SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

Chuyện ANH và TÔI

Phần Thứ Nhất

Chương   5
Nén Lại Chân Quê

“Tinh thần gia đình là gì?
Đó là: Pha trộn tình mến sợ cha. Tình âu yếm sợ mẹ. Kính trọng cả hai. Thán phục nhân đức của cha lẫn mẹ. Bỏ qua các lỗi lầm. Ghi nhớ công ơn. Thông cảm đau khổ. Cảm kích các hy sinh của cha lẫn mẹ” (P. Janet).

Ba tôi sinh trưởng trong một gia đình bề thế giàu có ở làng Hưng Nhơn, thuộc tổng An Thơ, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ba làm nghề thầy thuốc trị bệnh nhân khá mát tay. Ngoài ra, ba tôi còn va#i ba nghề tay trái nữa là: Làm nghề cưa xẻ cúp cây gỗ, làm ruộng, mở trang trại ươm cây giống. Nhắc về ba, tất nhiên tôi phải nói lướt sơ sơ về má. Má tôi sanh ở làng Thuận Nhơn rợp bóng hai hàng cây sát bên con sông xanh êm đềm uốn khúc, nước sông rất trong, ngon và ngọt. Làng nầy thuộc tổng Cù Hoan, huyện Hải Lăng. Tỉnh Quảng Trị. Ông ngoại là một võ quan rất giỏi trong triều đình Huế thời xưa. Gia đình ông bà ngoại khá giàu có, ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Má tôi sinh ra trong một gia đình đông con, nhưng rồi ông bà ngoại chỉ may mắn còn lại cậu Cửu Ổn và má.

Ba Má tôi rất hiền, đạo đức và giống nhau là nhân ái phúc hậu, (mà các con cái ưa nói là ba má có tính tào lao: ăn cơm nhà vác ngà voi). Ba má tôi sống cuộc đời khá hoàn thiện, ngày nào họ cũng xem là ngày cuối cuộc đời trước mặt Chúa: Họ không gian dối, không thất đức, không lừa gạt ai, họ chỉ biết sống bác ái, ôn nhu, an lành, yêu tha nhân, tận tình giúp đỡ người cùng khốn, cần mẫn tận tụy làm việc. Ba tôi thường lấy câu của bậc tiền bối, thánh hiền, để răn dạy con cái. Ví dụ như: “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên. Trạch kỳ thiện giả, nhi tòng chi. Bất kỳ thiện giả, nhi cải chi”. (Ba người cùng đi, tất nhiên có người là thầy ta. Hãy theo đó mà bắt chước từ thiện. Nhìn người xấu, nên tự sửa mình).

Ba tôi có hẹn với đại gia đình anh chị em tôi khi ở Đà Lạt là: “ba sẽ ra Huế để lo thu xếp công chuyện, chuyển giao việc trại ươm cây và đồng áng lại cho người thân. Sau đó ba má sẽ vào sống yên ổn ấm no ở Đà Lạt với các con, cháu”. Ấy thế mà... đâu vẫn hoàn đó chưa rứt ra nỗi. Điển hình nhất là ba má bị quật ngã biết bao phen trong cuộc đời thăng trầm sướng khổ và cay cực không chịu lùi bước. Ba má tôi đã đắn đo suy nghĩ quyết chí làm một việc gì, thì họ đồng tâm hiệp sức phải thực hiện tạo thành cơ nghiệp ấy cho kỳ được. Dù gian truân đến đâu mặc lòng. Ở quê nhà nay chỉ còn hai ông bà cụ lom khom lui cui đi ra đi vào thui thủi. Tôi cảm thấy ba má thật neo đơn, vắng vẻ buồn bực không ít. Thế mà hầu như ba má không lấy đó làm phiền bên ngọn đèn dầu lu tù mù, đầu ba tôi luôn suy tư cúi xuống quyển sổ bệnh án dày cộm, mà cuộc sống của ba má vẫn cùng khó đạm bạc, là sao thế hở ba? Cuộc đời ba má hầu như cắm rễ khá sâu vào miếng đất gia tiên; gắn liền với ruộng nương, vườn sắn, ao bèo, gốc tre, bụi chuối. Chúng tôi chưa có cách gì gỡ ba má ra nỗi trong cái “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nầy. Dù chỉ một phần điền bé tẻo teo, bé tí nị, mà ba má vẫn trìu mến ưa thích nén lại chân quê. Nơi mái nhà xiêu vẹo ba má ở đó, tôi thiết nghĩ là chân trời mở ra một cửa ngỏ buồn thảm. Không hứa hẹn vui vẻ tươi sáng bình an hơn lúc thời kỳ bắt đầu có chiến tranh. Những viên đạn xoáy tít trong không gian tối đen tạo thành những luồng vàng sáng, lóe ánh lửa rực đỏ xẹt xẹt bay vút qua vút lại trên đầu. Thì sự sụp đổ của một gia đình bề thế do chiến tranh đã bị uốn cong gập, như con đại bàng gãy cánh trên những đống hoang tàn. Mặc cho mặt trời pha máu lửa đỏ chói từ phương Đông lan qua phương Tây. Mặc súng đạn gieo tang tóc lầm than khốn đốn dày xéo đến bao gia đình, rồi tàn bạo kéo nhau đi nơi khác. Mặc bệnh tật đói rách ở lại, đau thương và khốn nạn trăm điều điêu đứng vẫn còn đây.

Ấy vậy mà ba tôi vẫn điềm nhiên ngồi bốc thuốc, vẫn cầm cây cuốc, cuốc lại từng lát cuốc trên đất cứng pha sỏi đá khô cằn nứt nẻ, với hy vọng bừng lên. Cũng thế, ba má tôi luôn đắn đo, chần chờ do dự mãi; nếu họ dọn đi ra khỏi vùng Mỹ Chánh, thì ba má thấy thương quá là thương những người dân quê cần cù lao động nhọc nhằn, quanh năm cư dân vẫn đói khổ rách rưới triền miên. Ốm đau bệnh nạn, họ chỉ có nước nằm đó ngáp ngáp chịu trận, mà chờ chết. Nếu có ba tôi thường lui tới, đi lại an ủi vỗ về, chăm lo, giúp đỡ, săn sóc, thuốc men (có nhiều lần ba tôi làm việc thiện, bỏ công sức và tiền của hoàn toàn không tính toán), thì tình trạng khốn khổ của từng bao nhiêu người được vỗ về, an ủi, họ cũng giảm bớt nỗi đau rất nhiều. Họ không có gì đền trả... ngoài sự tận tụy làm việc kiếm sống, niềm tin tưởng, tấm chân tình cưu mang ơn trọng nghĩa cao với ba tôi; bằng những chia sẻ ngọt bùi, nụ cười thân thiện ấm nồng trìu mến tình quê.

Ngoài nghề chính là nghề thầy thuốc, những thì-giờ còn lại ba tôi muốn vận động cơ thể khỏe mạnh xí, nên ba tôi đi làm việc bằng tay chân, tùy theo tháng năm chất chồng, chiếc áo cần lao của ba ngày trước mịn và mới, nay trở thành những chiếc áo vá dày cui khô và cứng đơ. Mỗi lần ba tôi cử động nó kêu sột soạt, như mo cau cọ rít vào nhau, tiếng kiêu hãnh diện, đắc thắng của người dạn dày kinh nghiệm làm đất đai phải thuần thục. Ba chế ngự mọi thử thách gian khó bằng hai bàn tay cần lao, sự từng trải thấu hiểu. Ba má tôi hai tay làm việc thoăn thoắt, vất vả, hai chân ba má chưa kịp bén đất. Nhiều lần mải mê làm việc, ba má tôi quên cả ăn uống. Việc đồng áng nhờ có kiến thức và giàu kinh nghiệm, nên ba tôi có thể truyền đạt lại cho bạn nông dân cùng quê khá tốt. Đó là kết quả một đời ba má lao lực, suốt ngày đêm phơi mình giữa nắng mưa khuya chiều, cuốc cuốc cày cày đất cứng khô cằn nứt nẻ không ngơi tay. Ba má tôi thật vất vả nhọc nhằn quá chừng. Khiến một người tao nhã trí thức như ba, đôi khi trở thành cáu gắt, nghiêm nghị và khó tính. Đã một đời ba vì đất vì đai, vì dân quê làng xã, vì bệnh nhân cùng đinh nghèo khổ rồi. Nay ba vẫn đi mở đất khai hoang, mong đem bình an ấm no cho bao nhiêu người. Đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm vui duy nhất còn sót lại trong đời ba khi tuổi già sức cạn. Tôi nghe quá đắng cay trong lòng. Làm sao mà ba có thể mang hết cuộc đời và cả gia tài dành dụm gần suốt đời người, để lo cho bá tánh nghèo khổ quá đông đúc, cho nỗi hỉ!? Hở ba? Khi tôi tận mắt nhìn thấy ba má xắn tay áo lên lo cho người thương tật, ốm đau, mà ba má không một lời thở than. Niềm vui đó có phải do ba tôi đã vắt cạn kiệt ra từ chất xám để ban tặng cho đời thụ hưởng!? Ba tôi ưa nói câu của cổ nhân để gián tiếp răn dạy con cái:

- “Nếu ta có đứa con phải giáo dục. Ta sẽ lo cho nó cái gì? Tạo cho nó thành thiện nhân, hay vĩ nhân?”. Ta tự đáp:
- “Phải tạo cho nó thành thiện nhân”.

Anh, chị, em chúng tôi đã được sự giáo dục rất mực tôn nghiêm và chu đáo của mẹ cha. Tôi học hỏi nhiều điều rất bổ ích từ ơn cha nghĩa mẹ sinh thành dưỡng dục. Con xin trân trọng cảm ơn cha mẹ vô vàn. Tôi nguyện muôn đời ghi nhớ, sau nầy tôi hy vọng sẽ truyền đạt kinh nghiệm sống hữu ích lại cho con cháu mình noi theo gương lành.

oOo

Miền Trung đón tôi vào những ngày mưa giông gió bão quá lạnh lẽo, thê lương ảm đạm vô ngần. Huế chịu ảnh hưởng chuyển tiếp từ Á xích đới lên Nội chí tuyến, gió mùa theo những tảng mây xám dày cui vần vũ trên nền trời nặng trịch sa xuống thật thấp. Mây xám bay thấp lè tè vần vũ bầu trời ảm đạm coi phát ớn. Gió rít xoáy buốt lạnh thấu thịt thấu xương, cuốn mưa phùn rỉ rả lất phất rơi hoài mãi suốt ngày đêm. Đó là xứ phong thổ vĩnh cửu đong đầy u trầm luyến thương, để tạo thành Huế yêu kiều và u buồn trầm mặc. Trời chi mà sầu lắng buồn thảm lạ lùng như rứa hỉ! Gió lộng thổi qua hàng dừa dưới chân đồi, thân cây quằn quại uốn mình kêu răn rắc. Bỗng chốc trời tối sầm lại và cơn mưa dầm trở về dai dẳng suốt ngày suốt đêm, mưa gió trút xuống vùng đất hoang vu nầy khí lạnh xoáy buốt thịt da đến rợn người nổi ốc trâu. Vài tiếng chim bìm bịp lẻ loi rưng rức nức nở gọi đàn. Tất cả nhóm bùng lên trong tôi ánh lửa tiếc nhớ ước mong quắt quay. Mọi thứ chìm sâu vào dĩ vãng. Kỷ niệm tình yêu xưa ngập lụt, nay chỉ còn là quá khứ trống vắng lạnh lẽo và buồn tênh.

Đầu cổng vườn nhà của ba má tôi ở thôn Mỹ Chánh móc hờ sợi thép đung đưa theo gió mưa là tấm biển xanh ghi số nhà, hàng dưới ghi tên ấp, xã. Gió đưa tấm biển lật qua lật lại kêu lanh canh suốt, nghe thật khó chịu. Trước sân rộng là giàn đậu ngự, mướp đắng, chen lẫn thiên lý hoa nở từng chùm tỏa hương thơm thơm. Cạnh đấy là vại nước có cái gáo dừa móc lên cột nhà chái. Cây cuốc nằm vật ngửa ra giữa sân gạch tàu rộng dẫn tới ngôi nhà xây quét vôi vàng, có nền xi măng cao cao năm bậc cấp. Ngôi nhà tôn thấp lè tè, có ba gian rất rộng và hai chái bên hông nhà chứa đầy đồ đạc linh tinh: Chum đậu, chum cà muối, lu, hũ đựng đầy nhóc các loại mắm, vựa lúa, vân vân... để dành dự trữ khi mùa đông gạo cơm thấp kém.

Những bó củi, gốc cây khô, dựng quanh hè nhà, gần mấy liếp xà lách, hành ngò, tàn ô, tía tô, cải bẹ xanh đã lên vồng, vân vân... Hàng đậu cô ve leo lên các cọc tre cắm. Quần áo của ba má phơi trên dây thép bay phần phật. Nong đậu phơi đã bỏ quên trên giàn bị nước mưa thấm ướt nhẹp. Ngoài khung cửa phía cuối đồi có hai con trâu và đàn bò đứng sát trong chuồng, đầu chúng chúi xuống, hướng vầng trán rộng về hướng gió để chống giông bão thổi tới. Bên cạnh chuồng bò là những chú heo con ụt ịt chạy quanh mán ăn. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo: mỗi buổi về chiều rộn lên trong vùng quê im vắng.

Tôi trở về quê mẹ thể theo lời yêu cầu của chị tôi. Chị Tư muốn tôi về đón má vào Đà Lạt phụ giúp chị gói bánh chưng bánh tét cùng làm các thứ bánh mứt, để bán chợ Tết, kiếm tiền lời hậu hĩ. Gì chứ chuyện đồng áng, may áo quần, chằm nón, và những món bánh, mứt, chuyện nấu nướng tiệc tùng, đình đám, thì má tôi quán xuyến đảm đang, tay nghề má rất giỏi. Bây giờ, nếu tôi khuyên ba má bỏ lại hết tất cả, mà ra đi đến một nơi sung sướng, thong dong, an cư lạc nghiệp cho riêng bản thân, an toàn sinh mạng. Không hiểu ba má có đồng ý rứt áo ra đi cho chăng? Tôi phải cố gắng vận dụng hết khả năng, uyển chuyển khôn khéo và hùng biện thuyết phục việc ba má di chuyển gia cư cho rồi. Chớ cái điệu cứ ở nơi khỉ ho cò gáy, chốn chó ăn đá gà ăn muối nầy, thì không xong, ba má sẽ ngã bệnh ốm đau hay gặp hoạn nạn, chiến tranh bùng nổ, thì chạy đi đâu cho kịp leo lên xe, hay đến nơi có tàu có bè, mà đi!

Bao năm xa vắng quê xưa nay trở về chốn cũ, tôi đứng trên triền đồi sau lưng nhà, nơi mấy gốc “mẹ cha con cây tùng” xưa. Cây tùng cha đã bị cháy trụi, chỉ còn trơ lại vài cành khô trọc lóc, lởm chởm đen đúa. Cây tùng mẹ bị cháy một bên hông, tàng cây không vươn lên trời, mà cụp cành rũ rượi lòng thòng, là là xuống sát mặt đất quệt qua quệt lại trên bờ kè. Cây tùng con năm xưa phơi phới xuân thì, có lẽ do chiến tranh tàn phá, nay nó èo uột, trông thấy thảm. Đồi sim hoa tím vẫn còn đó. Mái nhà nho nhỏ bên vườn ươm cây còn đó. Ao sen bụi chuối vườn môn, trang trại đầy gia súc. Tất cả vẫn còn sống trong hoang vu và cô tịch. Dù phong sương qua thời gian làm chúng cỗi cằn, héo úa, già nua hơn thuở thanh bình cũ. Thế mà người con gái thả từng cánh hoa sen trôi trên dòng sông ngày trước, ôm theo mộng tình xanh tươi không còn nữa. Mộng lòng ngày xanh ấy... nay đã vỡ tan. Tôi nén lại nỗi đau, vùi sâu mối tình đầu vào tận đáy lòng. Mỗi người có một thân phận, mỗi thân phận đã có một cuộc đời riêng, bàng hoàng kinh hãi và ngẩn ngơ thay! Tôi cảm thấy lòng chùng hẳn lại nỗi muộn phiền xót xa vô bờ. Những dự tính sông hồ của người con gái trẻ đẹp phơi phới xuân-thì trước cửa ngỏ cuộc chiến chợt tiêu tan. Nhìn những cảnh trí nhấp nhô trong từng đám lá thấp cao nầy, lòng tôi cảm thấy dễ chịu, an hòa sau lũy tre xanh thế nào ấy. Nơi ba má tôi đã nhỏ từng giọt mồ hôi xuống vồng đất tơi mịn để tạo thành quê hương đầy ân tình trọn nghĩa thâm giao.

Tự đáy lòng tôi dâng lên mối dịu cảm ngọt ngào lâng lâng khó tả. Niềm thư thái bình yên trầm lặng, không bon chen. Tôi mong ước một hy vọng mơ hồ rất khẽ, dù chưa có mục đích thiết thực. Trong tôi đang bừng lên niềm kính trọng, cảm mến và trân trọng biết ơn cha mẹ đã cho con thành nhân.

 

Chương   6

Đắng Cay Trong Lòng

Trong khi tôi chờ đợi má nhanh chóng thu xếp ít công việc nhà, hầu giao lại cho O Hà thay má tiếp tục quản gia, lo cơm nước cho ba và những người làm vườn ươm cây). Tôi đi Huế thăm bạn. Vô Huế, trước tiên tôi mặc áo lạnh, đội áo mưa qua Gia Hội thăm Hồng. Sau đó hai đứa tôi đi Vĩ Dạ thăm Uyên, cậu bạn trai nầy không có nhà. Tôi không quên nhìn lên quán trọ tồi tàn, nơi ghi dấu một chuyện tình xanh hồi ấy đẹp mong manh, mà bây giờ trở thành tê tái. Trở về phố, tôi đến nhà thăm anh chị Quyền ở chân cầu Thanh Long. Tôi cùng chị Tố Nga đi lên phố thăm Nguyệt Nga. Mấy chị em Nguyệt Nga tiếp đón tôi nồng hậu, chân tình. Tôi hỏi thăm anh Đan, Nga cho biết:

- Anh Đan đi Mỹ một năm trước. Nay anh đã trở về quê hương được vài tháng rồi. Anh đồn trú tại vùng Đà Nẵng. Anh trai em vẫn độc thân, vừa về thăm nhà tuần trước. Chị à.

Họ nói nhiều về Đan và tôi. Điều nầy khiến tôi rất cảm động. Tôi thật tiếc là sao tôi không về quê sớm hơn, để được gặp Đan. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi tự hỏi:
- Gặp anh Đan để làm gì? Tôi không biết. Thật sự tôi cảm thấy muốn gặp Đan lắm. Dù... chỉ lặng nhìn anh. Lời cuối cùng xin đành đi vào im lặng vô ngôn. Dòng chảy nầy đã đưa người thân thương nhất đi biền biệt mất rồi. Hình ảnh cuộc đời thôi đơn giản một chiều phản ảnh yêu thương. Thôi ngây thơ dội ngược lại quá khứ, để tìm anh và thầm thì lời tỏ tình lặng lẽ qua gió mùa đông.

- Tại sao chị và anh Đan lại xa... rứa?
- À... Thỉnh thoảng mình có liên lạc... thư từ thăm hỏi đó chứ.
- Liên lạc như rứa, thấy rất xa. Xã giao qua những lá thư lạt lẽo như rứa. “Kiến kỳ văn, bất kiến kỳ hình”. Anh Đan của em cảm thấy buồn lắm đó. Chị Thụy ơi!

Câu Nguyệt Nga nói làm chao đảo giao động lòng tôi khá nhiều mỗi khi hoàng hôn chuyển mình nở sâu vào đêm trăng ngà thao thức bâng khuâng. Tình cảm xô ập về tim tôi chới với dồn dập, đong đưa theo gió biển rì rào và ngọn sóng lớn quất vào mặt mình đau nhói. Tình yêu là điều thần bí, nó không phai nhòa thay đổi theo thời gian, có thể vì một lý do nào khác, vì một người nào khác sáng rỡ mà thay đổi từ ánh mắt, nụ cười và tư tưởng! Vả chăng tôi còn sót lại sự kính trọng tuyệt đối với anh Đan. Sự tự trọng của một người con gái biết lễ độ với anh: Đan. Mối tình anh trao tặng tôi rất chân thật. Trong tôi còn nguyên vẹn một cảm tình khác đối với Đan đầm ấm hơn, dịu ngọt, bịn rịn hơn, âu yếm hơn, sợ hãi hơn. Đó là tình tri ân trân trọng nồng nàn anh Đan cao vời. Anh Đan khiến tôi đắm đuối mê say tìm về giấc mộng vàng xưa, dù chẳng bao giờ Đan tìm cơ hội nắm lấy bàn tay tôi, nhưng sóng mắt dấu yêu ấy từ Đan đã thầm nói muôn lời... Nơi Đan tình yêu anh đối với tôi sáng rỡ trong veo như ly thủy tinh bóng loáng, nhưng vô cùng trong suốt và mong manh, nay tôi biết ra thì đã quá muộn màng. Âu cũng là do định mệnh không xe duyên cùng! (không hề có lòng trắc ẩn hận tình cũ như người xưa mang tên PH. Nỗi đau đã chạm đến đáy trái tim, chứa đựng một khối đau thương tràn đầy quá đủ; nỗi đau trong lòng tôi tỏa ra cùng khắp. Không còn chỗ chất chứa thêm. Như tấm nệm gòn êm ái bị bỏ vào hồ ướt mèm nước. Nếu có cả dòng sông chảy qua nữa, tấm nệm sẽ không thấm thêm giọt nước nào. Và, tôi không thể mang mặt mo dối trá trở về với Đan, khi lòng ngổn ngang trăm mối giận “cố nhân” đào hoa, đa tình, thủ đoạn, bê tha và lừa lọc. À, mà nè! mặc dù PH lừa lọc và thủ đoạn đối với người khác, còn đối với tôi thì chưa bao giờ! Chúng tôi rất trong sáng và tôn trọng nhau, chưa bao giờ PH và tôi có cử chỉ sỗ sàng thất lễ trong tình yêu. Thế nên hồi ấy tôi mới yêu cố nhân “ác liệt”, trước mới quen biết anh Đan sau, và vì tự trọng nên chính tôi quyết dứt tình người ấy quá lăng nhăng, không chung thủy. Ngược lại kỳ lạ nhất người ấy vẫn rất yêu tôi, khổ sở vì tôi không ít mà bỏ dở kỳ thi năm thứ hai trên Đại-học. Khi tôi thấy rõ người yêu lăng nhăng, có cuộc sống phóng túng, bê tha, chia tình cùng kẻ khác (mà anh ta vẫn chối leo lẻo) thì trong lòng tôi uất giận, phẫn nộ; nhưng tôi lặng im giã từ không lời to tiếng nhỏ. Tôi không thể nào hiểu nỗi trái tim người ấy. Tôi thiết tưởng con chim phượng hoàng khi đã rụng lông, còn lơ thơ vài nhúm lông xơ xác mọc trên da sần sùi đỏ, chỉ giống con gà lôi, gà rù! khiến tôi ràn rụa nước mắt xót thương anh và thương thân, tôi ghê rợn càng muốn xa lánh cố nhân).

Ngàn ý nghĩ mơ hồ lung linh, trăm mối tơ vò, rạt rào, ngổn ngang. Rồi sẽ sao đây trên xứ sở quê cha đất mẹ nầy, khi tôi sẽ đi tìm anh Đan ở ngàn chốn sơn khê, nơi chiến tranh đang vùi dập đất nước quê hương và con người tơi tả? Với Đan, tôi cảm thấy buồn buồn vì tôi không thể nhìn thấy anh, càng không biết được tâm tư tình cảm của anh hiện giờ ra sao? Hay anh sẽ ...sẽ có cảm tình với ai khác ở xứ Huế, Đà Nẵng nầy? Hoặc trên Cao Nguyên Lâm Viên có những ngọn đồi thông điệp trùng ngút ngàn xanh ngắt, nơi tôi sẽ trở về tìm gặp chàng trai Võ Bị chững chạc, có giọng nói sắc bén, ý âm đều xoáy vào tai người đối diện! Thân gái dặm trường xuôi theo dòng chảy mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong mà dò!

Cuộc đi thăm chị em Nguyệt Nga, để lại trong tim tôi bao xót xa dày vò, như sự hối lỗi tạ từ cùng Đan. Như đường nứt rộng sâu qua một trận chấn động cuồng phong dữ dội, vĩnh viễn ngăn đôi hai bờ xa mù xa thăm thẳm. Biền biệt.  Thế thì... Ai đã chia cách anh Đan và em Thụy xa nhau đến vậy? Từ cái buổi chiều hôm xa xưa trước kia và hôm nay thế! Hở Đan? Bàn tay anh chưa một lần thân ái vuốt tóc em; chúng ta chưa một lần tay nắm bàn tay nhau, cũng chưa bao giờ anh hôn nhẹ lên trán em mà. Vậy thì, bàn tay nào độc ác đã xua đôi ta tách bạch đi về hai ngã chia lìa muôn ngã Lẽ Bạn thế nầy!?

Mỗi ngày bên khung cửa,
Nhìn qua nóc nhà xưa.
Tôi ngỡ ngàng quan sát.
Ba con sáo đang đậu.

Hai con kia cánh rỉa.
Một con nằm ngắm nghía.
Bạn tình trên góc ngói.
Thờ thẫn nhìn mây bayà

Cho đến mãi... một ngày.
Hai con kia không thấy.
Đã vỗ cánh bay rồi!
Một mình sáo còn lại,

Trong thu đứng bơ vơ.
Ngóng chờ và lạc lõng.
Tiếng gọi đàn nhớ mong!
Tôi cảm thấy trong lòng

Buồn xa vắng. Mênh mông...
Lẻ bạn giữa muôn trùng.
Dù chỉ là cánh chim.
Tha thiết và khẽ khàng.

Giọng kêu nhạn lạc đàn.
Lặng lẽ hờn tiếng vang.
Còn đâu là tiếng hót.
Lảnh lót xuân tình sang!  (thh)

Trở về trên con đường cái quan trải sỏi đá lạo xạo lô nhô trên những chỗ trũng. Cây cối giao nhau thành vòm tranh tối tranh sáng. Những thân cây dừa thẳng tắp hàng lối đều đặn, luôn nghiêng ngả rì rầm, in hình lên nền trời xám đục. Màn mây đen ảm đạm sà xuống thấp lè tè sau lưng nhà. Vành trăng nay đã  khuyết khi tỏ khi mờ làm đêm núi đồi càng xám xịt, hoang vu u tối biết mấy.

oOo

Má và tôi khăn gói lên đường đi Huế. Từ Huế chúng tôi đi xe chuyền vào Đà Nẵng. Lúc đó sẽ mua vé xe tốc hành chạy suốt đêm ngày về Đà Lạt. Chuyến đi thật xa xôi cách trở vạn dặm. Ba giờ chiều xe đò đến Đà Nẵng. Má con tôi không ghé nhà anh chị Sáu Huyền, vì bốn giờ sáng hôm sau xe đò đã chạy. Nên hai mẹ con ở lại trong phòng trọ của hãng xe Phi Lực, cho thuận tiện.

Để má ở phòng trọ nghỉ mệt. Do Nguyệt Nga cho địa chỉ KBC của Đan, không hiểu sao tôi muốn đi đến nơi đồn trú của Bộ Chỉ Huy Pháo Binh để thăm anh. Vì giờ nầy khá chiều, e có thể không còn xe đò. Nếu đi taxi, thì tôi ngại thân gái dặm trường xa lạ một mình quá. Nhưng tôi vẫn quyết định đi tìm thăm Đan. Đứng trên đường quay lui quay tới, nôn nao chờ xe đò hay xe taxi, tôi thấy một chiếc xe hơi nhà trờ tới, đậu lại trước mặt. Phía trong có một người Mỹ ngồi bên anh thanh niên Việt Nam. Anh Việt Nam lái xe đeo kính đen, độ chừng hai tám, ba mươi tuổi. Anh ta cười cười, nghiêng đầu hỏi:

- Em tính đi đâu đó?

Nhìn kỹ, tôi thấy là anh Phong làm thông dịch viên cho ông đại sứ Mỹ. Ôi là mừng! Tôi vội ngỏ lời nhờ anh đưa tôi đi ra hướng Vĩnh Điện. Anh Phong hỏi người Mỹ kia. Ông ta vui vẻ gật đầu ưng thuận. Tôi tót lên xe liền. Thế là chúng tôi nói đủ thứ chuyện, kể cho anh nghe từ khi tôi bỏ Đà Nẵng mà đi. Phong lái xe chạy rất nhanh. Chẳng mấy chốc xe đã dừng trước cổng doanh trại. Họ ngồi trên xe đợi tôi.

Xe vừa ngừng, tôi đã nhảy xuống, vội chạy đến trạm gác xuất trình giấy tờ, nói lý do, xin gặp ai. Tôi đứng chờ anh quân nhân gọi phone vào bên trong khá lâu. Lòng tôi nôn nao kỳ lạ. Mong gặp Đan chốc lát, để ngắm nhìn lại dung nhan ngày tháng cũ. Để lần nầy thì tôi chính thức tay bắt mặt mừng, ân cần thăm hỏi Đan. Hay để nghẹn ngào thốt chẳng nên câu? Để làm gì? Tôi không biết. Nhưng thầm xin Chúa cho tôi gặp lại anh. Dù chỉ có vài giờ ngắn ngủi trong buổi chiều tối nầy, rồi mỗi người mỗi ngã. Xa xôi... cũng đành!

Khoảng mười lăm hai mươi phút sau, đường dây kia trả lời là họ đã cho người đi tìm Đan khắp doanh trại. Nhưng Đan không có trong trại. Anh đã lấy phép đi ra phố khuya Đan mới về trại. Thế là hết. Có lẽ ông Trời hay định mệnh không cho chúng tôi có một cơ duyên may mắn gặp lại nhau. Dù thời gian và không gian ít ỏi nhỏ bé đến cỡ nào! Vĩnh viễn xa nhau chăng? Thật lỡ rồi! Thôi mơ hy vọng gặp lại người mà tôi rất quý mến. Nếu không muốn nói là với tất cả ưu ái chân thực của tình cảm người em trao gửi anh Đan. Dù nghe thật nhiều đắng cay rót về trong kẽ lòng.
Anh Phong thả tôi xuống Hãng xe đò. Tôi cám ơn ông đại sứ và anh Phong. Lê chân trên đại lộ Hùng Vương, tôi buồn rầu đắng cay trong lòng nghĩ đến hai câu thơ của Thế Lữ:

Bâng khuâng trong cõi sầu vô tận
Không khóc. Vì chưng mắt đã khô.

tìnhhoàihương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011