Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

Hình Như Còn Mùa Xuân

Lê Ngọc Trùng Dương 

     
1     

Con tàu lướt sóng êm ả trên dòng sông Sài Gòn, qua khỏi bến đò Thủ Thiêm độ 2 hải lý rồi quay vòng lại, nhẹ nhàng cặp vào cầu B bến Bạch Đằng. Nhìn nhóm thủy thủ đang hân hoan rời chiến hạm về phép thăm gia đình, Tú không khỏi ngậm ngùi chàng thầm nghĩ: " Thêm một mùa xuân nữa mình phải ở lại ăn tết tại chiến hạm ’’. Đang suy nghĩ vẩn vơ, bổng Tú chợt nghe tiếng thủy thủ Mạnh:

- '' Hạm phó, có trung úy Nhẫn muốn tìm ông.''

Tú cám ơn Mạnh rồi bước vội ra hạm kiều, nơi Nhẫn đang đứng đợi . Tiếng Nhẫn từ xa vang lại:

' Ê Tú, bọn mình sang HQ 1 ăn tết, có phái đoàn văn nghệ trình diễn, nghe nói có nhiều tiết mục hấp dẫn.''

Tú nghiêng đầu nhìn bạn, cười thành tiếng, giọng đùa nghịch:

'Hèn chi mày nhìn láng coóng, bộ tiểu lễ làm mày bảnh hẳn ra. Sáng nay nghe thằng Quân quảng cáo có cả chương trình Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ của các em nữ sinh nữa đó.’’

Giọng cười yêu đời của Tú và Nhẫn vang một góc trời. Tú tiếp:

"Cho ba phút, tao sẽ trở lên trình diện mày.’’

Miệng huýt gió một điệu nhạc xuân, Tú trở về phòng thay bộ tiểu lễ trắng rồi trở lại hạm kiều. Hai chàng sĩ quan trẻ cùng rảo bước đi về hướng cầu A.

Bến cảng Bạch Đằng vào xế chiều cuối năm thật đẹp, Hai bên bờ sông, hàng dừa xanh lã ngọn, lả lơi theo cơn gió giao mùa. Dọc theo cầu B,C,D..., là những chiếc: Khu trục hạm HQ4, Tuần dương hạm HQ 5, 16, Hộ tống hạm HQ10, 14, Pháo hạm 329, 330, Trợ chiến hạm HQ 228, Tuần duyên hạm HQ 607, 612, 614 ..., như những con kình ngư khổng lồ, oai dũng đang nằm phơi mình dưới nắng vàng; những dàn radar hiện đại cũng như hải pháo 76, 127 ly..., họng súng đen ngòm vươn lên cao như thách thức, sẵn sàng đối phó bảo vệ vùng trời tổ quốc, chống lại mọi đe dọa hiểm nguy. Tại cầu A, trước cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Chiếc Soái hạm HQ1 uy nghi, kiêu hùng với đài chỉ huy cao ngất; lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ đang lất phất bay, nổi bật trên nền trời xanh thẳm như đang hân hoan chào đón xuân về.

Vừa bước chân lên hạm kiều của chiếc HQ 1, Tú đã thấy mọi người tề tựu nơi sân trước chiến hạm. Đại Tá Hạm Trưởng Trần Văn Trí với cặp lon Omega, ba vạch vàng lấp lánh trên vai áo, đang ngỏ lời chào đón phái đoàn của trường Lê Bảo Tịnh và Biệt Đội Chiến Tranh Chánh Trị viếng thăm. Chiến hạm hôm nay được chuẩn bị kỷ lưỡng, cờ xí treo phất phới, đèn điện huy hoàng, lộng lẫy. Mọi người tham dự đều trang trọng trong bộ tiểu lễ màu trắng, kể cả những nữ sinh thăm viếng cũng mặc áo dài lụa trắng tinh khôi. Đảo mắt một vòng, Tú thấy có sự hiện diện của các bạn Quýnh, Chinh, Quang, Du, Lạng, Hùng, Huấn, Tuấn, San..., những người bạn tốt nghiệp cùng quân trường. Bạn Báu, nhập trại Bạch Đằng 2 cùng lúc với chàng năm 1969., hiện là sĩ quan Chiến Tranh Chánh Trị, điều động buổi sinh hoạt, anh lần lượt giới thiệu Thủy thủ đoàn cùng quan khách. Đại diện cho trường Lê Bảo Tịnh gồm có các nữ sinh: Tường Vân, Kim Chi, Thu Nguyệt và hai chị em song sinh Bạch Yến và Hồng Liên. Các em nữ sinh lần lượt trao những gói quà xuân nho nhỏ, dễ thương của người hậu phương gửi tặng cho những người anh trai tiền tuyến. Nữ ca sĩ Xuân Mai thuộc Biệt Đội CTCT mở đâu chương trình văn nghệ với nhạc phẩm '' Ly Rượu Mừng'' của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

"Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi..." Đến điệp khúc, mọi người cùng hợp ca, lời ca vang vọng, bầu không khí như được hâm nóng, vui nhộn, và ấm cúng.

Rồi đến nhạc bản “ Thủy Thủ và Biển cả “ của nhạc sĩ Y Vũ, được trình diễn bởi nữ sinh Bạch Yến:

” Với biển cả anh là thủy thủ,
Với lòng nàng anh là hoàng tử..
Nhớ chuyện ngàn đêm xứ Ba Tư
Và truyền thần của bao thế hệ."

Với khuôn mặt tươi trẻ, ngây thơ như thiên thần trong tà áo trắng học trò, suối tóc dài buông xõa bờ vai, đôi mắt búp bê đen láy đẹp tuyệt vời; cùng giọng hát ngọt ngào, và lối trình diễn tự nhiên thật dễ thương, Bạch Yến đã thật sự mang niềm vui đến cho những người lính trẻ xa nhà. Khi nhạc bản vừa dứt, những tiếng “ bis, bis ...Khi nhạc bản vừa dứt, những tiếng “ bis, bis ... Khi nhạc bản vừa dứt, những tiếng “ bis, bis ... vang lên. Tú và các bạn vỗ tay vang vội khi thấy bạn Hùng, bước dến trao cho Bạch Yến đóa hoa hồng thắm. Bạch Yến nhận hoa, miệng ấp úng lời cảm ơn. Nhìn điệu bộ luống cuống của Yến, Hùng ranh mãnh bảo: "Anh sẽ hát một bài để tặng riêng Yến thôi nhé.’’ Giọng Hùng đầm ấm trong nhạc bản "Hoa Biển’’.

" Ngày xưa em anh hay hờn dỗi,
Giận anh khi anh chưa kịp tới,
Cho anh nhiều lời, cho anh bồi hồi, em cúi mặt làm ngơ ..."

Gần cuối chương trình, Tú cũng góp vui với nhạc phẩm “ Biển Nhớ'' của Trịnh Công Sơn, lời nhạc mênh mông, như hoài vọng cả một trời nuối tiếc vì người yêu đã chia xa:

" Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về. Gọi hồn liễu rũ lê thê, Gợi bờ cát trắng đêm khuya... "

Nhìn về phía khán giả, Tú chợt thấy Bạch Yến đang chăm chú nhìn lắng nghe. Tú thấy lòng phấn khởi hơn và chàng cảm nhận là hình như đêm nay mình hát hay hơn.

Khoảng sáu giờ chiều thì tiệc đã tàn, mọi người ra về, Từ trên boong tàu, nhìn theo những tà áo trắng thướt tha khuất dần trên đường phố, Tú cảm thấy lòng bùi ngùi. Bất giác, chàng nhớ đến hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du:

Người đâu gặp gỡ mà chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

Đang ngẩn ngơ tiếc nuối và thả hồn theo tà áo lụa mất hút cuối đường, Tú bỗng giật mình vì Nhẫn đến từ phía sau và thình lình đập vào vai chàng. Nhẫn cười giòn tan:

-"Làm gì mà nhìn theo các em say đắm thế ? Si tình hả? Hay là tụi mình xuống phố ngắm giai nhân rồi để hồn tan trong tà áo muôn mầu ? "

Giọng cười yêu đời lại trở về với Tú và Nhẫn, họ rời chiến hạm, đi về hướng cổng trại Bạch Đằng .

Khi rời cổng trại, dừng lại trước bến đò Thủ Thiêm, theo thói quen thường nhật, Nhẫn ghé lại, quầy báo bên lề đường mua tờ báo. Bỗng bà chủ tiệm, tay chỉ theo bóng hai tà áo dài vữa khuất theo khúc quanh, thảng thốt kêu lên:

Chết chửa, mấy cô học trò mới ghé mua tờ báo xuân, trả tiền lại bỏ quên chiếc ví !''.

Dúi chiếc ví nhỏ màu trắng vào tay Nhẫn, bà tiếp: "Nè nè, hai cậu làm ơn làm phước đi theo trao giùm lại cho hai cổ đi.’’
Nhẫn nhanh nhẩu đáp:

"Bà an tâm, chúng tôi sẽ tìm và trao trả lại cho họ.’’

Nói rồi Tú và Nhẫn vội rảo bước về phía đường Nguyễn Huệ với hy vọng sẽ đuổi theo kịp hai tà áo dài. Nhưng họ không phải nhọc công, vì mới đi được một quãng đường ngắn thì đã thấy bóng hai tà áo dài đang tất tả đi ngược chiều. Khi đến gần thì cả hai đều ngạc nhiên và vui mừng vì hai tà áo đó chính là Yến và Liên, hai người mà họ tưởng đã không còn có cơ hội gặp lại. Tú vui mừng nói như reo:

"Yến, Liên phải hai cô tìm cái này không?’’

Nhẫn dơ cao chiếc ví nhỏ. Liên nhận lại chiếc ví từ Nhẫn, nàng mừng rỡ đáp:

"Dạ, Liên để quên ở sạp báo, cảm ơn hai anh.

Nhẫn khôi hài:

” Ơn thì chúng tôi xin nhận, nhưng chúng tôi chỉ vui lòng khi được đền ơn.''

Biết Nhẫn có ý chọc ghẹo, hai chị em nhìn nhau thẹn thùng. Cặp song sanh giống nhau như hai giọt nước, kể cả giọng nói trong trẻo, đến dáng đi khoan thai. Nếu không vì kiểu tóc demi garcon của Hồng Liên, và mái tóc mây dài của Bạch Yến thì Tú và Nhẫn chắc chắn sẽ không phân biệt nổi ai là Yến, ai là Liên.

Không muốn làm bận lòng hai cô bé dễ thương, Tú đỡ lời: “Anh Nhẫn chỉ đùa chút thôi. Hai chúng tôi đang định đi dạo chợ hoa Nguyễn Huệ, mời hai cô cùng đi dạo phố xuân với chúng tôi cho vui.’’

Nhìn thấy ánh mắt tán đồng của Liên, Yến đáp; “ Yến và Liên sẽ đi một vòng chợ hoa Nguyễn Huệ với hai anh, nhưng bọn Yến phải về nhà trước 8 giờ, để mẹ mong.”

Nhẫn vẫn thích đùa dai, chàng hóm hỉnh nói:

"Như vậy là hai cô mới đền ơn anh Tú thôi, còn anh thì sao? Anh đề nghị sau khi dạo chợ hoa, anh mời tất cả một chầu kem ở North Pole.''
“Kem North Pole! Tuyệt! Liên thích nhất là kem dâu ở đây đó anh Nhẫn’’ Liên reo lên, quay sang chị, Liên trấn an: "Về trễ một chút chắc mẹ không la đâu.’’

Nhẫn ngớ ngẩn phụ họa: " Cô bé nói đúng đó. Sắp đến tết rồi chắc bác cũng thông cảm. Hơn nữa dễ gì chúng tôi có dịp gặp lại hai cô lần thứ hai !’’

Bốn người cùng đi qua đường Bạch Đằng, quẹo phải vào Nguyễn Huệ, rồi qua Tự Do. Đường phố thật nhộn nhịp, tấp nập nam thanh nữ tú, người qua kẻ lại. Đường phố sáng choang, những bảng hiệu Queen Bee, Đêm Màu Hồng, Maxim, Majestic... Những ngọn đèn điện màu sắc rực rỡ chớp tắt ngoạn mục hòa cùng tiếng nhạc du dương từ những Kios bán nhạc. Con đường Nguyễn Huệ thêm phần nhộn nhịp và mầu sắc sống động vì những gian hàng hoa đủ loại: Mai, Đào, Cúc, Quất, Vạn thọ, Lan, Thược Dược,.. Các cô bán hàng thướt tha trong chiếc áo dài xinh đẹp, tươi cười thi nhau mời khách. Dừng trước quầy bán hoa, Tú mua một nhánh mai vàng tặng hai chị em Yến và Liên. Vừa đi, họ vừa nhỏ to tâm sự. Chẳng mấy chốc mà họ đã bước vào tiệm kem North Pole ở góc đường Tự Do, Lê Lợi.
Nhẫn gọi cho mình ly kem ba màu. Liên ăn kem dâu, riêng Tú và Bạch Yến gọi hai ly kem sầu riêng. Tú nói: Kem sầu riêng ở đây ngon không kém gì kem sầu riêng ở quán Hương Duyên trên đường Trưng Trắc, Mỹ Tho. Nhẫn lại pha trò:

" Một người ăn kem sầu riêng sẽ sầu riêng, nhưng hai người ăn kem sầu riêng sẽ vui chung".

Tú tiếp lời bạn: ''Những gì anh Nhẫn nói chắc là phải đúng, vì anh Nhẫn là người thông minh có tài tiên đoán được tương lai. Hy vọng là năm mới, anh và Yến sẽ có được niềm vui chung.’’ Bạch Yến e thẹn mỉm cười đỏ mặt, nàng cuối đầu vân vê tà áo.

Sau khi mọi người dùng kem xong, chàng và Nhẫn định nói lời cáo biệt cùng Yến và Liên. Chợt Liên gợi ý: "Hay là hai anh cùng đến nhà em thăm mẹ em, mẹ em không đến nỗi khó khăn lắm đâu, từ ngày ba em qua đời, hai chị em chúng em là nguồn vui duy nhất của mẹ. Gặp người đứng đắn đàng hoàng như hai anh chắc mẹ em mừng lắm. Nhà chúng em ở bên Thị Nghè, gần cầu L, không xa lắm.''

Được mời, Tú và Nhẫn như mở cờ trong bụng, cả hai vui vẻ nhận lời, trên đường đi, Tú dừng lại chợ mua gói kẹo mè xửng Sông Hương, và một hộp mứt thập cẩm làm quà cho mẹ của hai chị em Yến, Liên.

Khi mọi người đến nhà thì trời đã tối. bà Hòa đang sốt ruột đợi các con bên mâm cơm dọn sẵn.

Bạch Liên vội vã lên tiếng trước: " Thưa mẹ, xin lỗi mẹ các con đã làm mẹ phải sốt ruột, hôm nay trường đi ủy lạo chiến sĩ Hải Quân, chúng con được quen với hai anh Nhẫn và Tú. hai anh không có gia đình ở Sài gòn, nên chúng con mời các anh đến nhà mình để hai anh có được chút bầu không khí gia đình.’’

Bà cụ vui vẻ bảo, " Thế thì mời hai cháu cùng dùng bữa cơm đạm bạc với chúng tôi. Nhà quá thanh bạch, chỉ có canh rau, cá chiên.''.

Hai chàng cùng cảm ơn bà cụ, và ngồi vào bàn ăn, mọi người ăn uống, nói cười vui vẻ. Tú kể cho mọi người nghe về quê hương chàng ở Mỹ Tho, thành phố nổi tiếng với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu cổ kính xây từ năm 1879, chùa Vĩnh Tràng với lối kiến trúc phối hợp Âu Châu và Angkor . Nhẫn cũng kể lại những ngày du học ở Rhode Island, những ngạc nhiên lẫn thán phục trong lần đầu tiên đến Hoa Kỳ, được nhìn thấy siêu xa lộ nhiều tầng, nhiều lanes, với quá nhiều xe cộ lưu hành hằng ngày; những siêu thị, bảo tàng viện, nhà chọc trời cao ngất ở Boston, New York Washington, ... Những chuyến hải hành kỳ thú trên biển quê hương, những hải đảo xa xôi, Trường Sa, Hoàng Sa. Phú Quốc, Côn Sơn ... Những hải cảng trù phú: Nha Trang, nơi có di tích Am Chúa thờ nữ thần Ponagar; Cam Ranh; Qui Nhơn, làng Kiên Mỹ, quê hương của người anh hùng áo vải Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Trước khi ra về, hai chàng không quên cảm ơn, và xin phép được trở lại thăm viếng gia đình bà Hòa trong những kỳ nghỉ phép trong tương lai.

2

Tàu đã đến Đà Nẵng, vùng công tác đã gần tuần lễ, ngày nào Tú cũng nôn nóng trông thư Bạch Yến. Mãi đến hôm nay mới có chiếc PCF mang thư đến cho chiến hạm chàng. Thủy thủ Đệ trao chàng phong thư của Bạch Yến xanh màu nước biển. Chàng sung sướng mở vội bì thư. Những dòng chữ cẩn thận nắn nót như trao gửi cả một trời thương mến:

SaìGòn, Ngày 15 Tháng Giêng    Năm 1973.

Anh Tú yêu dấu,

Chuyến viếng thăm HQ 1 vừa qua, đã để lại nơi chúng em nhiều kỷ niệm đẹp; cũng như nhờ sự giải thích tường tận của các anh mà chúng em có thêm kiến thức hiểu biết về quân chủng Hải Quân. Các bạn, Tường Vân, Kim Chi, Thu Nguyệt, và Hồng Liên rất thích những dinh thự trắng có lối kiến trúc Âu Châu, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, và những chiến hạm hiện đại tối tân; cũng như dành cảm tình đặc biệt cho các anh, dù chỉ là lần đầu gặp gỡ. Các anh không những là những chiến sĩ hào hùng trên chiến trường, mà còn là những người anh hào hoa khi tàu về bến.
Trở lại chuyện chúng mình, anh yêu dấu,


Từ khi anh đi rồi, em ở lại buồn da diết. Có những chiều nhớ anh, em đã đến bến cảng Bạch Đằng, nhìn những con tàu cập bến mà chẳng thấy anh đâu!!! Em tự hỏi là anh có nhớ đến em không ? Hay là có hình bóng giai nhân nào khác đã làm anh quên hết kỷ niệm mong manh, một lần gặp gỡ của chúng mình.

Em chỉ là cô học trò bé nhỏ, không có kinh nghiệm nhiều để viết thư tình ái, chỉ biết cảm nhận là em buồn và nhớ anh khắc khoải. Có phải đó là tình yêu không anh ?

Thôi thì, xin anh đừng cười, em xin được mượn lời của nữ sĩ Elizabeth Barrett Browning để diễn đạt tình em:

" Em yêu anh, yêu thăm thẳm, yêu mênh mang, yêu vời vợi,
Yêu cạn hồn em như khi em lẻ bóng một mình.'' (1)

Em cũng đọc sách để tìm hiểu về tình yêu. Em thích nhất là câu,

” Yêu là khép hai mảnh đời riêng rẽ,
Để cùng nhìn về một hướng tương lai’’. ( 2 ).

Có người nghĩ rằng tình yêu chỉ cần “ một mái nhà tranh, hai quả tim vàng''. ". Em thiển nghĩ quan niệm “ Love in a hut, with water and crust '' là một ý tưởng không thực tế. Chúng ta yêu, không phải để nhìn nhau, khen tặng, hay trách móc lẫn nhau, nhưng cùng tận lực, góp sức, chung xây một tương lai tốt đẹp cho chúng mình và con cái mai sau.

Người ta thường bão: "Xa mặt cách lòng’’, nhưng dường như càng xa anh, em tưởng chừng như ngày thêm dài thương nhớ. Mỗi ngày trôi qua là tình yêu em dành cho anh thêm chồng chất. Hôm nay em yêu anh nhiều hơn hôm qua và ngày mai, nhất định sẽ là thêm quay quắt nỗi nhớ về anh.

Đà Nẳng có gì lạ không anh? Riêng Sài Gòn thì vẫn chiều mưa sớm nắng. Và em vẫn lạnh lòng hoài vọng. Từ những nhớ thương ngút ngàn, gửi đến anh bài thơ tình vụng dại mà em vừa sáng tác,

Thơ Tình Trao Anh

Mười sáu tuổi, em đan nhiều ước vọng,
Yêu hương hoa và mơ chuyện trăng sao,
Buổi tan trường, em thường ngóng cổ cao,
Chờ anh đến, ta về chung lối mộng,

Bạn bè đùa-Trông đẹp đôi lắm đó,
Em thẹn thùng che dấu cánh môi cười,
Là lòng em đang rào rạt niềm vui,
Đời tươi đẹp khi có chàng bên cạnh.

Rồi anh đi cho đẹp tình non nước,
Em vu vơ buồn giận gió và mây,
Miền trùng dương anh nào hiểu nơi đây,
Em vẫn đợi, em cạn lòng hoài vọng.

 Ngày cô lẻ, em mãi hoài trông ngóng,
Em u hoài vì vắng bóng anh yêu,
Phố thị buồn, còn đâu nữa những chiều,
Ta rộn rã, con đường vui tình ái.

Ở biển khơi, anh nhớ miền phố thị?
Có em hoài ngóng đợi bóng hình anh?
Hay đã quên ngày nắng đẹp trời xanh,
Ngày kỷ niệm buổi đầu ta gặp gỡ ?

Mai anh về, vang tiếng cười phố nhỏ,
Ấm vành môi và ánh mắt đậm đà,
Đời sẽ vui như nội cỏ, ngàn hoa,
Về tấu khúc, hoan ca cùng nhạc gió. ( 3)

Thư vắn tình dài. Em xin tạm ngừng bút nơi đây. Bao giờ anh về phép, chúng mình sẽ cùng nhau dạo phố, rong chơi anh nhé. Nhớ mua quà cho em. Thương anh đến vạn lần.
Yêu anh,

Bạch Yến.

Tú mỉm cười xếp nhẹ phong thư cho vào túi áo, lòng tràn trề hạnh phúc.

                                                            o0o

Ngày tháng thầm lặng trôi qua, thắm thoát đã gần hai năm quen nhau. Cuối cùng Tú thành hôn cùng Bạch Yến vào cuối năm 1974., và Nhẫn kết hôn cùng Hồng Liên vài tháng sau đó. Cuộc sống thanh bạch của người quân nhân, với khả năng tài chánh giới hạn chỉ cho phép họ tổ chức tiệc cưới thật đơn sơ. Cưới nhau xong, nhưng Bạch Yến vẫn tiếp tục ở chung với mẹ và em. Ngoài giờ theo học tại trường Luật, nàng còn đi dạy kèm trẻ em tại tư gia và dạy bán phần tại một trường tư thục. Riêng Tú trở về đơn vị, sống đời lênh đênh cùng chiến hạm. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, chàng vô cùng hoang mang không hiểu vì sao quân đội lần lượt di tản chiết thuật, bỏ Đà Nẳng, Qui Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Rồi Phan Rang. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, chiến hạm Tú vẫn còn lênh đênh ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. nhìn từng chiến hạm đầy ấp người và lính di tản, lũ lượt kéo nhau về Sài Gòn, chàng không khỏi nản lòng ngao ngán. Tú tự nhủ lòng: Nếu như chàng có chết đi vì quê hương đất nước thì cũng chẳng có gì hối tiếc, chỉ thương cho Bạch Yến, người vợ trẻ đang thai nghén còn ở lại. Đêm 29/4/75. Chiến hạm chàng được lệnh di tản chiến thuật ra Côn Sơn. Sáng ngày hôm sau. Tú được biết là Cộng Sản đã chiếm được Sài Gòn. Chàng theo chiến hạm đến Phi Luật Tân, rồi đến đảo Guam. Những ngày chờ đợi ở Guam, Tú rất đau lòng khi nghĩ đến người vợ yêu quí. Nhớ Bạch Yến da diết đến nỗi chàng không còn tha thiết gì nữa, kể cả mạng sống của mình. Chàng đã làm một quyết định sai lầm là theo chiếc tàu Việt Nam Thương Tín để trở về Sài Gòn; để rồi nhận hậu quả ê chề là phải trải qua những ngày tháng tủi nhục, đọa đầy, tuyệt vọng, qua các trại học tập, từ Nam ra Bắc.

Riêng Bạch Yến, nhờ có Hồng Liên làm việc cho Sở Mỹ, nên mẹ nàng và Nhẫn cùng theo Hồng Liên và được đưa thẳng đến định cư ở tiểu bang Pensylvania ở Hoa Kỳ. Cũng từ đó nàng mất liên lạc cùng Tú. Nửa tháng đến Hoa Kỳ, Bạch Yến hạ sinh đứa con đầu lòng. Bận bịu với chuyện thai nghén, sinh nở, và chăm sóc con cái làm nàng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ về chồng. Sau ngày sinh nở cứng cát, nàng tìm mọi cách liên lạc với Tú, nhưng bặt vô âm tính.

Là người phụ nữ đảm đang, có học thức, Bạch Yến đã tận dụng thời giờ một cách hữu ích, chỉ một năm sau ngày sinh con là nàng có đủ khả năng Anh Văn để theo học ngành Y Tá tại trường Đại Học Cộng Đồng địa phương, vừa nuôi con, vừa theo học toàn phần vừa làm việc bán phần. Hai năm sau, nàng tiếp tục theo học tại University of Pensylvania. Bốn năm sau nàng tốt nghiệp ngành Y Tá; và tùng sự tại Hersey Medical Center.

Trong thời gian đi học, có nhiều người ngưỡng mộ và có cảm tình đặc biệt với Bạch Yến. Trong số đó có David King giáo sư Vạn Vật Học ngỏ ý muốn tiến tới hôn nhân với nàng, nhưng nàng đã lịch sự, dịu dàng từ chối. Năm thứ ba, nàng học Hóa Học với Giáo Sư Thomas Nguyễn. Được biết Tom là du học sinh đến học tại Mỹ trước năm 1975. Sau biến cố 75, chàng ở lại Hoa Kỳ tiếp tục việc học, tốt nghiệp và có việc làm: Giáo sư Hóa học tại University of Pensylvania. Tom là người phong lưu, lịch lãm, chàng có cảm tình, thường đến nhà thăm Bạch Yến, bà Hòa, và mua quà cho bé Tuấn, nhưng khi chàng ngỏ ý tỏ tình; Bạch Yến xin lỗi và chỉ xin chàng hãy xem nàng như một người em gái, vì trong tim nàng chỉ có hình bóng Tú và lòng luôn hoài mong, cầu nguyện cùng Thiên Chúa sẽ có ngày đoàn tụ cùng chồng.

Sáng nay, như bao buổi sáng khác với công việc thường nhựt. Vừa nhìn vào Check List, Bạch Yến bàng hoàng khi nhìn vào bảng danh sách bệnh nhân, Phạm Anh Tú, electrician, room 114 West Wing. Nàng vội vã, đến phòng 114, gõ cửa bước vào. Bệnh nhân là người đàn ông gầy gò, độ 55 tuổi, đôi mắt nhắm nghiền. Nàng vội vã kêu lên Anh Tú, phải Tú chồng nàng đây rồi. Vai nàng run lên vì xúc động. Nhìn vào hồ sơ bịnh lý, nàng tiêm cho chàng muỗi thuốc theo huấn thị của bác sĩ. Nửa giờ sau, khi hồi tỉnh, Tú mở to mắt, chàng mấp máy đôi môi:

- Xin lỗi bà có phải tên bà là Bạch Yến'.
-Vâng, em là Bạch yến, vợ anh đây, Chúa còn thương nên cho vợ chồng ta còn có ngày nay đoàn tụ. Bạch Yến đáp lời.
-Còn con chúng ta? Tú hỏi ?
-Nó đã lớn khôn, hoàn tất việc học và hiện sống ở nhà với em và mẹ. Anh hãy tịnh dưỡng, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn khi anh hồi phục.

Tú mệt mỏi nhắm nghiền đôi mắt, đôi môi mỉm cười thỏa nguyện. Ngày Chúa nhật hôm sau, Bạch Yến đưa Tuấn con chàng vào thăm. Sau phút đầu bỡ ngỡ, nhưng hình như tình phụ tử thiêng liêng đã >giúp họ cảm nhận được thân tình. Tuấn kêu lên " cha" rồi nấc nghẹn. Giây phút cha con đoàn tụ thật là cảm động! Tú ôm con vào lòng mà nước mắt đoanh tròng.

Mười lăm ngày sau, Tú được phép xuất viện về với gia đình. Bạch Yến dừng xe lại trước cổng nhà. Mọi người ra tận cửa xe đón Tú vào. Trên bàn ăn, bữa cơm đã dọn sẵn. Bà Hòa, mẹ Bạch Yến, giờ đây mái tóc đã bạc phơ, nhưng trông vẫn còn tráng kiện. Bà Hòa nói “ Chiến tranh đã gây ra bao thống khổ cho quê hương xứ sở. Cám ơn Chúa đã cho gia đình chúng ta được đoàn tụ ngày hôm nay. Mẹ rất sung sướng là trong tuổi già bóng xế, còn được nhìn các con cùng về sum hợp dưới mái gia đình.’’

Nhẫn tiếp lời bà cụ: “ Hai em cũng xin được phép chia vui cùng gia đình và anh chị hôm nay. Chúa thật rộng lượng và công bằng. Sau bao đau khổ, chia xa rồi chúng ta cũng được đền bù. Nhân ngày đầu xuân, chúng em xin chúc anh chị mẹ, và cháu Tuấn được bình an và dồi giàu sức khỏe.’’

Nụ cười tươi thắm lại trở về trên gương mặt phong trần của Tú. Chàng kể lại cho mọi người nghe về những ngày tháng lưu đày khổ lụy. Sau bảy năm dài hoang phí tuổi thanh xuân trong lao tù khắc nghiệt; chàng đã được phóng thích, và tạm về nương náu với Vũ, người bạn nhập ngũ cùng lúc với chàng. Cuối cùng, chàng xin phép sang định cư Hoa Kỳ theo diện HO và được chấp thuận. Những ngày đầu đến Hoa Kỳ, chàng được Hà, người bạn lính cùng khóa bảo trợ về sống chung. Chàng may mắn được Jack Victorien, người bạn mới quen đi cùng nhà thờ giới thiệu làm công nhân cho hãng Sterling. Nhờ chịu khó, cần cù siêng năng, chàng đi học thêm về điện ban đêm, nên chẳng bao lâu Tú được hãng thăng tiến làm thợ điện. Tai nạn xảy ra vì chàng sơ suất trong khi làm việc và bị điện giật. Tú chúc mọi người một năm mới tươi vui, hạnh phúc. Chàng cũng nói lên lòng biết ơn của mình đôi với những người bạn lính tốt bụng, những tấm lòng nhân đạo đã giúp đỡ chàng trong những cơn nguy khốn.

Ngoài kia, như vui mừng cho ngày đoàn tụ: Những tia nắng ấm mùa xuân lung linh nhảy múa trên rặng hoa Fosythia vàng rực rỡ, hòa theo tiếng gió rì rào và lời ca vang vọng từ chiếc máy hát:

" Đón Xuân nầy tôi nhớ xuân xưa..."
Hẹn gặp nhau trong pháo giao thừa..." ( Trịnh Lâm Ngân).

Ghi Chú:

 (1) Nguyên văn: “ I love thee to the depth and breadth and height
My soul can reach, when feeling out of sight. "           
(2) Thơ Nguyễn văn Hiền ( Hoài Tuyết Trang).                        
(3) Lê Phạm Kim Phượng.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011