SỐ 50 - THÁNG 04 NĂM 2011

 

Thằng Nèm

 (tiếp theo)

Nằm trong mùng, mắt mở trao tráo Ông Chủ Ruộng cứ xây qua xây lại, trăn trở cả đêm. Thỉnh thoảng tiếng thằn lằn chắc lưỡi làm ông tưởng chừng như tiếng chắc lưỡi của chính ông, phải làm thế nào để ông có thể thuyết phục Thiếm Tư về Cái Dầu chung sống với hai vợ chồng ông. Tính tình Thiếm Tư như thể nào thì ông đã rõ, bởi vậy cứ trăn qua trở lại đầu óc vẫn trơ trơ. Phía bên giường trong, Thiếm Tư cũng chằng hơn gì. Hết ngó thằng Nèm,lại ngó con Út đầu óc Thiếm cũng rối bùng lên.Ngày xưa tuy đời sống có vất vả khổ cực, khi vô ngủ thì Thiếm ngủ một lèo cho đến sáng.Có đâu như bây giờ, cái thân được khỏe một chút nhưng sao cứ hễ có chuyện lo là đêm đêm trằn trọc, có ngủ thì cũng ngủ chập chờn. Nghỉ đến đó Thiếm nhớ lại khi xưa lúc còn nhỏ, lúc còn sống với nghề thương hồ đêm đêm chống thuyền ven làng ven xóm, Tía Thiếm hay ngân nga “ Đời không giông tố đời không sống. Sống chẳng phong ba sống chẳng vui.” Ai ham phong ba, giông tố thì mặc Thiếm chỉ cầu mong một cuộc sống phẳng lặng là đủ cho Thiếm sống qua ngày. Ông chủ Ruộng cuối cùng cũng ngủ yên, tiếng ngáy vang lên từng chập nghe rõ ràng trong đêm vắng lặng. Thiếm Tư vẫn nằm đó mặc cho lo âu, thao thức, tính toán Thiếm nhìn thẳng lên nóc mùng chẳng màng đến mọi chuyện.

oOo

Ông chủ Ruộng về lại Cái Dầu được hai hôm thì Chệt Lường cũng theo Sen về Ô Môn. Lần đầu ra mắt bên nhà gái nên tía má chệt Lường quà cáp ê hề, cái thì cho người nầy cái thì cho người nọ,chứa nhóc hai bao cà ròn . Đã xuống đò rồi chệt Lường, Sen vẫn còn lụm thụm với mấy bao cà ròn, mấy cái giỏ bàng đầy quà cáp, bánh trái. Đợi cho đò chạy một khúc xa, mọi người lần lượt vô nhà. Ngoại Út Lép ngó quanh căn nhà rồi chép miệng :

- Mới hợp đó rồi cũng tan đó ! Một mai rồi tụi nó tứ tán mỗi đứa một nơi, má thằng Nèm bây có thấy băn khoăn trong dạ không ? Chớ tới tuổi nầy rồi tao thấy đời người sao mà ngán ngẩm.
- Tui thì không những cuộc đời mà ngay cả chính tui cũng không hiểu nổi. Trước kia ông bà Chủ Ruộng là người nhà giàu có khó ưa nhưng từ lúc nào không biết tui nhìn thấy hai ông bà là hai người già cô đơn, nhà cửa tuy to lớn, người làm công đông đúc nhưng trong lòng hai người có lẻ chỉ muốn xuống ở đây gần gũi mấy đứa nhỏ trong lòng hai người thấy vui hơn.
- Tao cũng mừng khi thấy bây nói như vậy. Hai ông bà mà nghe được mấy câu nói nầy của bây chắc chắn là trong ruột mở cờ ngay.

Dì Ba cũng còn xớ rớ nên thêm vào :

- Mợ Hai coi vậy chớ hay thương người. Mợ thương hai đứa nhỏ nên lần hồi thấy ai thương con mình mợ cũng thương lại người đó. Tuy mợ làm cứng ngoài mặt nhưng trong lòng mợ cảm thấy gần gũi với họ hơn trước kia.
- Chuyện trước mắt là phải tính sắp xếp như thế nào đây, tui không có lòng nào để thằng Nèm ở Châu Đốc với ông Giáo một mình. Chắc chắn là tui sẽ theo xuống Châu Đốc, ngoại con Út với con Đẹp thì tùy. Nếu theo tôi thì chỉ còn dì Ba ở lại với con Sen.
- Hay là tui ở lại đây với con Sen, khi nó với chệt Lường làm đám cưới xong thì tui giao nhà cho tụi nó, tui theo mọi người xuống Châu Đốc. Dì Ba tính coi gọn ơ.

Bà ngoại út Lép nãy giờ ngồi nhai trầu cũng góp ý :

- Bên nhà chệt Lường đâu dễ gì để chệt lường về đây, hơn nữa con Sen còn phải phụ trông chừng tiệm nước.
- Tui thấy dì Ba nên ở đây, cả đời làm công ; tới tuổi nầy có nơi có chỗ, có công có việc làm chủ lấy mình. Dì ở đây ngày ngày bỏ bánh, gìn giữ căn nhà của tía Thằng Nèm. Biết chừng đâu tui lại có ngày trở dìa đây hủ hỉ với dì. Con Sen với chệt Lường cũng gần dì, có bề dì tụi nó cũng tới lui.
- Tao thấy bây tính vậy cũng phải lẽ, chỉ có điều là tốt nhất là chuyện con Sen con Đẹp mình phải lo sớm. Giáo Hoạch cưới xong mang con Đẹp cùng xuống Châu Đốc với nó là gọn nhất.
- Nói là nói như vậy chứ mình cũng phải tính nếu việc cưới hỏi không thành hay là không kịp ngày.
- Chuyện nầy bây để tao rù rì với ông bà nội thằng Nèm.Tao đoán chừng ổng bả còn chờ giáo Hoạch rõ ràng công ăn việc làm cái đã.
- Ối ! mình ngồi tính toán chuyện nầy nọ cho yên trong lòng, mọi việc không qua khỏi ông trời.Không biết anh chị Hai, tía má con Sen con Đẹp ảnh chỉ nghỉ sao chứ chuyện lẽ ra do ảnh chỉ chủ sự, chớ mình tướp hết tui cũng áy náy trong lòng. Người ta làm cha làm mẹ phải để cho người ta quyết định.
- Mỹ An với Ô Môn đâu có phải cách nhau vài bước đâu. Chuyện nầy chuyện nọ nói như bây nha Mẩn, để cho tụi nó lo, con Sen con Đẹp bạc đầu rồi cũng chưa có cưới hỏi gì hết.

Ngó ra ngoài Thiếm Tư thấy nắng đã lên, Thiếm bước ra ngỏ tứ hướng rồi vói vào trong :

- Dì Ba bước ra đàng chợ,coi có rau cỏ gì tươi mua bậy về lo cơm nước. Mấy bữa rày có ông nội tụi nhỏ, cá thịt riết cũng ớn lắm.

Dì Ba không trả lời chỉ quay vào buồng trong lấy cái khăn chằng tắm quấn lên đầu rồi cắp rổ đi chợ, ngoại út Lép kéo tay Đẹp chỉ cây chổi dựa góc nhà :

- Con gái con đứa, thấy chuyện thì làm đừng đợi phải nhắc phải biểu.Mai mốt có chồng rồi, nhà cửa phải lo trước lo sau ; trong ngoài tươm tất sao coi cho được.

Đẹp yên lặng bước tới cầm cây chổi bước ra trước nhà từ từ quét. Cứ nghỉ đến chuyện chồng con sao trong dạ cứ nao nao ; phải chi có bạn cùng trang cùng lứa xổ hết gan ruột ra cho đỡ trong lòng. Thiếm Tư ngó con Đẹp chăm bẳm :

- Út nói cho con nghe nha Đẹp. Chuyện gì tới sẽ tới, con có lo cho mấy cũng vậy thôi. Chuyện của Út đó ! mấy ai mà tính trước được. Cái gì của con là của con không ai có thể chớp được.
- Út à ! con không phải lo chuyện đó. Con lo là một mai con có gia đình rồi con phải làm sao ? nhất là anh Hoạch lại có chức phận, con không muốn làm bỉ mặt ảnh.
- Hồi trước Út có thằng Nèm khi mới vừa mười sáu ; ai dạy Út ? tự nhiên dến lúc đó mình tự cảm nhận được cái mình phải làm. Miễn sao con biết nghỉ tới người khác, chồng cũng vậy hay con cũng vậy. Út thấy hễ mình không ích kỷ, biết thương lo cho người khác thì trời đất cũng đãi ngộ mình.

Ngoại Út Lép ngồi têm trầu trên chõng, không bỏ sót một lời :

- Nội là người từng trải hơn Út mầy nên ngoại đồng ý cái gì mà nó vừa nói. Ông bà mình có câu “ cùng tất biến, biến tất thông “. Bởi vậy chuyện tới sẽ tới hơi sức đâu bây lo xa.
- Thôi con quét nhà xong lo bắt nồi cơm, dì Ba dìa tới thì xúm nhau chuẩn bị cơm trưa. Mấy đứa nhỏ đi học dìa là có cơm ăn. Tui thấy mấy lúc rày bộ nó muốn trổ mã hay sao mà nó ăn như tằm ăn lên vậy.
- Chớ bây không thấy cặp giò của nó dài nhẵn dài nhằn hay sao ? còn con mén nhỏ lúc nầy cũng thấy nó bự sộn ra.Tụi nó càng lớn thì tao lại càng già hơn.

Thiếm Tư vừa định nói tiếp chợt mắt ngó trân ra ngoài bờ sông :

- Mèn ơi quỷ thần thiên địa ơi ; vừa nói tới giáo Hoạch là có y va ngay

Mọi người đều nhìn ra bờ sông, đò xịch xịch cặp cầu, giáo Hoạch đứng ngay trước mũi dợm dợm bước lên. Thiếm Tư, bà Chín, Đẹp cùng bước ra.Giáo Hoạch vừa bước lên cầu liền gật đầu chào bà Chín và Thiếm Tư.

- Ông Nôi thằng Nèm vừa về lại Cái Dầu chừng đôi bừa.
- Con cũng vừa từ Cái Dầu xuống Mỹ An.

Giáo Hoạch nhìn Đẹp, Đẹp nhìn giáo Hoạch cả hai không nói gì nhưng lòng cũng rộn lên một cảm giác sao sao đó. Mọi người lần lượt đi vào nhà, giáo Hoạch đi theo trước, Đẹp chầm chậm theo sau lòng vừa rộn ràng vừa bâng khuâng.

(còn tiếp)

Trần Phú Mỹ

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011