SỐ 46 - THÁNG 4 NĂM 2010

 

Chàng Mạc A Kíu dễ thương

Trong phòng làm việc Tâm Lý Chiến có anh Mạc A Kíu là người hiền lương chân thật, đến mức thật thà ngây ngô, mà rất dễ thương, chịu không nỗiA Kíu thích uống nước đá thật lạnh, nhai nước đá cục rốp rốp. Trong lúc Kíu ăn cơm nóng sốt vừa thổi phù phù vừa húp rột rột rột. Kíu lại vừa uống ừng ực nước đá lạnh ngắt. “Răng của ảnh” chịu không thấu bỗng dưng ấm ức dỗi hờn, đau đớn sưng vếu lên một cái, nó xìu xìu ễn ễn lạnh lùng bỏ chàng mà đi.

A Kíu tức mình quá chừng khi thấy bộ dạng mình coi vếu váo xấu xí, nên chàng hăng hái đi bọc một chiếc răng vàng, để trám vô ở lỗ trống. Thế là hai hàm răng cũ thấy cái răngà “dzàng giàu có, đẹp gziai” kia, so với mình sao xa lạ quá, chúng càng bực bội dỗi hờn thêm, bèn rù rì từ từ rủ nhau xa lánh “anh răng dzàng”, mà a dua hè nhau tiến lên a chu, khiến răng rụng đi gần hết cả hàm dưới. Răng hở thì môi lạnh, môi buồn, môi chán, môi đau... nên mỗi lần ăn cơm ăn cháo gì, A Kíu cố cho hàm răng trên thấm ái đi gặp hàm niếu  dưới, ngõ hầu thăm hỏi xã giao nhau tí chút. Nhưng chúng nó đã thất lạc trong cuộc đời “răng với riết” mất toi rùi. Một chiếc răng vàng cô đơn độc mã không hiểu tiếng nói của nhau, thì còn răng mô mà dám cười! Hỉ!?

Hàm răng mệt, cái mồm mệt, chàng không thể nhai thức ăn; cơ thể mệt, bộ óc chàng cũng dần dà mệt lả theo.
Thiệt là phiền toái đa!

Cả hàm răng tất nhiên là có nhiều hơn hai “cái bờ môi”, nên “cái bè đảng răng” nó rủ nhau biểu tình biểu tọt, xông pha... lang thang đi tìm trẻ lạc mất răng. Hàm răng của chàng bây giờ thì cái sún, cái bọc vàng, cái lổn chổn. Coi thật dị hợm, khó coi, khó chịu quá chừng chừng à. A Kíu không nhớ gì hơn ngoài việc lo lắng cho “cái bộ gió” của mình. Vì “cái răng cái tóc, là gốc con người” mà! Vì... và vì... Kíu còn phải lo “canh tân o bế” dợt le cho “răng với riết” để:

Rượu nào là rượu chẳng nồng.
Trai nào chẳng khoái: Lan, Hồng, Cúc, Mai...
(cd)

oOo

Một hôm, được trưởng đoàn phân công, A Kíu là âm thoại viên cùng bạn công tác tại xóm Nghĩa Hành. Bạn Bé, và Châu đi nhanh quá. Còn A Kíu có phần bệ vệ, vì cái bụng lỡ mang thùng nước lèo khá lớn, (so với chiều cao). A Kíu ì à ì ạch leo lên dốc. Chàng che tay nhìn ngang nhìn dọc không thấy hai bạn đâu. Mất hồn mất vía, chàng ngồi phịch xuống trên gò mối, nghỉ mệt. Đã lo sợ lạc đường, tự dưng cái bụng phệ của A Kíu sôi ọc ọc... ục ục, như muốn biểu tình, phản đối giờ cơm đến trễ.

A Kíu lom khom đứng lên, bỗng máy PRC-25 phát tín hiệu. A Kíu lại ngồi vật ra, duỗi hai chân chụp lấy máy, mở tần số liên lạc. Nghe xong, “anh ta ca”:

- Cái lày ngộ xin “lại ý dui loòng” chỉ cho à, ló lại tẩy chay ngộ, bạn ló li lâu mắc dồi, bỏ em lứng dứi gót cay phựng. Bạn ló hổng béc liều a. Em hỏn béc chỗ lào, lễ li dề à. Lần lầu tiên mới dề qua lay. Hỏn béc dớ cái đừng đi dề a.

Thọ, Đan, và Nhã phì cười. Nhã trêu chọc:

- Đi mau mau mới kịp bạn. Phải biết "giác ngộ" cho tiêu bụng mỡ chứ.
- Ngộ béc dát ngộ mờ.

Có gì ngộ ngộ, thì ngộ dát dề cho a.
Có trời biết làm cách nào A Kíu trở về an toàn, khi lưng đeo máy truyền tin, vai đeo ba lô cá nhân, vai kia vát thêm lưỡi cày, chả biết chàng nhặt ở đâu.
A Kíu nói:

- Nó “giác ngộ” quá, thì “ngộ dát” dề a.

Thọ vừa tức, vừa vui cười hóm hỉnh kêu trên loa phóng thanh:

- Có ai mất lưỡi cày, xin cho biết. Phòng mang trả lại ngay.

Một lần khác trong phòng đang ăn cơm, thì  Chỉ-Huy-trưởng gọi máy dã chiến xuống, bắt anh em nộp bảng: "Dự trù Kế Hoạch A. Tối cần".
A Kíu quên chưa cúp máy, anh ta láu táu báo trình với Đan:

- Xin báo với “thựng” cấp là tối cần, “bạng” dự trù kế hạch A, chớ sáng thì “hỏn” cần.

Ngờ đâu Chỉ-huy-trưởng đã nghe được. Trời ơi! Hậu quả ăn với nói lầm lẫn và hiểu sai nghĩa. A Kíu bị “an nghỉ” năm ngày trong chuồng cọp. A Kíu “được” muỗi đốt thỏa thích. Chàng nằm co rúm chèo queo vỗ bụng đau bình bịch, để chờ Phòng Nhì điều tra.

Toàn Phòng 5 đều gửi “thỉnh nguyện thư” lên Chỉ-huy-trưởng, họ bảo đảm hạnh kiểm, hành vi của A Kíu. Sau khi A Kíu làm mọi thủ tục tường trình, chàng được tha khỏi chuồng cọp. Từ đó, chàng câm như hến, không dám thèo lẻo bép xép cái miệng ăn mắm, ăn muối nữa. A Kíu tình nguyện “xuống cấp” để làm hỏa đầu quân ở trong Sư-đoàn, cho chắc cú. A Kíu nấu ăn thì ngon tuyệt, y như Tàu Hồng Kông vậy. A Kíu ưa vỗ vỗ vào cái bụng phệ mà cười ha ha ha:

- Giàu chủ kho. No nhà bếp rồi thì... chóng chết là vì quản voi he!

oOo

A Kíu kể chuyện tình của anh ta với cô bồ ruột ở Chợ Lớn, vui và cũng buồn hết biết, chuyện như sau:
A Kíu đã “phải lòng” một cô trông kha khá ở gần nhà. Chàng đã:

Năm canh ngớ ngẩn buồn rầu.
Nhớ người nhân nghĩa gan sầu ruột đau.
(cd)

Sau khi A Kíu đã vào nha sĩ bọc thêm những chiếc răng vàng oai vệ đáng bậc “răng nhi”, thế là chàng lân la đi la cà làm quen nàng Đào. Ai ngờ “ẻm” cũng “chịu đèn”  mình quá xá cỡ thợ rèn! Thiệt là mừng húm!

Nắm tay em tròn như ống chỉ.
Lòng dạ anh đây phỉ chí muốn kết duyên.
Ngày nay hỏi thiệt bạn hiền: “thương không”.
Anh ăn ở có lòng, em phải gắng công.
Một trăm năm em cũng để phòng không, đợi chờ...
(cd)

Thế là nhân một ngày “mùa thu lá bay”, để kỷ niệm ngày đầu tiên “Anh và Em” yêu nhau say đắm, hai anh chị vui vẻ hẹn hò nhau đi ăn ở nhà hàng Arc Enciel. A Kíu bảo nàng:

Ai đi đợi với tôi cùng.
Tôi còn dỡ mối tơ hồng chưa xe.
Có nghe nín lặng mà nghe.
Những lời em nói như xe vào lòng.
(cd)

- Em ui, em là Ba Chệt, thì em cứ hiên ngang, can đảm vui vẻ nhận mình là Ba Chệt. Sợ gì ai mà ba má giữ rịt em ru rú ở trong nhà he? Hay em sợ mắc cỡ sẽ ló cái đuôi sam ra ha!? Em hãy mặc áo Thượng Hải, hở ngực, hở nách, xẻ hai bên đùi, lên sát bắp vế, thì coi em càng khêu gợi chớ sao! Cho anh sung sướng dẫn em đi dợt le. Anh muốn tụi mình nên đi cà nhỏng, cà nhảnh, cà rịch cà tàng chút xí. Mình lên mặt làm dáng, làm dóc, làm le, làm tàng nha. Em cứ giựt nổi, chơi trội đi khoe với đời. Em không nổi như cái rốn của vũ trụ. Thì đời mình mất vui, kém hạnh phúc đi. Nha.

A Kíu vui vẻ “phỉnh” nhẹ nàng thôi, chứ nếu chàng gallant trắng trợn, thì còn ra cái thể thống gì bậc mày râu!  “Ẻm” nghe chàng miệng lưỡi ngọt xớt như mía lùi, thì ai mà không mê tít thò lò chớ. Thế là nàng trẻ người non dạ, õng ẹo đi qua đi lại trước gương soi mà ngắm nghía, và toe toét cười. Đúng là coi mình cũng ngon lành ra phết, như miếng thịt mỡ treo trước mõm mèo. Ngu sao mình không chờ thời cơ, thiếu giống gì mấy chàng trai trẻ, sẽ nườm nượp liếc mắt đưa tình he! 

Nàng lóc chóc hí hửng thích thú mặc xiêm y, thân hình chưa phì lủ lắm, chàng trông nàng ngon lành, coi cũng đẹp hết sẩy í chớ. A Kíu thì mặc bộ áo quần vía veston hồ ủi thẳng nếp li láng cón, đầu chàng chải brillantine bóng mướt, con ruồi đậu trên tóc cũng phải té trợt cà. Kíu mang đôi giày đen nhọn mũi hoắt cao. “Anh Em ta” leo lên taxi (”cho... tới luôn bác tài”).

Hai người xuống xe, cầm tay nhau dung dăng dung dẽ, cười cười liếc liếc, lí lí lắc lắc... họ ung dung tà tà đi dạo coi “thái mái” lắm. Thì cái bóp đầm của nàng lủng la lủng lẳng đung đưa có đựng vài đồng bạc lẻ, bỗng bị “bàn tay anh tài” cướp giựt mất, lẹ như chớp.

Bị bất ngờ, nên nàng trợt chân té, chiếc giày cao gót, văng lông lốc tuốt dưới chân thang lầu. Đau quá là đau, nàng nghiến răng trèo trẹo. Nàng ngồi chò hõ nơi bậc thang, mặt tái xanh không còn chút máu. Mồ hôi hột rịn vã ra ở hai bên thái dương, “ẻm” bủn rủn tay chân, thầm nghĩ:

- “Chắc là ma nó xô cho mình bong gân, lọi giò đâyChứ cái thằng ma-cô cướp cạn, nó ốm nhom ốm nhách như đồ xì ke, đuổi ruồi còn không bay. Nó làm gì mà xô mình lọi giò được ha?".

Vô tình nàng "để quên sự đời em ra". Thây kệ mặc khách tao nhân, đi lên, đi xuống cầu thang, họ cứ quay lại nhìn, cười hi hí, và ngó sững "chỗ nớ" đã đời.

Chàng thanh niên non đời lóc chóc đã nén giận, A Kíu cắn môi chạy xuống chân cầu thang lượm giúp nàng chiếc giàyA Kíu đứng xớ rớ dưới chân thang, chàng vô tình chờ mặc khách tao nhân chen lấn đi lại đông đúc nhìn lên. 

Bỗng A Kíu thấy em oă... oằn người,  và “chỗ nớ” coi tổn hổn, rõ mồn một. A Kíu giật mình xấu hổ, mặt anh chàng đỏ tía, tai nóng rần rần, hai bên thái dương chàng giật tưng tưng, trái tim co xiết túi bụi. Mắc cỡ muốn độn thổ, A Kíu cầm chiếc giày cao gót sút đế, chàng vụt nhảy lên một lần hai ba bậc cấp. A Kíu ném chiếc giày vào bụng nàng, kêu cái “biịcch“à Chàng trợn mắt nghiến răng trèo trẹo, cằn nhằn:

- Đứng lên mau. Con gái, con nai gì không có ý tứ, lại mặc cái "xì níp" nhỏ xí, rách háng trơ trẽn quá. Có thấy thiên hạ đang dòm ngó em không? Hứ! Lại còn ngồi thộn ra... xí xọn, nhí nha nhí nhảnh ghê ta.

Nàng tức giận lên cực điểm, đến tím mặt, bầm gan. Đã không dỗ dành khi người ta đau điếng, thì thôi. Chàng còn lên mặt la mắng tui cái nỗi gì, giữa chỗ ba quân hử? Nàng nghiến răng trèo trẹo, liền xổ một tràng tiếng “Háng” văng cả nước bọt khiếm nhã ra:

- Ai biểu, tại nị nói: nị thít ngộ đi “phe” với đời mờ. Ngộ không bét. Ba trợn á. Ay da dà! Cái đồ dóc tổ a... Tô chè a.

Tự ái dồn dập mà! Tuy nhiên, thấy nàng xù ra như lông nhím, Kíu cũng biết điều, chàng nâng cánh tay nàng lên, liền hạ mình hạ giọng, năn nỉ ỉ ôi.

Nàng được trớn, càng lên mặt vênh váo, lì lợm, làm le, làm dóc, làm tới, làm tàng không thèm hòa. Nàng xù bộ mặt rất ư dễ ghét ra, chàng trông nàng thiệt ngứa mắt quá chừng chừng! Xách chiếc giày sút đế lủng lẳng, nàng vung cùi chỏ hất mạnh tay “người iêu”. Nàng cà niễng cà giật cà thọt một chân cao chân thấp, nàng nhoi nhoi cái đít vịt đi điệu “bì bộp, xô-lô-rốc” chấm phẩy. “Ẻm” leo lên taxi... cho tới luôn bác tài. Bác ta rồ máy chạy cái vù. Giữa đám thị dân đang kinh ngạc nhìn theo.

Thế là Kíu nổi máu anh hùng lên, bỏ đi một nước, giang hồ biệt tíchA Kíu leo lên xe “đi quân dịch là thương nòi giống”:

Năm xưa em bảo đợi chờ.
Năm nay em lại hững hờ với anh
(cd)

Thời gian trôi qua, chàng đã nguôi ngoai nỗi “sầu đời”, đã vui vẻ hát điệu... tẩu mã rất linh hoạt của dân ca Huế.

Bây giờ tình nghĩa làm sao.
Cho chuông chẳng bén bồ lao chẳng bền?!
(cd)

Thôi! Hãy thả tình trôi theo dòng thời gian... Chả còn gì cho “Anh và Em”. Thật chả còn gì cho mối tình mà chàng nghĩ từ nay đúng là: Thứ cà tửng, cà tàng, cà khịa, cà ná, cà chớn, cà pháo, cà chua... Khi nàng ù té chạy làng, lê bước chân què leo lên con đò, ca bài “Sang Ngang” của Đỗ Lễ, cho mối tình xưa đi đứt theo đuôi con nòng nọc, mất toi.

Năm nay em phải lấy chồng.
Không vui thì cũng bằng lòng mẹ cha.
(cd)

A Kíu dứt khoát mọi điều khẳng định là phải quên. Như đinh đóng cột vào vách. Như ngôi nhà quay mặt về núi. Muôn đời không thèm đối diện với biển cả.

oOo

Nghe tin Lính Phòng 5 được về hậu cứ sớm hơn dự định, A Kíu nổi tiếng là trùm sò, chuyên môn cho anh em “ăn mắm mút dòi”. Nay chàng là người hào phóng, trước tiên A Kíu vát cái bụng phệ, đi quăng mùng mền quần áo cá nhân. A Kíu cần cho ba lô cá nhân nhẹ bớt ký mà. Rồi chàng lấy ly, tô, chén, son, chảo, nồi... ở trong thùng của đoàn dân vận ra, chàng đập bể hết. Trả thù tình và trả thù đời! A Kíu xán cho bằng thích hai bàn tay mập ú. Các anh khác cũng bắt chước làm theo, họ lôi tô chén trong ba lô cá nhân ra, xán bôm bốp xuống nền gạch. Nghe “đã” thiệt ta!

Đùng một cái Trưởng-phòng đi họp về báo tin Phòng 5 phải ở lại thêm bốn ngày. A Kíu ngồi thộn ra nhăn nhúm, méo mặt như cái nồi xoong. Lấy cái gì xào nấu cho anh em ăn đây hở Trời! Thật chán mớ đời. Mấy ngày đó, anh em chịu trận giữa cơn rét rừng luồn vào tủy sống. Các anh chẳng dám mở miệng kêu than nửa lời.

Ngày ngày A Kíu xin phép Trưởng-phòng 5 cho ra nấu ăn nhờ ở nhà dân, chàng đi bắt ốc mò cua, bẻ măng, rau núi, hái rau sam, rau dền, rau đắng mọc hoang, luộc cho anh em ăn tạm đỡ lòng, với thịt hộp xin của đồng đội bạnThật may vừa có lệnh trên ban hành cho anh em Phòng 5 leo lên xe về nhà. Mấy anh mừng húm.

Tất cả câu chuyện về bạn bè thân thiết, cùng hoàn cảnh, không gian và thời gian, thoáng hiện ra trong tư tưởng Đan, dưới ánh sáng màu thiên thanh kỳ diệu. Đan mỉm cười về vài mẩu chuyện vui vui, tương tự như thế; hầu quên đi nỗi nhọc nhằn trong đời lính chiến phong sương. Tạm quên bao khổ đau cuộc sống đùn lên trong đời Đan và tất cả quân nhân khác.

Ái Ưu Du

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010