SỐ 48 - THÁNG 10 NĂM 2010

 

BÉ LAN

Học trò của Thanh chỉ vỏn vẹn có ba đứa… con gái! Kể lại chuyện… dạy học cho nó… oai một tí, chớ kẻ mặc áo lính… trường kỳ như Thanh thì làm sao có cơ hội để hành nghề… ''gõ đầu trẻ'' như bao thầy cô khác! Trong những ngày không phải bận hành quân, hay những khi đơn vị nằm dưỡng quân hoặc ứng chiến tại vị trí đóng quân dã chiến, và nếu như Trung đội không phải đến phiên trực đi... ''ăn sương'' lúc đêm về, thì thế nào ba đứa… học trỏ kia cũng lôi Thanh cho bằng được về nhà của Ba Má nuôi để hướng dẫn cho chúng học thêm. Thường thì sau buổi học, tụi nó cùng nhau… hợp soạn, có nghĩa là… đồng tác giả của những chén chè ngọt lịm để đãi đằng Thanh! Đã vậy mà thỉnh thoảng, chúng còn õng ẹo đòi… ''ông thầy'' dẫn đi ăn kem ở ngoài chợ, xong chúng tranh nhau việc… trả tiền!

Lúc đầu, Thanh chỉ nhận dạy kèm cho đứa con gái út của Ba Má nuôi là… Nhỏ Hà mà thôi. Hà có làn da mặt và đôi cánh tay trắng như... trứng gà bốc vỏ. Đã vậy mà… Bà Mụ lại… nắn cho cô ta có dáng dấp dong dỏng cao như... cây tre miễu đầu làng! Nhưng Ông Trời vẫn còn… ngó lại, chắc là để đền bù cho sự chẳng nương tay của Bà Mụ, nên ban cho... hai chiếc răng khểnh nhỏ để điểm tô cho nụ cười của cô ta thêm duyên dáng!

Hai ngày sau, Nhỏ Hà dẫn về giới thiệu với Thanh đứa học trò thứ hai là Mỹ Hồng, với tấm thân tròn vo như... bao gạo biết đi! Dáng nàng ục ịch thế mà giọng nói lại… thăng, giảm rất nhịp nhàng, thỉnh thoảng dừng lại lấy hơi như để… sổ trường canh cho... bản nhạc mà nàng đang hát bằng những nụ cười… híp mắt!

Và ngày hôm sau nữa, Bé Lan là cô học trò thứ ba đến xin theo học mà chẳng nói năng được một lời, luôn đứng nép mình sau lưng Nhỏ Hà mà phóng hai ánh mắt lạnh như... sao băng về phía Thanh! Đã vậy mà ông thầy lại gật đầu thâu nhận ngay! Chẳng lẽ họ có số trời định là… thầy trò với nhau chăng?

Cả ba đều là gái… trăng tròn mười bốn, cái lứa tuổi… ''ăn chưa no, lo chưa tới'', thế mà với sắc vóc… mỗi người mỗi vẻ chẳng ai giống ai đó, tuy vừa mới chớm… ''bén nụ tầm xuân'' thôi, sức thu hút của cả ba nàng cũng có lúc làm… mềm lòng kẻ khác, cho nên ông thầy Thanh đã dốc hết lòng lo vun quén từng chữ, từng câu cho đám… đệ tử, đó chẳng phải là chuyện lạ! Làm một ông thầy… chẳng có bằng cấp như Thanh, cho dù một trong các ngăn kéo của buồng tim chàng đã có một bóng hình ở quê nhà ngự trị ở trong đó rồi, các ngăn còn lại đang… bỏ ngõ, mà hình như có… cô học trò nào đó đang lăm le muốn vào chiếm một chỗ trú ngụ vĩnh viễn, không biết ông thầy có trấn áp được lòng mình để tránh khỏi bị xao xuyến trước các ngọn sóng… ba đào đang dồn dập bổ tới hay không!

Ba Sáu thì thường hay đi dỡ lộp ở ngoài con rạch nhỏ chảy ngang qua giữa cánh đồng lau sậy phía sau nhà, để rồi sau buổi học, Ba Sáu và Thanh, ‘‘hai cha con’’ ngồi nhậu lai rai rượu đế nếp than Cà Mau trong chái bếp sau hè với món canh chua cá bóng kèo nóng hổi, trong khi từng đợt ngọn gió mát từ ngoài cánh đồng lau sậy đưa vào, thấy thoải mái làm sao!

Chỉ có Má Sáu thì thường hay ra nằm nhai trầu trên chiếc võng căng ra giữa hai cây cột ở ngoài hàng hiên, thỉnh thoảng đưa ánh mắt nghiêm khắc nhìn vào trong nhà như thể là một bà… giám thị luôn thị sát… thầy và trò chụm đầu vào nhau quanh chiếc bàn tròn kê ở giữa gian trước nhà! Việc đó không làm cho Thanh ngại, trái lại chàng rất an tâm, luôn cố giữ cho lòng mình trong sáng! Một… ''ông thầy'' tốt như vậy mà chẳng được làm thầy, bởi trước đây chàng đưa đơn xin thi vào học ở nhiều trường dạy… làm thầy, mà chẳng nơi nào chịu nhận chàng cả! Bởi… nghiệp lính nặng hơn… nghiệp thầy, mà cái nghiệp sau chẳng phải là số trời cho, nhưng vì quá thích từ thuở còn đi học mà không thành tựu được nên Thanh bèn bày đặt chuyện dạy cho con cháu người khác học cho đỡ… ghiền mà thôi!

Nói thì nói vậy, chớ cái nghề… tay trái của anh chàng sĩ quan này cũng có chút… tiếng tăm, tuy không lừng lẫy, nhưng cũng có lúc làm cho chàng… phồng mũi lên!
Hôm đó, khi đi học về, Mỹ Hồng chạy đến hỏi Thanh:

- Chết rồi anh ơi! Cô em… truy hỏi về anh… lung tung, làm cho em chẳng biết trả lời ra sao cả!

Thanh chẳng biết… ất giáp gì nên hỏi lại:

- Chuyện gì thì em cứ… từ từ mà nói cho anh nghe đi!

Mỹ Hồng xịu mặt xuống trách Thanh:

- Ai bảo anh… tài lanh sửa bài trong vở của em làm chi cho...

Thanh chợt hiểu. Nhân một lần Thanh xem tập vở môn Pháp văn của Mỹ Hồng, thấy nàng chép bài Lecture với nhiều chữ sai chính tả, Thanh bèn sửa lại bằng viết chì, đã là nguyên do tạo nên lòng tò mò của cô giáo muốn biết sự thật của vấn đề. Chuyện chỉ có vậy mà đã làm cho anh Thanh tuy có chút… hết hồn, nhưng… vui thì chẳng biết bao nhiêu mà kể!
Cùng với niềm vui phơi phới ở trong lòng, Thanh lân la hỏi Mỹ Hồng:

- Cô giáo hỏi làm sao?
- Thì cổ hỏi… ''Ai sửa đây?''. Em đáp rằng ‘‘Anh của em đó!’’. Cổ hỏi tiếp… ''Anh của em là ai?''. Em đáp… ''Anh của em là… sĩ quan'', mà cổ còn hỏi tới… ''Cấp bậc gì?''. Sời… ơi! Cái cô sao mà nhiều chuyện! Em giận muốn… chết luôn! Nhưng em cũng ráng sức dằn lòng xuống đáp… ''Chuẩn úy!''

Nói đến đây thì Mỹ Hồng mới ngưng để… ''sổ trường canh''!
Nhân cơ hội này, Thanh hỏi:

- Cô giáo của em còn hỏi gì nữa?
- Cổ hỏi… ''Có phải cái anh chàng Chuẩn úy thủ… Quân kỳ đó không?''.

Thanh đưa tay ra dấu không cho Mỹ Hồng nói tiếp, bởi chi tiết của câu chuyện tiếp theo ra sao chàng đã rõ. Thanh nhớ lại là hôm làm Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở sân bay nhỏ của Tỉnh lỵ vừa qua, chàng được đơn vị đề cử đi thủ Quân kỳ trong Toán Hầu Kỳ! Hôm đó có đông đủ quân, cán, chính và các đoàn thể nhân dân, học sinh đến tham dự. Chẳng lẽ có cô giáo dạy môn Pháp văn nào đó đã nhìn Thanh kỹ đến độ chàng ta… rụng rời tay chân, cây cờ… sắp rơi xuống đất chăng?
Mỹ Hồng nhìn Thanh đăm đăm, rồi như hãy còn ấm ức ở trong lòng, nàng tiếp:

- Sời ơi! May mà cổ không hỏi… ''Anh của em có vợ chưa?''. Chớ mà cổ hỏi vậy, em trả lời liền… ''Chưa!'', cho bõ ghét!...

Cho đến một hôm, Bé Lan không đến lớp. Thế là suốt buổi sáng hôm đó, lòng… ông thầy cảm thấy nôn nao lạ! Lớp học tan, Thanh rủ Nhỏ Hà và Mỹ Hồng đến thăm Bé Lan. Đó là một căn nhà mái tôn vách ván nhô lên giữa dãy phố lá nằm dọc bên này con Rạch Xóm Chùa, mặt tiền ngó ra con lộ đá, phía bên kia là Khu Chợ Mới Cà Mau còn đang xây dựng dở dang.

Bé Lan đang nằm trùm mền ở trên giường. Thanh bước đến kéo mí mền xuống. Nàng mệt mỏi giương đôi mắt tròn vo như mắt mèo con ra nhìn chàng. Cho dù ánh sáng chỉ lờ mờ trong căn phòng nhỏ hẹp, Thanh vẫn nhận ra màu mắt nàng đỏ hoe như màu… tôm luộc!
Thanh đang rón rén đặt lòng bàn tay mình lên trán Lan thì đã nghe có tiếng chào ở sau lưng:

- Chào Thiếu úy!

Thanh giật mình rút bàn tay về và quay lại. Chàng rất ngạc nhiên khi thấy người đàn bà đang đứng trước mặt mình là… Chị Huệ bán xôi ở ngoài chợ! Và mặc cho Hà và Hồng đang tíu tít hỏi thăm về bịnh tình của Bé Lan, Thanh khẻ cúi đầu chào người đàn bà trẻ, đoạn bước nhanh trở ra phòng khách. Và chàng đã buông xuôi, để mặc cho tâm tư mình lướt êm đềm trên dòng sông quá khứ, trở về dừng lại nơi bến bờ kỷ niệm cách đây không lâu lắm…

Sáng ngày hôm đó, Thanh và Dương vừa ngồi xuống quanh chiếc bàn tròn nơi chiếc quán cà phê ở đầu dãy phố chợ ngoài thị xã thì đã có một người đàn bà trông dáng dấp hãy còn son trẻ bước đến chào mời:

- Mời… Thiếu úy và cậu đây ăn xôi! Mua… mở hàng giùm chị đi!

Thanh và Dương chưa kịp trả lời thì người bán xôi đã quay ra gánh xôi của mình.
Cô chủ quán cà phê cũng vừa bước tới:

- Thiếu úy hãy… ăn xôi đi, ngon lắm! Uống cà phê gì nói để em pha?

Thanh vừa định hỏi ý kiến của Dương như thế nào thì anh chàng vừa liếc nhìn cô chủ quán vừa… phán một câu xem bộ anh ta… sành việc ăn uống lắm:

- Đúng vậy đó Thiếu úy! Thưởng thức món xôi… thơm ngon mà không có vị đắng… đặc biệt của cà phê đưa… duyên thì nó… phí đi một buổi sáng đẹp trời lắm đó!

Anh chàng Y tá Dương, đã có Chứng chỉ học lực lớp Đệ tứ mà chẳng thèm đi học khóa Hạ sĩ quan, bởi cái lon… cánh gà Trung sĩ đeo ở tay áo không hấp dẫn được anh ta nên… trốn lính ở nhà, rồi bị bắt đưa đi quân dịch. Vừa dứt xong câu… triết lý, chẳng biết có hàm ý gì trong đó không mà Dương lại ngước mắt lên nhìn cô chủ quán một lần nữa với vẻ như chờ đợi sự góp ý. Người đẹp chẳng trả lời trả vốn, vội ném vào mặt Thanh một cái nhìn… sắc như dao cạo rồi bước thẳng.

Từ phía quày hàng tính tiền, thỉnh thoảng cô chủ quán len lén liếc về phía người sĩ quan trẻ! Thanh nghĩ là cô ta đang cố nhớ lại xem có phải chàng là kẻ mới đến đây lần đầu hay không! Nhưng chàng lại có cảm giác rằng cặp lon… quai chảo còn mới toanh trên ve cổ áo trận của mình đã làm cho cô ta chú ý, bởi nó đã tự… tố cáo rằng đây là một tên Chuẩn úy vừa mới ra… lò Thủ Đức, thường được anh em binh sĩ trong đơn vị gọi tâng lên một bậc là… Thiếu úy, cốt để cho qua truông… ''phủi cẳng leo lên bàn thờ''! Chả lẽ chị bán xôi và cô chủ quán kia cũng hiểu rõ cái… mốt thông dụng mà giới nhà binh thường hay xài đến độ… phổ thông rồi chăng?

Lính thì thường kiếm cái gì đó để ăn trước lúc lên đường đi hành quân cho... chắc bụng, kẻo nữa chết làm… ma đói! Lúc được nghỉ thì đến trưa mới có cơm… hỏa đầu vụ, làm gì có cữ xôi để… ăn sáng! Nếu được dịp ra chợ ngồi nhìn từng giọt cà phê đắng rớt xuống đáy ly, nghe tiếng nhạc trữ tình phát ra từ cuộn băng nhựa… Aikai kia để tạm quên đi cái chuyện… đánh nhau ngày hôm qua, đó là điều hạnh phúc! Và đó cũng là… điều mơ ước… cỏn con của đám lính bộ binh, thế mà lâu lâu mới được… ra thành, cũng đã là niềm an ủi rồi!

Thấy câu… triết lý mà chẳng biết anh chàng Dương học được từ đâu, nghe qua cũng hay hay, nên Thanh định sẽ đến đây… dài dài khi không phải đi hành quân, để cho đời lính chiến có cơ hội… tươi lên một chút!
Chị bán xôi bước đến để hai gói xôi lên bàn, ban cho Thanh một nụ cười tươi trước khi vội vã quay đi.

- Ăn xôi đi Thiếu úy!

Nếu không có lời mời mọc của Dương, có lẽ lòng Thanh sẽ chưa thoát ra được cơn xao xuyến, vẫn còn đang… ngổn ngang trăm mối tơ vò bởi dáng dấp kiều diễm đang thoăn thoắt lướt đi trên những bước chân kiêu sa của người đàn bà buôn gánh bán bưng kia! 

Cô chủ quán cũng đã bưng khai cà phê phin tới. Nàng lặng lẽ ban cho Thanh một nụ cười… nửa miệng rồi cũng như chị bán xôi, vội quay đi nhanh, để rồi ở phía sau quày tính tiền, cô ta lại ngồi giương đôi ánh mắt… xoi bói về phía chàng. Mới về đơn vị chưa đầy một tháng, chưa có lần ra chốn… ăn chơi nơi cái thị trấn buồn hiu ở cuối miền đất Việt này, có lẽ cái mặt… lính mới tò te của Thanh đã là nguyên do làm cho người đối diện phải chú ý và tò mò muốn biết đời tư của chàng chăng?

Thanh làm theo Dương. Vòng lá chuối bao quanh gói xôi được mở ra. Mùi nước cốt dừa, đậu phộng rang cùng với mùi nếp mới hòa lẫn với hương thơm cà phê bốc lên mũi khiến cho lòng chàng ngây ngất. Thuở còn đi học, Thanh… chuyên môn ăn cơm nguội rồi đến trường, làm gì có cục xôi thơm tho giấu mình kín đáo trong miếng bánh phồng bao quanh!
Dương nuốt vội một miếng xôi qua cổ, bưng ly cà phê sữa lên môi hớp một ngụm rồi ngước lên nhìn Thanh hỏi:

- ‘‘Ông thầy’’ thấy thế nào?
- Thế nào là… thế nào? Thanh hỏi lại.
- Thì cô… bán xôi và cô… chủ quán cà phê đó!

Thanh nghĩ, chẳng lẽ Dương cho rằng mình đã… phải lòng cả hai người đẹp? Một người còn chưa dám, làm gì có chuyện cả gan… ''bắt cá hai tay''! Chàng chẳng trả lời Dương mà quay nhìn ra phía cửa quán. Khách bắt đầu vô và ai cũng dừng lại bên gánh xôi để mua một gói trước khi bước vào bên trong quán cà phê. Thì ra, chỉ với một nắm xôi và một tách cà phê vào buổi sáng cũng đủ làm ấm lòng bao kẻ đang… chạy nước rút trong cuộc sống đầy nhiễu nhương này!

Thanh và Dương cùng nhau bước ra ngoài hiên. Nhìn chị bán xôi luôn tay gói xôi mà không xuể, Thanh liên tưởng đến bao cảnh sống trong xã hội, sống tất bật cho hôm nay, chẳng biết ngày mai rồi sẽ ra sao, giống như chàng và bao đồng đội khác, trước lúc cùng nhau xông vào vòng lửa đạn, chẳng biết mình rồi sẽ ra sao, đến khi về đến bãi tập kết nơi vị trí đóng quân mới cảm nhận ra là mình hãy còn… tốt số!...

Trung đội của Thanh đóng quân dã chiến trong khu nhà dân nằm đối diện với nhà của Bé Lan, nên lớp học của chàng dời về nhà nàng. Thanh cũng đã ăn cơm tháng theo lời đề nghị của mẹ nàng là chị Huệ bán xôi. Trong những ngày không đi hành quân, chị Huệ cho thầy trò Thanh tá túc trong gian nhà trước. Thanh đặt một chiếc ghế xếp nhà binh sát bên chiếc cửa sổ ngó ra con lộ đá phía trước. Chiếc ba-lô chứa một ít quân dụng cá nhân để ở dưới chân giường. Dương thì căng võng ra giữa hai cây cột gỗ ở giữa nhà. Dương tiếp tục ăn cơm do Hỏa đầu vụ cung cấp mỗi khi hành quân cũng như lúc ở nhà. Kể từ ngày Thanh đến tá túc nơi nhà chị Huệ, chị bảo việc ăn uống của chàng để chị lo cho. Chị nói… ''Nhà chị chỉ có hai miệng ăn, cũng chỉ… ngày hai bữa thổi cơm, có cậu nữa thì cũng vậy thôi''. Chị Huệ đã đổi cách xưng hô và Bé Lan cũng đã bỏ đi tiếng… ''thầy'', gọi Thanh bằng… cậu từ dạo ấy!

Người lính chiến như Thanh cảm thấy ấm lòng khi được mẹ con chị Huệ xem như người thân. Nhưng lũ bạn của chàng thì lại nghĩ khác! Tụi nó nói… ''Mầy đã là chuột sa hũ nếp rồi đó!''. Thanh vẫn nghĩ tụi bạn trong đơn vị nói chơi nên chẳng thèm quan tâm lời của chúng nó!

Một hôm, khi vừa mới lãnh lương ra, Thanh hỏi chị Huệ lấy bao nhiêu tiền cơm để trả, chị nhìn vào mắt chàng thật lâu rồi nói:

- Cậu không xem chị Huệ này là… chị của cậu sao?

Từ lâu, Thanh vẫn xem chị Huệ như là chị ruột, nhưng chàng vẫn phải nói lên lý lẽ ở đời:

- Sao chị lại nói như vậy? Em ăn cơm của chị thì phải trả tiền cho chị chớ!

Chị Huệ xua hai bàn tay ra phía trước kèm theo một ý mà hình như chị đã chuẩn bị sẵn từ lâu rồi:

- Không còn việc gì nữa để cho cậu phải quan tâm! Từ nay về sau, cậu đừng đưa… tiền cho chị nữa, chị vẫn lo cho cậu được mà!
- Nhưng…

Chị Huệ vội đưa hai bàn tay nổi lờ mờ mấy sợi gân xanh đặt lên hai vai Thanh rồi nói trong nỗi nghẹn ngào:

- Vậy chớ cậu dạy con Bé Lan học đó, chị có… trả lương đồng nào cho cậu chưa?

Nói xong câu nói chí tình đó, chị Huệ đã ôm choàng lấy Thanh, sát đến độ chàng cảm nhận ra rằng nhịp đập của con tim trong lồng ngực của chị đập mạnh mỗi lúc càng dồn dập hơn! Mãi đến lúc Thanh vừa chợt nghe hình như có tiếng động từ phía cánh cửa ra vào, chàng đẩy chị Huệ ra và vội vã bước đến xếp lại mấy tờ báo để trên chiếc bàn tròn cho dù nó đã nằm ngay ngắn rồi.
Cùng lúc đó có tiếng Bé Lan ở sau lưng Thanh:

- Thưa cậu, con đi học mới về!

Thanh quay lại, lòng lo lắng chẳng biết Bé Lan có trông thấy việc gì đã xảy ra đúng ba mươi giây về trước hay không? Thanh nhìn sang chị Huệ. Chị vội quay đi, nhưng chàng vẫn vừa kịp nhận ra hai bàn tay trắng ngần vừa quẹt vội vàng ngang qua hai khóe mắt như thể để xóa đi hai dòng châu chực trào ra từ trong hai ao nước hồ Thu trong xanh, phẳng lặng như tờ… 

Thanh vào quân đội năm chàng đã hai mươi lăm tuổi! Chàng đã khai thật rằng đã có đúng… hai mươi lăm mùa Xuân đi qua cuộc đời, nhưng chẳng ai tin điều đó! Mấy anh chàng sĩ quan trẻ trong đơn vị, có đứa tuổi đời chỉ mới hai mươi, hai mươi hai vẫn thường hay… ''mày tao'' với Thanh, chàng chẳng lấy đó làm buồn mà trái lại còn cảm thấy tâm hồn mình như trẻ ra chút xíu. Chị Huệ đã ba mươi hai! Cho dù chị có luôn quang gánh trên vai, nhưng trông chị hãy còn trong độ xuân thì, hãy còn son trẻ lắm! Người chưa biết chị, không thể nào đoán được chị đã là… ''gái một con''! Bà con chòm xóm sống chung với mẹ con chị Huệ, phần đông là những bà vợ lính cùng với mấy đứa con đã đến ngụ trong dãy phố lá này chẳng biết từ lúc nào! Và những sinh hoạt của họ, thoạt trông, chẳng khác gì một… ''trại gia binh'' dã chiến của đơn vị vậy. Chồng ở đâu, vợ con ở đó thôi!

Cứ mỗi sáng sớm, chị Huệ gánh xôi ra chợ ngồi bán trước cái quán cà phê ở ngoài thị xã. Đến trưa, chị quảy gánh trở về rồi ru rú ở trong nhà. Chỉ với bấy nhiêu đó cũng đủ để cho những người sống quanh chị dành một mối thiện cảm tốt đẹp cho một người đàn bà mà họ cho là chỉ lo chí thú làm ăn để nuôi con ăn học…

Chính vì cảnh… ''mẹ góa con côi'' và sắc vóc trời cho... ''gái một con trông mòn con mắt'' mà chị Huệ phải… khổ vì cánh đàn ông!
Chị đã tâm sự cùng Thanh:

- Có người đã đa đoan… ''một bầu thê tử'' rồi, lại muốn… kề vai gánh vác việc nhà với chị đó!
- Rồi chị trả lời họ như thế nào?

Thanh hỏi trong khi chị Huệ đưa tầm mắt mình lướt qua khung cửa sổ hẹp. Ở một nơi xa xăm nào đó, có lẽ chị đang dõi bước về hình bóng của người thương hãy còn đang mê lãng du phiêu bồng trên chín tầng mây bạc. Rồi chị khẻ lắc đầu! Thanh chẳng đoán được đó là cử chỉ để trả lời… ''không'' cho câu hỏi của chàng, hay đó là một thái độ biểu hiện sự chán chường về một cảnh đời đầy tham lam và dối trá!
Thanh lại hỏi tiếp:

- Chẳng lẽ chị… ở vậy mãi sao?
- ‘‘Ở vậy mãi sao’’? Chị Huệ quay lại nhìn vào mắt Thanh thật lâu rồi lập lại câu hỏi của chàng.

Thanh nhìn thẳng vào mắt chị. Ở trong thẳm sâu của hai đáy nước ao thu kia hình như có bóng dáng của một người đàn ông đang nhìn chàng đăm đăm. Thanh chợt hiểu! Thì ra trong tâm tư của chị Huệ vẫn còn in đậm một bóng hình, thì ai mà ve vãn chị cho được!

- Cũng may mà có cậu!

Thanh giật mình đến thót bụng, bởi chẳng ngờ chị Huệ lại buông một câu làm chàng ngơ ngẩn cả người!

- Cậu làm sao vậy? Chị chưa nói hết câu mà! Cũng may mà có cậu… dọn về ở chung nhà với mẹ con chị, mấy người định đem… cần câu ra… rê… chị đã cuốn vó… dông hết rồi!

Rồi chị Huệ nhìn Thanh, mỉm cười nói tiếp:

- Cậu có biết tại sao không?

Trong khi Thanh còn đang chẳng biết chị Huệ muốn nói điều gì thì chị tiếp:

- Mấy ông đó… sợ… cánh nhà binh lắm đó!

Thanh chợt hiểu. Nhìn cảnh sống chung chạ giữa chàng và hai mẹ con của chị Huệ, người ta tưởng rằng… ''Gái tứ chiếng gặp trai anh hùng'' của thời đại thì ai mà dám vô đây giành giựt! Thanh không nghĩ là chị Huệ đã… lợi dụng mình, bởi ruột gan chị ra sao, chị đều phơi bày cho chàng biết hết. Nghĩ lại thân mình, Thanh tự hỏi rằng mình chẳng đang ăn nhờ ở đậu nhà người ta đây sao? Hai cuộc đời, hai cảnh sống, mặc ai nói gì thì nói, Thanh vẫn luôn kính trọng và xem chị Huệ như người thân quyến một nhà.

Đối với Bé Lan, Thanh cũng vẫn xem nó như đứa cháu ruột vậy. Thế mà vào một buổi sáng, trong khi Thanh đang ngồi đọc báo bên chiếc bàn tròn thì Bé Lan ôm cặp sách xô cửa bước vào.

Nhìn vào đôi gò má hây hây đỏ của đứa cháu, Thanh tưởng rằng nàng đang học mà bị bịnh nên xin về sớm, nên vội đứng bật dậy hỏi:

- Con bị cảm rồi phải không?

Lan đưa ánh mắt buồn hiu liếc vội qua Thanh rồi đáp:

- Dạ, không có!

Rồi Lan bước vội vào trong phòng ngủ.
Chữ nghĩa trên tờ báo nhảy múa trước mắt Thanh. Và trong đầu chàng luôn nảy ra nhiều câu hỏi liên quan đến đứa cháu mà chàng chẳng thể nào tự giải đáp cho mình. Cuối cùng, Thanh chẳng thể nào trấn áp được lòng lo lắng cho đứa cháu nên bước đến gõ cửa phòng Lan. Phải đợi đến hơn một phút sau, Lan mới ra mở cửa rồi chẳng nói lời nào, nàng quày quả leo lên giường nằm quay mặt vào vách mà khóc nức nở!

Lòng người cậu đau nhói như dao cắt khi thấy hai bờ vai tròn nhỏ run lên từng chập theo từng tiếng nấc nghẹn ngào!
Thấy chẳng đặng dừng, Thanh bước đến hỏi:

- Con bịnh ra sao, nói để cậu đi mua thuốc cho con uống!

Lan đáp ngay trong nước mắt ràn rụa:

- Thôi khỏi, cậu chẳng cần lo cho con làm chi, lo cho... ''người khác'' đi!

Thanh đứng chết lặng khi âm vang của hai tiếng… ''người khác'' như hãy còn đang lảng vảng ở bên tai! Thanh chợt hiểu là con bé muốn nói đến điều gì! Thanh nhớ lại lần mà chị Huệ đã sa vào ôm chầm lấy chàng cách đây không lâu, khiến cho lòng chàng tan nát như tương khi nghĩ rằng đứa cháu cưng đã hiểu lầm về lòng người cậu trong sạch như tờ giấy trắng học trò!

Chả lẽ lại bỏ đi, Thanh đến ngồi xuống bên mép giường, định phân bua với Bé Lan vài lời thì chị Huệ đã về tới và đang đứng ở trước cửa phòng! Thấy Thanh ngó ra, chị đưa tay ra hiệu cho chàng với hàm ý… ''Cậu cứ tự nhiên trò chuyện với nó đi'', rồi quày quả bỏ đi!

Bao nỗi lo lắng nổi dậy trong lòng Thanh dồn dập như... ''nước cơm sôi, hơi nước bốc lên mỗi lúc càng nhiều hơn'', khiến cho lòng chàng như sắp nổ tung! Điều mà chàng nghĩ ngay lúc bấy giờ là đứa học trò giỏi nhất lớp có thể cho rằng chàng và mẹ nàng đã… ''có gì với nhau''! Và về phía chị Huệ, có thể chị đang tự hỏi lòng mình rằng… ''có phải mình đang… nuôi ong tay áo đây chăng?''! Ôi! một kẻ như Thanh bỗng dưng biến thành một kẻ…  tầm thường thì biết làm sao mà… ''thanh minh thanh nga'' đây!

Dù sao thì chuyện cũng đã xảy ra rồi, Thanh lay vai Bé Lan và rỉ vào tai nó… ''Mẹ con đã về rồi, đừng khóc nữa'', rồi vội vã bước ra khỏi phòng.

Chị Huệ đang chuẩn bị các thứ để ngày mai dậy sớm nấu xôi.
Thanh rón rén bước đến sau lưng chị, định nói vài câu nhưng mở lời không đặng!
Chị Huệ quay lại hỏi:

- Con Lan nó bịnh làm sao vậy cậu?

Thanh ấp úng:

- Có lẽ cháu nó hiểu lầm!

Chị Huệ nhìn vào mặt Thanh thật lâu rồi buông ra một câu làm tan đi bao nỗi ray rức ở trong lòng chàng:

- Lỗi là do ở chị cả!

Thanh bất chợt nhớ lại lần mà chị Huệ đã ôm chàng, rõ ràng là vòng tay của chị chứa chan tình cảm trong sáng của một người chị đối với đứa em trai mà thôi! Thanh cảm nhận ra điều đó từ lâu, nhưng không ngờ rằng Bé Lan đã… buồn vì chuyện đó! Cùng lúc câu nói dỗi hờn có kèm theo hai chữ… ''người khác'' làm cho Thanh cảm thấy bồn chồn, khó ở trong ruột như ăn phải vật lạ khó tiêu!
Thanh đem điều suy nghĩ của mình ra nói với chị Huệ:

- Em vẫn xem Bé Lan như là cháu ruột của em!

Chị Huệ nói tỉnh bơ như chẳng có chuyện gì cả:

- Chị đã nhận ra điều đó! Nhưng sự việc đã xảy ra là do chị không biết cách chi để dạy dỗ đứa con gái của mình. Chị cũng đã tin tưởng ở cậu nên yên tâm rằng chẳng có chuyện gì xấu xa giữa… hai cậu cháu! Thôi, cậu hãy trở vào tìm cách mà an ủi cháu đi!...

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày tựu trường. Nhân ngày không bận quân vụ, Thanh ra ngôi nhà lồng Chợ Cà Mau tìm mua mấy xấp vải trắng để may áo dài đem về tặng cho mấy đứa học trò. Một cô bán hàng đang trò chuyện với mấy cô bạn bên quày hàng thấy Thanh đang đi lơn tơn, vậy mà cô ta đoán được ý như... đi guốc trong bụng chàng vậy.
Cô ta nắm lấy tay chàng rồi vồn vã:

- Thiếu úy mua vải áo dài cho... bà xã phải không? Hãy ghé vào sạp của em rồi tha hồ mà chọn! Hàng mới về còn nguyên cây, đủ màu cả, Thiếu úy mua… mở hàng cho em đi!

Thanh chỉ vào mấy cuộn vải màu trắng hỏi:

- Loại nào mà các em nữ sinh dùng may áo dài mặc đi học vậy?

Cô bán hàng quá tin ranh làm Thanh phát ngượng:

- À ra thế! Mua áo dài cho... ''em'' phải không? Vậy để em cắt cho! Mấy bộ vậy Thiếu úy?

Thanh định mua ba bộ áo dài cho ba đứa… học trò nên đáp tỉnh bơ:

- Ba!

Mấy cô bán hàng ngây người ra hết nhìn Thanh rồi lại quay sang nhìn nhau tỏ vẻ ngạc nhiên.
Một cô trong bọn lên tiếng:

- Có… quần không vậy Thiếu úy?

Thanh biết mấy cô này đang tìm cách trêu chọc nên chàng đùa lại cho vui:

- Lần này thì tôi mua cả… quần lẫn áo dài tặng cho mấy đứa cháu! Lần sau, tôi sẽ tìm đến đây để mua… quần áo cưới để tặng cho người yêu của tôi đó!

Cả ba đều đồng thanh dơ tay lên hỏi:

- Là em đây phải không?

Thanh tinh quái nhìn lướt qua ba cô một lượt, thấy cô nào cũng đẹp nên đáp:

- Cưới một lượt cả… ba người đẹp này đó!...

Hôm sau, sau buổi học, Thanh lấy một xấp vải quần áo dài ra đưa cho Hà, vừa nói vừa liếc nhìn sang phía Mỹ Hồng và Bé Lan:

- Anh tặng cho em nè!

Nhỏ Hà vui vẻ lộ ra mặt, Bé Lan thì xịu mặt xuống trong khi Mỹ Hồng lên tiếng so bì:

- Còn phần của em đâu?

Thanh đáp… ''có ngay'' rồi lật đật chạy đến mở ba-lô lôi ra một xấp vải nữa định đưa tặng cho Mỹ Hồng. Lúc trở lại thì chẳng thấy bóng Bé Lan ở đâu cả, còn Nhỏ Hà và Mỹ Hồng thì đang che miệng cười khúc khích! Thanh chỉ là muốn trao quà theo kiểu… tuần tự này cho vui, chẳng dè bé Lan lại giận bởi cho rằng… người cậu chẳng quan tâm đến mình nên bỏ đi!

Thanh ôm xấp vải trong khi cả Hà và Hồng theo sau đẩy chàng vào phòng của Lan rồi vội vã quay lui.
Bé Lan đang ngồi bên mép giường, vẻ mặt buồn rười rượi!
Nhìn lại sau lưng chẳng còn thấy bóng của Hà và Hồng, Thanh lên tiếng:

- Quà của con đây này, hãy nhận đi cho cậu vui!
- Ai thèm quà của cậu đâu mà mua cho mắc công tốn tiền!

Thanh mạnh dạn đặt vội một nụ hôn lên suối tóc dài óng mượt kia rồi hối:

- Đừng làm vậy, tụi nó cười vào mặt… cậu đó, hiểu không?

Thanh đặt gói quà vào tay đứa cháu hay làm… nũng và kèm theo lời dỗ ngọt:

- Mau ra ngoài, chúng ta cùng nhau đi ăn kem, cậu đãi đó!...

Thanh đưa cái ‘‘Lệnh Thuyên Chuyển’’ ra cho chị Huệ xem. Chị chỉ liếc sơ qua mấy dòng đầu thôi rồi đưa tờ giấy trả lại cho Thanh, bởi chị đã biết rõ nguyên do vì sao và chị cũng đã đồng ý với việc Thanh nên xin thuyên chuyển qua đơn vị khác!

Với nét mặt buồn, chị Huệ ngước mắt lên nhìn chàng rồi nói trong nỗi nghẹn ngào, tiếng còn tiếng mất trong cổ họng:

- Chừng… nào… cậu… đi?

Thanh đáp theo dự tính của mình:

- Kể từ ngày rời quân trường đến giờ em chưa có lần về thăm nhà, chắc là em phải về quê chơi độ vài tuần rồi mới đến trình diện nơi đơn vị mới!

Chị Huệ lo lắng:

- Lâu vậy rồi có… bị phạt không đó!
- Không có sao đâu chị à!

Rồi chị bước đến nắm lấy đôi tay Thanh để bày tỏ nỗi lòng của mình, như van lơn:

- Chị biết rõ là em không còn có dịp để đặt chân đến nơi này nữa đâu! Hay là cậu ở lại đây chơi vài ngày với mẹ con chị đi? Chị đã khuyên lơn Bé Lan và nó đã nhận ra điều mà chị muốn dạy dỗ nó. Tuổi trẻ bồng bột chẳng biết nghĩ suy mà! May mà nó biết nghe lời chị và nó đã hứa với chị là nó sẽ… quên cậu đó!
- Em rất vui khi chị đã hiểu được em! Và em cũng rất mừng khi thấy Bé Lan biết đi theo con đường mà chị đã hướng dẫn cháu. Vâng, em sẽ ở lại đây chơi, vì còn những bốn ngày nữa em mới có chuyến bay về Sài Gòn.

Những ngày mà Thanh còn ở lại nhà chị Huệ rất là hạnh phúc! Quả là… bốn ngày vàng ngọc mà chàng chẳng thể nào quên được! Chị Huệ và Bé Lan luôn làm các món ăn ngon mà đãi đằng chàng. Mỗi lần như vậy đều có Nhỏ Hà cùng với Mỹ Hồng đến tham dự, xem chừng như lũ… ''học trò'' luôn quấn quít bên… ''thầy'', chẳng muốn rời xa nửa bước!

Một hôm, có mặt chị Huệ, Bé Lan bảo Thanh đưa bóp cho nàng xem. Lục lọi một hồi, nàng day qua nói với chị Huệ… ''Mẹ ơi! Trong bóp của cậu chẳng có một đồng… ten làm thuốc… đẹn nữa! Thanh bật cười cho cái giọng nói nhí nhảnh của con bé và cả cho cái… nghèo của mình nữa. Thanh chỉ còn vừa đủ tiền để mua một vé máy bay đã là điều… hên rồi!
Chị Huệ nói với Lan:

- Con có tiền thì cho cậu một ít đi!

Lan vội chạy về phòng. Lúc trở ra với một nắm tiền trong tay, nàng nhét hết vào túi áo trận của Thanh rồi nói:

- Cho cậu đó! Để phòng khi có đạp… bánh tráng, có mà đền cho người ta!

Ngày lên đường về quê thăm nhà, hai cậu cháu đón xe lôi ra phi trường Bảng Nước Ngọt.
Trên đường đi, Bé Lan nũng nịu với người cậu:

- Cậu, đừng… giận con nữa nhen cậu!
- Việc gì mà cậu lại giận con chứ? Thanh hỏi lại.
- Thì lúc trước con...thương cậu đó!

Thanh biết cô học trò lớp Đệ ngũ này còn chưa phân biệt được hai chữ… thương và yêu, Thanh lại hỏi:

- Vậy bây giờ con có còn tiếp tục… thương cậu nữa hay là không?

Lan đưa nắm tay ra vá vá trước mặt Thanh rồi hồn nhiên nói:

- Cậy này kỳ! Bộ cậu muốn mẹ… đánh cả hai đứa phải không?

Thanh rất mừng khi thấy đứa cháu gái bây giờ, tánh tình rất hồn nhiên, tuy còn… khờ lắm, nhưng lại thông hiểu lý lẽ về đạo lý làm người!
Thanh đùa với nàng:

- Bây giờ cho cậu… hôn một cái đi!
- Được thôi! Nhưng trong lúc hôn mà cậu nghĩ… tầm bậy thì... chết với con à nhen!

Nói rồi Bé Lan ghé chiếc má ửng hồng vì nắng trưa sang phía người cậu rồi nhắm mắt chờ đợi.
Nhìn mái tóc dài bung xõa về phía sau theo chiều gió, để lộ ra đôi gò má tròn bầu bĩnh, Thanh tin rằng rồi đây đứa cháu gái sẽ có một người tình và người đó sẽ có quyền làm chủ những gì mà nàng đang có hôm nay, chàng nói khẽ vào tai nàng:

- Thôi, hãy để dành cho đứa… cháu rể của cậu đi!...

 Nguyên Bông

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010