Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

Văn Nghệ Biển Khơi xin trân trọng giới thiệu sách mới phát hành :

Bắt Nắng

Tản mạn
Tác giả : Vũ Hoàng Thư
Nhà Xuất Bản : Quê Mẹ - Paris 2009

 

Nghe trích đoạn từ “Những Lóng Xuân” trong tập Bắt Nắng qua hai giọng đọc Trọng Nghĩa & Mộng Lan đã được phát thanh trên Saigon Radio Hải Ngoại 106.3 FM ở Nam California ngày 4 tháng 2 năm 2010

Lời giới thiệu

Thi Vũ

“Ta tư cách gì nói chuyện núi sông ?” Nên người ấy ra đi. Giã từ quê cũ tới phương trời mới cuối chân mây. Văn chương dựng lên khỏa lấp “chuyện núi sông”. Từ đó có Vũ Hoàng Thư.

Đọc Vũ Hoàng Thư nghĩ tới nền văn chương Việt hải ngoại. Nói hải ngoại vì họ Vũ chưa hề xuất hiện trên báo chí, sách vở trong nước  - trước 1975 ở miền Nam hay sau 1975 dưới chế độ Xã nghĩa. Sáng tác Vũ Hoàng Thư xuất hiện khoảng cuối thập niên 90 trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris, Văn học, Khởi Hành, và tạp chí văn học Gió O (http://www.gio-o.cm) ở Hoa Kỳ. Vũ cũng làm Chủ biên Website “Văn nghệ Biển Khơi” (www.bienkhoi.com) từ năm 1999. Nhưng văn chương Việt có vì địa lý mà phân chia nội ngoại ? Hẳn là không. Vấn đề nằm ở khí hậu. Khí hậu thi văn Vũ Hoàng Thư khác lạ so với những chi ta đọc được mấy mươi năm qua. Một khí hậu ngoại biên và thoát vượt.

André Malraux cho rằng văn chương thế kỷ XX là truyền đơn, luận thuyết, diễn văn… Thoát ly tháp ngà bước xuống đường nói lên sự hiện hữu phi lý của thân phận con người đa số. “Người Mẹ” của Maxime Gorki giáo đầu nền văn học cách mạng này. Malraux lấy năm bộ Mao tuyển làm bằng cho nền văn chương thế kỷ XX.

Thế nhưng vào những năm cuối thế kỷ trước, nền văn học hiện thực huyền ảo xuất hiện ở Châu Mỹ La tinh. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đánh đổ chủ nghĩa hiện thực xã hội trong nền văn học Xô viết ngự trị toàn cầu suốt bảy mươi năm. Lạ thay bản thân những kẻ chủ suý văn học hiện thực xã hội không chối bỏ hiện thực huyền ảo, lại còn hoan nghênh. Vì liên minh hay vì nền văn học hiện thực xã hội đuối sức và đang đuối lý ? Nói cho cao kỳ hay hiện đại, nhưng hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La tinh ngày nay khác chi tiểu thuyết chí quái hay truyền kỳ mười mấy thế kỷ trước ở Trung quốc và Việt Nam ?

Phân chia chủ nghĩa là bó rọ văn học nhằm phục vụ tuyên truyền giai đoạn cho những chủ trương phi văn học. Chẳng có chủ nghĩa gì trong màu xanh của lá. Với hoa hồng hay người đẹp, ta nhìn ngắm, đắm sống hay ước mơ. Văn chương lập thành từ cái nhìn, từ chữ nghĩa theo mạch tưởng tư chuyển động.

Văn chương Vũ Hoàng Thư mang cảm thức mất quê hương, làm nên khí hậu trong nền văn học mới hải ngoại. Một nền văn học lánh xa thứ văn học minh họa, nơi mà mỗi tờ giấy là một định mệnh, mỗi dòng viết là một a tòng. Người viết như con đồng chờ nhập vai, người viết đã lìa hồn trên quản bút, nhắm mắt cho độc ác giết mòn lòng nhân hậu, cúi đầu cho cực đoan đập nát cõi hồn nhiên.

Từ mất quê hương trên mặt đất, Vũ Hoàng Thư tìm thấy quê hương trong tâm hồn, trong chữ nghĩa, dàn trận thành mạch văn : “Tôi đứng đó một ngày tháng sáu nhớ về một ngày tháng sáu nắng đứng ở quê nhà” i. Hóa ra quê hương Vũ là “tuổi thơ bắt nắng”, “bắt thinh không khi chuồn chuồn lách cánh bay đi. Bàn tay nhỏ dại ôm đầy vũng nắng. Vốc nắng vào tóc nuôi lãng mạn lớn”. Và lãng mạn lớn là “trí tuệ đứng dậy đi vào đời bằng những bước thong dong vô trú”.

Phải mất quê hương thì mới nắm bắt được vô trú. Cũng gọi là vô trụ (Aniketa trong Phạn ngữ), toàn thể bộ kinh Kim Cang (Vajracchedikā) thâm diệu của đạo Phật nói lên nghĩa lý của hai chữ vô trụ. Lục tổ Huệ Năng khai mở dòng Thiền kỳ vĩ thời Đường bên Trung quốc, đã hoát ngộ khi nghe câu kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ như sinh kỳ tâm”. Vô trụ có nghĩa là mọi hiện tượng không có tự tính nên không có chỗ trụ. Chân lý hay lý tưởng chỉ bao hàm lý sống, khi không nương vào cục bộ. Không biết chỗ nương nên không chỗ trụ. Không có chỗ trụ làm cho tư tưởng không bị trói buộc mà được giải thoát  - thong dong, tự tại. Từ cõi bơ vơ không nơi nương tựa, nhân loại và thế giới hiện ra làm nơi trú ngụ, đưa cảm thức mất quê hương hòa nhập Quê Chung liên hành tinh.

Không gian bong bóng hoàn thành thinh không khi màng bong bóng vỡ. Đây là chỗ ngoại biên và thoát vượt của văn chương Vũ Hoàng Thư.

Từ “Mưa cuối năm nhẹ nhàng gõ bên cửa sổ” đến “Một mình là hư vô, hai mình thành thế giới (…) Một thế giới thơ trinh”, thì họ Vũ đã thoát vượt sự cầm chân khỏi nền văn học minh họa nơi ao nhà. Nhờ thế, Vũ chợt nhận ra hành trình thế giới của “những hạt bụi của hạt cải, trôi về biển chờ hóa kiếp thành những hạt mưa. Không có mưa đá sẽ ù lì thế kỷ, đá sẽ chẳng vỡ ra thành hằng hà sa”. Nhận xét khá tinh tế, vì qua thời gian nước làm núi đá vỡ vụnra cát.

Văn Vũ Hoàng Thư mang nhiều chất thơ, chất suy tư, bước dần vào niệm tưởng. Đa số bài như tản văn thi, “Một tiếng đất trời thu”chẳng hạn. Văn cũng khác lạ, nhờ những khóm chữ chắt lọc đơm theo mạch chuyển động của câu làm nên kiến trúc văn tài. Ta thử đọc :

“Nắng vỡ xuống chòm lá / trải vàng một màu xoài chín lịm./ Chất ngất mật ngọt hạ”.
“Chỉ còn một niệm tình trên vùng lân hư bay về vòng gáy trắng”.
Sương nhỏ giọt / lóng màu trời xám / xuống bìa lá ủ nhàu / một hè đã xa xăm” .
”Nhựa dư như cơn thở hắt / còn đọng nơi đầu cuống” .
”Một cánh sen sững hạ” i. “hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây” .

Chửi bới, hành hình  - một nền văn học sổ đen và chỉ điểm. Văn Vũ như con sông xanh lặng, trong vắt khuất bóng sau sáu mươi bốn năm lâm lụy, như “hoa nở khi con người bước trên hỏa ngục đỏ rần” i. Nhắc tới hỏa ngục, và nhờ từ hỏa ngục ra đi, Vũ Hoàng Thư không tin lắm khi Jean Paul Sartre nói rằng “tha nhân là địa ngục” (l’Enfer c’est les autres) hoặc ngược lại theo cách nghĩ của Bernanos “tha nhân là chư thiên” (le Ciel c’est les autres). Vũ vượt lướt nhị nguyên, nên thấy “địa ngục ở trong lòng cho dù người mở mắt hay nhắm mắt” . Kẻ thống trị và người bị trị đều đồng tình làm nên địa ngục, không phản chống hay phản chống vu vơ. Khiếp quá, địa ngục đã xê dịch vào lòng người. Lòng người Việt trên đất nước Việt ở thời đại vong tính  - Thời Đại Của Những Kẻ Giết Người. Nơi chỉ còn những đám mây trắng là chưa thay đổi,  ”chỉ còn bóng mây quanh quẩn trên mặt ao và cơn mộng của hai người lính già...” . Một người lính phương Bắc, một người lính phương Nam cùng ngậm ngùi... dù xưa thù địch. ”Những ly bia, men chưa lên vội / Rồi cuộc chiến tàn, đổi dời dâu bể / Những con sông tên Gianh, Bến Hải kiếp đời / Chảy trên quê hương và còn âm ỉ trong lòng người”.

Nền văn học hải ngoại sinh từ ”Đạo Nhớ”. Thiếu nỗi nhớ, kẻ chết không còn cơ sống lại trong lòng người, quê hương tuyệt tích. Từ nhớ mà quê hương hiện hữu trong tim hay nơi ngoại cảnh khác, người chết được sống đời qua những thế hệ sau. Nỗi nhớ là sự tái sinh những con sông, rặng núi, mái tranh, làng mạc, tình người... Những ai mất quê hương mới thấy mối liên thủ kỳ diệu của nỗi nhớ. Người Âu Mỹ tự do đi đâu cũng được, nên chẳng quan tâm đến nỗi nhớ, biến nỗi nhớ thành đạo. Chỉ khi ai đó bị cấm về lại cố hương, lúc ấy sự thảng thốt hình thành, họ mới lấy nhớ làm đạo, như con đường về lại vùng cố thổ nơi họ cắt rốn chôn nhau. Thế nên Vũ Hoàng Thư mới viết ”Tôi đã nhớ và tôi về”. Bước về của Vũ là văn và thơ, cho nên về không mang nghĩa quay lại mà hòa nhập với trời cao, đất lạ. ”Nhớ rơi xuống lòng cho trổi dậy quê hương”. Nhờ vậy Lisbon cũng là Saigon ii. Việt Nam là Ithaca của Ulysse iii. Phượng đỏ cũng là Jacaranda tím... . Từ một quê hương cũ choàng ôm Quê Chung nhân loại và đất trời.
Quê hương là gì nếu không phải tính người ?

Từ Quê Chung tìm lại cố hương, như tìm lại điệu hát xưa tưởng chừng đã mất : ”Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca... Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm, đợi chờ trông về phía trời xa... Ôi chiều quê, chiều tha thiết êm đềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên...”.

Bắt Nắng” dựng một trời thơ giữa nguồn thơ, dựng một quê hương giữa lòng người. ”Bắt Nắng” là bao điều tưởng mất, bỗng nhiên còn, nhờ cái thoát vượt của mạch nhớ, suy tưởng và văn tài. Mong mỏi những người như Vũ Hoàng Thư dựng dậy nền văn học hải ngoại như Nỗi Nhớ nguyên trinh của Bản lai diện mục. Nhờ vậy, quê hương mới học nhớ để không mất quê hương trên quê hương.

Paris, xóm Linh Mai 19.10.2009
Thi Vũ


i Những câu viết xiên này trích từ các bài viết của Vũ Hòang Thư trong ”Bắt Nắng”.
ii Fado nỗi nhớ đâm mầm
iii Quê nhà, Biển và Odyssey
iv Tháng bảy và Phượng tím

Liên lạc mua sách :

E-mail : vuhoangthu@yahoo.com

Ấn phí : $15.00 USD bao gồm bưu phí

Chi phiếu xin đề tên : Võ Anh Tuấn

Địa chỉ :

5126 W. 138th Street
Hawthorne, CA 90250

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010