SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

HÁT BỘ

QUÝ THỂ

Vào thời đó người ta gọi ông là ông Hoàng, có người bẩm ngài ngự, cũng có kẻ kêu bằng mệ. Tên ông là Hoàng Thiên Hóa. Tôi không rõ “Hoàng” đây là hoàng tử hay họ Hoàng. Ông dựng cái rạp hát bộ, gọi là rạp hát ông Hoàng ở trước cửa Đông Ba. Ông mời các gánh hát từ Quảng Nam đến Phú  Yên ra hát. Có nhiều gánh bị cái mùa mưa lê thê xứ Huế níu chân lại, ăn dầm nằm dề cả mấy tháng ở rạp ông Hoàng.

Lũ trẻ con chúng tôi mê hát lắm, chiều nào cũng lo học bài sớm, kêu mẹ nấu cơm ăn, tắm rửa, cuốc bộ tới rạp ông hoàng xem hát. Học trò không có tiền, muốn xem phải chờ thả giàn. Cũng còn một cách nữa là vào rạp sớm xin  làm chân kéo quạt. Quạt kéo đan bằng nan tre phất giấy, to bằng chiếc chiếu đôi, treo gần nóc rạp, có dây kéo  đong đưa tạo ra gió mát. Chỗ ngồi kéo quạt gần với trang thờ tổ. Trong am thờ các nhân vật trứ danh ngành hát bộ, nhang khói âm u. Thuở ấy chúng tôi mười mấy tuổi, rất nhát gan và hay sợ ma. Tôi không dám xem mặt mấy thằng tướng phiên, nhất là thằng Dương Phàm, vẽ mặt rằn rện như quỷ, hắc bào, hắc giáp, áo quần đen thui, lưng dắt mấy cây cờ hiệu. Tôi sợ nhất là cảnh Khương Linh tá bị chém  bay đầu cầm đuốc đưa đường. Xem mấy cảnh này, đêm về nhà không dám xuống bếp. Thuở đó người ta hát bằng chữ Nho, lâu lâu mới có vài câu nôm na “Như ta đây là...”. Thế nhưng chúng tôi và những người nhà quê đều hiểu và mê.

Tôi không nhớ tiền vé bao nhiêu, chắc là rẻ. Đêm nào tuồng hay, đào  kép danh tiếng, khán giả đầy rạp. Khán giả gồm đủ thành phần, già  trẻ, sang hèn. Giới công chức ăn lương nhà nước có tiền mua vé hạng nhất. Lớp bình dân ngồi đầy những dãy ghế sau. Họ coi rạp hát là nhà, xước mía, ăn trầu, hút thuốc, bóc vỏ đậu phụng bỏ tràn lan, nói cười tự do. Không khí trong rạp đầy mùi nước tiểu, khói thuốc rê, dầu dừa các cô gái bôi tóc. Trong rạp hát đầy sự hỗn độn, tiếng trống tiếng kèn tiếng hát bộ nghe như kèn đám ma, ánh đèn măng sông rất sáng, lâu lâu có thằng chạy hiệu leo lên sân khấu bắc ghế đứng lên bơm, đèn cháy kêu phù phù. Trong cái không khí rạo rực và đầy chất hát bộ đó, mấy anh chàng lính lệ, các chị sen  trốn chủ nhà đi chơi, lòng xuân phơi phới, tha hồ sờ mó, ngắt véo nhau, kêu la oai oái, cười rúc rích.

Ông Hoàng tuy là bực vương giả, không phải người trong nghề. Ông thuộc tuồng tích, biết hát điệu bộ rất đẹp nên đào kép trẻ đứng trên sân khấu không ngại khán giả lại sợ ông. Thời đó y trang râu ria áo mão ông vẽ kiểu đem ra thợ ở chợ Đông Ba nhờ làm. Ở đây có thợ chuyên làm đò hát bội và cho bọn lên đồng trên điện Hòn Chén, thượng nguồn con sông Hương. Đào kép còn phải biết vẽ mặt cho đúng tuồng tích vai diễn. Có nhiều thằng kép ghiền thuốc phiện, gần tới giờ diễn còn chạy tới tiệm hút ôm bàn đèn, lúc về vẽ vời qua loa lên sân khấu bị ông chửi, lúc hạ vai tuồng có khi còn bị bợp tai đá đít.

Mấy con đào trước giờ lên sân khấu, kiếm cái xó, thắp ngọn đèn sáp, lấy cái gương soi mặt nhỏ như  bàn tay, điểm trang. Họ thoa phấn hiệu “Cô Ba” hai giác một lọ. Phấn khô, giống như thứ phấn mấy ông dùng đánh giày mũ. Khi dùng trộn với nước thành chất bột nhão trét lên. Mấy chị đào già thấy bọn trẻ làm như vậy thường khuyên: “Bôi mỏng mỏng, đừng cố  trát như quét nước vôi, chưa già mà da đã hư, nhăn nhúm, mốc meo như da voi!”. Mấy chị này khuyên đàn em ra chợ Đông Ba tìm tới hàng mụ Tôn mua phấn nụ về mà dùng. Phấn nụ mịn và mát, có hai màu trắng và hồng, dùng không hư da. Thời đó có son môi hiệu “Con bướm”, không biết đâu chế tạo có màu đỏ ớt với màu sen. Son đựng trong lọ chưa đúc thành thỏi như bây giờ. Thời ấy phụ nữ theo mốt thoa son hình trái tim. Muốn có má hồng, quý cô dùng phấn nụ màu hồng. Lên sân khấu bôi màu đậm hơn. Họ chấm son lên má, lấy gan bàn tay miết nhẹ về phía thái dương, kiểu má hồng quả đào tiên. Mấy thằng kép cũng đánh phấn thoa son. Dùng lọ nồi trộn với dầu dừa vẽ mặt. Mặt đào kép bôi đủ thứ lên trên ấy rất khó chịu, chỉ mong diễn xong chạy ra  giếng lấy cục xà phòng Cadum rửa đi  cho nhẹ.

Khôi giáp xiêm y áo mão hát bội nhiều người dùng, chẳng mấy khi được giặt giũ, hôi hám vô cùng, đầy chí với rệp. Nhất là mấy bộ râu rất bẩn, mang vào có khi ngợp thở. Đào kép ai cũng mong hạ vai, chui vào hậu trường thoát bào thoát giáp, cởi bỏ áo xiêm cho khỏe người ra. Mấy con đào non còn mắc cỡ lấy chiếc chiếu con quấn lại mà thay quần áo. Đào kép già chẳng sợ gì cả, ngang nhiên trút bỏ xiêm y, chạy trần truồng đồng đổng ra giếng xối nước ào ào. Họ trút bỏ phấn son cùng với nỗi nhọc nhằn. Quần thần phụ tử, tranh bá  đồ vương, chạy vội ra trước cửa rạp húp tô cháo gà cho khỏe người. Thường thường lúc đó trời đã hừng sáng. Họ chui vào xó xỉnh nào đó quấn chiếu ngủ một giấc cho đến xế chiều, thức dậy ăn uống qua loa rồi gầy sòng đánh bài xệp, tứ sắc. Tới chạng vạng lại tô điểm, lên sân khấu, đắm mình trong ánh đèn, hỉ nộ ái ố theo vận nước trò đời, ngày qua ngày trôi theo dòng chảy cầm ca, cha truyền con nối không làm sao thoát cái “nghiệp” cho được.

Ông Hoàng Thiên Hóa bắt cái đôn sứ ngồi nép sau cánh gà thả hồn trôi ngược thời gian, nghĩ tới thân phận mình, rơi nước mắt.

Chiều qua, nhân tiết Nguyên Tiêu rằm tháng giêng, ông Hoàng được Tôn nhơn phủ tra cứu sổ hoàng tộc mời vào cung dự yến. Tuy ông là bực cha chú hoàng  đế đương triều nhưng vì không có phẩm hàm chức tước nên bị xếp ngồi chiếu dưới với mấy người quan nhỏ, thất bát phẩm.Ông Hoàng tủi thân và tức lắm. Trong bàn tiệc không ai biết ông. Toàn một bọn phàm phu tục tử ăn uống xô bồ, chẳng kiêng nể gì cả. Ông Hoàng cầm đũa lên, không gắp miếng nào. Ông với tay kéo  chai rượu Mai Quế Lộ rót uống. Ông nhấm nháp từ từ cái nỗi chua xót của một bậc vương tử bị bỏ quên. Chẳng mấy chốc chai rượu cạn, ông đứng lên, không thèm chào hỏi ai, rũ bỏ áo đi. Ông ra tới ngọ môn, kêu xe bảo kéo dọc bờ sông Hương hóng mát. Tới Phú  Văn Lâu, ông quay nhìn về hướng hoàng cung. Giờ đó, điện Cần Chánh nơi có đấng kim thượng ngự trên ngai vàng cho bá quan văn vó tung hô vạn tuế. Nóc  điện sáng lên cùng với lửa hoàng hôn.

Ông bảo thằng xe kéo về rạp. Ông xuống xe ném cho nó giác (hào) bạc con đầm xòe. Thằng xe lúng túng vì không đủ tiền thối. Hắn ấp úng, ông quát: “Cho luôn, không thối, thưởng cho cặp giò chạy dẻo lắm...”. Thằng xe mừng quýnh. Ngẫm nghĩ sao đó, ông tiếp, khẩu khí đế vương: “Tao mà lên ngôi cho mày cái bát phẩm!”. Thằng xe tưởng gặp lão già say, sợ đứng lại lôi thôi, lão này dám đòi lại giác bạc, hắn kéo xe bỏ đi. Ông lững thững vào rạp. Giờ đó, rạp đầy người, vừa xong một màn. Khương hoàng hậu vén cánh gà bước bào hậu trường.

Đêm nay con đào chính đau răng hát không được, mụ Soa sắm thế vai Khương hoàng hậu. Mụ này đã bốn lăm, đi theo đoàn hát từ ngày mới mười lăm. Mụ con nhà nghèo, nhà quê, cha mẹ cho theo gánh hát để nấu cơm, quét rạp, dần dần leo lên làm đào non, đào lẳng, đào thương, có khi cũng thủ vai đào võ như Đào Tam Xuân, Thoại Ba Công Chúa, Phàn La Huê...Mấy năm sau này có tuổi, mụ béo ra, đi đứng, múa may nặng nề, được cái giọng mụ còn tốt, son phấn vào trong cũng “sáng sân khấu”. Mấy lão nhà quê, nhìn tướng tá núng nính cả thịt, mặt mày đầy đặn sướng con mắt lắm! Tuy nhan sắc tàn phai nhưng mỗi lần lên sân khấu vẫn được khán giả lớp  sồn sồn quăng tiền lên thưởng.

Đêm nay mụ sắm vai Khương Hoàng Hậu, đẹp đẽ uy nghi, dáng vẻ người đứng đầu tam cung lục viện. Mụ  khoác tấm xiêm may bằng gấm Thượng Hải màu cánh  trả, lấp lánh kim tuyến, thêu loan phượng...Dưới lai áo hoàng hậu treo mấy viên chai xanh đỏ giả làm ngọc bội hoàn. Mụ bước đi ngọc bội hoàng va vào nhau kêu lanh canh. Hoàng hậu đọi nón triều thiên làm rất cầu kỳ, kết bằng dây sắt xâu kim cương giả,  có nhiều đồng xu gắn gương tròn rung rinh lấp lánh trông rất đẹp. Hoàng hậu mang hài Vân Lý thêu bạch cúc trên nền nhung tím. Cặp mắt Hoàng hậu dáng chim phụng, đuôi chẻ đôi như đuôi cá, sống mũi bôi vạch phấn trắng, hai bên tô đen mờ trông như mũi đầm. Cặp môi mụ Soa thường ngày vốn đã dày, có đứa chọc nói như miếng thịt trâu tái, giờ đây bôi son hình trái tim, đỏ chót, ướt rượt như thoa mỡ. Khuôn mặt Hoàng hậu tô phấn trắng như cái mặt nạ Nhật Bản, hai gò má màu cánh sen rất đậm. Mụ bước ra sân khấu, nói lối vài ba câu, hát năm hát khách, liếc mắt đưa tình làm cho mấy thằng đàn ông nhìn sững, đứng tròng.

Ông Hoàng đứng trong cánh gà nhìn ra thấy chánh cung Hoàng hậu rực rỡ xiêm y, nhan sắc ngư trầm, nhạn lạc, thực đúng với câu: “Đóa lê ngon mặt cửu trùng”. Lúc này chất rượu Mai Quế Lộ chảy rần rần trong máu làm cho ông khó phân biệt thực hư. Mộng bá vương chất ngất trong hồn. Hoàng hậu thoái trào, ông liền bước tối âu yếm nắm tay mụ Soa, nghe ngan ngát mùi nước hoa Rêve d''or ngài phán:

-Trẫm đợi ái khanh đã lâu, hãy lui vào hậu cung với trẫm.

Mụ Soa lúc đầu ngơ ngác chưa biết chuyện gì, sau thấy mặt mày ông Hoàng đỏ ngay, đầy mùi  rượu, ngập ngụa hơi hám đàn ông, mụ sợ mà cũng động lòng. Mụ biết ông Hoàng đang say. Mụ theo ông vào hậu trường. Lúc này hậu trường rạp hát vắng tanh. Một số đào kép còn đang diễn, số khác ra trước rạp mua bắp nếp tươi mới héo râu nướng trên lửa than, rưới nước mắm hành mỡ, thi nhau cạp. Số nữa ra phía bờ sông bắt bồ. Trong hậu trường giờ đó chỉ còn một người, ngủ hay thức không biết, quấn chiếc chiếu rách lò đầu lò chân nằm yên...Mụ Soa được ông chủ rạp nắm tay rất thích.  Ông Hoàng thường ngày nghiêm nghị, bây giờ xưng là trẫm, gọi bằng hậu. Ông tuy đã sáu mươi vẫn còn khỏe mạnh, quắc thước, phảng phất nét vương giả. Mụ Soa về rạp này nhiều lần, có nghe thiên hạ đồn gốc gác ông Hoàng, nay nghe ông xưng trẫm cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Trong góc hậu trường có đặt cái long sàn để diễn tuồng tích cung đình. Long sàn là giường vua nằm nhưng đây là tấm phản gỗ xấu xí, mốc meo, trên mặt ván đã nứt, đầy bụi bặm, chỉ được một cạnh, ấy là hướng quay về khán giả sơn son thếp vàng chạm hình long phụng. Ông Hoàng kéo mụ Soa đến long sàn nói:

-Đêm nay nhằm Tết Nguyên tiêu, trời trong trăng sáng, bá tánh kéo nhau đi xem hội hoa đăng, Trẫm vừa ngự yến trên điện Thái Hòa, dùng ngự tửu quỳnh tương đựng trong chén lưu ly. Đêm xuân trăng sáng, đất nước thanh bình, dân cư an lạc, trăm họ yên vui...Trẫm cùng hậu vầy duyên loan phụng...!

Mụ Soa vừa sợ, vừa cảm đông nói

-Thần thiếp xin đội ơn mưa móc, nhưng nơi đây, chỗ này không tiện...Mụ xổ giọng Huế nhà quê: “Làm rứa ốt dột chết!”

Vua phán:

-Mỗi năm mới có một giờ Hoàng đạo chớ có diên trì trễ nải mà mất giờ tốt. Loan phòng bảo điện đã sẵn sàng. Hãy cùng ta chung giấc vu sơn!!!

Nhà vua xô Khương hoàng hậu té ngửa trên long sàn. Mụ Soa bị đàn ông đụng chạm vào người nhột cười rúc rích: “Chu choa, không được mô! Ngày mai thiếp dẫn tới chỗ ni tiện lắm!”. Mụ vốn  người Huế, sành mấy nơi chứa bài,  tiệm hút, ổ điếm, phòng trọ. Mụn nói gần cửa Thượng Tứ có phòng trọ mụ  Bờ, giờ năm giác, tha hồ...Nằm ngửa trên long sàn, nhìn mặt rồng, mụ tiếp:

-Bệ hạ không ưa trên cạn thì xuống ngủ đò. Muốn kín thì  thuê xe kéo lên miệt Long Thọ thuê đò thả dọc sông Hương, dưới nước trên trăng, phong lưu ai bằng. Đói bụng ăn cháo lòng cơm hến. Mà bệ hạ không ưng nữa thì thuê xe kéo lên miệt rừng thôn Nam Giao, chui vô bụi, tha hồ tâm sự, ai biết?

Ông Hoàng nâng niu bộ mặt đầy thịt, cái đầu nhiều ngày không gội hôi mùi chua, đội mão triều thiên, trâm cài lược giắt, nói:

-Còn đi đâu nữa? Nơi nào có giường rồng gối phụng, chăn loan...

Mụ Soa cố ngóc dậy, ông Hoàng liền đè xuống. Ông cầm mép xiêm đính ngọc bội hoàn vén lên. Mụ Soa la: “Khoan khoan! Để tui cởi đồ hát tuồng ra cái đã. Mặc quần áo lãnh phin cho tiện”. Ông Hoàng mê mụ Soa là mê “chánh cung Hoàng hậu”. Đã là Hoàng hậu thì phải xiêm y lộng lẫy,  quần đen áo cánh sao được.  Ông quát:

-Chánh cung Hoàng hậu phải nghi trang cho chỉnh tề, đúng lễ nghi triều chính theo luật tiên đế truyền lại đã bao đời nay. Làm bậy, trẫm “phế” ngôi Hoàng hậu, “biến” vào lãnh cung bây giờ!

Mụ Soa lăn lộn kháng cự, chốc chốc nhìn kẻ đang quấn chiếu nằm trong xó. Mụ tâu:

-Xiêm y hát bộ luộm thuộm  như thế này làm sao bệ hạ ngự cho được?

Ông Hoàng nói;

-Lễ nghi chỉnh tề mới đáng bực Hoàng Hậu. Thái giám đâu? Ghi ngày giờ để ngày sau kịp thời tra cứu!

Mụ Soa biết ông Hoàng đang say, sợ lão ta mắc chứng thượng mã phong thì nguy to. Mụ tâu:

-Bệ hạ đang lúc ngọc thể bất an, lỡ khi mây mưa gặp gió máy thì nguy cho sơn hà xã tắc.

Ông Hoàng cười:

-Trẫm đây dàn dày trận mạc, có sá gì cái thứ “Gió trên lưng ngựa”. Vả lại, bực  chân mạng Đế vương như ta đây lúc nào cũng có thánh thần hỗ trợ. Thôi chẳng đặng nhiều lời, để cho trẫm ngự dụng.

Mụ Soa thấy lão này say tới mức không còn sợ trời đất chi nữa. Mụ dọa:

-Hôm nay thần thiếp đã tới “kỳ”, vóc ngọc không được tinh khiết, sợ e làm ô trược mình  rồng.

Vua phán:

-Không sao, trẫm xá cho tất cả...

Người nằm như xác chết trong xó bỗng cựa mình, tung cái chiếu rách ra ngáp, che miệng than:

-Má thằng cu Vịt ơi! Rót giùm tui miếng nước.

Không nghe động tĩnh gì cả, hắn nói tiếp giọng nhừa nhựa;

-Thuốc hành khổ quá. Giờ này còn tiệm nào mở cửa, mua giùm tôi mấy chỉ.

Ông Hoàng thét:

-Thằng nào dám kinh động thánh giá? Võ sĩ đâu? Lôi nó đi chém!

Mụ Soa thất kinh nói nhỏ:

-Cha thằng Vịt, chồng tui đó.

Mụ đổi giọng, gắt với chồng:

-Ho lao ho tổn mấy năm nay, tốn tiền thầy lang với đốc tờ vô số, lại còn thêm  bệnh ghiền.

Mụ hỉ mũi rồi làm bộ thút thít:

-Có ai khổ như tui không? Nuôi báo cô, biết bao giờ thoát nợ!

Mụ Soa hiện nguyên hình là con đàn bà tầm thường đanh ác với người chồng ho lao gần chết nằm trong  xó nhà như thằng ăn xin. Ôi!  cuộc đời thực đã ló cái mặt  xấu xí, trơ trẽn, không son phấn ra đúng lúc. Nó đạp nát cái cảnh tượng hoang đường, có  đấng kim thượng mặt rồng phơi phới, có Hoàng hậu xiêm y rỡ ràng  sắc nước hương trời nơi chốn hậu cung màn treo trướng rũ trong đêm nguyên tiêu gió xuân hây hẩy, trăng rơi đầy trời. Phút chốc , mộng bá vương của ông Hoàng thất thế bị cuộc đời thực đạp cho tan tành. Ông giật mình tỉnh ngộ, hổ thẹn than: “Bậy quá”.
Đúng lúc ấy, ngoài kia sân khấu hạ màn. Chỉ có vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt, khán giả chen lấn ra về. Ông Hoàng đi tới trước cửa rạp chống  nạnh đứng nhìn. Hơi nóng, hơi người hôi hám tuôn ra.  Ông nghe tiếng bình: “Con đào già to như cái bồ đóng vai Hoàng hậu õng ẹo giống như con khỉ mắc phong!”. Ông Hoàng hỏi thằng bán vé đêm nay thu được bao nhiêu? Hắn nói đầu hôm mưa lắt rắc mấy hột, ít khách lắm, không được mấy xu. Ông nói mấy thì mấy thì mấy, lấy ra hai giác bạc đưa cho thằng Nhồng chồng con mụ Soa mua thuốc phiện. Hắn sắp chết rồi, cho hắn chết sướng, chết ngay giữa cơn say tưởng mình là vua. Thằng Nhồng chuyên sắm vai Hoàng đế, cái vai dễ sắm nhất, chỉ cần mang râu, đội mũ, ngồi cho người ta tung hô vạn tuế. Vai này thường dành cho mấy thằng kép hết thời, tiền hát mỗi đêm chỉ bằng thằng chạy hiệu.

Ông Hoàng chắp tay sau lưng, lững thững tản bộ. Khuya lắm rồi, mặt trăng lạnh lẽo sắc cạnh như mảnh gương treo lơ lửng trên Hoàng cung. Bóng mấy cái đầu đao nhọn hoắt đâm lên  trời như mũi kiếm.

Ông Hoàng dừng lại trên cầu cúi xuống nhìn bóng mình lẫn trong bóng Hoàng cung chờn vờn trên mặt nước sông Hương.  Ông bỗng thấy lợm giọng. Ông nghiêng mình nhổ một bãi nước bọt. Bóng Hoàng cung cùng với cái bóng của ông rung rinh rồi tan đi.

QT

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011