Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

Giữa Hai Lằn Đạn

Chương 34

Chiến Địa Đại Loạn

Đan, Hoài, làm việc bên nhau suốt tuần lễ cuối cùng. Hai người vẫn ân cần săn sóc, trân trọng nhau như thuở ban đầu. Một tình cảm đằm thắm nên thơ, đứng đắn chân thành. Chưa bao giờ Đan nắm bàn tay Hoài, hoặc cười đùa vồn vã quá đáng. Chẳng cần tay nắm tay, tình nồng trong mắt biếc, mới gọi là yêu. Phải không anh ha!

Buổi tối, cùng chị em trở về phòng trong Tiểu Khu, sau giờ làm việc vất vả nhọc nhằn, Hoài rủ bỏ bộ áo quần cứng ngắt, nặng nề, với bụi đường xa. Khi thay bộ cánh ngủ mềm mại xong, Hoài lên giường bố, thì tất cả cay đắng, mệt nhọc run rẩy lo toan trong ngày bừng lên, trở lại nguyên vẹn.

Tình yêu của Đan, chưa phải đến lúc tột cùng nhớ nhung, thương yêu choáng ngợp lòng Hoài. Nàng không thể bàng quan, hờ hững trước cảnh ngộ chung. Vì, làm sao có thể quên được nhỉ? Không thể quên một ngày kinh hoàng thế nầy:

- Buổi sáng đầu mùa hạ hôm đó, tiết trời lành lạnh, mang theo mảng sương mù dày cuộn từng đám trên đầu cây, ngọn cỏ. Đoàn Tâm Lý Chiến chuẩn bị trang phục quần áo màu đen, hoặc màu nâu. Phụ nữ đội nón lá, đàn ông đội mũ lưỡi trai, mũ đen, hay mũ hướng đạo. Họ giả dạng làm thường dân, để gia nhập với đồng bào từ các Quận, Xã, Thôn, Ấp, lân cận, sẽ tập trung tại chân đồi Trị Bình, (Bình Trị) để tham dự hội họp. Từ khuya, xe GMC thả an ninh chìm, quân nhân, Dân-vệ, Nghĩa-quân, thanh niên nam nữ Cộng Hòa, và cả nhóm Tâm Lý Chiến của Sư-đoàn 2 xuống khu vực hành lễ. Họ phải có mặt và trà trộn với đám đông, trước khi trời sáng, thì xe GMC đi các nơi khác chở đồng bào đến sau.

Khán đài được thiết lập trên cao, ở lưng chừng ngọn đồi trọc, khuôn viên sân vận động rào thép gai cẩn thận nhiều lớp. Sân vận động rất lớn, có thể chứa mấy ngàn người. Bốn bề trũng xuống như lòng chảo, bao bọc bởi nhiều hàng lũy ấp chiến lược, và ba dãy đồi thấp, còn một mặt trước, là con đường cái quan và đồng ruộng bát ngát bao la.
Bầu trời phủ sương dày bay mù mịt. Những người công tư chức mặc toàn đồ đen đang nói rù rì. Hay họ lặng thinh ngồi chụm từng đám với nhau trong bóng tối. Tờ mờ sáng thì trời vén bức màn đêm lên cao, nhưng sương muối vẫn rơi lộp độp rất đều trên nón lá. Trời trở gió và lạnh kinh khủng. Ai nấy đều tím thâm môi, run lập cập (vì gió rét và sương mù).

Như tất cả các buổi lễ long trọng khác. Phần mở đầu lúc tám giờ sáng, mục đích nội dung đều giống nhau. Chương trình diễn ra tuần tự, trang nghiêm, chu đáo. Duy đến phần cuối. Thì, ông xướng ngôn viên mắc phong mắc gió, mắc dịch, hay tuân hành chỉ thị của ai không rõ, ông ta “tà lọt” đọc thêm mục mới toanh, chưa bao giờ có trong lịch sử ở miền Nam Việt Nam:

- Bêu người tù ra trước sân, cho quần chúng xem rõ mặt. (như kiểu đấu tố).Về phương diện lý thuyết, thì đường hướng nầy đi song song, hỗ tương lẫn nhau trong công việc mưu cầu ấm no, an bình hạnh phúc chung.  Thế nhưng, trên thực tế lại khác hẳn, nó ngấm ngầm và nhạy cảm đến độ sát phạt nhau thẳng tay, kình chống nhau dữ dội. Nói một đường làm một nẻo, như trống đánh xuôi kèn thổi ngược; Ông nói gà bà nói vịt, tréo cẳng ngỗng hết cả đám nơi vùng xôi đậu loạn xà ngầu bất phân. Trong sự việc, mỗi bên đều đuổi theo một suy nghĩ khác, mục đích riêng. "Thao-trường đã tạo thành bi kịch Chiến-trường".

Chính Họ (cả hai phía) đã quyết chí thủ diễn vai chánh, cần đẩy cao nỗi “khát vọng kỳ phùng địch thủ kinh hoàng” lên tột đỉnh. Thế nên, "Họ" vô tình bị mắc kẹt cứng trong chiếc bẫy sập kinh tởm nhất: >là do nhu cầu mà cần có chiến tranh giành thắng, tàn ác, lừa bịp hung ác gây ra. Chung quy chỉ vì “Ta” thù ghét chiến tranh. Chiến tranh gieo đau khổ cho mọi người xấc bấc xang bang mà ra. Ai ai cũng mong ước hòa bình yên vui, ấm no và hân hoan đón chào hạnh phúc đến từng ngỏ nhà.Quảng trường rộng lớn hơn ba ngàn người im phăng phắc, lắng nghe năm tên tù, lần lượt tự thú trước quần chúng. Hàng rào ngăn cách đồng bào với đám tù nhân liên tục cong lại, rồi chương phình ra, ở chỗ nọ chỗ kia. Nhìn từ trên khán đài xuống, trông giống như làn sóng nhấp nhô xô giạt đám đông uốn éo, ồn ào, xô đẩy, chen lấn. Người ta cố chồm vượt ra khỏi hàng kẽm gai ngăn chận, để nhìn kỹ mặt những người tù binh là ai.

Họ là ai? Là ai? Là ai thế hở Trời?! Trúc bàng hoàng khi nhìn thấy họ. Ồ! “Quân thù” đây sao? Vẫn là mấy người non choẹt khoảng mười sáu, mười lăm, họ mặc áo quần vải thô cũ mèm, dài rộng thùng thình, lết bết, quần xắn ống thấp ống cao, trông mất thẩm mỹ. Chân mang dép râu, làm bằng vỏ xe hơi phế thải, có sáu quai đeo dính chặt vào chân, in dấu đen đen, đầu đội nón cối sần sùi. Mặc dù khá nhỏ tuổi, nhưng mặt mày họ hốc hác, râu tơ mọc lún phún dưới lớp đất đen đen bẩn thỉu. Chưa một lần kỳ cọ tắm rửa sạch sẽ thoải mái. Đất bám từ Bắc vào Nam, thành từng cục nhỏ li ti đậu trên hàng ria mép. Thân hình họ nhỏ thó, hôi mùi nắng khét, mùi hun khói và mùi mồ hôi, không chịu rụng. Như con hàu bám riết vào gờ đá. Đặc biệt là gò má của họ nhô cao, hàm răng vàng ố, hô, loa, hoặc vẩu kinh khủng! Không hiểu tại sao? Có lẽ do ăn độn khoai mì khô, bắp cứng quá nhiều chăng? Có người đi chân đất, còn in dấu quai cài đen thui lên da chân.

Thật, không thể nào ngờ! Mấy tên co ro trong lớp áo mỏng sờn úa kia, là người Việt Nam da vàng mũi tẹt máu đỏ, tóc đen, cùng ngôn ngữ phát âm giống đúc như “Ta”, và đồng bào ruột thịt, đang cùng nhau hiện diện trên hí trường ha!

Trong thâm tâm hoang dại và ngây thơ, Trúc cứ tưởng họ là một giống người khác, có tai to mặt bự, da đỏ như máu hoặc trắng như tuyết, tóc cháy như lửa, nói tiếng Nga, tiếng Đức, hay tiếng À Rập rôm rả. Từ nơi phương trời lạ lẫm xa xôi, họ tràn qua đây, xâm lăng đất nước Việt Nam hiền hòa nầy chứ! Ồ không! Cảnh chiến tranh khói lửa điêu linh, cốt nhục Huynh-Đệ tương tàn, nồi da xáo thịt do chính người Việt Nam nội thù đây mà. Ôi! Trúc dại khờ và ngây ngô, ngu ngốc, thật thà, đần độn làm sao ấy!

Trúc ngẩng phắt lên, khi nghe thấy tiếng ồn ào la ó kinh khủng, một số lớn trong đám đông đồng bào “tự phát”?! tự động chui qua hàng rào kẽm gai, chạy đi chạy lại. Chạy quanh bọn tù, mà phe ta vừa nhặt dưới hầm hố lên. Người ta chen vai thích cánh, xô đẩy nhau chạy tới bên mấy tên kia. Người ta tát, đánh, thoi, đấm, đá ném, gậy gộc quất túi bụi vào kẻ nội thù. Với tất cả lòng căm phẫn uất ức tột cùng, họ vừa hành động vừa kêu gào la khóc, gọi tên thân nhân của họ đã quá cố, (đã bị giết chết dã man thảm thương vô cùng trước kia).

Quảng trường bừng bừng bốc lên ngọn lửa căm thù phừng phựt, không có cách gì dập tắt nỗi. Lòng dân lúc bấy giờ đã nghiêng về một phía. Giống như cơn lốc ập đến bốc hốt mọi thứ lên trời, khuấy đảo lên mọi giông tố, uất hận tràn đầy. Mà họ đã đau khổ đè nén lại quá lâu; Nay được dịp tự do bùng nổ dữ dội, khốc liệt vô cùng.

Trong cảnh hỗn loạn ồn ào kinh khủng đó, Thu Hoa, Mai Hồng, Thu Hương, Thanh Trúc, Hoài, đều giật mình run rẩy, co rúm, cúi gập người lại. Các cô vội xô đẩy, kéo tay nhau, cúi cong rạp người, ngồi hụp sát xuống đất. Khi thấy vài tên kia cắm đầu chạy ra mé bờ ruộng, tính lủi trốn.

Phía sau ông Sáu có cái trán dồ coi càng lì lợm và ngang bướng, thở hềnh hệch (ông là chú của Trọng, bí danh Di Linh bố lếu bố láo, lang băm bá đạo, nước mắt cá sấu), ông ta vừa chạy và đang khóc hụ hụ hụ... Thừa cơ nước đục thả câu, ông ta cầm cây gậy gỗ vuông dính máu, hùng hổ rượt theo bọn tù. Ông ta gào rống thật to, át cả tiếng loa phóng thanh rè rè, đặt trên cao những cột điện đường.

Ông ta chửi đổng xỉ vả ai đó tàn tệ vậy cà? Trời ơi là Trời! Chẳng lẽ những lắt léo cuộc đời, phức tạp trắng trợn đã phơi bày ra trơn tru, không thanh lịch, khách sáo hay đơn giản hóa mảy may? Ông ta dùng chiến thuật phản gián, song điệp nhị trùng, phủ đặc ủy tình báo đem chiêu đòn xóc hai đầu, vắt chanh bỏ vỏ, giết người bịt miệng, phi tang?

Đoàn người giữ gìn trật tự sợ mất hồn mất vía, lập tức nổ súng bắn đùng... đùng... đùng... pằng...  pằng... lên trời cao xa vời vợi. Đồng bào hốt hoảng nhốn nháo nhìn quanh, rồi im phắt nhảy chồm lên nhau, nằm bẹp dí xuống sân vận động.

Sau loạt đạn cỡ hai chục phát, bốn anh lính chạy xộc tới, bắt hai tên tù vừa cò cò vùng thoát chạy. Họ trói thúc ké vài tên kia lại, dắt tới bi thảm rùng rợn chưa từng thấy: Đám tội nhân nằm la liệt trên sân cỏ, kẻ bị sưng mặt bầm mình, người bể đầu chảy máu mồm, tay chân què quặt. Có tên xỉu tại chỗ.

Đồng bào lại đứng xộc dậy kêu gào rên la, hò thét man rợ, đả đảo bè lũ sát nhân, gây chết chóc, giết hại inh ỏi. Vang dậy trời đất. Hỗn loạn và man rợ, như cảnh phim đã chiếu tụi mọi tưng bừng ăn thịt người. Kinh khủng!

Trong không gian và thời gian hãi hùng bi thiết ấy, trên trời chiếc gunship võ trang yểm trợ (có lẽ cho buổi hội) bay lượn nhiều vòng, quan sát khu đồi đầy ắp chiến tranh tàn sát và thù hận nầy. Một cuộc biểu tình vội vã và dã man, có lẽ có một không hai, không bao giờ tái diễn, lại có hậu quả đau xót không thể ngờ!

Chưa tan nỗi kinh sợ bàng hoàng xảy ra chớp nhoáng. Bỗng Trúc, Hoài, rợn tóc gáy hơn trước cảnh tượng trống vắng lạnh lùng, kết thúc nhanh chóng đến thế. Mấy cô bạn kia lủi đi đâu hồi nào, mà không ai chịu nhớ “bấm béo”, hay ra dấu “thì thào” nói nhỏ cho bọn Hoài, Trúc hay, để cùng nhau lủi lẻn đi xa, xa hẳn nơi kinh dị vậy cà?

Quảng trường trống vắng, vạch ra giữa đám cỏ lưa thưa đùa trong nắng vàng anh, và gió đùa mơn man từng sợi tóc mai, có hai cô gái non đời, chết nhát ngồi phệt ở dưới đất, trông rõ lồ lộ, cằm hai cô cúi sát xuống đầu gối, thân hình co rúm, hai cô chết trân không cảm giác, không dám cục cựa, ngọ nguậy, nhúc nhích.

Người ta lại dấy lên hò hét man rợ, tất tả chạy ngược chạy xuôi ồ ạt, tán loạn chen lấn ùn ùn xô đẩy nhau ra về. Họ xô đẩy dày xéo nhau, đạp cả lên đầu lên cổ hai con bé cúi đầu ngồi chết dí co ro cúm rúm. Chiếc nón lá trên đầu Hoài rơi xuống đất bẹp dúm. Hoài lo sợ bọn nằm vùng sẽ điềm chỉ khi thấy mặt mình, hoặc chính phe họ trà trộn vào đấy, hầu tàn sát đồng bọn, ném đá dấu tay không chừng. Nào ai biết, nếp tẻ xôi đậu, lẫn lộn với thịt thà cá mú rau rợ ra sao hỉ!?

Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam gồm đủ các vị: Tướng, Tá, Úy, Tỉnh, Quận, Xã, Ấp, Thôn, Làng, Xóm, và đoàn tùy tùng oai vệ, đã tỏ ra khá sửng sốt, bàng hoàng, kinh ngạc tột cùng, bực bội xen lẫn nỗi ân hận đầy ắp trước cảnh lòng người sôi sục căm hận. Mặt mũi tướng, tá, các vị đầu đàn cắt không còn chút máu. Tóc tai họ dựng đứng lên như rễ tre. (sau nầy Trúc mới được biết lệnh lạc nầy, là do chính Đại-tá Phát ra chỉ thị).

Lẽ ra như mọi cuộc lễ khác, sau khi kết thúc, thì đồng bào phải đứng lại, tay giơ cao lá cờ phe phẩy, để tiễn đưa Chủ Toạ Đoàn, ban cố vấn, quan khách ra về trước. Sau đó mới đến lượt đồng bào theo thứ tự từng xã, ấp,  leo lên từng chiếc xe GMC lúc nãy, đã đưa đồng bào đến. Nhưng;  Hôm nay tình trạng kinh thiên động địa đổi thay bất ngờ quá sức. Không ai kịp trở tay, thì đồng bào đã lo dông chạy tuốt đi đâu mất tiêu. Chừa lại đám quan khách ngồi thộn ra với nhau, trên khán đài trơ trụi và gió lộng vù vù. Nắng chói chang, nóng hừng hực, đất cát, bụi đỏ ào ào tung theo từng đợt gió xoáy cuốn xa. Bụi nâu lông lốc bay cao, che mờ một góc trời đỏ đục ngầu.

Tất cả sự kiện đó, thật sự xảy ra trước mắt Hoài, kinh khủng đến nỗi, nàng không thể nhắm mắt, hoặc quay ngoảnh đi chỗ khác. Nỗi bất hạnh không quen biết vụt đến, cuốn nàng vào cơn sợ hãi dâng lên tột đỉnh, rung chuyển theo chấn động nội tâm bất thình lình. Như thể ai đã giáng xuống đầu Hoài cú búa tạ. Mắt mở trừng trừng, toàn thân bầm giập thương tích (vì những gót chân những ai đó vừa dày xéo, chà đạp lên thân thể nàng, đau kinh khủng). Hoài lạnh toát người trong buổi chớm hè oi ả, chân tay run rẩy, Hoài ngã ngửa ra phía sau, ngất xỉu trên thềm cỏ, gần hí trường.

Xe cứu thương hú còi inh ỏi, chở Hoài đầu bù tóc rối thương tích cùng khắp, và “mấy tên” bị ăn đòn te tua lúc nãy, ngồi chung xe. Tài xế chạy vun vút vào bệnh viện cấp cứu. Trời ơi! May mà nàng ngất xỉu đi, không biết gì. Chứ nếu còn tỉnh táo thấy họ, chắc hẳn Hoài chả dám ở lại trong xe, mà mong nhảy tọt ra ngoài xe, dông trên đường chạy về chầu Diêm Vương, thăm tổ tiên ở dưới Suối Vàng á! Muôn đời xin quỷ thần Diêm Vương chứng giám cho Hoài, em không dám quay trở lại nhìn cảnh “tâm lý chiến tranh kinh hoàng” động địa, ở trên trời cao đất dày kia quá!

Ôi! Mấy cô con gái nầy đã uống trọn chén mật đắng, ăn hết cặn bã máu lửa chiến chinh đau thương, tang sô và thù hận rồi. Nơi vùng đất quê hương xôi đậu lẫn lộn với máu thịt, lả tả rơi rải rác khắp bốn vùng chiến thuật. Biên giới phân định giữa yêu thương và thù hận. Tròng trành giữa biên ải của sự sống còn, và bồng bềnh mong manh ngất ngư, chơi vơi đi vào cõi hư vô. Chỉ nhấp nháy trong tích tắc và gang tấc.

Khi mà hai người còn sống trên cõi đời ô trọc, đã coi nhau như thù địch, họ thẳng tay trừng trị nhau, có thể ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Nhưng khi cả hai người cùng ngã ngựa, nằm xuống im lìm, thì dù hai kẻ thù đó có nằm sát canh cánh bên nhau, hay yên nghỉ nằm cạnh mồ nhau. Ở cùng chung một biên giới vô hình định rõ, thì cả hai thể xác ấy, đều không thể làm gì nhau nữa rồi!

Hoài cũng như Trúc vậy, trước đó, nàng chỉ biết thương, biết nhớ, biết yêu. Một tình yêu xa xưa cho dù đã tan vỡ, vẫn còn dư vị thân thương và mơ mộng hoài. Hoài phải từ bỏ cuộc sống đầy cảnh khói lửa binh đao, chết chóc, sô tang, nước mắt và thù hận nầy thôi. Thật kinh hoàng xiết bao, khi chiến tranh còn đó, mang theo biết bao dòng lệ bi thương, bên vòng tang sô quấn ngang lưng trời quê hương, quấn từng vòng trên đầu ta, quấn mãi trong lòng người. Hoài sợ lắm! Thể xác và tâm hồn cứ lịm đi, trước cuộc chơi, trước cảnh đời lạnh lùng xâu xé tột độ, tàn ác vây bọc trầm trọng liên miên, liên miên, và liên miên...

Cuối tháng Ba năm 1962, câu chuyện thật xa xa xa... xưa xưa xưa nầy, đã xảy ra dưới chân đồi Trị Bình(vùng Quảng Ngãi). Hoài đau xót ghi lại nhiều trang nhật ký, từ một góc sự kiện lịch sử tang thương, chua chát, đắng cay, đau lòng quá thật. Có nhiều người ở cùng một môi trường tự nhiên vào thời điểm ấy, đều chứng kiến, đều kinh dị biết đến. Hoài không có mục đích hư cấu cho “Khêu Gợi Lại” những gút mắc khúc nôi, hận thù, do những nguyên nhân và nguyên cớ thời sự, về các dữ kiện gặp bước truân chuyên.

- Cũng không hề cố ý chê bai, xỉ vả, hờn giận, trù ẻo ai. Mà Hoài chỉ -chia sẻ lại những sự kiện lịch sử có thật, đáng biết- đã xảy ra. Vì; Hoài cũng là một trong nhiều chứng nhân bất hạnh, đã chứng kiến cảnh tương tàn đớn đau quá độ. Khiến tim mình rỉ máu suốt đời. Thế thôi.

Đan làm việc tại Trà Khúc, nghe tin Hoài vô bệnh viện, anh lo sợ ngẩn người, Đan vội lấy xe jeep đến thăm. Anh gặp Nữ trực ban, Nữ ngần ngừ do dự giây lát, rồi miễn cưỡng chỉ chỗ Hoài đang nằm điều trị. Nữ suy nghĩ hết cách, làm sao phân ly họ đây? Hay là lựa dịp thuận tiện, Nữ sẽ tỏ tình với Đan trước. Mặc ai cười mình cua trai, thì cứ việc. Nghĩ vậy, Nữ yên tâm dẫn Đan đi.

Thấy Đan, tự nhiên nước mắt Hoài trào ra. Nữ bĩu môi, nguýt hai người một cái thật dài, Nữ vùng vằng quày quả ra khỏi phòng. Nữ đóng mạnh cánh cửa kều cái rầm.

Hoài nhìn Đan, vội cười giả lả cho anh yên tâm. Đan ngồi bên, điệu nghệ nhìn Hoài trìu mến:

- Anh muốn đây là lần cuối, em nhìn thấy cảnh tương tàn, ở phía sân sau của cuộc đời.
- Em mong được như vậy.

Chương 35

Bên Dãy Thùy Dương

Đan điệu nghệ lái chiếc xe jeep dã chiến bạc phếch bụi đỏ đường hành quân chạy chầm chậm, trên quốc lộ 24B ra một bãi biển cách Quảng Ngãi độ chừng 15 km, thuộc vùng Cổ Lũy thôn. Xe lùa bụi đất dưới hàng thùy dương lộng gió làm nghiêng ngả lá cành. Bốn anh lính ngồi đằng sau ghế quay lưng lại phía Hoài, bá vai vít cổ nhau khoái chí vui vẻ cười to.

Đại dương bao la rì rào gió biển. Đường chân trời quang rạng như viền chỉ bạc lóng lánh, ngời sáng tít dặm ngàn hải lý. Nắng chiều hây hây thoi thóp và phe phẩy, nhè nhẹ rơi xuống mặt biển hờ hững. Biển ngủ quên trong niềm thống khổ, trên bao mái nhà ưu phiền, đớn nghèo nơi quê hương.

Họ xuống xe, nhàn hạ tản bộ trên bãi cát mịn, độ dốc thoải, phía sau lưng là rừng dương bạt ngàn xanh thẳm. Các anh chọn tảng đá nâu vàng nhô mình ra góc biển. Phía xa, làng chài với những tấm lưới Đăng, lưới Rút, lưới Rồng, lưới Rê, lưới Rẻo, lưới Văng, phơi chằng chịt trên bãi cát vàng. Thấp thoáng xa xa có dăm bảy ụ muối trắng, mấy ngư dân đang lúp xúp làm việc: “Chồng chài. Vợ lưới. Con câu. Thằng rể đóng đáy. Con dâu đi mò”. Bức tranh đồng quê hiền hòa lặng lẽ chất phác, quả là tuyệt vời an phận mà vui.

Dưới bãi cát vàng óng, các bạn đang chạy nhảy, nô đùa bơi lội dưới sóng nước. Đan bóc quả cam, tách ra từng múi rồi đưa cho Hoài. Hoài lí nhí nói lời cám ơn, e dè nhón lấy múi cam. Làm như sợ đụng tay chàng trai mà cô đã phải lòng.

Một cảm giác thật êm đềm ấm áp gợn lăn tăn trong lòng chàng. Đan nghĩ mãi không ra: chàng trai đã từng trải chuyện yêu đương giữa trai và gái thuở xưa, chứ nào phải yêu Hoài là người tình đầu đâu, mà mình vẫn ngại? Tại sao một anh lính phong trần gan lì như Đan, cũng có cử chỉ rụt rè chết nhát, khi diện kiến cùng nàng? Mỉm cười ý nhị, chàng lặng nhìn vóc dáng đan thanh của Hoài, Đan đằm thắm nói:

- Em có chịu về ở Đà Nẵng, chờ đợi anh không?

Cúi đầu gật nhẹ mấy cái. Nàng chịu, chịu đến nỗi hai má hồng thắm hây hây như nhấp men say. Bóng dáng thon gọn, nhưng dường như tâm Hoài chứa đựng cả một lòng đại dương gào sóng xao động mạnh. Mắt Hoài ánh lên tia hy vọng mừng rỡ, nụ cười xinh tươi, làm ngời sáng khuôn mặt:

- Có điều sự mong ước và thành tựu, là hai việc khác nhau. Anh Đan à.
- Anh biết. Anh nói, vấn đề là... còn tùy ở em thôi.
- Mai em xin đi lên Tà Noát cho anh coi.
- Tùy em mà.
- Bắt đền anh cái gì cũng được. Nhưng cho anh xin. Em đừng đi đâu hết. Em về nhà, chờ anh đôi ba tháng nhe.
- Không. Em cứ đi.
- Chà. Em tôi cứng đầu, lì lợm ghê à nha. Anh sợ em rồi đó.

Biết nói thế nào cho trung thực với lòng Hoài nhỉ! Khi ánh mắt thiết tha, nụ cười mời mọc, giọng nói ngọt ngào đầy ắp ân tình, qua cung cách Đan ung dung, điềm đạm, đứng đắn và chân thật đến vậy! Có phải cư xử như thế là anh đang tỏ tình, nhưng Đan chẳng làm gì hết. Lạ thật! Sao mà anh ấy đứng đắn quá đi, khiến Hoài cứ tưởng là anh ấy không tha thiết mấy chuyện yêu thương. Anh lính chiến chỉ nói đùa giỡn ngoài miệng cho vui mà thôi.
Ngập ngừng do dự, Đan mở lời:

- Còn hai ngày nữa là chia tay. Việc anh ngỏ ý trước đó... là muốn em có thời gian suy nghĩ, trước khi quyết định việc hôn nhân. Hôm nay, em có thể cho anh biết, để anh liệu, rồi về thưa với ba me anh vào dịp anh nghỉ phép sắp đến không em?
- Anh thấy ngôi nhà lai xinh đẹp có tường cao, rào chắn kỹ càng, bên kia đường chứ? Gần kia là căn nhà đất mái tranh xiêu vẹo. Giữa hai nhà, có con đường đi tráng nhựa, rộng thênh thang. Nhà ngói không thể xích lại, ở cạnh chung nhà tranh. Đan à. Anh và Em, có thể bị ngăn cách bởi lý do giản dị, gần như vậy.
- Em có ý tưởng lạ lùng. Anh yêu em, và tin rằng: Ba me anh hoàn toàn không phản đối. Các cụ tôn trọng sự tự do lựa chọn của anh. Họ không môn đăng hộ đối, mặc dù thuộc dòng dõi quý tộc. Anh chị, ba cô em gái, cậu em trai của anh, càng không phản đối. Hoài à.
- Em thấy khó khăn, chứ không giản dị như vậy đâu. Anh và em không cùng tôn giáo. Chắc là không... gia đình anh không chịu em đâu.
- Điều ấy anh bảo đảm: Không có gì rắc rối.
- Còn một việc nữa, em thấy không xứng với anh: Hẳn hai bác không thích có con dâu "xướng ca vô loài".

Đan dụi tắt điếu thuốc nửa ngọn không đầu lọc vào gốc cây, rồi vứt xuống cát. Chàng hơi phật ý. Đổi tư thế ngồi đối diện với Hoài, nhìn thẳng nàng, Đan nói:

- Ngày chúng mình gặp nhau trên Ô Chai, anh đã nói về việc đó thế nào. Em quên rồi ư? Em không nhớ gì ráo trọi lời anh nói ha? Em ưu phiền đặt nặng vấn đề ấy, khi anh tin yêu em. Hở? Tại sao Hoài?
- Anh là cánh lá ngọc... dát vàng bay giữa trời. Em vươn tay ra đón. Nhưng, muộn mất rồi. Xin ngả mũ kính chào anh.
- Đừng đùa dai như vậy. Cưng. Đau khổ lắm. Em nói nghiêm chỉnh cho anh nghe. Em nghĩ sao về đề nghị đó?
- Em băn khoăn là mình còn quá trẻ, liệu em có mang lại hạnh phúc cho anh? Cho chính mình đi đến bến bờ hạnh phúc dài lâu? Vả lại, em còn xin... lĩnh hội ý kiến của gia đình em nữa.

Câu chuyện tình tứ ở một góc đường thiên lý, về giấc mộng vàng bên dãy thùy dương rủ bóng kia reo vui men hạnh phúc, vừa hé mở, đã phũ phàng đóng ập lại ngay, làm rung khẽ cánh buồm ước mơ chân thật, mê đắm trong lòng mỗi người.

Hoài băn khoăn lo lắng. Băn khoăn thật sự. Mười tám tuổi đầu, hai bàn tay trắng, ít kiến thức khiêm nhường, hạn hẹp. Cuộc sống là con số không vĩ đại, mà có gia đình? Mỉa mai làm sao!

Phần Đan, chàng muốn việc hôn nhân lẽ là anh yêu Hoài chân thành. Đan mong Hoài sống an ổn bình lặng, chàng có quyền lo sợ, săn sóc nàng về mọi mặt. Anh ấy có đầy đủ mọi yếu tố, và dồi dào điều kiện thuận tiện, để xây dựng một gia đình hạnh phúc thật sự. Thật cảm động vô cùng.

Vui đùa với sóng nước chán, các bạn lên bờ. Họ đến xe ôm mấy bọc đựng thức ăn, nước uống, rồi lững thững về chỗ hai người đang ngồi. Góc trời đang yên tĩnh, bỗng huyên náo tiếng nói cười, ầm ĩ xôn xao hẳn lên.
Đan đưa Hoài ổ bánh mì thịt nguội, chàng cười thân ái:

- Hôm nay, em phải ăn gấp đôi mọi ngày. Nhe.

Đôi mắt sắt hơn dao cau, Nữ nhìn Đan cười gằn. Rồi liếc nhìn Hoài, Nữ nói:

- Bỗng dưng, anh Đan đặc biệt ưu đãi Hoài vậy? Còn em thì sao? Anh Đan làm em đau tim muốn chết. Anh thiên vị à nha.

Ngọc Lan láu táu, cười:

- Ảnh ga lăng ghê à ta.
- Không công bằng.
- Ô! Các cô hay nhỉ! Có gì mà thắc mắc nào! Hoài nhớ anh Đan quá, hôm nọ phải ngất xỉu, xe cấp cứu chở Hoài vô bệnh viện đó. Bây giờ, “ảnh cho ẻm” ăn hồi sức mờ. Đừng chúi mũi dùi vào, họ mắc cỡ tội nghiệp nghe.

Tâm huýt gió huytt huyttt..., xíp xì, xíp xì:

- Hãy nhìn Văn và Hoa kìa! Coi họ ăn uống, có khiếp không?
- Việc gì đến anh! Tôi sẽ thèo lẻo méc bà xã Tâm cho anh coi.

Tâm và Việt là cặp bài trùng, mặc dù so về dáng vóc, tính tình hai người rất đỗi khác nhauAnh đi lính Nhảy Dù chê anh Bộ Binh lè phè lùn xủn, yếu xìu. Ngược lại anh Bộ Binh chê anh Nhảy Dù, thân hình cao lênh khênh, ốm tong ốm teo, lại có vẻ lù đù. Đã đeo đá vào người cho nặng ký, dù thả trên trời bay lơ lửng, gió thổi mấy giờ, mới rơi xuống đất. Ha Ha Ha!!!

Ấy thế mà, tình bạn đầm ấm, thắm thiết, họ vui vẻ đùa giỡn quý mến nhau, thực sự cần đến nhau, thấu hiểu mọi giá trị cao quý; Luôn sẵn lòng vị tha, bác ái, không chút tị hiềmHọ quan niệm về tình bạn thật cao vời quý giá. Bà con thân nhân ruột thịt, nếu có mất lòng, giận hờn, thì vẫn cứ còn là bà con. Tình bạn khi đã mất đi, thật dễ mất lòng, dễ giận nhau, dễ xa nhau, vĩnh viễn chia lìa không bao giờ tìm lại được! Có khi trở thành thù địch không chừng.
Tâm nằm trên đồi cát khô, anh vắt tay lên trán trầm ngâm, bỗng nhỏm dậy, anh nói:

- Nè Đan, đi biển thế nầy, tôi nhớ ngày xưa ta đi biển với bồ. Anh còn nhớ cô bé, có tên cúng cơm là Lé, mà cô ta tự đặt là Thu Mộng Lan, ở trong Thành Nội không hỉ?

Nữ chạnh lòng, chợt nghĩ đến tên mình, cô lại hờn giận cha mẹ sao đâu. Mình đã dấu “cái tên quỷ sứ” như mèo giấu cứt. Nhưng không biết mấy cha nội nầy, có moi ra được không đây? Biết đâu! Tâm là “điệp viên không không Tám” mà! Nữ trợt mắt, hờn dỗi ngắt lời Tâm:

- Anh Đan ngồi bên em, mà anh Tâm nhắc tới người xưa. Nghe kỳ quá! Em không chịu đâu.
- Anh xin nói, em không có người yêu ở đây. Và các anh có quyền nhớ chứ?
- Anh thật lầm. Em có người yêu ở đây rồi, anh à.

Tâm quay hẳn người lại, nhìn Nữ, cười ha hả:

- Lạy trời, không phải là tôi.
- Ai yêu anh, cứ tưởng bở. Em yêu anh Đan thôi!

Tâm nhún nhẹ đôi vai, nhìn Đan tủm tỉm cười. Đan nói:

- Cảm ơn em. Đừng đùa dai hại tim! Anh không dám nhận đâu.

Quay qua Tâm, Đan vui vẻ trả lời:

- Nhớ... Sao bạn?
- Á...à à! Tôi nhớ khoảng ấy, mình mới trạc tuổi mười lăm, đã học sơ sơ về cách làm văn, thơ. Tôi có phần ba trợn, nên bị ba bắt quỳ bên góc phòng. Tôi sụt sịt khóc, thỉnh thoảng quệt nước mắt nước mũi vào tay áo. Hai tay xoa xoa mông đít, có mấy lằn roi nổi lên ran rát. Ba viên bi kêu lạo xạo trong túi quần. Tôi khóc khản cổ, nên mỗi lần cất giọng, tiếng nói của tôi khàn khàn như vịt xiêm la đực. Mấy thằng bạn cùng lớp láu cá cứ lêu lêu chọc quê tôi hoài. Thật bực mình quê xệ hết chỗ nói.

Con chó Liu Liu chạy lại sủa gâu gâu xoắn xuýt bên tôi, nó liếm vào mặt mỗi khi tôi bị quỳ. Nó chồm lên người, khiến tôi té ngửa ra nền gạch. Giận cá chém thớt, tôi đứng dậy đá cho nó mấy cái vào ba sườn. Chó kêu ẳng ẳng, cụp đuôi chui xuống bộ ván gụ. Nó nằm thò đầu nhìn ra, lâu lâu chó liếc tôi hừ hừ, rên ư ử trong họng.

Đôi má tôi đỏ bừng vì giận, nhưng giận vì lẽ gì? Giận vì bị quỳ gối hay bị chó chồm, đập đầu tôi xuống nền nhà đau điếng. Nó lại nằm đó mà hừ hừ dưới gầm ván, nhìn ra trêu tức mình? Tôi quỳ chỗ cũ, hai bàn tay gầy xòe ra, cào cào vuốt vuốt, xới xới mái tóc hoe nắng, cho có vẻ nghệ sỹ, thanh niên phong trần, phiêu lãng phóng khoáng lên một tí. Nhìn mái tóc in bóng trên tường, tôi khoái tỉ hài lòng hãnh diện cười cười... Quên là ba phạt quỳ về tội trốn học, đi theo sau lưng nàng, tấp tểnh làm thơ con cóc. Tôi chạy đến bàn viết lấy giấy mực ra, ghi lại bài thơ đầu đời:

Ra ngỏ vừa trông thấy bóng nàng,
Nụ cười kiều diễm nhất thôn trang.
Thân thon, tóc mướt dài tha thướt.
Đôi mắt thu bồn, dậy sóng lan.

Các bạn gật gật đầu, xuýt xoa tán thưởng khen thơ hay. Tâm kể tiếp:

- Ôi! Sao lúc ấy hồn thơ lai láng, súc tích, đậm đà, ý nhị đến thế không biết! Có bị mấy lằn roi mây đau điếng thì... cũng đành. Té ra mình xuất khẩu là trở thành thi sĩ ha! Tôi vui như điên, nằm bò ra trên nền gạch cười nắc nẻ. Chống cằm mơ mộng, tôi suy nghĩ đoạn kế tiếp. Đến đây văn thơ tắt nghẽn như pháo tịt ngòi. Dù tôi bóp trán, cố nặn óc thế nào, nàng thi sĩ vẫn ù lì, không chịu ra lời, cho mình xuất khẩu thành thơ tiếp. "Nàng Thơ" cứ nín khe trong hồn thơ đầy hứng khởi.

Nghỉ chốc lát, anh tiếp:

Bỗng ba đi ngang qua. Thấy ba, tôi giật mình, cụt hứng ngay, vội quỳ lên, tôi quơ tờ giấy đút vào túi quần. Ba nhìn tôi mỉm cười, gật gù. Có lẽ ba nghĩ:
- “Phạt quỳ gối, mà nó không đến nỗi tệ.
Biết hối hận, đem sách vở ra học bài, làm bài".
Ba tha cho tôi. Yêu nàng chân thật, tôi nhờ câu thơ của thi sĩ nào, đã quên tên, mà tán tỉnh nàng:
"Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò.
Em đi cảnh vắng hẹn, hò cùng ai".
- Rồi sao nữa? Kể tiếp cho Nữ và anh em nghe đi.
- Có lần, tôi đứng một bên đường, nhón gót chân nhìn vào nhà nàng, cuồng quay bất khả địch, mặc gió táp mưa sa. Có những đêm tôi đạp xe chạy khắp các ngả đường, rình xem em có đi với chàng nào không? Tôi đứng ngóng cổ nhìn ngược nhìn xuôi, bối rối bẻ mười ngón tay riết. Chẳng còn ngón nào kêu răn rắc. Lại vặn cườm tay, lắt cổ tay như bứt... lá lìa cành. Hết là thi sĩ nửa mùa, nghe nàng sẽ đi xa, tôi đành chép câu thơ của Tú Xương, kèm trong quyển tập, vờ mượn của nàng, để học thi.

Ta nhớ người xa cách núi sông.
Người xa, xa có nhớ ta không?
Sao đương vui vẻ, ra buồn bã.
Vừa mới quen nhau, đã lạnh lùng!
Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng, riêng cả tấm tình chung.
Tương tư lọ phải là trai gái.
Một ngọn đèn xanh, trống điểm thùng.

Nhìn xuống nhíu mày, đôi mắt Tâm chơm chớp, u buồn trong thoáng chốc. Hoài thấy dường như anh có điều gì xáo trộn, xa vắng âu sầu trong lòng, thì phải. Tâm tủm tỉm cười:

- Bây giờ thì giữa em và tôi có sông núi, biển hồ dặm trường cách biệt. Chia xa nhau, như con nòng nọc rụng rơi bỏ mất đuôi lúc nào chả rỏ. Tình cũng tàn, mà chân cũng xiêu. Ừ. Tình chân thật, chứ không phải là chân giả, à nha.
- Bi giờ ẻm đi lấy chồng, thì chân giả rồi. Chân giả mà vẫn bị xe anh Trọng cán cho nát bét ra. Chỉ còn em... yêu anh Đan thật trung thành thôi.

Các bạn lầm tưởng Nữ bông đùa, nên cười vang. Họ vô tư lự, như đàn chim biển đậu trên ghềnh đá rỉa lông rỉa cánh, dưới chớp nguồn rực lên từ góc trời xa. Không ai để ý đến Nữ mặt mày tái nhợt. Tay chân run rẩy, trái tim đập thình thịch trong lồng ngực quắt quay.

Hoài nhìn ánh hoàng hôn ửng hồng sắc mây vàng tía, vần vũ ở phương đông. Các đài mây trắng, vàng, hồng, bay rất nhanh, từ đâu ùn ùn kéo nhau về, trên biển cả dần dần đổi màu. Chiều tàn trong ráng hoàng hôn mờ đục, như giấc mộng vàng bên dãy thùy dương trở thành mầu tro, màu nâu tía ngà và mầu ven đêm ấm áp.

Trăng bắt đầu mọc lú lên, ngăn đôi đường biển và đường chân trời, bằng một vầng sáng quang rạng lung linh huyền ảo, tuyệt vời. Trời đậm tối theo từng đợt sóng nhấp nhô. Đã mất hết mầu hoàng hôn lãng mạn diệu vợi ven biển, mầu xanh thẫm giao hòa giữa biển và trời cao vút. Màu xanh đại dương mênh mông, chen lẫn màu xanh cỏ của rừng núi bạt ngàn, ngun ngút lồng lộng ở phía Tây. 

Ái Ưu Du

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010