đàn đứng nỉ non, dưới sàn từng cặp chầm chậm dìu nhau từng bước trong ánh đèn mờ ảo "Sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngũ anh hầu quạt đây à Lòng anh mơ với quạt này trăm con chim mộng về bay đầu giường, ngủ đi em mộng bình thường, ngủ đi em..." Lắng nghe tiếng hát với cung đàn tôi ngờ ngợ, vùng ánh sáng trên sân khấu giúp tôi nhìn rõ người đang hát dường như tôi đã có gặp người này ở đâu đó, mọi thứ khiến tôi nhớ lại một người, không lẽ … ?! Tôi chớp mắt xua đi ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu và thầm nhủ "chắc tại bài hát làm mình có ảo giác anh chàng là người quen" Tiết mục kế tiếp là một điệu Swing sôi động của đám trẻ, hai vợ chồng chị bạn kéo nhau về bàn trong lúc anh chồng quay sang nói chuyện với bạn bè cùng khóa tôi ghé tai cô bạn hỏi :

- Người mới hát ban nãy là một OC của hải quân hả ?.

Qua mấy ngày tham gia sinh hoạt tôi cũng quen miệng gọi họ là "Ô Xi" giống như mọi người và Hồng Oanh gật đầu thay cho câu trả lời. Tôi được biết thêm những sĩ quan Hải quân được gửi đi huấn luyện bên Mỹ được gọi tắt là OCS. Tất cả là mười hai khóa có hơn năm trăm người đã theo học. Tôi quay sang hỏi một OC chừng như đi một mình vì từ đầu buổi tiệc đến giờ không thấy có bóng hồng nào bên cạnh. Anh này vui vẻ trả lời những thắc mắc của tôi "... những sĩ quan OC đầu tiên phải thụ huấn ba tháng quân trường tại Quang Trung, khi sát hạch trình độ Anh ngữ ai đủ điểm thì được chọn học tiếp Anh văn trước khi được gửi qua Mỹ học hải nghiệp." Bây giờ tôi mới "ngộ" ra khi thấy có người ban đầu mặc quân phục màu xanh của bộ binh và về sau lại xuất hiện dưới màu áo xanh xám của quân chủng Hải quân. Tôi chỉ người nhạc sĩ ôm đàn ban nãy trên sân khấu vừa ngồi xuống bàn trước mặt và nói với người ngồi bên cạnh :

- Anh này là một OC mà hát hay ghê giống như ca sĩ nhà nghề.
- Cô nói thằng Hoài hả, nó hát hay đàn giỏi nổi tiếng từ bên Mỹ đó.

Cái tên khiến tôi giật mình, ngần ngừ một lúc thắc mắc trong lòng giục tôi bạo gan hỏi thêm :

- Có phải anh ấy tên Thương Hoài.

Người ngồi cạnh bên pha trò :

- Tên của nó đọc lên nghe khôn dễ sợ, gọi đến tên chỉ thấy Thương Hoài nên ai có muốn ghét cũng khó nói nên lời.

Lòng tôi tự dưng chùng xuống, ngày ấy xa rồi nhưng trái tim vẫn có điều mơ hồ nhơ nhớ, những cảm giác bâng khuâng khó tả bỗng từ đâu lại ùa về à !!

oOo

Đợt hai của năm Mậu thân vùng ngoại ô khu vực của nhà tôi ở bị Việt cộng xâm nhập, khi chiến trận yên ắng gia đình tôi trở lại chỉ còn biết đứng nhìn cảnh tan hoang trơ lại đống gạch đổ nát trên nền nhà và buồn bã nhớ lại lại hình ảnh mái nhà thân thương trước kia ! Chỗ này là nơi đặt bàn học của chị em tôi, cạnh khung của sổ là bộ ván gõ dầy cả tấc của ông bà nội tôi để lại. Bên kia là bộ xa lông kiểu tân thời đặt phía trước tủ thờ, sau bức vách ngăn là giường ngủ đi sâu nữa là nơi đặt bàn ăn cùng nhà bếp. Cầu thang dẫn lên căn gác nhỏ phía sau nhà có bao lơn trông ra mặt hồ nuôi cá của những người Bắc di cư năm 1954, ở đó những buổi chiều ngồi nhìn xuống đàn cá rô phi nhô đầu thở từng bầy trên mặt nước, trưa hè ngồi hứng luồng gió mát xa tít từ phía bên kia hồ thổi về. Và cũng từ căn gác nhỏ này tôi bắt đầu giấc mơ của thời con gái mới lớn, tinh nghịch cuộn mảnh giấy hình loa kèn chúm môi thổi từng chùm bong bóng xà bông, gửi gấm niềm vui cho chúng mang theo bay đi thật xa, thật cao trước khi tan vào khoảng không.

Nhìn sự nghiệp bao năm nay hoàn toàn bị tiêu hủy sau trận chiến ba tôi buồn quá không muốn xây dựng lại bèn bán nền nhà dọn về thành phố tạm ngụ tại nhà một người bà con hơn nửa năm trời.Gặp một người bạn cũ giờ làm trưởng trại tạm cư dành cho người chiến nạn, ông khuyên ba tôi nên dọn vào ở trong trại trong khi chờ đợi xin mua một gian trong khu chung cư của chính phủ xây cho những gia đình nạn nhân chiến cuộc. Ngẫm nghĩ cũng thật bất công, trong khi mọi người đang sống yên lành thi Việt cộng ở đâu bỗng dưng mang súng đạn về thành phố chẳng biết để giải phóng cho ai ?, không thành công họ vội vã rút chạy bỏ lại nhà cửa của dân bị cháy nát, khiến mọi người phải lâm vào cảnh tang thương không nơi trú mưa tránh nắng. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải è cổ ra gánh vác ; nào là phải xây các khu tạm cư đầy đủ điện nước cho dân ở tạm, phải cấp phát thực phẩm cho từng người sống ít nhất là sáu tháng đến một năm, chăm sóc sức khỏe phát thuốc men mỗi khi có người đau ốm, lo cho trẻ con tiếp tục học hành và cuối cùng phải cất lại nhà cho dân. Bởi vì gia đình tôi đã được chính phủ cấp phát tiền bạc, xi măng, tole để cất lại nhà nên giờ phải xin mua trả góp căn nhà mới, còn những gia đình khác thì được phân phối giống như một cách đền bù. Tôi nghĩ chỉ có những người chiến nạn đã từng thoắt cái trắng tay vì cháy mất hết tài sản, nhà cửa, lại suýt mất mạng lúc này mới hiểu chiến tranh là do ai mang đến và chế độ nào mới là thương dân mến nước.

 Có lẽ chúng tôi là những người dọn vào trại tạm cư muộn nhất, thấy ba tôi đông con vị trại trưởng đặc biệt cấp phát nguyên một căn nhà hai gian cho gia đình tôi, tuy chật chội hơn căn nhà cũ nhưng vẫn rộng rãi, thoải mái hơn căn chái của người bà con cho chúng tôi tạm ngụ trước đó. Một gian dành cho các chị em lớn như tôi, gian bên kia dành cho ba má tôi và hai đứa em nhỏ. Ba tôi đóng thêm một chiếc giường hai tầng thật to, tầng dưới là chỗ nằm hai chị em tôi, tầng trên hai đứa em dành phần, thằng em kế tôi mỗi tối lắp chiếc ghế bố nhà binh nằm gần cửa ra vào.Bên ngoài ba tôi che thêm mái hiên làm bếp và nhà tắm. Cạnh cửa sổ là bộ ván làm chỗ ngồi ăn cơm, hoặc chơi mát mỗi chiều sau giờ ba tôi đi làm về. Chỗ ở chúng tôi xem như tạm ổn định, mọi người trong gia đình vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường giống như trước kia. Dọn về được vài tháng một buổi tối đang ngồi bên bàn học cạnh cửa sổ tôi bỗng nghe có tiếng rao :

- "Ai ăn bánh mì G L không"

Tiếng rao hàng của một thằng bé cứ lập đi lập lại, ngạc nhiên tôi mở cửa nhìn ra, bởi vì tôi đang đứng trong vùng ánh sáng nhìn ra ngoài sân là bóng tối nên chẳng thấy gì chỉ nghe có tiếng cười khúc khích ở nhà bên cạnh. Nghiêng đầu đưa mắt nhìn sang thấy lố nhố vài bóng đen bên đó, biết mình bị trêu chọc tôi quay vào học tiếp.
Buổi trưa đi học về cơm nước xong xuôi tôi cầm quyển truyện vừa mượn của nhỏ bạn ra ngồi dựa vách trên bộ ván trước nhà để đọc. Ban sáng trông thấy quyển sách cầm lật qua lật lại thì ra là quyển truyện của Remarque được dich ra tiếng Việt, tôi nói với nó :

- Cuốn này hay không mi ? Gì mà "Một thời để yêu và một thời để chết"
- Của hắn tặng đó nhưng ta chưa xem, lười quá ! Mi là con mọt sách cho mi xem trước có gì đặt biệt kể cho ta nghe kẻo của người tặng mà mình không biết viết gì trong đó quê lắm.

Mới đọc được vài trang đầu thằng em bảy tuổi của tôi không biết từ đâu chạy đến nói :

- Chị chị, anh Hoài hỏi chị đang xem sách gì vậy ? Cho ảnh mượn được không ?

Bỗng dưng bị cắt ngang hứng thú tôi bực mình nạt nhỏ :

- Hoài nào, ai quen đâu mà cho mượn ?

Thằng em chạy đi đâu một lúc rồi chạy trở lại nói :

- Anh Hoài nói chị dữ quá, anh ở kế bên nhà mình chứ đâu.

Tôi ngẩng đầu nhìn sang gian nhà bên cạnh cũng vừa vặn một cái đầu vừa lui vào bên trong cửa, thì ra có người đang nhìn lén mà mình không hay biết. Tôi bỗng nhớ ra đêm qua chắc mẻm bên đó xúi thằng nhỏ rao bánh mì. Quay đầu tôi giấu nụ cười sau trang sách. Dọn về được vài tháng chưa có dịp tiếp xúc với chung quanh nhưng tôi cũng biết gian nhà bên tay mặt chỉ có hai vợ chồng với đứa con trạc tuổi em tôi và chúng vẫn thường chơi với nhau, chắc vì không để ý nên tôi không biết nhà bên ấy nay có thêm người.

Mấy hôm sau mỗi buổi sáng, trưa đi học về tôi đều trông thấy bên ấy có người đứng nhìn sang. Một anh chàng thanh niên trắng trẻo, cao ráo phải nói là "hơi" đẹp trai với đôi mắt sáng có hàng lông mi dày mượt nằm dưới đôi chân mày rậm. Anh chàng có lẽ lớn hơn tôi bốn năm tuổi nhưng tôi chẳng thấy đi học hay đi làm, cả ngày chỉ thơ thẩn lòng vòng ở nhà, tôi thầm nghĩ "người như thế hóa ra vô công rỗi nghề, hay anh chàng ở đâu về đây trốn quân dịch !" Bỗng dưng tôi thấy ghét ghét hắn, trong lúc nước nhà đang trong thời chiến mà lại có người trốn tránh phận sự làm trai. Đã vậy ngày nào cũng ôm đàn dạo từng tưng, miệng lải nhải hát "Chưa gặp em tôi vẫn nghỉ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như mơ …." Hú hồn cho tôi, nếu anh chàng không dưng bổng đổi lời ca thành" Có bà chằn lửa đẹp như mơ …" chắc là tôi độn thổ.
Chiều chủ nhật, một lần nữa anh chàng lại xui em tôi chạy đến nói lúc tôi đang đứng ở bếp :

- Chị chị, anh Hoài nói muốn làm quen với chị.

Sẵn có ác cảm tôi phán một câu xanh dờn sau cái nguýt dài :

- Hứ, Qua nói với anh ta là chị không thèm !.

Không biết có phải vì câu nói của tôi làm buồn lòng mà cả tuần lễ sau tôi không thấy mặt anh chàng, cũng không hề nghe tiếng anh ta bên ấy vọng sang với tiếng đàn. Sang đến tuần thứ hai cũng vắng dạng. Đến lớp tôi kể cho Bạch Vân nghe về anh chàng, nhỏ nói với tôi :

- Mi không thích thì cũng đừng tạt gáo nước lạnh vào mặt người ta, ai cũng có tự ái chứ bộ nhất là hắn cũng thuộc con nhà hơi đẹp "chai" như lời mi kể.

Trưa thứ bảy cũng như lệ thường, sau khi bắt mấy đứa em vào ngủ trưa tôi cầm quyển sách mới mượn ở thư viện ra hiên nhà ngồi xem. Đang chăm chú đọc bỗng có tiếng bước chân mạnh mẽ ngang qua khiến tôi giật mình ngước lên. Hoài đó sao ? Anh chàng vận bộ quân phục nhà binh, đầu tóc cắt ngắn gần giống như cạo trọc, người ngợm rám nắng đen thui trông thật tức cười. Thấy tôi ngạc nhiên mở to mắt nhìn anh chàng nhoẻn miệng cười gật đầu chào, phản xạ làm tôi bỗng dưng mỉm cười đáp lại bởi lúc ấy trông thấy anh ta mặc đồ lính hình như tôi thấy bớt ghét anh chàng.

Ba tháng hè dần trôi, tuần nào được về phép Hoài cũng ghé ngũ lại nhà người bà con nếu không về quê thăm gia đình. Bây giờ tôi không còn ác cảm như lúc đầu nên thỉnh thoảng vẫn gật đầu chào đáp lễ anh ta mỗi khi tình cờ gặp mặt nhưng vẫn chưa hé môi trò chuyện lời nào. Niên học mới bắt đầu tôi lại tung tăng áo trắng đến trường, tuy cùng học một lớp và cùng mười sáu tuổi nhưng xem ra tôi còn quá "khù khờ" so với đám bạn ở lớp. Cuối tuần bọn nó rủ nhau ơi ới đi bát phố, đi "bum" bởi năm Đệ Tam của ban C là năm "Chơi cho chết" như lời tụi nó nói. Giờ ra chơi mấy đứa hay kéo nhau xuống khoảng trống phía cuối lớp nắm tay tập lại điệu nhẩy cho party buổi tối. Có lần nhỏ Hồng Oanh định lôi tôi ra tập cho tôi vài bước, nó nói :

- Mi trông cù lần quá làm mất danh tiếng dân ban C hết, ra đây ta luyện cho mi vài điệu bỏ túi phòng khi "hữu sự".
- Trời, mi dạy nhẩy chứ đâu phải tập võ thuật để đánh nhau. Mà thôi mình không học đâu, hoàn cảnh gia đình bồ khác nhà mình !

Trong đám bạn tôi mang mặc cảm thua sút chúng vì đang ở trại tạm cư, gia đình chưa có căn nhà chính thức. Nỗi buồn này làm tôi chỉ chú tâm vào học tập không thiết vui chơi, vả lại ba tôi chỉ là một công chức bình thường, má tôi buôn bán chút ít giúp thêm vào đời sống gia đình nên ngoài giờ học tôi phải cùng chị tôi làm công việc nhà thay cho mẹ. Mỗi lần thấy đám bạn chụm đầu tán chuyện tôi chỉ biết khoanh tay ngồi nghe, đứa nào cũng có một anh chàng để cặp kè và hãnh diện kể chuyện về người yêu của mình.

Rồi có một hôm tôi bỗng thấy cõi lòng xao động khi buổi tối cuối tuần ngồi học bài cạnh cửa sổ, chiếc đèn bàn với cái chụp bằng giấy che bớt ánh sáng cho tôi nhìn rõ bên ngoài hơn. Đối diện với cửa sổ xéo góc bên kia gian nhà ở cạnh tôi thấy có đốm đỏ thỉnh thoảng lóe lên, mùi khói thuốc vương vất trong không gian, trực giác con gái khiến tôi nhận ra hình như có ánh sáng của đôi mắt lấp lánh nào đó đang nhìn tôi. Có tiếng đàn dạo nhẹ rồi một giọng hát nho nhỏ cất lên "Nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu. Sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngũ anh hầu quạt đây ….!" Bài hát chấm dứt tôi cũng vừa xong bài giảng văn. Còn lại mấy bài toán có lẽ tối mai chủ nhật sẽ làm nốt, đêm nay tôi không còn đầu óc đâu để suy nghĩ tới những định đề, định lý, ác thay cô giáo dạy toán tuần nào cũng cho một lô bài tập để cuối tuần ở nhà các học sinh phải làm, thế là phải vùi đầu vào học hành chẳng còn thì giờ đâu để nghỉ vớ vẩn. Có lẽ vì thế nhiều cô gái học cao thường muộn màng trong tình duyên chăng !
Chui vào giường vừa ém lại mí mùng tôi lại nghe tiếng sột soạt bên kia, vách nhà ở trại tạm cư chỉ ngăn cách nhau bằng tấm tôle lạnh của Mỹ viện trợ mỏng te, bên này nói gì bên kia nghe hết. Vừa đặt mình nằm xuống tôi nghe bên kia có tiếng thì thầm nho nhỏ : "Ngủ đi bé..khuya rồi !" Tôi mím môi ghìm tiếng cười trong cổ họng, thầm nghĩ anh chàng thật quá quắt nhưng lại thấy dường như có một niềm vui nhè nhẹ đang len lỏi vào cõi lòng mình.

Tôi không biết mình có thói quen ngóng chờ anh chàng về phép mỗi cuối tuần từ lúc nào dù chỉ để cúi mặt mỉm cười khi anh chàng đi ngang qua, một hôm bỗng dưng thấy anh chàng lại khoác lên mình bộ quân phục màu xanh xám và đội chiếc nón có gắn huy hiệu của quân chủng Hải quân ? "Anh chàng đang đi lính gì vậy ta ?" Sao hôm nọ mặc màu xanh bộ binh, ngạc nhiên và thắc mắc nhưng chả dám hỏi đương sự. Vào lớp tôi đem chuyện anh chàng kể cho Bạch Vân nghe, con nhỏ cười ngặt nghẽo :

- Ta cứ tưởng cái ông nhạc sĩ mà ta không nhớ tên chỉ tưởng tượng để viết bài hát ai dè chuyện có thật
rồi nó cất giọng hát trêu chọc :
- "Thức trọn đêm nay để nhớ thương em, anh nghe tình yêu nức nở trong lòng. Ước gì nhà mình chung vách, ước gì mình đừng ngăn cách, anh đào tường, khoét vách sang … với em."

Tôi đập vào vai nó nghi ngờ :

- Nhỏ quỷ, làm gì có bài hát kỳ vậy. Yêu gì mà đào tường khoét vách giống đi ăn trộm vậy, mi chỉ giỏi bịa chuyện.

Qua hết cả tuần phải thi hết các môn học cho kỳ thi Đệ nhất lục cá nguyệt, cả đám học trò mệt phờ người. Nhà trường áp dụng kiểu thi cho học sinh hai cấp lớp khác nhau ngồi xen kẽ chung và toàn trường cùng thi một lúc với lý do tập cho chúng tôi quen với không khí của trường thi. Tôi bỗng có thói quen thức khuya dù đã qua kỳ thi cả tháng, bởi tôi biết bên ấy cũng đang có người thao thức chờ để nhắc tôi "...ngủ đi bé, khuya rồi". Cả hai chúng tôi chưa ai nói với nhau một lời nhưng cần gì chuyện đó chỉ cần nhìn mắt nhau là đủ hiểu, nhưng bản tính thẹn thùng con gái khiến tôi cứ phải lảng tránh ánh mắt khi tình cờ trông thấy người ấy nhìn mình, thằng em tôi kể rằng :

- Anh Hoài thân với em lắm, anh ấy hỏi chị đang học lớp mấy ? chị có bồ chưa em nói chị không có bồ, trong nhà mình đâu có chỗ cho chị để cái bồ, ảnh còn hỏi nhiều thứ lắm mà em hong biết.

Tôi bĩu môi thầm nghĩ :

- Anh chàng này ghê thật, mua chuộc cảm tình trẻ con để hỏi về mình đây.

Một hôm anh chàng đánh bạo xui thằng em chạy về nói với tôi :

- Chị chị, Anh Hoài hỏi chị có thích anh ấy không ?

Câu hỏi khiến tôi ngượng chín người nên trả lời cụt ngủn :

- Không

Tôi biết đáng lẽ mình không nên nói thế nhưng lòng tôi có chút giận hờn và thầm nghĩ : "Sao anh chàng không nói với mình mà cứ xui thằng em nói giùm". Buổi tối tôi chờ câu nhắc nhở quen thuộc để tắt đèn đi ngũ nhưng mãi chẳng nghe thấy, khi tôi vào giường thì nghe bên kia tiếng thì thầm trò chuyện giữa hai người, mặc dù giận dỗi nhưng tôi vẫn tò mò lắng nghe, giọng của Hoài thoảng qua rất nhỏ nhưng đêm khuya thanh vắng lại sát vách nên tôi cũng đủ hiểu hết, tuy Hoài nói với ai đó nhưng tôi lại nghĩ chàng cố tình nói với tôi, giọng Hoài buồn buồn :

- Nhìn ánh mắt nhau mình cũng hiểu nàng cũng có cảm tình với mình, mình định bụng sẽ ngỏ lời với nàng nhưng mình vẫn còn đang trong quân trường, đời lính chiến rày đây mai đó, vả lại bây giờ nàng mới mười sáu tuổi, còn nhỏ quá. Mình định nói với nàng là sau này khi nàng lớn mình sẽ thưa chuyện với ba má mình, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa có dịp nói chuyện với nàng, nên chẳng biết biết nàng có thích mình không ?

Có tiếng người thở dài rồi nói :

- Phải lòng nhau mà không có dịp nói ra nghĩ cũng buồn thật.

Toàn thân tôi nóng bừng, tôi cứng người không dám trở mình và thở mạnh sợ bên kia biết mình đang nghe chuyện, sau một lúc im lặng tôi nghe tiếng Hoài nói :

- Thôi ngủ đi, khuya rồi.

 Buổi sáng bầu trời tràn ngập ánh nắng ban mai ấm áp xua đi ngọn gió cuối đông lành lạnh, tôi mặc chiếc áo dài mới được dệt bằng tơ sống màu trắng ngà, mốt mới của đám con gái để giống nhân vật trong bài thơ Áo lụa Hà đông của Nguyên sa cho các anh chàng mãi "Vẫn yêu màu áo ấy vô cùng", tôi tóc ngắn cong cớn ngang vai, gương mặt bầu bĩnh của tuổi mười sáu, môi má hồng tươi, nụ cười rạng rỡ với cái lúm đồng tiền một bên ngày ngày cắp sách đến trường và khi về nhà vô tư nô đùa cùng bầy em, chưa hề biết lo lắng, phiền muộn điều gì. Sáng nay vừa bước ra khỏi nhà ở khúc quanh gần đầu ngõ tôi gặp mặt Hoài, hình như anh chàng đang đứng chờ sẵn, tôi thầm nghĩ "Ủa, sáng nay thứ hai sao anh ta chưa về đơn vị kìa ?" lại sực nhớ câu chuyện đêm qua mình nghe lén qua bức vách khiến gương mặt tôi nóng bừng. Hoài nhìn tôi thật tha thiết nói :

- Bé mặc áo mới xinh và dễ thương quá.

Câu nói bất ngờ làm tôi bối rối thẹn thùng ôm chặt chiếc cặp vào ngực nghe trái tim đang đập nhịp gấp gáp vì là lần đầu tiên Hoài trực tiếp nói thẳng với tôi, lính quýnh chưa biết trả lời thế nào thì Hoài tiếp lời :

- Bé gắng chờ anh nhé.

Đầu ngõ bà chị đã nổ máy chiếc Honda dame và giục :

- Nhanh lên, coi chừng mình trễ giờ học.

Buổi trưa tan học về nhà, đang lúi húi dọn cơm thằng em lại chạy vào nói :

- Chị Âu, hồi sáng anh Hoài đi rồi.

Tôi lơ đãng trả lời :

- Ừ, chắc anh ấy vào trại.
- Hong phải, anh ấy nói đi xa lắm, đi "quại quốc"

Tôi bổng nhớ ra câu nói của anh ta ban sáng, sao anh đi xa mà không nói gì với tôi hết, lòng tôi bỗng hụt hẫng nên buột miệng hỏi thằng em một câu mà không kịp suy nghĩ :

- Anh ấy có gửi lại gì không ?
- Hong có.

Những ngày sau khi tan học về nhà bỗng dưng tôi cảm thấy buồn, nỗi buồn vu vơ đầu tiên trong đời thiếu nữ bổng từ đâu ùa tới, tôi thầm trách Hoài sao chẳng viết cho tôi vài hàng hay để lại địa chỉ, trách người rồi lại tự trách mình, ban sáng Bạch Vân nghe tôi kể bèn nói :

- Ai bảo mi cứ khép chặt cõi lòng cứng ngắc làm chi ! Người ta biết lối mô mà rờ.

Tôi nói :

- Mình là con gái mà, với lại mình chưa biết nguồn gốc hoặc quê quán người ta, muốn nói chuyện hoặc thân thiện với ai thì ít nhất cũng phải biết họ thế nào và đang nghĩ gì về mình đã chứ.

Bạch Vân kêu lên :

- Trời ơi, sao mi cẩn thận quá tề, có cần phải điều tra tam đại từ đường người ta nữa không ? Thế kỷ hai mươi rồi em ơi ! Giờ thì biết hắn ở nơi mô !

Tôi buồn bã nói :

- Thì tại lúc ấy ta đâu nghĩ đến việc anh chàng phải đi xa,

Tôi chợt nhớ Hoài chắc có liên lạc với người bà con ở cạnh nhà tôi nhưng từ lúc dọn về đến giờ tôi chưa có dịp nói chuyện với gia đình bên ấy chẳng lẽ bây giờ lại chạy sang hỏi thăm, dị quá. Vả lại có chắc họ biết được gì.

 Ngày tháng trôi thật nhanh ăn Tết xong nhiều gia đình trong trại bắt đầu được nhận nhà mới, người ta dọn đi cũng khá nhiều, buổi trưa đi học về nhìn sang nhà người bà con của Hoài cũng vừa chuyển đi ban sáng, gian nhà giờ trống trơn và niềm hy vọng mong manh của tôi bỗng đứt lìa. Những buổi trưa tan học chờ bà chị còn học giờ sau ra về, tôi quanh quẩn bên chùa Xá Lợi, đôi lúc nhìn thấy vài anh chàng trong bộ quân phục chắc đến đón người thân, lòng tôi bỗng nghĩ bâng quơ "Hoài biết trường tôi học, có khi nào anh đến đây tìm gặp tôi chăng !".

Nửa tháng sau ba tôi về cho biết thủ tục xin mua nhà đã hoàn tất, tuần tới đi bắt thăm chọn nhà và khoảng một tháng nữa chúng tôi cũng sẽ dọn về nhà mới. Căn nhà thực thụ mà chúng tôi chờ mong sau hơn một năm rưỡi sống lăn lóc trong trại tạm cư. Niềm hạnh phúc ấy khiến tôi nhanh chóng tạm quên nỗi buồn vừa qua.

Cuối hè, chở đứa em nhỏ đi học ngang qua nơi đã sống một thời bây giờ trở thành kỷ niệm. Bước qua cổng tôi bổng hoa mắt khi không còn nhìn thấy hàng hàng, lớp lớp những dãy nhà trong trại tạm cư. Chỉ mới hơn nửa năm chứ mấy, tất cả đều được dở bỏ trả lại khung cảnh thoáng đãng, rộng rãi của một sân vận động. Trên bãi cỏ xanh có bầy chim sâu đang nhảy nhót ùa nhau bay đi khi chúng tôi bước đến. Cắn môi, tay xoắn lọn tóc giờ đã dài quá vai tôi bâng khuâng tự nhủ với lòng mình "Có ai đó về lại nơi này để hỏi người quen ngày ấy giờ nơi đâu !".

oOo

Trên sân khấu Thương Hoài lại bước lên ôm đàn hát tiếp, lời nhạc phổ từ bài thơ Chút tình đầu của Đỗ trung Quân. Bài hát này tôi đã từng nghe nhiều lần khi còn ở trong nước.
"Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay à.. thầm lặng mối tình đầu !
....
Mối tình đầu của tôi,
Là cây đàn ôm nỗi nhớ vu vơ
Ai cũng hiểu ….. chỉ một người không hiểu !

Thuở ấy tôi chẳng hay biết rằng lúc đó trong trái tim mình đã đập nhịp thầm lặng của chút tình đầu bởi tôi đã quen với những luân lý giáo điều tự ngàn xưa của gia đình và trường học tất cả làm cho tôi e dè sợ hãi bị tha nhân đánh giá thấp nếu tỏ ra dễ dãi "...Đến khi tôi hiểu thì tôi đã, làm lỡ tình duyên cũ mất rồi !"TTKH đã than thở giùm cho tôi từ dạo ấy.

Ngày xưa mỗi lần nghe ai đó đọc câu thơ "...tình chỉ đẹp khi còn dang dở" là bọn chúng tôi cãi nhau ỏm tỏi bởi có đứa cãi "yêu mà không thành thì đau khổ muốn chết chứ đẹp nỗi gì", Giờ tôi lại thấy câu này đúng ít ra là chỉ trong hoàn cảnh của riêng tôi. Mãi mãi hình ảnh của tôi sẽ không tàn phai trong trái tim Hoài và chàng sẽ không bao giờ biết cô bé láng giềng chung vách ngày xưa của hơn bốn mươi năm trước, bây giờ là một phụ nữ với mái tóc bắt đầu điểm bạc, cặp kính hai tròng làm to mí mắt tô muội xanh giấu đi khóe nhìn không còn trẻ trung, trong sáng ngây thơ của một cô bé tuổi trăng tròn, thôi cứ hãy để trong lòng Hoài hình ảnh cô bé của một "thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu !"

Cỏ Biển
Mùa thu 2009

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009