Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

DÌ TƯ HẬN VÀ MẸ

Tâm-Phương-Đăng

Gia-đình tôi đã từ lâu đời, sống tại vùng thôn quê khô cằn sỏi đá, gần sông Bến-Hải. Vào buổi giao thời, tranh tối tranh sáng giữa Pháp - Việt minh - Quốc gia, hầu hết dân chúng sống về nghề nông. Thanh niên nam nữ lo canh tác ruộng vườn, cày cuốc đất đai vun trồng khoai sắn. Đám trẻ con thì cắt cỏ, chăn trâu, bởi không có trường học. Do đó, khi trai gái đến tuổi cập-kê, tuổi từ mười lăm mười bảy là cha mẹ bắt đầu nhìn ngắm, tìm kiếm người đồng trang lứa để dựng vợ gả chồng cho con mình. Chủ đích là nối dõi tông-đường, hơn nữa, có thêm được gia công làm việc.

Cuộc sống dân chúng nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên tình yêu giữa nam nữ, trai gái rất hiếm có trước khi chung sống vợ chồng, rất phù hợp với những gì tổ tiên ông bà đã dạy : “ Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó “.
Điều đặc biệt là dân chúng thôn làng cư xử với nhau như bà con ruột thịt. Gia đình nào có cưới hỏi, tang chế là nguyên cả làng thôn đều biết, họ đến chúc vui chia buồn và lăng xăng giúp đỡ lẫn nhau.

Nhà tôi có cùng chung hàng dậu với nhà mẹ con Dì Tư Hận, nên thường xuyên qua lại như chung một nhà. Hơn nữa, Mẹ và Dì đều là góa phụ nuôi con nên lại càng thân nhau hơn.

Người ta gọi Dì với tên như thế vì Dì Tư chỉ có một người con trai độc nhất tên Hận. Tôi hỏi mẹ tại sao Dì Tư đặt tên con là Hận, mẹ giải thích ngày xưa Dì Tư đẹp nhất thôn làng, tự túc mưu sinh từ tuổi mười lăm khi bố mẹ mất, ai xin cầu hôn Dì đều từ chối, đến khi bộ đội Việt-minh từ Bắc vào đồn trú tại nhà mình để đánh Tây, thời gian chỉ có vài ba năm nhưng Dì Tư yêu say đắm một Sĩ quan bộ-đội đẹp trai.

Khi Hiệp-định Genève ký kết, bộ-đội Việt-minh rút về Bắc. Lúc này Dì Tư mang thai sắp sinh, nhưng Dì cũng hối-hả sửa soạn hành trang đi Bắc. Trước lúc lên đường vài giờ, Dì bị ngất xỉu vì anh bộ-đội cho hay là không thể mang Dì theo ra Bắc được, ngoài Bắc anh đã có vợ và hai con.

Tiếng sét ngang tai làm Dì Tư nằm bệnh liệt giường gần cả tháng trời và sinh non. Khi sinh xong, Dì cố tình tự tử mấy lần nhưng mẹ đã canh chừng và khuyên can. Ngày thôi nôi đầy tháng, nhìn thằng con bụ bẫm dễ thương nhưng trong lòng Dì Tư không thể nào xóa lấp mối hận thù cha nó, nên Dì cho nó mang họ Từ của mình và đặt tên là Hận : Từ Minh Hận.

Dì muốn lót chữ Minh để ám chỉ bọn Việt-minh. Kể từ nay và mãi về sau, Dì sẽ từ biệt Việt-minh và hận Việt-minh thâm xương khắc cốt.

Năm tháng dần trôi, cuộc sống bận rộn với đồng lúa nương khoai, Dì Tư lãng quên chuyện tình buồn và ráng sức nuôi con khôn lớn. Thôn làng từ khi Tây về nước không có trường học, anh cả của tôi có bằng Diplome nên đảm trách việc dạy dỗ chúng tôi và thằng Hận học hành theo chương trình Pháp.

Thằng Hận là đứa bé thông minh, học đâu nhớ đó, lại hiền lành nên chúng tôi xem nó như đứa em út. Lúc thằng Hận nói và đọc được sách tiếng Pháp, thỉnh thoảng Dì nấu nồi cháo gà bưng sang biếu anh cả, gọi là để tạ ơn và chúng tôi được ăn ké. Những lúc rảnh rỗi, Dì thường ngồi tâm sự với Mẹ và nhắc lại chuyện cũ rồi rưng rưng nước mắt nói :
“ Ngày trước nếu không có chị, chắc em đã chết, và thằng Hận bây giờ chắc là đi ăn mày ăn xin hoặc may mắn thì cũng đi ở đợ, chăn trâu. “. Mẹ la mắng :

- Đừng nói bậy, con người sinh ra là đã mang sẵn kiếp số. Sống chết, giàu sang, nghèo hèn đều do trời đất định đoạt. Không ai có thể cãi lại số trời.

Khi tình hình thôn làng hơi bất an, tất cả chúng tôi được Mẹ gởi vào thành phố Huế sống với ông Bác, ngoại trừ chị Đào ở nhà giúp Mẹ. Lúc này Dì Tư thường bịnh hoạn, không làm được công việc nặng nhọc đồng áng nên thằng Hận phải đảm trách việc làm ruộng làm rẫy hoặc đi cày thuê cuốc mướn. Do đó, Dì Tư bắt đầu hối thúc nó lập gia đình mặc dầu chỉ mới bước qua mười sáu và nhờ Mẹ đốc thúc giùm bởi đã nhiều lần nó không chịu.
Mỗi lần gần Mẹ, Dì thường than thở :

- Chị nghĩ coi, ông bà mình thường nói : “ Gái thập tam, Nam thập lục .“ là tuổi lấy vợ lấy chồng, nhưng từ đầu làng đến cuối xóm, tôi chỉ cho nó cô nào nó cũng lắc đầu thì mần răng mà đi hỏi cưới được ?

Mẹ khuyên Dì hãy kiên nhẫn và thường xuyên đề cập chuyện cưới vợ với nó, một lúc nào đó sẽ bằng lòng. Tuy nhiên, hãy cho nó một sự lựa chọn thích cô nào, chứ đừng nên ép buộc.
Thế rồi, một buổi sáng Dì Tư hỏi thằng Hận :

- Nè Hận, đã lớn rồi Con có để ý thích đứa mô trong xóm, trong làng, nói để Mạ lo cho.

Lúc đầu nó không trả lời vì mắc cỡ, đến khi Dì hỏi dồn dập nó mới trả lời :

- Thấy cô Cúc con ông Bị đầu xóm cũng hơi được được.

Thế là tối hôm đó, Dì Tư bưng cái khay nhỏ, che phủ miếng khăn đỏ, trên khay có xị rượu đế và năm miếng cau trầu têm sẵn, đi cùng Mẹ đến nhà ông Bị xin hỏi cưới.

Ông bà Bị ngạc nhiên đến độ chưng hửng. Tuy nhiên, cũng mời Dì Tư và Mẹ ngồi uống nước, nói chuyện bán buôn với bà Bị, còn ông xuống nhà dưới nói chuyện với cô Cúc.
Hơn nửa giờ sau, ông Bị vẫn chưa lên, bà Bị nôn nóng hỏi Dì Tư :

- Rứa chị có nghe thằng Hận nói, có quen biết và nói chuyện với con Cúc của tui chưa ?.

Dì Tư thành thật trả lời :

- Nó chỉ nói nó thích con Cúc, chứ tui có hỏi nó chi mô.

Đúng lúc ông Bị trở ra với nét mặt không được vui, vừa ngồi xuống ghế ông vừa nói dong dài :

- Tui thành thật xin lỗi hai chị, tui chỉ có hai đứa con, con Cúc và thằng Tửu, con Cúc nay đã đến tuổi lấy chồng và tui cũng rất muốn thằng Hận là rễ. Dầu sao, so với đám trai làng bây giờ, toàn là mù chữ. Thằng Hận biết chữ nghĩa hơn xa tụi kia. Tui giải thích cho con Cúc khô cổ họng mà nó vẫn không chịu nghe. Thôi hai Chị cứ về, dần dần tui sẽ khuyên nó.

Về đến nhà thấy Hận ngồi trên chiếc giường tre,hai chân duỗi dài xuống đất, mắt mở to nhìn Dì trong sự nôn nóng đợi chờ.
Vừa bước vào nhà, Dì nói ngay :

- Không xong rồi,nó chê nhà mình nghèo quá.

Hận đứng bật dậy như cái lò-xo và gằn giọng :

- Đách cần, sau này nó chịu, con cũng không thèm lấy đâu.

Dì vội chữa lại :

- Mạ nói đùa đó, nó chỉ nói chưa muốn lấy chồng chứ không nói lý do.

Hận hằn học một lần nữa :

- Khỏi cần lý-do. Rồi nó lặng lẽ đi ngủ.

Hôm sau, trời vừa tảng sáng, nó lại vác cuốc đi làm thuê làm mướn như không có gì xảy ra.
Không biết có phải vì sự từ chối gả con của ông bà Bị làm Dì Tư mặc cảm gia đình nghèo khó, để rồi từ đó sự buồn bực làm bịnh tình của Dì ngày càng nặng thêm ? Hay là Dì cảm thấy bịnh càng ngày càng nặng mà thằng Hận vẫn chưa nghĩ đến chuyện lấy vợ nên Dì lo lắng ? Những tháng năm kế tiếp, Dì lâm trọng bệnh nằm liệt giường. Một mình thằng Hận vừa lo việc đồng áng, nấu nướng bếp núc, vừa chăm sóc Dì. Hoàn cảnh thật thảm thương.

Một chiều mùa đông, mưa gió bão bùng làm hất tung mái tranh nhà Dì Tư, thằng Hận ẵm Dì chạy trong mưa sang nhà tôi và khóc sướt mướt, van xin Mẹ cho tá túc. Thế là Mẹ bắt buộc phải gồng gánh thêm hai người nữa vào gia-đình. Tối hôm đó, Dì lên cơn cảm sốt nặng, biết mình chắc không qua khỏi đêm nay, bèn gọi Mẹ và thằng Hận đến bên giường trăng trối, gửi gắm nó nhờ Mẹ nuôi giùm và căn dặn nếu sau này bộ đội Bắc-việt trở vào thì nhất quyết không cho thằng Hận gặp bố và bắt buộc nó từ nay phải gọi mẹ tôi bằng mẹ, coi như mẹ ruột mình.

Mẹ càng cố gắng phân trần giải thích tình nghĩa bố con thì Dì càng giận run lên, rồi máu tràn ra đầy miệng, Dì tức tưởi trút hơi thở cuối đời ngay trong đêm ….

Kể từ đây, Mẹ có thêm một người con và có bổn phận tìm cưới vợ cho thằng Hận. Có lẽ niềm đau trong lòng mất mẹ mất cha chưa nguôi nên nó cứ lấy lý do này lý do nọ để trì hoãn. Nhưng lý do chính là vì tất cả tụi tôi đã ở thành phố Huế mưu sinh ăn học, ở nhà chỉ có Mẹ và chị Đào nên thằng Hận phải giúp Mẹ làm ruộng. Chứ nếu lấy vợ thì ai giúp Mẹ đây ?
Thế nhưng Mẹ không quên bổn phận Dì Tư gửi gắm nên một hôm Mẹ hỏi thằng Hận :

- Nè Hận, từ khi cô Cúc không chịu, tới chừ đã gần hai năm, con có để ý thêm đứa mô nữa không ?.

Nó ngượng ngập trả lời :

- Dạ... có.., cô Nữ con Bác Hai trên thôn Chùa.

Mẹ ngạc nhiên, hỏi dồn dập :

- Quen đã lâu chưa ?. Coi bộ có khá hơn cô Cúc không ?. Răng không cho Mạ biết ?

Thằng Hận tuần tự trả lời :

- Mới tuần trước thấy cô ta đi Chùa. Nó đẹp hơn cô Cúc nhiều lắm.

Mẹ hỏi xen vào :

- Lần này con có tới hỏi chuyện,làm quen không ?
- Không.

Mẹ mở to đôi mắt tròn xoe và nói :

- Rứa thì cũng giống cô Cúc, mần răng mà biết nó thích con hay không để đi hỏi cưới ?

Thằng Hận hơi đỏ mặt im lặng bỏ đi, không nói thêm điều gì.
Bắt đầu từ đó, Mẹ suy nghĩ thật nhiều. Mẹ không nhớ đã quen bác Hai hoặc đã nói chuyện lần nào chưa ?.
Buổi tối Mẹ thắp nhang khấn vái vong linh Dì Tư phò hộ để chuyện hỏi cưới lần này có kết quả tốt đẹp cho thằng Hận.

Thế là năm lần bảy lượt, bắn tiếng qua, bắn tiếng lại mà chỉ nhận được câu trả lời của Bác Hai :

- Cả tui và con Nữ, đâu có biết thằng Hận ra răng mô ?

Sau cùng Mẹ phải nhờ bà Mai đầu xóm, uốn thêm cái lưỡi mấy trăm lần để ca tụng :
“ Nó là người to cao, trắng trẻo, đẹp trai, có vốn liếng chữ nghĩa, nói và đọc được tiếng Tây lại rất hiền hậu, v.v.......”.

Một tuần sau, bà Mai thông báo Mẹ, bác Hai bằng lòng cho nó đến cuốc mấy sào đất trước sân nhà.
Mẹ rất vui mừng nói :

- Rứa là được năm chục phần trăm rồi đó.

Đây là hình thức cho phép thằng Hận tới để xem giò xem cẳng. Hận cũng biết thế nên buổi sáng hôm đó, dậy thật sớm, ra sân làm vài đông tác uốn-éo thể thao thể dục, lấy cục đá mài lại lưỡi cuốc cho thật bén vì biết rằng hôm nay phải cuốc đến mấy sào đất. Xong trở vào múc lon nước, ra ngoài sân rửa mặt đánh răng. Rồi lại trở vào thức chị Đào dậy để mượn cái kiếng soi mặt, cắt xén lại bộ râu, tỉa chòm lông mũi mọc thò ra ngoài, vô trật tự.

Nhìn chị Đào đã ngủ lại ngon giấc, nó lén lấy chai dầu thơm đổ lên đầu ngón tay rồi bôi lên hai bên má. Xong xuôi đâu đấy, nó lục lọi trong thùng áo quần, tìm được cái quần đùi và cái áo ngắn tay chưa có miếng-vá nào, mặc vào rồi sửa soạn vác cuốc ra đi, không quên lấy theo hai củ khoai Mẹ nấu tối qua, vừa đi vừa ăn cho đỡ đói.

Từ nhà lên thôn Chùa khoảng nửa giờ đi bộ, nó vừa đi vừa suy nghĩ, hôm nay là ngày quyết định, Bác Hai bằng lòng gả con hay từ chối. Nếu từ chối thì Bác sẽ nói :

- Thôi con, cuốc chừng đó được rồi, con hãy về đi, ngày mai Bác sẽ nói chuyện với Mạ con và trả công cuốc đất cho con.

Nghĩ đến đó thằng Hận nổi sùng, máu nóng rần rần chạy dồn lên làm đỏ mặt. Nó nói thầm trong bụng :
Bả mà nói như rứa, mình sẽ đi vào nhà, lấy cái cuốc phang một phát bể lu đựng nước, trước khi ra về. Vái trời cho chuyện đó không xảy ra.

Đến thôn Chùa rồi mà trời vẫn chưa sáng tỏ, nó hỏi thằng nhỏ chăn trâu nhà Bác Hai ở đâu ?. Thằng chăn trâu chỉ căn nhà thứ ba, có cái vườn trước, rộng gấp đôi mấy nhà cùng xóm.

Thằng Hận vào vườn, bỏ cái cuốc trên vai xuống, nhìn căn nhà nằm tuốt bên trong, sao mà im-lìm quá. Chắc Mẹ con Bác Hai chưa dậy.

Nó liếc nhanh đám đất rồi nhủ thầm, đám đất này nếu cuốc ăn công thì ít nhất cũng phải hơn một ngày. Bây giờ coi như cuốc đất làm rể thì cuốc được chừng nào hay chừng nấy. Rồi bắt đầu cuốc...

Đến khi mặt trời lên khỏi ngọn tre đầu làng, Bác Hai tay cầm nón lá, áo quần gọn gàng trong nhà bước ra.
Lúc Bác Hai gần đến, Hận bỏ cuốc xuống đất, khoanh tay cúi đầu chào :

- Dạ thưa Bác.

Bác Hai mở lời :

- Chà, con đến cuốc đất sớm quá hỉ ?
- Dạ, bình thường giờ này con đã làm.
- Mạ con khỏe không ?
- Dạ khỏe.
- Hôm nay Bác có chút việc phải đi, Bác đã dặn con Nữ sửa soạn cơm nước. Lát nữa con cứ vào ăn tự nhiên.

Nói xong Bác đi ngay. Hận dạ dạ rồi cầm cây cuốc lên cuốc tiếp, trong bụng nghĩ thầm :
Bác hai trông vậy mà có tư tưởng tiến bộ, chắc Bác cố tình đi khỏi nhà để mình có cơ hội nói chuyện làm quen. Hơn nữa, trông Bác cũng hiền và dễ chịu, chắc không có gì trục trặc. Hy vọng lát nữa cô ta sẽ ra gọi mình vào.

Hận tiếp tục cuốc cho đến khi mặt trời gần đứng bóng, mới thấy cô Nữ bưng ly nước đi ra. Hận làm bộ cuốc hăng say, nhưng để ý từng cử chỉ của cô.
Khi đến gần, cô nói lí-nhí trong cổ họng :

- Mời vào ăn cơm.

Hận ngừng cuốc, nhìn cô rồi hỏi đùa :

- Mời ai ?.

Cô Nữ bật cười, trả lời :

- Ở đây có ai nữa mà hỏi.

Thì ra, phút ban đầu gặp nhau rất cởi mở. Cả hai không thấy ngượng ngùng chút nào.
Vào tới trong nhà, Hận múc gáo nước ra ngoài rửa mặt, cô Nữ bới cơm, múc canh. Trên bàn chỉ có một chén cơm, một đôi đũa, Hận hỏi :

- Bộ không ăn trưa hả ?. cô Nữ trả lời :
- Hồi sáng ngủ dậy trễ, đã ăn sáng, chừ còn no.

Hận kéo ghế ngồi xuống, ăn một mình. Lâu lắm rồi mới ăn được bữa cơm có canh, có cá ngon quá chừng. Ngon đến độ nồi cơm đã hết hơn một nửa mà bụng vẫn còn chưa no.

Nãy giờ nó muốn mở lời nói chuyện, mà nghĩ mãi không ra chuyện gì để nói nên cứ tiếp tục ăn. Cô Nữ thỉnh thoảng lại châm thêm chút nước mắm, múc thêm vá canh, rồi qua ngồi ghế bên cạnh bếp.

Chắc trong lòng cũng hơi bực bội và trách móc. Người gì mà lần đầu đến nhà con gái, lại câm như hến. Chỉ biết hùng hục ăn, đúng là Nam thực như Hổ.
Cô chờ Hận hỏi điều gì để trả lời, nhưng chờ mãi mà nó chỉ biết ăn. Sau cùng Cô lên tiếng :

- Ở thôn Tư gần Chùa, chắc là đi Chùa hoài hả ?

Hận ngừng ăn trả lời :

- Đâu có. Năm khi mười họa mới đi.Vì đi làm về mệt, tối lo ngủ để mai làm tiếp, thì giờ đâu mà nghỉ đến Chùa, đến Phật ?
- Rứa thì răng mà thấy tui ?.
- Ờ, hôm đó rảnh, tình cờ ghé Chùa thì gặp, chắc là Duyên Tiền Định.

Cô Nữ trợn tròn đôi mắt hỏi :

- Đã biết có duyên chưa mà dám nói là Tiền định ?

Hận ngửa mặt lên mái nhà cười hì hì...

Nói chuyện với nhau chỉ có chừng đó, và nồi cơm cũng sạch trơn, không còn một hột dính nồi. Hận đứng dậy vươn vai, định đi ra vườn cuốc đất tiếp, cô Nữ quay lại bảo :

- Mới ăn cơm xong phải nghỉ một lúc, ra làm liền sẽ đau bao tử đó.

Hận thực sự cảm động, lần đầu tiên được nghe câu nói có vẻ lo lắng, săn sóc, bởi vì xưa nay đi làm thuê làm mướn, gia chủ canh chừng ăn vừa xong, là hối thúc trở lại làm việc ngay. Hận nghĩ thầm :
Chắc là nó có ý thích mình rồi. Nếu không thích thì nó im lặng, để mình ra cuốc, rồi đau bao tử mà chết, chứ nhắc nhở làm chi cho mệt.

Hận nghe theo lời Cô, ở lại trong nhà, cầm cái chổi quơ màng nhện trên mái tranh, lau chùi cánh cửa sổ, hốt cụm rác trong xó bếp đem đổ sau vườn.

Mỗi cử chỉ nó làm, Nữ đều theo dõi. Cô nghĩ thầm, những điều Bà Mai nói quả không sai. Nhất là thật thà, hiền hậu, và có vẻ vui tính. Hận làm hết việc, tiện đà cầm chổi quét nhà luôn.
Nữ đang rửa chén bát nói vọng ra :

- Thôi, để đó. Đàn ông không nên quét nhà.

Hận cứ tiếp tục quét và nói :

- Từ nhỏ tới chừ, tui đã quen quét nhà, chứ nếu không thì ai quét ?

Lời nói này làm Nữ cảm động thêm.
Quét xong nhà, Hận vội vàng ra tiếp tục cuốc đất. Cô Nữ thì nấu nồi cơm khác để ăn và vui cười trong bụng. Cũng như Hận, trở lại cuốc đất mà trong lòng hớn hở và vui vẻ hơn bao giờ hết.

Khi tâm hồn vui vẻ, thể xác hăng say, Hận cuốc một lèo không ngừng nghỉ, nên lúc mặt trời bắt đầu lặn, nó cuốc xong mấy sào đất.
Bác Hai vừa về tới, hỏi Hận :

- Bộ con cuốc không ngừng nghỉ, không ăn trưa hay sao mà xong lẹ vậy ? Năm ngoái mướn ông kia cuốc tới hai ngày mới xong.

Hận chỉ cười cười và nói thầm trong bụng : Chuyến này hai mẹ con bà đã phục lăn tôi chưa ?
Tối hôm đó khi về tới nhà, Mẹ ra đón đầu ngõ và hỏi ngay :

- Răng con ? Bác cho con cuốc đến chiều hả ?. Mạ sợ con cuốc được nửa buổi rồi Bác đuổi con về. Con thấy lần này có chắc ăn không con ?

Hận trả lời với vẻ tự đắc :

- Chắc như cua gạch.

Mẹ hỏi tiếp :

- Lý do chi mà con nói như rứa ?.

Hận kể trước khi ra về, bác Hai nói ngày mai mời Mạ lên chơi. Còn nó thì dặn con :

- Sớm mai em đi chợ Mỹ-chánh mua lá chè xanh về bán, khoảng ba giờ chiều là đến làng Trạch-phổ, anh đón em ở đó và gánh về giùm em. Mẹ nghĩ coi, suốt cả ngày nói chuyện, không bao giờ xưng hô anh em. Khi từ giã thì xưng anh em ngọt lịm. Như rứa là chắc như cua gạch rồi còn gì, phải không ?.

Biết là Hận vui mừng, nhưng mẹ còn mừng gấp mấy lần nó nữa.
Ngày tháng dần trôi, ngày nào Hận cũng đi tiếp sức, gánh chè về chợ Ưu-điềm giúp cô Nữ. Vừa đi vừa nói chuyện nên không thấy đường dài và tình yêu cũng từ đó mà bồi đắp thêm, cho đến ngày hai người quyết định làm đám cưới.

Có lẽ lần cưới này Mẹ vui lòng và thỏa mãn hơn cả. Mẹ đã làm tròn bổn phận đối với Dì Tư và Hận có được người vợ mà nó yêu thương quí mến.

Niên học vừa chấm dứt, bắt đầu nghỉ hè là tôi mua vé xe đò về làng thăm mẹ và dự đám cưới Hận. Khi xe chạy qua khỏi Mỹ chánh thì trời đã xế chiều, gió mát thoang thoảng thơm mùi của hương đồng cỏ nội. Mùa lúa đang gặt nên nhìn ra cánh đồng rất tấp nập người.

Dọc theo con đường cái, xe đò đang chạy, có hàng chục người đàn ông đàn bà đang nhanh chân gánh lúa về làng.
Tôi nhìn kỹ từng người, không thấy Hận. Có lẽ nó đang lom khom gặt lúa cùng với đám người ở tít mù xa, hay hôm nay ở nhà để giúp Mẹ quét dọn và trang hoàng nhà cửa vì sắp tới ngày đám cưới.

Nhìn quang cảnh mùa gặt lúa lúc ánh nắng chiều vàng, trên cánh đồng bát ngát mênh mông, lòng tôi rộn lên niềm vui khó tả. Một bức tranh thiên nhiên quá tuyệt vời. Thỉnh thoảng có thêm từng đàn cò trắng, thứ tự bay về dãy núi mờ xa, tô thắm thêm màu sắc cho nền trời hồng tím, như những nét chấm phá trên bức tranh muôn màu của Họa sĩ tài ba. Vang vọng đâu đó, câu hát tiếng hò xay lúa giã gạo của trai gái trong làng, tạo nên âm thanh vui tươi buổi hoàng hôn nơi thôn dã.

Tôi say mê thả hồn về tuổi thơ tôi sống và lớn lên ở đây, xứ dân gầy và nghèo đói muôn thuở. Bây giờ trong hoàn cảnh túng thiếu nhưng Mẹ vẫn cố gắng lo đầy đủ lễ nghi cho việc đám cưới này mặc dầu Hận là con nuôi, nhưng Mẹ ráng chứng tỏ cho mọi người trong thôn làng biết Mẹ thương nó cũng như con ruột của mình.

Điều vẫn còn làm Mẹ bứt rứt và suy nghĩ mãi là không biết sau này nếu Bố ruột nó trở lại, nó có chịu nhìn Bố hay không ?. Bởi vì có lần Mẹ đề cập nhưng Hận nổi cơn bực tức và hằn học : “ Chính ông ta là người đã giết chết Mạ con, thì làm sao con có thể gọi bằng Bố được ? “. Mẹ đành im lặng, không dám bàn đến nữa.

Trời sẩm tối, chị Đào quang gánh trở về, mừng rỡ hỏi tôi vài câu rồi vội vã vào bếp nhóm củi nấu cơm. Hận với dáng đi mệt mỏi, cái đòn xóc nằm hờ hững trên vai, cái liềm máng lên khuỷu tay trái, đến gần tôi nó hỏi nhỏ :

- Nghe Mạ nói anh mua nhẫn cưới tặng em hả ?.

Tôi nở nụ cười thương hại trả lời :

- Có rồi.

Buổi tối khi ngồi lên bộ phản gỗ ăn cơm với cây đèn dầu leo lét, tôi lấy hộp nhẫn cưới trao cho Mẹ.
Chị Đào nhanh tay giựt lấy mở ra xem rồi nói :

- Răng Nhẫn-cưới chi mà nhỏ tí tẹo rứa ?

Mẹ trừng mắt nhìn chị bảo :

- Đừng nói bậy, như rứa mới cân xứng với đôi Bông-tai Mạ mua.

Tôi mỉm cười giải thích :

- Học bổng chỉ có bốn trăm, nhưng em phải chừa năm chục đi xe đò nên cặp nhẫn chỉ còn ba trăm rưởi. Tuy nhiên, bà chủ tiệm vàng thông cảm và thương tình nên bán vốn cho cặp nhẫn này lớn hơn.

Hận xen vào :

- Thôi, lớn nhỏ chi cũng được, miễn sao đầy đủ lễ nghi là được rồi.

Mẹ lấy hộp nhẫn cất vào túi áo

Thấm thoắt rồi cũng tới ngày đám cưới của Hận. Vì mùa gặt đang dở dang nên bạn bè chẳng có ai tham dự. Bà con hai họ đếm đầu ngón tay khoảng trên hai chục người. Ngay cả các anh tôi cũng không về tham dự được.

Buổi sáng Hận dậy thật sớm, đi lên nhà Bác Hai sửa soạn bàn thờ, vì nhà Bác chỉ có hai Mẹ Con, nhà không có đàn ông nên những việc nặng nhọc như khiêng bàn khiêng ghế, Hận phải làm. Đến gần tảng sáng mới trở về sắp xếp bên này, mặc dầu đã có chị Đào và Tôi giúp Mẹ, giúp nó.

Xong xuôi đâu đó, cũng đã hơn mười giờ, Mẹ hối thúc Hận thay áo quần vì mấy Cô mấy Dì ở cạnh nhà đã sang đến.Sửa soạn đi xin rước dâu đúng Giờ Ngọ.

Sáng nay Mẹ đã dọn hết đồ đoàn ra khỏi phòng, nhường phòng Mẹ cho vợ chồng Hận, vì nhà chỉ có một căn phòng độc nhất. Hận đến đầu giường lấy cái Áo dài The màu đen và cái quần trắng xếp thẳng nếp ép dưới gối từ tối hôm qua. Tôi nhìn bộ quần áo và hỏi :

- Áo quần mới may sao trông củ quá vậy ?

Nó cười nhìn tôi và trả lời :

- Tiền đâu mà may, Áo dài và Khăn đóng này Mẹ mượn của Cụ Dưng từ mấy ngày trước.

Nói xong nó xách đôi dép râu Bình-Trị-Thiên ra ngoài rữa bụi cho sạch, ( Người ta gọi dép BTT là bởi trước năm 1954 Bộ đội Việt minh lấy vỏ bánh xe củ cắt thành đôi dép, xỏ những sợi cao su chéo qua chéo lại dùng thay thế đôi giày hành quân qua các tỉnh Quảng-bình,Quảng-trị,Thừa-thiên).

Hận tánh tình rất bình dị, chất phác, không thích cầu-kỳ nên dễ hòa đồng với những thiếu thốn khó khăn.
Khi Cô Tám hướng dẫn phái đoàn gồm năm người đàn bà và Hận với năm khay cau trầu rượu bông nhẫn ra đi xin rước dâu. Hơn nửa giờ sau, Mẹ bảo tôi ra đầu xóm, đứng ở đền Âm Hồn canh chừng khi nào đoàn rước dâu gần đến, về báo cho Mẹ hay.

Hôm nay trời vẫn nắng chói chang như mọi ngày, đền Âm Hồn chỉ có một bóng cây độc nhất, tôi ngồi dưới gốc và nhìn về phía thôn Chùa trông chừng.

Mặt trời đang ở đỉnh đầu, ánh nắng trưa hè trên cánh đồng trơ trọi thật là oi bức. Tôi đứng dậy vươn vai, lấy tay che vầng trán cho bớt chói nắng, nhìn về phía thôn Chùa, thấy đoàn rước Dâu đang đi băng qua ruộng lúa. Khi gần đến, trông hơi rõ nét, tôi đếm được mười sáu người. Hầu hết mặc áo quần màu đen hoặc màu đà, chỉ mình cô Dâu mặc áo trắng và đặc biệt là ai cũng đội nón lá và xách đôi dép trên tay để dễ dàng lội băng qua những ruộng lúa vừa mới gặt.

Đoàn người lố nhố giữa cánh đồng của buổi trưa nắng hè gay gắt, trông thật buồn thảm. Tôi tự hỏi tại sao không giống đám cưới làng quê mà tôi đã đọc qua sách vở ?. Nào là Cau lồng Rượu ché, lọng xanh lọng đỏ với lợn quay.

Mãi suy nghĩ mà quên đoàn rước dâu chỉ cách tôi vài trăm thước. Tôi chạy nhanh về nhà, báo cho Mẹ. Mẹ trách tại sao thông báo quá trễ, vì Mẹ phải nhờ người khiêng con heo ra trước bàn thờ và đi thay quần áo tiếp đón quan khách.
Tôi chợt hỏi :

- Nè Mạ, đáng lẽ ra con heo phải mang theo cùng lễ vật đến nhà rước dâu mới phải chứ ?

Mẹ trả lời :

- Ừ, Mạ biết như rứa, nhưng có người đâu mà khiêng heo đi ?. Hơn nữa, đãi khách tại nhà mình mà.

Thì ra, phong tục lễ lượt tùy theo mỗi địa phương mỗi hoàn cảnh mà áp dụng. Cho nên mỗi tác giả viết sách về phong tục tập quán mỗi vùng trên đất nước Việt Nam đều khác nhau. Điều này không có gì ngạc nhiên.

Buổi chiều khách khứa đã ra về, Mẹ gọi vợ chồng Hận cùng Mẹ ngồi tính toán quà cáp khách trao tặng, tất cả quà là những phong bì tiền, Mẹ trao hết cho vợ chồng nó và căn dặn :

- Các con nên dùng số tiền này để buôn bán và sửa sang lại căn nhà ở, đồng thời mua một con trâu để cày ruộng thuê thì cuộc sống sẽ khá hơn, nếu các con muốn ở lại quê nhà. Nhưng với tình hình đất nước thôn làng hiện nay, Mạ cảm thấy như có nhiều bất trắc sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Mấy bữa nay Mạ nghe phong phanh bộ đội miền Bắc sẽ trở lại quê ta. Nếu thật sự như vậy thì hai con nên vào Huế sinh sống, chứ Mạ chắc chắn không đi đâu cả.
Cả hai vợ chồng cảm động, rưng rưng nước mắt nói :

- Mạ đã lo cho tụi con quá chu đáo, ơn này chúng con không bao giờ quên, làm sao xa mạ được, trong khi chị Đào sắp sửa lấy chồng.

*
* *

Ròng rã hơn năm năm sau, đúng như ý nghĩ lo lắng của mẹ lúc đám cưới vợ chồng Hận, thôn làng lúc này có quá nhiều thay đổi. Ban ngày quân đội quốc-gia về huy động dân chúng rào làng chiến đấu, đêm đến thì bộ-đội Việt-cộng bắt dân tháo gỡ để họ vào làng thâu thuế. Dân chúng sống giữa hai gọng kềm nên mệt mỏi chán nản không tha thiết việc trồng lúa trồng khoai. Hậu quả dân chúng nghèo đói vẫn mãi đói nghèo.

Tất cả anh em chúng tôi đã lâu lắm không về thăm mẹ được, cứ vài tháng nếu có ai vào Đà- nẵng là mẹ nhắn theo : “ Các con không được về quê thăm mẹ “.

Lời nhắn theo ngày tháng chồng chất, từ khi còn trung học đệ nhất cấp ở Huế, trung học đệ nhị cấp ở Đà-nẵng rồi đại học ở Sài-gòn mà mẹ vẫn cứ nhắn các con đừng về thì biết bao giờ mới gặp lại mẹ ?.

Mẹ một mình làm đám cưới cho chị Đào và chị đã rời xa mẹ theo chồng ra sinh sống ở Diên-trường Quảng-trị. Những người đưa tin cũng cho biết lúc này thằng Hận làm Trung đội-trưởng Địa-phương quân và vợ nó làm Tiểu đội-trưởng Nhân dân tự-vệ, cho nên hằng ngày khi chiều sắp tối, lúc quân đội quốc gia rút đi và bộ-đội miền Bắc bắt đầu vào làng là hai vợ chồng đèo nhau trên xe đạp lên đồn Mỹ-chánh ngủ qua đêm, sáng hôm sau theo quân đội quốc-gia về làng. Cuộc sống cứ kéo dài trong nỗi lo âu sợ hãi nên cả hai vợ chồng quyết định chưa muốn sinh con.

Mãi tới lúc Việt cộng xua quân ào ạt quyết đánh chiếm và kiểm soát hoàn toàn vùng quê tôi cả ngày lẩn đêm. Họ quyết chiếm quê tôi làm vùng trái-độn để quân chính-qui Bắc-việt vượt sông Bến-hải vào Nam. Đây là thời điểm những trận đánh lớn bắt đầu.

Mẹ kể rằng như thường lệ mỗi buổi sáng vợ chồng Hận điểm danh lính tráng của mình xong là đi đào thêm hố cá nhân dọc theo hàng rào ấp-chiến-lược, có khi phối hợp với quân đội quốc gia tập trận, nhảy lên nhảy xuống các mương rãnh giao thông hào.

Rồi một hôm khoảng chừng mười hai giờ trưa, thấy máy bay tuần thám bay lượn nhiều vòng trên thôn làng kế cận, rồi thả liên tục mấy trái đạn khói. Tiếp theo là những phản lực cơ đến giội bom gần cả tiếng đồng hồ. Trận chiến thực sự xảy ra.

Đạn bom thi nhau nổ long trời lở đất, nào đại-bác, nào súng phòng không, súng lớn súng nhỏ nổ vang rền như pháo tết cùng với tiếng phi cơ gào thét rền trời. Dân chúng bò xuống hầm trú ẩn, lính tráng núp bắn trong hầm hố cá nhân. Mẹ nằm dưới hầm sâu mà vẫn nghe đạn bay bom nổ chát chúa rầm trời điếc cả hai tai. Khói lửa tro than nhà dân bốc cháy cao ngút trời do phi cơ giội bom và hầu hết là đạn pháo kích Việt cộng rót vào làng quyết cày nát trước khi tiến quân vào.

Trận chiến kéo dài đến hơn chín giờ tối thì bộ đội Việt cộng với chiến-thuật biển người tràn ngập thôn làng. Lúc này tiếng súng nổ thưa dần và không còn nghe tiếng máy bay oanh tạc vì trời đã tối Màn đêm phủ xuống trong im vắng rợn người. Nhìn ánh sáng chập chờn của những căn nhà còn bốc cháy, dân chúng bò ra khỏi hầm đi tìm xác thân nhân. Lúc này nghe toàn là tiếng rên la than khóc... cha chết... mẹ chết con chết... và cũng nghe những giọng nói Bắc kỳ hoặc giọng Quảng bình Quảng trị gọi nhau điểm danh cùng với những tia đèn pin quét qua quét lại.

Mẹ bò ra đứng ở miệng hầm trú ẩn cố nhướng to đôi mắt trong đêm tối xem có bóng dáng ai quen đi qua, nhất là vợ chồng thằng Hận. Mẹ cầu mong tụi nó hoặc thoát thân hoặc bị bắt chứ đừng chết. Thấy ai nấy ra khỏi hầm trú ẩn, Mẹ cũng vội vã đi lần ra phía hàng rào ấp chiến lược đầu làng để tìm kiếm vợ chồng Hận nhưng bộ đội chận lại không cho đi.

Qua khỏi nửa đêm, nghe tiếng loa kêu gọi dân chúng phải đến tập họp ở Đình làng để nghe chỉ thị của bộ-đội giải-phóng. Ra tới Đình làng chỉ thấy toàn là ông già bà cả và con nít, ai cũng rên rỉ khóc than vì nhà nào cũng có người chết, người bị thương.
Anh sĩ quan bộ đội tuyên bố :

- Thôn làng kể từ nay đã được giải phóng hoàn toàn, tất cả nhân dân bắt đầu ngày mai phải đào thêm hầm trú ẩn thật kiên cố, vì chắc chắn máy bay Mỹ-ngụy sẽ đến giội bom hằng ngày và cũng từ nay mỗi đêm từ 08 giờ tối, mọi người phải tụ họp nơi đây để học tập đường lối mới của quân đội giải phóng.

Ngày hôm sau lúc trời lờ mờ sáng, Mẹ xin phép anh bộ đội ra đầu làng tìm xác con.
Tự nhiên anh ta nói :

- Tôi biết Cụ bà ngày xưa là Mẹ chiến sĩ, đã từng nuôi bộ độ đánh giặc Tây.

Mẹ mừng rỡ ngắt lời :

- Rứa thì xưa kia cậu cũng đã từng đến làng này ?
- Không có, Cháu biết được do thằng bạn nói hồi hôm khi nhìn thấy Cụ bà ngoài đình làng. Chính anh ấy đã vào đây lúc trước.

Mẹ hơi thất vọng, nhưng cũng hy vọng lát nữa sẽ còn hỏi thêm những chuyện khác. Sau đó anh bộ đội cho hay đừng đi tìm vô ích, bởi khuya hôm qua bộ đội đã bắt bọn tù binh Ngụy đào hố chôn tập thể người chết và người bị thương nặng rồi.
Mẹ nghe mà rởn tóc gáy, rồi hỏi :

- Răng tàn ác quá rứa ?, bị thương còn sống mà đem chôn ?
- Lệnh cấp trên, thưa cụ.
- Rứa thì tù binh Ngụy chừ ở mô ?
- Họ dẫn đi từ đêm qua.

Mẹ không còn hy vọng vợ chồng Hận sẽ ở gần mẹ từ nay, nhưng lòng thắc mắc giờ này tụi nó ở đâu ? Còn sống hay đã chết ?. Càng nghĩ mẹ càng bồn chồn lo lắng. Có thể họ dẫn lên đồi cát thôn Niêm hay một nơi nào đó, bắt đào hầm xong bắn giết tất cả rồi lấp chôn không chừng? Bởi vì đối với bộ đội Việt cộng đánh giặc trong Nam thì không có chế độ tù binh.

Nghĩ đến đây nước mắt Mẹ tuôn trào và nghẹn ngào khóc lên thành tiếng. Anh bộ đội thấy thế liền bỏ đi.

Mẹ sực nhớ vợ chồng thằng Tuất và Lành, Tuất cũng lính Địa phương quân và Lành là Nhân dân tự vệ giống vợ chống thằng Hận. Mẹ hối hả chạy sang, căn nhà đã cháy thiêu rụi nhưng may là hầm trú ẩn ở tuốt sau vườn, cách xa nhà. Mẹ vừa chạy đến hầm vừa kêu : Lành ơi,...Lành...Không nghe tiếng trả lời, Mẹ nghĩ chắc cũng cùng số phận với vợ chồng thằng Hận rồi à.

Nhưng khi đến gần nhìn xuống miệng hầm bỗng thấy Lành nằm thoi thóp thở, áo quần dính bết máu me. Mắt nhắm nhưng miệng thều thào kêu lên : khát...nước...xin cho uống... nước...Mẹ nghe được liền chạy đến lu nước múc một gáo đem đến. Khi uống được vài hớp nước, Lành từ từ mở mắt và nói : Con...đói...quá... Một lần nữa Mẹ chạy về hầm trú ẩn múc chén cháo nguội còn lại tối qua, đem đút cho Lành ăn.
Mẹ kiểm soát vết thương chân phải, không gãy xương, mẹ mừng nói :

- Vết thương tuy nhẹ nhưng vì máu ra nhiều và không được băng bó thuốc men nên ngất xỉu. Cứ nằm yên đây, ta đi lấy thuốc.

Sau vài giờ chăm sóc, Lành hồi phục thấy rõ, Mẹ dìu về Hầm trú ẩn của mình rồi cả hai ôm nhau khóc. Có lẽ Mẹ khóc vì thấy Lành là quả phụ quá trẻ, chỉ mới mười lăm và vừa lập gia đình chưa tròn một tháng.

Nãy giờ Mẹ chưa có cơ hội hỏi chuyện xảy ra hôm qua. Bởi vì Tuất, Lành thuộc quyền chỉ huy của Hận, Nữ và sát cánh chiến đấu trong các hố cá nhân bên nhau. Lành vừa khóc vừa kể rằng chị Nữ bị thương ở bả vai khi đợt tấn công thứ nhất của Việt cộng, anh Hận nhảy ra khỏi hố cá nhân đến bồng chị Nữ cố chạy đến giao thông hào nhưng không kịp, một trái B-41 trúng anh Hận nổ tung, làm banh xác cả hai vợ chồng, làm bị thương nặng anh Tuất, chồng con, ở gần đó. Con định đến kéo anh Tuất lùi về phía sau để băng bó, nhưng khi vừa lên khỏi hố cá nhân thì bị trúng đạn. Quá đau đớn rồi ngất xỉu, mãi đến lúc hơi hồi tĩnh thì trời đã tối om. Con ráng bò về nhà, tới hầm trú ẩn thì kiệt sức, tưởng rằng chắc sẽ chết đêm nay.

Kể đến đó thì Mẹ và Lành lại ôm nhau khóc òa...lần nữa.

Hơn một tuần sau, vết thương chân không còn đau nhức, con Lành đem áo quần qua sống chung trong căn hầm trú ẩn của Mẹ và xin Mẹ nhận nó làm con nuôi.

Lý do vì thôn làng bây giờ đông nghẹt bộ đội mà Lành thì một thân một mình, không có bản tánh gan dạ như Dì Tư Hận ngày xưa, hơn nữa bây giờ có nhiều anh bộ đội muốn tới lui làm quen, Lành rất sợ, lại đang nuôi mối hận thù trong lòng . Do đó bất cứ anh nào hỏi Mẹ lai lịch của Lành. Mẹ trả lời thẳng thừng, chồng nó là quân Ngụy vừa mới chết trận tuần trước, lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện yêu đương.

Có lẽ vì Mẹ trả lời như vậy nên nhiều anh bộ đội tỏ vẻ oán ghét.

Một buổi sáng Lành và Mẹ đang nhóm lửa nấu nồi khoai, hai anh bộ đội mang súng AK-47 đến gần nói như ra lệnh :

- Bà có lệnh ra Đình làng làm việc sáng nay. Đi ngay bây giờ.

Mẹ nhìn hai anh bộ đội bằng sự dò xét nghi ngờ. Mẹ sợ mấy tên này tìm cách ly gián Mẹ để làm chuyện bậy bạ với con Lành nên nói :

- Thôn làng có nhiều người trẻ khỏe mạnh, tại sao lại bắt bà già sức yếu như tôi đi làm việc ? Hay là các người muốn đem tôi đi để làm hại con gái tôi ?
- Xin Bà đừng nghi ngờ bậy bạ. Tôi đảm bảo cô ta bình yên khi Bà trở về.
- Nói như rứa thì tôi cám ơn. Đợi tôi vài phút thay áo.

Trên đường đi ra Đình làng Mẹ phân vân, không lẽ họ đòi mình phải nuôi bộ đội như ngày xưa ? Lấy đâu ra tiền của để nuôi ?. Suy nghĩ nhiều làm Mẹ nhức đầu nên dễ cau-có nóng giận mỗi khi có điều gì bất bằng.

Ra tới Đình làng, Mẹ được dẫn đến trình diện ông Sĩ quan ngồi sau bàn làm việc trước văn phòng đóng kín cửa. Hai anh bộ đội nghiêm chỉnh cất tay chào và nói :

- Trình Thượng-úy, công tác thi hành xong.

Khi hai anh bộ đội đi rồi, ông Thượng-úy nhìn Mẹ có vẻ chăm chú rồi chỉ tay vào ghế trống trước mặt nói :

- Mời Bà cụ ngồi đợi một chốc nhé.

Mẹ nôn nóng chưa chịu ngồi hỏi :

- Ai là người mời tôi ra đây làm việc ? Có phải các ông muốn tôi nuôi bộ đội như lúc trước đánh giặc Tây hay sao ? Bây giờ tôi đâu còn có tiền của nữa.

Mẹ bực bội nói một hơi dài và chưa chịu ngồi xuống. Ông Thượng úy mỉm cười nói :

- Xin Cụ bà bình tĩnh ngồi xuống. Ông Thượng tá Tiểu đoàn trưởng Sao vàng muốn mời Cụ bà đến để hỏi thăm …. Xin mời đi theo tôi.

Ông ta đến mở cửa Văn phòng bão Mẹ vào rồi đóng cửa lại.
Ông Tiểu đoàn trưởng Sao vàng ngồi ở bàn làm việc sát bên trong, đứng dậy cúi đầu chào khi thấy Mẹ vào và nói lớn với giọng Bắc kỳ rặc :

- Chào Chị, Chị vẫn mạnh khỏe đấy chứ ?

Khi Mẹ nhận ra là chồng Dì Tư thì cơn bực tức thịnh nộ dâng trào lên tận óc. Mẹ khóc òa và chỉ tay ngay mặt ông ta với giọng run lên căm phẫn :

- Chính ông – Chính ông đã giết Dì Tư mười mấy năm trước – Và cũng chính ông đã giết con ruột, con dâu của mình tuần rồi.

Mẹ giận đến xây-xẩm mặt mày, không đứng vững rồi ngã quỵ xuống đất.
Ông ta chạy đến đỡ Mẹ ngồi dậy,…. một lát sau dìu lên ngồi trên ghế và nói nhỏ nhẹ :

- Xin Chị bình tĩnh, hãy cho tôi biết sự tình.

Khi Mẹ đã lấy lại sự tỉnh táo, ông ta trở về ghế ngồi, Mẹ chậm rãi tường thuật cuộc đời Dì Tư... Mẹ nhận thấy khi nghe xong câu chuyện, ông ta xoay ghế đối mặt vào vách tường để che dấu niềm cảm xúc tột cùng, hai tay bóp chặt, đôi vai run lên ….một lúc sau, ông rút khăn tay trong túi ra chùi nước mắt …..

Những ngày kế tiếp, lúc hoàng hôn xuống trên cánh đồng trơ trọi, con Lành thường gặp ông ta ngồi một mình tĩnh lặng bên mộ Dì Tư …..

Chừng hai tháng sau, vào buổi sáng sớm, ông ta đến thăm Mẹ và thông báo ông phải trở về Bắc để thi hành công tác khác. Nhưng sau này có anh Sĩ quan chính-trị-bộ thường đến tán tỉnh con Lành, có lần nói nhỏ cho Mẹ hay là ông ta về Bắc để thi hành lệnh khiển trách của cấp trên...

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010