SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC
TẬP TRUYỆN "NHƯ LÁ THU PHAI"
CỦA NỮ VĂN THI SĨ LỆ HOÀNG

Nguyễn Triệu Việt

Khi gấp lại những dòng chữ cuối cùng của tập truyện Như Lá Thu Phai của nữ văn thi sĩ Lệ Hoàng, một cảm giác nóng hổi vô cùng tận lan nhanh trong thớ thịt làn da như chính mình đang đứng trước ngon hỏa diệm sơn đang phun lửa, như chính mình là người trong cuộc, là nạn nhân của một thời đại đen tối nhất - Thời đại của bọn cộng sản gian manh ngự trị trên quê hương yêu dấu của chúng ta, thời đại của súc vật lên làm người, thời đại của “từ vượn lên người, từ người xuống vượn”... như ngục sĩ Nguyễn Chỉ Thiện đã viết.

Như Lá Thu Phai là một câu chuyện có thật, viết về nỗi đau thương của cả một dân tộc nói chung, đặc biệt là Miền Nam Việt Nam kể từ Tháng Tư đen 1975 trở đi, nhưng nhân tố then chốt vẫn là số phận nghiệt ngã của những người đàn bà chung thủy ở lại với gia đình, những người phụ nữ VN trân quý ở lại với các con, những người vợ lính, những người vợ của các chiến sĩ, sĩ quan Quân lực VNCH, vợ của những người “tù cải tạo”... đã phải chịu đựng một kiếp sống ê chề, đau đớn, nhục nhã ở bên ngoài "nhà tù nhỏ" để thay chồng nuôi con. Họ đã sống trong một “nhà tù lớn” chính là cái xã hội ruỗng nát, ma mãnh, độc ác, tàn bạo với bọn thú rừng cộng sản về thành, một bọn mafia giết người cướp của không gớm tay, một loài thú ẩn mặt người, vóc dáng người đã làm điêu linh tan tác cả một dân tộc...

Quyển sách, văn nói như kể chuyện, đưa đọc giả vào dòng lịch sử. Về mặt nội dung tập truyện, một phần những câu chuyện tang thương của đất nước kể từ sau Tháng Tư đen 1975 trở đi, đã có nhiều người nói đến rồi, nhắc đến rồi. Tuy nhiên trong cái chung chung ấy, người viết tìm ra được những mẩu chuyện có thật, tác giả và người bạn của tác giả là những nhân chứng sống động của lịch sử, viết lại những tâm tình của cuộc sống kề cận vào những ngày mất nước. Họ là nguồn tài liệu vô giá bằng xương bằng thịt cho người viết sử mai sau ghi lại một đoạn đường thống thiết, trời sầu đất thảm tưởng chừng như không thể xảy ra trên thế gian này, lại càng không thể xảy ra trên mảnh đất màu mỡ thân yêu của miền Nam yêu dấu. 

Vào khoảng nửa quyển sách trở đi, người viết bắt đầu miên man suy nghĩ, bị cuốn hút vào những thảm cảnh có thật của một gia đình (đại diện cho hàng triệu gia đình Người Việt ở miền Nam) mà người phụ nữ trong truyện, nhân vật Hằng đã là một chứng nhân bị thất lạc chồng là Thông, một sĩ quan ưu tú thuộc LLDB của QL/VNCH trong trận chiến ở miền Trung, một nạn nhân thoi thóp trong vòng xích sắt của bánh xe lịch sử oan nghiệt kể từ ngày miền Nam bị mất vào tay cộng sản, chẳng khác nào hình ảnh của một Thúy Vân, Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du. Cao hơn thế nữa, hình ảnh của chị là hình ảnh của một người phụ nữ kiên cường, bất khuất, công dung ngôn hạnh có đủ, tình yêu đất nước quê hương, tình yêu thương con thương chồng tha thiết, vẫn gìn giữ trọn vẹn 4 chữ “tiết hạnh khả phong” đến giờ phút cuối cùng thật đáng trân quý. Người viết xin ngả mũ chào người phụ nữ hiền thục đại diện cho những người phụ nữ Việt cao đẹp nhất của chúng ta nhất là trong thời gian bọn CS xâm lược tiến chiếm miền Nam thì tuổi đời của chị chỉ mới 27!

Quyển Như Lá Thu Phai mở đầu Chương 1 - Nước Mất Nhà Tan là những biến động kinh hồn của Tháng Tư đen 1975 và Hằng là nhân chứng sống đã ghi nhận được những giờ phút quan trọng của lịch sử. Đó là sự ra đi của Tướng Nguyễn Khoa Nam và hai vị bác sĩ quân y thân cận của ông là Thiếu Tá Bs Nguyễn Khoa Lại và Đại úy Bs Lễ Thánh Tụ cũng tuẫn tiết đúng như câu “thà chết vinh hơn sống nhục”.  Và những vị y sĩ khác như Bs Đông (hiện ở Melbournre) đã hiện diện có mặt ngày hôm ấy để lo việc chôn cất tẩm liệm Tướng NKNam cùng các bác sĩ vị quốc vong thân này.

Khi TT Dương V Minh kêu gọi các chiến sĩ buông súng đầu hàng, cũng là lúc bọn CS bắt đầu thi hành chính sách thâm độc đểu cáng của chúng bằng cách lùa tất cả các quân nhân cán chính, các sĩ quan QL/VNCH v.v... qua lời dụ khị học tập 3 ngày hoặc 10 ngày mang theo lương thực. Nhưng sau đó rất nhiều người đã bị lùa vào các trại tù với danh xưng mỹ miều là “trại học tập cải tạo” ở các vùng đồi núi sình lầy của miền Nam hoặc miền Trung, và số đông khác bị áp tải ra miệt Bắc để chịu cảnh đọa đày, giết chóc, thủ tiêu ở những vùng ám khí ma chương, rừng thiêng nước độc.

Quyển sách vẽ lại khung cảnh đen tối của buổi giao thời ở miền Nam sau tháng tư 75. Thực chất CS đã mở một cuộc ăn cướp vĩ đại, cướp nhà cửa, đất đai, cướp trắng trợn tất cả những tài sản mồ hôi nước mắt của quân dân Miền Nam VN để chở về Bắc trên những chiếc xe cam nhông Trung cộng hoặc Liên xô trùm poncho kín mít. Chúng chở đi hàng ngày, hàng tháng, hàng giờ suốt gần cả năm trời chưa hết, chẳng khác nào loài kênh kênh hút máu người. Dân tập kết hớn hở gì cho cam. Chúng đã mang vào Nam với những món quà vô giá trị như chén, bát này nọ để tặng gia đình, vợ con, thân nhân ở miền Nam để rồi phải chịu sự ê chề trước thực tế phũ phàng là miền Nam VN trù phú xinh đẹp, giàu có, đã làm cho chúng vỡ mộng như một Dương Thu Hương đã từng khóc với Thiên Đường Mù!

Chẳng những thế, chúng mang đến miền Nam sự nghèo đói vô cùng tận. Chiến dịch ăn độn đã bắt đầu. Hầu hết mọi gia đình đều phải bòn mót tất cả những gì còn lại trong nhà để đem bán nuôi chồng, nuôi con độ nhật qua ngày. Từng bữa cơm phải trộn sắn, khoái cho đủ bữa. Đau đớn nhất là những người phụ nữ miền Nam, đặc biệt là những người vợ lính, vợ sĩ quan QL/VNCH đã phải thay đổi lộn ngược cả cuộc đời của mình, tất cả hy sinh cho chồng con trong cuộc sống cam go hàng ngày không lối thoát, có nhiều người đã phải tự tử vì không chịu đựng nỗi cuộc sống nhục nhã dưới bàn tay thống trị dã man của bọn người mặt thú.

Hằng - nhân vật trong truyện đã là một người đàn bà tuyệt vời trong những tháng ngày khốn khó đó, nàng bòn mót thực phẩm, tiền bạc, thuốc men lặn lội đi thăm chồng khi biết chàng đang sống dở chết dở ở một trại tù âm u nào đó. Gặp lại nhau, nước mắt chan hòa. Tấm lòng của người phụ nữ trung kiên, tiết hạnh, thờ chồng đã vượt qua mọi thác ghềnh, đau khổ, đen tối của cuộc đời để mang chút ấm đến cho chồng trong còn thập tử nhất sinh, với mấy lần bị xe đò lật mà may mắn Trời độ không chết. Đúng là Trời còn thương người thiếu phụ cô đơn, trung kiên với chồng con tới giờ phút cuối cùng.

Thuận theo ý chồng, Hằng bây giờ chỉ còn con đường thoát duy nhất là ra đi để cầu may đến được bến bờ Tự do thì mới có điều kiện để nuôi con và tìm cách giúp đỡ cho chồng còn tù tội. Nhưng Trời cũng nghiệt oan, mấy lần ra đi đều thất bại, tiền mất tật mang, bao nhiêu vàng bạc chồng nàng dành dụm trước đây đã không cánh mà bay do bọn chủ tàu hoặc bọn đầu nậu tổ chức lường gạt cướp sạch. Nàng trở về nhà trong buồn đau hiu quạnh nước mắt lưng tròng với thân phận khốn cùng, không biết lấy tiền đầu để nuôi con cho qua ngày đoạn tháng. Thảm cảnh này biết chia sẻ cùng ai?

Nhưng trong tận cùng của đau thương đó, đột nhiên một tia sáng hy vọng đã lóe lên làm bừng sống lại cuộc đời nàng - đó là tin Thông, chồng nàng đã trở về nhà sau nhiều năm trời bị tù đày ở rừng sâu núi thẳm. Gặp lại được chồng, bao nhiêu đớn đau cực nhọc đã tan biến nhanh trong những giọt nước mắt hạnh ngộ. Nàng thấy mình như sống lại, tràn ngập yêu thương bên cạnh người chồng yêu dấu, cho dù chàng bây giờ đã không còn tráng kiện như xưa, nhưng hình bóng oai hùng của người chiến sĩ LLDB năm xưa vẫn mãi mãi là niềm tin của nàng như hơi thở của cuộc sống, như ánh lửa tàn còn sót lại trong đêm... 

Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn được bao lâu thì sự nghi ngờ lại dấy lên trong lòng người chồng. Lý do vàng bạc của chàng dành dụm bấy lâu nay bỗng nhiên bị "tiêu tán" bởi bàn tay của người vợ hiền. Riêng chàng, "chí lớn trở về bàn tay không" lại càng sinh thêm nỗi uất hận, trầm uất như một căn bệnh thời đại. Chàng không thấu hiểu nỗi cuộc đời ma mãnh lộn ngược từ trên xuống dưới bởi một chế độ ác ôn, một xã hội cuồng loạn từ thiên đàng rớt xuống địa ngục, biến nàng thành một kẻ trắng tay chỉ vì muốn lo cho con được thoát khỏi địa ngục trần gian. Ơi nỗi oan khiên này biết tỏ cùng ai, biết lấy gì rửa sạch được nguồn cơn trong cơn bão táp cuộc đời?

Để rồi cuối cùng nàng phải giúp chàng ra đi. Thập tử nhất sinh vẫn còn hơn là ở lại sống đời trai túi nhục, đớn đau và nỗi chết rình rập đêm ngày. Nàng lại phải vay tiền rồi về Cần Thơ gửi chồng đi vượt biển. Rất may chuyến vượt biển thành công, Thông đã đến Mã lai sau 4 ngày lênh đênh trên biển. Tin vui đến, nhờ thế mà các đứa con nàng ao ước được ra đi để được gặp mặt cha và vì không thể sống trong cảnh địa ngục a tì này được. May mắn thay, các con của nàng cũng đã ra đi thành công. Nàng cùng bạn bè có con cái vượt biển hàng ngày thường đến Chùa cầu Trời khấn Phật, hoặc đến Nhà thờ tạ ơn Chúa Mẹ nhân từ đã đưa chồng con của nàng đến bến bình an. Riêng nàng sau những chuyến vượt biển thất bại, đành ở lại để chờ ngày đoàn tụ với chồng con tại Úc qua thủ tục bảo lãnh nhiêu khê kéo dài đến 5 năm. Nàng đã hy sinh cho chồng con tất cả mọi việc trước khi nàng có được chút gì cho mình. Tấm lòng hy sinh vô bờ của người vợ hiền như Hằng đã khiến người đọc dâng lên niềm cảm phục!

Từ Chương 2 trở đi - Tự Do Ơi Chào Mi cho đến hết tác phẩm, nữ văn sĩ Lệ Hoàng với giọng văn gợi cảm hơn, mãnh liệt hơn, xúc động hơn tiếp tục đưa chúng ta vào những ngõ ngách bí ẩn của cuộc đời nàng và gia đình. Những tưởng niềm vui đoàn tụ với chồng nàng là Thông và các con trên đất Úc sẽ đưa Hằng đến hạnh phúc miên viễn và không còn bao giờ có những giọt nước mắt chia ly... Có được như thế không?! hay có Châu về Hợp phố?

Sợi dây oan nghiệt nào khác đã dẫn đưa cuộc đời nàng đến những ngõ cụt không lối thoát? Người chồng là Thông đã đối xử với nàng và các con cái ra sao? Có phải chàng đã bị chứng bệnh trầm kha về tinh thần và thể xác sau những năm dài bị tù đày trong chế độ CS và ngay cả khi đã đến được bến bờ Tự do thì tâm trí của chàng vẫn chưa hồi phục? Đôi khi "xa mặt cách lòng" mà chàng phải đi tìm một "bóng hồng" khác để sưởi ấm cuộc đời và rồi tình cảnh đẩy đưa khiến chàng không thể quay về "đường xưa lối cũ" và đó cũng là sự nghiệt ngã của cuộc đời? Đây có phải là căn bệnh chung của nhiều người đã trải qua những tháng năm tù tội trong địa ngục đỏ? Cảnh sống của con cái trong gia đình đã bị xáo trộn như thế nào trước  cảnh xung đột giữa vợ chồng? Ai là nạn nhân, ai là đầu mối? Giải thoát nào cho con? Giải pháp nào cho nàng? Tình yêu của Hằng và Thông có giữ được mãi ấm gia đình tới giờ phút chót hay bị  'chao đảo' giữa cảnh đời nhiễu nhương như chiếc lá cuốn theo dòng? Những người thân thuộc và các bạn bè đã khuyên nhủ nàng như thế nào? Nàng có phải từ bỏ "thân cò lặn lội bờ sông" để đi tìm một tương lai mới cho mình? Tất cả những bí ẩn của cuộc đời nàng ở đoạn cuối, người viết xin dành lại cho quý độc giả thưởng lãm qua ngòi bút đầy tâm sự, đầy nước mắt của nữ văn sĩ Lệ Hoàng trong tác phẩm Như Lá Thu Phai mà nàng đã thai nghén cách đây hơn 20 năm và bây giờ mới ra đời... Một khoảng thời gian khá lâu cho một đứa con tinh thần mở mắt chào đời!

Tác phẩm Như Lá Thu Phai gói gọn lại vào một con người - Đó là Hằng - người phụ nữ trong cơn bão tố không còn viên chỉ huy hay vị thuyền trưởng trên tàu. Nàng phải tự học hỏi lấy từ những kinh nghiệm cuộc đời, chèo chống bằng mọi cách để đưa con tàu gia đình đến chốn bình an. Người phụ nữ tên Hằng là một chứng nhân lịch sử, là một người phụ nữ tuyệt vời đại diện cho tất cả những người đàn bà VN nói chung, đại diện cho những người phụ nữ có chồng lính nói riêng, có đầy đủ tiết hạnh cao quý của người phụ nữ VN.

Trước cảnh non sông nguy biến, nàng vẫn giữ lòng trung trinh đối với đất nước qua hình ảnh đi thăm mộ vị Tướng anh hùng NKNam và cầu nguyện hương hồn ông trong những giờ phút nguy nan tuyệt vọng tận cùng mà không sợ hiểm nguy, không sợ kẻ thù bắn bỏ. Đối với chồng, nàng vẫn giữ một lòng trung trinh tiết liệt thờ chồng, tìm chồng trong cơn ly loạn, nuôi chồng trong chốn tù đày, và khi chồng ra khỏi tù, nàng vẫn tìm mọi cách để chồng vượt biển ra đến xứ người, tránh được một cảnh đời đau đớn nhục nhã vì bạo quyền CS. Đối với gia đình, nàng đã chu toàn bổn phận của người Mẹ nuôi dưỡng các con cái nên người, mặc dù không hoàn hảo vì nghịch cảnh nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ nói lên tấm lòng "bao la như biển Thái Bình" của người Mẹ. Đối với đất nước tạm dung, nàng cũng đã làm đủ bổn phận để trả nợ cho đời cho người...

Ta còn muốn gì hơn ở người phụ nữ đầy tính nhẫn nại, chịu đựng, trung trinh, tiết liệt giữa cuộc đời bể dâu đầy nước mắt này? Người viết không làm gì khác hơn là phải nghiêng mình, ngả mũ chào một tấm lòng cao thượng, nhân ái, độ lượng bao la của người đàn bà VN vượt lên trên cảnh đời giông bão để hướng thượng và đã chiến thắng nghịch cảnh...

Trước khi kết thúc bài cảm tưởng này, người viết xin có đôi lời giới thiệu đến quý đọc giả về nữ văn thi sĩ Lệ Hoàng.

Thật là một duyên may và một hân hạnh lớn lao cho người viết được quen biết trước đây với nữ thi sĩ Lệ Hoàng (như là một nhà thơ chứ không là nhà văn) qua tác phẩm “Mẹ, Quê hương và Nỗi Nhớ” sau các tác phẩm Bèo Mây 1, 2 và 3. Cho tôi được gọi nữ thi sĩ Lệ Hoàng là chị cho thân mật. Đi dần vào thế giới thơ của chị bên trong, chúng tôi thấy các đề tài của chị chẳng khác nào hương thơm của đóa hoa ngũ sắc. Nơi ấy đậm đà tình thương Mẹ, thương Cha, thương Con, thương quê hương, thương người chiến sĩ, thương Bạn thơ cùng Bằng hữu, và cuối cùng là miên man Nỗi nhớ khôn cùng... Đại văn hào Voltaire đã có lần nói “Chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn là tình yêu. Yêu là còn sống và còn sống là còn yêu". Và chị cũng đã thể hiện tình yêu bao la ấy.

Người viết thật vô cùng may mắn, từ nơi xa xôi vẫn đón nhận được những cuốn băng CD thi nhạc, đó như những đứa con tinh thần đầu lòng của chị trong vòng thơ nhạc cùng khắp đó đây. Như Audio CD thi nhạc mang tên Suy Tưởng - Thơ Lệ Hoàng, nhạc Nguyễn Nhật Tân mà người viết rất thích các bản Suy Tưởng qua tiếng hát của Xuân Phú, Đêm mơ với Mai Thảo, Người Yêu dấu ơi với Quỳnh Lan, Lời Tự tình của Tố Hà, Cuộc Tình mình với Mỹ Dung v.v... Rồi tập Audio CD Thương Về Miền Tây với Minh Duy, Huế Thơ ơi nhạc Ngô Văn Dẫn, Vườn Yêu nhạc Đông Hải thật xuất sắc, lời thơ nhắc lại chuyện tình giá băng đã trở lại sau nhiều năm chờ đợi hay chờ cả một kỷ nguyên đen, bản Đọa đày nhạc Đông Hải với tiếng hát của Quỳnh Lan thật gợi cảm, duyên dáng. Như bản Dấu Chân với tiếng hát nức nở của Thụy Long đã thở than chuyện tình mình trong niềm hy vọng:

Và từ trong bóng đêm của tình yêu, Lệ Hoàng bước ra vườn đời với nụ cười lạc quan...

"Mình lạc lõng giữa đường đời độc bước
Nay cùng nhau chia sớt nỗi u hoài
Em muốn nói chờ nhau hoài năm tháng
Như sông dài chờ đợi thủy triều lên
.................................................
Nhìn ánh nắng mình vui ngày hội mới
Và đêm về nồng ấm gối chăn ơi !!!"

Hay như bài thơ Cuộc Tình Mình với tiếng hát của Mỹ Dung tuy đơn sơ mộc mạc nhưng rất đượm chân tình:

"Khi đã yêu em chẳng cần tài sản
Cuộc tình mình làm êm ấm tim em
Trơ trọi lắm sáng trưa chiều ảm đạm
Ngày gặp nhau khao khát những êm đềm
......................................................
Tình sẽ đến rồi đi như con nước
Rực rỡ giữa chiều rồi tàn úa phai màu
Em có biết cánh phù dung ngây dại
Cũng gục đầu khi mưa mãi làm đau..."

Người viết đi vào vườn thi nhạc với đầy nỗi thích thú trong lòng. Nhưng điểm quan trọng khác nữa là việc chị đã cho xuất hiện Tuyển tập CD Thơ Ca Nhạc Kịch TRƯƠNG CHI MỴ NƯƠNG với nhạc của Hàn Sĩ Nguyên và Nguyễn Nhật Tân qua các giọng ngâm truyền cảm của Hồng Vân, Bảo Cường, Thùy Dương, Bích Ngọc, và Ngọc Quang đã cho ta thấy sự lớn mạnh của dòng thơ ca nhạc kịch của nữ thi sĩ Lệ Hoàng. Một chuyện tình xưa não nuột giữa một nàng Công Chúa có tên là Mỵ Nương với anh chàng thật vô cùng xấu xí có tên là Trương Chi chi nhờ tiếng sáo mà đã làm xao động lòng người đẹp đến vô cùng tận bất chấp cả lời can gián của Vua Cha để chỉ yêu thương chàng Trương Chi xấu xí đã tiêu biểu cho một tình yêu bất diệt không biên giới, một tình yêu mà chúng ta cũng hiếm thấy trên cõi đời này, đẫm lệ chẳng khác nào chuyện tình Roméo và Juliet.

Chị có một sức sáng tác gạo cội và là một nàng thơ sung mãn. Có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc. như Thương Ai, Vườn Yêu, Đọa Đày, Hãy lắng cùng nhau, Lại một mùa xuân và Đêm mưa v.v... Chị Lệ Hoàng đã không sống trong tháp ngà ưu tư để gieo lên những vần thơ thơm ngát, chị đã đi khắp mọi miền đất nước, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây, từ miền Bắc xa xôi đến miền Đồng Tháp Mười ruộng đồng bát ngát. Đặc biệt là Huế, nơi còn trơ những vết thương đau của một trời tang tóc của Mậu Thân 68.
Hôm nay nhân dịp Tháng Tư đen tưởng niệm 36 năm ngày Quốc hận, trước khi chấm dứt những dòng dư lệ này, người viết xin ghi lại đây một vài đoạn thơ mà chị đã khóc cho quê hương yêu dấu, cho những người chiến sĩ sa cơ đã bị vùi thây trong bàn tay loài quỷ đỏ. Chị khóc:

"Nhớ chồng tù binh trong trại
Con thơ dăm đứa dại khờ
Mẹ già lưng còng thảm hại
Lề đường mắt vợ trõm lơ“

Và tuy chị đã ra đi xa cách quê hương bao nhiêu năm, lòng vẫn luôn nhớ màu cờ vàng yêu dấu. Chị hát:

"Một lá cờ cho quê hương
Một lá cờ ôi thân thương
Một lá cờ ai tơ vương
Lá cờ vàng tôi thương!" -

Đời người dẫu có dài hơn mọi thứ vẫn chỉ là chớp mắt trong dòng thời gian vô thủy vô chung. Sinh tử chỉ là hơi thở vào ra của tạo hóa. Người làm thơ cũng như là nhà văn, là để cảm nhận, cám ơn đời, giúp ta học sống, học chết trong cõi vô cùng này...

Xin cám ơn nữ văn thi sĩ Lệ Hoàng! Một cánh chim én son sắt đã đem cả cuộc đời đau thương của mình ra hót cùng với tha nhân và cánh chim ấy chắc chắn cũng đang ngóng chờ những tiếng hót vang vọng lại từ cánh đồng xa của những đồng hương yêu quý tại Úc châu thương mến. /-

Nguyễn Triệu Việt
(Mùa Tháng Tư Đen 2011)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011