SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

TRỜI KHÔNG NGƯNG GIÓ

     
Nhớ về người chị yêu thương 

  ….. “Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo, ô hay ! trời không nín gió cho ngày chị sinh. Ngày chị sinh trời cho làm thơ, cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở, cho làm câu hát để người nỉ non à.” (*)

Bài hát tôi nghe từ lâu lắm và chỉ nhớ được ý tưởng đề cập đến tên một bông hoa rất quen thuộc ở miền Bắc nhưng lạ lẫm ở miền Nam là hoa gạo. Những năm còn đi học vào dịp Tết trường tôi hay tổ chức văn nghệ, tiết mục tôi thích nhất là màn hát quan họ đối đáp giữa các liền anh, liền chị với nhau. Năm học lớp 11 nhân dịp phát thưởng cuối năm trường tôi được vinh hạnh đón tiếp Tổng thống và phu nhân đến tham dự nên phần văn nghệ giúp vui được tổ Chức thật đặc biệt, dĩ nhiên không thiếu màn hát quan họ,

- “Em như hoa gạo trên cây, còn anh như đám cỏ may bên đường …. “

Những cô gái trong váy áo tứ thân, đầu thắt khăn mỏ quạ xúm xít cao giọng hát tưởng rằng đang bắt bí đám trai làng, nào ngờ bị họ ăn miếng, trả miếng ngay

- “Lại trời cho gió nổi lên, hoa gạo rơi xuống chui lòn cỏ may “

Từ khi ấy trong trí tưởng tôi cứ nghĩ hoa gạo phải có màu trắng, mong manh và nhẹ như bông vải nên chỉ cần có một cơn gió nhẹ là hoa sẽ nhanh chóng lìa cành rơi xuống đất.

Gần bốn mươi năm trôi qua nếu không có biến cố xảy ra cho chị tôi trong những ngày vừa qua chắc là tôi vẫn cứ nghĩ như thế, bây giờ liên tưởng cuộc đời của chị giống như bông hoa gạo trên cao chỉ cần một cơn gió nhẹ là rụng rơi. Lời bài hát ngày nào lại vang lên nghe ra thê thiết quá khiến tôi phải tìm hiểu để vỡ lẽ ra suy nghĩ của tôi về hoa đều sai bét. Hoa gạo có nhiều tên còn gọi là “ Hoa mộc miên “ có năm cánh chụm lại giống hình loa kèn, màu đỏ rực bắt đầu nở rộ vào cuối tháng ba, cây mọc rất cao, có cây lâu năm thân to giống như cổ Thụ, hoa mọc rất nhiều khi cây đơm hoa nhìn xa xa chỉ toàn màu đỏ như lửa trên những cành cây khẳng khiu chẳng thấy chiếc lá nào, tuy cây mọc lẻ loi nhưng có khắp nơi ở miền Bắc, ngã ba đường đầu làng, cạnh bờ hồ, quán chợ, miếu đền, vì cây cao vượt lên trên các cây khác nên chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng làm những bông hoa xinh đẹp dễ dàng rơi rụng, khi lìa cành hoa xoay tít như chong chóng trong không gian và lúc rơi chân cuống hoa lại tiếp đất nên hoa vẫn còn nguyên cánh .Truyền thuyết dân gian nói về loài hoa này tượng trưng cho tình yêu chung thủy nên khi đọc bài viết tôi liên tưởng cảm thương cho người chị bạc phần vắn số vì đời chị giống như hoa hiền lành, đơn giản, xinh đẹp nhưng không rực rỡ kiêu sa, chẳng phải là mỹ nhân cớ sao chị lại “bất hứa nhân gian kiến bạch đầu !.

oOo

- Chị cho em cái này nha ?
- Ừ ! cho em luôn đó.

Má tôi từ nhà bếp bước lên nghe được lời hai chị em đối đáp bà reo lên :

-  Má nghe hai đứa xưng hô chị em má khỏe quá chừng, làm công việc nhà mệt nhọc nghe hai đứa con gọi nhau là chị em sao má nghe khỏe quá, khỏe thiệt khỏe vậy đó.

Không biết chị tôi ra sao còn tôi bỗng thấy ngượng ngùng và “ mắc cỡ “ quá nên len lén chạy một mạch lên nhà trên luôn. Không biết miệng tôi gọi chị là chị và xưng em từ lúc nào tôi không hay vì tôi không có chủ tâm như thế, có lẽ tại vì muốn chị cho mình món đồ ưa thích nên tôi hạ giọng mà không hay. Hai chị em tôi sinh cách nhau hai năm, từ khi nhận hiểu mọi vật chúng tôi biết cả hai là chị em với nhau, cũng giống như bao đứa trẻ lên bốn, lên năm của mọi gia đình khác chị em tôi giành chơi đánh nhau hằng ngày, khóc lóc. mét moi và bị đòn là chuyện như cơm bữa, dĩ nhiên việc này khiến má tôi bực mình, nhưng điều bà lo lắng hơn là chúng tôi không gọi nhau bằng chị em mà cứ “mày mày, tao tao “ với nhau thôi. Chị tôi lớn hơn mày tao với tôi đã đành, còn tôi nhỏ hơn cũng không chịu kém, tuy má tôi đã dạy dỗ nhiều đòn roi cũng có mà tật tôi không chịu bỏ nên má tôi ngày càng buồn phiền thêm .

Người ta hay nói đứa con đầu thường hay khờ khạo, chị tôi không khờ nhưng hiền lành thì có, có lẽ do chị hay nhường nhịn nên tôi sẵn vốn tư chất lanh chanh thêm phần khôn lỏi của đứa con thứ tôi thường hay lấn lướt chị tôi mọi chuyện trong nhà.

Năm tôi đủ tuổi vào lớp đầu tiên của bậc tiểu học chị đã chịu thiệt thòi vì tôi rồi, chị lớn hơn tôi nhưng lại vào trường một lượt với tôi. Trước đó gia đình chưa cho chị vào trường công mà chỉ đóng tiền cho chị học trường tư thục gần nhà vì tôi chưa đủ tuổi được nhận vào trường bởi chị đi học là tôi lăn lộn khóc lóc đòi theo, mặc dù hay bị má tôi la mắng rằng : “ hai chị em cứ như chó với mèo “ nhưng đi đâu, làm gì chúng tôi cũng đều bên nhau, học trường tư chị mới có thể dẫn tôi theo dù chỉ ngồi một bên chị mà thôi.

Trường tiểu học nhà nước chúng tôi theo học nằm trên đường Trần Hưng Đạo đối diện rạp hát Đại Nam, cạnh bên rạp là trường con trai tên Trương Minh Ký, đám học trò con nít tụi tôi trước và sau giờ tan học đều tụ tập quanh mấy bà bán hàng quà trước trường, buổi trưa nắng đứa nào cũng chen mua cho được cục nước đá bào nhận xi rô chan thêm chút nước chanh muối để mút mát. Chị tôi lúc nào cũng lãnh phần chen chân xô đẩy những đứa khác để mua đá bào xi rô còn tôi chỉ việc đứng thẩn thơ bên ngoài đám đông nhìn vào chờ đợi, nhìn mãi bỗng tôi khám phá ra và nói với chị :

- Chị nè, có “ dòm “ thấy ông già Tàu bán đá nhận chân thấp chân cao hông ? Mỗi lần ổng đẩy cục nước đá trên cái bàn bào là ổng nhót lên lắc cái đít ẹo ẹo mắc cười quá “ trời “

Chị đưa tôi cầm cục đá nhận và đẩy tôi đi :

- Lo hút đi, nước đá chảy tùm lùm kìa, chọc ổng nghe được ổng “ quánh “ chạy hổng kịp bi giờ.

Có lẽ vì học trò tiểu học chúng tôi còn quá thơ ngây nên cho dù hai trường nam, nữ đối diện và bọn con trai có băng qua trường tôi cũng chỉ biết hát ông ổng mấy câu chọc ghẹo :

- “ Tôn thọ Tường ăn đường... ỉa chảy “ (xin lỗi tôi phải dùng nguyên văn bởi khi bắt đầu đi học ở trường là đã nghe truyền khẩu câu này )

Bọn con gái cũng không kém chanh chua hét lại :

- “ Trương minh Ký con mắt hí hí, cái đầu có chí, qua Tôn thọ Tường bắt chí giùm cho “

Không biết có phải là do “ chiến tranh truyền khẩu “giữa học trò hai trường không mà vào giữa năm tôi học lớp Ba thì tên cả hai trường đều bị thay đổi. Sau này lớn lên học Việt sử tôi mới biết rõ ràng về hai ông như thế nào.

Nhà tôi ở con đường Nguyễn trung Trực gần dinh Độc Lập nên mỗi khi đi học hay tan trường đều phải đi dọc theo bên hông đường Phạm ngũ Lão, rẽ trái phía nhà ga xe lửa Saigon trước khi băng qua chợ Bến Thành. Tôi sợ nhất là đoạn gần nhà ga bởi ở đó thường có những người Thượng nghe nói từ vùng rừng núi Ban mê Thuột xa xôi theo xe lửa vào tận nơi này bán thuốc, họ khác dân Saigon bởi nước da sậm màu, đàn ông đóng khố, phụ nữ mặc xà rông, răng cà sát nớu, cần cổ và lỗ tai đeo vòng sắt nặng trĩu hay bày cái gùi thuốc đầy cây, lá cùng mấy cái túi mật khô quắt queo , có cả đầu con gấu lông đen mượt với đôi mắt tròn xoe lóng lánh bằng làm bằng hai hòn bi thủy tinh . Câu chuyện ma lai rút ruột được người lớn kể lại càng tăng thêm nỗi sợ hãi trong tôi nên mặc dù rất thích con khỉ nhỏ xíu bị buộc dây xích đang leo trèo quanh họ tôi cũng không dám đứng nhìn cứ ù chạy một mạch không dám ngoái lại, nếu không thì cũng nép một bên đẫy chị tôi làm lá chắn giữa tôi và họ mỗi lần ngang qua đó.

Có lần cô giáo của lớp bị bệnh bất thình lình không đi dạy, bà hiệu trưởng cho chia lớp tôi thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gửi vào một lớp ngồi học ké, lần đó nhóm tôi được dẫn tới đúng lớp chị tôi học, đang đứng chờ cô chỉ định chỗ ngồi tôi đã nghe nhiều tiếng xì xào :

- Em của Mỹ Anh kìa,
- Đó, con nhỏ uốn tóc đứng đầu là em của Mỹ Anh đó,
- Em của Mỹ Anh giống trò ấy quá hén,

Một ngày ngồi chung lớp học với chị, tôi mới biết vị trí của chị trong lớp bởi chị chẳng bao giờ về nhà khoe khoang với ai. Chị thuộc loại học trò cô giáo cưng nhất nhì trong lớp, cô nhờ chị lau bảng giùm, khi cô đi họp chị được cô giao nhiệm vụ trông coi trật tự trong lớp lên bảng viết tên trò nào nói chuyện, gần hết giờ học sau khi phụ giúp dọn dẹp mọi thứ trên bàn cô cất vào tủ, cô gọi chị lên đứng trước bàn cô hát cho cả lớp nghe, chị hát nhiều bài và có cả song ca với một bạn khác nữa , con nhỏ ngồi kế bên nói với tôi :

- Chị trò hát hay lắm đó

Tôi nhìn thấy vẻ nể phục của bạn học và yêu mến của cô giáo đối với chị trong mắt họ.
Tôi ngỡ ngàng khi khám phá ra chị vốn thật tài giỏi hơn tôi tưởng, chị là người được trọng vọng trong lớp sao tôi không hề nghe chị nói, chị hát hay sao tôi không để ý vậy kìa, hèn gì chị hay để dành tiền ăn quà rủ tôi đi ra góc đường Lê thánh Tôn gần nhà chỗ có cái xe treo mấy tấm bìa nhạc lủng lẳng có đề tên An Phú để mua nhạc, thưở đó bản nhạc bán hai đồng một tấm chị dám nhịn ăn để mua còn tôi thì chẳng thể nào có can đảm như chị. Hôm đó chị rủ tôi ra quán nhạc tìm mua bản Đò Chiều đang nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương , mỗi lần đưa võng cho em ngũ là chị cất giọng hát : “ Một ngày nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều, buồn hắt hiu mây chiều à..”

Gần cuối năm lớp Nhì cư xá nhà tôi ở bị giải tỏa, giống như mẹ Mạnh Tử đắn đo ba lần tìm nơi ở phù hợp cho con cái, ba tôi theo người quen dọn về tận vùng ngoại ô bên kia sông cất nhà ở cạnh ngôi chùa. Ba tôi chịu cực mỗi sáng chở hai chị em tới trường trước khi đến sở làm, trưa về hai chị em đi xe buýt, sở dĩ chúng tôi không được chuyển trường gần nhà vì ba sợ năm tới lên lớp Nhất lại là năm thi vào Đệ Thất có nhiều áp lực khiến chị em tôi gặp khó khăn trong việc học khi phải đổi trường mới. Vậy là mỗi buổi trưa sau khi tan học thay vì chờ đợi chen lấn trên xe buýt hai chúng tôi đi bộ về nhà, để đỡ thấy đường xa chị em tôi thay phiên kể chuyện cho nhau nghe, thôi thì đủ thứ, đủ loại truyện chúng tôi đã đọc khi mượn được của bạn bè, suốt cả niên học, chẳng biết từ lúc nào chúng tôi đã làm má tôi quên mất điệp khúc : “ hai chị em như chó với mèo “, có lẽ từ khi tôi theo chị cắp sách đến trường. Đi học tôi không xưng mày tao nữa mà chỉ gọi tên chị, một hôm trên đường chị đi trước tôi theo sau, bất ngờ đôi dép nhật đang mang sút quai, chị không biết vẫn đi luôn, tôi đứng lại kêu chị :

- Anh, Anh chờ chút với,

Bất ngờ một anh thanh niên đang đi gần quay lại hỏi :

- Em kêu anh chuyện gì ?

Tôi “ quê “ quá nhưng cũng cố trả lời :

- Không phải, em chỉ gọi chị em thôi.

Rồi tôi kêu với theo :

- Chị Anh, chị Anh chờ em với,

Anh ta gật gù :

- À, ra là chị của em tên Anh.

Kể cho chị nghe chuyện ban nãy về nhà chị cằn nhằn ba tôi :

- Ba nầy đặt tên con gì kỳ quá, sao không là Lan, Huệ, Cúc tên gì mà là Anh,

Ba tôi cười xòa :

- Mỹ Anh là con chim đẹp

Tôi nói hớt :

- Giống như tên con là chim Yến đẹp hả ba, chắc khi làm khai sanh người ta ghi thiếu chữ O trước chữ A, chim Oanh thành ra Anh.

Từ dạo ấy tôi mới bắt đầu gọi chị là Chị Anh, cũng tại tôi chứ bạn bè đều gọi tên chị với cả hai chữ Mỹ Anh nào có xảy ra việc gì nhầm lẫn.

Cuối cùng thì ông trời cũng bắt tôi là em phải đứng sau lưng chị theo thứ tự, chị thi đậu Đệ Thất trước tôi một năm, khi tôi bắt đầu vào ngưỡng cửa trung học chị cũng là người dẫn dắt bước chân tôi đến trường, chị dẫn tôi đến tận cửa lớp, ra về hai chị em cùng về, cũng giống như hồi học tiểu học bây giờ ngày ngày hai chị em đạp xe song song bên nhau, chị có mái tóc dầy đen mượt dài hơn thắt lưng nổi bật trên lưng áo dài trắng, thỉnh thoảng có anh chạy xe theo khen : “ Em có mái tóc đẹp quá “ khi chị xõa tóc , tôi nghe nói người có tóc nhiều số thường vất vả, cực nhọc, cũng đúng thôi vì từ nhỏ chị là người có tính chịu khó chắt chiu tiết kiệm rồi, tiền mua sách vở, bút mực chị chẳng hề xin ba tôi phải tốn đồng nào cho chị.

Biến cố Mậu Thân xảy đến cho gia đình tôi, nhà cửa ra tro, để tạo dựng lại cơ nghiệp má tôi đầu tắt mặt tối buôn bán kiếm thêm phụ với ba tôi nuôi đàn con tám đứa, một tay chị quán xuyến nhà cửa cơm nước, nghỉ hè lại đạp xe chở những bao hàng nặng hơn năm chục ký mỗi ngày hai lượt trên quãng đường xa từ Chợ quán đến Xóm củi cho má tôi, trong khi tôi chỉ ở nhà vì tay lái không vững nên chẳng nhờ cậy được.

Bắt đầu vào lớp Đệ Tam chị được ba tôi mua chiếc Honda vậy là ngày ngày tôi được chị chở đi học bằng xe gắn máy, ngày hè chị thay cho má tôi theo Dì lên tận Long Bình ngồi thu tiền trong mess hall.

Cùng trong thời thiếu nữ song hai chúng tôi mỗi người một cá tính, một tay chị giúp đỡ gia đình theo má, theo dì tiếp xúc ngoài đời nhiều hơn tôi nhưng với bản chất hiền lành, suy nghĩ đơn giản chị sống với thực tế như những môn Toán, lý hóa chị theo học, trong khi tôi đắm chìm trong mộng mơ, gửi đầu óc nhiều tưởng tượng vào mây gió thẩn thơ, tôi lại lấn lướt chị bởi mồm mép phê bình, triết lý về cuộc đời tôi đọc lóm trong sách vở, mỗi lần có vấn đề mới mẻ tôi hay giảng giải nhận xét giùm chị mọi chuyện nên lần nào chị cũng gật đầu phục tài “ quân sư quạt mo “ của tôi, tôi đọc thấy trong mắt chị nét tự hào về tôi bởi hiểu biết về văn chương khi có tranh luận , chị luôn giới thiêu tôi là em mỗi khi gặp bạn bè chị. Một lần trong giờ học Văn tôi nghe cô giáo giảng giải nên về kể Lại với chị :

- Anh là đức tính đầu của vua các loài cỏ hoa bởi câu “ thảo trung chi Anh “, cũng như “ thú trung chi Hùng “ là của vua các loài thú.

Chị nghe vậy rất vui không còn thắc mắc gì về ý nghĩa của cái tên mình và cho rằng chữ Anh là tên con trai nữa.
Ba má tôi vốn khó khăn với bầy con gái nhưng khi chị thi đậu Tú tài phần thứ nhất ông bà bỗng trở thành dễ dàng cho phép chị được đi chơi với nhóm bạn học cùng lớp, trong nhóm này có cả vài anh đang học Đại học. Qua nhiều lần rủ nhau đi ăn, đi picnic, một hôm chị mang về quà tặng của một bạn trong nhóm, tập thơ “ Ta đợi em từ ba mươi năm “ của Vũ hoàng Chương, trang đầu anh ta viết mấy câu :

“ Mái tóc ngày xưa giờ đã buông dài
Yểu điệu dáng hoa rạng ngời đức hạnh,
Ai lại không thương không nhớ đêm ngày
Nhớ từng giây phút, nhớ luôn trong mộng ...“

Chị tâm sự với tôi rằng có cảm giác anh ấy thích chị, tôi lại có dịp trổ tài phân tích và suy luận :

- Này nhé, có ba yếu tố hình thành vấn đề, thứ nhất trong tất cả các bạn gái anh ấy không làm thơ và tặng quà cho ai, chỉ đặc biệt một mình chị mà thôi. Thứ hai tập thơ có tên Ta đợi em từ ba mươi năm ( mặc dù anh ấy chỉ mới hai mươi ) nhưng thôi cũng được, cũng có nghĩa là anh ta đã đợi chị từ khi mới sinh ra. Thứ ba, phần này mới là quan trọng của vấn đề “ … Ai lại không thương không nhớ đêm ngày …. ” tác giả đã đi thẳng vào mục đích và xác định rõ ràng tình cảm của mình đối với chị là thương, là nhớ. Tóm lại dứt khoát là anh ấy đang thích chị chứ không phải chỉ là cảm giác của chị không đâu.

Chị ngồi mơ màng rồi gật gù với tôi :

- Ừa, vậy là chắc chắn anh Quang ấy thích chị thật rồi.

Quen nhau gần suốt niên học, anh ấy tới lui nhà tôi nhiều lần nhưng chắc tại ba má tôi khó quá nên anh chỉ dám đi chung nhóm, với chị cũng có thế mà thôi. Tôi không biết có phải vì tại tôi mà hai người xa nhau không bởi tôi thường nghe người đời nói “ Con gái tuổi Dần cao số lắm, sẽ khổ lụy đường chồng con “ Tôi nói với chị :

- Anh ấy đang học năm thứ ba Đại Học sư phạm ban Việt Hán, lại bằng tuổi với chị, khi ra trường là giáo sư văn chương trẻ tuổi đẹp trai thế nào cũng có nhiều cô học trò thích thầy. Nếu chị lấy người cùng tuổi, mình là đàn bà con gái mau già hơn đàn ông về sau họ chê mình già chị sẽ khổ lụy vì tình.! Lấy ảnh tối ngày chị phải ghen xanh mắt đó.

Viễn ảnh tôi đưa ra khiến chị ngần ngại, bối rối :

- Vậy mình có nên thích Anh Quang nữa không ? .

Nhưng bà Sáu là người làm của dì tôi nghe vậy nói với chúng tôi :

- Người ta nói “ vợ chồng đồng tuổi ngồi ruổi mà ăn “.

Tôi cãi :

- Con nói cho bà Sáu nghe đây là chuyện tình yêu chứ đâu phải chuyện ăn uống hay làm giàu, người ta giàu nhưng không hạnh phúc còn khổ hơn !

Thói thường khi một người đang phân vân trước ngã ba đường nhất là tình yêu, nếu có người xui vào, hay bác ra người ta hay nghe theo người ấy, xui xẻo cho anh ấy là tôi lại bác ra bằng suy luận “ non nớt “ của mình. Thế là mối tình đầu đời vừa chớm nụ của chị bỗng dưng đông cứng lại , cuối cùng giống như một “ nụ hoa chưa nở đã vội tàn “. Chúng tôi không biết có phải do buồn lòng nên hình như vừa ra trường anh đã xin một học bổng sang Pháp. Tôi chắc lòng chị không vui nhưng trong câu chuyện ba má tôi cũng đồng ý với suy nghĩ của tôi và với bản tính ôn hòa, hiếu thuận, thụ động chỉ biết vâng lời nên cả nhà chẳng ai thấy chị có nét buồn bã, âu sầu.

Mối tình thứ hai đến với chị là lúc chị đã trưởng thành bước vào đời, khi ấy tôi đang học năm cuối trung học và đang tập tễnh trên đường tình. Không biết có phải tại tôi ăn năn chuyện cũ hay tại tôi đang yêu nên nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng và trái tim rộng mở, trong khi tôi đang có đôi thì chị lại thui thủi nên lần này khi nghe chị nói có quen một anh chàng lại là lính chiến nên tôi giơ tay hoan hô, suýt chút giơ cả hai chân bởi tôi cũng đang là “ người yêu của lính “. Lần này chị cẩn thận hơn, hôm anh rủ chị đi uống nước lần đầu tiên chị cũng chở tôi đi theo cốt cho tôi xem mặt và xét đoán giùm chị. Quán nước nằm dọc theo bờ sông vắng tận cùng gần nhà thờ Bình triệu, tôi để hai người ngồi đó một mình lẵng lặng đi ngược ra phía nhà thờ, chẳng hiểu tại sao trong lòng tôi dấy lên nỗi bất an mơ hồ khi nhìn thấy anh ta, một chút gì nghi ngại cứ len vào đầu, chầm chậm lang thang dọc theo con đường đất, nước thủy triều đang lên vỗ ì oạp ven bờ kéo theo những dề lục bình trôi xuôi, chẳng lẽ tôi lại một lần nữa đành đoạn đẫy chị vào cái vỏ ốc cô đơn bằng suy luận của mình, thôi thì đành buông tay nhìn đám lục bình trôi theo số phận. Mặc dù không có đạo tôi vẫn nhẹ bước vào khuôn viên nhà thờ nhìn lên bức tượng Đức mẹ Fatima, khuôn mặt thánh thiện của người khiến cõi lòng tôi bỗng thấy bình an, thanh thản theo.

Biến cố tháng tư bảy lăm xảy đến cho mọi người trong đó có cả tôi và chị là những người có dính líu với những ai đã mang giày saut, áo trận. Một năm hương lửa tôi khăn gói thăm nuôi người trong tù đã đành, còn chị chưa hề mặc áo cô dâu, mang nhẫn cưới vẫn gánh gồng chung thủy theo người yêu từ trại này sang trại khác. Trong lúc đó tại nơi làm việc chị đang được xưng tụng và đoạt giải “ phụ nữ ba đảm đang “ của cơ quan chọn lựa ( thật ra tôi chẳng nhớ ý nghĩa của chúng là gì ). Chị được bầu làm trưởng ban văn nghệ toàn Sở, chị giỏi giang mọi thứ khiến tất cả những ai làm việc chung cũng đều thương mến, trong lý lịch chị vẫn chưa kết hôn nên những tay cán bộ, kỹ sư theo đuổi chị không ít khiến má tôi có lần nói với tôi :

- Coi bộ chị mày muốn bỏ thằng trong tù rồi.

Tôi cãi :

- Làm gì có chuyện đó, má không thấy chị ấy đi thăm nuôi ảnh còn nhiều hơn con đi nuôi chồng con sao. Ngày Tết chị ở luôn trên ấy ăn tết với ảnh, còn con đâu dám đi như vậy đâu.

Bây giờ ba má tôi đã có tuổi việc nhà trông cậy vào chị, bầy em chín đứa trong đó có cả tôi và đứa con mới sinh vắng cha là gánh nặng trên vai chị. Cũng giống như bao gia đình khác đồ đạc trong nhà theo nhau lần lượt ra đi, ngay cả chiếc xe Honda của chị cũng phải bán đi, việc làm hiện tại để tôi nuôi con cũng đều do chị xin cho, những ngày tôi lao đao thống khổ theo vận nước bên cạnh tôi lúc nào cũng có chị đỡ đần an ủi, lo lắng cho hai mẹ con tôi. Chị là bức tường thành chở che gió bảo cho tôi mỗi khi tôi gặp trở ngại bị trù dập, hiếp đáp ở nơi làm việc. Đồng lương công nhân viên không đủ đắp đổi qua ngày, bây giờ gia đình tôi mới thấy tài tháo vác, ứng phó của chị trong thời bao cấp. Người yêu của chị ra tù, chồng tôi trở về cả hai cũng đều nhờ chị chạy vạy xin cho công ăn việc làm để được tạm trú lại thành phố. Chị giống như con kiến tha mồi lâu dần cũng đầy tổ, những mong ước lo lắng cho cha mẹ, em út về một mái nhà vào năm Mậu thân ngày nào chị tâm sự với tôi rồi cũng hình thành theo ý nguyện của chị. Nhà cửa đất đai hiện tại ba má và các em tôi có được hầu hết đều do công sức của chị mà nên.

Người đời hay dùng chữ “ số phận hay định mệnh “ để an ủi cho những thăng trầm hay buồn đau trong cuộc đời, những gì tôi lo lắng cho chị khi thời thiếu nữ vẫn không tránh khỏi, bình dân có câu “ chạy trời cũng không khỏi nắng “ Tôi muốn chị tôi “ tránh vỏ dưa “ chị lại “ gặp vỏ dừa “, có chồng, chị đã không được đỡ đần trái lại còn mang vác thêm gánh nặng về tinh thần lẫn vật chất, nhưng lần này chị một mình mang nỗi buồn u uất không thể nói được với ai, mãi về sau cả nhà tôi tình cờ mới biết được sự lừa dối ấy, bằng một cách gián tiếp ba tôi nói với cả nhà rằng “ dù các con có gặp bất cứ thất bại hay khổ Đau xảy đến từ đâu tới hãy nhớ rằng gia đình này luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho các con trong lúc buồn khổ Nhất “

Ngày chị bước chân ra đi theo diện HO tôi đã sang Bắc mỹ được bốn năm, tôi nhờ người bạn bảo trợ giùm gia đình chị lên vùng Tây bắc để hai chị em dễ dàng qua lại thăm nhau, giống như những gia đình mới tới vùng đất hứa, đa số các bà vợ chung thủy giỏi giang đều cày một ngày hai ba job để chồng, con an tâm rảnh rang đi học, nhưng “ trời chẳng tưa lòng người “ khi chị vừa cầm trong tay thẻ quốc tịch Mỹ và chồng chị cũng đã xong việc học hành, những tưởng ngày tới chị sẽ được họ san sẻ gánh nặng cho bản thân chị được chút an nhàn nào ngờ chẳng kịp nữa rồi, chị đã ngã xuống trong cơn đột quỵ tại nơi làm việc.

Tám năm trước, bên giường bệnh tôi đã nắm bàn chân lạnh giá, đôi tay chị và khẩn cầu các đấng tối cao linh thiêng cho tôi truyền sức sống, hơi nóng ấm của mình sang chị, tôi đấu tranh với bác sĩ rằng chị tôi đang còn sống, chị vẫn đang nghe tôi nói vì nước mắt chị đã chảy dài bên khóe mắt, tôi chống lại mọi đề nghị để cho chị tôi ra đi nhanh chóng với lý do giảm thiểu đớn đau thể xác, cơn ngã quỵ của chị là cú sốc mạnh về tinh thần xảy ra cho tôi. Không biết có phải là do lời thành khẩn cầu xin của mọi người hay không mà chị hồi phục lại sau ca mổ Cuối cùng, ai cũng bảo là một phép lạ bởi không ai tin chị còn có thể sống sót sau ba lần mổ đi mổ lại ngay cả bác sĩ điều trị cũng cho rằng trong con người chị có tiềm ẩn một sức đấu tranh chống chọi rất mạnh mẽ mới thế. 

Ngày ấy tôi cố cãi lại bác sĩ rằng chị tôi sẽ hồi phục bởi tôi đâu ngờ được nếu sống sót chị không còn trở lại được như xưa ! Đâu rồi người con hiếu thảo, người chị năng động, giỏi giang, vui vẻ hiền lành của chúng tôi ngày xưa ? Đâu rồi người vợ chung thủy, người mẹ hiền từ luôn hy sinh cho gia đình ? Chỉ là một thân thể bất động, sức cùng lực kiệt ngày ngày được y tá bế lên xe lăn đặt ngồi bên cửa kính nhìn xuống đường, chỉ còn lại một phần thân thể là đôi tay và khối óc minh mẫn hoạt động, tôi chắc chị tôi đã phải chịu đựng đau khổ Về tinh thần nhiều lắm bởi từ dạo chị phục hồi tôi chỉ nhìn được đôi mắt chị đỏ lên chứ chẳng có giọt nước mắt nào của chị chảy ra nữa, má tôi nói chắc chắn chị đã khóc âm thầm một mình cạn hết nước mắt rồi.

Tám năm trời trôi qua tôi đều đặn thăm chị, tôi đọc kinh cầu an cho chị hằng đêm để cầu xin, tôi và chị đều nuôi những hy vọng là chị sẽ dần phục hồi, tôi vui, buồn theo từng kết quả, tôi mong chờ phép lạ một lần nữa xảy ra nhưng tất cả chỉ đều xảy ra trong mơ, nhiều lần tôi thấy khi tôi sang thăm thì chị đã ngồi dậy nhẹ nhàng đón tôi, lúc ấy tôi ôm chầm lấy chị mừng vui. Có lần tôi thấy tôi đưa chị về Việt Nam thăm lại mẹ và em, các em tôi vui mừng ôm xốc chị lên, tôi la chúng không dược siết mạnh vì bụng chị có vết mổ để gắn ống dẫn thức ăn. Bao nhiêu lần nhìn thấy chị hồi phục trong cơn mơ là bấy nhiêu lần thất vọng. Tôi chẳng chia xẻ được gì cho chị ngoài những cộng việc tầm thường nhỏ nhoi chăm sóc như lấy nước lau mặt, cắt móng tay, móng chân, kỳ cọ ngâm đôi bàn chân trong thùng nước nóng cho chị. Bao nhiêu lần tôi tìm tòi những phát minh mới về căn bệnh của chị mà các bác sĩ viết trên báo chí, có những kết quả khả quan nhưng còn đang trong thời kỳ thử nghiệm kỹ càng trước khi áp dụng, tôi chia xẻ với má tôi niềm hy vọng này, chẳng mong ước gì nhiều hơn chúng tôi chỉ cần chị một mình chống tay ngồi dậy trên giường là cũng đủ mừng vui rồi.

oOo

Bộ phim dài hơn một trăm bảy mươi tập tôi đã copy lại định tuần sau sẽ mang sang cho chị xem lâu lâu một chút nào ngờ đã không kịp nữa rồi ! Tôi không biết đó là lần cuối sang chăm sóc cho chị mình. Vừa bước vào cửa bỗng dưng tôi thấy chị khác lạ từ dáng ngồi cho đến nét mặt, tôi cảm giác được chị đang dần trở lại bình thường như khi chưa lâm trọng bệnh. Trước khi tôi ra về, như mọi lần y tá đặt chị nằm lại trên giường tôi nhìn thấy nét mặt chị rất tươi tỉnh, thảnh thơi khác thường, tiếp theo đó con gái chị báo tin mỗi sáng chị tự rửa mặt đánh răng, điều mà tám năm qua chị không làm một mình được. Nghe tin ai cũng mừng vui biết bao nhiêu cứ tưởng chị đang dần hồi phục. Nhưng rốt cuộc bây giờ chúng tôi mới biết đó là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy chị. Chị ra đi lặng lẽ trong giấc ngủ bình yên, nét mặt vui vẻ, nhẹ nhàng thanh thản của một người vừa trút hết gánh nặng nghiệp chướng ở trần gian qua câu “ Vạn vật do duyên mà tới, vì duyên mà diệt “( ** ) . Chị tôi sinh đầu mùa hạ năm Canh dần, mất cũng đúng năm Canh Dần kém hai mươi chín ngày tròn sinh nhật sáu mươi của chị. Ngày trước chị hay nói với mấy đứa em :

- “ Số của chị sẽ bỏ xác cô độc nơi xứ người, ở bên Mỹ “

Bọn tôi xì một tiếng không tin :

- Bà cứ tin vào mấy tay bói ra ma quét nhà ra rác, nhà mình đâu có ai bên Mỹ để bảo lãnh cho bà.

Nhưng rốt cuộc cho dù không vượt biên và không có thân nhân chị vẫn sang xứ người như lời tiên đoán bởi cung mạng “ canh cô mồ quả “vận vào chị, sau khi lìa đời chị đã phải nằm cô độc, lạnh lẽo trong nhà quàn đất Bắc Mỹ. Các em tôi đâu ngờ ngày chị rời đất nước là những giây phút cuối cùng được trông thấy chị mình, giờ chỉ còn nhìn bình tro tàn chứa thân xác chị qua màn nước mắt.

Ngày cúng thất tuần cho chị qua rồi, có lẽ hương hồn của chị đã rời xa những người thân yêu đi về cõi mình được :

“chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ Ách “
( Soi thấy năm uẩn đều không, vượt thoát mọi khổ đau, ách nạn )
ở đó :  “ …. bất sanh, bất diệt “
( không sanh cũng không diệt,)
“vô vô minh tận, vô vô minh diệt... “
( không hề có vô minh, không có hết vô minh ) ( ***)

Tôi không nhớ tên tác giả của bài hát nhưng tôi đồng cảm với người qua câu hát như than van, thương xót ví đời sống ngắn ngủi mong manh của chị mình với bông hoa gạo, lời hát nỉ non, quấn quýt mãi trong lòng tôi niềm thương, nổi nhớ :

“ Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo, ô hay ! trời không nín gió cho ngày chị sinh.
Ngày chị sinh trời cho làm thơ, vấn vương bởi sợi tơ trời,
Tình duyên bỏ chợ, tình người đa đoan …!! “

Cỏ Biển
(Mùa hạ 2010 )



(*) trích trong bài hát “ Chị Tôi “
(**)Lời Phật Thích Ca
(***)trích trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010