Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

MỘT HƯỚNG NHÌN VỀ TIẾNG ĐÔI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM
(Tiếng lặp, điệp, và láy trong tiếng Nôm)

Thông thường, ai người dùng ngôn ngữ nào trong cuộc sống hàng ngày thì gọi ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ. Thí dụ nếu từ lúc sinh ra đến khi vào đời, một bé trai có cha mẹ là người gốc Hmong sinh sống tại Pháp, không biết tiếng Hmong, chỉ dùng tiếng Pháp hàng ngày thì tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, không phải tiếng Hmong của tổ tiên nội ngoại. Khi đó, đối với thanh niên Hmong này, tiếng Pháp là tiếng hay và đẹp nhất của mình.

Cái hay và cái đẹp ngữ học của các tiếng nói con người không giống nhau. Có thứ tiếng được xem là hay vì đặc tính đích xác, rõ ràng, và đầy đủ. Đó là phần lớn những tiếng gốc Romance như tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ý…. Có tiếng hệ Cyrillic như Nga, và một số các quốc gia vùng Balkan thì cái hay nằm ở chỗ khó học, nói lên với giọng hùm hỗ. Có tiếng được dân bản xứ xem là hay vì tối nghĩa đến nỗi, như tiếng Navajo, ít có ai ngoài bộ lạc của họ học được. Có tiếng được xem là hay nhờ tính chất súc tích, như tiếng Việt Nam, theo kiểu ý ngắn tình dài; hai câu ca dao tiếng Việt 14 chữ có thể dùng làm đề tài viết một bài luận.

Về tiếng Việt Nam, cố giáo sư Lê Hữu Mục có nhận định tổng quát rằng:” Tiếng Việt Nam là độc âm mà đa tiết.” Xa hơn về trước, nhà văn Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình cho biết đại cương:” Tiếng Việt Nam là tiếng độc âm gồm tiếng đôi, tiếng ba, tiếng tư…, trong đó (số lượng) tiếng đôi là nhiều nhất.” Hai nhận định ngữ học trên đây cho thấy bản chất tiếng Việt được có sự đồng thuận là độc âm. Do đó, để đủ chữ để dùng trong cuộc sống hàng ngày, tổ tiên ta theo thời gian và nhu cầu chữ mới, đã ghép từng tiếng đơn (1)lại với nhau mà thành nhiều tiết điệu nhịp nhàng, theo luật hoà âm trầm trầm bổng bổng (2), điều khó có trong tiếng đa âm.

Thật vậy, tiếng đa âm gốc Romance dùng con chữ mượn ở vần La Tinh kết lại, tiện cho việc tạo chữ mới bằng cách thêm phần đầu (prefix), phần đuôi (suffix), thêm vần “s”để chỉ số nhiều. Theo cách này, một chữ gốc cũng có thể thêm đuôi khác nhau để thành tính từ, trạng từ, hay nói lên những thời khác nhau của một động tự. Trong khi đó, trước khi có hiện tượng chữ quốc ngữ, tiếng Nôm được nôm theo tiếng Trung Hoa mà viết theo nét, theo bộ, và gói gọn trong một hình tương đối vuông, nên không thể thêm đầu, thêm đuôi để tạo chữ mới. Giải pháp giản đơn nhất là thêm tiếng để tạo chữ mới, trong đó, tiếng đôi là nhiều nhất. Bây giờ ta hãy xem những tiếng đôi này có đặc tính ra sao.

Tiếng đôi Việt Nam là tiếng gồm hai chữ ghép lại và đọc lên thành tiếng có hai âm. Giống như một số tiếng khác, tiếng đôi Việt Nam dùng để chỉ vật, ý, và tứ. Trong tiếng Anh có “yellow bill” thì ta có “mỏ vàng”, “white dog” thì ta có “chó cò”, “big dream” thì ta có “mộng lớn”, “idea” thì ta có “ý tứ”, “bay horse” thì có “ngựa hồng”,  … Thế nhưng, trong tiếng Việt Nam ngoài tiếng đôi thông dụng còn có còn có năm loại tiếng đặc biệt, trong đó có ba loại khó thể giống hay có tiếng tương đương bên tiếng Anh, tiếng Pháp —hay nhiều tiếng đa âm khác— viết bằng hai chữ hay một chữ hai vần. Đó là những tiếng đôi đặc biệt gồm có:

  1. Nhái (Onomatopea)
  2. Thời thượng (Nonce word)
  3. Lặp (Tautology)
  4. Điệp (Tautology)
  5. Láy (Alliteration / Assonance)

Điểm cần ghi chú là trong hệ ngôn ngữ gốc Romance, tiếng Nhái và tiếng Thời thượng là hai loại tiếng thông dụng, nên nằm ngoài bài viết này. Riêng tiếng Lặp và tiếng Điệp được xem như tiếng trùng dụng (tautophony), dư thừa (redundancy) bị xem như lỗi văn phạm, nên không được dùng trong văn chương. Riêng tiếng Láy thì các ngôn ngữ khác cũng có, nhưng tiếng Láy đôi Việt Nam, đối với tai người Việt Nam, còn có khả năng rất đáng lưu ý.

Tiếng nhái (onomatopaea): Nhái là tiếng nhái theo tiếng động nghe được như: cú cu (cuckoo), meo meo (meow meow), ó o (cock-a-doodle-doo), gâu gâu (bowwow), cạp cạp (quack quack), beng beng (clank clank), leng keng (ting-a-ling)…

Thời thượng (nonce word): Khác với tiếng vay mượn loại kiều cư (3)(alien), nhập cư (denizen), tiếng thời thượng là tiếng đặt theo nhu cầu trước mắt để gọi một sự việc hay hiện tượng mới có mà chưa có tiếng gọi. Tiếng này có thể mất công dụng, một khi tình hình thay đổi. Tiếng thời thượng Việt Nam đã có gồm một số như: Anh Bảy, Chà Và (người Ấn), Ba Tàu (người Trung Hoa), Bảy Nhãn (lính Bộ Binh), Mạch lô (lính thủy), Xẩm (đàn bà Trung hoa), Tửng (bé con trai), Chệt (đàn ông Trung Hoa), Lính Tập (người Việt đi lính cho Pháp trước 1945), Tây Đoan (người Pháp quan thuế), Tây Thuộc Địa (quan cai trị người Pháp trước 1945), Tàu phù (lính quốc Dân đảng sang Việt Nam giải giới quân Nhật năm 1945). Ngày nay, tình hình đã thay đổi, những tiếng thời thượng trên đây không còn thấy trên báo chí hay trong văn học. Bù vào đó thì có tiếng thời thượng mới như: chảnh, tây ba-lô, lãnh đạo, đại gia, việt cộng, việt kiều…

Tiếng lặp: Tiếng lặp là hai tiếng dị âm mà gần như đồng nghĩa. Có hai loại tiếng lặp là tiếng lặp Hán Nôm và tiếng lặp toàn Nôm.

a) Tiếng lặp Hán Nôm: Tiếng lặp Hán Nôm là tiếng đôi gồm một chữ Hán và một chữ Nôm. Thí dụ: máu huyết, trong đó, chữ huyết (Hán) có nghĩa tương đương với tiếng máu (Nôm), viết chung thành máu huyết. Hay như tiếng khác biệt gồm chữ khác (Nôm) đồng nghĩa với biệt (Hán). Những tiếng lặp theo thể trên đây được dùng một là để nhấn mạnh ý nghĩa, và hai là để tránh hiểu lầm cho người rành tiếng Hán mà không rành tiếng Nôm, hay ngược lại. Những tiếng đôi như: thoái lui, khảo tra, bi thương, trừ khử, chân thật, hiếu thảo, thay thế, vu cáo, phố sá, xương cốt, ghe thuyền, nhập vào, mùi vị, hạ xuống, tưởng nhớ, quê hương v...v. đều là tiếng lặp Hán Nôm, không phải tiếng đôi thông thường.

Chú ý: Có ý kiến cho rằng sở dĩ có tiếng lặp Hán nôm như trên là vì ngày xưa dân ta học chữ Hán bằng các đọc một chữ Hán rồi tiếp theo là đọc nghĩa trong tiếng Nôm, như thoáilui, khảotra.., nên quen miệng rồi cứ thế mà đọc rồi viết ra tiếng đôi thoái lui, khảo tra. Đây là một nhận xét ngữ học, nhưng cần được xem lại vì hai lý do sau:

  1. Có nơi học tiếng Hán theo cách như: Môncửa, gianhà, vongmất, tồncòn, phụcha, mẫumẹ, tửcon, tôncháu… nhưng không có sự cấu thành tiếng đôi Hán Nôm môn cửa, gia nhà, vong mất, tồn còn, phụ cha, mẫu mẹ, tử con, tôn cháu… Lại nữa, thời xưa các trẻ con học tiếng Pháp bằng cách đọc “le cahier là cuốn tập,” “la table là cái bàn,” “ la maison là cái nhà,” “ma soeur là chị tôi,” về sau đâu có tạo ra những tiếng lặp Pháp Nôm như cadê cuốn tập , táp lơ bàn,  mê-dong nhà, ma sơ chị tôi
  2. Ngoài tiếng lặp Hán Nôm còn có loại tiếng lặp toàn Nôm, hoàn toàn của người Việt, không phải học của ai.

b) Tiếng lặp toàn Nôm: Tiếng lặp toàn Nôm gồm hai chữ Nôm, chữ sau có nghĩa gần với chữ trước như: heo cúi. Cúi là động vật bốn chân, thường thấy vùng thượng du Bắc Việt. Giống thú này chuyên ăn củ hay rễcây, mũi giống mũi lợn dùng để ủi đất kiếm ăn, chân có móng nhọn để bới, tiếng kêu như tiếng chó. Người dân ta ghép tiếng heo vào tiếng cúi để chỉ chung loài động vật có mũi dùng để ủi đất. Khi nghe tiếng heo cúi mà chưa biết cúi là con gì thì hiểu chung chung đó giống như con heo.

Tiếng lặp toàn nôm khác như theo dõi trong đó chữ theo hiểu theo nghĩa ngoài Bắc và trong Nam là tương tương với chữ dõi thường dùng tại miền Trung. Do đó, tiếng lặp theo dõi giúp tránh hiểu lầm cho người dân ba miền. Những tiếng đôi như: mập ú, ngang phè, tròn quay, cong queo, gầy ốm, trêu chọc, thua kém, mềm yếu, trẻ con, đĩ điếm, thèm muốn, gà qué, chó má, lươn lịch, ngọn nguồn, thi đua, sắt thép, thân xác, hình dạng, to lớn, đánh đập, bơi lội, mê sảng, dòm ngó,...là tiếng lặp toàn Nôm. Công dụng của tiếng lặp là chỉ rõ việc hay  vật.
Tiếp theo tiếng lặp là tiếng điệp.

Tiếng điệp: Tiếng điệp (4) là tiếng đôi gồm hai chữ đồng âm và đồng nghĩa đặt cạnh nhau; chia ra thành 4 loại như:
1-Điệp tính từ (adjectival tautology): nhỏ nhỏ, to to, xanh xanh, tím tím, mại mại,
2-Điệp trạng từ (adverbial tautology): chậm chậm, dõi dõi, nhanh nhanh, mau mau,
3-Điệp danh từ (nominal tautology): người người, nơi nơi, nhà nhà, chốn chốn,
4-Điệp động từ (verbal tautology): cười cười, nói nói, đi đi, chạy chạy, lên lên, xuống xuống, …

Tiếng điệp tính từ: Tính từ dùng bổ nghĩa cho danh từ. Thế nhưng, tiếng điệp tính từ cũng dùng bổ nghĩa cho danh từ, ngoài ra còn để báo cho biết có một sự thay đổi về tính chất gọi là lược tiểu (diminutive), hay lược đại (augmentative). Lược tiểu có nghĩa nói sơ lược là nhỏ, ít, và lược đại có nghĩa nói đại khái,nói chung là to, nhiều.

Tiếng điệp tính từ nhỏ nhỏ trong câu “Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắt ngang (Kiều)” là tiếng điệp lược tiểu. Tiếng này dùng chỉ một chiếc cầu không nhỏ, không to, nhưng thiên về nhỏ. Cái khéo của Tiên Điền nằm ở chỗ tả chiếc cầu trong một cảnh “có chiều thanh thanh”, với “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” và tả một cách thật trơn tru. Nếu tả chiếc cầu to thì làm mất vẻ thanh thanh của cảnh, còn vẽ cái cầu nhỏ thì không hợp với cảnh ngựa xe. Do đó mà tiên sinh chọn tiếng điệp nho nhỏ để tả chiếc cầu không to (để thành ô dề) mà cũng không nhỏ (để thành nguy hiểm cho người đi trẩy hội). Một các tài tình, tiếng điệp nhỏ nhỏ giải quyết hai nhu cầu cùng một lúc. Nếu muốn tả một vật có chiều hướng thiên về to hơn nhỏ thì dùng tiếng điệp tính từ to to.

Tiếng điệp trạng từ: Tiếng điệp trạng từ là tiếng dùng bổ nghĩa cho trạng từ, tính từ và động từ. Tiếng này có hai công dụng: Một là giống như tiếng điệp tính từ, nó mang tính chất lược đại hay lược tiểu. Hai là nó cũng chỉ một tình trạng khi có khi không của một tiếp điệp động từ như sẽ thấy tiếp sau đây vài đoạn.

Tiếng điệp trạng từ chậm chậm (diminutive) trong câu “Tiếng thu chầm chậm lướt qua” trong bài Thu Về của Hữu Phương, được dùng chỉ một tốc độ không chậm không nhanh, nhưng có hơi thiên về chậm. Chậm thì rõ ràng và dứt khoát. Nhưng chậm chậm thì như có chút chần chờ, ngần ngại, lưu luyến. Nó gây thắc mắc tức thời là tại sao có sự lưu luyến đó. Lưu luyến vì còn nuối tiếc những ngày vui trong mùa hạ vừa qua hay chăng? Vui với ai? Tại sao? Hay là sợ mùa Đông? Tại sao lại sợ? Nó khiến người nghe vô hình trung sa vào phạm trù “ tận cùng lý giải” của Socrate trong việc truy tìm căn nguyên của sự việc, mà rồi thành ra chăm chú hơn.  Bao nhiêu  câu hỏi được đặt ra chỉ vì hai tiếng chầm chậm lạ lùng này. Nếu muốn tả vận tốc thiên về nhanh hơn chậm thì dùng tiếng điệp trạng từ lược đại (augmentative) nhanh nhanh (không chậm nhưng cũng không nhanh) như trong câu “Bánh xe quay nhanh nhanh” của bài hát Bánh Xe Lãng Tử.

Trong bản dịch Nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm chuyển câu nguyệt chiếu chinh phu mạo trong nguyên bản thành Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Tiếng điệp trạng từ dõi dõi ở đây bổ nghĩa cho động từ soi để chỉ ánh trăng soi theo mặt người khi có khi không. Nó được tác giả thêm vào làm cho bức tranh bên bản dịch có một sắc thái mới, khác với hay không có trong bức tranh nguyên bản.

Trong nguyên bản, tác giả Đặng Trần Côn tả cảnh Trăng soi mặt khách xa nhà, trong đó chỉ có trănggương mặt được họa lên. Sự xuất hiện của tiếng điệp trạng từ dõi dõi trong bản dịch làm cho tình hình sống động hơn nhiều. Nó khiến trí tưởng tượng người nghe được nâng lên một bậc đồng thời hướng về nhiều hình ảnh khác thoáng hiện chung quanh, có liên quan mật thiết với đối tượng được mô tả. Tiếng dõi dõi chỉ ánh trăng có khi soi mặt người mà cũng có khi không. Nó cho thấy gương mặt người khi sáng, khi tối. Do đó mà giữa trăng và người tưởng như còn có những đám mây, và thêm một làn gió thổi. Khi một đám mây trôi qua thì mây che ánh trăng khiến mặt người thành tối; khi mây trôi qua rồi thì mặt người sáng lại cho đến khi đám mây kế tiếp trôi qua. Chỉ có hai tiếng dõi dõi mà nữ sĩ đã thêm vào ba nét vẽ: một là gương mặt với sắc thái (nuance) khi sáng khi tối, hai là những đám mây trên không trung nhởn nhơ đi như đàn cừu, và ba là một làn gió mắt phàm không nhìn thấy. Thiết nghĩ chưa thấy một ngôn ngữ nào súc tích đến độ vẽ một bức tranh có bốn đối tượng là trăng, mặt người, mây, và gió bằng một câu vỏn vẹn có bảy chữ! Và chỉ một tiếng điệp trạng từ dõi dõi làm nên việc tài tình đó. Nó kích thích óc quan sát của con người một cách thích thú.

Tiếng điệp danh từ: Tiếng điệp danh từ như: người người, nhà nhà, nơi nơi, chốn chốn (5)… Tiếng người người là tiếng dùng chỉ một số nhiều người, nhưng không phải tất cả. Nếu muốn chỉ tất cả thì có tiếng đôi mọi người (everybody, everyone). Thí dụ hai câu sau đây:

  1. Hôm nay lễ hội, người người trong làng tham gia; trên ruộng trên đồng, bóng nông dân thưa thớt so với thường ngày. 
  2. Hôm nay lễ hội, mọi người trong làng tham gia; trên ruộng trên đồng bóng nông dân thưa thớt so với thường ngày.

Câu a) được viết đúng cung cách tiếng Việt, vì ngoài một số lớn người tham gia lễ hội còn một số không tham gia, nên có thể số người này đang làm việc ngoài đồng. Trong khi câu b) thì không thế. Lý do là khi dùng tiếng mọi người để chỉ số người tham gia lễ hội thì không còn ai ra ruộng ra đồng nữa.
Do đó, câu b) phải được viết là:

  1. Hôm nay lễ hội, mọi người trong làng tham gia; trên ruộng trên đồng vắng bóng nông dân.

Lưu ý: Trong kinh Phật có tiếng sắc sắc, không không, trong đó sắckhông là danh từ. Chữ sắc (worldly thing) và tiếng không (void, emptiness) nằm trong câu sắc tức thị không (sắc tức là không = những gì nhìn thấy được đều là cái trống không (6).) Khi lặp lại câu sắc tức thị không hai lần để nhấn mạnh, rồi rút gọn thì thành sắc sắc không không.

Tiếng điệp động từ: Tiếng điệp động từ dùng chỉ một hoạt động khi có khi không (off and on). Nó nói lên một sự bấp bênh, chập chờn. phiếu diễu, không ổn định (7), nhiều âm tính hơn dương tính. Thí dụ như nếu động từ cười là cử chỉ cười (liên tục) trên mặt một người thì tiếng điệp động từ cười cười chỉ một cái cười khi có khi không. Xem hai câu sau đây:

  1. Anh Nam vừa đọc thư nhà vừa cười. (Cái cười này hiện ra liên tục như cái cười bất biến trên mặt ông Địa) 
  2. Anh Nam vừa đọc thư nhà vừa cười cười.(Khi cười khi không)

Chữ cười ở câu a) báo cho biết trong thư anh Nam đang đọc, chỉ toàn chuyện vui, trong khi tiếng điệp động từ cười cười trong câu b) gợi ý trong bức thư đó, có chuyện vui mà cũng có chuyện không vui, khiến anh Nam phải ngưng cười như có điều gì làm anh phải suy nghĩ, rồi lại cười khi đọc tiếp tin vui. Khả năng mô tả của tiếng điệp động từ cười cười làm thay đổi tình tiết hay luồng tư tưởng của người nghe hay người đọc một cách rõ ràng: trừ trường hợp người đọc thư đóng kịch, động từ cười cười tiết lộ cái nội dung vui buồn của bức thư đồng thời nó cũng ngầm báo cho biết tâm trạng thật của người đang đọc bức thư đó. Một thí dụ khác (với động từ ăn.) trong hai câu sau đây:

  1. Hôm nay nhà không có đi chợ; ta ra phố ăn gì đi.
  2. Hôm nay nhà không có đi chợ; ta ra phố ăn ăn gì đi.

Câu a) có nghĩa: Khi vào hiệu ăn, thức ăn được dọn lên thì mọi người gầm đầu ăn liên tục cho đến xong bữa. Câu này giúp người nghe biết mọi người đều đang đói bụng cồn cào. Ăn là nhu cầu ưu tiên không thể bỏ qua, phải đi ngay.

Trong khi đó, câu b) có nghĩa: Khi món ăn được dọn lên thì vừa ăn vừa nói chuyện. Lý do là tiếng điệp ăn ăn có nghĩa khi ăn khi không. Hay là nhai nuốt xong thì ngưng (để uống rượu hay nói chuyện) không phải ăn liên tục từ đầu đến cuối (8). Người nghe câu có tiếng ăn ăn này, biết tình hình có thể trì hoãn, đi ăn là cái thú ra ngoài hơn là một nhu cầu cấp bách, không đi cũng được. Ngoài ra, người nói tiếng ăn ăn đó thấy ra phố thay đổi không khí, may ra vui hơn vì biết đâu còn gặp bạn bè khác. Ở đây, tiếng điệp đồng từ có khả năng đưa trí tưởng tượng của người nghe đi rất xa, đi nhiều hướng khác nhau, nó khiến người nghe hay đọc phải ngừng lại để kịp suy nghĩ. Nó cho thấy nhiều thứ khác ngoài cái hiện tiền.

Một thí dụ khác là tiếng điệp động từ rơi rơi trong Lá thu nhẹ rơi rơi của bài hát Tiếng Chuông Chiều Thu do Tô Vũ viết lời và nhạc. Nếu viết câu năm chữ trên đây thành Lá thu nhẹ nhẹ rơi (Thay tiếng điệp động từ rơi rơi thành tiếng điệp trạng từ nhẹ nhẹ), thì trong cảnh đó, chỉ thấy có lá rơi một cách êm êm. Êm êm có nghĩa là khi êm khi không; khả năng tối đa của nó chỉ giúp người nghe liên tưởng đến tiếng láy xào xạc là hết. Thế nhưng, thiên tài xuất hiện khi nhạc sĩ dùng tiếng điệp động từ rơi rơi cho ta vừa nghe nhạc, vừa nâng trí tưởng tượng của người nghe đến cảnh thu có ngọn gió hắc hiu, thổi từng đợt ngắn dài, khiến cho những chiếc lá rơi từng chiếc, từng chiếc – nghĩa là khi rơi khi không, khoảng cách rơi không đều nhau. Ngoài cái nhạc điệu êm êm, một tiếng điệp động từ rơi rơi đặt vào đúng chỗ đã vẽ lên cái mắt nhìn không thấy, nói cho ta biết lá “rơi như thế nào,” đồng thời cho cảm giác có luồng gió lành lạnh thổi qua. Tình tiết này làm cho toàn bài hát thành bất hủ vì lời ca làm cho nó thêm có hồn! Trong cùng một lúc, lời và nhạc điệu thoả mãn cả thính giác, thị giác, trí giác, và tâm giác, khiến cho người nghe thành ngất ngây mà không biết tại sao. Loại tiếng làm nên mị lực này thường chỉ xuất hiện một lần trong một câu văn hay câu thơ cũng đủ nâng giá trị của toàn đoạn văn hay đoạn thơ. Do đó, nhiều nhà ngữ học phải e dè khi phải đối mặt với những tiếng kỳ diệu, khó thể dịch sang tiếng khác một cách ngắn gọn và đủ ý tứ.

Thí dụ như tiếng điệp động từ dõi dõi trong Chinh Phụ Ngâm đã  được một dịch giả nổi tiếng đã hết sức khéo léo dùng động từ jouer (9) (tiếng Pháp có nghĩa là đùa giỡn, qua mặt, xử dụng, thay đổi hình dáng(10)) để diễn tả tính năng động của tiếng điệp dõi dõi, nhưng người đọc bản dịch vẫn cảm thấy như thiếu một chút gì. Ý chính của trăng dõi dõi soi (nhóm 4 chữ) là  ánh trăng soi khi tỏ khi mờ (nhóm đã là 7 chữ), rất khó dịch sang sang thí dụ như Anh hay Pháp ngữ bằng một tiếng hai âm như động từ jouer (Pháp) hay động từ một âm play (Anh), vì trong jouer hay play không hàm nghĩa khi có khi không. Trên đây là một ít nhận xét khả năng tuyệt vời về khoa mô tả văn học của tiếng điệp động từ Việt Nam. Một loại tiếng đôi khác, tiếng láy đôi, cũng có một tác động tâm lý nên đề phòng(11).

Tiếng láy đôi (alliteration / assonance): Tiếng này trong Anh ngữ gọi là “Sự lập lại của phụ âm đầu (entering consonant) như: house and home, hay là nguyên âm đầu (entering vowel) như; Intel Inside, hay nguyên âm cuối (ending rhymic vowel) như: vapor in the harbor . Và những tiếng sau đây là những thí dụ về tiếng láy trong Pháp ngữ:
clopin-clopan, serpents qui siflent, tortue en vue, gibbon du Japon, âme sans âge, auto avec radio….

Khác trên, vì đặc tính độc âm, tiếng láy đôi Việt Nam thường gồm hai chữ vô nghĩa, trong đó có khi có một tiếng có nghĩa. Cái chức năng lạ thường của tiếng lái Việt Nam là với sự ghép hai tiếng vô nghĩa hay là hai tiếng không trực tiếp liên hệ với nhau, kèm theo luật hoà âm để làm thành một tiếng có nghĩa, nhưng mông lung, phiếu diễu, tuy hiểu bằng trực giác qua âm điệu nhưng khó thể diễn tả một cách rành rẽ. Nó lại có thể biến hoá vô chừng về hình thức để tạo vần khi cần thiết mà không làm thay đổi ý nghĩa. Tiếng láy đôi rành rẽ khi cần thì bến thành rành rọt hay rành rành một cách thật dễ dàng. Ngoài ra, tiếng láy đôi Việt Nam còn giúp kiểm soát việc dùng đúng dầu hỏi và dấu ngã nhờ sự lặp lại của nguyên âm cuối.

Sự lặp lại gồm hai loại. Một là lặp lại phụ âm đầu hay là áp đầu vận, (alliteration) như: phơn phớt, cười cợt, ngót nghét,…Hai là loại lặp lại vần cuối hay là hiệp vận (assonance) như: lẹt đẹt, lụi hụi, loanh quanh,…

Láy đôi trong tiếng Nôm gồm có: chênh chếch, dí dởm, mập mạp, tơi tả, xong xả, xỉa xói, sấp sửa, lỏng khỏng, lỏng lẻo, lẽo đẽo, nguy nga, sóng soải, thu lu, hăng hái, xăng xái, lẻ loi, vằng vặc, mịt mù, nết na, bôn ba, xanh xao, gân guốc, gầy guộc, bâng khuâng, lu bu, thù lù, lụi xụi, lẹp kẹp, chèm nhèm, lèm bèm, lả tả, lã chã, …Cái giống nhau giữa láy Nôm và láy Anh ngữ là cái khả năng lôi cuốn sự chú ý của người nghe hay người đọc một cách thôi thúc. Do đó mà tiếng láy thường được dùng trong kỹ nghệ quảng cáo mang tính cách giựt gân. Nhưng trong tiếng Nôm, láy đôi còn có khả năng khác.

Giống như tiếng điệp, tiếng láy đôi khiến người nghe hay người đọc phải ngừng lại. Thời gian ngừng lại – dù nhanh hay chậm – là lúc ta nghe hay đọc bằng trí với óc tưởng tượng bị kích thích cao đô, không phải chỉ nghe bằng tai và xem chữ bằng mắt. Do đó, tiếng láy đôi, giống như điệp, có khả năng nâng trí tưởng tượng của người nghe hay người đọc lên một bậc, hay ngay cả xoay nó đi một hướng khác; và âm điệu đúng luật hoà âm của nó còn khiến cho người nghe bị xúc động. Trong câu Trăng nằm sóng soải trên cành liễu của Hàn Mặc Tử, chính tiếng láy sóng soải đưa trí tưởng tưởng của ta tạm thời bỏ trăng và liểu mà hướng về tính dục, về xác thịt, về cảm xúc mạnh.(12)

Hiện tượng này cũng thấy trong bản dịch sang tiếng Nôm bài Tuyệt Cú của Đổ Phủ đời Đường thế kỷ thứ  8 sau công nguyên có bốn câu:

Lưỡng cá hoàng oanh đề thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thượng thanh thiên
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền

Ông Trần trọng San, trong  Lý Bạch-Đổ Phủ-Bạch Cư Dị, Trần trọng San- Canada-1994.  chuyển ngữ bài thơ trên thành:

Liễu biếc oanh vàng vang vọng hót
Trời xanh cò trắng vút bay lên
Song ôm Tây lĩnh ngàn thu tuyết
Cổng đậu Đông Ngô vạn dậm thuyền

Một bài dịch sát ý, đúng  nghĩa nhưng chỉ là một bức tranh yên lặng hoàn toàn, không thấy người. Dịch giả đã khéo léo ẩn mình một nơi kín đáo, có lẽ nhằm giúp người đọc khỏi bị phân tâm trong khi ngắm (trong trí) một bức tranh tuyệt mỹ. Khi đọc xong bài dịch này, ta có thể cảm thấy thật tình thoải mái vì vừa được thưởng thức một bài dịch hay rồi để mắt sang bài khác hay từ từ xếp sách lại.  Thế nhưng, trước đó, bài Tuyệt cú này được Tản Đà, một thi bá Việt Nam, dịch thành:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Ngàn năm tuyết núi song in sắc
Vạn dậm thuyền Ngô bến rập rình

Thi sĩ dịch ba câu đầu thì coi như ít người có thể qua mặt về phương diện sát nghĩa và thoát ý. Người đọc theo dõi đến câu thứ tư, tự nhiên phải giựt mình vì tiếng láy rập rình thình lình xuất hiện ở cuối câu. Nó khiến ta phải tạm quên cảnh đẹp trước mắt để quan tâm đến cái trường hậu (13) của bài thơ, cái bề dưới của lớp mặt, để có cái nhìn chiêm nghiệm giống cái nhìn của Phật giáo: thân phận con người và hoàn cảnh chung quanh.

Ý của tiếng láy trạng từ rập rình này không có trong nguyên bản.  Sự hiện diện của nó không làm cho bài dịch đẹp thêm được nữa, vì toàn thể đã sát mức quá đẹp rồi.  Nó chỉ xuất hiện ở phần cuối với hai chữ tưởng chừng vô nghĩa nhưng có âm điệu lạ kỳ, gây cảm giác vừa trầm buồn, vừa tức tối, và xuất hiện với hai chức năng khác nhau.  Một là dạng thức lạ của nó khiến ta, như nhà văn Phạm xuân Đài viết trong bài Kẻ cuồng sĩ trong vườn cây (Bùi Giáng, Thế Kỷ- 1994) , “luôn luôn thích thú với sự tập họp chữ nghĩa ấy vì thấy nó ‘hay’, gần giống như đọc âm chữ Hán một bài thơ Đường, có khi không hiểu hết nghĩa nhưng tâm hồn vẫn bàng bạc một nỗi cảm hoài." Hai là nó hướng trí tưởng tượng của người đến một khám phá mới, xa hơn thực tại trước mắt. Hai sự kiện này tạo nên một liên hệ tình cảm giữa người đọc và những gì liên hệ đến bài thơ, khiến tất cả quyện vào nhau thành là một, khó thể chia lìa. Thời tiền chiến, có một ít bài thơ ký tên T.T. Kh.(14) đã khiến không biết bao người phải lòng rồi tương tư nhân vật nữ tưởng tượng trong nội dung.

Ở đây, qua tiếng láy rập rình, người đọc bắt được cái thú giang hồ vặt của thi nhân đang bị bó chân sống tại quê nhà, khiến lòng trí luôn bị dao động, bứt rứt.  Qua cái động luôn âm ỉ trong tâm hồn của mình, dịch giả nhìn trong trí những chiếc thuyền Ngô mà thấy được cái lắc lư nhịp nhàng của chúng rồi nhìn lại bản thân mình bỗng xót xa buồn cho thân thế, nên tưởng tượng mình cũng sắp sửa đi giang hồ, hay ít ra cũng vừa làm một chuyến viễn du mới về, thuyền còn mang theo cái  lắc lư của biển khơi vào bến đổ. Dịch giả cố tạo một huyền thoại viễn du để sống với nó dù cho chỉ sống trong vài giây thời giờ ngắn ngủi. Có mấy ai nhìn một vỏ ốc biển đơn côi mà không thấy trong trí mình cái bao la của đại dương và nghe tiếng gió thổi từ phiá không bờ? Muốn nghe tiếng gió này, ta chỉ dưa vỏ ốc lên tai tức sẽ biết.

Cảm xúc từ bài dịch có tiếng rập rình được biểu hiện qua lời thơ một cách " tức cảnh sinh tình" là như thế.  Người dù đang đọc hay đang nghe ngâm bài dịch đó, ngoài hình ảnh của bức tranh còn như nghe rõ tiếng thở dài của thi nhân, thấy rõ con người với một tâm sự, hay một tấm lòng. Một bài thơ hay, đâu có chấm hết ở chữ cuối cùng. Và cái âm vang cũng như cái cảm xúc là then chốt trong nghệ thuật truyền cảm.

Trong cảnh chia tay ban đêm giữa Thôi Oanh Oanh và Trương Thụy Quân có hai đoạn văn tiêu biểu.

Khi nàng Thôi quay mặt thì:

con đường lấp ló dưới trời đầy trăng.

Một tiếng láy đôi lấp ló báo hiệu sự lạ.  Chất thơ xuất hiện khi chàng Trương nhìn vết chân nơi người yêu vừa đi qua còn để lại trên con đường đó:

dấu chân trên cát nhịp nhàng
ngập ngừng, bịn rịn, vội vàng biến đi
sợ người trông thấy sinh nghi…

Cảm xúc yêu đương vừa mới dứt, chưa tan, chàng nhìn theo những dấu chân trên cát nàng bỏ lại và qua những tiếng láy nhịp nhàng, ngập ngừng, bịn rịn, vội vàng đó, chàng thấy những  bước chân quyến luyến của người con gái nhà trâm anh, sau khi leo tường qua hiên chùa tình tự với người yêu là chính chàng, rồi trở về. Đó là những bước đều nhau (đi khoan thai), rồi ngắn lại (đi nhanh), lún sâu hơn (đi chậm, ngập ngừng), quay quay (đứng lại bịn rịn) rồi biến mất vào không gian. Đó giống như một bức tranh tổng thể (colossal painting) đời Tống bên Trung hoa, nhìn vào thấy tất cả những hình thể trong đó như hướng tầm mắt người xem xoáy vào cái không gian ba chiều cộng thêm chiều thứ tư là cái thời gian thâm thẩm, nhưng thật ra tất cả chỉ nằm trong mặt phẳng hai chiều trên bức họa!

Sự rung động như trên đây là do tính chất phương phi của một ngôn ngữ nhờ tiếng đôi đặc biệt thường thấy trong những áng văn Nôm nay còn lưu lại.  Trong những áng văn này, từ vựng Việt Nam, qua khả năng biến hoá vô song và bản chất thành ngữ của chính nó, đã thật sự biến nền văn học bình dân của ta thành một thực thể đượm tính chất chân quê, bình dị, dễ thương, có khả năng thu hút người đọc và người nghe như một thứ ma dược.

Hãy xem lại đoạn thơ sau đây của Hàn Mặc Tử:

trăng nằm sóng soải trên cành liễu
đợi gió đông về để lả lơi
hoa lá ngây tình không muốn động
lòng em hồi họp chị Hằng ơi

Trong chỉ bốn câu thơ mà thi sĩ dùng đến ba tiếng láy đôi, khiến người đọc cảm thấy như ngừng thở. Người ngâm bài này, nếu có ý tứ, bắt buộc phải ngừng sau những tiếng láy đôi: sóng soải, lả lơi, và hồi họp để cho người nghe tìm hiểu kịp ý nghĩa tại sao của cái tư thế sóng soải, cái động tác lả lơi và cái tâm tư hồi họp; hay đưa trí tưởng tượng của mình đến một chiều hướng khác mà ít bị mệt mỏi tâm thức. Trong một bài viết về người thi sĩ tài ba này, có đoạn nói “ nhiều lúc thi sĩ (HMT) ngâm thơ của mình rồi ngất xỉu hồi lâu. Căn nguyên của sự ngừng thở, ngất xỉu này có phải chăng là những tiếng láy đôi mà thi sĩ đã sử dụng một cách khá bạo tay?

Một đoạn trong bài thơ Duyên tình con Gái Bắc của Nguyễn Tất Nhiên được trình bày như sau để ngầm trách tính kiêu sa của một:

Ta sẽ nhớ dặn dò lòng tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

Bạo hơn Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tất Nhiên dùng ba tiếng láy đôi tha thiết, vội vàng, vu vơ, trong bốn câu thơ mà còn thêm hai tiếng điệp khờ khờ ở câu thứ ba, và tiếng lặp thua thiệt ở câu bốn. Muốn hiểu ý của tiếng điệp khờ khờ này, nên tìm tiếng lặp có chữ khờ như khờ dại. Dại thường đi với ngu như trong tiếng lặp ngu dại. Còn khờ thì thiếu kinh nghiệm nên dễ tin người. Do thế mà qua tiếng điệp tính từ khờ khờ, tác giả đã dồn đối tượng vào cái lỗi lợi dụng lòng tin của người, khiến cho người thành hiện thân của đau khổ.

Tất cả những tiếng đặc biệt trên đây đã tạo nên một cảm xúc mạnh phi thường, có thể gây tai họa, hay báo trước một tang tóc (15). Nhớ lại trước kia, khoảng thập niên 60-70, tuần báo Thời Nay ở Sài gòn có đăng bài của một sinh viên Văn Khoa viết về cơn đột quị của cố thi sĩ Đông hồ.

Theo bài viết thì hôm đó vào khoảng 3 giờ chiều, giáo sư đang giảng về thơ của Ngân Giang nữ sĩ tả tâm trạng của Trưng Trắc về kinh sau khi phá được quân Tô Định qua hai câu:

chàng ơi! điện ngọc nguy nga quá
chênh chếch trăng tà bóng lẻ loi

Trong hai đoạn thơ của Hàn Mặc Tử và Nguyễn Tất Nhiên, mỗi bài bốn câu mà có tất cả ba tiếng láy đôi nằm chung trong một đoạn một cách bạt mạng, đọc lên thấy rờn rợn. Trên đây chỉ có hai câu thơ, mỗi câu bảy chữ mà nữ sĩ đặt vào đến ba tiếng đọc lên thành láy đôi là nguy nga, chênh chếch, lẻ loi, dễ gây nên cháng ngộp dồn dập.Riêng một tiếng lẻ loi đã nâng trí tưởng tượng của người đọc lên cao và tung nó ra nhiều hướng khác nhau. Về cung điện vinh quang mà không có chồng. Vua goá vợ còn cưới thêm vợ, nhưng phận liễu bồ đâu có thế được. Thắng được giặc nhưng đâu phải không hao binh tổn tướng. Rồi việc nước một mình sao thể gánh vác. Và biết đâu trong trí của mình, với giác quan thứ sáu thường có ở người nữ, Trưng Vương đã thấy chập chờn bóng Mã Viện đang chiêu binh phục thù! Rồi còn hình ảnh của một thiếu phụ một mình với ánh trăng loan. Nhiều cái lo nghĩ quá và cũng nhiều thương cảm kèm theo đã khiến cho giáo sư lúc đó tuổi cũng khá cao, trí tưởng tượng vọt lên quá nhanh, ngâm xong thì không kìm được cảm xúc mạnh đến nỗi tim ngừng đập; giáo sư ngã quỵ tại chỗ. Sinh viên dùng xe đưa ông vào bệnh viện Gralle nhưng dọc đường, bệnh nhân không hồi tỉnh!

Hơn ba trăm năm trước, thiên tài Nguyễn Du có lý khi nói như than:

rằng hay thì thật là hay
nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

 Cái hay thiên tài trong văn chương được truyền ra nhờ tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói chuyên chở và mô tả ý tứ trong khi chữ viết thì trình bày tất cả ra mặt bằng trên lá, trên giấy, trên đá, trên gỗ, trên sắt, trên xi măng, và cả trong lòng người. Người Trung Hoa xem trọng cả hai mặt chuyên chở và trình bày. Chữ của họ được vẽ ra bằng hình tượng chứa đầy triết học và có thể nói mỗi chữ là một phong cảnh tí hon. Chẳng những thế, họ còn bày ra thuật viết chữ đẹp, gọi là thư pháp (calligraphy), nhìn vào thấy như rồng bay phượng múa.

Tiếng Nôm từ khi dùng chữ quốc ngữ để viết thì xa rời thư pháp, nhưng vì dùng tiếng Việt là tiếng nằm nôi, người Việt Nam khó tránh được sự tìm gặp tận đáy lòng mình một tình cảm sâu xa đối với thứ tiếng tiền nhân ta tạo ra, mỗi tiếng là một tài sản quí báu, và dùng đó để viết nên những áng văn chương nhẹ về mẹo luật, theo kiểu nói sao viết vậy, nhưng đối với hậu thế là bất hủ. Cái khiến ta không quên được tiếng mẹ đẻ này có lẽ nhờ những tiếng đôi mà nói về ngữ thuật, các thi bá của ta đều là bực thầy khó chối cãi. Sự thể như thế là nhờ sức truyền cảm mạnh mẽ của những tiếng đôi được ghép lại một cách tài tình, ngoài ra còn ba loại tiếng đôi đặc biệt mà khả năng gây cảm xúc của nó là rõ ràng và đã được minh chứng.

Trong một tài liệu về Chinh Phụ Ngâm thấy có đoạn ghi khi đọc xong bản dịch do nữ sĩ họ Đoàn chuyển Nôm tác phẩm CPN của mình, Đặng Trần Côn, tác giả của nguyên bản, phải bái phục cho là quá hay, hay hơn bản ông viết bằng chữ Hán (16). Điều gì làm nên cái hay này nếu không là những tiếng láy Nôm giống loại như dõi dõi nằm đầy trong bản dịch?  Qua tay của nữ sĩ, chúng đã phát huy hết khả năng huyền diệu của mình. Và Đổ Phủ nếu có sống dậy, đọc bài Tuyệt cú của ông được dịch ra tiếng Nôm mà có tiếng láy rập rình khoá hậu, không biết phải bái phục Tản Đà của ta đến mức nào!

Tóm lại, cái đẹp và cái hay của tiếng Nôm nằm ở chỗ ý ngắn tình dài như nói trên đây. Thêm vào đó, giọng phát âm có mười giai điệu giúp tai như nghe nhạc. Tuy nhiên, có khi ta chú ý nhiều đến giai điệu cao thấp cho âm điệu thanh tao mà bỏ quên phần đích xác ngữ nghĩa; khiến cho tiếng của ta có phần nào thiếu phần chính danh. Thí dụ như tiếng thời thượng cà chớn không biết nghĩa thật ra sao, vì nó có thể đi với nhiều động từ khác nhau với nghĩa khác nhau. Tiếng đôi Chớ bộ của người miền Nam hay dùng như trong câu “(Chớ) bộ anh tưởng tôi khoẻ lắm sao?” khi nghe thì hiểu đại khái mà không biết nghĩa ẩn dụ thế nào, khi phải dịch sang tiếng người thì khó giữ nguyên nghĩa đó. Trong Tự điển danh nhân Việt Nam có câu: Nhiều dân tộc còn đang đi tìm gốc. Nếu viết thành : “ Hiện nay, nhiều dân tộc còn đang đi tìm nguồn gốc của tổ tiên mình,” thì câu có số chữ nhiều hơn, nhưng đầy đủ và dễ hiểu hơn. 

Nhiều người nước ngoài học tiếng Việt Nam rất ngại khi gặp sự thiếu chính xác này.

Nhưng thiết tưởng không nên coi đó là việc của họ. 

Tiểu Đĩnh


1. Tiếng Trung hoa là độc âm,  có 9990 tiếng đơn.  Tiếng Nôm trong các từ điển Việt Nam, cũng có số tương đương, và có thể hơn nếu tính những tiếng sau 1975 như: chảnh, xịn, súm, tút, tuýt, cùa, cún, ….

2. Vì đặc tính trầm trầm bổng bổng này mà tiếng nôm có đến 10 dấu, nhiều hơn tiếng Trung Hoa  6 dấu. Một bài thơ Đường ngâm theo tiếng Nôm nghe êm tai người Việt hơn ngâm theo tiếng Quảng đông hay Quan thoại.

3. Tiếng kiều cư (alien) là tiếng vay mượn từ nước ngoài mà chưa được xem là đã nhập tịch. Những tiếng như tà-lú (con đê), nhà mét (cầu tiêu), xà-lúp (tàu đò)… được vay từ tiếng Pháp: talut, merde, chaloupe…nay không còn dùng nữa. Người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ mà chưa nhập tịch thì được gọi là Việt kiều. Nếu đã nhập cư  thành công dân Hoa Kỳ thì được gọi là người Mỹ gốc Việt. Tiếng nhập cư (denizen) là tiếng vay mượn nhưng đã nhập tịch thành tiếng bản xứ. Những tiếng Hán-Việt hiểu theo nghĩa này là tiếng nhập cư.

4. Điệp là lặp lại âm điệu như điệp khúc là khúc hát lặp lại âm điệu.

5. Người Trung hoa có loại lặp danh từ như mã mã, hổ hổ, (ngựa ngựa, cọp cọp) chỉ nghĩa “cũng thế này thế kia.” Khi họ nói :” Ngã khai xa mã mã hổ hổ,” là muốn khoe “ Tôi lái xe cũng tạm tạm.”

6. Sắc tức thị không = Everything visible is empty-- Far East English-Chinese = Chinese English Dictionary by Lương Quí Thu. Câu này nói ý chung chung: không khí ta thở từng phút là có thật nhưng mắt nhìn không thấy.

7. Trong bài hát Còn Có Bao Ngày, nhạc sĩ họ Trịnh có câu “Ta nghe đời như có như không,” là để diễn tả cái tính chất bấp bênh này.

8. Người Trung Hoa cũng nói: Tạc thiên thượng dạ, ngã môn khứ thành ngoại, ngật ngật Trung Quốc phạn. (Đêm hôm qua chúng tôi ra phố  ăn ăn cơm Tàu.)

9. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi = Et cette lune qui luit avec insistance, joue sur the visage des  maris combatants.(Do cụ Huỳnh khắc Dụng) Trích Chinh Phụ ngậm Tập chú  -Nguyễn bá Triệu, trương 247. Trong khi đó, bản dịch Chinh Phụ Ngâm sang tiếng Anh của cụ Huỳnh Sanh Thông thấy ghi:
On soldier’s faces, shines the stalking moon.  Thiển nghĩ một động từ stalking có thể nói lên phần nào nghĩa của nhóm chữ dõi dõi soi, trong đó tiếng điệp dõi dõi hiện ra như một bật thầy về khoa mô tả.

10. La fenêtre a joué sous l’influence du temps. (Thời tiết làm cửa sổ thay hình đổi dạng)

11. Trong một bài viết do một sinh viên trường Văn Khoa Sài gòn trước năm 1975, cố thi sĩ Đông Hồ đã bị đột quị ngay trên bụt giảng vì ảnh hưởng của sự tập họp tiếng loại láy này!

12. Tiếng láy đôi sóng soải , giống như các tiếng láy đôi  khác, còn chịu luật hoà âm mà thành sòng soãi,sòng soại,  sọng soài, sọng soãi, song soải, song soái tùy nhu cầu âm điệu của câu văn hay câu thơ. Tác năng của nó không thay đổi.

13. Hậu quả lâu dài, khác với đoản hậu là hậu quả trước mắt.

14. Một trong các bài này mở đầu bằng:
            một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
            nhặt cánh hoa rơi chăng thấy buồn…

15. Tác giả tập thơ Thiên Tai cũng là tác giả của bài thơ này ra đi ngày 3/8/1992 ở tuổi 40!  Còn Hàn Mặc Tử khi ra đi còn ít tuổi hơn thế!

16. Thời này văn nhân của ta làm thơ bằng chữ Hán dễ hơn bằng tiếng Nôm. Đặng tiên sinh phục lăn là phải, tin được. Một là ông nhỏ hơn bà khá nhiều tuổi, hai là ông làm được thơ bằng chữ  Nôm nhưng không thấy ai khen cả!

17. Có lẽ đây là do ảnh hưởng cách hành văn từ thời các bậc Thánh Hiền bên Trung Hoa cổ đại. Câu bốn chữ của Tuân Tử, “Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục,” phải nhờ các cụ túc nho giảng nghĩa thì người thường mới hiểu.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010