SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

ANH HÙNG DỄ CÓ MẤY TAY

Tâm-Phương-Đăng

PHẦN  II :  Đường vào Gian-khổ

Con tàu Dương vận hạm mệt mỏi sau hơn hai mươi bốn giờ từ Sài gòn đi Nha Trang , mang theo đám tân khóa sinh ra nhập học.
Khi nhiệm sở ủi bãi hoàn tất, nhân viên Chiến hạm tập họp sau lái để nhận công tác , SVSQ tập họp ngay cửa đổ bộ để sẵn sàng lên bờ. Nhìn lên bãi cát trên bờ thấy có khoảng mười mấy SVSQ khóa đàn anh mặc quân-phục kaki vàng, nón casket vàng, giày đen bóng loáng , trên hai cầu vai gắn lon Chuẩn-úy và Alpha vàng rực trông rất oai phong đang đứng chờ.

Bọn Thọ thì, vai vác tay xách hành trang, tuần tự đi lên bờ sắp hàng trước mặt các SVSQ đàn anh chỉ định.

Một SVSQ đàn anh tiến lên phía trước , dõng-dạc hô “ Nghiêm “ rồi nói :

-   Tôi, đại-diện khóa đàn anh, hân hoan chào đón các anh đã vượt qua kỳ thi tuyển khó khăn để gia-nhập đại gia-đinh Hải-quân. Kể từ giờ phút này cho đến khi chấm dứt hai tháng huấn-nhục, các anh được đặt dưới quyền chỉ-huy và điều động bởi chúng tôi, khóa đàn anh.
Tôi nhấn mạnh :
Kỷ-luật nghiêm khắc, tuyệt đối thi-hành trước, báo cáo sau. Đây là giai đoạn thử thách xem các anh có vượt qua được để trở thành SVSQ Hải-quân hay không ? Quân-phục trong thời gian huấn-nhục là quân-phục tác-chiến Bộ-binh.
Bắt đầu là thủ tục nhập Quân-trường, các anh khuân vác hành trang trang lên vai. Khi vừa vào khỏi cổng trường là bắt đầu chạy một vòng quân-trường, khoảng chừng 2 km, không được đi bộ.

Rồi anh ta thổi một tiếng còi dài và dõng dạc  nói :

- Bắt đầu. 

Theo thứ tự đi hàng hai, lên khỏi bờ cát, băng qua đường nhựa vào cổng Quân-trường. Khi đang ở ngoài Cổng được đi thong thả, vừa vào trong Cổng là bắt đầu chạy theo tiếng còi hiệu lệnh. Nguyên cả khóa đàn anh đứng rải dọc theo lộ trình, người nào cũng la hét nạt nộ :

-  Chạy nhanh lên... Chạy nhanh lên nhanh lên.Sao các anh chạy chậm quá vậy ?... Các anh ở ngoài sống tà tà quen rồi phải không ? Vào đây nếu còn tà , sẽ bị rách da nát thịt và loại khỏi Hải-quân. Biết chưa. Chạy nhanh lên...

Tiếng la hét, nạt nộ của đàn anh vang rộn cả Quân-trường.
Ban đầu chạy trước Thọ có cả đám thật đông, khi chạy được gần một cây số thì Thọ lên hàng đầu, nhìn ra sau thấy nằm la liệt hai bên đường, có đứa bỏ lại hành trang đi bộ tay không, mặt mày xanh mét , thở hổn hển, mặc kệ đàn anh la hét nạt nộ.

Những tiếng còi thúc giục chạy của đàn anh vần tiếp tục thổi nghe điếc tai. Khi Thọ và khoảng chừng năm bảy đứa đã đến địa điểm ấn định trước sân cờ, vừa bỏ hành trang xuống đất đứng thở và lau mồ hôi, Sinh viên Tiểu-đoàn-trưởng đàn anh thổi còi ra lệnh tập họp tất cả và dõng dạc la mắng :

-  Các anh đã thấy chưa ? Quân đội cần có Thể-lực và Trí-lực. Một chút thử thách ban đầu mà hầu hết các anh không vượt qua được. Vậy bắt đầu giờ phút này, Tôi tuyên bố tuần lễ Địa-ngục áp-dụng cho các anh.
Sau đây Tôi giới thiệu các Đao-phủ-thủ sẽ săn sóc các anh kỹ càng hơn kể từ hôm nay...

Im lặng một lúc , anh xây sang nói nhỏ chuyện gì với các ĐPT.
Danh từ Đao-phủ-thủ là vay mượn của Trung-Hoa. Ngày xưa khi Vua ra lệnh xử trảm người nào, là giải giao người đó qua cho toán Đao-phủ-thủ thi hành việc chặt đầu. Ở đây Toán ĐPT có phận sự sáng tác, phân chia Chương trình hành hạ ( Huấn-nhục ) đàn em hằng ngày.

Mười mấy ĐPT đi ra đứng trước mặt khóa đàn em , vây quanh là cả khóa đàn Anh người nào trông cũng  đằng đằng sát khí  lạnh lùng . Các Đao-Phủ-Thủ đứng nhìn đàn em như muốn ăn tươi nuốt sống , trông rất hung dữ.
Rồi anh đệ nhất ĐPT quây lại ra lệnh :

-  Tất cả hãy quì xuống, hai tay bỏ lên đầu. Từ nay , bất cứ lúc nào khi nghe tiếng-còi-ma-quái là tức khắc chạy nhanh ra tập họp. Anh nào chậm trễ sẽ bị trừng phạt.

Rồi anh thổi tiếng còi dài để mọi người nhận biết... và nói tiếp :

-  Trước khi chia các anh ra từng nhóm để đàn anh “quay đều”, Tôi cho các anh biết một điều là Hải-quân quan niệm Đất-đai, Bờ-cõi là Cha. Đại-dương, Biển-cả là Mẹ. Vậy bây giờ các anh được uống Sữa Mẹ do đàn anh cung cấp.

Vừa nói dứt lời thì mỗi SV đàn anh bưng một nón sắt đầy nước biển đến cho từng đứa đàn em uống.  Nước biển mặn chát nên có nhiều đứa uống vào vài phút là ói mửa đầy sân.
Rồi đến phiên Đệ-nhị ĐPT đứng lên nói :

- Tất cả hãy nói lớn theo tôi :
Ôi Biển cả, giờ đây ta mới biết,
Mộng Hải-hồ giết chết cuộc đời ta.  

Rồi bắt cả khóa đàn em phải khóc thành tiếng hu...hu...hu....Vang dội cả Quân-trường... Sau đó, đàn em được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm vài ba đứa  do một SV đàn anh đem đi quay riêng ( Huấn nhục riêng ).
Nhóm thì hít đất, nhóm thì chống tay cạnh sườn đi chân vịt , nhóm thì dùng tấm ván khiêng đàn anh đi dạo mát, nhóm thì nhảy xổm nhảy sẻ … ôi thôi, đủ thứ trò....Đúng là Địa-ngục Trần-Gian...

Bỗng anh SV đệ thất ĐPT , có thân hình to cao nhưng bước đi hơi cà giẹo mặt mày sần sùi , tiến lại gần Thọ hỏi :

-  Nãy giờ anh thi hành hình phạt hay không mà mặt mày tỉnh táo vậy ?
-  Dạ có.
-  Không được trả lời như vậy. Mỗi khi cấp trên hỏi, Anh phải đứng nghiêm, cất tay chào và nói lớn: Thưa niên trưởng, Có.

Thọ làm theo những gì anh ta nói, xong anh ra lệnh :

-  Quì xuống , để hai tay lên đầu .

Xong anh lớn tiếng hỏi Thọ :

-  Trước khi vào Hải-quân anh đã làm nghề gì ?
-  Thưa niên trưởng , vừa lên Đại học là tôi nhận được lệnh động viên nên thi vào Hải-quân.
-  Như vậy là anh kẹt tuổi Động viên nên vào Hải-quân chứ gì ? Vậy thì anh bị phạt hai mươi cái hít đất, vì anh không yêu thích Biển cả mà dám vào Hải-quân.

Thọ thi hành xong, đứng nghiêm chỉnh chờ những hình phạt vô lý khác , anh lạnh lùng ra lệnh quì xuống và hai tay để lên đầu trở lại.
Bây giờ trời đã tối hẳn, những đứa bị quay gần thì thấy, những đứa bị phạt xa thì chỉ nghe tiếng la hét nạt nộ của đàn anh. Thọ nghĩ không biết trò chơi này đến mấy giờ mới chấm dứt ?.

Bụng bắt đầu đói, thân xác đẫm mồ hôi và cát bụi , quá mệt mỏi, rã rời. 
Anh ta tiếp tục hỏi :

-  Thời gian đi học, anh có năng khiếu gì đặc biệt ? Nhất là lãnh vực Văn-nghệ , Thể-thao ?.

Thọ nghĩ bây giờ trả lời gì nó cũng phạt , thôi thì hù nó chơi , bèn đứng nghiêm, cất tay chào và nói lớn :

-  Thưa niên trưởng, Tôi không biết văn nghệ  thể thao. Thời gian đi học tôi thường hay đánh lộn với các nhóm băng đảng Sài-gòn.

Đột nhiên Anh ta cúi xuống để nhìn rõ mặt Thọ và hạ giọng nói :

- Chà...ngon quá ta...nhưng tôi khuyên anh không nên nói với ai điều này nghe chưa , họ sẽ quay anh đến chết.
Nhưng anh nói tôi nghe , gần đây nhất anh đã đánh bọn du đãng nào ?
- Thưa niên trưởng , bọn du đãng Dũng Đakao.

Vừa nói đến đó thì tiếng Còi Quân-trường hú vang. Báo hiệu mười giờ đêm, giờ của tất cả khóa-sinh đi ngủ, đồng lúc với tiếng còi  ma-quái tập họp.
Anh Đệ-nhất Đao-phủ-thủ đứng lên ra lệnh :

-  Hôm nay chỉ là khởi đầu cho tuần lễ Địa-Ngục, bây giờ các anh được tạm nghỉ để chia thành năm Trung-đội và Đại-đội-trưởng đàn anh sẽ hướng dẫn đi chỉ định phòng ngủ.

Một lần nữa tay xách nách mang, quần áo lôi thôi lếch-thếch như đám tàn quân trở về sau trận chiến. Tuy nhiên, mỗi trung đội đề cử một người đi bên ngoài đếm bước để mọi người đi theo nhịp, một, hai, ba  ….

Doanh trại SVSQ gồm những dãy nhà đúc, khóa đàn em ở bốn dãy gần nhà ăn. Cứ tám hoặc mười SV ở chung một phòng có bốn chiếc giường hai tầng, một ngủ trên, một ngủ dưới. Ngoài ra cũng có tủ đựng áo quần và dung cụ cá nhân cho mỗi SV rất gọn gàng, tươm tất.

Nhận phòng vừa xong, chưa kịp bỏ áo quần vào tủ thì tiếng còi ma-quái vang lên. Ai nấy vội vã chạy ra tập họp, nhưng vừa ra khỏi phòng thì đàn anh đã chờ sẵn ở cửa và la hét :

-  Tất cả quì xuống đi bằng đầu gối, hai tay để lên đầu, đến sân tập họp, không được đi bằng chân. Anh này quì xuống... Anh này quì xuống...nghe rõ chưa ?

Đêm càng về khuya, tiếng la hét, nạt nộ của đàn anh vang dội cả Quân trường. Gần hơn mười phút sau, chúng tôi mới lết đến được nơi tập họp. Có đứa báo cáo đàn anh là đầu gối đã trầy da chảy máu.
Các Đao-phủ-thủ trả lời :

-  Chưa thấm đáo gì đâu. Những ngày tới, máu sẽ chảy nhiều hơn nữa.

Sau đó, Đệ-nhất ĐPT lớn tiếng ra lệnh  :

-  Anh nào đã biết bơi, tập họp bên trái của tôi, anh nào chưa biết bơi, tập họp bên phải để đàn anh dạy bơi.

Lúc này trong đầu Thọ thắc mắc, không biết còn bao nhiêu trò quái-đản nửa đang chờ đón ?.  Tuy nhiên Thọ nghĩ nếu dạy bơi, chắc chắn sẽ giảng lý-thuyết, mình sẽ có thời gian ngồi nghỉ để nghe giảng. Thế là Thọ qua sắp hàng với gần hai chục đứa không biết bơi. Những đứa biết bơi thì chia nhóm để đàn anh dẫn đi quay đều như thường lệ.

Nhóm bọn Thọ được dẫn đi ra phía sau nhà vệ sinh, có vũng nước bùn đọng rất hôi thối, rộng lớn bằng hai căn phòng, nước sâu chỉ quá mắt cá. Họ ra lệnh tất cả quì gối, hai tay lên đầu để nghe chỉ thị trước khi bơi.
Anh Đệ-nhất ĐPT lớn tiếng nói :

-  Hôm nay các anh được bơi vượt Đại-dương, Anh nào khi lên bờ mà không ướt đầu, ướt mặt thì phải bơi trở lại. Nghe rõ chưa ?

Tất cả đồng loạt trả lời :

-  Thưa niên trưởng, nghe rõ.

Thế rồi cứ năm đứa bò qua vũng nước rồi tiếp tục năm đứa khác, nước thúi ướt áo quần mình mẩy nhưng không ướt tới lưng.  Thọ đứng hàng chót, đang suy nghĩ làm sao để từ chối hoặc xin miễn, thì đột nhiên, một SV đàn anh vỗ vai nạt :

-  Anh này đi theo tôi.

Thật là hú hồn, may mắn làm sao ? Thọ đi nhanh như chạy, qua bãi đất trống và nhận lệnh :

-  Nằm ngửa xuống đất, đưa chân tay lên trời , đếm có bao nhiêu vì sao ?

Khi nằm xuống Thọ mới nhận ra, chính là Đệ-thất ĐPT hồi chiều đã quay riêng mình. Hình phạt này xem như một ân-huệ, được nằm nghỉ xả hơi.

Bây giờ chắc cũng gần mười hai giờ đêm, trời tối nên Thọ không nhìn thấy bảng tên và cũng không dám hỏi anh ta tên gì. Khi chân tay Thọ đưa cao lên trời, bắt đầu mệt mỏi, bất chợt nghe tiếng còi ma-quái tập họp và tiếng la hét của đàn anh  :

-   Tất cả đi bằng đầu gối, hai tay bỏ lên đầu đến nơi tập họp, nhanh lên ... nhanh lên . 

Chừng mười lăm phút sau, mọi người đến tập họp đầy đủ, Đệ-nhất ĐPT tuyên bố :

-  Các anh có mười lăm phút để tắm rửa, khi nghe tiếng còi dài, tất cả phải nằm lên giường ngủ, ai còn đi lại trong phòng hoặc đứng dưới đất sẽ bị quay riêng. Tan hàng !…

Lợi dụng trời tối, Thọ vừa đi vừa cởi nút áo sẵn, về phòng vứt bỏ áo quần, chỉ lấy cái khăn tắm chạy vào phòng tắm, tắm trước.
Mấy đứa chậm chạp, mệt mỏi phải chen lấn vào phòng tắm nên chưa kịp gội sạch xà-phòng thì đã chạy về phòng lên giường nằm vì còi đi ngủ đã thổi. Đàn anh bắt đầu đi kiểm soát.

Đặt lưng xuống giường là ngủ như chết cho đến sáng hôm sau giật mình thức dậy khi tiếng còi ma-quái vang lên lúc năm giờ rưỡi sáng. Mặc vội chiếc quần , xỏ chân vào giày vừa chạy vừa mặc áo, không có đứa nào kịp đánh răng rửa mặt.

Trong khi đàn anh la hét, nạt nộ điếc tai xé tan bầu không khí yên tĩnh buổi sáng sớm. Được biết Chương-trình học của đàn anh từ sáu tới bảy giờ là tập Thái-cực-đạo. Bắt đầu từ tám giờ sáng đến bốn giờ chiều học văn hóa tại Giảng-đường lớn và chỉ có một giờ ăn trưa. Buổi tối bắt buộc ngồi làm bài tại Giảng-đường từ bảy giờ đến mười giờ đêm. Do đó bất cứ thì giờ nào trống trải là đem khóa đàn em ra  “ Quay-đều ". 

Khi khóa đàn anh đi học , khóa đàn em tập Cơ-bản quân sự và tập Diễn-hành , cho đến lúc đàn anh tan học thì đem đàn em ra " Quay-đều " cho đến hết thời gian Huấn-nhục.

Thọ may mắn được  SV Đệ-thất ĐPT săn-sóc , nhưng thực sự là giúp-đỡ nhiều hơn trong các trò chơi dơ-bẩn và nguy hiểm như ở trần lăn qua vỉ-sắt nóng giữa buổi trưa nắng gay gắt hoặc mặc  nguyên áo quần lăn qua những vũng bùn lầy nước đọng hôi hám.

Mỗi khi Thọ bị như thế thì anh ta làm bộ nạt nộ, la mắng rồi đem Thọ đi thi hành những hình phạt khác như hít đất, nhảy cò cò v..v..

Trong thời kỳ huấn-nhục, có những hình phạt đày-đọa thân xác nhưng cũng có những hình phạt diễu cợt cho phép nghỉ xả hơi , ví dụ như :

*  Đi Chùa lễ Phật :
Lựa một đứa mập ù, ngồi chắp tay xếp bàng trên bàn cao, nguyên cả khóa ở dưới, không cần biết Đạo gì, cứ chắp tay, chỏng đít lạy một trăm cái, miệng nói lớn Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đa Phật ….

*  Viết thư cho người tình  :
Một buổi tối sau hơn một tiếng đồng hồ bị hành hạ, tiếng còi ma quái thổi lên , mọi người tập họp và được dẫn vào Giảng-đường, Đệ-nhất ĐPT tuyên bố :

-  Bây giờ các anh được nghỉ ngơi và viết thư về thăm người yêu. Tôi lặp lại, tối nay chỉ viết cho người yêu, Tối mai mới viết thư thăm Gia-đinh. Chúng tôi sẽ cung cấp giấy bút và phong bì. Khi nghe tiếng còi dài thì nạp phong bì cho SV Bưu-tín.

Nói xong, giới thiệu SV Bưu-tín đàn anh lên trình bày thể thức Bưu-điện, anh  dõng dạc ra lệnh :

-  Các anh chỉ được viết trong năm phút,viết xong bỏ vào phong bì đề địa chỉ và dán lại, ngày mai chúng tôi dán tem gửi đi giùm.

Đứa nào cũng nghĩ đây không phải là trò chơi nên cắm cúi viết rồi bỏ vào phong bì dán lại và đưa cho SV Bưu-tín. Nào ngờ Đệ-nhất ĐPT đứng lên tuyên bố :

-  Chúng ta là Sĩ-quan Hải-quân tương lai, dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta phải chứng tỏ chí làm trai hào-hùng ngang dọc. Do đó, bây giờ chúng tôi sẽ kiểm duyệt, anh nào viết thư than thở hoặc ngăn cấm người yêu không viết thư trong thời gian này, sẽ bị phạt nặng.

Lần lượt các Đao-Phủ-Thủ bóc thư ra đọc cho mọi người nghe. Đọc mười lá thư thì hết chín lá than thở khổ cực và nhắc nhở người yêu không nên viết thư thời gian này.
Đệ-nhất ĐPT la hét :

-  Các anh thật không xứng đáng là SV/ SQHQ. Vậy tất cả bỏ hai tay lên đầu và lăn từ đây ra Thao-diễn-trường để đàn anh tiếp tục huấn-nhục. 

Một màn trầy-da-tróc-vảy xảy ra trong cát bụi mù trời cùng với tiếng la hét nạt nộ của đàn anh , xé tan màn đêm thanh vắng. Điều xui xẻo lớn nhất trong thời gian này là những đứa có thân nhân thăm viếng.

Từ Thao-diễn-trường đến Khu thăm viếng gần Cổng chính Quân-trường nếu chạy bộ cũng mất bốn phút, nhưng các ĐPT chỉ cho phép ra gặp thân nhân trong năm phút mà thôi, bao gồm chạy đi chạy về và thăm viếng. Thế là đứa nào ra thăm thân nhân trở về cũng bị chạy năm vòng thao- diễn-trường giữa cái nắng gay gắt buổi trưa.

Ngày qua ngày, mỗi ngày đều có nhiều trò mới lạ.
Đàn em đứa nào đứa nấy thân xác mệt mỏi, mặt mày hốc hác.

Bước qua tuần lễ thứ tư, tai nạn xảy ra cho hai SV đồng đội, một bị té bể xương mông khi leo qua chướng ngại vật khá cao. Quân-y-viện Nha-trang chứng nhận bị thương tật suốt đời nên bắt buộc cho Giải-ngũ.  SV thứ nhì vì đã bị bệnh áp-huyết cao cùng với bệnh tim nên ngất xỉu trong khi huấn nhục và đã tắt thở trên đường đưa đến Bệnh-viện.

Sự việc xảy ra làm chấn động cả Quân-trường, do đó lệnh chấm dứt huấn nhục được ban hành và bắt đầu Chương trình học Văn-hóa và Hãi-nghiệp.

Một buổi lễ chấm dứt huấn-nhục vô cùng trọng thể, gọi là lễ Nòng-nọc đứt đuôi, Cóc-Nhái nhảy lên bờ. Kể từ nay đàn em  được mang hai cầu vai bằng nỉ màu đen, chẳng có lon lá gì trên đó nên các Cô gái Nha-thành gọi là Sĩ-quan tàu ngầm.

Tiếp theo là lễ nhận Bố-Con. Theo truyền thống Hải-quân , khi xong Huấn-nhục, mỗi đàn anh sẽ chọn một đàn em làm con. Mục đích Bố hướng dẫn con học hành trong Quân-trường , chỉ vẽ nơi chốn ăn chơi ngoài thành phố và sau này chia xẻ kinh nghiệm đánh giặc trong sông , ngoài biển.

Từ những khóa trước, đàn anh đi tìm những đứa đàn em có tài  năng gọi là “ Sáng nước “ để nhận làm Con. Nhưng nay qui luật thay đổi, phải bốc-thăm. Do đó, người SV đàn anh đã để ý và giúp đỡ Thọ trong thời gian huấn-nhục nay bốc thăm nhận một đàn em khác làm Con và

Thọ được làm con của một đàn anh khác.

PHẦN III  : Quan Ta - Quan Tây - Đường Quan-Lộ

Trước khi thực sự vào chương trình học hai năm Văn-hóa và Hải-nghiệp tại Trường Hải-quân , một buổi thi trắc nghiệm trí thông minh và các phản ứng lanh lẹ , tay chân điều khiển dụng cụ khéo léo được tổ chức tại trung tâm Quân-cụ Nha-trang .Mục đích để chọn ngành Sĩ quan Cơ-khí và Sĩ-quan Chỉ-huy .

Thọ hoàn toàn mù tịt về chuyện này , không biết phải chọn  ngành nào để ít học hành mà vẫn được tốt nghiệp , bởi đầu óc lúc này khó mà nhét chữ nghĩa vào được , bèn hỏi ông Thượng-sĩ Huấn-luyện-viên nên đi ngành nào  ? .
Ông ta giải thích nữa đùa nữa thật :

- Nếu anh muốn làm Tư-lệnh Hải-quân sau này thì chọn ngành Chỉ-huy . Nếu muốn trở thành thợ máy thì chọn Cơ-khí . Nhưng nên nhớ chọn Cơ-khí là học hành chết bỏ mới đỗ đạt được .

Đám đông SV đứng bu quanh đều ngơ ngác về câu trả lời nên ông giải thích thêm :

- Tôi vào Hải-quân từ thời Tây , SQHQ Tây học 03 năm , hai năm tại trường Hải-quân Brest và một năm thực tập hải-hành vòng quanh thế-giới trên chiến hạm Jeanne D' Arc . Được chia làm hai ngành :Ngành Pont ( Sàn Tàu, chuyên về lái tàu  ) và ngành Machine ( Cơ-khí máy móc ) .
Sĩ-quan học ngành Pont chỉ cần học lái tàu , xác định vị trí con tàu bằng những phép toán hàng-hải ( Calcules nautiques ) . Gần bờ thì căn cứ vào các Hải-đăng hoặc đỉnh núi , ghềnh đá cố định , gọi là hải-hành  Cận-duyên . Hải hành Viễn-duyên hoặc xuyên Đại-dương xa bờ thì dùng những dụng cụ Radar , Sonder ,  La Bàn  , Sextant , Đồng hồ lấy TOP và dụng cụ đo thiên văn  tối tân đã trang bị sẵn trên tàu , không có gì khó khăn . Khi tốt nghiệp với bằng cấp Ingénieur de Brest .
Ngược lại , Sĩ-quan Cơ-khí như tôi đã nói ở trên , học hành rất khổ nhọc.  Bởi vì mọi trang cụ trên tàu kể cả máy móc , súng ống , radar , v.v ...đều phải được khiển dụng , phải được bảo trì và chỉ dẫn bởi Sĩ-quan Cơ-khí . Nếu mọi thứ trên chiến-hạm bất khiển dụng thì con tàu chỉ là một khối sắt phế thải . Khi tốt nghiệp với văn bằng Kỹ-sư Cơ-khí Ingénieur mécanicien de Brest. Tuy nhiên , cả hai ngành đều phải học chung các môn Lãnh-đạo Chỉ-huy , Hành-quân tập-trận , Tham-mưu ...v.v...
Đó là Hải-quân Pháp . Bây giờ tôi cũng biết SQHQ Mỹ  khi đang học chương trình 04 năm thì không phân chia ngành nào cả . Khi tốt nghiệp thì chia ra  Line Officer và Limited Duty Officer , ai thích học thêm ngành nào thì cứ ghi danh học . Điểm đặc biệt là rất công bằng , bất cứ SQ ngành nào nếu có bằng cấp cao và làm việc giỏi đều được lên Tướng hoặc  làm Tư-lệnh . Không giống như HQ Việt-nam , chẳng biết một trăm năm sau thế nào , chứ bây giờ anh nào trót lỡ dính vào hai chữ Cơ-khí thì dù ở trong Hải-quân suốt đời , làm việc giỏi và có bằng cấp cao cũng chỉ lên tới Đại-tá là cùng . Trong khi Sĩ-quan ngành Pont bây giờ có ông đã lên tới tướng ba sao .
Điển hình là tổng số khóa 01 HQ có 09 ông , ba ông cơ-khí cho giữ những chức vụ ngồi chơi xơi nước , còn những ông Pont thì thay phiên nhau làm Tư-lệnh HQ .
Thực sự đây không phải là quy-luật HQ Việt-nam khi mới được Pháp bàn giao  . Nhưng không biết có phải vì các ông Pont đang nắm quyền lực , không ưa các ông Cơ-khí có bằng cấp Kỹ-sư giỏi hơn nên tạo ra Hải-quy bất thành  văn. Do đó đã cố ý dịch và áp-dụng sai chữ Pont là ngành Chỉ-huy . Từ đó , Tổng-thống và các ông tướng bộ binh ở Tổng-Tham-Mưu quân đội nghĩ rằng ngành Cơ-khí  ( Machine ) giống như thợ máy , không được chỉ-huy , ngay cả các Trung-tâm Huấn-luyện Chuyên-nghiệp HQ hay Trường Sĩ-quan HQ v...v.... nên theo đà , chọn những ông Pont , chỉ định làm Chỉ-huy-trưởng hoặc làm Tư-lệnh . Khi đã thành thói quen , Hải-quy HQVN bắt đầu sửa đổi , tu bổ thành văn bản : Sĩ-quan ngành Cơ-khí chỉ làm việc ở các Trung tâm Kỹ-thuật như Hải-quân Công xưởng,Trung-Tâm Tiếp-liệu , các Tiền-doanh Yểm-trợ Tiếp-Vận , hoặc đi dạy học v...v... Nhưng những nơi này làm sao có đủ cấp-số binh lính và tàu bè để đạt được tiêu chuẩn lên Tướng Hải-quân ? Vì thế , cấp bực Đại-tá là ceiling nặng chình chịch đè lên đầu Các Sĩ-quan ngành Cơ-khí .  
Ngay từ trong Quân-trường đã có sự ganh tỵ chê bai Sĩ-quan Cơ-khí “ tối nước “ . Ám chỉ sẽ không được giữ những chức vụ chỉ huy trong tương lai . Cho nên anh nào thích học tà tà ra quan , sau này làm Chỉ-huy-trưởng , nên chọn ngành Chỉ-huy .

Thế là Thọ yên tâm chọn ngành Chỉ-Huy , vì biết mình sẽ không siêng năng học hành được nữa .

Đúng như lời ông Thượng-sĩ Huấn-Luyện-Viên giải thích có tính châm biếm đùa cợt , nhưng đó là sự thực .
Ròng rã hai năm trong quân-trường Thọ chỉ học tà tà . Buổi tối  sau giờ học bắt buộc tại giảng-đường là về phòng ngủ , thức đêm gầy sòng xập-xám-chướng hoặc  nhảy rào ra phố vui chơi với em Huệ vừa mới quen  .
Có đêm  ra đánh lộn với băng du đãng ở xóm Nhà thờ Phước-Hải.

Sở dĩ Thọ biết được băng du đãng này bởi hai thằng đàn em trong băng Trương-Minh-Giảng Sài-gòn , thằng Tài tóc đỏ và Sơn râu bây giờ làm nghề tài-xế vận tải , chở rau cải từ Đà-lạt Phân phối đến Nha-trang , Phan-rang ...

Một hôm đụng độ với băng Phước-hải nên nhờ Thọ ra tiếp tay . Do đó bây giờ băng Phước-hải rất căm phẫn và nể sợ khi nghe danh Thọ đen Hải-quân .

Nổi bật nhất là một buổi chiều náo loạn thành phố Nha-trang . SV các trường Không-quân , Hải-quân và trường Hạ-sĩ-quan Đồng-Đế  dạo phố cuối tuần . Khởi đầu chỉ là sự xích mích nhỏ giữa hai SV , một Không-quân và một Hải-quân đưa đến sự ẩu đả lẫn nhau trên đường phố . Dần dần tất cả Không-quân trên đường phố chạy đến bênh vực KQ , rồi tất cả Hải-quân đang dạo phố chạy đến bênh vực HQ .Thế là chia thành hai phe đánh nhau hỗn loạn .  HQ với đồng phục trắng toát , có Thái-cực-đạo là môn học chính nên đuổi KQ và Đồng-Đế chạy dài trên đường phố , bởi hai trường này mặc Kaki vàng giống nhau , lại không học võ nghệ . Làm cho dân chúng hiếu kỳ và bọn con nít vỗ tay reo hò khen ngợi HQ đánh đẹp , náo loạn cả phố phường . Xe tuần cảnh hụ còi inh-ỏi và dùng loa kêu gọi tất cả SV trở về Quân-trường của mình .Thọ và thằng Ty giẹo bị bọn băng Phước-hải nhận diện nên hợp tác với băng Thủy-quân Lục-chiến gần mười đứa vây đuổi đến đường cùng . Hai thằng phải cao bay xa chạy vào ẩn núp nhà dân . Rất may vào đúng ngay nhà Bà Thoa , là chủ thầu Câu-lạc-bộ Hải-Quân . Bà Thoa khóa chặt cửa , vén màn nhìn ra cửa sổ thấy khoảng mười lính Thủy-quân-lục-chiến đang dáo dác tìm kiếm , rồi Quay lại hỏi hai đứa :

- Tại sao các anh gan lì , chỉ có hai mà dám đánh gần mười lính Thủy-quân Lục-chiến ? .

Thọ trả lời :

- Ban đầu chỉ có năm , hai đứa tôi dư sức . Nhưng sau tụi nó đến  đông nên tụi tôi phải tìm đường chạy .

Đợi trời thật tối , bà Thoa lái xe chở hai đứa về quân trường . Thời gian sau đó , không biết trong đầu bà Thoa nghĩ gì , bèn nhận Thọ và Ty giẹo làm con nuôi . Thế là mỗi ngày thay vì ăn cơm lính trong phạn-xá , hai đứa được ăn cơm Câu-lạc-bộ khỏi trả tiền .

Bà Thoa có cô con gái tuổi đôi mươi , tên Ngọc , quản-thủ Câu-lạc-bộ HQ trông cũng xinh đẹp mặn mòi , có một nốt ruồi trên mép môi nên được SV gọi là cô Ngọc ruồi . Nhưng Thọ và Ty giẹo không đủ tiêu chuẩn để làm phò-mã ( làm kép ) , bởi Thọ thì hơi lùn và đen , Ty giẹo thì mặt mày sần sùi và đi đứng hơi cà giẹo . Do đó cả hai đứa hơi ngạc nhiên , nên có lần Thọ hỏi Ty giẹo :

- Mày biết lý do gì Má Thoa chọn hai đứa mình làm con nuôi ? Trong khi biết bao nhiêu đứa to con đẹp trai hơn mình, xứng đôi với em Ngọc ruồi mà bà không chọn .

Ty giẹo vừa cười vừa trả lời :

- Chắc là bả thấy mày và tao giống dân cô hồn du đãng , bà cần bảo vệ các Nhà hàng , các Câu-lạc-bộ và em Ngọc ruồi , nên cần mày và tao  .

Thọ cũng cười theo rồi phụ họa :

- Thôi , bả nghĩ gì cũng được , miễn sao hằng ngày mình có cơm ăn free là được rồi .

Kể từ đó , Thọ có thêm hỗn danh là Thọ du đãng , lan truyền tới tai các SQ giáo sư , nên điểm học hành bị sút giảm .

Ngày thi ra trường , làm bài cũng không khá nên bị rớt , ra trường với cấp bậc Chuẩn-úy , đi tàu biển một thời gian rồi đổi về giang-đoàn đánh giặc , chờ sang năm về trường thi lại .

Ròng rã hai năm quân trường , con Tám ra thăm hai lần . Năm thứ nhất ẵm bé trai hai tháng , năm thứ nhì bồng bé gái ba tháng . Thọ ra trường thì đã có hai con với con Tám , và một đứa hơn một tuổi với Em Huệ ở Nha-trang . 

Tiền lương lính không đủ nuôi hai vợ ba con nên phải giao cho Bố Mẹ. Đôi lúc Thọ nghĩ , chỉ vì bản tánh ham chơi , thích bài bạc , trai gái và đánh lộn của mình mà bỏ lỡ nhiều cơ hội tiến thân trong đời .

Như trường hợp ngàn năm một thuở , HQ cho Thọ đi học lái máy bay trực-thăng , nhưng ngày đi qua Không-quân khám sức khỏe thì Thọ bỏ khám , vì bận đi chơi với đào mới cặp . Rồi hai năm sau , trải qua cuộc tuyển lựa khó khăn, Thọ được chấp thuận đi học lớp người nhái HQ . Nhưng khi qua Guam Philippine học được hai tháng , Thọ bỏ cuộc trốn về nước . Ở tù mấy chục ngày xong về Giang Đoàn Ngăn-chận đánh giặc tại Nam-căn Cà mâu cho đến khi buông súng đầu hàng .

Nhớ lại thời còn phục vụ trong Hải-quân , Thọ đã chứng kiến cũng như nghe nhiều chuyện hỉ nộ ái ố của các SQ khóa đàn anh nói rằng Hải-quân là Quân-chủng có nhiều SQ trí-thức khoa-bảng nhưng vì lý do nào đó , vô tình hoặc cố ý đã làm cho nhiều vị SQ này không muốn ở lại phục vụ cho Hải-quân như những trường hợp sau đây :

-  Ông T.V.Sơn , tốt nghiệp khóa 4 HQ Brest tại Pháp năm 1958 , với văn bằng Kỹ-sư Cơ-khí  . Người đã có 16 năm trong HQ Việt-nam và đã dạy Trường Sĩ-quan HQ suốt 13 năm liền . Nhưng vì có mang chữ Cơ-khí nên không được bổ nhiệm làm Chỉ-Huy-Trưởng Trung tâm Huấn-luyện HQ và trường SQHQ Nha-trang . Bộ Tư-Lệnh HQ bổ nhiệm một Sĩ-quan Pont khóa đàn em làm Chỉ-Huy-Trưởng . Ông này không có bằng cấp như ông Sơn , nhưng ngồi ở chức vụ cao hơn nên lắm lúc hạch hỏi những điều kém tế nhị làm cho ông Sơn bực mình rồi từ giã HQ ra làm Dân-biểu đơn vị Nha-trang  .
- Ông B.T.Rủng , Khóa 2 HQ Brest là một giáo-sư giỏi có bằng Ph.D ở Mỹ cũng giã từ HQ nhảy ra làm Tùy-viên Ngoại giao rồi sau này làm Giám-đốc Trường Kỹ-sư Phú-Thọ  .
- Ông Đ. Đ.Hiệp , một Kỹ-sư giỏi , Khóa 3 Brest Pháp , Có công dịch thuật và tu bổ sách giáo khoa kể từ khi HQ Pháp chuyển giao để dạy tại Trường Sĩ-quan HQVN , cũng xin đi làm Văn-Hóa-Vụ Trưởng tại Trường Võ-Bị Liên-Quân Đà-Lạt .
- Ông  L. Phụng , có văn bằng Cử-nhân , Khóa 03 HQ Brest  Pháp , trốn sang Canada dạy học .
- Ông N.T. Ích , một Kỹ-sư giỏi , Khóa 04 HQ Brest Pháp , có PhD ở Mỹ : Xin đi làm Tùy-viên Bộ Ngoại-giao .
- Ông N.Vân , có văn bằng Cử-nhân ở Mỹ , Khóa 01 Brest Pháp : Làm Văn-hóa Vụ Trưởng , Trường VBQG Đà-lạt , trước thời  ông Đ. Đ.Hiệp . Sau này xin đi du học Hoa-ky để lấy PhD ở MIT .
Đặc biệt trong thời gian phục vụ tại đây , nghe tin đồn ông Vân đã làm phúc-trình đề nghị :
- Tư-lệnh HQ trong tương lai phải là một sĩ quan hiện dịch và có kiến thức văn hóa tối thiểu là văn bằng Cử-nhân .
Do đó , chỉ có Sĩ-quan xuất thân từ Vỏ-bị Đà-lạt vào thời gian sau này mới đủ tiêu chuẩn vì khi tốt nghiệp tại đây :
- Đương nhiên là SQ Hiện-dịch ( Phục-vụ Quân đội suốt đời ) ,
- Cấp bậc Thiếu-úy ,
- Văn bằng Cử-nhân Khoa học Ứng-dụng ,
- Thời gian học là 04 năm .
Trong khi SQ tốt nghiệp tại Trường SQHQ Nha-trang  :
- Chỉ là SQ Trừ-bị ,
- Thời gian học hai năm , nhưng hầu hết chỉ một năm hoặc 09 tháng vì nhu cầu Chiến-trường đòi hỏi . Do đó , không đủ tiêu chuẩn để làm Tư-lệnh Quân-chủng HQ .

Nhưng ý kiến này bị Bộ-Tư-Lệnh HQ bác bỏ , lý do là đang soạn thảo Dự Án biến cải Trường Sĩ-quan HQ Nha-trang  theo khuôn mẫu Trường Hải-quân Hoa-kỳ Anapolis . Ngoài ra , hiện tại Hải-quy của HQVN được bổ túc thêm điều khoản :
” Các Sĩ-quan tốt nghiệp từ Trường SQHQ/Nha-trang , sau hai năm phục-vụ , được quyền thi vào ngạch Hiện-dịch “.

Tóm lại ,  HQ là Quân-chủng nhỏ so với Lục-quân nên những sự ganh ghét , tỵ-hiềm rất dễ thấy . Đó là chưa kể những người có bằng cấp tại Pháp ganh ghét với những ai đỗ đạt tại Mỹ và ngược lại .

Giống như guồng máy chính-quyền Quốc-gia bên ngoài , một ông Tổng hay Bộ-trưởng có bằng cấp tại Mỹ thì lôi kéo bè phái đỗ đạt tại Mỹ vào làm việc với mình và ngược lại ông có bằng cấp tại Pháp cũng thế . Chính vì điều này làm cho nhiều nhân tài HQ có bằng cấp cao , nhiều thâm-niên , giỏi kinh nghiệm , chán nản nhân tình thế thái , đành xin đi làm những việc ngoài HQ  . Đặc biệt là những SQHQ tốt nghiệp ở Brest.

Điều này khi tham khảo ý kiến với những SQ cao cấp cho hay : Sở dĩ các SQ học ở Trường HQ Brest thường xin làm việc ngoài HQ là bởi các vị này thích nhàn hạ , không thích đánh giặc và luôn nghĩ rằng mình có nhiều tài năng , có bằng cấp cao thì không thể ngồi ở những chức vụ nhỏ trong Hải-quân được .

Như trường hợp  có thật và rất buồn cười , có lần Phó Tổng-thống N.C.Kỳ hỏi và ép buộc ông N. Đ.Vân , khóa 01 Brest Pháp : “ Anh về suy nghĩ một đêm , sáng mai cho tôi hay ,  Anh hoặc làm Tư-lệnh HQ hoặc nhận 15 ngày trọng cấm ? “ . Sáng hôm sau ông Vân trả lời : “ Xin cho tôi trọng cấm vì số tử-vi tôi nói nếu tôi nắm Tư-Lênh HQ thì sẽ bị chết  “. Ông kỳ nghe tức cười quá nên
thôi và cũng không phạt .

Đó là chưa kể những lủng củng tai nạn tranh chấp nội bộ HQ như trường hợp ông Đ.C.Thăng và ông C.T.Cang vào HQ cùng thời gian nên không nể nang nhau khi  ông Cang làm Tư-lệnh . Do đó, nhân một chuyện xích mích nhỏ :
- Ông Đ.C.Thăng , khóa 01 Brest Pháp , tử thủ tại Hải-quân Công-xưởng và không tuân lệnh chỉ huy của Tư-lệnh-phó L.N.Tánh trong thời gian ông Tư-lệnh C.T. Cang đi công cán . Khi ông Cang trở về thì được Tướng N.N. Loan đón rước vào văn phòng BTL Cảnh-sát Đô-thành tá túc để tránh đại-họa . Sau cùng Tổng-thống Thiệu phải bổ nhiệm Tướng Thủy-quân Lục-chiến L.N.Khang làm Tư-lệnh HQ . Ông Khang không hiểu được sự tổ chức HQ nên một vài tháng sau đành trả lại cho Hải-quân .

Tâm-Phương-Đăng

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011