Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

AN NGHỈ NGHÌN THU VỚI KẺ THÙ?

Tâm-Phương-Đăng

Mỗi buổi chiều đi làm về Hưng có thói quen ra ngồi sau vườn uống một chai bia lạnh với Bố trước khi vào nhà thay áo quần đi tắm rửa rồi giúp vợ dọn cơm tối lên bàn.

Cơm tối xong xuôi, giúp hai con, bé Loan 16 tuổi và bé Dũng 14 tuổi làm homeworks trường học. Đời sống thực sự rất hạnh phúc.

Đặc biệt chiều nay, ông Bố nài ép uống thêm chai nữa và thấy nét mặt ông hơi đăm chiêu như có điều gì muốn nói.
Hưng thấy hơi khác thường bèn hỏi :

- Hình như Bố có điều gì muốn nói với con ?. Hay là vợ con làm Bố phật lòng điều gì ?

Ông Lân nhìn thẳng mặt Hưng rồi chậm rãi nói :

- Mày thông minh... nhưng không nên nghi ngờ bậy bạ cho vợ.
- Vậy thì xin Bố cứ nói ra. Bất cứ điều gì con cũng làm thỏa mãn Bố.

Ông Lân nâng ly ực một hơi cạn bia rồi chăm chú nhìn Hưng lần nữa hỏi :

- Mấy tháng nay con thường thuê mướn phim bộ, nhất là phim kiếm hiệp Trung-hoa về  xem. Coi bộ con ghiền phim hay có điều gì hay ho trong đó ?

Hưng trả lời không cần suy nghĩ :

- Dĩ nhiên hầu hết là những chuyên hay, những gì kẻ ác gây ra tội lỗi sau cùng sẽ bị tù tội hay bị giết chết. Giống như luật Nhân-Quả Luân-Hồi của Phật mà Bố giảng cho con lâu nay. Nhưng thực sự là  con xem phim để học thêm tiếng Việt, vì Bố đem con qua đây lúc bốn tuổi, cho đến giờ vốn liếng tiếng Việt của con đâu có là bao ?
Mấy đứa bạn cùng hoàn cảnh sang đây lúc còn nhỏ hoặc sinh ra và lớn lên ở Mỹ, bỗng dưng bây giờ nói tiếng Việt lưu loát, con hỏi học ở đâu, tụi nó cho hay, cứ thuê mướn phim Tàu nói tiếng Việt về xem là xong ngay.

Ông Lân ngửa mặt lên trời cười ha hả rồi nói.

- Như thế thì các trường dạy Việt-ngữ ở đây chắc phải đóng cửa dẹp tiệm.

Rồi hai Bố con cùng cười rất thân thiện.
Ông Lân lấy lại sự nghiêm chỉnh hỏi tiếp :

- Trong phim Tàu, thường nói lên chuyện Thiện,  Ác, theo con có sự định nghĩa nào rõ ràng cho việc làm Thiện và Ác không ?

Hưng nhanh nhẹn trả lời :

- Trong cuộc sống này bất cứ việc gì trái với luân thường đạo lý như trộm cướp, hiếp dâm, giết người v..v...  đều là việc Ác, không nên làm. Hy sinh, giúp người, giúp đời, đó là những việc Thiện, nên làm.

Ông Lân gật gật cái đầu rồi hỏi tiếp :
- Có trường hợp nào giết người mà không xem là việc Ác hay không ?
Hưng trả lời với quyết định hùng hồn :

- Không thể được, giết người là tội ác, kẻ giết người phải bị trừng trị.
- Bố thấy trong những bộ phim con đã xem, có một phim nói về một ông quan vi phạm luật Triều-đình, cả nhà gồm tám người, vợ con dâu rể và em bé mới sinh vài ba tháng nhận được lệnh xử trảm ( Chém đầu ). Ông quan gấp rút đem cả gia đình chạy trốn trong đêm tối. Chạy qua làng bên cạnh tìm thấy được căn hầm, mọi người mệt mỏi nên dừng chân ngủ lại qua đêm. Xui xẻo thay, lính đuổi theo kịp, nhờ đêm tối, mọi người nằm im dưới hầm nhưng đứa bé bị cảm lạnh nên cứ khóc la. Sợ lính phát giác nên buộc lòng ông quan phải bóp mũi cho chết. Ông quan đã làm chuyện Ác giết người, con nghĩ thế nào ?
- Ông quan giết đứa bé để cứu bảy người kia, ông ta có tội nhưng có thể thông cảm và tha thứ.
- Như thế trong việc làm Ác giết người,  cũng có sự xếp hạng từ ác ít đến ác nhiều ? Giết người có khi vô tội và giết người có tội ?
- Theo con nghĩ là như vậy.

Ông Lân nhìn lên bầu trời, khà khà hơi rượu, bóp trán suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp :

- Nếu con lớn lên trong cuộc chiến Việt-nam, con phải đi lính và ra trận đánh giặc, khi nhìn thấy địch là con nổ súng giết ngay, phải không ?
- Dạ phải, đương nhiên rồi, vì mình không giết nó thì nó giết mình thôi.
- Như vậy trường hợp này, giết người là vô tội  ?.
- Đúng rồi Bố.

Đôi mắt đăm chiêu, ông Lân nhìn lên trời lần nữa, rồi nhìn Hưng lâu hơn như để chăm chú nghe câu trả lời chính xác lập trường của con trong câu hỏi mà ông sắp đưa ra. Ông chậm rãi nói :

- Trở lại phim Tàu, thông thường một gia đình bị hãm hại, bị giết chết, thế nào cũng có một người sống sót để sau này tìm cơ hội phục thù. Nhưng trong chiến tranh Việt-nam, khi trận chiến xảy ra tại một xã thôn nào đó, địch giết chết Ba Mẹ con, con trả thù bằng cách nào ? Làm sao biết ai giết để phục hận cho Ba Mẹ ?
- Đây là chuyện ngoài sự hiểu biết của con, nhưng nếu biết chính xác ai đã giết Ba Mẹ, chắc chắn con phải tìm cách giết để phục thù mà thôi.

Bố con ông Lân đang hào hứng biện luận bàn cãi chuyện Thiện Ác và trả thù thì vợ Hưng ra hối thúc :
- Anh vào tắm rửa và mời Bố vào ăn tối kẻo trễ lắm rồi à

Sáng hôm sau khi Hưng đi làm, ông Lân thức dậy sớm hơn, đợi vợ Hưng đưa con đi học trở về, ông gọi lại ngồi xuống bàn nói chuyện :

- Chắc con đã biết Hưng là con nuôi của Bố rồi phải không ?
- Vâng, thưa Bố, anh Hưng đã nhiều lần tâm sự, chính Bố là người đã hy sinh, cưu mang nuôi nầng và  dạy dỗ anh thành người. Ngày xưa nếu anh còn sống với Ba Mẹ ruột, chắc giờ này đã bỏ mạng trên chiến trường Campuchia hoặc may mắn hơn thì là một nông dân đồng áng chân lấm tay bùn ở vùng rừng rú U-Minh. Anh luôn dặn con phải lo lắng, chăm sóc Bố thật tốt và đừng làm phật lòng bất cứ điều gì.
- Bố rất cám ơn tấm lòng hiếu đạo của hai con, cũng chính vì sự hiếu đạo này nên Bố có ý nghĩ phải đem Hưng về nơi chôn nhau cắt rốn của nó một lần trước khi Bố già yếu không đi đứng được, vì bây giờ đã vào tuổi tám mươi và các bệnh nan y như cao máu, tiểu đường đang rình rập Bố. Quan trọng hơn nữa là hỏi han tìm kiếm cho được mộ phần của Ba Mẹ Hưng để trùng tu và nhang khói.
- Ý nghĩ của Bố rất tốt, nhưng nếu đi thì chắc là chỉ có Bố và anh Hưng chứ hai cháu còn trong niên học và con thì kẹt tiệm bán buôn...

Như thường lệ, hằng ngày khoảng hơn bốn giờ chiều,  ông Lân xách vài chai bia lạnh ra sau vườn ngồi uống và đợi Hưng trở về. Nhưng chiều nay vợ Hưng ra đón ở garage, nói trước cho Hưng ý nghĩ của Bố sáng nay, do đó Hưng đi nhanh ra vườn với nụ cười tươi, vừa kéo ghế ngồi xuống vừa nói :

- Ý nghĩ này con đã có trong đầu từ lâu, nhưng chưa dám thưa với Bố, không ngờ Bố có cùng ý nghĩ với con, đúng là Thần-giao-cách-cảm.

Nói xong Hưng đứng dậy ôm vai ông Lân và hôn nhẹ lên đầu láng bóng vì rụng gần hết tóc .
Ông Lân cảm động muốn rơi nước mắt. Hưng vui vẻ nói tiếp.

- Mấy  năm nay con không lấy vacation nên dồn lại hơn một tháng.  Ngày mai con sẽ gọi mua vé máy bay.

Khi ngồi vào bàn ăn cơm tối, Hưng báo cho vợ và hai con hay sẽ cùng ông nội đi Việt-nam tuần tới.
Hai cháu Loan và Dũng với vẻ mặt buồn hiu, Loan nói :

- Nội và Ba đi nhanh trở về kẻo tụi con nhớ lắm đó. Nhớ nhất là lâu nay Nội đưa đón chúng cháu đi học, dắt tay chúng cháu qua đường và mua rất nhiều quà cho chúng cháu . Chúng cháu thương Nội lắm.

Ông Lân mỉm cười hiền hòa nhìn hai cháu nói :

- Đã mấy chục năm nay, ngày xưa đưa đón Ba cháu đi học, mười mấy năm sau này đến lượt chúng cháu nhưng bây giờ ông Nội đâu còn sức để tiếp tục công việc đón đưa, đành giao lại cho Mẹ.

Dũng nói tiếng Việt không rành nhưng ráng hỏi một câu làm cả nhà cười vang :

- Why cháu không có bà nội ? Hay tại ông nội divorced or never been married ?

Ông Lân sau trận cười, thoáng chút ưu tư ông nói :

- Ừ ha !. Sao lâu nay ông nội quên không nói cho con cháu nghe nhỉ ?

Nhưng tóm tắt đại khái, ông sinh ra ở Hải-phòng, Bắc Việt. Bố Mẹ mất sớm. Khi đất nước Việt-nam chia đôi, ông theo bà Cô vào Nam. Khi vừa xong Trung học, bà Cô mất vì bệnh nan y. Ông nội gia nhập Hải-quân cho đến khi mất quê hương lần thứ nhì thì sang Mỹ định cư. Năm xưa cuộc sống hải-hồ nay đây mái đó, nên ông không nghĩ đến chuyện lập gia đình, cho đến khi gặp Bố Hưng của cháu và nhận làm con nuôi ….
Vợ Hưng cắt ngang nói :

- Thôi, để cho Nội ăn cơm, đừng nói chuyện nữa. Còn anh Hưng tối nay ghi cho em cái list cần những gì để ngày mai em bắt đầu đi mua sắm.

Ngồi cạnh Bố trên chuyến bay về Việt-nam, lần đầu tiên hơn ba mươi năm được trở về quê quán, Hưng bồn chồn lo lắng không biết có tìm lại được mộ phần Ba Mẹ hay không?.

Theo lời người quen và bạn bè kể lại,  bây giờ bất cứ nơi nào trên đất nước Việt-nam cũng thay đổi nhiều lắm  có những người về quê không nhận ra nhà cửa của mình ngày xưa nằm ở đâu ?. Bởi vì nhà cửa mọc lên như nấm. Hưng chỉ sợ chuyến đi này sẽ không mang lại kết quả như mong ước thì xem như công dã-tràng.
Hưng nắm chặt và bóp mạnh bàn tay chai đá, xương xẩu của Bố làm ông mở mắt tỉnh ngủ. Hưng nhỏ nhẹ nói :

- Cho đến bây giờ, con đã gần bốn mươi nhưng Bố vẫn chưa nói Bố nhận nuôi con trong trường hợp nào?

Ông Lân chậm rãi trả lời :

- Có muộn màng gì đâu, trước sau rồi cũng biết thôi. Bố không muốn dấu giếm con bất cứ điều gì dù là một chuyện nhỏ nhặt. Chủ trương của Bố là lúc nào cũng phải sống thực với lòng mình. Lâu nay Bố chưa muốn cho con hay biết bởi nhiều lý do. Nhất là thời gian vào sinh ra tử của Bố ở vùng Năm-căn Cái-nước, mạng sống như chỉ treo mành. Ngày nào cũng chứng kiến chết chóc, có khi năm bảy xác cộng quân banh thây bên bờ ruộng, có khi vài ba xác đồng đội bị cụt chân mất đầu vì B41 của địch quân. Lòng căm hận của ta và địch dâng cao ngút ngàn, phe nào cũng muốn dành chiến thắng, phục kích bắn giết  nhau.
Bố muốn con lớn lên với đức tính từ bi thương người, nhìn cuộc đời bằng sự đam mê vui sống, ăn ở hiền lành với mọi người, nên không muốn con nghe biết những tàn ác của con người do chiến tranh gây đau thương.
Bây giờ con đã khôn lớn, đã biết phán xét, biết quyết định đâu là chân lý cuộc đời, đâu là sự an bình đáng sống. Bố hoàn toàn tin tưởng bất cứ điều gì con suy nghĩ và quyết định, Bố rất hãnh diện về con.
Nhớ lại hơn ba mươi năm trước, ngày mới đặt chân lên đất Mỹ, Bố phải vật lộn với cuộc sống còn khó khăn hơn xông pha trận mạc. Nhưng nhờ Trời Phật xót thương nên bất cứ trở ngại nào Bố cũng vượt qua.
Thời gian này có lúc Bố nghĩ đến chuyện lập gia đình để giúp Bố con mình đỡ đi gánh nặng, nhưng những người thật lòng yêu thương Bố thì họ đã có vài ba đứa con riêng. Bố sợ người ta sẽ không thương con nên quyết định sống kiếp gà trống nuôi con.
Mãi đến lúc con tốt nghiệp Kỹ-sư, Bố mới dứt khoát,  quyết sống đời độc thân từ nhỏ đến lớn của mình.

Ông Lân nói thao thao bất tuyệt, và hai hàng nước mắt chảy dài xuống đôi gò má hốc hác nhăn nheo.
Hưng quàng tay qua vai Bố và nói :

- Con cám ơn Bố đã hy sinh đời mình cho con và  xin lỗi đã làm Bố nhớ về dĩ vãng khó khăn đời sống và những uất hận về chiến trận năm  xưa. Con biết Bố xưa kia là anh hùng trận mạc, muốn nghe những kỷ niệm đánh giặc của Bố mà thôi.

Ông Lân lau nước mắt nói :

- Thực ra Bố đã tham dự gần mấy chục trận đánh nhưng chỉ có một trận làm Bố nhớ rõ nhất trong đời và đó cũng là trận đánh cuối cùng trong đời binh nghiệp gần hai mươi năm của Bố.
- Có nghĩa là sau trận đánh đó, Bố xin đổi về Sài-gòn và đem con theo ?.
- Đúng rồi.
- Vậy thì Bố kể con nghe trận đó đi.

Ông Lân nhắm mắt im lặng như cố moi trí nhớ bắt đầu kể từ đâu ?
Mặc dầu ông nói nhớ rõ nhưng tuổi tác đã lớn nên ngay cả những việc làm hằng ngày ông hơi lẩm cẩm quên việc này nhớ việc kia.
Ông lim dim đôi mắt chậm rãi kể :

Đầu tháng giêng năm 1975, khi Nam VN bị áp lực nặng nề từ chính trị đến quân sự. Sông rạch miền nam không còn an toàn để chuyển vận Bộ binh và lương thực tiếp tế đến các đồn bót xa xôi hẻo lánh.
Đơn vị Bố phục vụ gọi là Giang-đoàn Thủy-bộ gồm hai mươi giang đĩnh đủ loại, mỗi giang đĩnh có từ sáu đến tám thủy thủ cũng là các xạ thủ của các loại súng lớn súng nhỏ gắn trên tàu.
Bố mang cấp bậc Thượng-sĩ, làm Thuyền trưởng một giang đĩnh chuyên chở binh lính đổ bộ.
Khởi hành từ căn cứ Hải quân Xẻo-Rô lúc sáng sớm, đoàn tàu gồm hai mươi giang đĩnh. Nhận lệnh chở một trung đội bộ binh vào trú đóng tại quận Thới-bình nằm bên bờ sông Trèm-trẹm.
Tàu của Bố có sân đáp Trực-thăng trên mui, và có cửa đổ bộ nên phải chở nguyên cả trung đội bộ binh, cọng thêm năm bảy bà vợ lính theo chồng,  ẵm bồng thêm vài ba đứa con nít .
Cuộc giang hành đang ngon trớn, vừa qua khỏi quận Kiên-an vào kinh Cán-gáo được hơn nửa giờ thì bất thần hai tiếng nổ ầm...ầm.
Chiếc giang đĩnh rà mìn không người lái  chạy phía trước bị hất tung lên cao rồi rơi xuống nước tiếp tục chạy. Đồng thời địch quân chờ sẵn trong các hầm hố sát bờ sông bắn ra như pháo tết.Tất cả súng ống trên các giang đĩnh bắn trả tối đa. Chạy phía trước Bố có hai chiến đĩnh Alfa với hỏa lực mạnh, nhưng bị giàn B41 của địch phóng ra 03 trái liên tiếp làm một chiếc chìm ngay, thủy thủ đoàn banh xác mất tích giữa lòng kinh.
Chiếc trực thăng của Tư-lệnh chiến trường bay trên cao, ra lệnh chiếc Alfa thứ nhì lên tiêu diệt giàn B41 bằng mọi giá, nhưng vừa tăng vận tốc thì ba trái B41 khác phóng ra, ầm...ầm...ầm.
Tàu bốc cháy và chìm dần, thủy thủ có người chết tức khắc, có người bị thương văng xuống sông cố sức bơi, nhưng những tràng AK của địch kết liễu...chết chìm.
Bố bảo thằng em Hạ-sĩ khiêng thùng xăng đặc lên mui để ráp vào súng phun lửa. Nhưng khi nó lên sân thượng, vừa nhấc thùng xăng đứng lên thì nghe tiếng gió hú vèo... ầm. Nhìn ra sân thượng thấy thằng em ngả xuống nhảy đành đạch và cái đầu bị cắt đứt văng mất tiêu.
Hỏa lực địch bây giờ mạnh mẽ hơn, nên các giang đĩnh của ta ủi bãi vào hai bên bờ kinh để bắn trả.
Bố bảo một thủy thủ vận chuyển cho Tàu lình bình tại chỗ để tác xạ tối đa hai bên bờ, Bố bò lên cố ráp thùng xăng vào súng, nhưng chợt nghe từ máy vô tuyến lệnh của Đại-bàng ( Tư lệnh hành quân ) :
- Hãy tiếp tục giang hành, sẽ có phi cơ đến yểm trợ.
Bây giờ giang đĩnh của Bố đang ở hàng đầu và biết chắc còn ba giàn B41 đang chờ sẵn, nếu tiến lên sẽ cùng số phận bốc cháy hoặc chết chìm. Không những thủy thủ đoàn chết mà nguyên cả trung đội bộ binh phải chết theo.
Ý nghĩ thoáng nhanh qua tâm trí Bố nên khi ông Thiếu-úy nhấc máy vô tuyến định trả lời “ Tuân-lệnh” thì Bố nhào nhanh đến giựt máy trên tay ông ta và tắt vô tuyến.  Ông Thiếu-úy nổi giận, với nét mặt hầm hầm hỏi tại sao, Bố giải thích :
- Trả lời tức phải tiến lên, nếu trả lời mà không thi hành tức là cãi lệnh hành quân, tử hình. 
Thiếu-úy có thấy mấy giàn B41 đang chờ sẵn đó không ?.
Mình không trả lời, không thi hành,  xem như máy vô tuyến bị trở ngại, không nhận được lệnh. Mình không có tội tình gì cả.
Bố biết hành động như thế là sai, vì khi ra trận, Bố phải tuân lệnh tuyệt đối cấp chỉ huy, nhưng vì ông Thiếu-úy này mới ra trường, chưa có kinh nghiệm đánh giặc, buộc lòng phải nghe theo lời Bố.
Súng đạn ta và địch thi nhau nổ như xé tung bầu trời, chừng năm phút sau, một tàu Alfa khác có hỏa lực mạnh chạy qua mặt Bố. Có lẽ nhận được lệnh Đại-bàng.
Vừa chạy trước cách Bố hơn năm trăm thước thì ba tiếng nổ chát  chúa vang lên, ầm...ầm...ầm. Chiếc Alfa chìm nhanh và không thấy bóng  dáng thủy thủ đoàn đâu cả.
Đúng lúc hai phi cơ A-37 đến bay lượn quần thảo giội bom, súng phòng không của địch bắn lên như mưa pháo. Bây giờ mới xác định được địch đang ẩn núp ở đâu. Những giàn B40 và canon 105 ly trực xạ của ta nhắm vào nơi đó. Lúc này Bố cũng ráp được bình xăng đặc vào súng phun lửa và bắt đầu đốt hai bên bờ kinh. Nhờ có gió thổi dọc theo bờ kinh nên lửa cháy thật lẹ. Ba giàn B41 của địch mà Bố nhìn thấy cũng cháy luôn kể cả sáu tên du kích ngồi dưới hầm của các giàn súng cũng cháy thiêu như heo quay.
Ta và địch quần thảo nhau cho đến hơn ba giờ chiều thì không còn nghe tiếng súng của địch nữa. Mấy chục mẫu rừng Tràm rừng Đước hai bên bờ kinh được san bằng và cày nát bởi đạn bom.
Kinh Cán-gáo giờ đây bị tắt nghẽn, giang đĩnh không chạy qua được bởi ba chiếc Alfa chìm đang chờ toán trục vớt hải quân đến vớt lên và toán người nhái hải quân lặn mò tìm xác chết.
Giang đĩnh của Bố được lệnh ủi bãi thả trung đội bộ binh lên bờ đi sâu vào xóm nhà dân lục soát và gom góp chiến lợi phẩm.

Kể đến đó ông Lân phải nghỉ mệt, ho sặc vài cái , há miệng thở và ngồi im. Hưng còn hăng say nghe chuyện nên hỏi tiếp :

- Lúc đó Bố đã gặp con chưa ?. Con đang ở đâu ?

Đúng lúc Trưởng Phi-cơ loan báo sắp hạ cánh, mời tất cả về ghế mình và cài lại nịt an toàn. Cô tiếp viên loan báo thời tiết Sài-gòn và vùng phụ cận Tân-Sơn-Nhất.
Ông Lân nói trong hơi thở mệt nhọc :

- Để bữa nào rãnh Bố sẽ kể tiếp.

Hai Bố con lăng xăng sửa soạn các túi xách dưới chân mình để lát nữa xuống cho nhanh .

Ra khỏi phi trường, Bố con ông Lân gọi taxi qua bến xe đò Lục-tỉnh mua vé đi Rạch-giá.

Vì tuổi đã lớn, đường sá lồi lõm ổ gà, nên sau hơn bảy giờ xe chạy, đến Rạch giá,  ông Lân bước đi không nổi. Hưng phải cõng Bố đến khách sạn gần và mướn khách sạn Hòa-Bình ngay chợ nghỉ qua đêm.

Sáng hôm sau khi ngồi ăn sáng và uống café vỉa hè, ông Lân hỏi thăm dò và mướn ghe máy đi vào đoạn cuối cùng kinh Cán-gáo, gần ra tới cửa sông Trèm-trẹm. Nơi ông nhận nuôi Hưng năm xưa.

Rất may là ông chủ ghe máy quê quán ở vùng đó nên ông Lân nhắc đến bất cứ nơi nào ông chủ ghe cũng  nói vanh vách.
Thấy tánh tình ông hiền lành chất phác nên ông Lân nói thật :

- Không dấu gì ông, hôm nay chúng tôi về đây để tìm hai ngôi mộ của Ba Mẹ thằng này nè, nó tên Hưng là con nuôi của tôi . Ba Mẹ nó đã chết trong trận đánh vào tháng giêng năm 1975. Lúc đó nó mới ba tuổi. Một người lính bộ binh dẫn xuống tàu tôi nhờ đem về Cô-nhi-viện Sài-gòn, nhưng tôi không vợ con nên quyết định nuôi nó làm con cho đến bây giờ. Nay tôi đã già và để làm đúng lời hứa của tôi năm xưa, đem nó về nơi chôn nhau cắt rốn, tìm lại mộ phần Ba Mẹ, bái tạ công ơn sinh thành.
- Vậy thì rất may mắn cho Bố con ông, trận đánh đó tôi có tham dự, lúc đó tôi mười sáu tuổi, là du kích quân địa phương. Như thế Ba Mẹ chú Hưng tên gì, nói thử xem tôi có biết hay không ?

Ông Lân do dự chưa muốn nói, ông chủ ghe hối thúc :

- Nếu ông không nhớ thì vào đó cũng vô ích. Tôi nhớ rõ trận đó bộ đội chính qui và du kích quân chúng tôi tử trận gần một đại đội, phía hải quân ngụy thì chìm ba tàu và chết mười mấy mạng.

Ông Lân nghe mà giựt mình, nghĩ thầm trong bụng, không ngờ tên này nhớ quá rỏ chi tiết. Như thế chính nó đã nói thật. Ông bắt đầu lên tiếng :

-  Lúc anh lính bộ binh đem nó xuống, nếu tôi nhớ không nhầm anh ta nói: Bố nó tên Trần văn Bé và Mẹ là Lê thị Tư.

Ông chủ ghe bóp trán suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Đã mấy chục năm rồi, tôi cũng không nhớ.Nhưng hình như ở xóm trên gần U-Minh-Thượng có một người tên Bé, là trưởng khẩu B-41 và một bà tên Tư thường được gọi là bà Tư đèn hiệu, không biết có phải hay không ?.

Nãy giờ Hưng chăm chú nghe, nhưng vẫn không hiểu bèn hỏi :

- Tại sao gọi là bà Tư đèn hiệu ?

Ông chủ ghe giải thích :

- Vì công việc bà Tư là mỗi ngày lúc trời sắp tối, chèo ghe đi đặt những cây đèn gió bên kia bờ kinh, bộ đội phục kích bên này bờ. Khi tàu ngụy ngang qua che khuất ánh đèn là bộ đội tác xạ ngay, rất chính xác. 

Đã hơn hai giờ ghe máy chạy, đã qua khỏi quận Kiên-an vào kinh Cán- gáo, vì ghe không có mui che nên ông Lân say nắng gió, nằm dài xuống lòng ghe và cởi áo ngoài đắp lên mặt. Hưng hỏi ông chủ ghe :

- Theo ông thì bây giờ chúng ta đến nơi nào trước để hỏi thăm ?

Ông chủ ghe suy nghĩ một lúc rồi nói :

- Chú biết không? sau trận đánh đó hai ngày, không còn bóng dáng hải quân ngụy tuần tiểu, một đại đội chính qui khác mới từ Bắc vào, được phái tới để gom xác bộ đội đem chôn. Bây giờ nơi chôn cất đó được xây thành một Nghĩa-trang Liệt-sĩ. Nhưng muốn tới đó, phải đi qua con lạch nhỏ và cạn, phải chèo chống chứ máy không chạy được, sợ gãy chân vịt. Nếu muốn tới đó, chắc chú phải cho tôi thêm tiền.
- Ông đừng lo, tôi sẽ trả gấp đôi giá thương lượng sáng nay.

Ông chủ ghe nghe thế thì rất hớn hở, vui mừng.
Đúng lúc ông Lân tỉnh táo ngồi dậy, Hưng nói ý định cho nghe, ông nói

- Ừ, Bố cũng có ý nghĩ như thế, rất tốt...

Ông chủ ghe bắt đầu tắt máy, quẹo mũi ghe vào con lạch nhỏ, Hưng lấy sào chống phía mũi, ông ta chống sau lái . Hưng vừa chống vừa cầu nguyện linh hồn Ba Mẹ phò trợ cho đúng đường đi,  đúng nơi chốn để khỏi mất công tìm kiếm nơi khác.

Dưới ánh nắng gay gắt, hơi nước pha lẫn mùi bùn hắt vào mũi rất khó chịu.Thỉnh thoảng ông Lân bị hắt hơi và ho khan từng đột.
Hưng bắt đầu thấm mệt nên hỏi ông chủ ghe :

- Còn chừng bao lâu nữa mới tới hả chú ?
- Chắc khoảng chừng hơn nửa tiếng đồng hồ.

Ánh nắng chiều vàng vọt phủ trùm xuống rừng Tràm rừng Đước, loang lổ qua vùng nước bùn lầy với đàn đỉa đói bơi lội ngổn ngang trông kinh khiếp.

Ông chủ ghe cố gắng kể chuyện để Hưng không thấy đường dài, ông kể rằng vùng này dân chúng thưa thớt, sống rải rác, nhà này cách nhà kia khá xa.

Có chuyện gì cần liên lạc nhau phải mất năm hay mười phút đi bộ trên các bờ ruộng đồng. Trước khi trời tối, nhìn lên trời thấy từng đàn muỗi bay dày đặc. Trong các nông trại thì người và trâu bò ngủ đêm phải giăng mùng.

Những điều này ông Lân biết rất rành rẽ, bây giờ ông không còn sợ hãi và dè dặt như lúc đầu mới gặp ông chủ ghe. Ông bèn lên giọng nói thao thao bất tuyệt :

- Cũng vì thế nên bộ đội Cộng-sản từ Bắc xâm nhập dùng làm căn cứ địa hậu cần để khống chế, bắt buộc dân chúng quanh vùng quận Thới-bình đóng thuế và tấn công đoàn tàu tuần tiểu Hải-quân chúng tôi bảo vệ an ninh quận lỵ. Đoàn tàu chúng tôi thường xuất phát từ Căn cứ Hải-quân Rạch-sỏi, hoặc căn cứ Xẻo-Rô cách thị xã Rạch-giá chừng ba cây số về hướng Đông-nam. Sau khi qua khỏi quận Kiên-an vào kinh Cán-gáo để ra sông Trèm-trẹm đến quận Thới-bình giáp ranh rừng U-minh-thượng.
Tôi còn nhớ lúc trước, những thủy thủ đàn em của tôi quê ở Bắc, ở Trung và ngay ở sài-gòn khi cầm lệnh tân đáo đơn vị mới, nghe những địa danh này đều trố mắt ngơ ngác không biết mô tê ất giáp ở đâu để đi trình diện.
Lại còn rởn tóc gáy khi nghe nói đơn vị tuần tiểu gần rừng U-minh. Nhưng cũng có những thủy thủ độc thân gan lì lại vui vẻ chấp nhận vì biết rằng mình được đổi đến đơn vị tác chiến thực sự, được bắn súng tự do, vì đây là vùng hành quân lùng địch bất cứ ngày đêm.
Chứ lâu nay hải hành trên biển nghe nói Việt-cộng gan lì thường tấn công ban đêm nhưng chả biết họ gan lì có bằng mình không ?
Sông rạch miền nam quá nhiều và khúc khuỷu ngoằn ngoèo như đàn rắn bò ra biển. Có những khúc kinh nhỏ hẹp, giang đĩnh phải đợi nước dâng cao mới chạy qua được.
Đây cũng là một trong những trở ngại mà Cộng quân các anh thường lợi dụng tối đa để tấn công. Như khúc kinh Cán-gáo, có nơi hẹp đến độ khi nước ròng, tàu chỉ chạy thật chậm chính giữa kinh và không quay đầu được.
Một yếu điểm khác là các súng trên tàu được gắn cố định trên bệ chân súng, do đó khi nước ròng, bờ kinh cao hơn con tàu  Cộng quân các anh  nằm sát bờ kinh liệng lựu đạn xuống, lính trên tàu không nhìn thấy và súng trên tàu cũng  không thể bắn trúng được.
Sau này, Mỹ cung cấp các loại súng phun lửa, mỗi lần chạm địch là cứ việc phun lửa lên hai bờ kinh. Khi trận chiến tàn, cho lính đổ bộ lên bờ thì chứng kiến cảnh hãi hùng kinh khiếp : Địch bị cháy thiêu như heo quay, súng ống cũng cháy cong queo không còn sử dụng được.
Tôi nói như thế có đúng không anh chủ ghe ?
- Dạ đúng như vậy đó. Chắc là Cụ ông ngày xưa hoạt động vùng này lâu năm lắm phải không ?
- Gần sáu năm thôi.

Sau mỗi lần ông Lân nói chuyện nhiều, ông ngồi thở hồng hộc như muốn hụt hơi. Lần này lại thêm phơi nắng quá lâu nên ông nằm dài xuống lòng ghe để thở.

Hưng cũng rã rời hai tay vì chèo chống quá lâu nên ngồi xuống nghỉ và xoa bóp tay chân cho Bố.
Chừng năm phút sau, ông chủ ghe nói lớn :

- Tốt quá, đã đến rồi.

Hưng nhìn lên bờ thấy hai trụ cổng xây bằng gạch, bên trên gắn tấm bảng gỗ sơn vàng đã tróc loang lổ, viết chữ đỏ: NGHĨA-TRANG LIỆT-SĨ. Nhìn vào bên trong thấy có hơn một trăm mộ bia xếp hàng ngay ngắn. Có  lẽ không người tới lui thăm viếng nên cỏ mọc um tùm.

Ông Lân cố gắng ngồi dậy nhưng tự nhiên cảm thấy xây xẩm mặt mày.
Ông chủ ghe đỡ giúp Hưng cõng ông Lân lên bờ.
Hưng để Bố ngồi dựa lưng vào một bia mộ gần đó rồi nói :

- Bố ngồi nghỉ ở đây, để con và ông chủ ghe đi tìm, khi gặp được, con sẽ cõng Bố đến.
- Được rồi, con cứ đi, Bố mệt có lẽ vì say nắng, không sao đâu.

Ông Lân ngồi dựa lưng vào mộ bia, hai mắt lim dim, ông nhớ hồi còn trai trẻ, trong đơn vị từ quan tới lính ai cũng gọi ông bằng bố Lân vì ông lờn tuổi và đánh giặc rất chì. Những mưu mô, những quái chiêu cộng quân sáng tác để phục kích trong sông rạch đều không qua mặt được ông. Những lúc đụng trận ông phản ứng rất nhanh. Bởi lẽ ông đã hành quân vùng này trên năm năm.

Ông đã trải qua các Giang đoàn Tuần-thám, Ngăn-chặn rồi Thủy-bộ. Mặc dầu các đơn vị có tên và nhiệm vụ khác nhau nhưng cùng hoạt động trong cùng một vùng nên ông Lân rất quen thuộc, nơi nào địch thường phục kích, nơi nào địch thường đặt giàn phóng B41, hoặc khúc kinh nào thường có mìn v.và.

Vì tiếng tăm đồn đãi, nên các Sĩ quan mới ra trường hoặc chưa có kinh nghiệm đánh giặc trong sông rạch, thường thích đến chuyện trò với ông để học hỏi. Bây giờ tuổi tác đã già, đôi lúc mơ về dĩ vãng để tự hãnh diện một thời tung hoành ngang dọc mà thôi.
Chợt nghe tiếng Hưng la lên từ xa :

- Đây rồi, Bố ơi...Con tìm ra rồi...Ông chủ ghe ơi...Đây rồi nè...

Rồi Hưng chạy đến ông Lân, vừa thở hổn hển vừa nói :

- Nghĩa địa gì mà cỏ cây um tùm, con tìm được hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, một bên là Trần văn Bé, một bên là Lê thị Tư. Để con cõng Bố đến.

Ông Lân ráng mỉm cười với giọt nước mắt cảm động nói :

- Chắc là hồn thiêng Ba Mẹ con dẫn đường cho chúng ta.

Hưng vội vã cõng Bố lên lưng, bước nhanh qua đám cỏ cao quá đầu gối. Đến nơi thấy ông chủ ghe đang ra sức nhổ cỏ xung quanh mộ.

Ông Lân cố nhướng đôi mắt đọc lớn những hàng chữ trên bia mộ :
” ANH HÙNG LIỆT-SĨ DU KÍCH QUÂN  TRẦN VĂN BÉ .
ĐÃ BẮN CHÌM 03 TÀU ĐỊCH VÀ HY-SINH CHO TỔ-QUỐC NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 1975. TỔ QUỐC GHI ƠN. “.

Rồi ông nghiêng người qua đọc bia mộ bên cạnh :
” ANH HÙNG LIỆT-SĨ DU KÍCH QUÂN LÊ THỊ TƯ.
BIỆT DANH CHỊ TƯ ĐÈN HIỆU. ĐÃ HY-SINH CÙNG CHỒNG TRONG VIỆC DIỆT TÀU ĐỊCH NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 1975.
TỔ QUỐC GHI ƠN. “.

Đọc xong ông nói :

- Thật là đúng một trăm phần trăm rồi. Cám ơn Trời Phật.

Ông Lân thắp bó nhang đã mang theo, bảo Hưng quì xuống bên cạnh khấn vái.
Riêng ông Lân, cố lấy hết gân cốt, khấn vái thật to như để cho tất cả linh hồn trong nghĩa địa đều được nghe, kể cả ông chủ ghe đứng gần đó :

- Kính lạy chào anh Bé, chị Tư.
Đất nước Việt-nam thời gian trước bị ngoại bang Nga Tàu Mỹ xâu xé. Tranh giành chủ thuyết Cộng-sản, Quốc-gia. Làm cho hầu hết gia-đình Việt-nam bị phân chia ly tán. Cha Mẹ bên này, con bên kia , đánh nhau cùng một trận chiến mà không ai hay biết. Sinh ra cảnh cốt nhục tương tàn. Bắn giết lẫn nhau. Anh Chị và tôi cũng thế, cũng bắn giết nhau không nương tay, dù chúng ta cùng là người Việt-nam da vàng máu đỏ.
Tôi là Dương thế Lân, tham dự trận chiến ngày 16 tháng giêng năm 1975 Là thuyền trưởng một chiến đĩnh, cũng là xạ thủ súng phun lửa. Tôi đã tiêu diệt ba giàn B41, trong đó một giàn do anh chị điều khiển.
Xem như tôi đã giết chết anh chị vào ngày hôm đó. Ba ngày sau có người dắt thằng Hưng xuống tàu, nhờ tôi đem về Sài-gòn gửi vào Cô-nhi-viện, nhưng tôi quyết định nuôi nó cho đến bây giờ.
Hôm nay lặn lội đem nó về đây để nó bái tạ công ơn sinh thành và rửa hận cho Ba Mẹ. Xin hồn thiêng anh chị chứng giám. Tôi rất vui lòng để thằng Hưng quyết định mạng sống của tôi.
Nói xong, ông thở hổn hển sùi bọt mép, rồi rút con dao nhọn bỏ trước mặt Hưng và nhắm mắt đợi chờ.
Hưng đang thút thít khóc, bỗng nhìn thấy con dao và sực nhớ lời ông vừa nói, Hưng nhanh tay cầm con dao lên hét lớn :

- Bố hành động thế này có nghĩa là gì ? Không thể được... Bố là Bố của con...

Ông Lân hé mở mắt, lấy hết sức bình sinh nắm lấy tay Hưng có con dao nhọn đâm vào bụng mình, nhưng Hưng khỏe mạnh hơn, gồng cưỡng lại, gỡ tay ông ra và liệng con dao bay xa.
Hưng đỡ đầu ông nằm ngửa lên tay mình, vừa khóc vừa nói :

- Bố ơi...đừng bỏ con đi...Bố muôn đời là Bố của con... Bố là Ba của con...Tại sao Bố hành động như trong truyện phim Tàu ? … con không thể làm theo ý nguyện của Bố được …

Ông Lân từ từ nhắm mắt, miệng ráng nhếch mép cười cùng với bọt mép và dòng máu đỏ trào ra. Ông đã tắt thở ….
Ông chủ ghe chứng kiến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và đề nghị :

- Hay là chú để ông cụ nằm xuống, tôi ra ghe lấy chai dầu xanh vào làm hô hấp nhân tạo thử xem.

Hưng biết là vô vọng vì Bố bị đột kích tim, nhưng cũng gật đầu.
Gần nửa giờ sau, Hưng và ông chủ ghe mới buông xuôi để bỏ ông Lân nằm đó, hai người ra xóm chợ gần quận Thới-bình mua quan tài và cuốc xẻng.

Trở lại chôn cất nằm cạnh Ba Mẹ Hưng. Xong xuôi đâu đấy đã hơn sáu giờ chiều nên Hưng xin ông chủ ghe cho về nhà tá túc.

Về đến căn nhà lá đơn sơ nằm giữa ruộng đống, không thấy bóng dáng xóm giềng.
Vào tới nhà, ông chủ ghe vừa nấu cơm tối vừa nói chuyện tâm sự :

- Tôi tên Nguyễn văn Tốt, Ba Mẹ mất sớm, không anh em, cũng sống độc thân như ông cụ từ nhỏ.
Ngày xưa làm du-kích địa phương, khi nước nhà thống nhất, nhà nước cấp cho ba sào ruộng. Làm việc đông áng khổ cực mà không đủ ăn nên  tôi bán ruộng, mua chiếc ghe máy chở cây trái miệt vườn ra Rạch-giá bán rồi mua hàng tạp hóa về bỏ sỉ cho các nhà buôn ở quận Thới-bình. Cuộc sống nhẹ nhàng và đủ ăn.

Bữa cơm tối nấu ngon nhưng cả hai cùng mệt rã rời nên không ai ăn nhiều được.
Hưng giúp rửa chén bát rồi hai người đi ngủ sớm.
Hưng vì nhà lạ, phần vì nhớ thương Bố nên không ngủ được. Ông Tốt thì lần đầu có khách quí ở lại qua đêm nên cũng không tài nào nhắm mắt Chợt Hưng lên tiếng :

- Này anh Tốt, tôi nghĩ anh có cùng hoàn cảnh mồ côi như tôi, vậy tại sao chúng ta không kết nghĩa anh em ? Theo tôi, điều này rất có lợi cho hai chúng ta. Tôi có lý do để hàng tháng giúp anh thêm một ít tiền để sinh sống. Anh có lý do để ra vào nghĩa trang chăm sóc mồ mả Ba Mẹ và Bố tôi. Anh nghĩ thế nào ?

Im lặng một lúc, Tốt ngập ngừng nói :

- Thực sự điều Hưng nói làm tôi cảm động quá. Điều này nếu thực sự xảy ra thì tôi như người trúng số độc đắc. 
- Nếu anh chấp nhận thì ta nên bàn đến chuyện xây lăng mộ cho Ba Mẹ và Bố tôi.

Ông Tốt tham gia ý kiến rất hăng say và thành thật, ông nói :

- Việc xây lăng mộ chắc chắn không được, lý do đây là Nghĩa Trang Liệt-Sĩ, mọi ngôi mộ phải giống nhau, và chắc chắn nhà nước thỉnh thoảng có để mắt tới. Nếu mình xây đẹp hơn, sẽ có thắc mắc lôi thôi.
Tuy nhiên, chúng ta có thể làm ba ngôi mộ bằng xi-măng. Mộ của Bố cũng dựng bia, trên đó mình vẫn khắc :
”  ANH HÙNG LIỆT-SĨ DƯƠNG THẾ LÂN
QUÊ Ở VIỆT BẮC. TẠ THẾ NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2010
TỔ QUỐC GHI ƠN. “
Thế là không ai để ý và bắt đầu ngày mai, anh em mình thực hiện.

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011