SỐ 47 - THÁNG 7 NĂM 2010

 

Con Sóc Bông

Nhớ lại bài học ‘‘tự lực cánh sinh’’ hồi còn ở quân trường ngày nào, tôi bèn tìm cách trợ giúp cho cơ thể đã phải làm việc hùng hục cả ngày có được miếng thịt tươi, giống như một chiếc xe tải cần phải được tu bổ để khỏi phải bị...sụm ở giữa đường. Nghĩ là làm ngay. Trong khi đi lao động, tôi lén thu nhặt mấy đoạn kẽm gai vụn rồi nối kết lại thành một chiếc bẫy lồng nhỏ để nhử bắt mấy chú sóc chạy nhảy tung tăng ở trên cành mấy cây cổ thụ mọc ven bờ suối gần nơi bãi tắm giặt chung của cả trại giam. Một anh bạn tù vừa mới được cho ‘‘thăm nuôi’’, tôi xin anh ta một trái chuối bỏ vào lồng rồi đem đặt bẫy cạnh một gốc cây to. Chiều lại, trong khi anh em đang lo tắm rửa, tôi lẻn ra thăm bẫy. Tôi quá đỗi vui mừng khi thấy có một chú sóc nhỏ đang nhảy nhót ở trong lồng, đang tìm lối thoát thân. Tôi bắt nhốt con sóc cẩn thận vào trong một chiếc túi nhỏ tự khâu bằng ''bao cát Mỹ'' rồi trở lại bờ suối với ý định là sẽ làm thịt con vật ngay bằng cách dí chiếc túi vào lòng nước suối lũ đục ngầu đang chảy xiết vì trận mưa lớn cuối năm trong đêm qua. Nhưng hình như có một bàn tay vô hình nào đó ngăn cản bàn tay tôi lại! Thế là tôi nảy ra quyết định nuôi con sóc làm một...người bạn với mình cho...đỡ buồn. Các bạn tù nằm bên tôi trong nhà giam không phản đối việc này mà đôi khi còn cùng tôi chơi đùa với sóc.

Sóc chia sẻ nỗi kham khổ và theo sát bên tôi như hình với bóng đâu được tròn năm. Tuy vậy, tôi đã hứa với sóc là khi nào tôi được ra tù, tôi sẽ trả nó về lại rừng xanh với đồng loại của nó! Rồi cái ngày không mong đợi của tôi cũng đã đến. Tôi và một số bạn tù khác được ‘‘tha’’ và nhóm tù chúng tôi được tách ra thành một ‘‘Đội cách ly’’, cùng ở chung trong một lán riêng biệt trong trại giam. Trong khi chờ đợi nhận ‘‘Giấy ra trại’’, chúng tôi được ra suối tắm giặt mỗi ngày. Ai ai cũng rán kỳ cọ thân mình để trút bỏ đi lớp bụi tù và cố chà xát cho phai mờ đi hàng chữ ''Z30D'' trên lưng chiếc áo tù đã bám theo thân mình ròng rã gần chín năm qua!

Nhớ lời đã hứa với sóc, tôi mang ‘‘đứa con thân yêu’’ ra bỏ bên bờ suối, gần một cây cổ thụ to rồi nói với nó...‘‘Ba...được ra tù rồi, con...ở lại mạnh giỏi nhen!’’. Nhưng khi tôi vừa quay gót là sóc lại nhảy thót lên ngồi lên vai và le lưỡi ra liếm mấy giọt mồ hôi mặn như muối ở sau ót tôi như thường ngày mỗi khi sóc khát nước và, cũng như người tù, thèm chất...muối! Đã từ lâu, tôi vốn thương mến sóc giống như con ruột của mình! Nhưng tôi đành quyết định ‘‘hai cha con’’ phải chia tay với nhau! Tôi đảo mắt qua một vòng ở xung quanh. Thấy có mấy gia đình sóc đang sinh sống ở đây, tôi nghĩ rằng con sóc của tôi cũng sẽ hòa nhập vào cuộc sống thiên nhiên cùng đồng loại của nó. Tôi lại đặt ''con tôi'' trên một gộp đá lớn nơi một khu đất bị dòng nước lũ xoáy mòn lâu ngày tách ra thành một hòn đảo nhỏ nơi khúc quanh của dòng suối mẹ. Một anh bạn tù thấy vậy nói...‘‘Mày đày...con của mày ra hoang đảo như vậy thì làm sao nó sống nổi!''.   ‘‘Đưa nó cho tao rồi tao cho nó vô nồi là xong ngay!’’, một anh khác nói đùa, bởi tôi thấy anh ta không phải là kẻ tu hành chánh hiệu nhưng đã ăn chay trường từ lúc bước chân vào tù, thì làm sao mà thèm được ăn thịt con sóc của tôi.

Mặc ai nói gì thì nói, tôi quay bước đi như chạy xuống mé nước rồi đứng trông lại phía sau lưng mình. Sóc chẳng mừng khi được phóng sanh mà lại chạy theo tôi đến bên bờ suối rồi dừng lại, đưa đôi mắt lồi tròn vo nhìn dòng nước đang chảy xiết rồi ngồi chống tó hai chân sau lên dõi mắt trông theo tôi vừa bước thụt lùi ra sau vừa đưa tay lên vẫy chào vĩnh biệt nó!

Tôi vội quay mặt đi để khỏi phải nhìn thấy...mấy giọt nước mắt của...đứa con thân yêu tiễn...cha nó trở về với mái ấm gia đình!

Tôi trở lại ngồi thừ ra trên một gộp đá nhỏ nơi bãi tắm và tâm tư bất chợt lùi nhanh về một quá khứ êm đềm cách đây những hơn mười lăm năm qua, khi tôi còn sống đời quân ngũ... 

***

Ngày N+1...
Khi những đứa em sau cùng của Đại đội vừa vào hẳn ở bên trong khu vườn thì trời cũng vừa sụp tối. Những hạt mưa thưa lất phất ở trên đầu. Làng Đại Ngãi nằm ở vùng ven của Thị xã Sóc Trăng cũng vừa mới lên đèn. Trong màn mưa giăng xiên, mấy bóng điện câu dưới mái hiên của dãy phố chợ đàng kia buông ra những vũng sáng vàng vọt đó đây trên mặt đường. Vài bóng khách bộ hành đang sải bước chân trên quãng lộ đá xanh rồi thoáng cái đã biến mất vào trong xóm.

Sau khi xếp đặt tuyến phòng thủ đêm cho các Trung đội xong, tôi ngồi trên chiếc nón sắt dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng điện tròn treo dưới mái hiên rộng của một căn nhà mái tôn khang trang để ghi vội mấy ‘‘điểm qua đêm’’ của Đại đội mình và chấm thêm mấy ‘‘điểm tiên liệu tác xạ’’ khi hữu sự xuống tấm Phóng Đồ Hành Quân để trao cho Âm thoại viên ‘‘ngụy số các tọa độ’’ và chuyển lên Ban chỉ huy Tiểu đoàn.
Chợt sau lưng tôi có tiếng của Dương tà-lọt:

- Thiếu úy, em đã căng mùng trên đi-văn ở trong nhà, còn cơm thì em để sẵn trên bàn ở sau nhà bếp!

Hạ sĩ Dương làm tà-lọt cho tôi từ hơn một năm qua và tôi xem nó như là em ruột vậy. Trước đây, Dương chưa hề làm trái ý tôi bao giờ. Hôm nay Dương làm tôi ngạc nhiên không ít.
Tôi nghiêm mặt nói với Dương.

- Sao chú lại làm như vậy! Ăn cơm ở nhà sau thì được rồi, còn chỗ ngủ thì chú mầy mau ra căng võng ở bụi chuối sau hè!

Dương còn đang chưa chịu đi, một giọng nói từ trong nhà vọng ra:

- ‘‘Ông Một’’ đừng rầy chú em này! Là do tui bảo chú em nó làm như vậy! Trời sắp mưa to đến nơi rồi đó!

Tôi bước theo chân người chủ nhà tốt bụng với bao suy tưởng ngổn ngang ở trong lòng. Có lẽ đây là một cựu quân nhân của thế hệ trước đã từng cầm súng hoặc là một dân đen thời Pháp thuộc mới dùng hai tiếng...‘‘Ông Một’’ để ám chỉ một sĩ quan có cấp bậc Thiếu úy trong quân đội. Đó là một cụ già nhưng dáng dấp hãy còn quắc thước lắm! Tôi chẳng thể nào đoán ra được một tấm thân ốm nhom trong bộ bà ba bằng lãnh đen và mái tóc bạc màu sương trắng chảy dài xuống ở sau ót kia có số tuổi đời chính xác là bao nhiêu! Ông cụ ngồi xuống chiếc ghế dựa đặt cạnh bên chiếc bàn dài kê ở giữa nhà. Trước mặt ông là bộ tách ấm trà nhỏ, trông bề ngoài giống như được làm bằng một loại gỗ quý nào đó đã lên nước bóng ngời như màu đồng đen vậy. Tôi ngần ngại dừng chân trước ngạch cửa khi chợt thoáng thấy mặt nền nhà bên trong hình như vừa mới phủ lên đó một lớp đất sét trộn lẫn với tro trấu và muối, một loại hợp chất mà người dân ở các vùng sông nước miền Hậu giang thường hay dùng nó trong khi chưa có tiền mua gạch hay xi-măng để lót tráng nền nhà.

Thấy tôi đang khom lưng cởi bỏ đôi giày bố đi hành quân ra vì ngại nó làm hỏng mặt nền nhà, ông cụ nói:

- Mặt đất đã khô rồi, cứ bước vào đi!

Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông cụ đang đưa hai bàn tay gầy guộc ra bưng bình trà lên rót hết những giọt trà đặc sánh cuối cùng vào chiếc tách nhỏ đặt trước mặt mình rồi gọi vói vào phía trong:

- Liên à, châm cho tía bình trà mới!

Ông cụ gọi người nhà với một cái tên mà tôi đoán chẳng thể nào là đàn ông, con trai được. Chẳng có tiếng trả lời! Tôi liếc mắt vào chiếc màn cửa đang lay động bởi cơn gió đi trước cơn mưa đang lùa vào để chờ đợi trong tưởng tượng một bóng dáng giai nhân. Nhưng chẳng có ai xuất hiện cả!

Chừng như đoán biết được phần nào nỗi bồn chồn đang lớn dần trong lòng tôi, ông lão trấn an tôi kèm theo những lời bộc bạch tâm sự của mình:

- ‘‘Ông Một’’ hãy chờ một chốc, con nhỏ đun nước rồi mang ra ngay! ‘‘Ông Một’’ biết không, ngày trước tui cũng là một người lính như các chú bây giờ. ‘‘Nắng bề nào che bề nấy’’ mà, có ai tránh được bao giờ đâu! Tui đi đăng lính cho Tây, từ Binh nhì leo lên đến Thượng sĩ chỉ có năm năm, rồi tui bị thương phải giải ngũ về vườn luôn! Tui đã dốc hết tuổi trẻ của mình cho xứ sở này và cũng đã có một thời vàng son khi cùng với nhiều người Việt gốc Miên khác hiến dâng đời mình cho một lý tưởng quốc gia dân tộc mà bao đời qua, ông cha ta cũng đều làm như vậy.

Ông cụ dừng lại ở đó và đưa tay vào túi lấy ra bao thuốc lá ‘‘Quân Tiếp Vụ’’ rồi chìa về phía tôi.
Tôi từ chối hút thuốc và kèm thêm một lời yêu cầu:

- Dạ, cháu không biết hút thuốc lá! Xin Bác cứ gọi cháu là...cháu được rồi!

Ông cụ rút ra một điếu thuốc, vừa định đặt lên trên đôi môi khô sạm một màu chì nhưng lại kẹp nó vào giữa hai ngón tay rồi nói tiếp tuồng như rành việc nhà binh lắm:

- Tui quen rồi, cứ để cho...cái miệng của tui nó được tự nhiên! Tránh xa thuốc lá là một điều tốt! Ghiền nó mà nhịn không được, bật lửa lên trong lúc đang nằm...phục kích đêm thì coi chừng...cái miệng không còn được...ăn cơm nữa!

Rồi cụ thả lỏng nỗi lòng mình theo từng lọn khói thuốc bay bay:

- Chẳng biết sao mà ở trên lại chọn cái Làng Đại Ngãi, Sóc Trăng này để cho các đơn vị đến trú đóng dã chiến như là một hậu cứ! Mà lạ thiệt, đoàn quân vừa mới tới ngày hôm trước, hôm sau đã có một đàn...thê tử đến đây ăn ở cùng chung với lính! Nhưng chỉ được độ một tuần lễ thôi là lính lại ra đi biền biệt tăm hơi! Có lẽ là do làng này có một ví trí địa dư giống như là...‘‘cái rốn của cả vùng đồng bằng sông nước miền Hậu Giang’’nên, hết Biệt Động Quân rồi đến Thủy Quân Lục Chiến, ngoài Sư Đoàn 21 Bộ Binh của các chú là đơn vị bao vùng miền Lục Tỉnh, các Sư Đoàn 7 và Sư Đoàn 9 cũng có lần đặt chân vào cái làng nghèo này, ít nhất cũng là một tuần! Các đơn vị đó luân phiên nhau đến đây, được các ‘‘Đoàn Sinh Hoạt Chính Huấn’’ đến đàn hát để anh em...lên tinh thần rồi lặng lẽ ra đi quần thảo với địch quân, thực thi một ''kế hoạch hành quân xa luân chiến'' đem lại an bình cho dân chúng rất có hiệu quả!  Nói về việc đánh nhau thì các chú quả đã mang lại yên bình cho vùng này từ nhiều năm qua! Nhưng điều đó chưa đủ để biện minh nhằm xóa tan đi nhiều phiền phức mà các chú đã gây ra cho người dân ở đây ! Rất may là sự việc tệ hại xảy ra không nhiều nên bà con cũng dễ thông cảm thôi! Con nhiều cha, mỗi người một ý thì làm sao cấp trên có thể kiểm soát được hết những việc làm bậy bạ được!

Ông cụ kể lể một thôi dài, cử chỉ và điệu bộ giống như một nhà quân sự am hiểu tình hình đang ngồi thuyết trình mọi việc liên quan đến nhà binh đã xảy ra ở đây rồi đi đến một kết luận với những lời trách cứ tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng khiến cho tôi cảm thấy...thấm đến nỗi nóng bừng lên ở trên hai má mình. Quả là...‘‘một con sâu làm sầu nồi canh’’ thôi! Đã nhiều lần đơn vị của tôi sinh hoạt khi đóng dưỡng quân ở trong khu dân cư đông đúc ở nhiều nơi, nhưng chẳng có lần nào tôi cho lính của mình ăn ngủ nhờ ở trong nhà dân, cả ban ngày lẫn ban đêm. Tôi luôn cùng với anh em căng lều ra nghỉ ngơi và nấu nướng ở ngoài vườn, cho dù có mưa to gió lớn cũng vậy!

Tôi chợt nhớ lại trong một lần đóng quân dã chiến nơi một thị trấn nhỏ ở miền Rạch Giá, đơn vị tôi không có đăng bản...‘‘truyển mộ tân binh’’ nhưng vẫn có người...tình nguyện vào lính! Khi Đại đội đang trên đường di chuyển đến điểm xuất phát bằng xe GMC, lúc kẹt đường dừng xe lại, tôi mới phát giác ra có một cô gái trẻ mình choàng thêm chiếc...áo lính, đầu đội chiếc...nón nhựa nhà binh đang khép nép ngồi giữa đám đông anh em trên xe. Tôi biết rõ là một đứa em nào đó của tôi đã vi phạm quân luật, nhưng tôi lờ đi bởi vì tôi biết rằng ít ra cũng có một kẻ chân yếu tay mềm cảm thông được với tình anh lính trẻ trên bước đường ra trận hôm nay. Chắc là cô ta muốn đưa người bạn trai vừa mới quen một đoạn đường nào đó thôi, để rồi khi đoàn quân vừa đến điểm xuất phát để đi vào vùng chiến, cô ta sẽ lặng lẽ bước xuống xe rồi trở lại nhà, để rồi hằng đêm nằm ôm gối mộng với một nỗi lo âu xen lẫn với niềm nhớ nhung người yêu sắp phải xông pha vào vùng lửa đạn mịt mù xa! Điều đó cũng quá đủ để cho chàng trai thời đại cảm thấy ấm lòng và an tâm hơn khi biết rằng sự cống hiến đời mình cho một chính nghĩa, ít ra cũng có được một người con gái ủng hộ và khuyến khích.

Tôi đang muốn kể lại câu chuyện đó để cho ông cụ bỏ qua cho nếu như có một thuộc cấp nào của tôi làm trái những điều tôi đã dặn dò thì ông cụ tiếp:

- ‘‘Ông Một’’ đừng có lo! Hôm nay tui rất vui khi nhìn thấy hết mọi việc xảy ra ở quanh đây rồi! Kể cũng lạ, từ lúc đơn vị này tới đây, hình như anh em ai nấy đều lo công việc của mình, chẳng có ai xô bồ chạy tới chạy lui vào nhà dân như những đơn vị khác đã đến đây.

Ông cụ dừng lại, đón chiếc ấm nước trên tay người con gái rồi kề miệng vòi chế nước sôi vào bình trà xong, kéo chiếc ngăn kéo dưới gầm bàn ra lấy lon trà rồi bỏ vào bình một nhúm trà nhỏ. Nhân cơ hội ngàn vàng này, tôi ngước lên nhìn một dáng ngọc với làn da mặt tươi mát ập vào mắt khiến cho lòng tôi bỗng dưng trở nên xao xuyến! ‘‘Sắc bất ba đào dị nịch nhân’’, vẻ đẹp của nữ giới không tạo nên sóng gió nhưng dễ làm chìm đắm lòng người, người xưa quả đã có lý! Đôi mắt đen nhánh tròn vo long lanh ướt như đôi mắt mèo con nằm dưới hai vòng mày mỏng, trong phút chốc đã dìm hồn tôi vào ‘‘đôi đáy nước hồ thu phẳng lặng như tờ’’ của một kiều nữ mà tôi đoán chắc rằng đây là một tuyệt tác ‘‘đầu gà đuôi vịt’’ của đấng hóa công! Và trong lúc tôi còn đang mơ màng trong...giấc mộng liêu trai thì người đẹp đã khuất dạng sau tấm màn cửa bên trong. Tôi chẳng màng đến mọi sự đang diễn ra ở quanh mình. Những lời tâm sự của ông cụ hình như đã chui từ lỗ tai này và thoát ra ở tai kia trong khi tâm hồn tôi hình như đang bay đuổi theo gót chân của người đẹp tự lâu rồi! Đến khi người chủ nhà đứng lên bước vào trong, tôi mới hoàn hồn trở lại và thở phào ra nghe nhẹ nhõm cả người để rồi sau đó ra sau nhà xách nước ao lên dội vào mình vài ''xô'' cho...hạ hỏa xong, tôi mới vào nhà bếp nuốt vội ba hột cơm sấy vào bụng rồi rón rén leo lên ngả lưng trên chiếc đi-văn mà ông cụ bảo tôi phải ngủ ở đó cho ông vui...

Ngày N+2...
Đúng năm giờ sáng, tôi bảo Âm thoại viên gọi máy vô tuyến truyền tin báo cho các Trung đội thức dậy lo thu xếp lều trại và chuẩn bị...‘‘khói lửa’’. Cũng vẫn là một bịt cơm sấy nhỏ với một lon thịt hộp nhỏ như thường lệ!

Khi mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây xa xa ngoài kia là cả Đại đội túa ra sau vườn và phải đi băng len lỏi qua những liếp khóm mới ra tới khoảng đất trống ngoài kia để sắp toán chờ ‘‘nhảy diều hâu’’.

Cảnh quang nơi đây gợi lại trong tâm tư tôi một trận đánh đẫm máu đã diễn ra trên một trận địa cũng với những luống khóm nằm dọc ngang và trải dài ngút mắt nơi vùng Rạch Giá trước đây không lâu!

Lần đó, cả phe ta và địch đều đã có người nằm xuống! Tối lại, vì chưa kịp tải thương nên Đại đội của tôi qua đêm chung với những ‘‘đồng đội đã vĩnh viễn rời xa bạn bè’’! Đến khoảng giữa đêm, tôi giật mình thức giấc khi nghe có tiếng khóc có vẻ khác thường của ai đó ở kế bên mình. Tôi bật ngồi dậy và tuy trong màn đêm tối như mực, tôi cũng nhận ra được giọng...hu hu phát ra từ cửa miệng của anh chàng Trung sĩ cố vấn Mỹ phụ trách về ''yểm trợ không lực'' đã đi theo Đại đội tôi trong cuộc hành quân lúc ban sáng.

Bất chợt có mấy phát súng của địch bay ngang qua đầu mọi người. Tất cả anh em đều phóng xuống hố cá nhân và ngồi im lặng chờ đợi một cuộc tấn công của địch có thể xảy ra trong nửa đêm về sáng này. Tiếng khóc tỉ tê ngưng một chốc rồi lại ré lên, ngày càng to hơn. Lại có mấy phát đạn nữa bay về phía chúng tôi. Tôi cho rằng điểm đóng quân có thể đã bị lộ do tiếng khóc bi ai kia và địch quân cứ chơi trò bắn thăm dò...loạn xạ như vậy mãi, thế nào Đại đội tôi cũng sẽ có tổn thất!
Tôi bò về phía anh bạn đồng minh và mang hết vốn liếng Anh ngữ ra rỉ vào tai anh ta một câu:

- Shut up now! VC shootings!

Chẳng biết anh chàng có hiểu lời tôi muốn nói là...‘‘Nín khóc ngay, Việt Cộng đang bắn kìa!’’hay không, mà anh ta lại vừa chỉ vào cánh tay rồi chỉ vào nách mình rồi khóc rống lên! Tôi tưởng anh ta bị thương bèn rút đèn pin ra rồi trùm poncho lên người anh ta để soi cho rõ sự tình. Nhìn cánh tay sưng vù có một vết chấm đỏ ở giữa, tôi đoán ngay là anh ta bị một con rết hay một con bò cạp dữ nào đó chích cho một phát và nọc độc đã theo máu chạy đến nách gây nên nổi hạch làm cho anh ta nhức nhối, khó chịu! Việc thường tình này xảy ra như ăn cơm bữa đối với anh em binh sĩ thường hay ngủ bờ ngủ bụi. Nhưng anh chàng Mẽo này lại làm như là sắp chết đến nơi không bằng, kêu réo om sòm! 

Đến giây phút này, tôi tự biết mình không có khả năng...ăn nói về chuyện...con bò cạp hay con rết với anh bạn đồng minh này nên tôi chụp vội chiếc ống liên hợp của máy truyền tin và báo sự tình về Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Và tôi tiếp tục chịu đựng cái tính...nhõng nhẽo vô duyên của anh chàng Mẽo này suốt đêm, bởi anh ta quá sợ chết cứ đòi được tản thương ngay! Trong hoàn cảnh này, cho dù có sử dụng...‘‘trực thăng tải thương tàn hình’’ cũng sẽ bị địch quân dùng súng bộ binh bắn rớt ngay, đừng nói chi đến việc một anh phi công Mẽo nào đó dám vì bạn đồng ngũ mà đáp xuống đây để chỉ bốc một anh chàng bị...sâu bọ chơi kham cho một vố để đời! Tôi đưa tay bịt miệng anh ta lại để ngầm bảo đừng khóc, chắc anh ta tưởng lầm tôi an ủi và khuyến khích hay sao mà lại cứ thoải mái khóc nhiều hơn, nước mắt nước mũi chảy ra nhầy nhụa ướt đẫm cả bàn tay tôi! 

Chợt đâu ở phía Ban chỉ huy Tiểu đoàn có tín hiệu tự động chớp tắt của ánh đèn pin đánh dấu vị trí đóng quân đêm của đơn vị. Điều đó chẳng khác gì...‘‘lạy ông tôi ở bụi này’’ khiến cho địch càng bắn quấy rối dữ dội hơn! Nhưng chỉ vài phút sau, một chiếc DC6, một loại máy bay quân sự của Không lực Mỹ dùng để thả trái sáng hoặc bắn yểm trợ cho bộ binh lúc ban đêm khi bị chạm địch đã có mặt trên vùng. Và từ trên phi cơ, những dây đạn bắt đầu nã xuống thành từng xâu lửa bao một vòng tròn quanh vị trí đóng quân. Tiếng súng của địch mới im luôn từ lúc này cho đến sáng.

Tôi và anh em trong Đại đội đã phải trải qua một đêm kinh hoàng vì chưa từng nghe...‘‘tiếng khóc như mưa’’ của anh bạn đồng minh trong tiếng đạn bay veo véo đến rợn người!...

Đơn vị của tôi chờ cho đến hơn hai giờ chiều, cái giờ mà các Phi đội trực thăng đã trở về nằm yên ở trong ụ mà chẳng có...‘‘sô’’ nào, cho nên anh em lần lượt trở vào vị trí đóng quân dã chiến của mình...uộc hành quân lúc ban sáng.

Ngày N+3...
Tôi đang nằm ở trong mùng chợt nghe tiếng của ông cụ:

- Dậy uống miếng cà phê cho tỉnh táo tâm hồn một chút rồi muốn đi đấm đá ở đâu thì đi!

Tôi thoát ra khỏi mùng thật nhanh và cho dù tôi vẫn nhớ là tối hôm qua mình đã nhận lịnh cho Đại đội nằm ứng chiến tại chỗ rồi, nhưng tôi lại trả lời với ông cụ điều mà tôi chẳng muốn:

- Cháu hy vọng sẽ được hầu chuyện với bác suốt ngày hôm nay đó!

Ông cụ nhìn tôi đăm đăm, chắc là đang dò xét tâm trạng của anh chàng lính này xem có...xạo không, rồi nói vói vào trong:

- Liên à! Dẫn mấy anh ra vườn hái khóm cho mấy anh ăn đi con!

Nghe ông cụ nói vậy, tôi muốn phóng mình chạy theo anh em, không phải để...ăn khóm mà là để có dịp trò chuyện cùng cô gái có cái tên Liên mỹ miều kia. Nhưng kẹt nỗi ông cụ đang ngồi chờ tôi bên hai ly cà phê đang nhỏ từng giọt đắng xuống đáy chiếc ly thủy tinh, tôi đành làm vệ sinh qua loa rồi trở lên ngồi đối diện với ông, cũng nơi chiếc ghế tôi ngồi hôm mới đến nơi này.

Vừa đưa chiếc muỗng nhỏ gạt mấy hạt đường cát vàng vào ly xong, ông cụ bèn bắt đầu tuồng ra câu chuyện hình như là ông còn chưa kịp nói hết ngày hôm trước:

- ‘‘Ông Một’’ biết không? Chúng ta đâu phải là những con rùa chỉ lo rút đầu vào mai! Nhưng chính... ‘‘họ’’ mới đích thực là...những con ba ba thôi!

Ông cụ dừng lại ở đó và nghiêng đầu nhìn vào mặt tôi, chắc là để đoán xem sắc diện của người lính trước mặt ông có biểu hiện một chút gan dạ nào hay không! Tôi nhìn lại vào trong thẳm sâu của đôi mắt già nua kia và tìm được ở trong đó một nỗi gúc mắc còn vương vấn ở trong lòng hẳn đã có từ lâu lắm rồi! Có lẽ trước đây ông đã bị những kẻ trung thành với ‘‘mẫu quốc Pháp’’ đẩy ông vào ‘‘hang hùm miệng sói’’, để cho chúng ở phía sau ‘‘bình thân như vại’’ mà xơi trọn ‘‘miếng mồi ngon...thuộc địa’’ này chăng? May là ông còn dẫn xác về được với vợ con, giống như tôi và đồng đội của tôi bây giờ cũng đang tiếp tục đi trên con đường mà ông đã đi để cho nhiều kẻ ở phía sau được ‘‘ăn trên ngồi trước’’ thiên hạ và được ‘‘vinh thân phì da’’ nhờ vào việc chia hưởng quyền tước với nhau!

Tôi định nói ra ý nghĩ đó để mong ông cụ đón nhận một người đồng cảm, nhưng có lẽ ông lão có nhiều kinh nghiệm sống đời quân ngũ này cũng đã đoán được điều gì vừa mới manh nha ở trong đầu tôi nên ông nói tiếp những lời lẽ có giá trị như một lần khuyên răn, đừng nên quan tâm vào các việc chướng tai gay mắt kia mà mang họa vào thân:
- Thôi, chú mày cố gắng lên cho bằng với người ta để đỡ khổ tấm thân về sau này. Nhưng có một điều mà chú mầy nên nhớ là đừng bao giờ dùng thuộc hạ...lót xác cho chú mày thăng quan tiến chức, nghe chưa?

Tôi quá đỗi vui mừng khi nghe ông cụ bỏ đi hai tiếng ‘‘Ông Một’’ mà thay vào đó cũng chỉ là hai chữ thôi nhưng tôi lại cảm thấy thân thiện và gần gũi hơn:‘‘chú mày’’! Tôi nguyện sẽ trân quý mãi những lời vàng ngọc mà ông cụ đã trao cho tôi hôm nay làm mớ hành trang mà tôi nghĩ rằng sẽ rất hữu ích cho suốt cuộc đời binh nghiệp của mình sau này...

Ngày N+4...
Hôm nay, Đại đội của tôi được lịnh lau chùi vũ khí và ứng chiến tại chỗ. Sáng nay tôi dậy sớm hơn mấy ngày qua. Tôi muốn tránh gặp mặt ông cụ ở nhà trên để quên đi mỗi lúc tay đưa tách ‘‘trà con khỉ’’ thơm ngon lên môi nhắp từng ngụm nhỏ lại nhớ về một quê xa vời vợi với những người thân đang đứng trân mình ra giữa hai lằn đạn vô tri trong một cuộc chiến tranh tưởng chừng như không bao giờ có ngày kết thúc. Tôi cũng đã chán cảnh ngồi nhìn từng giọt đắng cà phê rớt xuống đáy ly mà không có cách chi để trấn áp những suy tư chẳng có lối thoát đang dấy lên ở trong lòng mỗi khi nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình sắp phải tiếp tục lao mình vào một cuộc chiến đẫm máu đang xảy ra trên dãy đất thân yêu này, nên tôi vội lẻn ra nhà sau.

Thấy Liên đang đứng nấu ăn ở góc bếp, đầu óc tôi trở nên thanh thản hơn bao giờ hết nên mạnh dạn bước đến hỏi nàng cho dù tôi biết rõ hôm nay là ngày Chủ nhật:

- Liên chuẩn bị ăn cơm rồi đi học phải không?
- Dạ không! Em chiên cơm cho tía ăn!

Từ ngày đến đây tôi chỉ thấy có hai cha con ở trong căn nhà ấm cúng này, ông cụ chắc còn đang ngủ ở trong phòng nên tôi an tâm hơn khi...‘‘dàn đội hình tiến từ từ vào mục tiêu’’:

- Có phần của lính không đó?
- Lính có...gạo sấy rồi, cần chi cơm chiên của em!
- Ai mà chẳng biết vậy, nhưng ăn cơm chiên của Liên có lẽ ngon hơn phải không?
- Em chiên cơm dỡ lắm, Thiếu úy hãy đợi vài ngày nữa về nhà rồi...bà Thiếu úy chiên cơm cho mà ăn!
- Thì ra cô bé này quá quắt lắm! Tôi nói thầm trong miệng như vậy và cảm thấy...mục tiêu này rất khó...chiếm bởi chưa chi đã bị...‘‘hỏa lực’’ của đối phương...đốt cháy bừng lên ở hai má của tôi rồi!

Tối hôm qua Dương tà-lọt, một trong số những người lính Việt gốc Miên ở trong Đại đội đã ngầm điều tra và báo cho tôi biết rằng Liên chưa có...bồ, đã có Bằng Tú tài I và đang chuẩn bị thi lấy Tú tài II.   Dương bảo tôi...‘‘Thiếu úy...‘‘dô’’ cô này đi!’’. Tuy là Dương nói thật là tôi chưa lập gia đình nhưng nàng không tin như vậy mà còn nói với Dương...‘‘Mấy ông sĩ quan nào đến đây cũng đều nói chưa vợ chưa con, nhưng chỉ mới ngày hôm sau là đã có một bầy thê tử đến tìm!’’.

Tôi thì cho dù có đóng quân ở đây một tháng, một năm cũng chẳng có ai chịu ghé thăm nên muốn nói lên ‘‘tiếng lòng’’ của một anh chàng độc thân:

- Thì Liên hãy chờ xem đi!

Bất chợt có một chú sóc nhỏ từ đâu đó phóng xuống ngồi theo kiểu chống hai chân sau lên làm thành...‘‘thế chân vạc’’ với đít trên mặt chiếc bàn tròn kê ở giữa gian nhà bếp, hai chân trước co lên ở trước ngực và cái đuôi dựng đứng lên phía sau lưng trông giống như một chiếc lồng đèn màu xám nhạt điểm xuyết trên đó nhiều điểm trắng nhỏ li ti. Tôi thốt lên...‘‘con sóc bông’’ và bước đến ngồi trên chiếc ghế dựa rồi nhìn vào hai con mắt lồi tròn vo của con vật đang giương ra nhìn vào tôi thom lom. Tôi cố quan sát nhưng chẳng thể nào đoán được đây là...cô hay là...cậu sóc bông!

Tôi đang tìm hiểu xem con vật dạn dĩ này là của nhà Liên nuôi hay từ đâu ở ngoài vườn bắt mùi cơm chiên thơm ngậy mùi mỡ hành rồi phóng vào đây tìm ăn thì đã nghe ở sau lưng có tiếng của Liên lập lại câu nói của tôi lúc nãy:

- Chờ xem cái gì?

Tôi quay lại nhìn vào đôi mắt tròn đen lay láy như đôi mắt sóc con kia rồi hỏi lại một câu chẳng dính dáng gì đến câu hỏi của nàng:

- Liên không cho lính này ăn cơm chiên mà chỉ cho...con sóc kia thôi sao?

Liên nguýt dài rồi bỏ đi. Tôi ngồi theo dõi từng động tác của người con gái đang diễn ra trước mắt mình mà liên tưởng đến các câu chuyện liêu trai của thời xa xưa. Liên đơm ra ba chén cơm chiên rồi đem ra đặt ở trên bàn, trông dáng điệu như một nàng tiên hiện ra lo việc bếp núc ngay sau khi chàng thư sinh nghèo vừa cắp sách bước ra cửa để đến nhà ông thầy đồ.

Tôi biết rằng ông cụ đã thức khi tôi nghe vọng lại tiếng húng hắng ho ở nhà trên, nhưng tôi cũng cố hỏi nhanh một điều mà sau đó tôi mới nhận ra là mình quá tò mò:

- Nhà có hai người mà sao lại có đến ba chén cơm?

Chợt nhớ lại con vật ở trước mặt mình, tôi vội thốt lên để khỏa lấp tính ganh tị của mình:

- A, thì ra chú mày được hưởng...chén thứ ba!
- Là của anh đó! Có vậy mà cũng không biết nữa! Liên đáp vội rồi bước nhanh lên nhà trên, chắc là để mời ông cụ xuống dùng cơm sáng.

Bây giờ, tôi làm sao mà không biết được chén cơm thứ ba kia là của Liên dành cho tôi! Nhưng chính câu nói xác nhận của cô nữ sinh mới quen này đã làm tôi vui như mở cờ ở trong bụng...

Ngày N+5...
Sáng ngày hôm nay, tôi dẫn Đại đội của mình ra sau vườn sắp toán ‘‘nhảy diều hâu’’. Chờ cho đến xế vẫn không có ‘‘sô’’ nào cả. Một con ngựa chiến, sau khi bốn vó câu đã trải qua ngàn dậm thiên lý cũng phải cho nó ‘‘quần cẳng’’ để đỡ phải bị ‘‘cuồng chân’’ rồi mới cho nó nghỉ ngơi. Mang danh là ‘‘nữ hoàng bộ binh’’, vừa mới được nghỉ vài ngày đã cảm thấy buồn đôi chân nên hễ khi nào sắp toán xong rồi thì phải cho ‘‘nhảy’’ ngay, cho ‘‘tan hàng’’ thì lính chẳng vui. Đừng để cho ‘‘cập dò của lính đi bộ’’ ở không quá lâu. Đôi giày đi trận sẽ nhớ đến những vết hằn in trên đôi bờ của những con rạch nhỏ chảy len lỏi giữa những rặng dừa nước xanh rì mà trên trực thăng nhìn xuống thấy giống như một con rắn khổng lồ đang uốn mình lượn qua những cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh. Chiếc ba-lô trên lưng bị vướng mắc giữa khu rừng tràm mọc thuôn thẳng trong một đêm sáng trăng mà chỉ có thể băng qua nó bằng phương pháp đi theo một phương giác nào đó mà thôi, cảm giác giống như một sự níu kéo mời gọi dừng chân qua đêm của những cô gái tuổi độ tròn trăng ở một vùng thị trấn nhỏ nằm trên bờ của ba nhánh...Kinh Xẽo Rô, Kinh Xáng Hộ Phòng và Rạch Cái Tào hợp lại trước khi xuôi ra biển cả. Cái cảm giác đê mê khi đang ngoi ngoai trong bùn lầy lên đến tậm háng lại vẳng nghe bên tai tiếng động đến giật mình khi những con cá lóc cối há miệng đớp không khí bùm bụp ở xung quanh, hay tiếng lách mình róc rách của những chú cá rô từ đâu dưới đám rễ chằng chịt của một dãy lục bình trải dài ngút mắt nghe như hãy còn đọng lại trong xương tủy ở dưới đôi ống chân. Những dãy đầm lầy nằm sâu ở nhiều nơi giữa vùng ''oanh tạc tự do'', nơi mà các khu rừng tràm thấp bạt ngàn ở cuối miền đất nước, bốn mùa chỉ có địch quân và đỉa vắt chung sống hòa bình với nhau cũng đã thôi thúc bước chân của người lính đừng quên trở lại viếng thăm nơi đó. Tất cả những thứ ấy có một sức hút đặc biệt chẳng thể nào cưỡng lại được, nó chẳng khác gì những lời nhắc nhở hay mời gọi thiết tha của những người em gái nhỏ ở bất cứ một vùng đất mẹ thiêng liêng nào đó mong muốn có được cảnh an bình được dài lâu để em luôn được cắp sách đến trường học, của những bà mẹ quê mong được hằng ngày xách giỏ ra chợ,...thì làm sao mà người chiến sĩ lại ngồi yên cho được! Tuy vẫn thích vậy, nhưng cho ‘‘quần thảo’’ nhiều quá mà chẳng có thời gian nghỉ xả hơi thì lính cũng lại buồn vô cùng!

Chúng tôi đã trải qua một ngày nghỉ tại chỗ với các bữa ăn nào cũng có món...‘‘khóm xào với thịt gà hộp’’ và món tráng miệng cũng vẫn là...miếng khóm ngọt lịm như những ngày qua.

Liên đi học chỉ có buổi sáng. Buổi chiều, không biết có...được phép của ông cụ không mà tôi không bị trở ngại trong việc...tò tò theo sau lưng nàng ở trong nhà bếp. Ông cụ...lịch sự ra phết, chỉ ở nhà trên mà thôi! Lâu lâu ông tằng hắng lên một tiếng khiến cho tôi thắc thỏm giật mình, chẳng biết đó là ám hiệu răn đe tôi hay là nhằm nhắc khéo cô con gái cưng của ông hãy luôn đề phòng, coi chừng gặp phải thằng họ...Sở!
Liên trang trải lòng nàng khi hai chúng tôi ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn tròn:

- Liên hỏi thiệt anh một câu nhen, anh có...thương em không?

Câu này nghe quen quen! Thì ra cô nàng nào cũng đều học thuộc lòng có mỗi một câu đó trước khi mở đầu một cuộc...tấn công thăm dò cánh đàn ông con trai! Tuy là chỉ mới có vài ngày quen biết với Liên thôi nhưng tôi cũng đã cố tình quăng...‘‘lưỡi câu tình ái’’ ra rê vài đường lả lướt với ước mong bắt cho bằng được...‘‘con cá vàng’’ này. Nhưng khổ nỗi, hình như nó chỉ mới nhìn qua...‘‘con mồi’’ chớ chưa chịu...‘‘cắn câu’’ thì tôi biết nói ra sao để nàng tin rằng tôi đã yêu nàng rồi! Tuy là giọng nói của Liên lần này nghe rất êm tai, tôi muốn trả lời ngay rằng...‘‘có’’, sợ để lâu mất một cơ hội tốt để bày tỏ thái độ của con tim mình, nhưng ở tận đáy lòng lại bất chợt nổi lên một ý hờn trách thầm nàng chẳng nghe được con tim của tôi đang cất lên tiếng nói khao khát được yêu của nó...‘‘biết rồi mà còn làm bộ hỏi’’. Điều đó khiến cho lòng tôi lại đâm ra...khó chịu vô cùng!
Tôi còn chưa tìm được câu trả lời cho suôn sẻ và tình tứ hơn trong hoàn cảnh này thì đã nghe nàng tiếp:

- Khó trả lời phải không? Bỏ đi, có câu chuyện này anh có muốn nghe không?

Lại chuyện gì nữa đây? Tôi làm sao mà chẳng chịu nghe giọng nói trài trại nhưng ngọt ngào như nước cốt của khóm mà tôi có dịp thưởng thức trong mấy ngày qua. Chính nó đã xóa tan đi bao nỗi nhọc nhằn còn tích tụ ở trong lòng tôi sau những tháng ngày dài đi hành quân đã qua. Nhớ lại khi tôi còn ở quân trường Thủ Đức, trong một lần đi phép cuối tuần trên một chuyến xe Lam chở khách đi viếng Lăng Ông Bà Chiểu, tôi đã có dịp được trò chuyện với một cô gái Huế cũng có một giọng nói...‘‘để đời’’ mà mỗi chữ buông ra từ đôi môi mộng như màu mận đỏ Cần Thơ kia, khi lên bổng lúc xuống trầm nghe như ai đó đang ngâm một ‘‘Bài Thơ Tao Đàn’’ trên đài phát thanh vào lúc giữa đêm thanh vắng của độ nào. Và hằng đêm mỗi khi nhớ lại những thanh âm kỳ diệu phát ra từ đôi môi của cô bé xứ Thần Kinh kia là tôi dễ dàng đi vào giấc ngủ sau một ngày huấn luyện mệt rã người! 

Chẳng biết cô gái Miên lai này có thấu hiểu là lòng tôi đang khao khát được uống trọn từng tiếng nói nhỏ nhẹ dễ thương của nàng vào lòng không?

- Anh đừng cười em trong chuyện này nhen! Liên lại tiếp. Cách đây hơn một năm, em đã yêu thầm một anh Trung úy khi đơn vị của ảnh cũng đóng quân ở đây như anh vậy. Rồi ảnh bị thương nhẹ ở cánh tay! Sau khi xuất viện, anh ấy đã trở lại đây. Em săn sóc ảnh tận tình như đứa em gái lo cho người anh trai vậy, nhưng...
- Nhưng như thế nào? Tôi hỏi nhanh trong nỗi sốt ruột cùng lúc với cơn sốt bừng lên ở toàn thân khi nghe nàng nói đã...dâng tặng con tim mình cho ai đó!
- Thì từ từ để em kể đã, làm gì mà...mặt anh hình như đang...bốc khói vậy! Anh có biết không, khi anh ấy vừa trở lại đơn vị thì vợ mới cưới của ảnh mò tới đây rồi xài xể em thậm tệ đến nỗi bà con bu nghe chật cả nhà! Tía em vừa ngồi nghe vừa phì phà điếu thuốc trên môi rồi bình tĩnh phán một câu...''Bà hãy về nhà mà...dạy lại chồng của bà đi, đứng láng cháng ở đây tui kêu...lính bắt bây giờ đó!’’.

Nghe tới đây, tôi rất mừng khi đoán rằng Liên...chưa là gì với anh chàng kia! Không biết tại sao ai đó đã có người sắp...‘‘nâng khăn sửa túi’’ rồi mà còn đi...‘‘thả dê’’ ẩu như vậy! Tôi lại phân vân tự hỏi...‘‘Chẳng biết đây là mối tình đầu hay là...tình giữa của Liên khi mà có rất nhiều đơn vị khác thay phiên nhau đến đóng quân ở đây, có anh chàng nào...hiền đến độ chẳng mang...‘‘cần câu rê’’ ra quăng vài đường lả lướt trước mắt...‘‘con Cá Miên lai con Cá Tàu’’ này’’! Nhưng khi nhìn vào trong thẳm sâu nơi đáy mắt nàng, tôi rất an tâm khi thấy ở trong đó có sự hiện diện của mấy chữ toàn một màu hồng...‘‘em vẫn là em, anh đừng có lo chi cho mệt’’.
Tuy đoán rằng Liên đã nói thật, tôi vẫn thăm dò nơi người con gái này xem có còn ôm mối...tình chết nào ở trong lòng không:

- Rồi kết quả ra sao?
- Anh nói gì em không hiểu?
- Thì anh chàng kia có trở lại đây không?
- Anh hỏi kỳ quá! Bị vợ...dạy cho một bài học đáng đời rồi còn đến đây làm chi nữa! Đàn ông các anh...tham lam quá!

Tôi tự biết là mình chẳng tham lam như vậy bao giờ. Nhưng ở trong tôi lại dấy lên một nỗi lo âu là nếu sau này mình...lỡ bị loại ra khỏi...‘‘cuộc chơi’’, khập khễnh trên đôi nạng gỗ, chẳng biết nàng có chấp nhận chăm lo cho mình như anh chàng thương binh kia hay không!
Tôi đem điều suy nghĩ đó ra hỏi Liên thì nàng đáp tỉnh bơ:

- Chỉ cần anh còn đến được nơi này và không có ai đến đây quấy rầy em thì anh sẽ biết được ngay điều đó!

Lòng tôi chan chứa niềm vui trong nỗi cảm thông khi liên tưởng đến cảnh...‘‘gà trống nuôi con’’ của ông lão tự bấy lâu nay. Nhưng trong tôi lại dấy lên một nỗi lo ngại khi tôi tìm đến nơi này sau khi gặp một hoàn cảnh không may như là...tạm gác súng đạn qua một bên, chẳng biết ông cụ có cho mình ở lại đây không?

Chẳng hiểu người tôi yêu thông minh đến độ nào mà mỗi khi có điều gì vừa mới nhú lên ở trong đầu tôi là nàng biết ngay:

- Em chấp nhận mọi hoàn cảnh tốt hay xấu mà ông Trời gán cho em. Anh cứ an tâm đi, anh không nhận thấy một điều là...Tía chỉ có mỗi mình em đây hay sao? Em chỉ có mỗi một mối lo là khi anh rời khỏi nơi này rồi, không biết anh có còn giữ ở trong lòng hình ảnh của đứa con gái quê mùa này hay không...
- Em mà quê mùa hả? Cô Tú đến nơi rồi mà còn...

Tôi chồm sang kéo Liên vào lòng mình và mạnh dạn đặt lên má nàng một chiếc hôn dài rồi tiếp theo một lời tỏ tình...‘‘Liên, anh yêu em’’!

Tôi vừa định nắm lấy đôi bàn tay thon nhỏ và mềm mại đặt lên ngực áo trận để cho nàng nghe trái tim tôi đang rộn ràng mở hội hoa đang ở trong lồng ngực thì đã nghe có tiếng của ông cụ ở sau lưng:

- Liên, thay cho Tía ấm trà mới!

Tuy là tôi bị đang chết điếng ở trong lòng, nhưng tôi vẫn còn bình tĩnh khoanh hai tay ra trước ngực rồi lí nhí thưa:

- Con thật là có lỗi! Xin bác tha thứ!

Ông cụ chỉ có đưa một bàn tay lên khoa vài cái ở trước mặt rồi đi thẳng.
Tôi muốn biến nhanh tức khắc khỏi nhà ông cụ, nhưng khi chợt nhớ đến nhiệm vụ của mình phải làm nên vội rỉ vào tai nàng qua suối tóc quăn quăn thơm mùi...khóm chín thoáng qua mũi mình trong khi mắt thì liếc theo phía ông cụ đang đi lần về phía chiếc nhà cầu ở sau vườn:

- Chết anh rồi Liên ơi! Nói với Tía một tiếng đi!

Tôi chẳng biết là Liên sẽ nói với Tía nàng những lời gì để...cứu bồ cho tôi và cả cái tội mà nàng để cho tôi...ôm hôn! Nhưng có điều chắc chắn mà tôi chẳng thể nào quên được là trước khi tôi quay chạy đi, tôi vẫn còn chợt nhận ra một nụ cười cảm thông trên đôi má lún hai núm đồng tiền nhỏ...

Ngày N+6...
Vừa bén mắt ra, mấy anh em trẻ len lén nhìn tôi rồi to nhỏ với nhau làm như có điều gì bí mật lắm! Tôi đoán biết là họ đang bàn tán về chuyện của Liên và tôi khi hai đứa đã thức trắng đêm tâm sự với nhau. Nhưng tôi làm bộ nghiêm mặt hỏi:

- Chuyện gì đây?

Mấy anh em khác vội quay đi lo chuẩn bị lên đường hành quân, Dương đến bên hỏi tôi:

- Thiếu úy...‘‘dô’’ được chưa?

Tôi làm sao mà chối với tụi nó việc này được khi mà hai đứa tôi chong đèn ngồi bên nhau suốt đêm, tuy vậy tôi vẫn hỏi Dương:

- Bộ tối đêm qua mấy chú không lo canh gác lại thay phiên nhau...rình tôi phải không? Hãy khai thiệt đi!

Dương vội chạy theo anh em đang túa ra sau vườn.
Tôi quay lại phía sau và cảm thấy lòng mình xao xuyến khi thấy Liên đang đứng kề bên khung cửa hẹp sau hè và đang đưa tay lên vẫy đưa đoàn quân ra trận.

Suốt trong cuộc hành quân vừa qua, đơn vị của tôi chẳng có cuộc đụng độ nào, cho dù Đại đội của tôi làm nỗ lực chính và đã nhảy liền hai ''sô diều hâu''. Trên mỗi bước đi của mình tôi vẫn nhớ đến một triết lý mà tôi đã được đọc ở đâu đó nói về chữ...YÊU mà tôi nghiệm ra không biết có đúng với trường hợp của Liên hôm nay không...‘‘Tình yêu là một bài toán mà một học sinh cấp hai, cấp ba nào cũng có thể giải được nó dễ dàng. Khi yêu, ngước mặt lên thấy cả khung trời toàn một màu hồng và ngó quanh thấy cái gì cũng đẹp. Đến lúc cảm thấy không còn gì để giữ nữa thì có người toan tính đến việc chia tay’’! Liên đã không làm điều đó! ‘‘Một bài toán khó đã làm sai thì phải làm lại từ đầu cho đến khi nào tìm ra đáp số mới thôi’’! Liên là một cô Tú I nên tôi nghĩ nàng...dư sức qua cầu! ''Nuôi dưỡng tình yêu giống như trồng một cây hoa, không phải lúc nào cành hoa cũng trổ ra những cánh hoa đẹp. Nếu như nó cho ra hoa xấu là do mình, phải tìm cách bón phân tưới nước chờ kỳ thu hoạch tiếp, cũng giống như bài toán khó phải tự mình tìm cách giải, cách này không được tìm cách khác, chừng nào không được mới chịu thua, lúc ấy mới nghĩ đến việc đi tìm ông thầy, hay...một tình yêu mới’’. Là ở tôi đây chăng?...

Ngày N+7...
Cho mãi đến ngày hôm nay đơn vị của tôi mới được bổ sung thêm quân số cùng quân dụng và đạn dược, cũng như nhận tiếp tế lương thực tại chỗ để chuẩn bị cho một cuộc hành quân dài ngày. Không phải những lúc ngâm mình xuống nước vào mỗi buổi sáng sớm trước một điểm xuất phát nào đó ở vùng sông nước này, hoặc mỗi lúc đêm về cùng anh em qua đêm bên bờ một con kinh đào nhỏ nào đó chảy xuyên qua giữa vùng rừng tràm U Minh bạt ngàn, hay những cam go khi phải chạm địch,...làm cho tôi quan ngại trong cuộc hành quân sắp tới! Chỉ mỗi một điều khiến cho lòng tôi không vui là mình sắp phải xa Liên!

Suốt ngày chúng tôi ngồi cạnh bên nhau như hình với bóng. Con sóc bông luôn ngồi trên cây xà ngang nghiêng đầu xuống nhìn vào tôi đăm đăm như sợ tôi...bắt cóc cô chủ của nó vậy.

Thấy tôi chú ý đến con vật, nàng đưa mấy ngón tay mỹ miều ra bún tách nhẹ một cái là con sóc chạy đến nằm gọn trong lòng bàn tay nàng.
Tôi lên tiếng:

- Cho anh đi để nó làm bạn với anh thay thế em trên bước đường hành quân có được không?
- Anh bắt được nó thì em cho anh đó!

Tôi vừa mới đưa tay ra là con vật phóng nhanh lên cây đà ngang, đưa cặp mắt thao láu nhìn xuống tôi như thách thức!
Tôi quay ra cầu cứu với Liên:

- Em bắt nó cho anh đi!

Liên bước đến ngả vào lòng tôi rồi nhìn lên con sóc nói:

- Cho anh rồi ai ăn...khóm và chuối của em đây? Nó thích ăn các thứ đó lắm! Em chẳng tiếc chi, chỉ sợ nó sống không lâu với mấy...bịt gạo sấy của anh thôi!

Tôi lại nghĩ đến cảnh đạn bom mà tôi phải đối diện hằng ngày thì làm sao mà con sóc thích ứng được với hoàn cảnh ấy! Tôi thấu hiểu điều đó! Và nỗi buồn sắp xa nhau ở tận đâu lại bắt đầu xâm nhập tâm hồn khiến cho tôi liên tưởng đến cảnh sóc chia tay chủ nó mà theo tôi chắc nó cũng ôm một khối sầu như tôi bây giờ thôi!
Nghĩ vậy, tôi nói với Liên:

- Hay là em cho anh...sờ đến nó một chút nhen?
- Để làm chi vậy?
- Thì để cho nó nhớ mà...làm chứng cho tình em với anh mấy hôm nay, để khi có anh chàng lính nào đó đến đây dẫn em đi mất rồi anh lôi nó ra làm...nhân chứng trước mặt ông tòa chứ!

Liên không nín cười được với câu nói đùa của tôi. Chỉ với một cái bún tay ra hiệu là con sóc lại nhảy xuống nằm yên trong lòng bàn tay nàng. Tôi đang yêu Liên tha thiết, nhìn cảnh Liên vuốt nhè nhẹ trên lưng khiến sóc nằm lim dim đôi mắt, tôi đâm ra...ghen với sóc!

Một phút trôi qua rồi tiếp theo là giọng nói thật êm đềm của Liên kèm theo một bàn tay vỗ nhẹ vào đầu con vật :

- Qua bên kia cho ảnh...hôn một miếng đi!

Sóc làm sao mà làm được theo lịnh của nàng, tôi kéo Liên gần tôi hơn và một ‘‘trận mưa hôn’’ rơi phủ xuống trên mặt, trên tóc người mà tôi yêu...
Chiều lại, thấy tôi lộ vẻ buồn trên nét mặt, Liên hỏi:

- Anh làm sao vậy?

Chẳng lẽ tôi lại phơi bày nỗi bịn rịn là một điểm yếu của một...‘‘đấng nam nhi chi chí’’ ra cho kẻ khác xem cho dù đó là Liên, nên tôi bắt chước...‘‘Kinh Kha trước lúc ra trận’’ nói với người yêu lúc đưa tiễn người tình xa mấy dậm đường dài mà còn chưa quay gót trở về:

- Thì chuyện nhà binh thôi mà, em quan tâm chi cho mệt, ở nhà luôn nhớ đến anh nhen!

Ngoài sân, bóng nắng chiều vàng vẫn còn nằm yên trên ngọn cỏ. Tôi đưa tầm mắt nhìn về phía lằn chân trời, vầng thái dương đang xuống thấp dần. Cảnh quang buổi hoàng hôn diễn ra ở đây rất đẹp, khiến cho lòng người lính viễn chinh như tôi thêm bùi ngùi khi nhớ đến khung trời quê nơi đó có bao kẻ vời trông theo từng bước quân hành của những người trai trẻ đi lo việc nước non, trong đó có tôi.

Nhưng đối với người già luôn nhìn cảnh mặt trời lặn là một...điềm xấu! Tôi chợt nhớ đến ông cụ và muốn giữ mãi hình ảnh đó ở trong lòng, bởi vì trong mấy ngày qua ông đã có thái độ tốt chẳng những đối với riêng tôi mà còn tỏ ra thân thiện và thương yêu tất cả anh em ở trong đơn vị...

Ngày N+8...
Đoàn quân xa GMC chuyển quân vừa dừng lại bên vệ đường. Theo lệnh hành quân, Đại đội của tôi sẽ lên xe và dẫn đầu đoàn quân trên đường đến điểm xuất phát phát cách đây khoảng hơn ba chục cây số. Nhìn vào Phóng đồ hành quân trên tay, tôi đoán rằng mình sẽ phải lội cùng anh em vào một vùng hành quân khác mà chẳng biết đến khi nào mới được ‘‘ra thành’’ nghỉ dưỡng quân và cũng chẳng biết đến bao giờ mới được trở lại nơi làng Đại Ngãi này!

Tôi không thể nào xua tan được bao kỷ niệm êm đềm đầy ấp ở trong lòng khi nghĩ đến mấy ngày dừng quân ở đây. Gốc dừa sai quằng những quả, nơi mà tôi ngồi lúc mới vừa đặt chân đến xóm này, gợi lại trong tôi hình ảnh thân thương của những hàng dừa nghiêng mình rũ bóng xuống dòng nước phù sa trong những đêm trăng sáng tạo nên một bức tranh thiên nhiên với phong cảnh hữu tình chỉ có ở vùng kinh rạch chằng chịt như mạng nhện trên quê hương Miền Tây mà tôi đã có dịp đi qua. Cánh rừng khóm sau hè đã cho anh em chúng tôi được thưởng thức hương vị ngọt lịm của một loại đặc sản được trồng ở nhiều vùng đất mới thuộc tỉnh Chương Thiện và Rạch Giá. Ông cụ có lòng nhân ái xem anh em binh sĩ như con cháu ở trong nhà và bắt tôi phải nằm ngủ trên chiếc đi-văn ở nhà trên cũng như đãi ngộ tôi những tách cà phê ngon ấm tình ‘‘quân dân như cá với nước’’. Từ những chung trà, những lọn khói trắng mỏng tuy vươn lan rộng ra trong không khí nhưng vẫn còn ngấm đọng lại ở trong tôi chút dư hương đủ để tạo nên một mối hoài cảm đặc biệt mà kể từ khi tôi khoác vào mình tấm áo lính đến nay, đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp được thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà tình quê hương trong bầu khung cảnh gia đình ấm cúng này. Những bà con sống quanh đây đã ban cho chúng tôi những ánh mắt trìu mến, những bữa cơm với những món ăn đặc sản còn lưu lại từ bao đời qua trên quê hương đất nước tôi. Và đặc biệt nhất, con sóc bông dễ thương luôn quấn quít bên một...‘‘cánh hoa biết nói đầy hương sắc’’ có trái tim hòa ái cùng một nhịp đập với con tim tôi,...khiến cho lòng tôi bùi ngùi khi sắp phải xa người, xa cảnh tại vị trí đóng quân dã chiến này!

Người lính chiến trong thời loạn vẫn có hai mối lo là sự nghiệp và tình cảm riêng tư. Tôi chọn con đường binh nghiệp trước khi nghĩ đến việc xây dựng một mái ấm gia đình. Đến lúc...‘‘công thành danh toại’’, trở lại đây tìm gặp lại người mà mình để thương để nhớ cho người ta chắc cũng không muộn màng gì đâu!

Tôi bất chợt quay nhìn lại phía căn nhà đã cho tôi nhiều kỷ niệm trong mấy ngày qua. Người tôi yêu đang đứng tựa cửa với con sóc bông trong tay. Tôi cảm nhận ra trong đôi sóng mắt long lanh kia đang giao động nhẹ và nhãn quan tôi bất chợt thâu nhận được một tín hiệu vừa mới phát đi từ ‘‘đôi đáy nước hồ thu’’ kia...‘‘Em sẽ chỉ yêu một mình anh thôi và đợi chờ anh cho đến hết kiếp này, chúc anh lên đường bình an’’. Lòng tôi bỗng rộng mở để tiếp nhận hình ảnh thân thương cùng những ‘‘tín hiệu’’ mà tôi nghĩ rằng rất chân tình đó. Ý chí và bước chân của tôi chắc chắn sẽ không chùn để xứng đáng với tấm lòng của người tôi yêu.

Cảnh bình minh bỗng trở nên rạng rỡ hơn trên khu phố nhỏ trong khi Đại đội của tôi vừa được lịnh lên xe tiến về phía trước...

***

Từ xa vọng lại mấy phát súng bắn chỉ thiên cắt ngang dòng suy tưởng của tôi. Có một điều chắc chắn mà ai cũng biết là một cuộc vây ráp sẽ diễn ra ở khắp nơi trong vùng rừng lá âm u này để tìm bắt lại một anh bạn tù nào đó vừa mới vượt thoát ra khỏi vòng cương tỏa của những mũi súng AK47 bên cạnh những ánh mắt đầy căm thù! 
Từ trên gộp đá cao bên bờ suối có tiếng quát dõng dạc của một tên cán bộ trong bộ quân phục màu vàng:

- Tất cả hãy lên bãi tập kết điểm danh ngay!

Tôi lặng lẽ cùng anh em trở lại tập họp nơi khoảng đất trống bên bờ suối. Đột nhiên, tôi cảm thấy toàn thân mình ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Thì ra tôi chưa kịp tắm giặt! Mồ hôi lại tiếp tục ra ướt đẫm cả bộ quần áo tù đã bạc màu sương gió mà ở sau lưng có đóng dấu hàng chữ...‘‘Z30 D’’ bằng dầu sơn đen! 

Tôi lại liên tưởng đến Con Sóc Bông còn đứng ngơ ngác bên bờ dòng suối hiền hòa đã bao năm qua giúp gội rửa đi phần nào lớp bụi thời gian bám trên lưng ‘‘người tù không bản án’’ trong cái ‘‘hỏa ngục trần gian’’ chỉ có ở đất nước tôi mà thôi! Chẳng biết việc tôi đem bỏ ‘‘con’’ (sóc bông) của tôi ở giữa chợ đời đầy bẫy rập, nó có thoát khỏi bàn tay của một người tù nào khác đang đói lòng hay không và hành động của tôi như vậy có tàn nhẫn lắm không? Bây giờ, tôi chỉ có mỗi ước mong là nó cảm nhận ra một điều là tôi không cố ý bỏ rơi ‘‘một người bạn tốt’’ mà bấy lâu nay đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trong cảnh tù tội! Tôi chỉ là muốn trả ‘‘con nuôi’’ của tôi lại với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, nơi mà nó mở mắt chào đời, để nó được tự do chạy nhảy tung tăng dưới vòm trời rộng bao la cùng đồng loại thân yêu của nó! Và bọn tù chúng tôi cũng vậy, rất muốn được thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của một chủ trương nhằm cố ý gây thù hận lâu dài và của súng đạn vô tri không biết đâu là nẻo chánh đường tà, để được đi đây đi đó, được tôn thờ một lý tưởng mà mình hằng ấp ủ ở trong lòng, được nói lên điều suy nghĩ của mình và được làm bất cứ công việc gì mà mình ưa thích!

Bỗng dưng tôi thấy lòng mình thanh thản ra, chẳng phải vì tôi vui khi sắp được ra tù. Đây chỉ là một cuộc chuyển trại để cho từng đợt người tù như tôi bước từ một nhà tù nhỏ sang một nhà tù rộng lớn hơn thì có gì để vui khi chưa thật sự mãn một kiếp ‘‘bỗng dưng biến thành tù tội’’! Tôi cảm thấy sung sướng hơn bao giờ vì tôi vừa nhận ra rằng trước đây mình chẳng phải là một kẻ hám ăn, không vì một miếng thịt tươi mà bàn tay tôi phải vấy máu một sinh vật khác mà Thượng đế đã sắp đặt cho nó cùng chung sống hòa bình với tôi trên quả đất này. 

Và tôi lại liên tưởng đến một người bạn tù nào đó vừa đặt bước chân lên đoạn đầu của con đường mà anh đã tự chọn. Cầu nguyện ơn trên cho anh được bình an trên suốt lộ trình tìm đến một khung trời tự do mà bấy lâu anh hằng ấp ủ ở trong tim.

Nguyên Bông

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010