SỐ 46 - THÁNG 4 NĂM 2010

 

Sự Dũng Cảm Hào Hùng Của Lính

 Tôi sống tạm bợ nơi Sài Gòn xa hoa, nhộn nhịp, và lắm xô bồ trong tháng 4 năm 1975, với ngàn lo âu, run sợ hãi hùng đầy cay đắng, băn khoăn lo lắng trăm mối tơ vò. Tin dữ loan ra thì có, tin lành về lại không. Nhìn xuống lòng đại lộ Hưng Đạo 2, tôi càng run rẩy nghĩ rằng:

- Trận chiến nầy, hẳn là sẽ đến hồi quyết liệt để giành thắng. Nay mai sẽ có giao tranh trên cùng khắp các nẻo đường. Chạy đi đâu cho thoát ra khỏi con ngỏ sâu hun hút, đầy đạn bom đây! Hở Trời!? Tôi vô cùng hối hận khi đưa gia đình về đô thành. Chạy đi đâu, cũng không thể thoát khỏi nanh vuốt chiến tranh bạo tàn. Thì thà rằng cứ ở lại Đà Lạt, có lẽ gia đình tôi không đến nỗi nào khổ sở đến thế!

Trên những con đường lớn nhỏ đều đông nghẹt người đi bộ, người ta đông hơn kiến tràn ra ngoài lòng lề đường, chen lấn nhau đi kẹt cứng. Mặc cho từng hàng xe hơi đủ loại, xe gắn máy, xe đạp, xe xích lô, xe ba gác vân vân... chồng chất đủ mọi thứ lỉnh kỉnh lên xe. Họ ùn ùn hối hả đi đi, về về! Đi đâu?! Về đâu?!

Hầu hết các doanh trại ven đô, các công sở ty mỏ, và thường dân lo đào hầm hố cá nhân. Những đại công sở và cao ốc, cũng như ngoài những đại lộ, gần trung tâm Sài Gòn đều ráo riết chuẩn bị.

Khổng Tử đã nói: “Kẻ sĩ lo trước cái lo của thiên hạ. Vui sau cái vui của thiên hạ”. Cũng như cổ nhân Nguyễn Trường Tộ đã nói:

“Nhất thất túc thành thiên cổ hận.
Tái hồi đầu thị bách niên thân” .
(Một bước lỡ để nghìn năm mang hận.
Ngoảnh đầu trông lại đã trăm năm).

Quả thực như thế. Những người lính làm viên gạch lót đường cho danh vọng, tham tàn, bạo lực, oằn vai nặng gánh, lưng gồng mối thù phân chia hai miền Nam - Bắc:

- Có ba Lữ đoàn Dù. Thủy Quân Lục Chiến. Ba Liên đoàn Biệt Động Quân đóng tại Hóc Môn. Gò Vấp. Bình Chánh. Nhà Bè. Tân Sơn Nhất; họ chia nhau ra trấn giữ. Quân đội đã đặt những ụ súng cối, súng máy, do các chiến hữu Sư-đoàn 5 - 18 - 22 - 25, hầu chu tất việc bảo vệ an toàn lãnh thổ Việt Nam, Thủ-đô, và lương dân vô tội.

* * *

Trên không-phận của Thủ-Đô Sài Gòn, Đại-Úy Trần Văn Phúc, người Phi-tuần Trưởng của phi-tuần Khu-trục Phi-Long 51, đã kể lại cùng thân nhân rằng:

- Vào biệt đội Khu Trục lúc nửa đêm, tất cả anh em thuộc PĐ 514 và 518 nằm sắp lớp trên nền nhà, chỉ còn một chỗ trống cạnh điện thoại dã chiến vừa mới mắc dây không lâu. Tôi nằm trằn trọc hoài không hề chớp mắt, lòng tự trách mình đã thiếu cảnh giác, vì chúng tôi (tôi và Tr/úy Nguyễn Thanh Bá) đã để vuột mất cơ hội bắn hạ phi tuần A-37 của tên Nguyễn Thành Trung, khi suýt đụng với chiếc A-37 này, ngay trên vùng trời của Cù Lao Phố, Biên Hòa, ở cao độ rase motte. Để bọn chúng oanh tạc Tân Sơn Nhất, làm thiệt hại bao nhiêu là sinh mạng, vật chất, và làm nhụt tinh thần chiến đấu của đồng đội chút ít.

Nhưng mãi lâu sau tôi thiếp đi hồi nào không hay; cho đến khi phi trường bị pháo kích. Tôi hoàn hồn lại vì những tiếng rít... rít... xé gió nghe rợn người. Rồi... đùng... đùng... Điện bị cúp. Tất cả bóng đèn rơi xuống sàn nhà. May mắn mọi người nằm dưới nền nhà đều bình an vô sự. Kế đó điện thoại reo, tôi chuyển lịnh điều động đến cho Thiếu Tá Lê Văn Sang, Trưởng Phòng Hành Quân PĐ 518. Sẵn đó ông hỏi tôi:

- Phúc đi bay được không?

Tôi vội trả lời.

- Đương nhiên là được, nhưng wingman (số 2) là ai?

Trong bóng tối từ cuối phòng, Thiếu Tá Trương Phùng lên tiếng:

- Trâu đạp cũng chết, chó đạp cũng chết, tao đi với mầy, xem coi có chết thằng Tây nào không nghe!?

Theo sự hiểu biết của tôi: Ngay sau khi phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích, tôi được chỉ định đi bay. Vì thiếu “wingman”, nên Th/tá Phùng tình nguyện cùng tôi đi bay trong mưa pháo.

Bình điện phi cơ của Thiếu-tá Phùng bị hư, và đạn pháo kích vẫn đang rơi gần đó, (không quá 100 thước bãi đậu A37). Nên sau khi quay máy xong, tôi quyết định cất cánh một mình, lúc 4 giờ 25 phút sáng tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Không ngờ lúc bấy giờ Th/Tá Phùng cũng đã bay chiếc AD-5 đến nơi, mặc dù vô tuyến của anh Phùng bị trục trặc, bị hư, không nói được, nên chúng tôi không thể nào liên lạc với nhau. Nhưng Th/Tá Phùng vẫn cất cánh bay lên, và cùng với tôi sát cánh chiến đấu bên nhau.

Khi lên tới Phú Lâm, chúng tôi được PHĐ AC 119 -06, hướng dẫn oanh kích, mục tiêu là 2 dàn pháo 122 ly, cách đài Radar Phú Lâm khoảng 500 mét, về hướng Tây. Sau khi thả trái bom thứ 2 xuống mục tiêu thứ nhì, tôi ngưng lại và chờ đợi. Trong thời gian nầy, tôi nghe giọng Tướng Kỳ trong vô tuyến:

- Phi Long 51, anh cứ trút hết bom đạn xuống mục tiêu. Và mời anh ghé nhà tôi, nhậu tối nay nhe.

Mặc dù tôi đã biết người ra lịnh cho tôi là ai, nhưng tôi vẫn hỏi lại:

- Giới chức vừa ra lịnh cho Phi Long 51, xin cho biết danh hiệu.
- Tôi Thần Phong 01, Thiếu Tướng Kỳ đây!

Vừa bay lượn, quan sát mục tiêu, tôi vừa trả lời:

- Thưa Cụ Phó, với 10 trái bom (250 cân Anh). Theo tôi, nên chờ, khi nào thấy rõ mục tiêu, hãy thả bom. Tôi có thể ở đây thêm ba giờ nữa. Với kinh nghiệm của tôi, xin ông an tâm!

Khoảng 15 hay 20 phút sau, có lẽ Việt Cộng nghĩ chúng tôi hết bom, nên bắt đầu pháo trở lại. Tôi nhìn thấy rõ nhiều giàn pháo, mỗi giàn 4 khẩu 122 ly, liên tục phóng lên. Nhờ vậy, rất dễ dàng cho chúng tôi thanh toán những mục tiêu nầy.

Lúc đang phối hợp cùng TL06 thanh toán những ổ pháo 122 bên đài Radar Phú Lâm, và dập tắt các giàn pháo ở Phú Lâm xong; tôi nghe trên tần số TL07 hướng dẫn cho khu trục dập câm họng mấy giàn pháo bên Hóc Môn. Tôi cứ tưởng là phi tuần A1 từ Cần Thơ đã lên tới Sài Gòn và phối hợp cùng TL07...

Theo sự hướng dẫn của TL07, (nghi ngờ có 1 toán nhỏ đặc công VC gần vòng đai TSN), anh Phùng thả 2 trái bom còn lại. Kế đó, vô tuyến của anh Phùng có phần hơi tốt, nên chúng tôi liên lạc với nhau được chút đỉnh thôi.

Tôi quay trở lại “cover” cho TSN; thì bất chợt tôi thấy có một chiếc AD5 kè kè theo sát phía sau tôi! Tôi lên tần số hỏi danh hiệu. Nhưng "ông bạn" này im ru! Tôi hỏi đài Paris (TSN), Paris báo là:

- Khi nãy Paris... núp pháo dưới hầm trú ẩn một xí, nên không biết gì hết!

Vừa nghe tôi hỏi và nghe Paris trả lời như vậy, “anh bạn dễ ghét này” muốn chơi trò trốn tìm “ú tim” với tôi; nên anh ấy cứ lòn qua trái, rồi lòn qua phải phía sau tôi! Tức mình quá, tôi bất ngờ cắt bán kính, quẹo vòng thật gắt ra sau chiếc phi cơ này, để coi số hiệu là “tàu bay” ấy ở đâu tới.

Nhưng tôi càng quẹo gắt bao nhiêu, thì chiếc phi cơ này cũng quẹo gắt theo bấy nhiêu. “Anh ấy” vẫn cứ giữ y nguyên vị trí ngay phía sau tôi; như hóm hỉnh trêu đùa (anh ấy lái phi cơ coi bay bướm và lả lướt quá chừng chừng...) Anh ấy đùa giỡn vui chơi với tôi vậy mà! Tay nầy... bay nghề quá đỗi tuyệt vời! Nếu là dog fight (không chiến) thì tôi bị “tay lão luyện nầy” dớt tôi rụng mất toi liền!
Sau một hồi cố gắng không thành, tôi vừa bình phi trở lại, thì nghe tiếng anh Phùng cười lớn trong tai nghe:

- Sao vậy bạn?! Sao không giỏi mà cúp ra sau... đít tao, để coi số tàu của tao nữa đi mi hỉ?
- Trời! Phi Long2; 1 gọi! Tôi tưởng vô tuyến của anh hư, nên anh không thể cất cánh chớ?!
- Bọn nó pháo như thế, mà không cất cánh sao được mậy? Phải lên bằng mọi giá chớ mậy! Khi hồi nãy, radio của tao nghe được, nhưng tao không nói được, tới bây giờ mới chỉ OK một xí thôi!
- Phi Long2 ! Vậy là hồi nãy anh “làm việc” chung với TL07 phải không anh?
- Chứ còn ai vô đấy, mà không phải là tao hỉ?!

Tình hình ngay bấy giờ rất yên ổn, nên tôi quyết định đáp xuống TSN, lúc 6 giờ 50 ngày 29-4-1975. Trước khi tôi đáp xuống phi trường TSN, trong vô tuyến tôi được biết có 1 phi tuần A1 của PĐ 514, đang trên đường bay tới TSN. Tôi đã trở về để bảo vệ phi trường TSN, và Thủ Đô Sài Gòn.  Tôi nhìn thấy rõ ràng chiếc TL07 bị bắn rơi, ở phía Tây Bắc phi trường TSN, cái đuôi bên phải gãy ra, một vật màu đen rớt xuống, cánh bay phải gãy lìa. Phi cơ phát hỏa, lông lốc quay tròn như bông vụ, rồi cắm phập xuống đất. Ồ! Vật rơi xuống màu đen đen kia, chính thật là Thượng sĩ Chín, tự Chín Dơi đã rớt xuống đất, anh ta bị gãy chân, (liền được cấp tốc đưa vào bệnh viện băng bó).

Sau đó, tôi cùng với PHĐ AC 119 K - TL07, do Trung úy Trang Văn Thành (có biệt danh là Thành Cambốt), anh là Trưởng phi cơ của chiếc TL07.  (Do chiếc 06 bị trúng đạn SA7. Nên anh Thành lên thay thế chiếc TL06). Chúng tôi cùng nhau bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn.

Riêng về phần Thiếu Tá Trương Phùng chưa chịu đáp xuống. Vì thế không may anh Phùng bị bắn rơi (sau chiếc TL07 bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 không lâu).
Không thấy anh Phùng về đáp, trong lòng tôi cứ nghĩ:

- “Do anh ấy thấy chiếc phi cơ kia bị bắn, nên có lẽ anh Phùng bay đi Cần Thơ rồi chăng?”

Đến trưa khi xuống Cần Thơ, tôi đi tìm anh Phùng khắp nơi; nhưng tôi tìm hoài không thấy anh Phùng đâu. Chiều tối ngày 30/4/75 khi tôi ở Utapao Thái Lan, tình cờ tôi nghe một anh làm ở đài Kiểm-soát Không-lưu cho biết:

- Sau khi chiếc TL07 bị rớt, tôi thấy có một chiếc khu trục bị bắn rớt. Nhưng tôi không thấy dù bung ra.

Bằng trực giác, tôi nghi ngờ anh Phùng bị lâm nạn ở vùng Hốc Môn hay Bà Hom. Dù có nhiều nguồn tin khác nhau: khi thì có giả thiết anh Phùng lâm nạn ở Bình Điền. Khi Phú Lâm. Khi Kinh Sáng....
Lòng tôi đau như dao cắt, và không hiểu tại sao lúc đó tôi lo lắng, bồn chồn, bâng khuâng một cách kỳ lạ, không thể diễn tả nên lời.

***

Một thời gắn bó keo sơn. Nay người lính đem xương máu ra chiến trường đã là, đang là những viên gạch lót đường, dài dài... từ vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải có cầu Hiền Lương phân giới. Họ quyết ở lại dựng nước và giữ nước. Mặc dù biết mình vô tình làm ván bài mưu lược chính trị sục sôi. Họ vẫn cố duy trì sự tồn-hưng cho một chế độ trong thời chiến tranh. Giống như Mã Viện xưa đã nói:

- “Làm trai, nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn, mới đáng quý. Chớ chết trong tay lũ trẻ nâng đỡ. Nào có hay gì"!

Phân chia là thế! Nhưng lòng yêu nước thiết tha và hoài bão mong ước tự do an bình, ấm no cho toàn dân, thì “Quan, Tướng và Lính” đều có ước vọng giống nhau. Hôm nay có trải qua chung cuộc ngậm ngùi trong cơn xoáy đục ngầu, tưởng đã chia phần đều nhau. Là vậy.

Sau 21 giờ, - ngày 29-4-1975 - thiết quân luật bắt đầu 100%. Màn đêm đã sớm về đến khi khuya lắc khuya lơ, chúng tôi vẫn đứng thấp thỏm, thập thò từ trong cửa sổ phòng ngủ Hotel Hưng Đạo 2 đã tắt hết đèn đóm, tôi nhìn xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, thì thấy lố nhố hàng hàng lớp lớp lính tráng: Tôi âm thầm quan sát “những tình thương và sự hy sinh cao cả bên lề cuộc sống”:

Ngày đêm kề cận sự chết, chiến tranh tàn khốc xảy ra trên từng đoạn đường giao tranh, trên những bước ngắn bước dài, bước thấp bước cao. Lòng lính càng quặn từng cơn đau buốt, khi họ đi kè kè hai bên lề đường để hộ tống từng đoàn dân di tản tất tả chạy dọc theo ven những quốc lộ. Cuộc chiến tranh bêu riếu nầy đã hạ bức màn đen trong chung cuộc đầy bi kịch rồi chăng? Dù gần hay xa xôi muôn trùng sóng vỗ, thời khắc quý giá nầy vẫn mãi hoài ghi nhớ, chiếm ngữ trong hồn tôi giông bão.

Cứ một giờ, tốp lính nầy đến gác, là tốp kia lầm lũi ra đi. Súng dài gác bên nhau, mũi súng chụm vào chĩa lên trời, báng súng dựng dưới mặt đường nhựa. Họ nói rất khẽ hay chỉ lặng lẽ ra hiệu lệnh. Họ là những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa anh dũng quyết chiến đấu, hy sinh đến giờ phút cuối cùng. Nào là: Thủy-quân Lục-chiến. Nhảy Dù. Biệt Động Quân. Bộ-binh, vân vân...

Súng lại đeo lên vai nòng chĩa xuống đất, họ lặng lẽ và tuyệt đối vâng lời thượng cấp, từ từ rút lui có quy củ trật tự, tôn nghiêm trong hàng quân ngũ. Họ nhìn nhau lặng lẽ nhếch miệng cười, qua cái bắt tay giã từ vừa đủ chặt, dường như âm thầm nói lên niềm đắng cay, trào dâng trên sóng mắt tiếc thương, quặn đau trong lòng họ sự hy sinh vô vụ lợi, không điều kiện. Từng tốp lính mười tốp bảy người, nhiều vô số đang nằm gối đầu trên vỉa hè, tay gác lên trán tư lự. Có người đứng hoặc ngồi bên đường. Dù ở trên vỉa hè, quân nhân đều có trật tự, nhịp nhàng, kỷ cương. Họ chia nhau ra canh giữ quê hương trong giờ phút lâm nguy khốn cùng. Những đóm lửa nhỏ lập lòe lóe lên trên bờ môi khô. Những đôi mắt dường như đọng ngấn lệ tủi hận đầy bi ai. Có người đang mặc áo giáp, đăm chiêu suy tư, bơ phờ, hốc hác. Có người đội mũ sắt, hất ngược mũ ra sau gáy, sợi quai mũ cứa vào cục yết hầu oan gia nhô cao cay đắng chạy lên chạy xuống cuống cổ. Có người đội mũ sụp che xuống gần tới mí mắt. Có người đội mũ lệch qua một bên.
Họ mang giày đinh lấm lem bụi đỏ, lưng đèo ba lô nặng trĩu đường hành quân, râu ria lởm chởm, tóc tai không mấy chỉnh tề. Những bàn tay anh tài vẫn đưa lên ngang tầm mắt, nghiêm nghị đứng thẳng, ngực ưỡn ra oai vệ chào thượng cấp. Họ hoàn toàn tin tưởng vào cấp lãnh đạo tối cao Việt Nam, và các cấp chỉ huy đã và đang dấn thân, từ các nơi còn trụ lại, rải rác... có thể là:

- Vùng I : Quảng Nam. Quảng Trị. Thừa Thiên.
- Vùng II : Dakto. Kontum. Pleiku. Đà Lạt. Khánh Dương.
- Vùng III : Bình Long. An Lộc. Long Khánh.
- Vùng IV : Nhất là hy vọng từ Long An về Miền Tây, vẫn còn...

***

"Quốc hữu phân tắc thực" (nước có người giỏi, thì nước mới vững chắc). Mặc dù giàu sự dũng cảm hào hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: từ tất cả các binh chủng đang ở lại rải rác trên quê hương nầy; họ có kiên cường bất khuất anh dũng và oanh liệt; để quyết chiến đấu tại các chiến trường sôi động khói lửa, hay tại các địa phương, Tỉnh, Thành, nào; Nhưng nếu họ không còn những vị “thủ lĩnh”, họ đã mất cấp lãnh đạo. Hoặc giả họ không có những vị chỉ huy nữa. E là thua chắc!

“Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê!” (*)
(*câu thơ của Nguyễn Gia Thiều).

 

Ái Ưu Du

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010