SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

Con đường

Trần Hoài Thư

Con đường chia ra hai miền. Háo Lễ, Nho Lâm, Tân Dân, An Cửu và cái dãy núi Bà u ám, trọc lóc, như vùng đất nghèo nàn, nứt nẻ mà anh đã qua, có khi nào anh trở lại. Ngôi chùa Háo Lễ Đông, Xóm đạo nhà thờ Tây, những cái hồ sen, cá trắng phơi mình trên mặt nước, những chòm hoa phượng thắm dại, ngất ngây dưới nắng. Hết rồi, buổi mai, hết rồi buổi chiều... Ra đi, tấm áo vải, rách, bạc màu trên thân thằng bé, giữa một trời lửa đỏ, và đạn reo.

Buổi sáng anh trở lại, súng nổ ầm ầm, anh chạy anh xung phong, anh cúi xuống uống hừng hực bi đông nước, anh hét anh gào cuồng nhiệt. Và buổi trưa anh dừng quân, có những cơn gió Nam, cuốn lốc, mang theo hơi lửa của mùa hạ, anh như một kẻ điên khùng, cởi áo, luồn ra sau nhà, ngồi dựa vào ụ rơm vàng, giữa đám tre đang kêu lên kĩu kịt. Con trâu mẹ, mới sinh con, ở trong chuồng đôi mắt lồng lên sòng sọc, và đôi sừng sẵn sàng báng về những người chung quanh. Đây là địa đầu của một phạm vi xanh trên bản đồ hành chánh quận. Đây là một xóm quê muộn phiền. Ngay đến đứa bé, đang đứng co ro, mũi chảy lòng thòng như hai con đỉa, cũng gây cho anh một nỗi khốn khổ, buồn chán. Anh tìm vào một ngôi nhà ven con đường mới đắp, ngôi nhà của một mẹ con tản cư. Buổi trưa, nhà kín gió, nắng chói lòa ngoài khung cửa. Đám ruồi vo ve trên sân đất thịt. Hai bàn thờ phủ nhiễu đỏ, bất động trong góc tối. Chiếc giường tre, cũ kỹ, bên vách tường. Đằng sau nhà, là bà già đang làm những tấm tranh. Bàn tay bà thành thạo đan lên, đan xuống, kẹp những cuộn rơm một cách gọn gàng. Lưng bà còm cõi, như đã chịu đựng bao nỗi đau khổ trên mình. Anh ngồi bên cạnh, hỏi thăm. Nhưng anh biết, anh hỏi cũng vô ích. Vì cuộc đời này, với bom với đạn, với nhà cháy, với tản cư, với chết chóc... Sự cùng khổ của dân quê, ở đâu cũng vậy. Có khác gì đâu. Bà già, sau cùng anh mới biết là người trong xóm cũ. Dựa vào vách đất, anh nghe bà kể lại những gì sau mười tám năm anh ra đi. Những giọt lệ già, long lanh trên đôi mắt lem nhem. Mái tóc bạc phất  phơ. Và cái dáng còm cõi, vẫn âm thầm trong khoảng không gian tối sáng. Buổi trưa bốn chiếc phản lực bay làm hai phía... Bà nhìn bên anh, hỏi: chừng nào có hòa bình, anh đã cúi đầu, không trả lời. Rồi sau đó anh đã đi kiểm soát một vòng toán quân của mình chung quanh. Khi anh bước vào nhà thứ nhứt, lính bảo con nhỏ đó, chồng chết. Khi anh bước vào ngôi nhà thứ hai, lính nói con mẹ đó, chồng chết... Khi anh bước vào ngôi nhà thứ ba, cha thằng bé đó đã chết. Anh dụi mắt, thẫn thờ nhìn ra cánh đồng nứt nẻ đằng sau, dày đặc đến những xóm tan hoang che mờ bằng những bụi rậm, những kênh rạch, anh nhận rõ những nhánh hoa phượng ẩn hiện trên nóc giáo đường. Những nhánh hoa phượng thật lẻ loi giữa một màu xanh bát ngát.

Ngay ở bên cạnh ngôi nhà anh dùng làm nơi đóng quân phía bên kia con đường mới làm này, người ta đã thấy rõ sự bất lực của ông quận trưởng. Ngôi trường mái tôn, ba căn phòng đó, đã bị những vết đạn loang lổ, chi chít. Và vách tường, thì viết đầy khẩu hiệu, hoan hô đả đảo. Hoan hô chiến thắng anh dũng của các chiến sĩ thám kích ngày 19 tháng 6. Được xóa bằng chữ hoan hô chiến thắng anh dũng của các chiến sĩ giải phóng quân... hay đả đảo Mỹ Ngụy. Nắng đã lên gắt, và con đường cứ mỗi lúc bị những lớp bụi đỏ cuốn xoáy mịt mùng, theo những cơn gió Nam cuồng bạo. Nắng chiếu nhức nhối trên những mái tôn.

...Vào một ngày nào đó, toán áo đen từ mật khu cách con đường không bao xa, đã bắn B.40 và trường, để cảnh cáo toán Nghĩa quân trong ấp...  Và kể từ đó, toán nghĩa quân bắt đầu rút lên trên những ấp an ninh; để lại những ông thanh niên chiến đấu già nua, ốm yếu với súng trường, hay carbine M1, chiến đấu một mình. Yên lắm, ở đây yên 100%. Ông quận đã chỉ gậy lên trên bản đồ. Những ấp ven con đường, đều được bình định. Có ấp trưởng, có nhân dân tự vệ. Bởi thế, quận tôi cần một con đường, để nâng cao kinh tế, để làm vòng đai quân sự, để thu hoạch khả quan những vựa lúa phì nhiêu. Quận chúng tôi bảo đảm với quý vị. Nhưng ông chưa bao giờ dám lái xe một mình đi trên con đường ông kêu gọi phát triển, nếu không có đám hộ tống hùng hậu và nếu không có chiếc trực thăng của Mỹ. Con đường được làm ra, được dành cho một ngân quỹ hùng hậu mấy chục triệu do một đơn vị Công binh đảm trách. Ban đầu, vị tiểu đoàn trưởng đơn vị công binh tin tưởng thực sự...Các ông yên chí, ông quận trưởng nói, dọc theo con đường, lính chúng tôi nằm dài, để bảo vệ cho các ông làm.  Yên chí, chừng một tuần lễ sau, những phát đạn cắc bùm, từ các bờ bụi vô danh, những trái lựu đạn gài trên đường, dưới cống trong đêm đã làm cho ông tiểu đoàn trưởng giựt mình, thót bụng. Và kết quả, nửa tháng sau, một đoàn xe bị phục kích khi trên đường trở về... Ông tiểu đoàn trưởng giận run, hồng hộc vào quận, kéo ông sĩ quan ban ba Chi khu... anh bảo có lính nằm đường, lính nhiều lắm, mấy trung đội Nghĩa quân, Địa phương quân anh bảo đảm với tôi như thế hả ? Anh theo tôi, tìm xem có mấy tên Nghĩa quân nằm đường... Chiếc xe Jeep vọt đi, ông sĩ quan ban ba, run rẩy, vào từng ấp, gọi loa, la làng, cuối cùng, vài tên Nghĩa quân, mang dép Nhật, co ro trình diện... Đ.m tụi mày, ông đánh bỏ mẹ, ông phạt... Những tên Nghĩa quân, mặt mày tái mét, nói: Chỉ có mấy đứa em. Thế cả mấy trung đội, chỉ còn mấy mống này thôi à ? Dạ. Ông tiểu đoàn trưởng cười gằn: anh không biết Nghĩa quân ma sao... Thực nhiều lắm, nhưng mà, ma hết... anh về Qui Nhơn xem, chủ tiệm vàng, chủ tiệm đồng hồ, chủ tiệm radio, mấy dân đi xe thồ... anh tưởng vào Nghĩa quân dễ lắm sao, 50 ngàn. Ông đại úy ban ba chi khu van lạy: Xin Thiếu tá thương tôi, tôi từ miền Nam, bị đày ra đây. Cho tôi được bình an hai chữ với vợ con... Tôi lạy thiếu tá. Ông tiểu đoàn trưởng la lên: Chẳng thà anh nói thế. Chứ đừng gạt chúng tôi. Các con tôi chết cũng vì anh. Đời nào anh đi cho biết tình hình; anh chỉ nghe báo cáo... Sau đó ông tiểu đoàn trưởng xin Bộ tư lệnh Sư đoàn tăng phái một đơn vị thám kích để bảo vệ an ninh cho các toán công binh làm đường. Ông đã lắc đầu, chán ngán. Trước sau con đường này, cũng bị phá. Trước sau những chiếc cầu đúc xi măng này cũng bị sập vì mìn, và trước sau, mấy chục triệu cũng trở thành mây khói. Ông biết vậy, ông đại đội trưởng đại đội C. Công-binh cũng biết vậy. Họ biết, như anh biết. Nhưng họ vẫn làm. Vì con đường đó, đã có ngân quỹ quốc gia đài thọ. Không ai cần bận tâm, thắc mắc. Chỉ có đám lính này. Bởi vì chính họ phải đối diện với sự thật và gánh oan khiên của sự thật.

oOo

Con sông Gò Bồi, vẫn lặng lẽ chảy. Hôm nay đã nửa tháng từ khi đơn vị anh được tăng phái bảo vệ con đường. Anh dựa lưng vào gốc cây cổ thụ, súng kê bên cạnh, mắt lim dim. Tiếng xe lam vang rền từ phía chợ. Và dưới sông, những chiếc đò máy xuôi ngược cho ngày chợ phiên. Những người lính ngồi nhìn quang cảnh, cười nói rộn ràng. Lòng anh tự dưng nẩy nở niềm vui vô cớ. Từ ngày có sự có mặt của bọn anh, con đường như hồi sinh trở lại. Từng niềm vui nho nhỏ cứ theo về. Như là mỗi buổi sáng người lính nghe được tiếng chuông nhà thờ vọng về ngân nga sau một thời gian biệt âm. Và trên con đường đã bắt đầu xuất hiện những chiếc xe lam chở hành khách hay tiếng nói cười xôn xao của những đám người đi chợ sớm. Và dưới dòng sông, là những đò thuyền tấp nập xuôi ngược.
Nhưng mà, sự hồi sinh này sẽ tiếp tục được bao lâu. Anh không biết.

Bởi vì một ngày nào đó, đơn vị anh sẽ rút đi, sẽ được tăng phái dến một nơi khác. Rồi khúc phim xưa có lẽ sẽ tái tục. Rồi lính ma, lính kiểng, rồi báo cáo láo, rồi những tín hiệu đau lòng sẽ được đánh về Trung tâm hành quân. Rồi những người thanh niên chiến đấu già nua ho hen, súng carbine, súng trường, trốn chui trốn nhủi. Rồi đường sẽ bị đào, bị xới và cầu sẽ bị phá. Rồi ăn thua gì, có ngân sách quốc gia, có tiền Mỹ viện trợ. Không biết ngày ấy anh có thể trở về bình yên nơi chốn cũ, bằng một chuyến xe lam, để thăm lại ngôi giáo đường có cần ăng ten cao vút, có những nhánh sứ, khô tróc vỏ nổi lên trên nền trời mây trắng như ngày hôm nay hay không.

(Ý Thức, 1970)

[nguồn : thuquanbanthao]

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011