Xuân TÂN MÃO - SỐ 49 - THÁNG 01 NĂM 2011

VIẾT CHO NGƯỜI BẠN HÁT Ô GIÀ

Buổi sáng, tôi ghé thăm Nghĩa - một bạn già HO và cũng là đồng nghiệp trong suốt thời gian dài ở Mỹ. Từ Escondido về Mira Mesa không xa, nhưng freeway bị kẹt vì luồng xe đi làm buổi sáng khá nhiều. Khập khựng một lúc, tôi cũng đến được con đường dẫn vào nhà Nghĩa. Giàn bông bụp trước cổng đỏ thắm, nhắc nhở căn nhà quen thuộc ngày nào. Ngày nào Nghĩa còn khỏe mạnh, tháo vác các công việc ở hãng. Và nổi tiếng hào phóng, khiến các cô nàng sồn sồn, có cô cầm lòng không được. Bây giờ, Nghĩa ra đón tôi bằng dáng điệu của một người bệnh, yếu đuối đến nỗi muốn chực ngã xuống bất cứ lúc nào. Nghĩa đang bị nan y, vừa rời khỏi bệnh viện sau khi bác sĩ phóng kimo vào cơ thể.

Dù đi không vững, Nghĩa vẫn cố gắng đưa tôi ra sân sau để khoe vườn rau trái đang xum xuê xanh biếc. Nắng tràn ngập cây lá. Nắng lung linh trên những ngọn cải non mướt. Nắng rớt lên mặt Nghĩa, rớt xuống đôi vai khom khom gồng gánh cả hệ lụy đời người. 20 năm trôi qua, diện HO đã cống hiến cho xã hội Mỹ nhiều công sức hữu ích. Có HO đem sức lao động ra phục vụ đất nước. Có HO tiếp tục học để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Và đàn con của HO - biết bao nhân tài son trẻ đã góp phần đưa nước Mỹ lên đỉnh cao vinh quang.

Tôi không thể nào quên được những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến Mỹ. Vùng đất quá xa lạ, quá văn minh, vượt khỏi mức hiện đại mà tôi hằng tưởng tượng. Tôi lo cho tương lai. Tôi lo cho thằng con vừa đến tuổi trưởng thành. Sợ không thể hòa nhập vào xã hội mới với mớ kiến thức dở dở ương ương cỏn con của gia đình. Thằng bạn thân qua năm 1975 ở tuốt tận Washington, tôi chụp ống điện thoại gọi nó cầu mong những lời hỗ trợ tinh thần. Nhưng chỉ nghe giọng đàn anh khuyên bảo:

- Sao? Sao giờ này mày mới qua? Chu choa, sống với việt cộng lâu năm mày có thay đổi gì không? Qua đây, hãy đổi cách sống đi! Từ từ rồi sẽ quen dần. Từ từ thì mọi sự ở đâu cũng vào đấy. Năm 1975, tụi tau qua đây khổ hơn chó. Mày là sung sướng lắm đấy...đi máy bay đàng hoàng...

Lời khuyên bảo đầy tính chất ganh tỵ kẻ trước người sau. Nhưng nhờ lời khuyên bảo này, tôi đã đổi cách sống, cần mẫn miệt mài vươn lên trong xã hội mới. Thằng con tôi đã thành tựu trong thương trường. Vợ chồng tôi có công ăn việc làm vững chãi, suốt mười mấy năm dài.

HO có nhiều người như Nghĩa, mặc dù đầu đã bạc, mặc dù đủ điều kiện xin trợ cấp xã hội, đủ điều kiện ngồi chơi xơi nước, tới tháng chỉ cần ra hộp thư để lãnh check welfare. Nhưng họ vẫn xông xáo làm việc, tự nguyện làm một cái đinh ốc trong guồng máy của chế độ tự do. HO cũng có lắm kẻ như Biện, như Thanh. Vừa qua Mỹ, họ đã vội cắp sách đến trường, đầu bạc học với đầu xanh, miệt mài với năm tháng..cho đến khi lấy được bằng kỹ sư  mới toại nguyện.

20 năm chương trình HO, cuối cùng những HO viên đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho lịch sử. Cuối cùng, những Nghĩa những Thanh những Biện cũng đầu bạc răng long, cũng tàn phai theo năm tháng. Họ bắt đầu già nua, bắt đầu bệnh hoạn và âm thầm nằm xuống như mớ tro tàn. Người ta có thể quên họ. Những chế độ phi luân khác có thể bôi xóa tên tuổi họ. Dù HO có là danh sách thứ tự do việt cộng đặt ra. Hay HO là chương trình cứu vớt vì nhân đạo của Mỹ. Dù thế nào đi chăng nữa, HO cũng là giai đoạn thống khổ nhất của lịch sử Việt Nam, nó đánh dấu giai đoạn tù nhân chính trị lầm than nhất trong thập niên 70.

Ngày xưa, khi đặt chân đến đất Mỹ, tôi đã bước những bước chân vội vàng , mạnh khỏe và nhanh chóng nhất để theo kịp trào lưu. Ngày nay, tôi bước đi chậm chạp, mệt mỏi và buồn rầu vì biết rằng đời mình sắp phai tàn. Kẻ trước, người sau...tất cả..rồi cũng sẽ chậm chạp, mệt mỏi và buồn rầu như tôi. Trong cái bóng tối nhá nhem sắp phai tàn đó, cộng đồng hải ngoại Việt Nam vẫn còn bức xé, chia rẽ nhau một cách cùng cực. Người ta chưa bao giờ êm ái ngồi lại, đoàn kết để xây dựng hay thống nhất một điều gì. Ở đâu, nơi nào có người Việt, ở đó có sự tranh chấp. Một thành phố nhỏ như San Diego lại có tới hai cộng đồng người Việt, hai hội ái hữu hải quân...và các hội khác đua nhau xẻ tam chia tứ. Người ta không bằng lòng với nhau, có khi chỉ là một danh từ, có khi chỉ vì tự ái, có khi chỉ do bởi ảo vọng hão huyền.

Những chiếc ghế chụm vào nhau, bên cạnh mảnh vườn tràn đầy sức sống. Tôi ngồi đối diện với Nghĩa, ôn tồn nói cho anh nghe những ý nghĩ của mình. Nghĩa gật gù, nhìn về phía cây thanh long đang trĩu trái oằn cành, rồi từ tốn:
- Người ta bao giờ cũng kiếm chuyện với bọn mình. Trước 1975, giữa lúc bọn mình lăn xả ngoài chiến trường vật lộn với quân thù, thì bọn salon thành phố ăn bùa mê thuốc lú của cộng sản chửi quân đội mình là lính đánh thuê. Sau 1975, bọn mình vào tù, vất vả trăm bề với cộng quân, thì tụi nó bảo mình bị việt cộng đồng hóa. Chữ nào nói ra cũng cho là chữ việt cộng. Tù quân bị đồng hóa, bị nhồi sọ...Sang bên này, họ cũng không để yên, giở giọng ganh tỵ kẻ trước người sau, phân biệt đủ điều.

Tôi chợt nhớ đến câu nói bất hủ của bậc tiền bối nào đó, hình như của Phật Thích Ca thì phải :" Đánh thắng một vạn quân, không bằng tự thắng lòng mình." Mấy ai tự thắng được lòng mình. Mấy ai có lòng tự trọng, đến trước nhường ghế cho kẻ đến sau.

Tôi chợt đau đớn nhìn Nghĩa. Anh đã thân tàn ma dại, oằn oại với căn bệnh nan y hơn mấy năm nay. Vậy mà anh vẫn giữ khí khái của một chiến sĩ. Dũng cảm. Hiên ngang. Cho tới phút cuối cùng. Nghĩa không than thở, không trách móc cuộc đời. Mặc dù anh đã cống hiến cho cuộc đời suốt nửa thế kỷ qua.

Hàng bông bụp đỏ thắm vừa ở sau lưng tôi như  vẫy đưa từ biệt. Sau cái bắt tay run rẩy, Nghĩa đứng chống nạnh hiên ngang để tiễn tôi về. Tôi biết bạn đang tạo ra vẻ khí khái của một người lính. Tôi biết bạn đang bị hành hạ bởi những đợt kimo cuồng bạo. Và tôi biết chính tôi - đang buồn bã gục đầu thương xót bạn vô cùng...

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 29/05/2010)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011