SỐ 46 - THÁNG 4 NĂM 2010

 

QUÊ CŨ NGÀY XƯA

Làng quê Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ trông mênh mông hơn nay nhiều. Lúc còn nhỏ tầm nhìn còn thấp nên mắt nhìn phong cảnh thấy bao la. Tỉ như ta đang nằm ở gốc cây mà nhìn lên ngọn sẽ thấy thân cây cao hơn thực tế khá nhiều. Ngoài ra, dân ta ngày đó chưa nghe đến nạn nhân mãn. Đâu đâu cũng đất rộng người thưa: cuộc sống sung túc, yên vui, bình dị.

Tỉnh nhà của Hảo có một nhà máy đèn chạy bằng hơi nước, đủ sức cung cấp điện năng cho chừng vài trăm nhà từ trung tâm thị xã ra ngoài chừng một ngàn thước. Chất đốt cho nhà máy là than đá, khi thiếu than thì lấy lúa thay vào! Ưu tiên được móc điện là các công sở, các nhà Tây, nhà dân Tây, nhà chúa, nhà dòng các Bà Sơ, nhà thương, trại lính, phố chợ và đèn đường. Những nhà nào không có điện thì đêm bắt đầu ngay khi mặt trời vừa lặn. Đêm không có điện thì dùng đèn măn sông, đèn dầu. Nhà nghèo thì dùng cây rọi. Chất cháy làm bằng ruột trái mù u chín với bông gòn ta.

Muốn làm rọi thì tìm nhặt trái mù u rụng, mang về đập bỏ vỏ. Lấy ruột mù u  trộn bông gòn rồi cho tất cả vào cối giã nhuyễn thành một chất sệt sệt. Sau đó thì dùng tay quấn chất đó chung quanh cây que tre to cỡ nửa chiếc đũa ăn, dài chừng năm tất. Ban tối thì đốt từng cây để có ánh sánh. Cây đóm loại này cháy lâu chừng hai đến ba phút thì tàn. Khi đốt, khói mù u bay ra vừa nhiều, vừa hôi, vừa độc. Mỗi tối đốt chừng mười cây như thế để, trong ánh sáng chập chờn, mọi người hối hả nhanh tay nhanh chân kết thúc công việc trong ngày. Sau đó có cần làm thêm gì thì chịu khó làm mò. Thét rồi thì người lớn, con trẻ, ai ai cũng phải quen với cảnh đó. Cuộc sống cứ thế mà ngày lại qua ngày, qua như thế nào cũng chẳng ai lưu ý.

Con nít thời nào cũng thường hiếu động, ban đêm thích chạy chơi trong xóm có điện. Thời đó điện là một thứ văn minh dành cho những nhà hạng giàu. Ban đêm, lũ trẻ con nhà nghèo kéo nhau đến những khu có thứ ánh sáng vàng ệch đó. Chúng chạy chơi cho đến khuya mới về nhà phủi chân lên giường ngủ ngay. Lớn hơn, thanh thiếu niên vào những giờ đó thì -nam theo nam, nữ theo nữ- hẹn  nhau đi dọc con lộ độc nhất từ quốc lộ 4 dẫn vào phố thị, vừa đi vừa âm thầm nói chuyện. Thỉnh thoảng nghe có tiếng cười.

Những vụ đi chơi đầu đêm thời đó tuyệt nhiên ít có lộn xộn gái trai bên ngoài lễ giáo. Riêng đám học trò con trai thì hẹn nhau ra đường chia phe đá bóng. Con gái thì tụ tập chơi đi trốn, đi tìm. Khi mãn cuộc vui, trời tối, con trai con gái kéo nhau xuống ao mà tắm chai, không dùng xà phòng. Tắm xong lên nhà chong đèn học bài cho ngày hôm sau.
Những ai ở nhà thì khi gà nhảy lên chuồng cũng có thói quen riêng. Ông bà thì hay ngồi phía trước nhà nhìn ra bên ngoài. Cả hai ngẫm nghĩ không ngờ đời chỉ với nhau có thế mà nay con cái đã thành thân.  Ai yên phận đó. Tình thương còn sót lại với cái tuổi già như ngọn đèn dầu hiu hắt, thì dành cho bầy cháu nội, cháu ngoại. Sống chỉ để nhớ về dĩ vãng xa xôi làm vui.

Người lớn, đấng làm cha mẹ, thì lên giường nằm nói chuyện một chập rồi thì êm tiếng. Họ lo chăm sóc giấc ngủ, cố lấy lại sức lao động đã bỏ ra cả ngày vần vật chạy lo cái ăn cho cả nhà thường gồm rất đông người.

Trong văn hóa Việt Nam, mối dây liên hệ gia đình lúc nào cũng đứng hàng ưu tiên cao. Cái ấm đầu của thằng nhóc con trong nhà thường là cái lo chung của mỗi thành viên trong gia đình rồi lây sang nhà khác.  Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ là chuyện thường. Nhưng giấc ngủ có khi không đến dễ dàng.

Hai vợ chồng trẻ buông màn trên chiếc chõng tre, chui vào nằm mà nghe bên ngoài trong ruộng lúa tiếng con nhắc nhen kêu vang và đều khắp. Tiếng kêu đó như những đợt sóng biển chạy tấp vài bờ. Một tiếng vừa ngưng thì chắc chắn có tiếng kế tiếp. Cứ thế mà kêu suốt đêm.

Nhắc nhen là loại sinh vật giống như con nhái bén. Nhỏ con nhưng tiếng kêu của chúng vang xa và nghe thật là buồn. Ngoài ra có khi trong  khu vườn nhà hàng xóm thỉnh thoảng lại nghe tiếng con "tắc kè" kêu từng chập rồi ngưng. Ngưng rồi kêu lại.

Những đêm trời mưa đầu mùa chuẩn tuôn nước cho ruộng sấp cấy, nằm dưới mái lá nghe tiếng mưa rơi rào rào trên nóc chen lẫn tiếng con "ễnh ương". Tiếng con vật này kêu "à uôm, à uôm" nghe buồn quá. Gió theo mưa tuôn vèo qua kẻ vách rồi chạy thốc vào giường. Vách mùng bị gió lùa cọ vào người đang nằm bên trong. Con người bỗng thấy nhột nhột và lạnh lẽo toàn thân. Trong khi đó, nơi những nhà nghèo quá thì không có màn, mọi người hun khói ngủ trần, vừa ngủ tay vừa đập muỗi, miệng vừa lèm bèm cho đến khi tiếng ngái bắt đầu.

Tiếng mưa tiếng gió át hẳn những loại tiếng khác, trong đó có tiếng dập muỗi.... Và rồi nhiều bào thai được thành hình trong những trường hợp như thế.
Thường thì con nhà nông ra đời trong hoang vắng và đeo theo cái buồn tịch mịch của những đêm mưa.

Nhà cha mẹ Hảo nằm cách trung tâm thị xã một ngàn hai trăm thước. Nghĩa là tại hai trăm thước bên ngoài khu có điện. Do đó, gia đình nhà Hảo là gạch nối giữa hai thế giới, hai nền văn hóa, khác nhau một cách rõ rệt. Nói theo ngữ thuật ngày nay thì gia đình Hảo sống tại đường vòng đai của phố thị. Người dân bên trong vòng đai điều hành cuộc sống hàng ngày theo đồng hồ quả lắc và tiền thu nhập qua buôn bán, qua lương tháng của hạng thầy chú, và những hoạt động chuyên môn. Những người này sống theo nền văn hóa thành thị.

Người bên ngoài vòng đai điều hòa cuộc sống theo vị trí mặt trời cùng với số lúa và huê lợi thu hoạch từng mùa theo kiểu kinh tế tự túc. Phần đông họ không có tiền mặt. Khi cần khám bệnh thì đến chờ tại nhà thương thí trong tỉnh. Khi cần y sĩ tư khám bệnh —cả thị xã chỉ có một ông tốt nghiệp trường thuốc Hà Nội— thì quơ trái cây có sẵn trong vườn, bắt thêm cặp vịt hay cặp gà giò, bơi xuồng mang ra chợ bán lấy tiền đó trả công y sĩ.. Lúc ế, bán không được thì mang những thứ đó nạp cho y sĩ cũng xong. Gặp trường hợp đó, y sĩ miền quê thường nhớ lời thề trước vong linh của Hippocrates mà đành cười trừ  . Người dân bên ngoài vòng đai theo nền văn hóa thôn quê. Cuộc sống bám theo đất vườn. Tiền bạc nếu có chút ít gì đó được gói gọn, giấu kín  trong túi áo khỉ. Đồng tiền nằm lì một chỗ là đồng tiền chết, không sinh lãi. Cuộc đời cứ thế mà mãi bị lầm than.

Khi hai loại văn hóa này pha trộn với nhau thì làm nẩy ra cái văn minh chung. Người thành thị thấy chiếc nón lá miệt ruộng tiện lợi nên kiếm về dùng. Người miệt đồng thì thấy đôi guốc mang vào chân làm cho con người cao thêm chút ít, xa thêm một chút cái vũng lầy cuộc sống nên cũng tìm cách dùng thử. Thế là qua tác động của văn minh, chiếc nón lá vào thành và đôi guốc gỗ ra miệt ruộng. Ngoài ra còn  hai cái văn minh hảo hạng thuộc loại ngoại nhập thời đó mà cả hai nơi, nơi nào cũng có nhiều người ưa thích.

Đó là chiếc máy thu thanh to bằng cái tủ. Máy này đặt tại nhà của ông chủ hiệu thuốc Tây có bà vợ người Pháp. Chiều chiều đi ngang qua nhà ông, nghe từ cái máy đó phát ra toàn nhạc Pháp. Kế nữa là cái  máy hát quay tay chạy với đĩa nhựa loại 78 vòng trong nhà của cha mẹ Hảo. Mỗi lần dùng tay quay dây thiều (dây cót) đúng mức thì máy chạy được một mặt. Một bộ tuồng San Hậu có tất cả 37 đĩa. Thời gian cần để nghe trọn bộ này thường là bốn, năm giờ liền.

Cái máy hát loại RCA đó và trọn bộ tuồng San Hậu là của ông Bác ruột mua thưởng cho ông anh cả của Hảo khi thi đổ bằng Sơ học yếu lược CEPCI (Certificat d'Études Primaires Elémentaires) năm 1934. Về sau bằng này đổi thành bằng Tiểu học. Cái máy hát có in hình con chó ngồi cạnh một cái ống loa dính liền với cái máy hát. Bên cạnh nó còn có hàng chữ  La voix du maitre (Giọng của thầy).  Điều lạ là khi biết nhà Hảo có cái máy tối tân đó thì  người hàng xóm đương nhiên xem đó như là của chung thiên hạ. Họ tự  nhiên chẳng biết đi tìm đâu ra mấy cái đĩa vênh,  mòn, rè rồi mang đến nhà gửi mẹ Hảo giữ hộ. Đến tối thì chạy máy mọi người cùng nghe.  Bà con xa không bằng láng giềng gần. Gia đình Hảo phải một mực vâng, vâng dạ dạ cho xong. 

Từ đó, theo yêu cầu của đa số đồng bào trong xóm, mỗi tuần hai lần, nhà cha mẹ Hảo bắt đầu bảy giờ tối là cho chạy máy hát đến khuya thật là khuya. Thời đó Hảo còn là con nít nên được trên giao lo chương trình giúp vui công cộng đó. Đêm khuya ngồi gục lên gục xuống, mắt nhắm mắt mở, tay quay dây thiều. Xong thì trở mặt đĩa. Trở xong thì đưa tay nâng nhẹ đầu máy, từ từ kéo vào bên trong, từ từ hạ xuống cho kim ăn vào lằn đầu trên đĩa. Khi bài hát vang lên thì Hảo được tự do... ngồi ngáp đến chảy nước mắt.

Người lối xóm đến nghe ngồi đầy sân nhà, lan cả ra đường. Phu xe kéo, người bán chè, chị bán hột vịt lộn, chú Ngầu bán bò bía. Trai có, gái có, sồn sồn cũng có. Họ kéo nhau đến ngồi nghe mùi mẫn mà bỏ cả bán buôn. Hừng sáng hôm sau, chính Hảo, người thủ chương trình, phải thức dậy thật sớm lấy chổi ra quét tàn thuốc, vỏ bánh, đủ thứ tạp vật khác do những thực khách kiêm thính giả đêm qua bỏ lại. Có khi Hảo phải thu ném vào ụ rác sau nhà những manh chiếu rách do ai mang ra đó nằm vừa nghe hát vừa ngủ với nhau rồi bỏ đó khi tàn cuộc. Cái gì cũng có nguyên do của nó. Tiếng ca từ điệu chuồn chuồn nhảy qua vọng cổ hoài lang tiếp theo là xàng xê thì người nghe cũng từ thế ngồi đổi qua thế nằm mà nghe vừa xàng xê với nhau rất ...mùi và vô cùng ướt át..

Thời đó mọi mặt của cuộc sống đều mang vẻ đơn sơ. Ngoài cái máy hát đó ra, phương tiện giải trí cho toàn thị xã chỉ có một rạp xi nê với gần trăm chiếc ghế mây. Ngồi vào chừng năm phút là bị bọn rệp đột kích cắn cho nổi mận ngay. Nơi đó, sáng, trưa, chiều lúc nào cũng nực nồng mùi nước tiểu của con nít, của cả người lớn từ sàn xông lên nực nồng. Chưa kể nhiều đống rác, vỏ đậu phộng, vỏ hạt dưa, giấy báo, nơi tốt nhất cho chuột vào làm ổ. Ban ngày chúng kéo nhau ra kiếm ăn. Mới nhìn tưởng đâu chúng cũng thích xem phim như người.

Ngày đó chưa có phim màu. Toàn phim trắng đen với cả phim câm, phim chiếu lên thấy hình mà không nghe tiếng. Tài tử gồm có Laurel-Hardy, hề Charlot. Thỉnh thoảng có phim Tarzan hú trong rừng xanh, phim chiến tranh như Bataan, phim con gấu sa mạc, tướng Rommel, phim thống chế Foch đánh thắng trận Verdun bên Pháp v...v.  Lần nào những phim loại chiến tranh được chiếu lên thì người xem bất kỳ lớn bé trẻ già đều kêu rú lên, cứ tưởng cảnh giết nhau trong phim là thật. Mỗi phim được chiếu liên tục vài ngày mới đổi. Phim ăn khách thì chiếu cả tuần.

Mỗi ngày vào khoảng ba giờ chiều là một chiếc xe độc mã có trống đánh tùm tum chạy khấp phố rải gò ram (Chương trình phim sấp được trình chiếu). Người lớn con nít xúm nhau chạy theo xin. Trên xe có ba người. Một cầm cương ngựa. Một đánh trống. Một người ngồi trên xe vãi những tờ giấy đủ màu bay tứ tung minh  tàng. Kẻ chạy theo giơ tay đón chụp, miệng kêu to mấy tiếng, ". Cho tôi xin tấm". Những ai chụp hụt thì chịu khó cúi xuống lượm những tờ rơi trên mặt lộ. Hôm nào con ngựa bị ốm hay bận làm việc khác thì một chiếc xe lôi được thay vào.

Thấy nhiều người chạy xin, Hảo cũng bị phong trào cuống theo để xin. Xin được chừng chục tấm thì người ướt đẫm mồ hôi, bèn chạy u về nhà đưa tất cho chị bếp dùng làm giấy mồi nhúm lửa. Rồi lần sau, hễ nghe tiếng trống thì y như lân nghe pháo. Lại co giò phóng ra ngõ, chạy theo cho vui. Giống như loài ngựa, hễ không được chạy thì sinh bệnh.

Cuộc sống như thế mà bình dị trôi qua. Nghề ai nấy làm. Nhà ai nấy ở nhưng giữa con người với nhau còn có mối dây ràng buộc rất mạnh. Nhà này nhớ tất cả những ngày giỗ kỵ nhà kia. Chờ gần đúng đại nhật thì tự động đến giúp không cần ai nhắc. Ở trong xã hội đó làm gì mà có những người khách không mời mà đến. Tứ hải giai huynh đệ. Anh em bốn biển là nhà. Nói chi khi có tang ma. Một người qua đời cả làng đều chung lo với thương cảm. Mọi người đều có trách nhiệm đối với sự an lạc trong làng, trong tỉnh. Ôi! Quê hương ta một thuở thanh bình! Quê hương biết bao trìu mến! Quê hương với những gia đình Việt Nam.

Gia đình cha mẹ Hảo thuộc hạng khá giả trong làng, nhưng sống theo lối nhà nông. Phần đất hương hỏa ông bà chia cho ba Hảo nghe đâu cũng lên đến trăm công ruộng loại nhất đẳng điền. Trong nhà, mọi người phải biết làm công việc đồng áng. Nhỏ làm theo nhỏ. Lớn làm theo lớn. Khi còn niên thiếu, tuy đi học trường tỉnh, Hảo cũng được dạy để biết làm được hầu hết những công việc nhà nông như xay lúa, giã gạo, sàng gạo, leo dừa, nấu cám heo, cho heo ăn, xách nước cho nhà bếp dùng nấu ăn, gánh nước cho nhà tắm, tưới cây trong vườn. Khi cần thì Hảo cũng có thể chăm sóc, hốt phân chuồng trâu, chuồng bò, cưỡi trâu đi cộ lúa về sân, đắc trâu đi đạp lúa. Hoặc khi lỡ buổi chợ, nhà khan thức ăn, Hảo xuống sông mò con dẹm, một loại sò thon thon chừng mười lăm phân tây, dài dài, nho nhỏ, xinh xinh. Thịt thứ này mà nấu với canh hẹ chang cơm nguội mà ăn thì gọi là hết sẩy. Mà thời đó, con lạch cạnh nhà ba mẹ Hảo, rộng khoảng mười thước Tây, mà lúc nào xuống mò thì cũng có được nhiều chục con như thế.

Mùa nước nổi thì chèo xuồng ra mấy rặng cây trâm bầu chỉa chuột. Không thì đi bắn cò bằng ná cao su. Chuột mang về lột da, bỏ ruột rồi rô ti. Cò thì nhổ lông, ướp muối với thật nhiều sả cho bán mùi tanh rồi phơi khô. Khi thức ăn khan hiếm thì nướng khô cò mà ăn với cơm cũng tạm được.

Sau vụ cấy thì đi cắm câu, đặc ống trúm bắt lươn. Trúm là ống tre to bằng đùi người lớn, dài hơn thước. Một đầu bít, một đầu có gài cái hom cho lươn chui vào mà không thể chui ra. Mồi thì làm bằng ốc chết để lâu ngày cho thật hôi, trộn tí ớt cay. Mùi thối kéo lươn vào đánh chén. Chén gặp cay bèn chép môi cho lươn bên ngoài nghe tiếng mà theo vào. Thế là tóm trọn gánh.

Muốn ăn lươn tươi thì phải thăm trúm vào lúc nửa đêm. Chờ sáng thì lươn vào nhiều quá, không thở được mà chết, hôm sau chỉ còn xẻ thịt phơi khô. Lươn là con thú thích ăn mồi thật hôi thúi. Nhưng thịt lươn thì quí sánh ngang thịt... kỳ lân.     

Ngoài ra còn tùy mùa mà trồng bầu, trồng bí và nhiều loại hoa màu khác. Nói chung là chỉ vài năm kế đó là Hảo sẽ thành một lực điền thứ thiệt. Ngày nào đôi bàn chân không được tiếp xúc với mặt đất thì y như cơ thể bị suy yếu trông thấy.

Tổ tiên theo gia phả thì từ miền Trung nghèo khó vào Nam kiếm sống từ sáu đời. Mới đầu thì tìm những nhà bá hộ trong làng xin cho toàn thể gia đình di dân vào ở đợ không công. Chỉ xin cho được có chỗ ở và lương thực sống cho qua ngày là quí. Việc làm thì xin nhận những gì gọi là khổ cực nhất. Nhà chủ tùy thời tùy sức mỗi người mà giao việc.

Đàn bà con gái thì được phân công đi cấy đi gặt tùy mùa. Xong việc ngày mùa thì rút về làm việc nhà. Ruộng miền Nam luôn ngập nước. Người quen sống vùng khô mà phải ngâm chân lâu ngày vào nước thì móng bị thối. Ngoài những ngón chân thiếu móng, bàn chân bị hà nó ăn lỗ chỗ nên đi đứng thành khó khăn không ít. Nhưng người nghèo vốn nhiều đảm đang. Chịu chực chịu khổ lâu ngày thành quen

Trai nhỏ đi chăn trâu. Trai tráng xuống ruộng và bao thầu những việc nặng nhọc khác như làm vườn, làm đất, thả lưới bắt cá theo từng con nước. Thời đó cua cá còn nhiều, chưa bị họa diệt chủng như về sau này. Cái ăn không bao giờ là vấn đề cho ai cả. Nhà chủ luôn đầy thóc. Mắm cá chứa thành từng lu to tướng.

Sáng sớm nhà nào cũng lo nấu một chảo cơm to gần bằng nửa giạ lúa. Kho một nồi mắm không dưới mười lít. Đun một nồi nước trà xanh rồi bỏ đó. Ai thấy đói thì vào xúc cơm ra tô. Không có gì ăn thì chạy u ra ruộng gần bên, bước xuống nước ngập đầu gối, nhổ một bó bông súng (Water lily)mùa nào cũng có. Tạt qua vườn lảy vài trái ớt sừng trâu. Vào bếp bới cơm vào một tô, bưng tô ra chái nhà, hay ra gốc cây mà ăn đứng hay ăn ngồi cho thỏa thích. Khoái nhất là không có giờ ăn nhất định. Hễ thấy đói là...ăn.  Mỗi lần ăn bao nhiêu cũng được. Xong thì uống trà nóng hay ra lu nước mưa gục đầu xuống đó mà uống ừng ực. 

Ban chiều cơm nước xong xuôi, nhà chủ thường cho mời những nẫu ( tiếng trong Nam dùng gọi những người nghèo khổ miền ngoài) ra sân trước nhà ngồi kể chuyện đời sống  cùng những phong tục quê làng mình.
Các tiểu chủ, các tiểu thư đài các cũng ra nghe. Nghe rồi có khi còn hỏi thêm cho thủng nghĩa mới chịu.
Hỏi:

“ Các chú các bác ngoài đó có trồng lúa không? “

Người thưa:

Dạ bẩm, ngoài miền chúng cháu đất toàn cát. Trồng khoai là chính, nhưng khoai không sao bằng thóc ạ. Khoai chỉ cốt ăn chơi. Thóc cho cơm. Cơm mới là ăn thiệt ạ.”

Hỏi tiếp:

“Vậy thì làm sao mà sống hả?”

Tiếng thưa tiếp:

“ Dạ  bẩm.... “

Tiếng thưa tắt nghẹn nửa chừng. Nhìn về quê cũ mắt rưng lệ nhòa.
Ở miền Nam thời đó các gia đình phú hộ, giống như những chư hầu thời trước, đều thích có đông gia nhân. Nhiều đất nhiều nhà, nhiều vợ, nhiều con mà còn phải thêm nhiều gia nhân mới đủ lệ bộ. Cho nên không giống người nhiều vùng khác, người miền Nam thời đó rất ư đại lượng đối với kẻ ăn người ở trong nhà. 

Trong đám gia nhân, thanh niên nào giỏi thì được nhà chủ khuyến khích lập gia đình, thường là với những cô gái cùng nơi chôn nhau cắt rốn. Ai lập gia đình thì được cấp đất riêng cùng vật liệu cất nhà mà ở với nhau. Khi sinh con lại được cấp ruộng làm riêng. Cấp ruộng nhưng không cấp bằng khoán đất. Điều này cũng có đôi việc cần nói.

Một người nữ trong nhóm gia nhân vừa lập gia đình thì đứa con đầu tiên thường được nuôi trong nhà chủ. Đứa bé được quí ông bà trên đó tưng tiu bồng ẩm như đó chính là con cháu ruột của họ.(!?)  Cha mẹ ruột của chúng phải ở riêng với nhau để sinh con, tiếp tục làm nông. Những đứa trẻ con sinh sau đó mới thật sự là con của họ. Cái lệ tiến con trưởng vào nhà chủ có nguyên do là đứa con đầu các cô sinh ra thường là con không của cậu ấm tuổi mới lớn thì là của chính ông chủ. Đó là một lối sống thời bấy giờ: cô gái có con với người thuộc nhà chủ thì con mình sẽ được ấm no. Giống như công việc "đi ở đợ" cũng là một nếp văn hóa nhằm thăng hoa đời sống. Biết bao nhiêu con gái người tá điền chịu làm lẽ người điền chủ, dù công khai dù kín đáo, để bố mẹ được tiếp tục cho thuê đất làm mùa mà nuôi sống gia đình. Các đứa con rơi gửi vào nhà chủ, khi lớn lên sẽ nhận ra mệ ruột của chúng. Chúng tìm cách tuồn của nhà chủ ra cho mẹ chúng làm của riêng.

Rồi cứ thế mà những gia đình hạng "đi ở đợ"  không công lần hồi có của ăn của để một cách kín đáo. Trong khi đó các cậu ấm cô chiêu ngày ngày lụa là tha thướt. Thỉnh thoảng có một tiểu thư lên xe hoa với một anh chàng nào lạ hoắc trên tỉnh. Đám cưới nhà giàu thường là một biến cố lớn. Ngả trâu, vật bò, làm heo. Tá điền, tá thổ ào đến xin được góp công. Không khí trong làng vui như Tết. Trong khi các công tử thì bài bạc ăn chơi.

Khi thế hệ ông cha qua đi, những người thuộc giai cấp giàu trở nên túng bấn, cầm cố đất đai cho những người di dân nói trên mà họ xem như những người nhà.  Câu giáo đầu thông thường là “Các ông vui lòng nhận quyền cai quản đất đai giùm cho gia đình. Khi nào chúng tôi lo xong tiền thì xin nhận lại. Dù sao cũng là chỗ quen biết nhau lâu nay."
Lòng thành là thế. Nhưng đồng tiền của quí công tử một đi thì ít khi trở về. Nó giống như dòng nước Hoàng Hà trên trời như hai câu thơ của Lý Bạch trong bài Trương tiến tửu (sấp mời rượu):

Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai.
               Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Bất phục hồi nghĩa là một đi không bao giờ còn trở lại nữa. Nhiều công tử Bạc Liêu được vinh danh nhờ những việc làm như lấy tờ giấy oảnh (hai mươi đồng) đốt lên lấy ánh sáng để tìm tờ giấy ngủ (năm đồng) lỡ làm rớt trong đêm tối.

Ruộng nhà giàu lần lần như thế mà đổi chủ. Đến đời ông nội Hảo thì ruộng nhà của riêng ông lên đến cả trăm mẫu. Các công tử bỏ xứ ra đi cũng nhiều. Mỗi năm may lắm vào những ngày kỵ lớn  trong gia đình mới thấy vài người trong họ tộc đó về họp nhau nhờ đám người gốc di dân tổ chức hộ. Các công nương thì hầu như biệt tăm hơi từ khuya.

Đến đời cha Hảo thì mọi người trong gia đình đều được đi học rồi ra tỉnh sinh sống. Chỉ có ông chú Út của Hảo vừa xong tiểu học thì về quê giúp quản lý tất cả ruộng vườn cho ông nội Hảo.

Khi lớn lên và có điều kiện đi đây đi đó Hảo liền tìm về quê tổ ở miền Trung. Trong gia phả có đoạn nói lên lý do cả họ tộc phải bỏ xứ mà đi là "...Ngã môn đích lý thậm cơ hàn. Mã linh bất túc dĩ độ nhật. Tật ách như kinh cức.  Ất Sửu niên tề gia hướng Nam nhi xuất. Tòng thử tha hương yêu cầu thực..." (Tạm dịch: Quê chúng tôi quá đói rét. Khoai không đủ sống qua ngày. Bệnh hoạn ách trời lan tràn như cỏ gai. (nên) Năm Ất Sửu cả nhà hội nhau đi Nam. Từ đó bắt đầu phải kiếm ăn nơi xứ người...)

Đọc xong ứa nước mắt mà thương cho tổ tiên quá. Tại miền Trung đất trồng khoai chỉ có vùng Triệu Phong và Triệu Lăng thuộc Quảng Trị là nhiều. Nói là đất nhưng nhìn qua chỉ thấy toàn cát. Muốn trồng khoai phải gom lá dương lại thành luống, cuốc cát phủ lên thành giồng cao hơn thước rồi giâm dây khoai lên. Biết thế nên khi lớn lên có dịp đi đây đó, Hảo tìm cách đi Quảng Trị tìm quê của tổ tiên.

Miền Trung là một dải đất dài ngoằn. Một bên là biển. Một bên là Hoành Sơn chạy suốt Bắc Nam. Dọc theo những vùng đất gọi là sinh địa thì có nhiều làng. Mỗi làng có hai hoặc ba họ. Mỗi họ thường chỉ có hai tên. Người ta thì nghèo đến nỗi hà tiện luôn chữ lót. Nhưng không có họ tộc của Hảo. Hay là khi vào Nam thì bị bắt buộc phải cải họ cho dứt khoát với dĩ vãng tối thui?

Nhớ năm lên đường được ghi là Ất Sửu. Hảo tính ngược lên sáu đời thì đó là vào khoảng năm 1781. Tại đất Bắc, Tiên Điền Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ xuân Hương đang ngự trị trên thi đàn nước Việt, thì ở miền Trung có đoàn người lữ thứ xuôi Nam...Đoạn trường chinh gần ngàn cây số này kéo dài 18 năm mới đến được địa danh gọi là Bà Rịa.  Ở đây đoàn người dừng lại, làm rừng, săn thú mà sinh sống trong 10 năm. Sau thì đi Gò Công rồi Trà Vinh đến cuối cùng thì định cư tại Long hồ. Dọc đường phải mở lối mà đi, phải dừng lại chôn người chết vì bệnh tật, hay khi trong đoàn có phụ nữ sinh con.
Đến đời thứ hai thì có người trong họ chính thức kết hôn với người địa phương rồi tiếp tục về sau.     

Mẹ Hảo cũng là người miền Trung theo dòng họ vào Nam một thế hệ trước đó. Khi về với cha Hảo thì theo thói tục lúc bấy giờ là phải làm dâu đến tối thiểu ba năm. Vào thời điểm này, ông nội Hảo đã qua đời. Ông đi chỉ sau bà nội nhỏ của Hảo có ba năm. Chú Út của Hảo cũng vắng số, để lại một người vợ trẻ với ba con, một trai hai gái.

Ông chú này là thầy thuốc rắn. Ai trong làng lỡ bị rắn độc cắn là nhờ chú cứu thì khỏi. Đến phiên chú bị rắn mổ trúng hổ khẩu trên bàn tay mặt thì chỉ không đầy mười phút sau là chú đi cho đúng câu “Sinh nghề tử nghiệp.” Từ khi chú mất, thím Út được bà nội lớn cưng nhất nhà.

Vì mẹ Hảo là con dâu cả trong nhà nên mọi gánh nặng công việc hàng ngày trong cơ ngơi đó được đặt lên vai mẹ. Mẹ phải quán xuyến mọi công việc thường xuyên cũng như đột xuất cho hơn hai mươi người làm trong nhà. Mẹ Hảo còn chịu trách nhiệm thu chi, bếp núc, nấu nướng. Lại còn dâng cơm cho bố mẹ chồng ngày đúng ba bữa. Có khi còn phải bưng cơm lên mời cô em dâu khi người này kêu bị se mình, biếng cử động.

Ngoài công việc đồng áng còn phải nhớ con nước hàng ngày mà kêu gia nhân chuẩn bị thả lưới kéo cá. Công việc này tùy con nước. Có nhiều hôm phải thả lưới vào lúc nửa đêm. Mẹ cho đốt đuốc rọi sáng cả bờ sông rồi đi kêu từng người ra thả lưới. Hừng sáng kéo cá lên bỏ đầy sân. Chờ trưa khi cá bắt đầu hơi ương thì hô mọi gia nhân ra xúm nhau làm cá, ướp muối gài vào lu làm mắm đề dành ăn suốt quanh năm.

Thời đó nhà quê dùng nước tro dừa thay cho xà phòng. Thứ này dùng thì có bọt nhưng không làm hết được mùi cá. Khi buông tay làm cá, mẹ Hảo phải dùng lá trầu xanh vò nát thoa vào hai bàn tay cho bán mùi tanh trước khi bưng cơm lên cho người lớn trong nhà.

Lúc đó tuy mới lên bảy, Hảo nhớ là ban ngày mẹ phải làm việc không phút ngơi  tay. Anh chị em Hảo thì ai sao mình vậy. Người ta ăn thì mình cũng ăn. Suốt ngày la cà xem có ai nhờ làm chi thì làm. Cuộc sống như những đứa bé xa lạ trong nhà của ông bà nội ruột! Lý do: cả họ nhà bên nội là người bên lương. Chỉ có mẹ và anh em Hảo là người theo đạo bên ngoại.

Không đêm nào mẹ được đi nằm trước mười hai giờ. Hảo cũng không thấy mẹ mình dùng cơm vào lúc nào. Thường thì thấy mẹ đầu quấn chiếc khăn rằn, chân trần, lăn xăng đi như chạy. Cuộc đời anh em Hảo lúc đó như cuộc đời mấy đứa trẻ có mẹ không cha.

Cha Hảo có việc làm tận ngoài tỉnh nơi cách quê nội này mười hai cây số. Con đường nối liền hai nơi về sau này được mở rộng đến hai xe hàng to có thể qua mặt nhau dễ dàng. Thời đó con đường này chỉ là một độc đạo bề ngang giỏi lắm là bốn thước. Đã thế, có nơi bị đàn trâu ai lùa ngang qua giẫm lên làm lở tuột từng mảng. Người đi xe đạp khi ngang đó phải xuống xe mà vác ngựa sắt lội qua. 

Thường thì mỗi chiều thứ Bảy trong tuần, cha dùng xe đạp về thăm chủ yếu là bà nội Hảo. Ở chơi đến chiều chủ nhật thì đạp xe ra tỉnh. Ấy vậy mà có lắm lần mẹ không được gặp cha ở chốn riêng tư. Về sau biết đó là những lần vì công việc nhiều quá, khi xong thì đã hơn ba giờ sáng. Người không còn giờ tắm rửa. Mẹ Hảo một là không dám làm mất giấc ngủ của cha chàng. Một nửa vì bà sợ thân thể người vợ bị vương mùi hôi của cá mắm sẽ gây lắm cái phiền khác trong cuộc sống lứa đôi.

Có lần mẹ gặp được cha. Đêm hàn uyên tâm sự với nhau. Sáng lỡ dậy hơi muộn thì được nghe tiếng thím Út góa chồng lúc tuổi còn son, đứng bên ngoài mà réo:” A...a...a... trẻ đâu ra đuổi gà giùm chút coi. Trái sa-bo-chê chín rụng đầy sân mà người ta đâu có nhìn thấy để kêu bọn trẻ nó hái.  Trái vú sữa cũng rụng  tùm lùm mà... người ta cũng giả bộ không biết. A...a...a...bộ cứ sáng phải ngủ muộn cho làng trên xóm dưới biết mình là gái có chồng hay sao đây?"

Nghe tiếng của thím, Mẹ Hảo liền từ phòng ngủ bước ra, hai tay vấn vấn lại mớ tóc, đôi chân chạy thật nhanh xuống nhà kho cạnh vựa lúa. Hảo đứng đón đường. Thấy mắt mẹ đỏ hoe. Hai tay bà cứ giữ ngang đầu như đang vấn tóc mà tuồng như còn sợ roi vọt rớt xuống từ trên. Phải ra tận chuồng heo ngoài góc vườn mẹ mới lấy trong túi áo khỉ chiếc khăn cũ mèm ra chậm chậm lên mắt.

Cứ thế mà trải qua cho đủ ba năm tròn, mỗi năm mười hai tháng.  Trong suốt thời gian này, không một ai trong gia đình hai bên nội ngoại nghe mẹ có một lời than thở.

Hết thời gian mẹ Hảo làm dâu, cha Hảo mới được phép đưa toàn gia đình theo ông ra tỉnh thuê đất cất nhà. Anh em Hảo được đi học. Mẹ Hảo được thanh thảng đâu chừng sáu tháng thì phải theo chị em đi buôn tơ lụa. Cực khổ thường xuyên là thực tế của cuộc đời. Một mình bà phải tải hàng qua nhiều tỉnh, mỗi nơi kiếm chút đồng lời mà thành kha khá. Mỗi chuyến đi buôn lâu chừng hai tuần. Có khi ba  tuần. Lần nào về nhà mẹ cũng nhờ người lấy dầu nóng xoa bóp hai bắp chân. Lần hồi gia đình dư tiền mua thêm gần trăm công ruộng loại đất cầm thủy tại một địa danh có tên gọi là Đồng Tròn.

Đường đi vào đó khó như vào đất Ba Thục bên Tàu. Muốn vào thì theo quốc lộ 4 đến một địa danh mang tên Ba Càng. Gửi xe đạp tại nhà quen. Mượn người dùng xuồng hay tam bản đưa thêm chừng sáu ngàn thước đường rạch là tới. Gặp ngày có hai con nước rong thì có thể vào buổi sáng ra buổi chiều, hoặc vào buổi chiều ra buổi sáng. Không thì có khi phải ở lại vài ngày chờ con nước tới.

Mẹ Hảo cất một nhà trại ở đó rồi cho gia đình một lão bộc tên già Tám, vào  trông coi thu lúa. Đó còn là nơi dùng làm khu nghỉ mát cho gia đình trong những vụ hè lớn.

Nay nhắc lại cuộc sống thời đó y như kể chuyện cổ tích. Mấy ai tin nổi cá thuộc vùng đó nhiều đến độ không ai buồn bắt. Cá lóc to cỡ bắp chân người lớn thừa lúc nước rong ngập sân nhà là lên theo để đi chơi hay làm chi đó. Khi nước rút thì cứ nằm tô hô giữa đường. Trẻ con năm, sáu tuổi ra đá những con cá đó vào bếp nướng trui ăn mệt nghỉ. Cá chốt thì, nói xin lỗi, cứ dùng mùng cũ lưới lên bỏ thành từng đóng ủ làm phân. Nếu nhà có ao hồ thì chờ qua một con nước lớn tràn vào mà nhào xuống quậy đục nước làm tôm càng to bằng cổ tay đưa râu lên mà bắt bỏ đầy thùng thiếc. Thứ tôm này mà nướng xong bốc vỏ rồi ăn với bún, rau sống, mắm nêm thì kể như quên chết luôn.

Cái phiền duy nhất Hảo nay còn nhớ là muỗi theo cách gọi tại địa phương là con nào con nấy to gần bằng con ...gà mái dầu. Nói thật thì chúng không to đến như  thế. Mỗi ngày lúc chạng vạng thì không biết từ đâu chúng kéo nhau ra bay nghe vo vo. Chúng bay xổ vào người và bay nhiều như trấu rải, bạ đâu chích đó, chích mạnh đến kim của chúng có thể xuyên qua vải bố. Vết chích của chúng gây đau nhức liền. Khói ung chỉ đỡ được phần nào chứ không thể kiểm soát được chúng.

Nhớ một hôm Hảo từ tỉnh vào hơi muộn. Đi xuồng trong đêm, người ngồi sau Hảo cứ phải dùng tay mà đập vào lưng Hảo liên hồi. Khi đến nhà thay áo mới hay áo trắng thành áo bông màu đỏ.

Năm đó gia đình già Tám có năm người. Hai ông bà và ba người con. Trưởng nữ là cô Nhành, 22 tuổi. Cậu trai kế là Nhòng, 18 và cô Út Bạch 16.  Đó là một trong những gia đình chất phác. Có sao nói vậy.

Ai đời con trai, con gái mười lăm mười sáu tuổi đầu mà hễ thấy trời mưa to là...cổi quần cổi áo ra sân đứng tắm chung với nhau. Bên Tàu theo lệ tảo hôn, gái mười bốn tuổi đã lập gia đình có con rồi. Bên ta thì từng tuổi đó còn như con nít.

Trước nhà thờ chính của tỉnh có một sân khá rộng. Một hôm, anh em bạn Hảo chia phe đá bóng. Linh mục phó xứ, người Việt Nam, đứng xem vô cùng thích thú. Bỗng thấy quả bóng lao tới phía ông. Ông bèn vén áo chùng  lên, thò ra cái ống quần trắng hếu với chiếc giày màu đen thui thùi lùi, nhắm đúng quả bóng mà đá bóc cho một cái. Quả bóng tung lên thật cao. Tụi trẻ nhìn theo muốn trật cả ót.
Cú đá của... Chúa có khác.
Thằng Hân, bạn Hảo, thấy thế bèn chạy u về nhà hô toán lên:

“ Cố phó đá bóng. Cố phó đá bóng, người ta ơi. Đá cao dữ  lắm!”

Mọi kẻ ăn người ở trong nhà ngưng việc đang làm, cao cổ hỏi lại cho rõ:

“ Thiệt hả? Thiệt hả?”

Mọi người hoang mang trước một biến cố lạ lùng.           

Nơi đó lúc bấy giờ, linh mục chính xứ là cha cố Jean Cassaigne người xứ Basque. Linh mục còn trẻ mà để râu đầy mặt.  Không bao giờ ông tiếp bất cứ người nữ nào mà không có một hay hai người đàn ông khác bên cạnh. Ông thường nói với bổn đạo trong họ rằng xác thịt luôn yếu đuối, phải luôn đề phòng, phải lánh xa dịp tội. Ban đêm chú từ giữ nhà thờ thường nghe trong phòng ngủ của linh mục vang lên những tiếng chân của linh mục nhảy rầm rầm, lẫn tiếng roi vụt nghe vun vút. Sáng hôm sau linh mục cho biết đêm vừa qua, ma quỉ về cám đổ linh mục phạm tội....dâm tà. Nên linh mục phải tự hành xác. Nhưng chưa hết.

Một hôm vào khoảng tháng tư âm lịch năm 1944 lúc trời chạng vạng tối. Cả nhà vừa dùng xong cơm tối bỗng có người làm vào báo giám mục Ngô Đình Thục đến thăm. Khi cả nhà hay tin này thì Ngài đã vào ngồi ở phòng khách. Mọi người đều như bị sét thổi ngang tai. Giám mục vào bao giờ mà không ai biết? Thì ra mấy chú chó đang nằm chực xương dưới gầm bàn ăn.

Cha Hảo buông đũa, đứng lên. Một tay ông chụp lấy chiếc khăn ăn chùi chùi vào miệng. Một tay ông vuốt vuốt mớ tóc trên đầu cho gọn lại. Xong ông hớp một hớp nước trà rồi bương bã chạy lên phòng khách.

Hảo cũng buông đũa. Lau sơ cái miệng rồi cũng chạy theo. Hảo mở tủ lấy tách đĩa chuẩn bị hầu trà như thường lệ mỗi lần khách quí đến nhà. Liếc thấy giám mục đang ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ. Bộ áo màu đen có viền chỉ màu tím làm tăng vẻ uy nghiêm trong phòng khách lúc bấy giờ.

Ông nhìn Hảo như có ý nói là .... “không uống trà.” Cha Hảo cũng hiểu như vậy nên nhìn Hảo rồi hất nhẹ quay hàm. Hảo lủi ra nhà sau thì thấy linh mục thơ ký tòa giám mục, ông Raphael Minh, lúc đó đang ngồi trên bộ váng cạnh bàn ăn mà nói chuyện với mẹ Hảo. Ông cũng đô con như giám mục. Câu chuyện ông nói liên quan đến việc trồng chuối cây ở đâu miệt Mặc Bắc, Tiểu Cần....

Chừng nửa giờ sau thì giám mục và linh mục thơ ký cáo lui. Cha Hảo đưa tiễn hai vị ra đến tận đầu ngõ. Lúc trở vào, ông đứng nán lại ngoài hiên khá lâu. Ông nhìn về phương Nam, nơi thấy hiện rõ chòm sao Nam Thập giá. Thập giá là dấu ấn của hi sinh và nhẫn nhục.

Khi ông bước vào nhà, gương mặt ông nặng trĩu ưu tư. Điều này ít ai trong nhà để ý. Mọi người đều cho việc được giám mục đến thăm là một ơn phước cao trọng. Ma quỉ mà trông thấy người là phải bỏ chạy đi thôi. Ngày hôm sau lối xóm tha hồ mà đến mừng. Người phụ nấu bếp bèn lấy cục than viết ra những con số ghi ngày đáng nhớ đó lên vách gỗ, nơi đủ cao cho ai ai cũng có thể nhìn và thấy rõ ngày giám mục quang lâm.

Hôm sau cha Hảo đi làm như thường lệ. Nhưng hơi khác chút là ông đi đến tối mịt mới về. Áo quần ông dính đầy bụi đường. Không khí trong nhà khác mọi ngày. Cha Hảo đâm ra ít nói. Sáng sớm hôm sau, ông đưa cho Hảo một thư tay, bảo mang vào nhà trại đưa cho già Tám gấp; mà già Tám thì không biết chữ quốc ngữ! Nhưng khi Hảo đang thay đồ để đi thì ông bảo thôi. Ông cầm lá thư lại rồi không kịp ăn sáng, ông đạp xe nói là vào sở có việc gấp. Hôm đó ông cũng đi đâu mãi đến lúc tối mới về nhà. Người ông bơ phờ, mệt mỏi. Điều này sao qua mặt mẹ Hảo.

Già Tám có đến hai cô con gái. Cô nào cũng còn trẻ măng mà lại có sắc đẹp mặn mà. Nhiều nơi nhờ đi hỏi cho con trai họ mà chưa cô nào ưng. Bà nghĩ cha Hảo vào đó nói là đi thăm ruộng rồi lem nhem tình ái gây ra bầu bì này nọ thế kia.  Việc thấu tai bề trên nên giám mục đích thân đến nhà bày kế ra sao chỉ có hai người biết với nhau. Do đó, cha Hảo bị mẹ cho theo dõi.

Ngày hôm sau, mẹ Hảo kêu Hảo đạp xe vào nhà ruộng gặp già Tám xin 20 trái dừa nước thứ cứng cạy về cho bà làm thuốc. Bà còn dặn riêng là phải trở lại nhà trước năm giờ chiều, giờ tan sở thường ngày của cha Hảo.

Đường đi gặp gió xuôi. Một giờ sau là đến chợ Quận. Gửi xe nhà liên lạc, nhà của chú Ba Tấn, rồi nhờ cho người lấy tam bản đưa vào nhà trại. Út Nhạn, mười bảy tuổi, con của Ba Tấn liền ra ụ ghe lấy một tam bản đưa Hảo đi tiếp. Hảo bước xuống và ngồi đằng mũi, cầm cây dầm bơi phụ.

Con Nhạn hôm đó tuồng như bị ốm hay sao mà sức bơi không được mạnh. Hảo bèn kêu để mình chèo thay. Nó nghe thế liền buông chèo, nhảy ra phía trước, nơi Hảo đang ngồi. Hảo lòn ra phía sau chụp hai tay chèo, hươi hươi vài cái lấy trớn rồi chèo luôn một mạch.

Quyết định của Hảo vừa rồi cũng đúng thôi. Đàn ông thanh niên ngồi tam bản để phụ nữ chèo thì trông dị hụ quá đi chớ. Nhưng con Nhạn thì thích để Hảo chèo một mình. Nó ngồi phía trước yên lặng, cầm ngang cây dầm trong tay mà không chịu chèo phụ gì cả. Không trông thấy gương mặt cô ta. Chàng chỉ nhìn từ phía sau thấy được cái lưng con gái. Cái lưng thon thon đó trông cũng muốn nhìn hoài. Thôi cũng được. Tự Hảo ưng chèo thì người ta cho chèo một mình cho... bõ ghét.

Đến nơi khoảng chín giờ sáng. Quang cảnh vắng ngắt. Chiếc tam bản lủi nhẹ vào bãi. Nhạn đứng lên cắm sào. Hảo phóng nhanh lên bến. Con chó có tên là Gấu, nghe có tiếng người bèn từ nhà chạy ra.
Đánh hơi biết là tiểu chủ thì nó mừng mà nhảy chồm lên người Hảo. Như phần đông loài chó dễ thương khác, khi nó mừng quá thì trên le lưỡi liếm mặt người nó thương, dưới thì tè tùm lum.

Hảo bước vào nhà và cất tiếng gọi:

“Già Tám ơi. Già Tám ơi.”

Gọi đến mấy lần mới nghe tiếng già Tám nói vọng ra từ một trong hai căn phòng trên gác:

“ Cậu đó hả. Vào một mình hay vào với ai?”
“ Mình ên. Mẹ bảo vào xin ông hai mươi trái dừa nước cứng cạy về làm thuốc.”
“Ai đưa cậu vào đây?”
“ Út Nhạn, con Ba Tấn.”

Cửa phòng đó mở ra. Già Tám đứng cạnh bộ ngựa đặt giữa phòng mà nhìn Hảo lom lom. Trên bộ ngựa là một đống các tạp chí, tuần báo, nhật báo J.E.O (Journal d'Etrême Orient) cũ cha Hảo xem xong để dành mà ai đó lục ra xem rồi vứt bừa bãi. Già Tám dường như đang cố thu tất cả thứ đó cho gọn lại. Ông bước đến cạnh Hảo, kề tai nói nhỏ:

“Có hai người khách của cha đang ở trong phòng bên này. Ngoài nhà có ai biết không?”

Hảo lắc đầu, rồi hỏi:

“ Họ người Tây hả?”

Già Tám trả lời:

“ Người giống người mình. Giọng hơi nặng, nhưng cả hai đều ít nói.”

Rồi ông tiếp:

“ Cậu biết rồi chớ có nói lại ai khác. Giờ thì cậu sang đây tôi nói với họ.”

Già Tám ý muốn giới thiệu Hảo với hai người khách đó. Tiếng giới thiệu là tiếng văn minh. Người nhà quê thời đó chưa biết xài.

Nhà trại được cất trên một gò đất rộng hơn hai mẫu tây. Một con lạch chia đôi thành một bên là vườn dừa hàng trăm gốc và một bên là vườn trồng nhiều loại cây trái và hoa màu. Tất cả đứng giữa cánh đồng mênh mông. Nhìn chung quanh mút chân trời không thấy nhà ai khác. Bầy trâu nhà hơn chục con lớn bé lúc đó được lùa đi ăn chưa về? Những người trong gia đình ông Tám cũng đâu vắng cả.

Già Tám dẫn Hảo sang phòng bên cạnh, giơ tay gõ nhẹ ba tiếng. Bên trong có tiếng chân người rồi cửa được mở ra. Hảo nhìn vào thấy có hai người đàn ông vào khoảng bốn hay năm mươi tuổi. Cả hai mặc đồ ngủ màu nâu. Một người thì to và cao.Một người thì cũng to nhưng có hơi thấp hơn người kia. Người to con nhìn Hảo trân trối. Người thấp cũng nhìn Hảo với một nụ cười ở miệng và cả ở mắt.

Từ bé Hảo bị dị ứng đối với những gì thuộc đàn ông. Nhưng cái nụ cười của người này khiến Hảo thấy dễ chịu. Nó nói lên một cái gì vừa thật thà, vừa bạn hữu. Hảo nhìn vào con mắt bên trái của ông ta thấy có nhiều lòng trắng hơn lòng đen. Tiếng ông ta hỏi thật nhỏ nhẹ

“ Đây là con ông chủ hỉ?”

Giọng ông nói hơi nặng nhưng nghe cũng trôi. Hảo thưa:

“ Dạ thưa phải.”

Ông ta hỏi tiếp:

“ Còn đi học không?”

Hảo nói:

“Còn đi học. Lính Nhật lấy trường cũ nên phải dời nơi khác.”

Nghe nói lính Nhật lấy trường, ông ta liền quặm mặt lại một cái, tỏ vẻ khó chịu.  
Thình lình ông ta hỏi:

“ Có biết lấy dừa tươi không? Lấy uống nước.”

Thì ra ông khách muốn ống nước dừa tươi, vì cẩn thận không uống nước địa phương vì sợ bệnh chói nước. Hảo nói mình có thể lấy được dừa tươi. Nói xong liền cúi đầu chào nhị vị rồi trở ra.

Xuống gác, Hảo vào bếp lấy cây mác vót cán dài nửa thước tây. Đưa tay rà thấy lưỡi mác còn bén nhưng Hảo cũng theo thói quen, cầm chiếc lưỡi mác, liếc sơ mấy đường vào gờ lu nước nghe rẹt, rẹt, ý ngầm báo cho người trên gác biết... sấp có nước dừa tươi rồi đây. Hảo hỏi già Tám:

“ Họ là ai vậy, ông Tám?”

Già Tám ngó quanh một vòng rồi nói nho nhỏ:

“Bạn của cha. Vào nói dưỡng trí vài hôm. Người nhà bác sĩ Long (1) đưa đến. Nói dưỡng trí nhưng suốt ngày ở trong phòng với nhau cùng đọc báo với hút thuốc. Hết thuốc điếu nên hút toàn thuốc rê trảng. Hút hết cả giấy cả diêm nên quay sang xé báo lung tung. Tôi thắp một đèn dầu dừa mang luôn vào phòng dành cho họ mồi thuốc.”

Hảo hỏi tiếp.

“ Họ ăn uống ra sao?”
“ Tôi làm cơm thường thôi. Cha có vào đây hai lần đưa tiền chợ rồi dặn là không được nói gì với ai về hai người này.

Trước khi họ đến, tôi cho gia đình về cả bên ngoại.”
Hảo hỏi lại.

“ Họ ăn uống ra sao? “
“ Ít lắm. Coi như không thiết ăn mấy. Có hôm cơm bưng lên rồi bưng xuống gần như y nguyên hà. Cậu biết món canh “xim lo” nấu với khô cá và bắp chuối hột, canh chua mẻ và món cá rô kho tộ của tôi đâu có thua gì ai.”
“ Còn vệ sinh tắm rửa thì sao?”
“ Họ thường chờ đêm ra sông mà tắm. Nói tắm thế cho nó mát.”

Hảo cổi dép. Kiếm một sợi dây chuối buộc ngang lưng. Móc chiếc mác vào hong. Xong thế là chạy u ra vườn dừa rồi thót lên một cây dừa xiêm lai oằn trái nhất. Hảo lĩa một buồng chị và một buồng em ngọt xớt. Cộng chung có đến hơn hai chục trái.

Hảo tuột xuống. Trèo lên một cây khác, gần đó. Làm thêm cho ba quày, bỏ cho một đống. Già Tám lôi tất cả vào trong nhà. Dùng dao bén vạt mặt chừng chục quả mang lên cho hai ông khách. Dừa xiêm lai tuy nhỏ trái nhưng nước thì ngọt như có pha đường phèn. Mỗi vị tu liền tù tì một hơi ba quả. Tu nước dừa xong, lấy tay chùi miệng mà khà khà tỏ vẻ vô cùng thích thú và cám ơn rối rít. Trông họ như trẻ con vừa được kẹo.

Buổi chiều già Tám làm cơm xong bày ra mâm bưng lên gác cho hai ông khách. Hảo ra bờ sông chặt một quày dừa nước. Lựa ra đúng hai mươi trái to, xỏ xâu thành một chùm khá nặng. Xong Hảo vào chào hai ông khách để ra về.

Út Nhạn chờ lâu quá nên mỏi lưng. Cô ả nằm khoanh nguyên con ở lái tam bản mà ngủ. Chiếc nón lá úp lên mặt. Nhưng con gái hớ hênh. Nằm để vạt áo lật lên bày da bụng. Mà bụng cô ta sao thấy có hơi căn cứng. Hảo quay trở lên nhà, lấy hai tô cơm. Xếp thêm vào đó mấy miếng dưa mắm với thịt gà kho xã ớt. Cầm theo hai đôi đũa. Vạt mặt hai trái dừa rồi mang tất cả xuống tam bản kêu Út Nhạn thức dậy ăn còn về trước khi đàn mỗi kéo ra theo buổi chiều. Một tô cơm Út Nhạn. Còn một tô phần của Hảo.

Con Nhạn thức dậy. Đưa tay dụi dụi mắt xong ngồi lên. Mặt quạu thấy rất rõ. Nhưng khi nhìn thấy tô cơm được mang đến tận nơi là cô ta vui ngay.

Cô ta ngồi vừa ngốn từng và cơm, độn thêm thức ăn ngon lành vừa nhìn Hảo với đôi mắt tinh nghịch. Hảo ăn xong phần mình thì bỏ lên nhà tìm già Tám rồi hỏi:

“ Con Nhạn nó đau chi mà cái bụng nó... hơi phình ra như vậy hả, ông Tám? Dường như nó bị bệnh cam tích, phải không?”

Già Tám cúi xuống, kề tai Hảo nói:

“Nó bị ốm nghén. Thằng Nhơn, con hương chủ Dậu, ấy nó cả tháng nên bụng nó phình.”
“Ấy nó cả tháng?”
“ Cậu biết vậy thôi. Đừng nói lại với ai nghe. Bên hương chủ sợ bị tai tiếng nên dàn xếp cho nó bốn công ruộng nhất hạng, kèm theo bộn bạc. Rồi ép gã nó cho thằng Ngọ chăn trâu nhà ông Chánh. Còn hứa khi nó sinh con thì bên ông hương xin bắt đứa bé về bên đó. Nó không thương thằng Ngọ nên bỏ về nhà tía ruột nó cả tháng  nay.”
“Đẻ con xong thì liệu nó có chịu cho bên ông gì đó bắt không? Con của nó kia mà.”

Già Tám há cái miệng móm xọm mà cười run run cái búi tó củ hành trên ót rồi nói:

“ Không chịu? Đưa thêm một công đất nữa là xong thôi. Đời nay có nhiều chuyện kỳ lắm. Nói không nổi đâu. Rồi thì cậu xem. Nén bạc đâm toạc tờ giấy đó cậu.”

Hảo trở xuống tam bản. Già Tám và con Gấu  đứng nhìn theo. Tam bản nhổ sào lui bến. Hảo lại hì hục chèo trở ra quận. Con Nhạn tiếp tục ngồi ở mũi. Thỉnh thoảng nó lại ngáp. Ngáp mà không chịu đưa tay lên che miệng gì hết. Tự nhiên Hảo thấy mình sợ con nhỏ này. Mà sợ gì ở nó Hảo cũng không biết rõ.

Đường về gặp gió ngược còn đèo thêm hai chục trái dừa nước cũng nặng đến. Phải mất gần hai tiếng mới về đến nhà.  Mẹ Hảo trông thấy Hảo, liền hỏi:

“ Trong đó có gì lạ không?”          
“ Mẹ nói lạ là lạ gì?”
“ Hai ông khách của cha còn trong đó không?”

Sao kỳ vậy cà? Già Tám nói chắc mẻm là bí mật lắm mà sao...
Hảo nói:

“ Còn trổng. Đòi ăn dừa tươi nên con hái cho hai trự có đến hơn năm mươi quả.”

Mẹ Hảo lại dặn:

“ Chớ có nói lại với ai. Nghe chưa?”

Hai hôm sau, Hảo lại được cha Hảo sai mang vào đó cho hai ông khách mấy bịch thuốc Mélia vàng, mỗi bịch hai mươi lăm gói, thuốc cảm mạo hiệu Kalmine, và một gói báo to tướng.

Con Nhạn lại làm cô lái đò hụ hợ như lần trước. Hảo lại được hai ông khách nhờ hái thêm dừa. Bèn làm luôn một hơi hơn trăm quả. Lần này thì hai ông ra đứng nhìn Hảo leo dừa như xem trò xiếc để giải trí. Hảo leo trèo như khỉ.

Đi một mạch từ gốc đến ngọn. Đến ngọn, tiện thể một tay ôm đọt cây, một tay vung ngọn mác, rửa dừa cho quang đãng rồi mới lựa đúng những buồng vừa nạo mà hạ liền cái rụp. Hảo làm nhanh như sấm sét. Con Nhạn đứng dưới nhìn lên cười nghe cúc cúc. Xong cây này nhảy sang cây khác làm liền tù tì cả chục cây xong mới chịu tuột xuống.
Khi về, Hảo xách nguyên một buồng dừa 10 trái xuống tam bản. Lúc đến chợ quận thì biếu nó luôn cho con Nhạn. Tội nghiệp. Hảo nghĩ nó theo mình mà không thèm chèo vì nó bị mệt. Nó chỉ thích ấy thôi. Người ta nói thứ đó hễ ăn quen rồi thì nhịn không quen. Để Hảo chèo một mình nó cũng ngại chớ sao không? Nhưng ít ra có nó ngồi đàng mũi giữ thăng bằng cho Hảo chèo thì cũng là có công. 

Rồi mười năm sau, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Quân đội Thiên hoàng bị thua trận. Phong trào Việt Minh nổi lên. Người Pháp trở lại việt Nam. Chiến tranh tái diễn. Chiến tranh Pháp Việt. Bảo Đại hồi loan làm quốc trưởng. Điện biên Phủ. Pháp kêu cứu. Mỹ hỏi Anh. Anh bảo đừng. Mỹ đành thôi. Pháp thua trận. Ngô đình Diệm giữ  chức thủ tướng. Gần một triệu di dân từ Bắc vào. Cha Hảo bị bạo bệnh qua đời. Sự túng bấn trong đời sống lấp ló ở cổng rào.
Một hôm có người từ tòa tỉnh đến nhà Hảo. Ông ta tự giới thiệu là Phó tỉnh. Trong tay ông có một bức thư mà ông nói là do ngài Thủ Tướng chính phủ gửi cho mẹ Hảo, và xin sau khi đọc thư thì trả lời gấp. Cả nhà giựt mình, nhưng rồi xin phép người đại diện chính quyền cho được mang thư nhà sau đọc. Người anh lớn của Hảo đã nhập ngũ, vào Thủ Đức ra trường đóng lon quan một. Lúc đó ông ta đang về nhà nghỉ phép.

Đó là bức thư của Thủ Tướng họ Ngô gửi cho gia đình mẹ Hảo. Trong thư ông có lời thăm hỏi toàn thể gia đình. Ông biết cha Hảo đã qua đời nên ông gợi ý: Một là trong các con nếu có ai đi lính mà ưng giải ngũ về lo chăm sóc mẹ già thì cho ông biết. Hai là trong gia đình các con mẹ tôi có ai muốn tiếp tục đi học thì cũng tin cho ông hay; ông sẽ cho xuất ngoại.

Đọc xong thư, mọi người nhìn nhau hỏi Ngô đình Diệm là ai trong đại gia đình. Nếu không có liên hệ gì thì chắc thư gửi lầm địa chỉ.
Mẹ Hảo suy nghĩ một chút rồi nói:

“Người này có lẽ là em ruột của Giám mục địa phận mình đây. Cách đây mười năm, ông và một người nữa có ghé qua nhà ruộng của mình ở Đồng Tròn. Nếu cha còn sống chắc biết rõ hơn.”

Nghe thế, Hảo liền nhớ ra gương mặt thủ tướng họ Ngô đăng trên các mặt báo thời bấy giờ có nét hao hao mặt người đòi uống nước dừa tươi lúc ông và một người nữa ghé qua nhà ruộng như mẹ Hảo còn nhớ. Đặc biệt con mắt bên trái có nhiều lòng trắng mà sách tướng gọi là mắt sanbaku hay là mắt tam bạch đản.
Anh của Hảo nói, với tư cách con chim đầu đàn:

“Đây là vấn đề quan trọng. Ta nên xin người mang thư cho ta thời gian suy nghĩ mới trả lời được cho ông Tổng tư Lệnh.”

Bỗng có tiếng chú Lịch, người làm bếp hỏi:

“Tên Ngô đình Diệm có đăng báo rõ ràng mà sao cậu Hai lại gọi là tên Tổng tư Lệnh?”

Ông anh Hảo phải giải thích:

“ Ngô đình Diệm là tên trong giấy khai sinh. Tổng tư Lệnh là cái chức cao nhất trong quân lực. Khác nhau chứ. Đâu phải ông họ Tổng, chữ lót là Tư, và tên là Lệnh đâu, chú Lịch.”           

Mẹ Hảo lên nhà trên nói với người mang thư xin cho thời gian suy nghĩ trước khi trả lời thư. Người đó một điều, hai điều cũng toàn vâng vâng, dạ dạ, rồi xin cáo lui.

Khi người mang thư đi rồi, mọi người trong nhà phải họp nhau tìm cách trả lời lá thư của... ông thủ tướng. Mẹ Hảo nói:

“ Ông Ngô này là cựu thần triều Nguyễn, gốc Nho học. Chữ Tín và chữ Nghĩa dạy ông khi mang ơn ai thì phải lo mà trả. Ông muốn trả ơn nhà ta về những giúp đỡ ông nhận trước kia. Nhưng mà...”

Anh cả tôi nói:

“Thưa mẹ,  khi nhà ta giúp ông thì con không có mặt ở nhà nên không biết. Nhưng lúc đó ta đâu nghĩ sẽ có ngày ông nhận chức to nhất nước như thế này đâu. Nếu ta thuận theo lời ông đề nghị của ông thì những người biết chuyện sẽ cho đó là mối lợi lớn và rồi họ, bằng cách nào đó, sẽ oán ghét ta. Cực lợi sinh oán, người xưa có nói. Nếu cha còn sinh tiền thì chắc cha cũng nghĩ như thế này thôi.”

Mẹ Hảo hỏi tiếp:

“ Khi ký tên thư này ông có nghĩ rằng gia đình ta sẽ từ chối lời đề nghị của ông ta hay không?”

Ông anh Hảo nói:

“Chắc là ông nghĩ rằng ta sẽ không từ chối. Nhưng đó là việc của ông. Ta có việc của ta. Ở đây không thể có tương nhượng. Nó liên hệ đến gia tộc và dòng họ mỗi bên.”

Ông cậu Hảo lúc đó bèn hỏi một câu làm kẹt luôn cả đám:

“ Không nhận nhưng phải trả lời ra sao để nói là không nhận? Rồi lại nhờ ai chuyển thư ta trả lời cho chắc ăn?”

Không ai có thể trả lời cho suông câu hỏi hóc búa này. Buổi họp mặt gia đình tạm dừng. Mặt ai cũng đậm nét đăm chiêu suy nghĩ cho đến giờ cầu kinh tối trong gia đình mà chưa ai lấy lại được tiếng cười.

Suốt cả buổi chiều, lạ thay không thấy ai trong lối xóm đến nhà nói chuyện chơi như thường ngày. Mấy con chó cũng không sủa cắn gì như thường ngày chúng vẫn làm. Hảo ngồi dưới mái hiên nhà nhìn ra đường. Thấy những người bộ hành ngang qua dường như có đi chậm lại và nhìn vào trong nhà Hảo với cái nhìn kèm theo cái mỉm cười. Những người đạp xe đạp ngang qua cũng có thái độ gần như thế. Họ cho xe chạy chậm lại, nhìn vào nhà, rồi nhấn bàn đạp vọt nhanh. Chí mấy con gà trống cũng không gáy. Mấy chị gà mái cũng không túc túc kêu con. Quá giờ ăn mà bọn heo trong chuồng cũng không kêu đói. Ôi, cái bức thư của ông Thủ Tướng!

Sau một đêm suy tính, sáng hôm sau anh tôi thảo một bức thư đại ý nói là có nhận được thư của ông thủ tướng nhưng mọi việc đã nhờ ơn trên mà được an bài tốt đẹp cả. Toàn gia thành thật biết ơn lòng tốt của ngài.  Cuối thư toàn gia xin....ơn trên phù hộ Ngô thủ tướng.

Lúc đó ông anh Hảo nhớ rõ Hảo đã từng là sói già trong đoàn hướng đạo của giám mục họ Ngô, nên nói như ra lệnh:

“ Chú mày từng là sói già thì phải rành đường đi nước bước hơn những người khác. Vậy không ai hơn chú mày trong việc nhờ tòa giám mục chuyển hộ bức thư nhà ta trả lời. Ông anh mà mang thư cho ông em thì còn gì bằng. Nói thế nghe được chứ?”

Nội nhật hôm đó Hảo phải thay đồ tốt, mới, rồi cầm bức thư do mẹ Hảo ký đến trình bày mọi sự cho linh mục thư ký tòa giám mục và xin chuyển giúp lá thư còn để hở, chưa dán lại. Từng là sói già mang  túi đeo lưng nặng trĩu hành trang với gậy có tô-tem, dây nhợ, dao búa, dẫn bao nhiêu sói con đi cắm trại nhiều nơi trong tỉnh mà khi phải mở miệng nhờ người khác, Hảo bỗng thấy... băn khoăn chút ít. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Bức thư đó được chuyển đến tay Giám mục.

Và chỉ có bốn hôm sau, qua một đường dây riêng, Hảo biết lá thư đã được chính ông anh Thục trao tận tay ông em Diệm. Không có tin gì kèm theo thì hẳn là tin tốt.

Năm 1961, ở Monterey, California, Hảo gặp và làm quen với anh Paul Vân. người tỉnh Kiến Hòa. Theo lời anh kể, năm 1950 anh được nhà gửi sang Hòa Lan du học. Sau đó thì sang Nửu Ước tu nghiệp. Ở đây anh gặp duyên cầm sắc, nên lập gia đình với người bản xứ gốc Ái nhỉ Lan, chị Mary Sheila, rồi vợ chồng dắt nhau sang California sinh sống. Anh nói thời trước 1954, khi còn “bao phen từng lê gót nơi xứ người,” cụ Ngô -lúc nào anh cũng kính cẩn gọi là cụ Ngô- không có tiền. Nhóm anh em Việt Nam đang du học tại Mỹ lúc bấy giờ bèn rủ nhau hùn tiền giúp ông cụ mua thuốc điếu, trả bills điện thoại, tiền lẻ đi xe buýt, và cả tiền tắc xi nữa. Có khi mời cụ ăn sáng. Lần nào cụ cũng vui vẻ nhận lời, nếu không bị bận với chương trình riêng của cụ.

Thời gian ngắn sau khi về nước nhậm chức Thủ Tướng năm 1954, cụ liền tự tay viết thư gửi mời từng người trong nhóm anh em, mời về giúp cụ. Nhiều người hưởng ứng về và được giao chức lớn. Riêng anh thì không về vì bận có con nhỏ. Ngoài ra, theo anh thì lúc đầu cụ Ngô bị nhiều thế lực chống đối ngay cả trong nước. Người Pháp muốn miền Nam được trao cho một người chấp nhận tổng tuyển cử vào năm 1956 để Hà Nội thắng. Có như thế thì người Pháp được giữ trọn quyền lợi của họ tại cả hai miền. Vì cụ không chịu hợp tác theo ý của Pháp, nên người Pháp thời đó đã làm mọi cách để cho cụ phải ra đi,. Những người theo cụ về nước đều còn độc thân. Nếu anh bắt chước họ mà theo về khi cụ phải ra đi thì gia đình anh thành nheo nhóc ngay. Sang Mỹ lại thì chắc đâu có việc dành sẵn chờ anh. Nếu không thì anh ...ngán gì mà không về theo cụ.

Qua năm 1955, anh Vân kể tiếp, thấy tình hình đã vững. Cụ làm Tổng Thống dân cử đầu tiên. Anh bèn nhờ anh em nói giúp với cụ xin cho một chỗ. Sau đó anh nghe học lại thì cụ nói đại ý là " Lúc mình đang cần thì hắn không về. Nay đâu đó có người rồi thì yêu cầu hắn chờ."

Anh Vân chờ từ 1955 đến cuối 1960 mà không thấy cụ gọi về giao việc. Anh nghi vì anh không nhận ơn của cụ nên cụ hờn. Hay, nặng hơn nữa, cụ cho rằng anh chê ơn trả không xứng đáng với công của anh đã từng đứng ra vận động anh em giúp cụ lúc trước. Anh nói không bao giờ anh ta có ý nghĩ như thế.

Thời đó con người tại nhiều nơi còn không dám nói dối. Hảo tin anh ta nói lời thật của tâm lòng anh ta. Còn về chuyện bức thư cụ gửi cho gia đình Hảo thì không nghe ai than phiền gì về Ngô thủ tướng hay Ngô Tổng thống cả. So với vận mệnh quốc gia, câu chuyện lá thư thuộc hàng tiểu tiết. Cụ Ngô có sá gì ba cái lẻ tẻ đó mà thắc mắc với không thắc mắc.

Năm 1958, Hảo gặp cụ trong một chuyến cụ đi thăm mỏ than Nông Sơn. Trí nhớ của cụ là phi thường. Sau một thời gian gần 16 năm chớ ít sao, khi nhìn thấy Hảo, ông cụ liền nhớ ra thằng bé hái dừa năm xưa. Câu đầu tiên cụ hỏi là sức khỏe của mẹ Hảo. Kế đó là gia đình già Tám và vườn dừa năm xưa ở Đồng Tròn. Lạ thật. Trong con người đó, khi chữ thời còn, cái uy phát tiết ra ngoài khiến nhiều người phải nể vì. Ấy thế mà bên cạnh cái uy đó còn có cái tính lãn mạn chứa chan tình cảm ngay cả đối với những con người hàng tiện dân và với loài thảo mộc hiền lành. Cái uy và cái tính lãn mạn này họp lại, cho thấy cụ quả là một chiến sĩ hào hùng.

Thế nhưng, cụ làm chính trị nhưng không có cái gian hùng của Tào Tháo. Cụ cũng thiếu cái tàn nhẫn của Tần thủy Hoàng. Cụ chỉ có lòng tin sắt thép vào một Thượng đế mà cụ tin cụ là người đại diện chân chính! Cụ luôn nghĩ rằng nếu luôn tuân giữ giới răn của vị Thượng đế đó một cách tử tế và chăm chỉ thì không bao giờ bị Thượng đế quở trách hay trừng phạt.

Về sau, khi cụ cùng người em ruột của cụ, bị đẩy vào xe bọc sắt trước nhà thờ linh mục Tam thuộc vùng Chợ Lớn thì không còn kịp nữa. Rành Nho học mà cụ lại quên rằng trong rừng nho biển thánh có tiếng dũng thoái, tức là cái can đảm cần có khi phải rút lui đúng lúc. Về phương diện này, cụ quên học ở cụ Lý Thừa Vãng, cựu đệ nhất Tổng thống Đại Hàn. Hảo chỉ nghĩ thế thôi, dù biết rằng người chiến sĩ hào hùng đó không dễ gì mà dũng thoái trước hiểm nguy cao độ.

Làm thân con người thì ai cũng phải có sinh có tử. Trong truyện Giông tố, nhà văn Vũ Trọng Phụng được trích câu nói đại khái là :" Trên đời này không có ai đáng phục, không ai đáng khinh, không ai đáng ghét và cũng không ai đáng yêu. Tất cả đều do định phận sai khiến cả." Triết gia Hy lạp, Héraclite, người cùng thời với Phật Thích Ca, thì cho  rằng định phận con người do tính khí mà ra. Mà tính khí thì thường ít khi lộ ra để người khác có thể nhìn thấy. Nó là món quà đi đường ta mang theo từ lúc sơ sinh. Nếu không nói rằng cha mẹ ta hay ông bà ta đã cho ta món quà đó thì ...ai trồng khoai đất này? Nói cho dễ hiểu thì bàn chân con người khi sinh ra cho đến khi mãn số luôn đi theo cái duyên và cái nghiệp của mình.

Tiểu Đĩnh


1. Bác sĩ Khương Hữu Long, y sĩ tốt nghiệp trường thuốc Hà Nội.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010