SỐ 46 - THÁNG 4 NĂM 2010

 

NỔI TRÔI - TUỔI HỌC TRÒ

Khi Pháp đến cái trị đất nước Việt-Nam , thời gian gian đầu nếp sống thứ tự của lễ-nghĩa :   “ Quân-Sư-Phụ “  vẫn còn trong lòng dân Việt vì một ngàn năm đô-hộ bởi giặc Tàu .  Chữ Nho rất có giá và Thầy-Đồ được trọng vọng .

Sau này , để phù hợp nếp sống văn minh ,  dân ta từ từ bỏ chữ Tàu theo học chữ Tây . Do đó , các Thầy Đồ-Nho bắt đầu than thở :

“ Cái học nhà Nho đã hỏng rồi ,
Mười người đi học , chin người thôi .
..................................  “

Dân ta bắt đầu chú trọng các chức vụ Thầy-Thông , Thầy-Phán , nên gia-đình nào cũng bon chen tìm kiếm Précepteur  , nghĩa là Thầy giáo ăn ở trong nhà không những chỉ dạy tiếng Tây mà dạy bất cứ môn gì con cái học ở Trường .

Do ảnh hưởng văn minh Pháp , ngôi thứ “ Quân-Sư-Phụ “ mau lẹ bị coi thường nên đôi lúc Thầy-giáo tại gia , ngoài việc dạy học , phải làm thêm những việc phụ vặt trong nhà , tùy theo sự đối xử của Ông Bà chủ nhà  .
Nghề này sống mãi cho đến thế-hệ của Tôi .

Khởi đầu giai-đoạn khó khăn , Tôi thi đậu vào Trường Công lập Huế , năm đầu được các Anh đùm bọc . Nhờ học giỏi nên năm sau Tôi có được Học-bổng toàn phần . Tôi bắt đầu quyết định tìm việc làm thêm , cọng với Học-bổng , Tôi có thể tự túc ăn học , khỏi tùy thuộc vào sự trợ giúp hàng tháng của các Anh . Tuy nhiên , hôm trước có hứa với Mẹ, lãnh Học-bổng kỳ này Tôi sẽ mua biếu Anh Ba cặp nhẫn vì Anh sắp cưới vợ ở làng quê .

Một buổi chiều ngày cuối cùng của năm học , vừa lãnh xong Học-bổng ,Tôi lên phố Trần-Hưng-Đạo Huế mua nhẫn cưới để đem về làng trao cho Mẹ .
Vừa bước chân vào tiệm vàng, Bà Chủ dáng người sang trọng, trẻ đẹp ngồi bên trong hỏi vọng ra :

-  Cậu muốn tìm ai, hay có  việc gì không ?  Chắc Bà thấy tôi còn nhỏ, không nghĩ là tôi đi mua sắm vàng.

Thấy trong tiệm không có ai, tôi trả lời:

-  Dạ, cháu muốn mua cặp nhẫn cưới . Bà chủ trợn mắt nói :
-  Còn nhỏ, không lo học, răng mà cưới vợ sớm rứa ?

Tôi hơi ngượng ngùng vì con gái bà chủ trạc tuổi tôi từ sau chạy ra . Có lẽ vì nghe thằng nhỏ muốn cưới vợ, nên chạy ra xem thử .
Tôi nói ngay :

-  Dạ cháu mua cho anh chị cháu sắp đám cưới . Bà hỏi tiếp :
-  Làm sao biết tay anh chị, cỡ ra răng ?
-  Dạ, Mẹ cháu bảo, mua cho anh thì lớn hơn ngón tay này chút xíu, cho chị thì nhỏ hơn, là được  .

Coi bộ bà chủ đoán, tôi không có tiền nhiều, nên hỏi tiếp :

-  Rứa cậu có bao nhiêu tiền, nói tôi biết, để tôi lấy cho đỡ mất thì giờ ? .

Tôi thành thật đáp :

- Cháu vừa lãnh được học bổng bốn trăm, nhưng phải chừa năm chục ngày mai đi xe đò về làng .

Bà chủ nhìn tôi với vẻ ái ngại, rồi dịu giọng :

-  Này, cháu biết không ?. Ba trăm rưởi, cặp nhẫn trông giống như cái que tăm bẻ tròn lại .

Tôi đứng im, không nói gì, bà ta suy nghĩ một lát rồi tiếp :

-  Thôi được, Bác sẽ lấy cặp lớn hơn và tính vốn cho .

Khi tôi đang thử hai chiếc nhẫn, Bà có vẻ chăm chú nhìn Tôi rồi  bỗng nhiên bà hỏi :

-  Nè, bộ cháu học giỏi lắm hay sao mà có học bổng ? . 

Tôi vừa lựa nhẫn vừa đáp :

- Dạ, vì nhà cháu nghèo nên phải ráng hết sức mà học .

Bà nhìn tôi nói :

-  Trông cậu cũng thật thà, lề độ lắm .   

Lựa nhẫn xong, tôi trao hai chiếc cho Bà bỏ vào hộp, đúng lúc Ông chủ tiệm vừa về tới . Rồi cả hai Ông Bà đi vào bên trong, nói chuyện gì rất lâu .
Khi hai Ông Bà trở ra, Ông tiến lại gần tôi nói :

-  Chào cậu, nghe nhà tôi nói cậu học giỏi, được học bổng Chính phủ hả ?. Cậu có thể vào trong này cho tôi hỏi một chút được không ? .

Tôi dạ dạ đi theo vào phòng khách, có bộ trường kỷ rất sang trọng, ông chỉ tay bảo tôi ngồi xuống  rồi hỏi :

-  Cậu học  trường nào ?
-  Dạ, Trường Kỹ-Thuật Huế .

Rồi Ông bắt đầu hỏi quê quán làng mạc, cha mẹ, anh em hiện giờ ở đâu ? làm gì ? . Tôi theo thứ tự trả lời thành thật
và chi tiết . Sau cùng Ông cho hay là Ông Bà muốn tôi đến ở trong nhà, dạy kèm cho năm đứa con học và làm bài buổi tối . Ngoài việc nuôi tôi ăn ở, hàng tháng sẽ cho tôi thêm vài trăm bạc tiêu xài .

Đây là cơ hội Trời cho, lòng tôi vui mừng hơn bao giờ hết . Tôi suy nghĩ chốc lát, rồi trả lời :

-  Dạ thưa ..., chiều nay con về làng dự đám cưới người anh , ở nhà với Mẹ khoảng một tuần, khi vào Huế trở lại, con sẽ hỏi ý kiến anh con ở đây rồi cho hai Bác hay .

Tôi chào từ giã và ra khỏi tiệm với tâm hồn lâng lâng vui sướng .
Vừa đi được một đoạn thì cô con gái chạy  theo kêu :

-  Này anh kia ...,  anh ơi !.....Trở lại cho mẹ em hỏi thêm một chút .

Tôi theo cô gái trở về, vừa bước vào tiệm, Bà chủ chạy tới dúi tiền vào túi tôi và nói :

-  Hồi nãy Bác quên, Bác cho con một trăm để đi xe và tiêu xài .

Tôi đứng im bất động vài giây, một phần vì cảm động, phần vì bản tánh trung trực, ngay thẳng, tuy còn nhỏ, nghèo khó, nhưng lòng tôi luôn ghi nhớ lời Mẹ dặn rằng  mình làm việc để được trả công, chứ không nhận bố thí của bất cứ ai vì lòng  thương hại .
Do đó, tôi lấy tiền ra, bỏ trên quày kính và nói :

-  Con cám ơn Bác, con không có gì cần tiêu và con không dám nhận đâu .

Nói xong tôi chạy nhanh ra đường rồi đi một mạch, không quay đầu lại .
Ngồi trên xe đò về làng mà lòng suy nghĩ vẩn vơ. Không hiểu tại sao, trong cuộc sống này, có những trường hợp mới gặp nhau, mới tiếp xúc với nhau một lần mà trang trải hết niềm thông cảm cho nhau, tin tưởng nhau một cách  chân tình, như anh Ba và vợ sắp cưới , hay mình và Ông Bà chủ tiệm vàng . Khó hiểu quá với đầu óc non dại tuổi mười lăm của Tôi bây giờ  .

Khi chuẩn bị vào Huế học, Mẹ đã dặn nhiều lần  :

- Trước khi tin ai, hay muốn làm điều gì thì phải đắn đo, suy nghĩ thật kỹ . Phải nhớ một điều là dân thành thị có lối suy nghĩ và cuộc sống khác xa, so với dân ở quê mình nghe con .  Ở quê, dù là chiến tranh, nhưng con thấy, có nhà nào ban đêm đi ngủ mà khóa chặt cửa hay không ? . Mặt khác, bản tánh người dân quê chất phác, không bao giờ có chuyện ăn gian, nói dối, lừa đảo nhau, hay đúng hơn, họ nghĩ sao nói vậy .

Mặc dầu Mẹ dạy như thế, nhưng tôi có lối suy nghĩ riêng của tôi . Theo tôi, cuộc sống thật thà, chất phác đôi khi gần như dại-khờ ,  chậm chạp kém hiểu biết . Người dân quê suốt đời quanh quẩn bên ruộng lúa, nương khoai . Quen thuộc với cái cuốc, cái cày, con trâu, thửa ruộng  v.v... Tóm lại, họ chỉ thấy, chỉ biết những gì trong xóm, trong làng mà thôi .

Ngoài ra, những gì thuộc đời sống văn minh, thị thành, họ không có cơ hội tới đó, làm sao mà biết  được ? .
Người dân thành phố thì làm đủ mọi ngành, mọi nghề . Mà ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải đạt tới mục đích, chỉ tiêu, sự mưu sinh cuộc sống mới được trường tồn . Do đó, vì mục đích, chỉ tiêu, nên trong việc hành xử đôi khi phải tính toán, mưu mô và nếu không có ĐẠO-ĐỨC KỀM CHẾ,sẽ dễ dàng đưa đến  Thất nhân, Thất đức . Như người Thương-buôn có chủ đích làm sao kiếm được  nhiều lời, người làm Chính-trị phải biết lúc nào hiền, lúc nào phải hung ác, lúc nào phải mánh mung, gian dối, bịp bợm, để đạt cho được mục đích  muốn đạt tới ....

Đúng một tuần ở lại làng quê với Mẹ và dự đám cưới Anh Ba . Trở vào Huế lần này, tôi đem chuyện ông bà chủ tiệm vàng muốn tôi đến ở trong nhà, dạy kềm mấy đứa nhỏ, nói cho anh Tư nghe .

Nghe xong Anh quyết định lập tức  :

- Đâu có được, tao đã hứa với anh chị Văn ở cạnh nhà bác Từ rồi . Anh Văn là Thượng sĩ quân-y, chị Văn là Nữ trợ tá, cả hai cùng làm việc trong đồn Mang-Cá . Họ có năm con, rất cần mi đến ở để kèm cho mấy đứa nhỏ .

Nghe xong tôi quá thất vọng vì  nghĩ rằng anh Tư sẽ vui mừng chấp nhận vì tôi tìm được nơi ăn chốn ở để yên tâm học hành . Ông bà Chủ tiệm vàng sẽ vui mừng vì đã tìm được người vừa ý để dạy kèm các con  . Bây giờ anh Tư quyết định như vậy, tôi phải trả lời với họ sao đây ?
Thấy tôi có vẻ buồn, anh nói thêm :

- Mi ở đây đi học rất gần, chỉ đi bộ qua đồn Mang Cá là tới trường , hơn nữa, anh em gần nhau . Nếu ở trên phố, phải cần có chiếc xe đạp . Làm sao có tiền mua bây giờ  ? .

Ban đầu tôi chỉ phân vân làm sao từ chối Ông Bà chủ tiệm vàng, bây giờ lại thêm vấn đề mua xe đạp, làm tôi quyết định nhanh hơn, bèn nói :

- Vậy thì anh dạy cho tôi làm sao nói từ chối ? . Anh Tư trả lời :
- Dễ ợt, mày chỉ nói Anh tôi không cho . Thế thôi .......

Mặc dù anh nói như vậy, nhưng lòng tôi vẫn còn nhiều phân vân lo lắng. Bởi vì tình cảm đối xử tử tế ban đầu, đã in đậm vào tâm trí tôi, dù tôi chỉ là thằng con nít, ông bà cũng mời vào trong , ngồi xuống ghế sang trọng để nói chuyện . Sau đó lại còn cho tôi tiền đi xe đò, mặc dầu tôi không lấy .
Mẹ đã căn dặn nhiều lần :

- Trong cuộc đời này, ai tử tế với mình thì đừng làm mất lòng họ  .

Bây giờ anh Tư đã quyết định như vậy, mình phải nghĩ phương cách từ chối sao cho ông bà khỏi giận hờn, và nhủ thầm :

- Mẹ ơi, con sắp làm mất lòng người ta rồi .....

Trưa hôm sau, tôi đi bộ hơn một tiếng đồng hồ từ Mang cá lên phố Huế. Vừa bước vào tiệm, Bà Chủ nở nụ cười tươi và hỏi tôi liên tục :

- Cậu về đám cưới xong rồi hả ? . Sẵn sàng dọn đến ở chưa ? . Khi nào ? Cho tôi hay để sửa soạn chỗ ở. Mấy đứa nhỏ ngày nào cũng hỏi khi nào cậu đến dạy ? . Ông nhà tôi nói khi nào cậu đến ở, ông sẽ mua cho chiếc xe đạp . .....

Trong khi Bà hỏi tôi, cả đám con từ trong chạy ra đứng vây quanh, đứa nào cũng mỉm cười vui vẻ và thân thiện . Nhất là cô con gái lớn gần trạc tuổi tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt như cầu khẩn đừng từ chối . Riêng tôi, đứng trân trân như trời trồng . Những lời Bà hỏi, là những lời đánh động vào trái tim non nớt, chan chứa tình cảm và dễ rung động của tôi.  Tôi muốn mở lời, nhưng có cái gì chận ngang cổ họng . Bèn đứng lặng im, để cho hai hàng nước mắt tuôn trào xuống má .

Bà chủ và đám con thấy tôi như vậy, ai cũng đứng im . Cô con gái lớn bỏ đi nơi khác .  Một lát sau, Bà chủ lên tiếng:

- Bác đã hiểu rồi, nhưng Cháu nên biết rằng có rất nhiều người muốn đến ở dạy các em mà hai bác không bằng lòng.  Thấy Cháu còn nhỏ mà tánh tình hiền hậu, trung trực lại học giỏi nên hai bác mới cho . Nhưng thật sự tại sao Cháu không muốn ? .

Tôi gạt nước mắt và trả lời :

- Anh Cháu nói Cháu cần phải học giỏi để có học bổng mới tiếp tục học được. Nếu không có học bổng thì sẽ bỏ học nửa chừng . Việc dạy kèm sẽ mất thì giờ nhiều lắm . 

Bà chủ nhìn tôi với lòng thương hại rồi nói :

- Chuyện có học bổng hay không Cháu đừng lo . Khi Cháu ở với hai bác thì chắc chắn Cháu sẽ được học tới nơi tới chốn .

Tôi nghĩ thầm, nếu càng đứng đây lâu, Bà chủ sẽ thuyết phục và đưa tôi vào thế bí, không thể từ chối được nửa. Tôi nói lời sau cùng :

- Bây giờ thì anh cháu nhất định không cho, để cháu về xin Anh lần nữa, rồi tôi chào từ giã ra về .

Bà chủ ghé vào tai tôi nói nhỏ :

- Bác cho cháu suy nghĩ thêm một tuần, nếu thay đổi thì cho Bác hay .

Bước ra khỏi tiệm vàng, tôi bước nhanh và nhẹ nhàng như đi trên mây, hướng về bến xe buýt Huế-Bao vinh .
Tôi đang lầm lũi bước đi, thình lình cô con gái lớn của bà chủ từ trong hẻm bước ra gọi :

-  Anh.... . 

Đang bàng hoàng, tôi chưa kịp phản ứng thì cô ta nhét vào túi tôi mảnh giấy nhỏ rồi bỏ chạy .
Tôi vẫn để yên mảnh giấy trong túi và lầm lũi bước đi đến bến xe . Khi xe bắt đầu lăn bánh, tôi  lôi mảnh giấy nhỏ ra xem. Chỉ có mấy chữ nguệch ngoạc :

-  Chúng em rất muốn Anh đến dạy học, mong Anh đừng  từ chối .........
Em........Diệu .

Mảnh giấy nhỏ chỉ có mấy chữ mà tôi đọc đi đọc lại cả mấy chục lần, cho đến khi xuống xe, tôi cẩn thận gấp lại cất kỹ vào túi áo......

Đêm nay trằn trọc mãi, đã khuya lắm rồi mà vẫn chưa ngủ được . Mỗi lần nhắm mắt chỉ thấy mảnh giấy nhỏ và dòng chữ nguệch ngoạc, cùng với hoạt cảnh mấy Mẹ con bà chủ đứng vây quanh mình . Giá như mình bất chấp lời anh Tư, thì trong tuần này sẽ dọn đến nhà mới, ở đó có Diệu cùng các em đùa giỡn với mình, vui biết là bao ? Diệu  chắc là nhỏ tuổi hơn mình , nhưng trông nàng đứng đắn và chững chạc quá . Dáng người mảnh khảnh, da trắng nõn, mắt to tròn, mũi dọc dừa, lông mi dài và cong lên, mỗi lần nhìn là Tôi như bị nàng cuốn hút và thôi miên . Nhất là lúc chiều, nàng gọi “ Anh “...., nhận ra tiếng nàng thì tim tôi như ngừng đập .

Lúc trước có lần Mẹ nói, nếu đôi trai gái cùng trang lứa thì con gái trông khôn ngoan hơn con trai gấp năm tuổi .
Mộng ước của tôi bây giờ là học thật nhanh để ra đời giúp Mẹ . Nếu mình ở trong cùng gia đinh, một lúc nào đó bị sa ngã vào yêu đương thì việc học của mình xem như chấm dứt . Làm sao giúp đỡ cho Mẹ đây ? Nghĩ đến điều này, tôi nhất quyết gạt ra ngoài tất cả những gì đã có trong đầu về chuyện gia đinh Ông Bà chủ tiệm vàng . Thế là tôi ngồi dậy lấy mảnh giấy nhỏ của nàng, châm lửa đốt . Xong rồi tôi ngủ một giấc đến gần mười giờ sáng ngày sau ........

Nghe theo lời anh Tư , tôi xách vali áo quần sách vở, đến ở nhà anh chị Văn .
Thằng Dũng, con trai lớn nhất, học rất kém và châm chạp, nhưng được một điều là lễ phép, và tuyệt đối nghe lời . Do đó, tôi không ngần ngại dành nhiều thì giờ dạy dỗ nó . Những lần làm bài ở trường được điểm cao, tôi và nó đều được thưởng bún bò Huế mụ Rớt, nên những tháng sau đó nó tiến bộ thấy rõ .

Cuộc sống đang êm xuôi, bỗng một hôm anh chị Văn đi vắng, Con-ở hầm hầm nét mặt, đến cự-nự tôi những chuyện nhỏ nhặt trong nhà .
Nó bực tức nói :

- Đời này sao bất công, tui làm việc đầu tắt mặt tối từ sáng đến tối, không một ngày nghỉ, mà chẳng nghe Ông Bà cho một lời khen, đừng nói chi đến chuyện thưởng bún bò . Còn anh, cũng ở trong nhà như tui mà lâu lâu lại được thưởng .

Tôi im lặng không trả lời, và suy nghĩ những điều nó nói .
Thực ra thì thân phận của những học trò nghèo, làm nghề kèm trẻ nít để có nơi ăn chốn ở như tôi, chỉ được coi trọng hơn Con-ở một chút . Âu đó là do hành động anh chị Văn đã đối xử với tôi . Có những lúc tôi đang dạy học, anh Văn nhờ tôi ra quán đầu đường, mua gói thuốc lá . Hoặc những buổi tối, sai tôi đạp xe lên phố Tàu mua cho anh chị hai tô hủ-tiếu . Cuối tuần thì nhờ tôi chùi rửa chiếc Vespa .........v.v........ Làm cho Con-ở nghĩ rằng tôi và nó đều là người làm thuê ở đợ .

Tôi biết Con-ở hiểu bậy bạ, nhưng cũng làm cho tôi xót xa về thân phận mình không ít .
Vào một sáng chủ nhật khác, tôi thấy Con-ở ngồi giặt áo quần ngoài sân, tôi đem mấy bộ quần áo ra cùng ngồi giặt. Nó nhìn tôi rồi buột miệng nói :

- Lâu nay tui cứ tưởng chỉ có con gái, mới đi ở đợ chứ ? .

Tôi nổi sùng gằn giọng trả lời :

- Gái trai gì mà nghèo khó, thì cũng phải đi ở đợ mà thôi .

Nó cười cười có vẻ thông cảm và nghĩ rằng tôi và nó ở cùng giai-cấp trong xã-hội này ......

Thấm thoắt đã hơn một năm, ở trong nhà anh chị Văn . Hôm nay bắt đầu mùa thi Lục cá nguyệt nên bài vở quá bận rộn . Tôi phải nhờ đến Dũng nhắc nhở các em nhỏ học, để tôi có đủ thì giờ làm bài  . Thấy vậy, chị Văn có vẻ không bằng lòng, nhưng không nói gì .

Một buổi sáng cuối tuần, tôi cần hoàn tất Bản Họa-Đồ Kỹ-Nghệ với khổ giấy thật lớn, nhưng ở nhà không có cái bàn lớn để vẽ . Tôi bảo Dũng :

- Cuối tuần này các em chỉ ôn lại bài cũ, vì Anh phải đến trường để hoàn tất bản vẽ . Nhờ Dũng trông coi các em giùm .

Tưởng rằng mọi chuyện êm đẹp, vì Dũng là đứa trẻ ngoan, biết nghe lời . Nào ngờ buổi tối trở về, vừa bước chân vào nhà, nghe chị Văn đang to tiếng với Chồng :

- Đâu có phải mình nuôi ăn ở, rồi nó muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi ?.  Nếu thằng Dũng dạy em được thì mình nuôi nó làm gì cho tốn cơm ?

Anh Văn cũng to tiếng trở lại :

- Cả năm nay nó đâu có lỗi lầm gì, bây giờ đang thi Lục cá nguyệt, bài vở rất bận rộn, mình nên thông cảm cho nó với chớ.Hơn nữa, nó ở trong nhà , mình chỉ thêm cái chén đôi đũa chứ có cho nó đồng nào hàng tháng đâu mà Mẹ mày nói như rứa ?

Rồi chị Văn lên giọng lớn hơn :

- Việc dạy dỗ con mình học là chính, chuyện của nó là phụ, anh biết chưa ?

Nghe anh chị cãi nhau nhà dưới, tôi biết tình thế rất căng thẳng, tôi đi xuống và nói lời xin lỗi . Nhưng cả hai im lặng, không ai nói một lời gì .
Tôi buồn bã trở lên, lấy vali ra, dồn hết áo quần, sách vở vào . Thằng Dũng thấy thế, xuống thông báo cho Ba mẹ .
Chị Văn lớn tiếng nói vọng lên :

- Nó đi đâu mặc kệ nó, thời buổi này những học trò nghèo muốn dạy kèm con nít thì thiếu gì ? . Hàng hàng lớp lớp .

Sắp xếp áo quần sách vở vào vali xong, tôi xách xuống nhà dưới chào từ giả anh chị .
Chỉ có Con-ở nhìn tôi với vẻ ái ngại, chứ anh chị Văn vẫn nhìn nơi khác và không ai nói một lời gì ........Tôi lặng lẽ ra đi .............

Tối hôm đó, tôi trở lại nhà Bác Từ tá túc để ngày mai đi thi .
Ngồi trong phòng học của chị Hoa con Bác Từ, lật sách  ra học nhưng tôi không tài nào định tĩnh tâm trí để đọc .  Mỗi lần nhớ lại những cử chỉ anh chị Văn là mỗi lần  tôi tủi thân vô cùng .
Ngày xưa có lần Mẹ nói :

- Hôm nay trên Chùa có Ông Sư từ xa tới thuyết giảng rất hay, ông nói rằng những lúc buồn chán, sầu khổ, ta nên nghĩ đến Đức Phật hoặc hình ảnh những người thân thương là hết sầu buồn ngay .

Bây giờ tôi đang nghĩ đến Đức Phật , đến Mẹ  . .

Chiều hôm sau, khi tan trường, tôi chậm rãi đi bộ băng qua đồn Mang cá để về nhà . Tôi có cái thú, thích đi bộ chầm chậm, để vừa đi vừa suy nghĩ chuyện này chuyện kia . 

Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới, sẽ xách vali đến nhà nào nửa đây ? . Đời sống tôi bây giờ không khác gì các cô gái thời xua, khi lớn lên là phải đi làm dâu của một trong trăm họ . Họ nào tốt xấu, may nhờ rủi chịu . Nên có lắm cô phải than thở :

Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ, biết vào tay ai .

Tôi bây giờ có khác gì đâu ? . Tôi có ý định cuối tuần này, sẽ trở lại thăm Ông bà chủ tiệm vàng . Nếu họ còn cần, thì tôi sẽ đến . Nhưng khi nhớ lại, ánh mắt nhìn trìu mến của Diệu, làm lòng tôi xao xuyến và có điều gì vô hình khiến tôi hơi sợ sệt .

Trong khi lòng tôi đã tự hứa, không để chuyện yêu đương cản trở và vướng bận con đường học hành của mình . Một lần nữa, tôi nhất định gạt bỏ ý nghĩ trở lại tiệm vàng ....

Mải mê suy nghĩ khi đi bộ, nên đường dài cũng trở thành ngắn . Bước vào nhà Bác Từ, thấy anh Châu cháu của bác Từ, và anh Tư ngồi nói chuyện ở phòng khách . Anh Tư lên tiếng :

- Nó về rồi kìa .

Rồi quay sang tôi , anh bảo, lại đây Anh có chút việc .
Tôi đến chào rồi đứng im nghe anh Châu nói :

- Nãy giờ Tôi đã nói chuyện với anh Tư của em , để cho em đến ở dạy năm đứa con của Anh Chị . Em nghĩ thế nào ?

Tôi chưa kịp trả lời thì anh Tư xen vào :

- Nếu muốn thì chiều nay dọn đến và ở lại luôn .

Vợ chồng anh Châu lo buôn bán trên chợ Đông ba nên không có thì giờ dạy dỗ con cái . Lâu nay giao phó cho Con-ở. Hằng ngày khi Anh Chị về đến nhà thì tụi nhỏ đã lên giường nằm ngủ . Do đó, Anh Chị không biết con cái học hành ra sao ? .

Hồi chiều anh Tư ghé chợ, anh chị Châu mới biết tôi không còn ở nhà anh chị Văn nên mới theo anh Tư về nhà .
Mọi chuyện coi như anh Tư và anh Châu đã quyết định . Tôi trả lời :

- Dạ được .

Sau đó anh Châu và anh Tư  đi vào trong lấy vali áo quần sách vở tôi đem bỏ lên chiếc Mobilette của anh Châu chở đi . Tôi vào phòng học chị Hoa ngồi nghỉ và ôn lại bài thi ngày mai .

Hôm nay, ăn bữa cơm tối đầu tiên tại nhà anh chị Châu, có đầy đủ vợ chồng và các con .
Trong lúc ăn, anh Châu căn dặn tôi :

- Mấy đứa này rất nghịch ngợm, phá phách . Nếu cần thì cứ lấy roi đánh thẳng tay .

Chị Châu nói theo :

- Nên đánh để hù dọa thôi, chứ đừng đánh đau .

Cả năm đứa nghe Mẹ nói xong, phá lên cười .
Anh Châu trợn mắt nạt lớn :

- Tụi bây im . Rồi quay sang chị nói :
- Mẹ mi nói rứa, làm sao người ta trị chúng nó được ? .

Đúng như lời anh Châu nói . Tụi nó không những phá phách, lại còn hỗn  xược quá chừng . Từ khi vào ở trong nhà, Tôi ít khi cười đùa với chúng . Tôi càng nghiêm trang, tụi nó càng nghịch ngợm, phá phách  . Mỗi lần lấy roi hăm dọa,  tụi nó yên ổn được một vài giờ, sau đó thì  đâu lại vào đấy . Đôi khi tôi nghĩ, mình có bổn phận dạy dỗ chữ nghĩa, chứ tánh tình, đạo đức phần lớn do bẩm sinh và sự răn dạy của cha mẹ . Bây giờ họ muốn có cả hai, thì mình làm sao kham nổi ? . Không lẽ cứ lấy roi đánh hoài, một lúc nào đó mình sẽ trở thành kẻ thù của chúng . Do đó tôi chỉ chú tâm vào việc dạy học, làm bài mà thôi ......

Thời gian thấm thoắt, từ ngày đến ở cho tới bây giờ cũng đã hơn một năm . Do hậu quả của sự không quan tâm la mắng của tôi, năm đứa nhỏ ngày càng phá phách và hỗn xược như lúc trước .

Một buổi chiều tan trường trở về, vừa bước chân vào nhà thấy sách vở, bút mực của tôi bị vứt ngổn ngang, bừa bãi. Có vài cuốn sách bị xé rách và vẽ bậy vào . Tôi thở dài, bực tức, rồi không dằn được sự nóng giận . Tôi gọi cả năm đứa, nằm lên bộ phản gỗ, đánh mỗi đứa một roi vào đít thật đau . Thế là cả năm đứa khóc la om sòm như đàn heo đói ăn .

Con-ở chạy lên cự-nự và dùng những lời hỗn xược để nhiếc mắng tôi . Đang cơn nóng giận chưa nguôi, tôi tát nó một bạt tai . Nó nhảy lên đong đỏng, khóc la còn lớn hơn năm đứa kia . Rồi nó lấy xe đạp đi thông báo anh chị Châu.

Tôi chán nản bỏ đi ra ngoài ngõ ngồi nghỉ . Hơn nửa giờ sau, anh Châu trở về với nét mặt lạnh lùng, không biết Con-ở đã nói gì với Anh Chị . Anh hỏi tôi chuyện gì xảy ra .

Sau khi nghe tôi kể hết mọi chuyện, anh vào nhà nhìn sách vở vẫn còn ngổn ngang, bèn bắt tất cả năm đứa vào quì gối trong góc nhà .
Anh trở ra dịu giọng với tôi :

- Em nên kiên-nhẫn để giúp giùm Anh Chị . Có lẽ đây là lần đầu bị đánh đau nên tụi nó mới khóc la om sòm .

Rồi anh leo lên xe định đi, bà hàng xóm ở đối diện nhà chạy ra chào anh và nói :

- Thằng-ở của anh coi bộ hiền lành, lễ phép . Gặp tôi lúc nào cũng cúi đầu chào . Còn Con-ở thì ôi thôi, nó quá-quắt hết chỗ nói . Mấy ngày trước, nó xúi sáp nhỏ sang bứng trốc gốc mấy cụm rau răm, tôi mới trồng . Tôi bắt được, la mắng thì nó chối bai bải và chưởi lại tôi.....

Tôi để anh Châu nói chuyện với bà hàng xóm, đi vào nhà dọn dẹp sách vở gọn gàng trở lại .
Buổi tối khi chị Châu về nhà, tụi nhỏ và Con-ở xúm lại mách Chị một lần nữa. Đứa nào cũng kéo quần xuống, đưa dấu-vết lằn roi cho Chị xem .
Chị Châu lại to tiếng với Anh :

- Ba mày thật không biết ất-giáp gì cả, mấy đứa nhỏ bị đánh, rách da rách thịt, rồi Ba mày còn bắt quì thêm mấy tiếng đông hồ nữa . Sao mà bất công như vậy ? .

Anh Châu lớn tiếng nạt lại :

- Đánh cho nát đít cũng chẳng sao . Bà bênh con bậy bạ, làm sao người ta dạy chúng nó nên người được ? . Bà im miệng lại được không ? .

Rất may là chị Châu im lặng, không nói thêm điều gì . Tôi chỉ sợ giống anh chị Văn thì bắt buộc phải xách gói ra đi lần nữa . 
Mấy đứa nhỏ sau lần bị đánh, chỉ đang hoàng được hơn một tuần rồi bắt đầu nghịch ngợm trở lại . Lần này phá phách còn dữ dội hơn vì có sự chỉ huy của Con-ở .   

Mỗi chiều đi học về nhà, tôi phải đương đầu với năm đứa con nít quỉ quái và Con-ở nét mặt hằm-hằm . Nhiều lúc tôi chịu hết nổi, muốn nói với anh chị Châu lời từ giã . Nhưng ngặt nỗi tôi chưa tìm được nơi nào để đi  và anh Châu còn đối xử  tốt với tôi  . Bây giờ chỉ còn vài tuần nửa là đến hè, nên tôi ráng chịu đựng .

Thấm thoắt ba tháng nghỉ hè trôi đi quá nhanh , tuần trước anh Cả về thăm , sau khi nghe Tôi than thở không có thì giờ làm và học bài nên anh hứa hàng tháng sẽ cho Tôi thêm ít tiền để khỏi đi dạy kèm con nít .

Trở vào Huế lần này, tôi nhất định đi kiếm nhà ở trọ, ăn cơm tháng . Gặp bạn bè nào tôi cũng hỏi thăm dò, xin đến ở chung .
Một hôm trong giờ nghỉ trưa, tình cờ gặp Mẫn học dưới tôi hai lớp, nó hỏi tôi :

- Nghe anh đang tìm nhà ở trọ phải không ? .
- Phải . Bộ có nhà giới thiệu cho tôi hay sao ?

Nó nhìn tôi có vẻ dò xét, rồi ngập ngừng hỏi :

- Xin lỗi, anh có..... Đạo Phật không ?
- Có .
- Anh... ăn.... chay trường được không ?
- Ngày rằm và mồng một có ăn chay với Mẹ, chứ ăn chay trường thì chưa .
- Rứa.... thì.... đâu có được  Rồi nó giải thích :
- Có hai ông bà già, tuổi gần bảy mươi , họ muốn làm việc thiện, nên cho tôi và thằng bạn ở trong nhà, ăn ở không lấy tiền . Vì nhà còn rộng, họ muốn nuôi thêm hai người nữa, tuyệt đối ăn chay và theo qui luật của họ . Tôi sợ anh không theo được .

Tôi suy nghĩ một lát rồi hỏi :

- Nhà có gần đây không ?  
- Ngay đây nè . Sát bờ hồ Tịnh-Tâm . Đi bộ đến trường chừng năm phút .

Tôi suy nghĩ, nếu chịu khó ăn chay, tiền anh  Cả cho ,  mình sẽ gửi về giúp Mẹ .
Có thể đây là dịp may , rồi tôi nói với nó :

- Nè Mẫn, tôi nghĩ rằng tôi sẽ ăn chay được . Vậy nhờ bạn hẹn với ông bà cho tôi đến gặp được không?.
- Khỏi cần hẹn, nếu muốn thì tối nay hãy đến địa chỉ này .

Vừa nói nó vừa lấy bút giấy, ghi vội địa chỉ trao cho tôi .
Buổi tối, tôi rủ Hiền, bạn thân cùng quê đi với tôi, vì nó cũng đang tìm nhà trọ . Khi bước vào cổng, vì trời đã tối nên không thấy được vườn trước, vườn sau . Mẫn hướng dẫn hai chúng tôi lên nhà trên ngồi đợi . Vài phút sau, một cô gái có khuôn mặt trái xoan thật đẹp, dáng người cao sang , mảnh mai, mặc bộ áo quần màu hồng, tay bưng ngọn đèn dầu thật sáng, làm tăng vẻ rạng rỡ của khuôn mặt, bước ra chào và hỏi Mẫn :

- Chào các em . Đây là hai em muốn xin đến ở trọ, phải không ?

Mẫn trả lời khi cả ba đứa cùng đứng dậy :

- Dạ phải . Rồi chị nói tiếp :
- Tối hôm nay Ba mẹ tôi đi lễ trên chùa Từ-Đàm, khuya mới về .  Tuy nhiên, nếu muốn thì chiều mai, hai người cứ dọn đến ở . Tối nay tôi sẽ nói cho ông bà hay .

Rồi chị quay sang nhìn tôi và hỏi :

- Em này học lớp mấy mà cao lớn quá vậy ? . Và răng mà các em không giới thiệu tên cho chị biết để kêu ? .
Chị tên Hằng, học Đệ-nhị ban C  trường Đồng-Khánh Huế . Còn các em ? .

Hiền trả lời lí-nhí trong miệng :

- Em tên Hiền còn nó tên Nhân , tụi em học Đệ-tứ,  năm cuối của trường .

Im lặng một lúc, Chị nhìn đồng hồ rồi nói :

- Thôi, các em về nghỉ, chị phải đi làm bài .

Rồi chị nhìn tôi gật đầu chào lần nữa .
Tôi thấy chị có vẻ để ý đến tôi hơn, có lẽ vì tôi cao lớn hơn chị nhiều . Mấy đứa kia thì thấp hơn chị . Thực sự thì tôi bằng tuổi chị . Nhưng vì bắt buộc phải khai sụt hai tuổi để được đi học mà thôi .
Chiều hôm sau, khi tan trường, Hiền nói với tôi :

- Hôm nay tao và mày đi ăn một bữa cơm mặn thật no, chứ khi dọn đến ở rồi thì không biết chịu đựng cơm chay được bao lâu ? .

Tôi trả lời :

- Tao rất muốn, nhưng hôm nay không có đồng nào . Nó bảo  :
- Đừng lo . Tao vừa nhận được tiền gia đinh gửi vô .

Thế là hai thằng leo lên xe đạp của  Hiền, đèo nhau đến tiệm cơm bình-dân chợ Đông -ba . Ăn xong, Hiền bảo tôi :

- Mày nên thay  áo quần sạch sẽ hơn một chút, trước khi dọn đến nhà người ta, quần áo mày đang mặc trông bèo nhèo và dơ quá .
- Tao chỉ có ba bộ, hai bộ kia đã dơ, chưa có thì giờ giặt. Mày có bộ nào sạch cho tao mượn đỡ ? .

Về đến nhà trọ đang ở, Hiền lấy bộ quân áo tương đối thẳng nếp nhất, trao cho tôi . Cái áo sọc trắng xanh mặc vừa vặn, tuy hơi ngắn nhưng cái quần xanh dương thì lên khỏi mắt cá khá xa .
Hiền nhìn tôi chăm chú và nói:

- Trông hơi cao bồi,  nhưng sạch sẽ hơn của mày nhiều lắm .

Tôi và Hiền chất hai vali áo quần lên xe đạp . Hiền đi bộ cầm tay lái tôi vịn và ì-ạch đẩy  phía sau, đi đến nhà trọ mới.
Vừa bước chân vào ngõ, Mẫn và Ân hớn hở ra đón . Chào hỏi xong, Mẫn vội vàng chạy đến ông già cao gầy, đang cầm vòi nước đứng tưới cây cùng với bà già đang ngồi rữa rau trong cái thau nhôm gần đó . Mẫn nói nhỏ điều gì với ông bà, cả hai cùng quay lại nhìn chúng tôi rồi ông cất tiếng hỏi :

- Hai cháu dọn đến rồi hả  ? .

Tôi và Hiền cúi đầu chào ông bà rồi đáp : Dạ .
Ông nhìn tôi và Hiền lần nữa, rồi nhìn tôi lâu hơn và hỏi :

- Áo quần gì đến hai vali nặng chình-chịch, chắc là nhiều áo quần mode mới lắm hả ? .

Nghe ông nói, tôi hơi sững sờ, chưa kịp trả lời thì Hiền đáp nhỏ :

- Dạ đâu có .

Rồi ông quay sang Mẫn bảo :

- Vào chỉ chỗ nằm ngủ cho hai người, nhớ để vali áo quần dưới gầm giường  và đưa bản qui-luật ăn-ở cho họ đọc .

Tôi để ý căn nhà cất theo kiểu xưa, ba gian hai chái . Gian chính giữa thờ một tượng Phật lớn và các lư-nhang Tổ-tiên . Gian bên trái kê hai bộ phản-gỗ. Bộ bên trong Mẫn và Ân .
Mẫn chỉ bộ bên ngoài cho tôi và Hiền, đồng thời chỉ lên tường có dán tờ giấy viết Nội-qui gồm sáu điều :

1 - Tuyệt đối ăn chay . Không được ăn mặn bất cứ lúc nào, trường hợp nào.
2 - Đi ngủ : 10 giờ đêm . Thức dậy : 5:30 sáng .
3 - Hằng ngày khi nghe một tiếng chuông buổi trưa hoặc chiều, mọi người phải xuống nhà ăn, mỗi người một tay dọn thức ăn và chén đũa lên bàn .
4 - Người trực trong ngày, phải rửa chén bát, làm vệ sinh và đổ rác .
5 - Không được hỏi bài vở, chuyện trò, và làm phiền chị Hằng bất cứ lúc nào .
6 - Ai vi-phạm hai lần, tự đông ra khỏi nhà .

Phía dưới bản Nội-qui là tên bốn đứa : Mẫn-Ân-Hiền-Nhân . Bên cạnh đó là số lần đã vi-phạm .
Hiền lấy cây bút chì, gạch một gạch vào chỗ vi-phạm của tôi rồi nói nhỏ :

- Chi Hằng mà để ý mày, thì trước sau gì cũng bị gạch, nên tao gạch trước cho rồi . 

Cả bốn đứa lấy tay che miệng cười khúc khích .
Tôi nói thêm vào :

- Sống theo bản Nội-qui này vài tháng, chắc đứa nào cũng lên chức Đại-đức hay Thượng-tọa .

Cả đám phá lên cười lớn hơn .
Thằng Mẫn đưa tay ra dấu im lặng, rồi lấy cục tẩy, vừa tẩy vừa nói :

- Muốn ở đây lâu dài thì tốt nhất, đừng đùa giỡn bất cứ điều gì .

Khi thấy bóng dáng ông già đi vào, cả bốn đứa không ai bảo ai, tự động đi lấy sách vở, ngồi vào bàn làm bài .
Ông già sửa soạn giường ngủ ở gian nhà bên phải, chị Hằng thì học và ngủ nhà dưới với bà già .

Đêm đầu tiên chưa quen thuộc với chỗ ngủ nên tôi trằn trọc, suy nghĩ  vẫn vơ.
Tối nay Mẫn cho hay, kể từ nay, ăn trưa và chiều chỉ có bốn đứa thôi . Ông bà và chị Hằng hoặc ăn trước, hoặc ăn sau .

Khi tôi và Hiền chưa đến ở thì Mẫn và Ân được ngồi ăn chung với gia-đinh.
Được biết hai ông bà chỉ có hai người con, anh Hai bị động viên đi Sĩ quan Thủ-Đức . Nay phục vụ tại Phan-thiết . Đã có vợ . Còn lại chị Hằng đang ở với ông bà . Có thể đây là lý do, nhà chỉ có ông bà già và con gái, nên cho tụi tôi đến ở trọ cho đỡ vắng vẻ, và làm việc thiện luôn thể .

Mặc dầu tuổi gần bảy mươi, nhưng Ông còn khỏe mạnh lắm . Sáng nào ông cũng dậy trước chúng tôi một giờ, thắp nhang tụng kinh xong đạp xe lên núi Bạch-Mã . Có độ cao hơn núi Ngự-Bình . Trên đó, có một hồ nhỏ, nước rất lạnh. Khi đến nơi, ông ngồi Thiền một giờ bên bờ hồ, rồi xuống ngâm mình trong nước lạnh nửa giờ, xong đạp xe về tới nhà là gần trưa . Không bỏ sót ngày nào . Cho nên người ta thường gọi là ông già Bạch-Mã . Có những cuối tuần, ông rủ Ân và Mẫn cùng đi, nhưng sau mỗi lần đi về, Ân bị cảm nặng, nên có lý do từ chối . Còn Mẫn không bị, nên mỗi lần ông bảo là phải đi 

Thực ra thì ở đây rất tiện lợi, buổi sáng cả bốn đứa đi bộ đến trường . Vừa đi vừa chuyện trò rất vui, nhất là được nói to tiếng . Ở nhà lúc nào cũng phải nói năng nhỏ nhẹ vừa đủ nghe . Nhất là không dám đùa giỡn . Khi ra khỏi nhà là đùa giỡn tự do . Những chuyện gì ở nhà không dám nói, khi ra khỏi nhà là bắt đầu kể cho nhau nghe . Rồi cùng cười vang  .
Có lần Mẫn nói :

- Tui thấy càng ngày chị Hằng càng thân thiện với anh Nhân . Anh phải coi chừng ông già gạch vào ô vi-phạm một gạch đó nghe . Ví dụ ngày trước các anh chưa đến ở, chị Hằng trèo lên trèo xuống cây khế sau vườn nhẹ nhàng như con khỉ . Bây giờ bày đặt, mỗi lần lên xuống phải nhờ anh Nhân vịn giùm cái ghế .

Ân xen vào :

- Ờ, tui cũng thấy như vậy .

Sáng thứ bảy tuần trước, tôi ra sau vườn xem mấy chậu hoa kiễng và những cây Bonsai của ông già . Hoa Lan, hoa Huệ thật đẹp, những cây Bonsai được cắt tia rất công phu . Tôi đang chú tâm quan sát, bỗng giựt mình khi nghe tiếng hỏi :

- Nhân không làm bài hay sao mà đi ngắm hoa ? .

Tôi ngơ ngác nhìn quanh trong vườn không thấy ai . Rồi chị nói tiếp :

- Đây nè, trên cây khế nè .

Nhìn lên cây khế thấy chị đang ngồi trên cái gối, lót vào giữa cành ba nhánh tôi hỏi :

- Chị không sợ bị té hay sao ? .
- Quen rồi . Ngồi trên này học bài hay đọc sách rất thú vị . Thỉnh thoảng nhìn mấy con chim đến ăn khế rất dễ thương .

Tôi sợ đứng trò chuyện lâu sẽ vi-phạm Nội-qui, nên quay lưng định đi vào thì chị gọi giựt lại  :

- Khoan đã, nhờ vịn giùm cái ghế cho tôi xuống được không ? .

Chẳng đặng đừng, tôi phải đi đến vịn chiếc ghế để dưới gốc cây khế cho chị leo xuống .
Chị Hằng một tay nắm cành khế, tay kia ôm chiếc gối và cuốn sách, khi bước chân xuống ghế, chút xíu nữa là ngã vào người tôi . Tôi nhanh tay đỡ sau lưng chị .
Ông già từ đâu chạy lại nạt nộ :

- Buổi sáng không lo làm bài, hai đứa ra đây làm gì ?

Tôi chưa kịp trả lời, chị Hằng lên tiếng :

- Con nhờ vịn cái ghế để bước xuống . Ông già gằn giọng :
- Ba ở bên này sao không nhờ mà nhờ nó ? .

Chị Hằng đỏ mặt, đi vào nhà . Tôi cũng quay lưng đi lên nhà trên .
Khi trở lại bàn học, thấy Hiền, Mẫn , Ân đang lấy tay che miệng cười, không thành tiếng . Rồi Hiền nói nhỏ vừa đủ mấy đứa nghe :

- Chuyến này chết thật rồi con ơi . Thôi, lấy áo quần xếp vào vali là vừa .

Xong nó lấy bút chì gạch hai gạch vào ô vi-phạm Nội-qui của tôi .
Mẫn thấy vậy, vội vã lấy cục tẩy, vừa tẩy vừa nói :

- Đùa giỡn kiểu này ông thấy được là chết cả đám .

Thế là từ đó về sau, mỗi lần ông già đi vắng là chị Hằng gọi tôi nhờ vịn ghế, và ông già cũng từ đó, theo dõi tôi sát nút .
Đã hơn một tháng nay, tôi thấy rõ ông già không mấy thích tôi, có lẽ vì lúc gặp mặt ban đầu, tôi mặc áo quần của Hiền, trông có vẻ cao-bồi . Thứ đến là,  đã mấy lần tôi từ chối vì lý do này, lý do nọ để không đạp xe theo ông lên núi Bạch-Mã .
Nhưng điều chính làm ông không thích là bởi ông biết tôi bằng tuổi chị Hằng . Lỡ ra chị Hằng có ý yêu thương tôi thì sao ? Riêng tôi, cho đến bây giờ vẫn giữ lời nguyện ước : Cố gắng học và không dính dáng chuyện yêu đương .

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến . Một buổi chiều, chị Hằng tắm gội xong, trong khi đứng hong tóc, nhờ bà già đeo lại sợi dây cổ có tượng Phật bằng đá cẩm thạch . Chị Hằng cỡi ra những lúc đi tắm . Bà già bây giờ mắt bị mờ, tay hơi run nên đeo hoài không được . Đúng lúc tôi từ nhà trên bước xuống, chị Hằng trông thấy liền nói :

- Thôi mẹ để con nhờ Nhân đeo giùm .

Lúc đầu bà già hơi ngập ngừng, nhưng rồi bà cũng giao sợi dây cho tôi, đi vào bếp .
Chị Hằng đứng xây lưng sát vào người tôi, tôi cầm hai đầu dây, quàng hai tay qua đầu chị và đeo vào cổ .
Xong chị quay lại nói nhỏ cám ơn . Tôi cũng nói lại nho nhỏ :

- Đầu mới gội thơm quá .

Chị hơi đỏ mặt, nhoẻn miệng cười .
Không biết ông già từ đâu xuất hiện la lớn :

- Hai đứa nói chuyện gì mà cứ nhỏ to hoài vậy ? . Không biết Nam Nữ thọ thọ bất tương thân hay sao ? .

Không ai dám trả lời điều gì . Chị Hằng đi nhanh vào bếp, tôi đi lên nhà trên thay áo quần đi đến nhà bạn làm bài .
Khoảng gần chín giờ tối, tôi trở về nhà thấy không khí có vẻ khác thường, cả ba thằng cúi đầu im lặng làm bài . Mẫn ngẩng đầu nhìn tôi rồi chỉ tay lên Bản Nội-qui . Tiếp đó Hiền nhìn tôi nói nhỏ :

- Lần này là thật, một trăm phần trăm nghe mày .

Tôi nhìn lên ô vi-phạm của tôi, thấy một gạch màu đỏ .
Tôi kéo ghế ngồi xuống gần Mẫn, nó ghé vào tai tôi nói nhỏ :

- Tối nay chị Hằng bị quất một roi vào lưng, vì dám lên cự-nự khi ông già đang gạch vào chỗ vi-phạm của anh .

Tôi im lặng lấy sách vở ra học bài .

Sự thân thiện của Ông già đối với tôi ngày càng giảm dần, ngược lại chị Hằng có vẻ săn-sóc tôi hơn . Nhất là những lúc ông bà vắng nhà .
Có lần tôi đang đứng rửa chén bát, chị Hằng đến gần và nói :

- Chắc là Nhân và Hiền ăn chay không hạp hay sao mà thấy hai người bữa nay da thịt hơi xanh . Nếu cần thì vài ba ngày nên đi xa lên phố, ăn tô phở cho lại sức . Nhưng nhớ đừng để cho ông bà già biết .

Tuần trước tôi về làng thăm,  Mẹ cũng nhìn tôi và nói :

- Bữa nay con lo học lắm hay sao mà thấy sức khỏe hơi sút kém và mặt mày  xanh xao .

Lâu nay Mẹ chỉ biết tôi ở trọ, ăn cơm tháng, chứ không biết tôi đang ăn chay trường .
Cả hai người, Mẹ và chị Hằng cùng để ý đến sức khỏe của tôi, làm tôi rất cảm kích về sự lo lắng này .
Mới dọn đến đây chưa đầy sáu tháng, nhưng tình cảm chị Hằng sao tiến triển quá lẹ, làm tôi cảm thấy sờ-sợ . Mặc dầu tôi không nói một điều gì tán tỉnh yêu đương .
Mấy hôm trước, anh Hai con trưởng của ông bà về phép, đã nói với chúng tôi :

- Các em ở trong nhà với ba mẹ và em gái tôi, làm tôi rất yên tâm . Nếu các em muốn đọc thêm sách ngoài giờ học, thì cứ tự nhiên xuống lấy ở tủ sách của tôi .

Anh kéo chúng tôi xuống nhà dưới, chỉ cái tủ chất đầy sách . Tôi chú ý đến các sách Toán, Lý-Hóa lớp đệ-tam, đệ-nhị . Anh còn căn dặn ông bà, để cho chúng tôi lấy sách tự do .

Tôi có năng khiếu về Toán-Lý-Hóa nên ngoài giờ học, tôi đọc và làm bài tập trong sách của anh Hai . Một lần nữa chị Hằng có lý do nói với ông bà rằng :

- Nhân rất giỏi Toán-Lý-Hóa đệ tam, đệ nhị, nên đôi khi phải nhờ Nhân giúp .

Ông già nhăn mặt, nhưng cũng phải gật đầu . Chị Hằng học ban Văn-chuong ( Ban C ) nên trình độ Toán-Lý-Hóa rất kém . Mỗi lần tôi giảng bài, ông già mang bình trà ngồi uống ở chiếc bàn nhỏ bên cạnh . Chị Hằng rất khó chịu, nên sự chú ý học bị chi phối . Đôi khi vừa giảng xong, tôi hỏi lại thì chị như trên trời rơi xuống, chẳng biết ất giáp gì .
Ông già lại nạt nộ :

- Nó giảng rõ như ban ngày.  Ba không học Toán-Lý-Hóa mà nghe nó giảng Ba cũng hiểu . Tại sao con lại ngơ-ngơ, ngáo-ngáo như vậy ?

Chị Hằng không dằn được sự bực bội, nói lớn :

- Ba ngồi đó con không học được .

Hai cha con bắt đầu gây gổ nhau, tôi phải tránh đi nơi khác .
Từ lúc bị một gạch đỏ vi-phạm Nội-qui đến nay, tôi rất cẩn thận . Dù cho bây giờ ông già muốn đuổi tôi đi cũng không có lý do gì .  
Thế nhưng , không ai đoán được chữ ngờ . Ngày buồn bắt buộc  phải đến .

Chiều thứ sáu tan trường, tôi và Hiền thật vui sướng trong lòng, vì vừa xong bài thi kiểm soát cuối tháng, vừa được lãnh học bổng, và vui hơn hết là nghe mấy đứa bạn ca tụng cuốn film mới ra : Cầu sông Kwai ( The Bridge on the River Kwai )  khởi chiếu tại rạp Trần Hưng Đạo . Tôi và Hiền dự định ăn cơm tối xong, sẽ xin phép ông già  để đi xem và về trễ tối nay .

Trong khi ăn cơm, thấy ông già đi lui đi tới sau lưng . Hiền bèn mở lời xin phép . Mẫn và Ân cũng xin đi . Chị Hằng nghe film hấp dẫn nên nói :

- Ba cho phép con đi xem với họ luôn có được không ? .

Ông già nghiêm mặt trả lời :

- Không được . Đó là film chiến tranh, bắn giết nhau, con gái không nên coi.

Chị Hằng xịu mặt, giậm chân giậm cẳng, đi vào trong bếp .
Sau khi rửa chén bát và dọn dẹp xong, cả bốn đứa đeo nhau trên hai xe đạp lên phố ............

Xem film xong, đã gần mười hai giờ đêm . Tôi bảo Mẫn và Ân về trước, nếu ông già hỏi thì trả lời giùm là tôi và Hiền ghé nhà bạn lấy cuốn sách . Nhưng thật sự là hai đứa tôi muốn đi ăn phở, trước khi về nhà .

Mẫn và Ân đi rồi, tôi và Hiền đèo nhau đi tìm tiệm phở . Vì đã quá nữa đêm nên không còn tiệm nào mở cửa . Buộc lòng chúng tôi đạp xe theo đường Đinh-Bộ-Linh băng qua chợ Cầu-kho để về nhà .

Đến chợ Cầu-kho, thấy tiệm ăn-nhậu và tiệm phở còn mở cửa . Hiền nói :

- Chà ! Đêm khuya đói bụng, ngửi mùi phở thơm quá, chắc không nhịn được, nhưng coi chừng ông già lẩn quẩn đâu đây . 

Tôi nói :

- Hy vọng giờ này, ông ngủ khò rồi, vì sáng mai ông phải đạp xe lên núi Bạch-Mã sớm .

Hiền cẩn thận khóa xe vào gốc cây bóng tối, không ai thấy . Đi bộ một đoạn vào quán phở, tìm cái bàn trong góc, ngồi xuống gọi hai tô phở lớn .
Đang ăn ngon lành được vài miếng, thấy Ông già lù-lù đứng trước mặt nói :

- Chà !coi xinê về khuya rồi ăn phở, sướng quá hỉ ? .

Hai đứa chưa kịp phản ứng thì ông quay lưng đi ra . Chúng tôi không ai nói gì, cứ tiếp tục ăn hết tô phở .
Ăn xong Hiền mở lời :

- Lần này Mày bị hai gạch đỏ, chắc phải đi . Không biết tao bị một gạch đỏ hay ông già cho đi luôn .

Im lặng một lúc, tôi nói :

- Không hiểu sao Ông già thờ Phật mà không thấy đức tính Từ-Bi-Hỷ–Xả trong con người của ông ? .

Hiền trả lời :

- Mày đã vi phạm ngũ giới nhà Phật là ăn mặn,  lại còn làm cho con gái người ta thương yêu, ông ta không vị-tha, hỷ-xả cho mày là phải .

Tôi thở dài, rồi cả hai đứng lên trả tiền đi về .....

Bước chân vào nhà, thấy đèn sáng trưng . Mẫn và Ân vừa nằm xuống ngủ, thấy tụi tôi về thì vùng dậy . Mẫn chỉ hai cái vali trên bộ phản gỗ và không nói năng gì .
Tôi và Hiền nhìn hai mảnh giấy với hàng chữ : - Phải đi ngay lập tức .
Rồi hai đứa lặng lẽ gom góp sách vở áo quần bỏ vào vali .
Nghe tiếng chân Bà già từ nhà dưới đi lên, thẳng vào giường ông  nói lớn :

- Ông ác vừa thôi chứ !  Đêm hôm khuya khoắt  thế này, tụi nó biết đi đâu ?
- Không cần biết . Tiếng Ông trả lời .

Hai đứa tôi cúi đầu chào Bà già lần cuối, vẫy tay chào Ân-Mẫn, và xách vali chất lên xe đạp của Hiền đẩy đi . Không thấy bóng dáng chị Hằng đâu cả.

Vừa đi vừa huýt sáo bài Cầu sông Kwai mới học lóm được trong film . Đêm về khuya, trời tối đen như mực, Hiền hỏi tôi :

- Đi về hướng nào mày ? .
- Tao đang nghĩ đến nhà Bác Duệ, phu lao công của trường, nhưng sợ làm phiền, nên đổi ý .
- Vậy thì đi đâu ? .
- Tốt nhất là ghé vào chợ Cầu-kho, tìm cái sạp gỗ nằm ngủ tạm đêm nay, sáng mai gửi vali nhà Bác Duệ, chiều đi học về rồi tính .

Lần đầu tiên trong đời, làm kẻ không nhà và sống bụi đời ngoài chợ, nhưng tôi không thấy buồn phiền, lo lắng . Có lẽ vì biết chắc rằng, dù muốn dù không ngày mai cũng sẽ tìm được nhà ở trọ, ăn cơm tháng . Theo tôi nghĩ, ông già cũng thừa biết là tụi tôi sẽ không hề hấn gì, nhưng phải cho một bài học về việc không vâng lời để nhớ đời mà thôi .

Huế bây giờ trời chưa vào Thu, nên vẫn còn khô nóng, ngủ trong chợ có mái che, không có mền đắp cũng không sao. Nhưng muỗi khá nhiều . Hai đứa phải mặc áo dài tay, lấy khăn trùm đầu, và để nguyên giày vớ mới ngủ được .

Chợp mắt được vài tiếng đồng hồ thì đã năm giờ sáng . Giờ của những người phu quét chợ bắt đầu làm việc . Ba bốn người phu quét chợ đứng vây quanh sạp gỗ tụi tôi . Họ ngạc nhiên nhìn tụi tôi mặt mày sáng sủa, ăn mặc quần áo không giống những kẻ bụi đời, ăn xin . Mà sao lại ngủ ngoài chợ ? .

Tôi để mặc cho Hiền đứng trả lời và nói chuyện với họ, đi tìm vòi nước rữa mặt . Khi trở lại, tôi nghe một ông phu nói lớn :

- Răng ở đời ni, có những người Tâm-Địa hẹp hòi như rứa hè ? .

Như đã dự định, tôi và Hiền đem hai vali áo quần đến gửi nhà bác Duệ lao công để đi học . Dọc đường Hiền bảo :

- Nếu không kiếm được nhà hai đứa ở chung, thì ở riêng cũng được .

Gửi hành trang nhà bác Duệ và thay áo quần xong, trời vừa tảng sáng . Hai đứa đi ra quán bán hàng của bác gái Duệ mua xôi ăn lót bụng .

Đúng lúc Mẫn và Ân chạy tới, với vẻ mặt nghiêm trang hỏi :

- Hồi hôm hai anh ngủ đâu ? . Tôi trả lời :
- Khách sạn Cầu-kho . Nó trợn mắt cãi :
- Cầu-kho làm gì có khách sạn ?

Hiền nói cho nghe hai đứa ngủ ngoài chợ, nó rưng rưng nước mắt như muốn khóc, rồi kể lể :

- Hồi hôm khi về đến nhà thì ông già hỏi ngay : Hai đứa kia đâu ? Tôi trả lời : Họ ghé nhà bạn lấy sách . Khoảng chừng năm phút sau, ông già đạp xe ra khỏi nhà là tôi hơi nghi nghi, không ngờ ông bắt được tại trận . Khi trở về nhà ông la hét om sòm, bảo tôi và Ân lấy hai vali và tất cả áo quần, sách vở các anh bỏ ra ngoài sân . Bà già và chị Hằng lên cự-nự, chị Hằng bị ông cho một bạt tai, khóc la rồi hai Mẹ con bỏ xuống nhà dưới . Sau đó ông lại bảo tụi tôi đem vali để lên giường ngủ , rồi viết hai mảnh giấy dán lên .

Nói đến đó thì kẻng nhà trường vang lên, báo hiệu vào lớp học ............   

Buổi chiều cùng ngày, Hiền dọn đến ở với người bạn học khác trường và cách xa trường học . Còn tôi, không có xe đạp nên được  người bạn cùng lớp  đem về nhà ở phía bờ Bắc Hồ Tịnh-Tâm tá túc …..

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010