Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

Nắng Saigon

" Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Saigon đẹp lắm, Saigon ơi! Saigon ơi! "

Nhạc phẩm “ Saigon “ của nhạc sỹ Y Vân, được tác giả sáng tác trong khung cảnh Saigon cách đây mấy mươi năm, là một ca khúc được phổ biến nhiều nhất, trong các bài hát nổi tiếng viết về Saigon ngày trước. Trước năm 1975, miền Nam được gọi là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Saigon là trung tâm, là thủ đô của cái vùng “ đất lành chim đậu “ này. Saigon là nơi dừng chân, là trú quán, là chốn đón nhận những người tứ xứ tụ tập về. Sau năm 1975, hình ảnh Saigon với những nét đẹp, nét thơ, nét đặc biệt riêng... vụt lớn dậy trong ánh mắt, trong trái tim của những người Việt xa xứ. Saigon được nhắc đến như một nơi chôn nhau cắt rún, để mà xốn xang tấc dạ, để mà quyến luyến, nhớ nhung. Saigon trở thành tâm điểm của hoài vọng, thương yêu.

Nắng Saigon còn ấm không em?
Hai hàng cây bóng ngả bên thềm
Nắng ban mai xanh màu mắt biếc
Gió ban chiều làm tóc em bay - Nguyệt Ánh

Một nhạc phẩm khác nói về Saigon, cũng được đa số thính giả Việt Nam yêu chuộng, đó là bài “ Áo lụa Hà Đông “, nguyên là một bài thơ của nhà thơ Nguyên Sa.

" Bài thơ ấy đã được Ngô Thụy Miên tháp cánh âm nhạc để trở thành một tình khúc để đời. Từ nhạc, từ lời, là tha thiết kỷ niệm, là mở rộng ra những phương trời lãng mạn của những người thèm khát bước phiêu du. Cũng là nắng, cũng là mưa của một thành phố miền nhiệt đới, nhưng sao trong những hạt mưa ấy, những sợi nắng kia, biết bao nhiêu là hồi tưởng và kỷ niệm chẳng thể nào quên của một đời người "- Nguyễn Mạnh Trinh.

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
- Nguyên Sa

Áo lụa Hà Đông, cách xa cả ngàn cây số, đã phiêu lạc vào đất Saigon để xuất hiện một cách rạng rỡ trong ánh nắng vàng tươi của thành phố này, chắc chắn sẽ còn giữ mãi thanh xuân, khi còn được nâng niu, chiều chuộng bằng sự thân ái, cái trẻ trung của Saigon. Còn nơi đâu thích hợp hơn Saigon? Nơi tập trung tinh hoa của nhiều miền đất nước trong thập niên 50, 60 và 70, sau cuộc di cư năm 1954 của hàng triệu người bên kia vỹ tuyến 17. 

Mà cần gì phải đúng là lụa Hà Đông chính gốc, những tà áo trắng tung tăng trong nắng của nữ sinh các trường trung học Saigon như Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng à vẫn mãi còn in sâu trong tâm hồn các nam sinh Petrus Ký, Chu Văn An, Võ Trường Toản à từ ngày trước, thời cắp sách đến trường, đến ngày nay và cả ngày sau.

Sáng nay Saigon khoe nắng đó!
em có nghe rạo rực gì không?
áo dài công chúa phong phanh gió
thấp thoáng tàn cây đo đỏ bông - TTSH

Rõ ràng Saigon có sở hữu một thứ, hễ nhắc đến thành phố này là người ta nghĩ ngay đến liền: đó là nắng, cái nắng nhiệt đới tiêu biểu.

Nắng là ánh sáng của mặt trời chiếu xuống tạo ra, bao gồm nhiều ánh sáng đơn sắc, biến thiên liên tục, nếu nhìn qua lăng kính gồm có bảy màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím.
Giọt nắng là những hạt li ti, mang trên mình một năng lượng khá cao, do nhiệt độ tỏa ra từ mặt trời, cho nên ta sẽ cảm thấy ấm áp, nóng nực hay lạnh giá... tùy theo số lượng nắng của mỗi mùa trong năm.
Ánh nắng chiếu xuống tạo thành những khoảng sáng tối khác nhau trong không gian. Khi bị các đám mây, cây lá, nhà cửa … ngăn cản, ánh nắng sẽ chiếu thành những chiếc bóng nghiêng theo chiều chuyển động của trái đất trên quỹ đạo quay quanh mặt trời. Quỹ đạo quay này tạo ra ngày và đêm. Ngày bắt đầu khi mặt trời xuất hiện ở phía Đông và nghiêng dần về phía Tây rồi biến mất, để đêm đến.

Lũ con ngây dại của mặt trời tràn xuống trần gian
Xé toang những áng mây thơ ngây
Lao vào mọi thứ lộ bày
Chúng nung cháy ngày đến nóng chảy vào đêm.
Nắng đấy!
Ngày thức dậy,
Nắng dịu dàng phương Đông - ThotreT320

Saigon đúng là một nơi toàn nắng và nắng, nắng Saigon rộn ràng soi sáng từng hốc hẻm, mỗi góc phố, mọi nẻo đường... Nắng luôn chan hòa bao dung, che chở như những con người Saigon luôn luôn xởi lởi, hiếu khách.”Cái đất Saigon, chờ mưa gặp nắng, tưởng người dưng lại hạnh ngộ đá vàng “- BC.

Saigon không có bốn mùa xuân hạ thu đông, chỉ có hai mùa rõ rệt là mưa và nắng. Cả trong mùa mưa, cứ hết mưa là nắng ửng lên liền, hiếm khi có những trận mưa kéo dài quá một ngày, những cơn mưa dai dẳng thường chỉ  xảy ra vào buổi chiều, buổi tối mà thôi. Ngay đến những ngày trời ui ui, cũng còn có chút nắng loe hoe vàng. Có thể nói là Saigon nắng suốt tháng quanh năm. Tống số ngày nắng luôn gấp đôi, gấp ba tổng số ngày mưa.

Anh vẫn nhớ Saigon vàng nắng mượt
chắc mùa thu dàn kín cả năm dài
hay là xuân ướp vài giọt mưa bay
vương vào mắt long lanh màu... rất dịu - TTSH

Saigon nắng từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, nắng từ lúc tranh tối tranh sáng của bình minh đến lúc nhá nhem, chạng vạng của hoàng hôn. Vì vậy, nắng Saigon có biết bao nhiêu là điều để mà kể lể: từ sắc thái, cường độ của nắng trong một ngày, cũng như tính chất, đặc điểm của nắng trong một mùa hay một năm. Cũng là nắng, nhưng sắc nắng thay đổi tùy theo từng thời điểm khác nhau trong một ngày, tùy theo từng thời gian khác nhau trong một mùa hay nắng đổi thay theo những cảm nhận, những tâm tình thương thương, ghét ghét qua thể hiện của mỗi người.

Lìa Sài Gòn đã bao năm xa vắng
Nhớ nắng Sài Gòn, nắng ấm ngày xưa
Ta lớn khôn nhờ những ngày đẹp nắng
Nên tiếc thương nắng ấy đến bây giờ - 
Phạm Thành Tính

Vừa mới bình minh, mặt trời đã mọc để nắng lên rất sớm, nắng đầu ngày còn gọi là nắng ban mai, nắng sớm hay nắng sáng. Những vuông nắng ấm áp, nồng nàn soi xuống trần gian cho vạn vật thức dậy, cho con người lại bắt đầu một ngày mới với những công việc, với nhịp sống thường nhật của mình. Nắng ban mai trong veo chiếu lấp lánh trên mắt, trên môi của những tà áo trắng rộn rã đến trường. Nắng đầu ngày tinh khôi đậu nhẹ nhàng trên vai, trên tóc của những người hối hả đến hãng, đến sở. Nắng sáng sớm vờn mơn man trên da thịt những người ngồi uống cà phê đọc báo sáng... Ai vội vã thì cứ vội vã, ai thong dong thì cứ thong dong.

Kết ngàn tia nắng sớm
Thành trang giấy bình minh
Hồn ta là ngòi bút
Thảo câu thơ tự tình - thotre T013

Saigon thức dậy trong không gian nắng trải đều khắp nơi. Nắng len lỏi qua mọi cửa của mọi nhà. Nắng thả mình nghịch ngợm trên cành, trên lá. Nắng hồn nhiên luồn qua kẽ lá, xuyên qua tàn cây, dọi thành những bóng nắng nhảy múa trên mặt đất. Nắng xao xuyến trên những đóa hoa lay động nhè nhẹ trong gió. Mọi phố xá, mọi nẻo đường đều bừng tỉnh với màu vàng tươi mềm mại của nắng. Nắng đầu ngày rộn ràng như tuổi mới lớn, như một sức sống mới, như một niềm tin mới bừng lên trong hồn người.

Cho phố một ngày mật ngọt tràn đầy
Nắng sáng thanh tân tung khắp trời tơ lụa
Em bé, cụ già tươi như nét chỉ thêu - Văn Thị Hạnh Thủy

Saigon tràn ngập nắng. Nắng tiếp tục chiếu vàng rực rỡ trên mọi nẻo đường, cho đến lúc bóng nắng tròn, mặt trời đã từ từ lên đến đỉnh đầu, hay còn gọi là thiên điểm, lúc đó là 12 giờ trưa, thuộc giờ ngọ, gọi là “ chánh ngọ “.

" Nắng đứng vì mặt trời chiếu thẳng vào đỉnh đầu, tia thẳng không còn chếch, mười hướng nắng chang, mọi sự như ngừng. Khi đó gọi là ngọ, còn gọi là trùng bóng vì người và bóng nhập làm một giữa trưa. Tuổi nhỏ mẹ cấm đi chơi giờ ngọ vì giờ đó người đi sẽ không có bóng giống như ma quỷ, chúng sẽ tưởng là đồng loại và hớp lấy thần hồn. Thì ra thế, người khác ma quỷ ở một chiếc bóng."- Vũ Hoàng Thư

Trời kiêu bạc nắng - đầu trần
ta bay giữa ngọ - huy hoàng bóng em
Saigon không vách không phên
ta hồn trống- đứng ngoài thềm gọi tên - TTSH 

Nắng trưa bấy giờ rất chói chang, như đốt cháy được da thịt, để đầu trần khi đi ra đường, hay phải đội nắng làm việc giữa trưa, dễ làm cho người ta say nắng, choáng váng, chứ không chỉ khó chịu, mệt mỏi mà thôi. Nắng không chút ngần ngại, hừng hực xuyên qua nón, qua quần áo... chiếu vào mắt, táp vào mặt, người thì rịn rịn, nhơm nhớp mồ hôi, cộng thêm tiếng động ồn ào và không khí đầy bụi bặm. Chính những buổi trưa nắng đổ lửa như vậy, người ta mới thật sự thấy cần những bóng mát của những hàng cây cao rợp lá trên những con đường như Duy Tân, Nguyễn Du, Trần Quý Cáp... của ngày xưa. 

Nguyễn Du đầy lá me bay
Huyền Trân công chúa hàng cây ngậm ngùi
Vương Cung ngói đỏ phai rồi
Duy Tân ngơ ngác một thời chờ ai
Đường Phan Thanh Giản trải dài
Nắng hôn mái tóc lên vai của người - Lam Thanh

Để đẩy lùi cơn khát khô cổ của người đi đường vào buổi trưa nắng nóng, ngoài nước trà đá chiếm địa vị số một, vì vừa rẻ lại vừa đã khát nhất, vỉa hè Saigon còn đáp ứng bằng đủ thứ nước giải khát bình dân, thường trực mỗi ngày. Đó là những hàng nước sinh tố trái cây xay, những xe đẩy đậu sát lề đường bán nước mát, nước dừa, nước rau má, sữa đậu nành lạnh...

Nước mát là nước mía lau, nước sâm, nước trà cúc, nay còn có thêm nước artichaut, nước bí đao; Nước dừa hoặc pha sẵn trong thau thủy tinh để bán từng ly, hoặc bán từng trái dừa riêng đã vạt vỏ ngoài rồi ướp đá; Bên cạnh sữa đậu nành còn có sữa đậu xanh, hay nước rau má xay với đậu phọng...

Nước mía có mặt đã từ lâu, là một thứ giải khát rất phổ biến, được dân Saigon rất ưa chuộng, thông thường là những xe nước mía ( ngày xưa quay bằng tay, ngày nay gắn máy điện ) để lui vào phía trong, tạo thành quán nước mía. Mùi vị nước mía thì  không tính người lớn, tuổi học trò, dù con nhà giàu hay nhà nghèo đều biết.

Nói đến tuổi học trò, ta cũng không thể quên những xe bán đậu đỏ bánh lọt ở các trường trung học ( ngon nhất là các xe ở trường Gia Long), những xe bán xi rô đá nhận ở các cổng trường tiểu học hay món cà rem ( cà lem, kem cây ) của những ông già còng lưng đạp xe hay những chú nhỏ vác thùng, tay lắc chuông đồng leng keng bán dạo trong những ngõ, hẻm ban trưa.

xe nước mía bên lề đời hối hả
trời Sài Gòn nắng rực nỗi xôn xao
hương nước mía thơm môi người xa lạ
trộm nhìn ai ngỡ quen tự khi nào- ???

Bóng xế, trời về chiều, nhưng nắng chưa tàn, những cơn gió chiều ở bến Bạch Đằng, cuối đường Tự Do, thổi vào tuy có làm dịu đi phần nào cái oi nồng của nắng trưa, nhưng vẫn còn hâm hấp nóng. Đường sá vẫn đông đảo người qua lại, ai nấy đều mệt mỏi, muốn chạy nhanh về nhà của mình, chuyện kẹt xe, nỗi ám ảnh triền miên của người dân Saigon, không thể nào tránh khỏi!

chiều nghịch trời rải mây vô lối
nham nhở xanh hồng tím đỏ cam
nắng a dua lăng quăng nhảy nhót
hoa mắt người đi giữa phố đông - TTSH

Nắng chiều đổ xiên xuống mặt đất tạo thành những cái bóng nghiêng nghiêng, báo hiệu một ngày sắp sửa hết. Sắc nắng chín muồi của màu vàng héo và màu đỏ tươi trộn lẫn với nhau lúc đó, làm nên một ánh sáng lung linh phản chiếu lên những đám mây buổi chiều, để tạo thành những ráng chiều lấp lóa thật đẹp, thật rực rỡ.

Có những buổi chiều đặc biệt, có nghĩa là không phải chiều nào cũng vậy, những vạt nắng chiều hồng hồng, cam cam quyến rũ này trở nên gay gắt, chói chang một cách lạ lùng, giống như lửa tàn vụt bừng cháy lần cuối rồi tắt ngấm, mà người ta gọi là nắng quái. Tục ngữ Việt Nam có câu: " Gái thương chồng đang đông buổi chợ. Trai thương vợ nắng quái chiều hôm ". Nắng quái làm cho hoàng hôn mang một sắc thái kỳ dị, vì nó pha trộn giữa ánh sáng lộng lẫy, mãnh liệt của của nắng cuối ngày với cái âm u, tàn lụi của màn đêm.

Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì
Nắng còn nắng bao la thì xin đêm đợi chờ
- Phạm Duy

Chiều trôi chầm chậm, mặt trời ngả dần về phía Tây, nhưng nắng nhạt nhòa rất nhanh, những vệt nhỏ lan ra mỏng manh. Đến khi mặt trời đỏ rực đang từ từ lặn khuất ở chân trời, các khoảnh khắc thời gian tiếp nối nhau như có vẻ nhanh hơn, cái ánh nắng màu đỏ chiếu hắt lên bầu trời từ phía chân trời, rồi tàn lụn, tàn lụn... mọi thứ trở nên mờ nhạt, nhập nhòe rồi tối dần. Thành phố bắt đầu lên đèn.

Một vài tia nắng yếu ớt còn sót lại trên những tàn cây cao, trong các mảng sáng trên những lớp mây, người ta gọi  lúc đó là hoàng hôn. Hoàng hôn là khoảng thời gian ngay sau khi mặt trời lặn cho đến khi trời tối hẳn. Phải một ngày nắng ra nắng thì hoàng hôn mới đúng là hoàng hôn!

ngồi xuống. ngày trôi sau lưng
một hoàng hôn bước lừng khừng lên ta
em về đâu đó rất xa
tóc bay rợp cả trời da diết hồng - TTSH

 

" Chiều lên dần dần. Tôi càng đi trời càng tối... Vâng, chiều lên dần dần: chiều không xuống. Đầu tiên ruộng hai bên đường thẫm lại; những bụi cây, lá không phân biệt nữa, thành những khối bóng. Chín mười cây cau song song vụt lên, giữ sáng ở trên đầu như những cây nến khổng lồ.
Ánh vàng nhạt cứ bớt mãi, có ai kéo về trời để thắp các vì sao. Tàu lá cau trỗi nhất gượng bám chút bụi mặt trời. Nhưng hết rồi. Bóng càng lên mau, càng đậm mãi, xuất tự đất đen, trong khi ở sát da trời, còn mơ hồ ánh sáng. Trí tôi thấy, tuy mắt tôi không, những lớp bóng càng ở trên càng nhạt một tý, và cái đen tối cứ lên hoài, cho đến lúc ngập cả trời cao "

Qua đoạn văn tả lúc chiều đi vào đêm này, thi sỹ Xuân Diệu cho rằng chiều lên dần dần, bóng tối đi theo chiều từ mặt đất lên đến bầu trời, rồi bao phủ hoàn toàn vạn vật. Nhà thơ còn có một ý tưởng là những ngọn cây cao nhất còn giữ được chút nắng ở trên đầu, trông như những cây nến khổng lồ, mà sau này nhạc sỹ TCS cũng có nói đến trong nhạc phẩm Nắng thủy tinh:   

Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em

Trong thi ca Việt Nam, có người cho rằng “ chiều lên “ như Xuân Diệu, Phạm Duy “ Trong chiều lên , có loài người và cây cỏ “  hay nói rõ ràng hơn về nắng như Huy Cận “ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót “, TCS “ Nắng chiều lên cao để nắng tắt “à có người cho rằng “ chiều xuống “ như Nguyễn Văn Khánh “ Trên đồi xanh chiều đã xuống dần “, Minh Kỳ - Dạ Cầm “ Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ “...Chiều lên / chiều xuống hay nắng lên / nắng xuống là do nhận xét và cảm xúc riêng của mỗi cá nhân về thời khắc giao điểm giữa ngày và đêm.

Ngày đi qua nắng, ngày tàn
Đêm rân rấn gọi một hoàng hôn qua - TTSH

Khoảng thời gian chiều đang qua những bước cuối cùng này sao buồn quá! Cái ánh sáng nhá nhem của “ chiều chậm đưa chân ngày “ ( Hồ Dzếnh ), với những tia nắng mờ nhạt hắt vàng một dải trên những ngọn cây, như nuối tiếc điều gì giờ dang dở, để rồi cũng phải hòa vào không gian nhập nhoạng, đắm mình vào bóng tối.

Bóng xế chiều tà làm cho tâm hồn trầm xuống; Hoàng hôn làm con người nhớ nhung: nhớ người, nhớ cảnh, nhớ nhà... Ngày tàn làm con người hồi tưởng quá khứ, đắn đo hiện tại và nghi vấn tương lai. Có những tâm hồn như thăng hoa lẫn vào cảnh vật, không gian và thời gian này, nhờ vậy mà hậu sinh thừa hưởng những áng văn thơ trác tuyệt. Và cũng có người ở thời điểm xế chiều của đời mình, đã có những khoảnh khắc nắng quái bùng lên mạnh mẽ, để rồi trong thoáng chốc hoàng hôn lặng lẽ phủ vây, theo qui luật của tạo hóa.

Giọt nắng buông lơi
Cây buồn thôi giữ lá
Chiều tàn nhanh
Buồn lên suốt mênh mông - Trương Đình Trác

Ở Saigon, sắc nắng biến đổi trong từng giờ của một ngày, ánh nắng cũng khác nhau theo từng lúc, từng tháng của từng mùa trong mỗi năm. Mùa nắng Saigon, còn gọi là mùa khô kéo dài từ tháng 10, 11 dương lịch đến tháng 4, 5 năm sau. Tháng 10, 11 lúc cuối mùa mưa, đầu mùa nắng và tháng 5 lúc cuối mùa nắng, đầu mùa mưa thì những ngày mưa và nắng cứ lẫn lộn với nhau, nên  mùa nắng thật sự bắt đầu vào lúc nào trong khoảng thời gian này là tùy theo năm đó mưa nhiều hay ít.

Thông thường khi tháng mười sắp hết, thì mùa mưa cũng sẽ hết, sẽ hết nhưng chưa hẳn hết, mưa vẫn còn " thoắt ẩn thoắt hiện ", để chuẩn bị nhường chỗ từ từ cho nắng. Thỉnh thoảng bầu trời Saigon chợt sáng lên nhờ những tia nắng vàng chanh ưng ửng vẹt mây mù rọi xuống.

Trời tháng mười chao nghiêng hai bề mưa nắng
 mưa tháng mười ướt ký ức một thời
 nắng tháng mười soi lại tuổi hai mươi
tình tháng mười hanh hao nỗi nhớ - CLBVT

Rồi những ngày nắng đẹp cũng tới sau những ngày mưa ẩm ướt! Nắng mới đem cái ấm nồng của trời, sự đằm thắm của đất về cho muôn loài. Nắng mềm mại trong gió, nắng lung linh thắp sáng không gian, nắng sóng sánh như những giọt mật ong phủ lên phố xá. Nắng không gay gắt, không chói chang, cũng không rát mặt. Nắng vừa đủ để bắt màu xanh mới của cây, của lá, nắng trải vàng xuống những thảm cỏ non sau mùa mưa. Trong nắng đầu mùa, vạn vật như có hồn hẳn lên.

ngơ ngẩn. nắng đơm màu áo mới
thì thầm lời gió cũng tung tăng
vạt em dìu dịu lên men. thở
lá bỏ cây. bay. nỗi nhớ tràn - TTSH

Saigon bây giờ vàng nắng, vàng lá, vàng những hàng cây... Nếu nói theo hai mùa mưa và nắng của Saigon, thì nắng tháng 11, tháng 12 là nắng đầu mùa nắng. Còn tính theo niên lịch (dương lịch cũng như âm lịch) thì nắng lúc này là nắng cuối năm. Thi sỹ Đỗ Trung Quân đã có rất nhiều cảm xúc với cái nắng vàng cuối năm của Saigon trong thơ văn của mình:

” Con đường nào của Saigon cũng đẹp (dù đi mỗi ngày, có gì lạ đâu chứ ?), cái lạ là sự chuyển động nhè nhẹ của nắng, của gió, của chính trong lòng thôi. Ôi nắng cuối năm sau mày vàng thế ?

" Một hôm thấy nắng vàng ngoài hiên. Nắng như là năm cũ. Một hôm thấy nắng vàng vừa lên.
Vui - buồn không biết nữa. Chỉ là nắng vàng thôi mà... “

" Nắng vàng mà se lạnh. Cái nắng cuối năm bao giờ cũng quá đỗi bâng khuâng, gợi nhớ. Nhớ gì? Không rõ lắm. Nhớ một ngày xưa thuở còn tuổi trẻ, nhớ một gương mặt, một hình bóng giờ đang ở chân mây cuối trời, nhớ đường phố cuối năm lá dong xanh, dưa hấu đỏ, mứt tết nhuộm hồng...  Ồ ! Nắng vàng sao mà nhớ nhung. Nắng Tết, nắng cũ, nắng xưa, lúc nào gặp màu nắng ấy cũng thấy như lần đầu. "

Ta không ra phố đi tìm Tết
Chiều cuối năm rồi - nắng đỉnh cây
Phố đông, trả những người con gái
Tóc tém thôi còn thả gió bay …- Đỗ Trung Quân

Saigon cuối năm thường có một số ngày se se lạnh, trong ngày thì nắng nóng, ban đêm và sáng sớm có gió lạnh, khoảng trước sau lễ Giáng Sinh một chút, để gọi là biết chút lạnh như các nơi khác, chứ không được tính là mùa lạnh.

(Nhờ chút lạnh hiếm hoi đó, mà năm nào không khí Saigon đêm Giáng Sinh, mừng chúa ra đời cũng thật là tưng bừng. Già trẻ, lớn bé, người có đạo hay ngoại đạo... tất cả đều đổ dồn về khu Vương Cung Thánh Đường, ngay gần trung tâm Saigon để tham dự, để  nhìn thấy hay chỉ để nghe tiếng chuông đổ của thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ Đức Bà. Con đường Tự Do nay là Đồng Khởi, nối dài nhà thờ Đức Bà đến bến Bạch Đằng, tràn ngập nam thanh nữ tú chen vai, thích cánh để nhìn ngắm nhau. Những chỗ dừng chân của họ là trước tòa Đô Chính, trong công viên trước nhà Quốc Hội hay các quán cà phê dọc đường Tự Do như Givral, Brodard, La Pagode ...)

Saigon gần Noel
Trời như cho chút lạnh
Se se vào vạt nắng
So bờ vai ban mai - TTSH

Người ta hay nói Saigon không có mùa thu, không có mùa đông và cũng không có mùa xuân, chỉ có những ngày xuân, ngày Tết mà thôi.

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông
Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ
Trời Saigon xanh cao như quyến rũ
Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam - Bùi Văn Dung

Nắng Saigon những ngày sắp Tết cao mà dịu, hanh hanh dễ chịu, càng làm nôn nao thêm không khí Tết đang cận kề. Tết Saigon là tết của một đô thị tươi vui trong nắng!

Nắng vàng rọi sáng mọi con đường đang đông đúc, nhộn nhịp người đi mua sắm. Chợ Tết tấp nập, tràn ngập màu sắc của đủ loại hàng hóa phong phú và đa dạng, tiêu biểu nhất là những sạp hàng dựng san sát nhau chất đầy bánh, mứt, trái cây..., cộng thêm tiếng loa phóng thanh rao hàng, rôm rả nhất là ở chợ Bến Thành.

Nắng vàng rộn ràng thôi thúc ngàn nụ hoa, nắng lại chực chờ tô điểm thêm cho bao nhiêu đóa hoa muôn màu, muôn sắc như mai, đào, lan, cúc, hồng, vạn thọ, thủy tiên … trong chợ hoa Nguyễn Huệ ( nay trở thành đường hoa Nguyễn Huệ ). Mọi thứ từ cây kiểng, hoa đẹp đến trái ngon, vật lạ... đều được giành cho ngày Tết!
Bên cạnh mai vàng là loài hoa tượng trưng cho Tết miền Nam, dưa hấu cũng là một sắc thái đặc biệt nữa. Mùa dưa hấu rộ vào dịp Tết, nên khi thấy dưa hấu đủ loại tròn, dài và đủ cỡ lớn nhỏ chất đống cao như núi bày bán đầy đường, đầy chợ là biết Tết gần bên.

Nắng, gió, hoa cả trời hương ghé lại
Mang chiều xuân ôm hết dâng riêng người
Chiều Saigon mắt quen thành như lạ
Em, mùa xuân, cuối phố rủ nhau cười - VuKhy

Sau những ngày sửa soạn, chuẩn bị và nôn nao trông ngóng cái thời điểm kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới, cuối cùng thì Tết đến, là cơ hội đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, thăm viếng họ hàng thân thuộc, chúc Tết bạn bè chòm xóm, đi lễ chùa, đền à Sau mồng Bốn, Saigon coi như hết Tết, xong Tết!

Tết qua rồi! Qua một cái Tết là cuộc đời ngắn lại thêm một năm! Saigon thật sự bước vào mùa nắng nóng của các tháng 2, 3, 4, dễ sợ nhất vẫn là buổi trưa. Cái nắng được mô tả nào là: nắng phủ mặt, nắng chảy mỡ, nắng đổ lửa, nắng gắt củ kiệu, nắng nung héo hết mọi thứ trên đời à Bầu trời thì trong xanh và rất cao, không đám mây nào để níu cho thấp xuống, gió thì đi khỏi, Saigon bao trùm hơi nóng hầm hập.

Với một không gian tổng quát như vậy, ta sẽ đọc lần lượt những đoạn văn của tác giả VuKhy nói về nắng Saigon trong mùa nắng:

" Nắng gay gắt, gió thốc từng luồn nóng hực! Bụi cuốn tròn cùng xác lá khô và rác trong những xoáy gió nhỏ. Có khi gió bốc cả đám lên cao, quăng vào mặt, mũi người như con nít chơi nghịch. Nóng tới mức ngộp thở, không gian sáng chói lòa làm cho những bóng cây bên đường như đen sậm hơn. Gió chơi chán chê lại trốn đi ngủ mất rồi hay sao? Nóng hừng hực. Con đường trước mặt chỉ có những chiếc xe chạy vội, tiếng máy nổ nghe đanh như tiếng búa gõ vào không gian..."

lêu bêu đội nắng đi
tìm cho lòng chút gió
trần gian như vạt cỏ
mọc linh lan bến bờ
những bến bờ hư vô
trôi dạt về vô tận
trái tim ta rực nắng
lửa cuộn màu đỏ tươi - TTSH

" Trời bắt đầu nóng, nắng trưa vàng chói trên những con đường, trên vách tường sơn phết màu mè của những căn nhà thành phố, hắt trở lại mớ lửa từ trên trời trút xuống. Mặt đường nhựa như chảy ra, đen thui và lấp loáng những vũng nước ảo. Những vòng xe trôi qua, lướt qua hối hả, người chạy đi, không ai muốn dừng lại, chạy đi, chạy như trốn cái nắng đang nung vàng mọi thứ. Ai chạy được thì chạy, không chạy hay vì công chuyện đành bất lực phơi mình trong cái nắng như nung này. Mồ hôi thi nhau chảy, trôi tuột vào trong áo, trôi tuột trên thịt da, thấm ngược ra ngoài thành những mảng sậm trên lưng, nách áo... Cảm giác khó chịu, dính bết lằng nhằng bám đuổi không thôi theo từng bước chân, những bước chân trên đường, con đường khô đầy bụi. Bụi quện vào mồ hôi, chảy trên mặt, bệt thành những vệt đen, dơ. Không khí bị nắng nung như bốc hết lên cao, bay thoát hết vào vũ trụ gây khó thở, khò khè, khò khè trong nắng. "

mấy hôm nay thành phố muốn điên
cái nắng tháng tư sao mà khiếp thế
giờ ngoài Trung cũng vậy hở em?
tháng tư Saigon nhớ tháng tư Quảng Ngãi
nắng ở đâu cũng nám mặt cháy mày
em còn có vườn cây để trốn
giữa phố người tôi biết trốn vào đâu ? - Nguyễn Đăng Trình

Trong cái nóng gay gắt, chói chang, oi bức của nắng, mà nhiệt độ có thể lên đến 39, 40 độ C vào giữa trưa, thì Saigon đâu chỉ “chợt mát “ vì một mình “ áo lụa Hà Đông”, mà còn nhờ ở màu tím dịu dàng của hoa bằng lăng rộ nở ở những con đường vào sau tết , khi những ngày nóng khô lên cao điểm. 

Một ngày, hoa bằng lăng khoe đến “ một chục có dư “ sắc tím trong từng sắc nắng: Nắng sớm, nắng trưa, nắng chiều... thành những sắc vẻ khác nhau. Buổi sáng sớm hoa có màu tím non ươn ướt trong sương mù. Mặt trời lên, hoa chuyển sang sắc tím ánh hồng như được đánh lên một lớp phấn hồng rất mỏng. Đến giữa trưa thì hoa tím ngắt, cái màu tím gay gắt. Rồi chiều xuống, hoa chuyển hẳn sang màu tím than.

Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng
mà đượm màu tím biếc
em đi qua bâng khuâng chợt tiếc
ôi màu mực tím năm nào - Trần Hoàng Vy

Thời gian hiện hữu của hoa bằng lăng rất ngắn, chỉ khoảng vài tuần lễ mà thôi. Khi hoa bằng lăng lặng lẽ tàn thì hoa phượng sẽ lộng lẫy rực sắc:

” Phượng không phải là một đóa, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực... Mầu hoa phượng chói lói, sinh sống như sắc máu người.  Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.

Người ta hay trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường. Vì sao? Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh yêu và hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa học trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi! Còn ai có linh hồn tươi thắm để quan hoài cùng với phượng thắm tươi?

...Mùa thi cử sắp đến! Nghỉ hè đã đến. Học sinh sửa soạn xa trường, rời bạn; buồn xiết bao! Những cuộc tình duyên giữa bạn bè, đến lúc rẽ chia, cũng rẽ chia dưới màu phượng; dù hữu tâm, dù vô tình, người nào cũng có sắc hoa phượng nằm ở trong hồn.

Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi.

Thế là ba tháng qua! Học sinh về đây. Hoa phượng chỉ còn lưa thưa, lẻ tẻ; Anh em học trò nhìn lên cành phượng: lúc đi phượng nở, lúc về, phượng rơi, cánh sẫm mục nát. Trên cành, cái vui bông phượng tuy cuối mùa mà đằm thắm biết bao! Vài hôm nữa, hoa phượng sẽ nghỉ, sẽ yên lặng để cho anh em học, anh em cố học đi, anh em học cho hay, hoa phượng sẽ gặp các anh lúc cuối năm, và lại nói cùng các anh cái tâm sự thiết tha của mùa hè." ( Xuân Diệu )

Sài Gòn đó với chùm hoa phượng vĩ
Thật lâu rồi mà sao vẫn chưa quên
Để trong em còn mãi những muộn phiền
Ngày tháng cũ, hồn nhiên tà áo trắng
- Hương Xuân

Tuy không có bốn mùa như các vùng khí hậu ôn đới, Saigon cũng có những mùa theo tên mùa, dựa theo thời tiết mưa nắng nhiệt đới của mình, phần lớn tùy theo lịch trình của các trường học trong năm, như mùa tựu trường vào đầu tháng 9, gần cuối mùa mưa; Mùa thi cử vào cuối tháng 5, sắp hết mùa nắng; Mùa nghỉ hè trong ba tháng 6, 7, 8... Đặc biệt mùa nghỉ hè cũng là lúc trái cây miệt vườn miền Nam đến lúc thu hoạch, gọi là mùa trái cây ( chín ) rộ.

Bâng khuâng với nắng niềm vui tới
Lặng - dưới vòm cây trái chín vàng
- Phan Văn Quang

Mưa nắng thuận hòa là điều kiện quan trọng thúc đẩy các cây ăn trái đơm bông, đậu trái và chín đúng mùa. Trái cây miền Nam đến mùa từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm thì đua nhau chín, cứ nối đuôi nhau, gối đầu lên nhau mà xuất hiện, với đủ loại ê hề, phong phú từ màu sắc, đến dồi dào hương vị, với một số lượng lớn đáng kể, theo chân những thương lái, bạn hàng về Saigon, để cung cấp cho các chợ lớn, chợ nhỏ đến các xe đẩy dạo, chợ chồm hổm vỉa hè, chợ đứng trong hẻm hay chợ chạy đầu ngõ.

Trái cây về đến Saigon sau khi được phân phối qua các mối bán lẻ ở các vựa, các chợ chính - Từ các loại bình thường như chuối, mận, dừa, cam, quít, ổi, thơm, bưởi, mít, đu đủ, mãng cầu, bòn bon, thanh long... cho đến các thứ đặc biệt của miền Nam như xoài, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, sầu riêng và sa pô chê ( ngoài Bắc gọi là hồng xiêm, người Pháp gọi là sapotille, trái của cây sapotier)à- đều được tuyển lựa lại, lau sạch, đánh bóng, chia theo từng loại. Rồi với bàn tay sắp xếp  khéo léo, là cả một nghệ thuật, người bán cột thành chùm, bày trên kệ, chưng trong các hộc gỗ hay chất trên sạp thành những khối vuông, khối hình tháp, khối hình ống... trông rất hấp dẫn, bắt mắt những người tiêu thụ.

Ghe anh nhỏ mũi trán lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
Cùng em ăn múi sầu riêng
Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung

Mùa trái cây chín rộ. Mùa nghỉ hè của học sinh, sinh viên cũng là lúc Saigon vào mùa mưa. Tính chất của mưa Saigon là chợt mưa, chợt nắng, nghĩa là mưa rồi nắng, nắng rồi mưa hoặc mưa trong nắng, nắng trong mưa. Nắng Saigon trong những ngày mưa vàng hừng hực, hắt lên những đám mây đen trên nền trời, làm nên một vẻ đẹp là lạ, nhưng tạo cho con người một cảm giác đe dọa sao đâu!

ngẩn ngơ nắng
và mưa
sài gòn loanh quanh mưa nắng
ngày thơm mây
trời thơm gió

sài gòn của tôi
vẫn sài gòn của em
sài gòn của ai ai người thiên hạ
vô chừng mưa nắng
vừa cháy da kia
đã lầy lội tới
mà sao thương quá sài gòn tôi ơi- TTSH

Mưa và nắng bản thân là một cặp đối nghịch nhau như những cặp nhị nguyên âm dương, nhật nguyệt, trời đất …" Đi suốt kiếp cũng là mưa với nắng " ( Du Tử Lê ). Hình ảnh mưa nắng thay đổi, xoay vần: những mùa mưa nắng tiếp nối nhau, đến rồi đi là hình ảnh của đời người như mưa, như nắng trôi theo năm tháng của thời gian.

Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài
Ta với người, bắt buộc, phải chia hai - Nguyễn Tất Nhiên

Thành ngữ " sáng nắng, chiều mưa " thường dùng để chỉ thời tiết thất thường. Người xưa chỉ biết dựa vào các hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên để tiên đoán thời tiết. Ngày nay, với trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ, người ta có thể tiên đoán được khá chính xác tình trạng thời tiết sắp xảy ra, để có các biện pháp hữu hiệu chuẩn bị cho những trường hợp xấu gây tác hại, nhưng không thể thay đổi được. 

Con người nhìn mưa và nắng theo trạng thái tâm tình của mình: mưa thường trong nỗi buồn và nắng thường trong niềm vui. Saigon vào cuối mùa mưa, đầu mùa nắng là thời gian mà mưa nắng bất định, khó đoán, nhưng trường hợp “ nắng sớm, mưa chiều “ không ngày không tháng nhất định, vô chừng vô đỗi ở con người thì làm sao biết được, làm sao tiên đoán đây!!!

đong đưa những mùa trời
hết mưa rồi lại nắng
lại đong đưa mùa người
lao xao và im lắng - TTSH

Đất nước bị đổi thay, Saigon cũng bị thay đổi, theo những ngày nắng sớm mưa chiều của thời tiết và con người trong dòng đời trôi chảy. Dân số tăng gấp ba trước kia, dĩ  nhiên xe cộ phải nhiều hơn, cộng thêm người lái xe không tuân theo luật lệ, nên giao thông ứ đọng, lúc nào cũng kẹt xe. Nhà cửa mọc lên như nấm, mạnh ai nấy xây một cách vô tổ chức; Giới hữu trách không thể, không cần hay không muốn kiểm soát, nên bộ mặt chung của nhà cửa Saigon bây giờ lung tung, láo nháo: thồi ra, thụt vào, đủ cỡ, đủ kiểu, đủ màu sắc... Không thể nào biết được đâu là khu nhà ở, đâu là khu buôn bán. Ngay cả trong các chung cư, ngõ hẻm, nhà nào cũng thành một cửa hàng buôn bán; Đi đâu cũng thấy khách sạn...

Có những thứ cần đổi thay thì không được thay đổi như: đường sá vẫn không mở rộng nỗi dù phải chịu trọng tải quá khả năng mỗi ngày, hệ thống cầu cống không xây dựng thêm được, cũng không có cách bảo trì, chỉ mỗi lúc một hư hại đi... Thời tiết mặc dù cũng như vậy, nhưng chịu “ tác động “ gián tiếp phần nào của sinh hoạt thành phố, nên bị mang tiếng là đổi thay: Những trận mưa nhỏ thôi cũng dư sức làm ngập lụt đường phố, không cần đến mưa lớn hay nước sông dâng cao; Khói bụi mịt mùng, nồng nặc ô nhiễm, nên những lúc nắng nóng càng làm cho các  “ khổ nạn trần gian “ như kẹt xe thêm dễ sợ hơn. 

Biết được hoàng hôn, nhờ ánh điện
Saigon chen chúc, nhà đóng nêm
Tám kiếp chưa nhìn con nắng quái
Mòn mắt nhàm trông ánh đỏ đèn - BC

Đối với mưa giông thì chưa thấy chính phủ có biện pháp hữu hiệu nào để đối phó, nhưng về phần nắng bụi thì người dân đã có cách đề phòng: Khoảng 3/4 dân Saigon ra đường đã đeo khẩu trang che mặt kín mít ngay từ sáng sớm, chỉ còn chừa hai con mắt (có khi còn đeo kiếng mát ) như dân các xứ Hồi giáo. Đến trưa, các bà các cô còn trang bị thêm găng tay dài tới nách, nón trùm đầu. Cho nên Saigon ngày nay nhan nhản những Ninja bịt mặt, lườm lườm với ánh mắt bí hiểm, sẵn sàng đối phó với một nhân gian cũng tù mù không kém!

Saigon nắng nóng bụi mù bay
Xe chạy đua nhau nhả khói cay
Bịt mặt đeo găng, nhìn thấy lạ
Ninja thời đại, lắm điều thay
- Minh Long

Saigon bây giờ không còn những tà áo trắng giàn hàng ba, hàng tư đạp xe giữa trưa tan học về, trên những con đường với các hàng cây cao bóng mát. Saigon bây giờ không còn những cô gái ra đường mà không trang bị đầy đủ cho mình mặt nạ, găng tay, nón. Saigon bây giờ không còn những nhan sắc mặn mà, để mặt trần cho nắng hôn nhè nhẹ trên tóc, trên mắt, trên môi, làm ửng hồng đôi má... Các thanh niên Saigon không còn cơ hội để cố chạy xe, vượt qua các thiếu nữ, rồi ngoái lại xem mặt các bóng hồng coi ai già, ai trẻ, ai đẹp, ai xấu như xưa được nữa.

Thôi, thì mang khẩu trang để che bụi đường
 Để dấn bước vào dòng đời ngộp nắng - Ngô Liêm Khoan

Phụ nữ rất sợ da bị “ già “ đi nhanh chóng dưới ảnh hưởng xấu của nắng, do hấp thụ quá nhiều các tia tử ngoại ( Ultra Violet: cực tím ), gồm ba loại: UVA, UVB và UVC, mà cường độ của chúng mạnh nhất từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều trong ngày, sẽ phản ứng với chất melanin có trong da, làm cho da cháy, nám, đen sạm, khô ngứa... thậm chí ung thư da.

Bình thường, các tia tử ngoại trong nắng chiếu vào da giúp sự tổng hợp tiền sinh tố D có sẵn. Sinh tố D này có tác dụng trong quá trình phát triển các cấu trúc tế bào cơ thể.

về nghe, ừ, nắng chan chan
nón ta
bỏ giữa đại ngàn
hôm kia - TTSH

Ánh nắng có ảnh hưởng lớn lao từ tinh thần đến thể chất con người. Ánh nắng giúp giải tỏa áp lực, kích thích làm tinh thần thoải mái. Trời thường xuyên âm u dễ làm con người rơi vào tình trạng trầm cảm, rối loạn các chuyển biến dưỡng chất trong cơ thể.

Ánh nắng đóng một vai trò quan trọng cho sự sinh tồn của các sinh vật trên trái đất qua quá trình quang hợp. Quang hợp là quá trình thu nhận năng lượng ánh sáng mặt trời của thực vật, tảo và một số vi khuẩn, để tạo ra hợp chất hữu cơ phục vụ bản thân, cũng như làm nguồn thức ăn, bù đắp những chất hữu cơ đã tiêu hao trong cuộc sống cho gần hết các sinh vật khác. Quang hợp hầu như tạo ra toàn bộ các chất hữu cơ liên quan đến đời sống của con người, đó là những nhu cầu ăn, mặc, ở, được cung cấp gián tiếp từ động vật và trực tiếp từ thực vật.

Hóa ra nắng thật mênh mông
bởi nhờ nắng ở bên em suốt đời
tôi chợt yêu nắng, yêu người
yêu không gian mọc tiếng cười hồn nhiên - Lê Hân

Nắng kỳ diệu! Nắng làm lá xanh, hoa nở, trái chín. Nắng của mỗi sớm mai thức dậy, ta biết mình có thêm một ngày nữa trong đời.
Nắng biến ảo! Nắng tạo thêm những sắc thái mới cho cuộc sống vốn đã nhiều màu, nhiều vẻ phức tạp này.
Nắng nồng nàn! Nắng hội tụ về Saigon: là nơi chốn của gặp gỡ. Nắng tràn ngập, nắng chan hòa, nắng đổ bóng dài trên các đường phố đông người qua lại.

sáng nay. Sài gòn thơm như tóc em vừa mới gội
tôi hít hà
băng qua phố chật
với nụ cười ẩn phía sau râu tóc
nắng ấm từng chân lông - TTSH

Vẫn như vậy, cái nắng chang chang, gay gắt, nóng bỏng, hong khô mọi thứ của Saigon, cho dẫu ngày xưa, ngày nay hay ngày mai. Vẫn như vậy, cái nắng Saigon với nhiều nét đặc biệt riêng. Cái nắng thật sự quý báu mà những người đang hưởng thụ không hề đếm xỉa, mãi cho đến khi lưu lạc ở những xứ sở quanh năm giá rét, mới bàng hoàng nhận ra sự thiếu thốn không có gì bù đắp nổi này!

Có phải xa mười năm mà anh nhớ Sài Gòn
Hay nhìn một chút nắng lên mà thương về bên ấy?
Cuối năm rồi, thời gian như chậm lại
Xa nghìn trùng xa còn nỗi nhớ vỗ về!

...Hẹn cùng Sài Gòn thức suốt đêm sâu
Để chờ nắng lên gọi chút tình xa xứ,
Vẫn  em và Sài Gòn trong nỗi nhớ
Dẫu suốt đời mình vất vả tìm nhau!- Trần Kiêu Bạc

” Tôi yêu Saigon da diết như người đàn ông vẫn còn ôm ấp mối tình đầu chứa nhiều ngang trái “ - Minh Hương

Con người, vẫn đôi khi, hoặc rất nhiều khi, hoài niệm tới một cái gì đã mất đi bằng một cảm xúc nuối tiếc khôn nguôi. Những hình ảnh đẹp nhất luôn hình thành trong quá khứ, thậm chí trong những nỗi buồn, những nỗi đau đã qua. Saigon trong trí nhớ bây giờ không chỉ là hình ảnh của một thành phố sung túc, vui tươi và thanh lịch, mà còn là những chạm trổ khắc sâu vào tâm khảm, cũng như nhạc phẩm Saigon của nhạc sỹ Y Vân ngày nào, vẫn còn ghi mãi trong ký ức, trong trái tim của những người dân Saigon: “ Saigon đẹp lắm ! Saigon ơi! Saigon ơi “.Saigon sẽ không bao giờ mai một! Điều này là chắc chắn!

Xuân Phương



Tài liệu tham khảo :
- Một chút Saigon trong thơ Nguyên Sa - Nguyễn Mạnh Trinh / vantuyen.net
- Tản mạn gọi nắng- Vũ Hoàng Thư / bienkhoi.com / số 39
- Thương vay- Xuân Diệu / vantuyen.net
- Hoa học trò / Trường ca - Xuân Diệu / vantuyen.net
- Saigon tôi yêu trong sách  Nhớ à Saigon - Minh Hương
- Tạp bút Đỗ … - Đỗ Trung Quân
- Đoản văn của VuKhy / pklhp.com
- Đoản văn về Saigon của BC

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010