SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

BẢY MƯƠI NĂM NHÌN LẠI - ANH TƯ CHƠI

Theo khoa Tử vi, trong đại hạn 10 năm, đời sống con người thay đổi một cách đáng kể. Sau khi qua  bảy cái đại hạn  10 năm nhìn lại thấy cuộc sống ngày xưa hiện ra kỳ lạ, với những viễn cảnh khó thể tin là có thật.

Thuở bé Hảo có một đàn anh rất chịu chơi.
Khi sinh ra, anh được đặt cho cái tên tiền định: Chơi. Lớn lên, trong nhà gọi anh với tên Tư Chơi.

Anh là con trai một của ông Tám Định, người cho cha mẹ Hảo thuê đất cất nhà sát ranh giới nhà ông. Hảo thường sang nhà anh chơi, nên anh xem Hảo như hơn người quen một bực: một kẻ em út. Thật thì tuổi anh hơn Hảo đến một con giáp. Nếu phải tả con người anh cách ngắn gọn thì có thể nói anh Tư đúng là mẫu người phổ thông trong xứ vào thời điểm đó và đúng toàn diện.

Năm anh 18 tuổi, xin nói rõ là 18 tuổi, anh đậu xong bằng Tiểu học rồi ngồi nhà luôn hai năm. Ở không mà đi chơi đúng phong cách một công tử bột. Sang năm 20 tuổi anh bỗng thấy cập chân anh ngứa ngáy gây khó chịu. Dường như anh muốn đi xa nên anh đầu quân vào Thủy binh Pháp làm mạch- lô vào năm 1939. Sau vài tháng được huấn luyện ách-ê đâu ở miệt Saigon anh về phép với một bề ngoài trông thật chẳng giống ai.

Diện theo đồng phục thủy binh thời đó thì đầu anh đội nón bố trắng kiểu nồi đồng úp ngược trên đỉnh có chùm chỉ màu đỏ. Ở chân anh mang giày da đen, vai vác một cái túi ma-ranh to tướng.  Người anh mặc áo cổ vuông chạy viền xanh và có cái xây ở phía lưng. Quần dài anh mặc có cái bệ vuông ở phía trước. Anh Tư giải thích là luật ở tàu binh —sau nầy gọi là tàu chiến—mỗi sáng thứ Hai sau hai ngày cuối tuần "đi bờ" về lại tàu, tất cả thủy thủ từ cấp hạ sĩ trở xuống đều bị khám xem ai bị vướng bệnh phong tình. Cái bệ đó có tác dụng làm cho cuộc khám đỡ mất thì giờ.

Lần đó anh ở nhà chơi được hai tuần. Trong thời gian nầy anh la cà mọi ngõ ngách. Điếu thuốc Bastos vàng ngậm ở mồm làm anh trông có vẽ người lớn thật sự. Cái mũ mạch-lô úp trên đầu thêm cho anh cái nét hao hao người vùng Lương sơn Bạc, đất dụng võ của những hảo hán trong truyện Thủy Hử bên Tàu.

Ngày hết phép phải về lại đơn vị, đàn em đến bến xe đi Saigon đưa tiễn anh. Hảo cũng có đi đưa. Mắt anh ngày đó có dấu quầng thâm với một thoáng buồn lạc lõng, một nỗi buồn xa vắng như đã hoặc đang bị mất một cái gì anh thật sự mến thương. Về sau khi lớn lên Hảo cũng phải làm những chuyến đi xa.  Tuy biết rõ rằng có đi thì cũng có về nhưng  lần nào cũng bịn rịn thấy tất cả những thứ chung quanh mình như đều có linh hồn và biết quyến luyến.

Cái ghế ngồi thường ngày, cuốn sách đang đọc nửa chừng, tờ báo còn nằm nơi bàn viết, tất tất đều như kêu Hảo hãy ở lại, đừng đi.  Chưa kể đến đôi mắt những người thân trong hoàn cảnh đó luôn có một mị lực đáng nể nang. Nó cũng như gọi mời người đi đừng vội vã.

Lần đó anh Tư đi mà không có nhìn lại. Trong đôi mắt anh như hiện ra cả một trời phiêu lãng. Lúc đó có lẽ anh mới biết rằng quê hương, nơi anh được sinh ra, lớn lên, đối với anh là núm ruột, là nơi anh phải sống đến hết cuộc đời.

Anh đi tháng 3 thì tháng 7 ngày 14 tây có lễ diễn binh hằng năm mừng Quốc khánh Pháp, ngày phá ngục Bastille.
So với những cuộc diễn binh mừng lễ sau nầy thì cuộc diễn binh ngày đó nhẹ về trình diễn nhưng nặng về vui chơi. Tỉnh Hảo nằm cạnh sông Tiền. Dân chúng lớn bé trẻ già trong thị xã tính gộp chừng ba ngàn người là cao. Quan Tây và gia đình của họ tính chung cũng gần ba chục mống, kể cả cha cố, bà sơ, phụ nữ và trẻ con.

Địa điểm hành lễ là một phần con đường thời đó có tên là Galliéni. Toàn bộ đường này dài chừng một ngàn thước. Khán đài là hai ban-công từng nhất của Hội quán to nhất tỉnh nằm cạnh con rạch Long Hồ. 

Từ 7 giờ sáng ngày đại lễ, Tây tà và khoảng 20 người Việt Nam nhập tịch làng Tây lục tục kéo đến ngồi đầy những hàng ghế tại hai khán đài chính. Dân thì được gọi ra đứng dọc theo hai lề đường. Trên tay ai cũng có một lá cờ tam tài xanh trắng đỏ. Người ngồi trên hai khán đài chính ngổng cổ nhìn xuống xem cuộc diễn binh thì ít mà xem từng lớp tiện dân đang từ dưới ưỡn ngực nhìn lên thì nhiều. Những lớp tiện dân ngày thường phải hai sương một nắng làm việc trên đồng, trên rẩy, trên sông. Giới thượng lưu thời đó là những thầy chú làm việc cho Pháp, thầy cảnh sát, thầy cô giáo. Mỗi bên như thuộc về một thế giới riêng, hai bên không có bao nhiêu liên hệ với nhau. Một lớp trên nữa gồm người Pháp và những người Việt nhập tịch làng Tây, hàng ngày nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Thời đó nói tiếng Tây cà lồ là một biểu tương văn minh.

Người thuộc lớp bên trên này dùng cơm không bằng bát đũa mà bằng muỗng, nĩa với đĩa bàn và dao con. Buổi ăn của gia đình họ có bồi bếp lo nấu chín, dọn lên tận bàn. Khi ăn thì ăn toàn thức ăn. Bánh mì từng khoanh chỉ dùng khi lỡ gặp món quá mặn. Mỗi lần nuốt xong một miếng thực phẩm thì họ có thói quen uống một ngụm rượu. Khi ăn xong thì dùng thức tráng miệng gồm  phó mát, trái cây đủ loại. Lớp dân đứng phía dưới thường ngày lao động bạ đâu ăn đấy; có khi ngồi bẹp xuống mặt đất mà ăn.  Cơm toàn thứ cơm đùm, cơm nắm qua quít với mắm muối cho qua ngày....

Đúng 8 giờ sáng thì từ nơi cách đó khoảng một ngàn thước, một viên Trung úy người Pháp, mặc nhung phục đại lễ Saint Cyr, áo đỏ cúc vàng, phù hiệu chói lói, quần đen có sọc tía. Ông cưỡi ngựa ô, dẫn một đội kèn đồng với trống, phèng la. Nhạc diễn binh được trổi liên tục. Theo sau là một Đại đội lính tập[1] bước theo nhịp trống. Mỗi người mang súng mút [2] trên vai. Chân mang giày da trâu lộn bề nhám ra ngoài. Người thời đó so với người thời nay thì thấp và hơi có bề ngang. Khi bước theo nhịp trống thì chân đi xà bát, hai cái mông õng ẹo đánh đu qua lại trông cũng lạ mắt.
Sau cùng là hai con lừa mỗi con kéo một khẩu sơn pháo 75 ly ở phía đầu nòng có chòm râu kết bằng chỉ đỏ. Trong tỉnh không có súng npha1oNghe nói cả hai được mượn từ kho ở Saigon. Xài xong thì trả lại.

Khi đến ngang khán đài chính, viên Trung úy nghiêm người, hươi kiếm chào quan khách xong dừng cương xuống ngựa, từ từ leo lên khán đài ngồi cạnh tỉnh trưởng người Pháp. Một lính Việt Nam lẹ làng chạy ra dắt con ngựa buộc tạm gần đó trong khi ...đoàn quân rầm rộ kéo qua trong tiếng nhạc kèn đồng rồi đi luôn về trại cách đó chừng nửa cây số.  Toàn thể cuộc diễn binh chính thức chỉ kéo dài trong vòng 30 phút. Tất cả quan binh ngay sau đó thay đồ dẫn cả nhà ra phố cùng dân bọn tham dự các cuộc vui tổ chức đặc biệt

Sau lễ diễn binh thì toàn dân trong tỉnh liên hoan ba ngày. Mọi người phải nghỉ việc để vui chơi. Lần nào cũng có tổ chức hội chợ. Có voi, khỉ, và cả những người Thượng được mang từ Di linh xuống. Họ đóng khố. Phần trên thân thể, nam như nữ, đều không có áo. Người Pháp mang họ xuống núi, dẫn theo một cặp tượng có ngà trắng về tỉnh của Hảo để thiên hạ nhìn thấy con voi và thấy đồng bào Thượng biểu diễn ngả trâu ăn thịt nướng nữa sống nữa chín. Cộng với nhiều thú vui khác như đá bóng, chạy đua, thi nhảy bao bố,  còn có ngày thì đua thuyền múa lân, đêm treo đèn hoa đăng trên nước, cộ đèn trên bộ. Ai lợi dụng ngày lễ đó mà làm việc nhà như xay lúa, giã gạo, bổ cũi thậm chí kéo xe kéo kiếm tiền cũng bị các thầy phú-lít lập biên bản bắt nộp phạt cẩn thận.

Hai năm sau đó, dạo cuối năm 1941, các báo Tây lẫn báo ta đồng loạt đăng một tin động địa hơn tin trời sập : Nhật bản tấn công Mỹ ở Trân châu cảng bằng nhiều đợt phóng pháo. Mỹ thua sạch.  Nhật chỉ mất khoảng 30 máy bay nhỏ.
Nhật bản là nước nào vậy ? Ai biết ?  Có khó chi đâu. Chỉ cần thả bộ đến mấy tiệm hớt tóc là xong.

Phần lớn hai tiệm hớt tóc tại thị xã của tỉnh Hảo thời bấy giờ là... trung tâm báo chí. Nơi nào cũng có vài tờ báo cũ cả tuần lễ hay 10 ngày trở lên. Khách chờ lượt được hớt tóc, ngồi đọc không sót một tin, không thiếu một mục quảng cáo như thuốc rượu hiệu Thiên Thần của Cô Tư, xà phòng thơm hiệu cô Ba Trà, v.v. Họ đọc tất cả tin tức loại trời ơi đất hỡi nên tự nhiên trở thành những nhà ...thông thái miệt vườn.

Hảo bèn đến tiệm của chú Ba Kính cách nhà chừng hai trăm thước. Đến nơi thì thấy đã có gần chục mạng lớn bé đang ngồi xì xào to nhỏ về cái tin nóng hổi đó.

Theo lời giải thích của chú Ba thì Nhật bản còn được gọi là nước Phù Tang. Dân lùn tịt nhưng đánh trận thì rất giỏi. Họ kéo toàn Hạm đội Thiên hoàng gồm nhiều mẫu hạm mang theo trút ngàn máy bay thình lình đánh úp căn cứ lớn nhất của thủy binh Mỹ lúc đó đang ôm mộng làm mưa làm gió  tại Tây Thái Bình Dương. Chuyện đã rõ như ban ngày là giống da vàng đã đến thời quật khởi chống bọn thực dân da trắng đã từng mang quân đánh chiếm nước người làm thuộc địa suốt trăm năm qua. Dân da trắng sẽ bị hất ra khỏi Á châu để các nước bị trị  giành lại nền độc lập.  Đó là lần đầu tiên Hảo nghe đến hai chữ Độc lập, nghe mà chẳng hiểu nó là gì.

Ngoài đường phố, tại những nơi công cộng, thậm chí ngay trước cổng giáo đường, đàn ông, thanh niên đủ mọi lứa tuổi thường túm tụm với nhau bàn bạc, luận đàm về biến cố mới do người Nhật tạo ra. Báo chí hàng ngày có đăng đầy đủ  tin tức kèm tranh ảnh của cuộc chiến tại quần đảo Trân Châu đó. Ngoài ra cũng có những bức hình cho thấy bộ binh Thiên hoàng đang hoạt động ở mấy địa danh có tên Cao Ly, Mãn Châu, Thượng Hải, Chiêu Nam (Tân gia Ba)  với những phi cơ cánh nhọn  nói là thuộc Không lực Hoàng gia Nhật bản đang bay rợp trời đâu đó nói là thuộc... Đông Nam Á.

Một không khí hân hoan bao trùm khấp chốn từ tỉnh lỵ đến thôn quê. Việc xảy ra ở tận đâu đâu. Nhưng mọi người tự nhiên coi đó như điềm báo một ngày huy hoàng sấp đến cho toàn cõi Á Đông thuộc giống người da vàng. Rồi không biết được sao chép ở đâu và từ bao giờ bỗng thấy được rao truyền trong đại chúng như những lời báo động mang đầy tính chất hăm dọa —kinh sấm— đối với những người da trắng ở  địa phương.

Tại những khu phố Tây, không khí nghi ngại ngày mỗi thêm rõ. Những ông người Pháp ngày nào còn mang vẽ đường bệ mỗi khi ra đường, lúc bấy giờ cũng ngầm bảo nhau hạn chế sự đi lại. Ngay những đàn bà và số ít đàn ông bản xứ họ thuê làm việc nhà như đi chợ nấu ăn, giữ em giặt đồ hoặc lái xe hơi, kéo xe kéo đều không được phép ra ngoài như  trước. Buổi chiều khoảng năm giờ là tất cả nhà Tây đều đóng cửa.  Tại các công sở , một số ít người Pháp còn hiện diện lấy lệ. Riêng tại trường tiểu học cấp tỉnh Hảo đang theo học, viên thanh tra học chính treo bảng miễn tiếp khách vì lý do....công tác tận nơi có tên gọi là Sài Gòn—giọng địa phương nhà quê gọi là Thầy Ngòn.

Người Pháp nầy tuổi năm đó chừng 40, vợ con đề huề. Ông ta chiếm trọn ngôi nhà một tầng nằm bên trong khuông viên trường. Công việc của ông là ngày ngày sáng cũng như chiều rủ  bạn bè phần lớn là Tây chính cống với một số ít người Việt làng Tây đến chơi quần vợt ở sân nhà. Học trò ngồi trong lớp học gần bên tai nghe những tiếng “boọc”,”boọc”, “boọc” khi banh chạm vào mặt cây vợt. Buổi chiều thì cũng như thế mà nghe. Ăn nhiều đồ bổ béo nên thừa sức chẳng biết làm gì bèn bày ra môn thể thao vừa tiêu khiển vừa cho tan mỡ bụng.

Thời tiết Việt Nam thuộc địa quá nóng bức đối với quan Tây. Đâu  đâu họ cũng tùy nghi mà hành sự. Có khi họ nghỉ ban ngày và làm việc ban đêm. Còn người Việt thì vì quen với thời tiết địa phương nên ngày làm đêm nghỉ. Đến thời tiết mà cũng biết kỳ thị nữa là. Phía người Việt Nam thì sinh hoạt riêng.

Mỗi ngày trước giờ giờ chào cờ buổi sáng ở trường , mọi người dân tập họp, hát bài suy tôn Thống chế Pétain, cha già dân tộc. Có khi trường phát tranh ảnh nói nhiều về phi công Đỗ Hữu Vị, người Việt Nam đầu tiên tình nguyện sang Pháp lái máy bay hai tầng cánh đi đánh Đức tặc. Nhờ bị bắn rơi mà thành anh hùng. Tiểu sử các bác sĩ Pasteur, Yersin, ông P. Doumer, vua Lê Lợi cũng được vẽ thành tranh màu, in ra phổ biến rộng rãi.

Một hôm, người tùy phái của trường mang đến từng lớp học, trình cho từng thầy cô đọc và ký tên vào tờ thông tri báo tin sấp có quan tư tàu thủy tên Ducouroy và phái đoàn thể thao toàn quốc đến thăm tỉnh nhà. Yêu cầu đưa ra là ngày đó, một ngày thứ Năm trong tuần, thay vì nghĩ nhà như thường lệ, các thầy, cô có bổn phận dẫn học sinh thuộc quyền mặc đồng phục  đến tập họp tại sân vận động tỉnh, xếp hàng, nghênh đón quan thừa sai của Toàn quyền Đông Pháp cùng đi với quan Ducouroy. 
Các thầy, cô xem xong, ký xong rồi nhìn nhau mà không phát biểu. Một không khí lạ lạ lẩn quất đâu đó như báo tin không lành.

Buổi sáng ngày nói trên, Hảo ngồi nhà, chờ giờ đến sân vận động tập họp. bỗng có mấy anh bạn của Hảo đến nhà chờ nhau cùng đi. Tất cả đồng phục chỉnh tề. Thế rồi trời lại đổ cơn mưa, không to lắm,chỉ đủ ướt đất nhưng kéo dài. Mọi người đang ngồi với nhau dưới mái hiên nhìn mưa rơi lất phất. 

Trong bọn có thằng Ngọ, bỗng nói:”Mưa lầy lội thế nầy thì đón với tiếp ai. Tây Đầm đâu có chịu dầm mưa. Cho tao mượn xe đạp tao đạp xuống đó coi tình hình ra sao. Tội gì đi cả bọn để bị ướt.” Từ nhà Hảo xuống đó xa khoảng ngàn thước. Anh Huê, người lớn tuổi nhất trong bọn, lớn tuổi đến nỗi có tiếng đồn rằng anh đã cưới vợ để ở nhà quê cách tỉnh chừng 10 cây số. Có đứa trong bọn Hảo nói chính nó thấy Huê phu nhân bơi xuồng lên chợ tỉnh bán chuối đồng thời chở gạo và lương thực tiếp tế cho chồng ăn học. Anh Huê dường như bị mắc cỡ vì cái vụ...con cò lặn lộ bờ sông trong thi ca dân gian Việt Nam nên không bao giờ anh đề cập đến người vợ đó cả. Đó là vì anh ta có một tâm sự đến ngày anh bị vỡ mộng.

Vắn tắt là một hôm cô giáo đứng lớp, có tên rất ngộ là Ph. Anh, ra đề tài thủ công cho toàn thể học trò trong lớp cô là mỗi đứa nặn một cái ly bằng đất sét. Giản đơn chỉ có thế. Hôm chấm điểm mỗi người mang thành phẩm của mình vào lớp thì mới thấy cái ly của anh Huê đúng là một kiệt tác. Nó cao đến gang tay, cân đối, mỏng dánh, trông y như một ly nhựa về sau nầy. Ai trong anh em cũng cho rằng cái ly đó phải được tối thiểu là 9 điểm trên 10 mới xứng công. Tất cả những các ly của toàn lớp được bày trên bàn viết của cô.

Khi từ bên ngoài vừa sập chiếc dù đầm rồi bước vào lớp, cô giáo Anh liếc nhìn những chiếc ly đất đặt ngay ngắn trên bàn, bèn nhoẻn miệng cười, hứa hẹn một buổi chiều học thoải mái. Cô  cất dù và chiếc cặp vào tủ gỗ xong mới bước đến bàn.

Cô đưa bàn tay với những ngón búp măng trắng muốt cầm chiếc ly của anh Huê lên đưa ngang tầm mắt để nhìn cho kỹ một siêu tác phẩm nghệ thuật cô nghĩ chỉ có học trò lớp cô mới hoàn thành được. Đang xoay xoay chiếc ly để nhìn cho kỹ bỗng gương mặt của cô từ từ hồng lên rồi thành đỏ ửng rồi thình lình biến thành trắng bệt.

Cô bước nhanh đến vách tường, rút cây roi mây xuống cầm nơi tay rồi lên tiếng gọi trò Huê lên bảng. Ai sao không biết. Riêng Hảo thì sợ muốn té đái. Cái ly trò Huê khéo như thế mà còn bị ăn đòn thì đến phiên mình thì sao đây. Bọn học trò lấm lét nhìn nhau, cảm nhận như trời sấp sập. Riêng trò Huê thì tội nghiệp thay, đến giờ sấp lên đoạn đầu đài mà vẫn cứ ngây thơ không tin cái roi đó có liên quan gì đến việc chấm điểm cả. Anh tưởng cô giáo thấy anh to con nên có ý nhờ anh giúp cô làm gì chăng?

Nhưng khi anh đến đúng tầm tay thì cô giáo liền bậm môi, hươi cao ngọn roi mà cật lực vụt vào người anh những đường hiểm hóc. Ở trường sư phạm cô học, có dạy cái môn đánh này hay không?

Đàn bà khi nổi cơn tam bành và nhất là khi có chút quyền hành trong tay thì.... có trời mà cản. Cho nên cô cứ thế mà quất.  Anh Huê mặt nhăn nhíu, tay luôn vò đít nhưng không dám chạy đi. Anh đứng lì ở đó. Bỗng một roi quất trúng bàn tay đang vò đít của anh. Anh rút tay, đưa lên ngang mặt rồi chu miệng thổi phù phù vào đó như bị phỏng lửa. Có một thoáng, và chỉ một thoáng thôi Hảo nghĩ, nói đáng tội, dường như anh cảm thấy có hơi khoái tỷ mà hứng chịu những đường roi ác nghiệt đó. Cho đến khi mỏi tay trước cái gan lì của anh Huê, cô giáo bèn ngưng quất, móc cây roi lên vách, mở tủ lấy dù với cặp sách rồi bước nhanh ra khỏi lớp.

Anh Huê đứng nhìn tụi nầy một vài giây rồi về chỗ ngồi lấy cặp sách mà lặng lẽ bỏ ra về, miệng nói vừa đủ nghe : " Vậy là thông điệp đã được gởi đến đúng người nhận " 

Ông thầy lớp bên cạnh bước sang, đứng ngoài cửa lớp thò đầu vào hỏi cái gì đã xảy ra. Cái gì thì ai mà biết cái gì.
Ngày hôm sau, cô còn giận nên không vào lớp. Tụi học trò nghe lóm rằng ở đáy ly của mình, anh Huê đã âm thầm khắc mấy chữ thật nhỏ, nhỏ xíu đến nỗi ai  thật tinh mắt mới nhìn thấy. Đó là mấy chữ Trò Huê Yêu Cô,  với nét chữ run run đa tình hết cỡ của bàn tay nhà nghệ sĩ đang vấn vương nhiều cảm xúc rất dữ dội.

Lúc bấy giờ thì anh ta ngồi đó như một thứ thẩm quyền trong cái thế giới nhỏ bé của bọn Hảo.
Nghe thằng Ngọ nói, anh bèn lên tiếng:” Được. Mần đi, thằng nhỏ.”

Thế là tên Ngọ mượn chiếc xe đạp nhà Hảo, lên yên rồi gò lưng đạp đi. Hảo vào nhà bưng ra một rổ khoai lang luộc mời bạn.

Mẹ Hảo bước theo hỏi cả bọn: “Các cậu chuẩn bị đón ai đó chăng ?”
Anh Huê nói tranh tiên:” Đi đón Thiếu tá Ducouroy, thưa Bác.Nhưng mưa thế nầy ông ấy có đi đâu mà đưa với đón. Tây hết thời rồi. Thầy, cô tụi cháu nói thế.”

Mẹ Hảo đi vào kêu trẻ  đóng bớt cửa, ngừa mưa hắc từ ngoài vào. Bọn Hảo thấy yên tâm. Nhờ trời mưa mà đỡ phải đi đón tiếp phiền phức. Hảo ăn xong một củ khoai rồi ngồi nhìn bâng quơ ra bên ngoài. Trời mưa còn rỉ rả. Gió rét từng cơn thổi qua làm những tàu lá chuối ngoài vườn run phầm phập. Hảo rùng mình, trong bụng cảm thấy không yên tâm

Sát hiên nhà có một rảnh con con. Giọt mưa từng giọt trên mái lá rơi xuống đó tạo nên những bong bóng thoáng hiện lên, thoáng biến mất, nhịp nhàng theo tiếng mưa rơi. Mưa bong bong là thứ mưa rất dai. Hảo nhìn mưa một lúc bỗng thấy chua miệng. Định làm thêm củ khoai nữa thì tên Ngọ từ ngoài đạp xe vào tận thềm nhà, la lên:

- “Có ma nào đâu.  Le hoe chỉ mấy con nhỏ bên trường nữ với vài ba cô giáo che dù đứng ở khán đài sân vận động núp mưa. Thôi, quá giờ quan khách đến rồi. Xê ra cho tao vào.... ăn có chút khoai coi.

Thằng Ngọ ngồi chưa nóng đít thì một đoàn xe ô tô bốn chiếc rầm rộ chạy ngang trước nhà. Đúng là đoàn xe của Thiếu tá Ducouroy đang tiến vào tỉnh. Thế thì chết tía cả lũ. Bọn Hảo lẹ làng đẩy rổ khoai sang một bên, lấy chỗ túa ra cổng rồi nhắm hướng sân vận động mà chạy theo kiểu marathon.

- "Muộn còn hơn không, tụi bay ", anh Huê vừa chạy vừa la lớn cho cả bọn nầy nghe thấy.

Rồi anh tiếp luôn : “Đừng lo tụi bây. Tụi nó phải vào tòa tỉnh để được tiếp đón, đọc điển văn, uống rượu mừng nhau rồi mới đến sân vận động mà. Tao bảo đừng có lo. Tin tao đi.”

Nhưng có ai lo gì đâu. Lúc đó chỉ có sợ mà không còn lo nữa. Thật vậy sao ? Tụi nó ăn nhậu xong mới ra sân vận động sao? 

Khi đến sân vận động thì mọi người mừng húm. Toàn thể vắng ngắt. Nghĩa là bọn Tây chưa đến. Mà chưa đến hoàn toàn không có nghĩa là không đến. Nhưng tất cả thầy cô và bọn học trò của trường đâu cả ? Hay là họ đang tập họp tại một nơi khác chăng? Có lệnh mới mà mình mải mê lo ăn khoai nên không biết. Không ai trong bọn nầy nắm vững vấn đề. Trăm sự cũng tại thằng Ngọ mà ra. Thằng Ngọ đâu ? Những người mầy thấy ban nãy giờ đi đâu cả rồi ? Thằng Ngọ làm sao trả lời nổi câu hỏi nầy. Trong cơn sợ hãi và bối rối con người bỗng trở nên giận dữ với chính mình, nhưng lại tự phạt mình.... qua kẻ khác. Và kẻ khác ở đây còn ai khác hơn là thằng Ngọ?
Lúc nầy người hùng tên Huê mới lên tiếng trấn an anh em : “Mưa quá chắc Tây cho giải tán cả rồi. Thôi ta về vậy.”

Theo lời anh Huê, bọn Hảo vừa tan hàng ra về thì từ phía tòa Bố (Nhà Hành chánh tỉnh) bỗng xuất hiện một đoàn xe đang tiến về phía bọn Hảo. Thôi đúng là đoàn xe chở quan khách, trên có nhiều người mặc đồ trắng đứng lố nhố như đàn cò. Lúc đó thì trời lại dứt cơn mưa. Chỉ còn gió thổi từng chập, mang cái rét lạnh vào người. Khi đoàn xe chở người đến nơi thì không có ma nào đón tiếp. Chỉ có mấy đứa trong bọn bọn Hảo, nửa người nửa ngợm trông chẳng ra làm sao cả. Người Tây mặc đồ trắng có vẽ như Thiếu tá Ducouroy, quay mặt nhìn viên tỉnh trưởng có tên là De Montaigu, một lão họ Đờ . Ông nầy bèn xịu mặt xuống rồi quay nhìn viên phó của mình là Alphonse Lespinasse, rồi như sẵn đà, nhìn sang giám đốc trường học là Henri Courtard, người làm nên cái bung xung thật khó ngửi đó.

Lão đốc học đứng như trời trồng, tuy bậm môi lại nhưng mép trên, mép dưới nó cứ giựt giựt liên hồi. Y ta như định nói gì mà “văn bất thành cú,” như lời các cụ đồ ngày xưa hay dùng để chê những học trò dốt.
Thế là phái đoàn cứ đứng nguyên trên xe mà chạy sang tỉnh khác cho kịp giờ ghi trong chương trình.

Sau đó thì nghe nói quan đầu tỉnh nhận được văn thư...tán dương của quan Thống đốc Nam Kỳ. Và lỗi đó do ai nếu không phải là tên ăn hại đái nát Henri Courtard ?

Liền hôm sau ngày xui xẻo đó,  khi toàn thể thầy trò đang tập họp trước sân trường hát bài Maréchal nous voilà để chào cờ buổi sáng như thường lệ thì Courtard cũng ra đứng chào cờ . Nhưng trước khi ra lệnh hát, ông ta, mặt đỏ như quả gấc, đứng chửi bới một thôi bằng tiếng Pháp về cái vụ động trời hôm trước đó.

Hắn nói điều như chê các thầy các cô đều là vô tích sự và còn dùng mấy tiếng nặng nề khác. Hắn ta chỉ ngưng khi có tiếng của một thầy đứng trong hàng nghẹn ngào và uất hận mà la lên một câu nay đã qua nhiều chục năm mà vẫn còn nhớ rõ là : Fainéant vous même!( Chính anh mới là vô tích sự.)

Lần đầu tiên trong đời sống ở đất thuộc địa, Courtard nghe thủng một câu bén như gươm chém vào cổ mình. Nhưng nhìn thấy đám đông trước mặt lúc đó, hắn ta chỉ trợn mắt, nhìn thầy người Việt Nam vừa phát biểu rồi xuống giọng và văng ra câu phản pháo một cách gượng gạo nghe phát rầu:” À thì ra là anh. Rồi sẽ biết. [3]

Việc đã đến như thế thì đâu thể ngừng ở đó. Ngay buổi chiều trong ngày, có một xe phú lít [4] chạy vào trường rồi phóng ra ngay. Trên xe có trí súng. Rồi chỉ vài ngày sau đó thì có tin mật thám Tây khám phá một nhóm giả làm người tu hành ở  một nơi cách thị xã  4 ngàn thước. Tại nơi đó có tàng trữ 500 quả tạc đạn. Trời đất ! Làm sao mà chế tạc đạn cho được? Tiệm hớt tóc của Chú Ba lại tung tin. Cứ dùng hộp chao rỗng ruột bỏ thuốc nổ vào cọng với giây cháy chậm. Xong lấy dây kẽm quấn bên ngoài cho đến khi hộp chao thành hình tròn như trái bóng là được một quả. Làm được một sẽ làm được hai. Làm được hai sẽ làm được ba. Cứ thế mà làm....

Hai hôm sau, trong thanh thiên bạch nhật, một máy bay một tầng cánh với chiếc xuồng ở bụng, xuất hiện trên bầu trời trong veo. Nó từ hường Đông-Bắc bay đến, lượn vài vòng trên thị trấn rồi đảo xuống mục tiêu là nơi tin cho biết có chứa tạc đạn mấy hôm trước. Người ngồi trong máy bay dùng tay không ném xuống một quả bom rồi hai quả rồi tiếp thêm nhiều quả nữa, gây nên những tiếng nổ vang rền. Xong công tác, chiếc máy bay nầy lượng một vòng về tỉnh đáp xuống sông Cái, chạy từ từ vào buộc phao trước tòa hành chính. Một chiếc xuồng máy từ bờ chạy ra đón hai viên phi công mặc bộ đồ quần liền với áo đưa về Hội quán dự tiệc khao chiến thắng.

Tiếng bom vang lên lần đầu, phá tan cái không khí yên lành quê Hảo đồng thời mở màn cho cuộc nội chiến kéo dài gần gần 40 năm không lúc nào vắng tiếng súng và người chết. Cuộc Nam tiến thắng lợi của tổ tiên Hảo ngày xưa có quá dài đến như thế không ? Thêm vào đó, một hôm thấy lính Tây dùng ngựa kéo từ đâu về một khẩu súng 75 ly sơn pháo đặt trên giá có hai bánh. Sau đó thì nghe nhiều tiếng súng thần công vang dội. Cái gì thế ?

Lại tin từ tiệm hớt tóc của Chú Ba cho biết đêm trước có ai leo lên một cây cao nhất vùng ở nơi có tên là Cầu Ông Me, rồi móc vào đó một lá cờ đỏ khé. Lính Tây dùng súng to nòng bắn sập để ra uy.

Rồi một hôm buổi sáng vừa mở cửa ra liền thấy truyền đơn ai ban đêm trước đó rải đầy đường. Lính kín mặc đồ đen rình ai lượm đọc thì ào ra bắt trói mang về bót. Tin tức đại loại như thế liên tiếp bay đến bàng dân trong tỉnh, không nghe không được.

Độ vài hôm sau, tin thế giới cho biết quân đội Thiên hoàng tiến đánh Maní, thủ đô Phi luật Tân, một thuộc địa của Mỹ ở vùng Thái bình dương nào đó. Tướng tá Mỹ bỏ chạy sạch bách. Nhật bản lại toàn thắng, bắt được hàng nhiều ngàn tù binh. Và chỉ hai tuần sau đó lại có tin thêm Hải quân Thiên hoàng công kích Mã Lai, uy hiếp Tân gia Ba, một thuộc địa của Anh quốc tại Viễn Đông. Hải quân Hoàng gia Anh Cát Lợi phái hai chiến hạm thượng thặng, chiếc Repulse và chiếc Prince of Wales, đến can thiệp liền bị Không quân hải chiến Nhật bản đánh chìm trong vòng có năm phút giao tranh. Trận chiến nầy kết thúc nhanh đến độ khó tin.

Báo chí thời đó nói rằng khi được báo tin dữ nầy Thủ tướng nước Anh là  ông Winston Churchill cắn nát điếu xì gà ông ta đang ngậm ở miệng rồi nói rằng ông ta không hiểu gì cả. Làm sao có thể hiểu được khi hàng ngàn sinh mạng cùng hàng vạn tấn võ khí  bị đi đong trong chỉ ngần ấy thời gian. Hảo liền chạy đến tiệm chú Ba Kính để biết rõ thêm thì được nghe chính chú giải thích sự việc cho những người đang có mặt ở đó.
Chú nói:

- ” Mấy bạn biết gì không ? Nhật nó đánh bằng cách cho người ôm trái bom nặng hàng trăm kí lô từ trên máy bay nhảy chui tọt vào ống khói tàu địch.  Xuống hầm máy mới nhấn nút cho bom nổ banh từ ruột tàu banh ra thì mụ nội lão gì đó bên Tây cũng không đỡ nổi, đừng nói chi quan coi tàu.”

Một người nào đó hỏi:

- “Thế người ôm trái bom có nhảy ra kịp không?”

Chú Ba khẳng định ngay một câu:

- ” Đã nói là cảm tử mà nhảy làm sao ? Nhật có nhiều cảm tử nên đánh đâu thắng đó. Họ lại biết liên kết với Ý và Đức bên trời Tây nữa. Đông Tây phen nầy họp nhau mà làm thịt bong da đỏ với bọn lông đỏ -Hồng Mao, cho chúng tuyệt chủng luôn.

Hảo nghe rõ như thế. Trên mặt báo ngày nào cũng thấy in hình các hoạt động của Hạm đội mang cờ mặt trời mọc. Nhưng Hảo vẫn thấy khó tin những lời chú Ba nói. Sau đó, mỗi ngày chú cho một cảm tử Nhật ôm bom nhảy xuống đánh chìm một tàu chiến quan trọng của Mỹ. Cứ thế mà chú cho đánh liền tù tì cho đến ngày tướng  Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Phi luật Tân đương đêm xuống ngư lôi đĩnh tạm rời xa vùng hổ huyệt chú mới cho ngưng. Nghĩ chú cũng anh hùng. Chú không bao giờ đánh người bỏ chạy.

Trong khi nghe những tiệp báo loại như thế Hảo lại nghĩ nhiều đến anh Tư Chơi lúc đó không biết đang làm gì và ở đâu. Anh là mạch-lô, tức lính thủy. Chẳng hiểu anh có tham gia trận đánh nào không. Mỹ với Pháp thời đó là bạn hay thù ? Mỗi lần nghe chú Ba cho một cảm tử Nhật mang bom nhảy xuống tàu địch Hảo đều hỏi cho rõ xem là nhảy xuống tàu Mỹ hay tàu Pháp. Lần nào chú Ba cũng không có câu trả lời dứt khoát.    

Thời gian qua mau. Mới đó mà thấm thoát đã hết năm. Một hôm thức dậy thấy ngoài phố toàn lính Nhật. Không biết họ từ  đâu kéo đến trong đêm trước, người đi bộ kẻ đi ngựa. Anh nào cũng mang gươm kéo lê bên sườn, còn súng thì dài hơn người. Trong khi đó, tất cả những người Pháp còn lại trong tỉnh thì đã bị lính Nhật bắt giam bên trong vòng rào của nhà một cựu Biện lý Tây. Hảo thấy trong đó có nhiều Tây con  đứa gục đầu, đứa quay mặt vô tường ngồi khóc mà  lòng buồn vô hạn. Ai trông thấy một đứa bé ba hay bốn tuổi ngồi khóc mà chẳng chạnh lòng ! Mới ngày nào còn chơi chung với nhau mà lúc bấy giờ kẻ đứng bên ngoài, kẻ bị câu thúc bên trong.

Anh Nam, bạn chơi hằng ngày với bọn Tây con, nhìn quanh không thấy lính Nhật bèn cắm đầu chạy u về nhà gần đó, xách ra hai nải chuối xiêm chín ném cho thằng Gaston và em nó là Léontine và Michèle. Thì ngay lúc đó, một lính Nhật núp sau gốc cây nhìn thấy liền lệch bệch chạy lại, vừa lên cò súng vừa co giò đá vào mông anh ta một cái làm anh chúi lủi. Anh bỏ chạy trong khi người lính Nhật đuổi theo bằng....... những bước chân dậm tại chỗ. Nhìn thấy anh lính Nhật mang giày bố có khe hở giữa ngón cái và ngón kế.

Năm 1961  Hảo có gặp một chuyên viên điện tử vốn là  cựu sĩ quan Nhật thuộc Quân lực Thiên Hoàng thời Thế chiến thứ Hai. Quen lâu ngày thành thân. Một hôm Hảo hỏi lúc xảy ra chiến tranh anh đang làm gì và người Nhật có tin rằng mình sẽ thắng trong trận chiến đó không. Anh ta cho biết lúc chiến tranh xảy ra thì anh là vô tuyến viên đồng hóa cấp bực Thiếu úy phục vụ trên chiến hạm thượng thặng Yamato, 70.000 tấn. Ngày tàu rời bến lần đầu và cũng là lần cuối, anh bị sưng phổi cần ở lại bờ để được điều trị nên còn sống sót. Anh nói rằng người Nhật tin trong trận đó họ có cơ may để thắng nếu kết thúc được cuộc chiến trong vòng hai năm là tối đa.
Đây là lời anh:

- " Người Nhật chúng tôi lúc nào cũng muốn sống bình yên với núi Phú sĩ. Khi thấy bọn tôi vì bị... ức hiếp(?)mà phải gồng mình đánh thắng được Sa Hoàng qua trận hải chiến ở eo Đối Mã năm 1905 thì người Mỹ không đồng ý. Họ không thể nào hình dung được trên thế giới nầy, người da vàng có thể thắng được người da trắng. Sa Hoàng thời đó là thuộc giống người da trắng, cùng dòng họ Windsor nước Anh. Ngoài ra, trào lưu quí tộc Victorian lúc đó đang thịnh hành trên khấp nước Mỹ. Xã hội phân chia giai cấp mới với cũ rõ ràng. Cùng là giàu sang với nhau nhưng giàu cũ được kính trọng hơn bọn giàu mới. Giàu cũ là do quí tộc. Giàu mới là do làm ăn có hên xui may rủi. Họ cho chúng tôi là bọn giàu mới, nên khi có dịp thì họ bóp cổ bọn tôi, không cho bọn tôi quyền sống. Ai từng đọc sử Hoa Kỳ đều thấy rằng một ngàn năm trước Kha-luân Bố, người Wiking da trắng đã từng đến Bắc Mỹ, nhưng họ không làm gì gọi là gây hấn với thổ dân Da đỏ. Thế nhưng, đến phiên người Mỹ đến, họ chẳng những được thổ dân hiếu khách tiếp đón mà còn được bày cho cách mưu sinh mà rồi cũng trở mặt đánh người thổ dân để chiếm đất.
Lần đầu họ bị thất bại vì không có số đông. Đường liên lạc về mẫu quốc trắc trở. Nhưng dần dà người từ Âu châu sang nhiều thành đông dân số với vũ khí nhiều về lượng, tốt về phẩm nên họ áp chế được thổ dân rồi mặc tình thao túng.  Đối với bọn tôi  vào thời điểm nói trên,người Mỹ tự cho mình ở vào thế của người giàu sẵn và không muốn ai khác giàu hơn mình hoặc có cơ may sẽ giàu hơn mình. Tại sao hả ?  Dài dòng lắm, nhưng vắn tắt có thể nói là người Mỹ vào năm 1823 có chủ thuyết Monroe để giữ toàn thể Nam và Bắc Mỹ châu cho riêng người Bắc Mỹ. Nghĩa là bọn tôi không thể đụng đến bất cứ một phần nào thuộc vùng đất đó mà yên được với họ. Họ đã ý thức được hai điều. Một là họ có một tiềm năng rất lớn có thể giúp họ tự tạo một trung tâm quyền lực riêng để thế giới phải biết đến họ và để rồi họ uốn nắn thế giới sao có lợi cho riêng mình. Hai là họ cũng thèm muốn thuộc địa để thu tài nguyên đồng thời có người tiêu thụ hàng hóa mang nhãn hiệu Mỹ. Bắt đầu là bỏ tiền thành lập một hạm đội số một trên thế giới về trọng tải và vũ khí để hỗ trợ cho chính sách pháo hạm về sau.  Giới tư bản Mỹ đã sử dụng hai tờ báo lớn nhất nước thời đó là tờ New York World do Joe Pulitzer làm chủ và tờ New York Journal của Bill R. Hearst dàn dựng những tin tức nhằm đánh động tâm lý quần chúng mà làm ra cuộc chiến tranh năm 1898 giành được Phi luật Tân từ Tây ban Nha. “

Anh tiếp:

- “Khi thế chiến thứ Nhất xảy ra tại Âu châu thì họ trở thành lái súng quốc tế,vui vẻ bán chịu võ khí cho các nước tham chiến về phe đồng minh. Hai năm sau, khi thấy có cơ chắc ăn bèn nhảy vào đứng về phe chiến thắng. Sau thế chiến thứ Nhất, nước Đức thua nhưng không có tiền bồi hoàn thiệt hại chiến tranh cho Pháp và Anh. Thế là các tài phiệt Mỹ bèn cho Đức vay để bồi thường chiến tranh cho Anh và Pháp. Hai nước nầy lấy tiền đó trả tiền họ còn nợ Mỹ. Như thế thì tiền Mỹ được hoàn về Mỹ. Nước duy nhất còn nợ là Đức. Mà Đức thì có nền kỹ nghệ tân tiến. Mỹ định nắm đó mà khống chế thế giới mấy hồi. Thế nhưng khi vay được tiền thì Đức phải ưu tiên lo cho mình trước đã. Do đó mà các nước đồng minh không có tiền  trả nợ vay trong chiến tranh nên người Mỹ giận mà rút về tự cô lập, tức là không chơi với ai nữa. Năm 1939 Đức Quốc Xã khai Thế Chiến 2 tại Âu Châu, chiếm một nửa nước Pháp, trong khi Anh bị hoàn toàn thất thế, sấp bị thua trận. Hai năm sau, vì sợ sau khi thôn tính được toàn cõi Âu châu, Đức sẽ rảnh tay thanh toán mình, Mỹ bèn tạo ra sự kiện khu trục Greer bị....tàu ngầm Đức vô cớ đánh chìm, tạo ra để có lý do chính đáng nhảy vào vòng chiến. Bây giờ tôi nói những đều nầy e là hơi sớm nhưng rồi đây chừng 50 năm sau, những tài liệu bí mật được công bố thì khi đó mọi người sẽ thấy rõ hơn.”

Anh nói như than thở:

- “Vấn đề to lớn của người Nhật bọn tôi là dân đông, đất hẹp mà lại không có tài nguyên thiên nhiên, những thứ mà một nước kỹ nghệ như bọn tôi rất cần. Nên chi khoảng 80 năm sau ngày công bố chủ thuyết Monroe, Hoàng thân đại tướng Tanaka của bọn tôi mới công bố trên thế giới chủ thuyết của dân Nhật. Trong đó hoàng thân bọn tôi nói rõ là đất đai trên quả địa cầu không thuộc quyền sở hữu của ai cả. Đất đai phải được chia đồng đều cho mọi dân tộc khai thác tìm nguồn sống chung trong hòa bình với nhau. Thật là điều vô lý khi anh A có đất mà anh không cần đến trong khi anh B cần đất để canh tác ngày đêm kiếm sống mà không có nên anh B bị chết đói. Trường hợp nầy, vì như anh A, anh B cũng là con của Thượng đế, anh A nên chia bớt đất của mình cho anh B. Nếu anh A không làm thế được thì anh B có quyền mượn tạm đất của anh A để canh tác kiếm sống.”
“Theo đúng thuyết trên đây, bọn tôi đến Cao ly rồi sau đó đến Mãn Châu mục đích tìm đất sống, y như người Mỹ làm hồi thế kỷ thứ 17 và 18 .Nhưng việc đó người Mỹ làm thì được, còn bọn tôi thì không. Họ vận động các nước thân hữu như Pháp, Anh cát Lợi, Hòa lan không bán cho bọn tôi những thứ sinh tử như dầu hỏa, sắt, than, lúa gạo, cao su v...v.  Họ  bắt bọn tôi phải chấp nhận chiến tranh để một là thắng và sống, hai là huề chia đều quyền lợi và ba là thua thì  xem như không có gì  thay đổi. Bọn tôi biết Mỹ có nhiều tài nguyên trong khi bọn tôi thì không. Bọn tôi mất một là mất luôn khó làm lại được trong khi người Mỹ bị mất một họ sẽ tạo thêm mười hoặc trăm. Cho nên bọn tôi không định và cũng không thể kéo dài cuộc chiến với họ mà được.”
“Trận Trân châu cảng chỉ là một thế gọi là " Công kỳ vô bị "  trong binh thư mà thôi. Ai cũng phải nghĩ đến điều đó một khi thấy người láng giềng của mình bị chèn ép đến mức phải vùng lên tìm cái sống. Nhưng đó cũng chỉ là một chiến thắng về chiến thuật làm chúng tôi sửng sốt quá lâu trước một chiến thắng quá nhanh và quá rẻ mạt. Các vị Đô đốc của chúng tôi rút lui ngay sau đó sợ các kho dầu ở In-đô-nê-sia bị phá hủy trước khi họ đến nên ưu tiên nhằm vào Đông Nam Á. Nhưng rồi chiến tranh kéo dài hơn hai năm!”
“Về sau, tôi tìm hiểu thêm về trận chiến đó mới thấy có bằng chứng chúng tôi bị sụp bẫy của người Mỹ chăn ra. Chính họ đã đưa bọn tôi vào thế phải đánh và họ chỉ cho phải đánh ở đâu để đẩy những Charles A. Lindbergh phản chiến về phe thiểu số. Tại Trân Châu cảng, họ bày trận bằng những chiến hạm không thể nào cũ kỹ và vô dụng hơn nữa, nhờ bọn tôi đánh chìm để khêu gợi lòng tự ái người dân Mỹ đồng thời họ được thêm ngân khoản của Quốc hội Mỹ để sản xuất chiến cụ mới hơn, tối tân hơn. Những chiến hạm được gọi là khá tối tân thời đó như mẫu hạm LexingtonSaratoga thì vào ngày chúng tôi tiến đánh Trân Châu cảng, họ mang đi khỏi vòng bị hăm dọa để được an toàn. Họ cần có một cái gì để trả đũa tức thời như dùng hai chiến hạm còn sống sót đó mang phóng pháo cơ B-26 Mitchell đi oanh tạc Đông kinh cốt để lấy tiếng. Sau nầy anh sẽ thấy những điều tôi nói đây là có cơ sở hẳn hòi. Ngoài ra, người Mỹ họ thù chúng tôi về vụ Trân châu cảng và cho đó là không quân tử mặc dù theo học thuyết chiến tranh thì việc như thế không có gì là khó hiểu khi mỗi bên phải làm tất cả những gì mình có thể làm được để chiến thắng. Còn như vụ họ phục kích giết Đô đốc Yamamoto của bọn tôi có hồ sơ lưu rõ ràng thì họ không bao giờ nhắc đến. Đó có phải là một thứ quyền của kẻ mạnh không?   Cũng như khi họ dồn chúng tôi vào thế phải bị thua rồi mà còn ném những hai quả bom nguyên tử gây hậu quả cho nhiều thế hệ con cháu chúng tôi thì họ cho đó là việc cần thiết để cứu sinh mạng trăm ngàn người kể cả người Nhật. Sự thật là họ phải chứng minhcho dân Mỹ thấy họ đã tiêu xài hai tỉ đô như thế nào. Họ cũng cần dằn mặt lão Stalin khi Liên Sô âm thầm nuốt chửng Ba Lan sau Hội nghị Yalta. Họ thả trái đầu tiên tại Hiroshima. Quả thứ hai họ dành cho Nagasaki, ngay chóc một làng trù phú toàn người theo đạo Công giáo! Và nước Mỹ là xứ sở của người tin Lành! Mình phải hiểu người Mỹ một cách thực tế. Bằng không họ sẽ đạp lên lưng mình mà rồi họ cười cho cái thứ dân ngu.  Thời đó nếu Tổng thống F.D. Roosevelt còn sống chắc sự việc đã khác xa. Ông đã cho chúng tôi bị sập bẫy thì có lẽ ông đã sẽ nhẹ tay hơn.” (Hết trích)

Chừng nửa năm sau đó, những tin tức vồn vập về chiến sự tại Đông Nam Á vào đầu năm 1942 ngày càng nhiều. Một hôm bọn Hảo thấy anh Tư Chơi  trở về. Lần nầy trông anh có vẽ mệt mỏi đồng thời cũng già hơn trước. Cũng bộ quân phục mạch lô màu trắng nhưng bên phía tay trái có thêu hình 3 chữ V màu xanh nước biển. Miệng anh ngậm một ống vố to tướng : Anh đã được thăng cấp Hạ sĩ. Cha mẹ ơi, nếu cứ được thăng cấp nhanh như thế thì chẳng bao lâu anh se# mang lon Ách (Adjudant) rồi biết đâu với một may mắn nào đó trên đường binh nghiệp anh sẽ lên quan mấy hồi. Trong chiến tranh thiếu chi quí vị đi đường tắt mà làm nên sự nghiệp. Và nếu được như thế thì anh sẽ tạo một danh dự cho cả làng nghe nói đâu cũng là thuộc địa linh nhân kiệt.

Ngày hôm sau anh ngồi nhà mà nhắn mấy thằng đàn em đến cho anh thăm chung một lược. Đây là một nét mới trong cung cách của anh, một tay anh chị thứ thiệt. Hảo cũng là một đàn em của anh nên buổi chiều anh hẹn, Hảo tắm rửa xong, mặc quần áo mới, xin phép mẹ Hảo sang chơi nhà anh Tư Chơi. Nhất định là sẽ được nghe nhiều chuyện lạ và xem có khác với việc chú Ba Kính cho cảm tử Nhật ôm bom nhảy vào ống khói tàu địch hay không.

Hảo canh giờ đến hơi sớm nhưng lúc bước vào cổng rào nhà anh thì thấy đã có hơn chục trự vừa lớn vừa bé. Lạ một điều là có cả chú Ba Kính cũng bỏ hớt tóc để đến thăm anh. Săn tin chăng ? Như thế Hảo đoán cái huyền thoại “Cảm tử ôm bom” đã hết ăn khách.

Thấy Hảo vào anh Tư la lớn :”  Cha hồ nầy chỉ vắng có mấy tháng mà nhổ giò cao đến ta. Sao tụi ?”
“ Cũng thường thôi,  anh Tư. Còn anh ?” Hảo vừa trả lời anh vừa hỏi.

Anh Tư: “Tao hả ? Chỉ cách đây hơn tháng suýt về chầu tiên tổ. May mà còn về thấy mặt bà con.”
Thấy anh mập thù lù, hai bờ vai tròn, no nê thịt mỡ, chú Ba hỏi:”Sao vậy mầy Tư ? Bịnh hả ?”

Anh Tư nói ngay: “ Bệnh cái mụ nội tôi chớ bệnh gì?. Đánh nhau với tụi Thủy binh Xiêm. Có muốn nghe không quí hải nội chi quân tử ? “   

Mọi người đồng thanh kêu là chịu. Thế là anh Tư bắt đầu :

- ” Tôi đi tàu tuần dương hạm La Motte Picquet của Pháp Tàu nầy dài hơn trăm thước, nặng hàng chục ngàn tấn. Hai tuần lễ trước ngày nổ súng, nó dẫn tàu Charner, tàu La Marne, tàu Dumont D'Urville và hàng chục tàu khác ra biển tập đi dọc, đi ngang mấy ngày rồi tất cả về bỏ neo Cam Ranh. Ở đó được bốn hôm thì kéo nhau về Sài Gòn buộc phao trước sở Ba Son lấy dầu, nước trong khi các quan đi họp liên miên. Họp xong về tàu, mặt mày ông nào ông nấy trầm ngâm lắm lắm. Tiếp lương và nhiên liệu xong thì cả đoàn trực chỉ Côn sơn. Đến nơi thì hạ ca-nô chở quan qua tàu lớn họp hành. Hết một ngày thì lại lên neo đi ngược hướng Cam ranh nhưng khi trời tối thì tắt hết đèn đóm rồi thình lình quay mũi về hướng Nam. Đêm đó các ca-nô-nhi-ê [5] bọn tôi được lệnh túc trực tại các ụ súng với đạn và thuốc bồi mang ra sẵn sàng để dùng. Đoán biết sấp có chuyện nhưng có chuyện với ai đây?  Nhật lúc đó đang quần thảo với Mỹ, Úc và Anh tại một chiến trường quá xa về phía Nam. Còn Pháp thì có kẻ thù nào đâu mà đánh với đấm. [6]”
“Sáng hôm sau tàu ông hạm tôi dẫn đầu đội hình hàng dọc tại một vùng chỉ có trời và nước. Nhiệm sở chiến đấu được duy trì rất nghiêm nhặt. Liên lạc từ tàu nầy sang tàu kia chỉ dùng đèn hiệu và cờ tay mà thôi. Thức ăn phát ngay tại chỗ nhưng sao bụng dạ nó cứ nôn nao, không thèm ăn mà cũng không thèm uống.Nhìn bản mặt mấy thằng Tây lầm lì, bí xị thì nếu có ăn chi cũng phải nôn tháo ra thôi. Trong giờ phút đó sao tôi thấy nhớ má tôi lạ lùng lắm. Bà đã mãn phần rồi nhưng vẫn thấy nhớ bà quá và nhớ hơn tất cả những thứ thân yêu nhất trên cõi đời nầy. Tôi cũng có thấy nhớ Đức Mẹ Maria bên nhà thờ Chúa. Tôi cũng nhớ Phật Bà Quan Âm bên chùa nữa. Nhớ để xin phù hộ tôi được bình yên mà về chuyến nầy rồi sẽ tính sổ sau. Tôi là người đàng hoàng mà. Từng tuổi nầy mà chưa biết...đàn bà đó nghe qui vị. Nhưng nếu ngày thường mà tôi biết nhớ đến những vị đó thì lúc đó có phần nào đỡ sợ. Nhân sự đa thác ngộ  có phải không, thưa chú Ba?”
Khoảng bốn giờ sáng, lúc đang ngồi trong pháo tháp số 2 nhìn qua ống ngắm thấy bên ngoài mù mịt. Tôi là xạ thủ bên trái, tức là người nhắm hướng hễ  thấy đường ngắm vào đúng mục tiêu là đạp cò cho đạn đi. Bỗng thấy chừng mươi đèn ghe đánh cá rải rác phía trước mặt. Xa hơn nữa thấy có nhiều đèn cao hơn, to hơn. Chân trời lần lần ló dạng, chia đôi trời với nước. Trời có chút ráng hồng còn biển thì một màu đen ngòm. Rồi thì thấy hình một số đảo cắt lờ mờ  trên nền trời đang bình minh.”

Ngừng một chút, anh tiếp:

- “Khi trời sáng thêm chút nữa thì từ hướng Đông có một chiếc tàu bay nhỏ tí xíu. Dưới bụng nó có mang hai cái phao dài nhòng như hai chiếc xuồng. Nó bay chậm lắm. Nhiều người khác cũng có thấy rõ. Hai hàm răng tôi tự nhiên mắc cái giống gì mà run lên lập cập. Cố kềm gì thì nó vẫn cứ thế mà run. Thằng xếp Tây bên cạnh nghe hai hàm răng tôi khua lớn tiếng quá bèn lấy cùi chỏ thúc vào mạng mở tôi như bảo đừng khua răng nữa. Nhưng rồi chính hai hàm răng của nó cũng bắt đầu run.  Nó to con nên tiếng răng nó run nghe rất dễ sợ. Thì té ra tôi đã lây sang nó cái run quái gở đó. Đó là vấn đề tâm lý. Cũng như trên tàu không ai nôn thì thôi. Hễ có người nôn mà mình thấy được là mình cũng nôn theo. Cho nên lịch sự trên tàu dạy rằng khi nôn thì nôn cho kín đáo là vậy. Ủa, kể đến đâu rồi ? Phải rồi. Kể đến hồi gây cấn đây. Gây cấn nên răng mới run chớ. Đang chưa biết làm sao cho hết run thì có lệnh : 'Mục tiêu là hai tàu hướng 320. báo cáo nhận thấy.’ Pháo tháp liền được xoay nhanh sang bên trái. Tiếng bánh xe răng chạy nghe rồ rồ, tôi thì cứ run run, hai môi cứ nhịp lập bập.“
“Qua ống ngắm tôi nhìn thấy mục tiêu là những tàu binh đang neo, quần áo phơi la liệt trên boong và người thì không thấy đâu cả. Có lẽ họ lúc đó đang ngủ. Lại có lệnh báo " Nạp đạn ". Những ổ đạn há hốc đòi ăn. Tạc đạn 220 ly được cần máy đưa vào. Xạ thủ tọng thêm thuốc bồi rồi ổ đạn được đóng lại nghe cái rốp. Tôi nhìn thấy rõ mục tiêu. Và trong khi cố đưa nòng súng vào tầm thì bỗng nghe tiếng nổ " Oàng " cho một cái. Một cột nước từ hong tàu địch vọt lên cao có đến hàng chục thước. Hoảng quá, tôi bèn đạp cò cho đạn đi. Toàn thân tàu run mạnh vì nhiều súng to nòng cùng bắn trong một lúc.Rồi hàng trăm tiếng nổ ào đến như một cơn giông đang quanh quẩn trên đầu chực lao xuống. Các tàu địch dường như bị trúng đạn khá nặng. Những cột khói đen cuồn cuộn bốc lên cao theo hình trôn ốc và ngã dần theo hướng gió.”
Bỗng có lệnh ‘Đổi mục tiêu. Mục tiêu mới là một tàu hướng 290. Bắn khi thấy rõ.’ Nạp đạn xong, nhìn vào ống ngắm tôi thấy rõ mục tiêu. Đó là một chiếc tàu màu trắng đang nằm ngon lành trong sương sớm. Trông thi vị biết bao nhiêu. Tôi liền đạp cò trong những tiếng ầm ì vang lên đều khấp trên tàu. Rồi có biết gì không?  Đèn trong pháo tháp bỗng phụt tắt. Nhiều ánh đèn pin lóe lên, quét qua quét lại. Quạt điện không chạy. Khói thuốc súng không được hút ra bên ngoài nên bay dày đặc, làm cay xé mắt luôn. Lệnh mới lại được ban ra: ‘ Đổi mục tiêu. mục tiêu mới là một tàu ở hướng 260.' Đạn được nạp xong nhưng không ai còn nhìn thấy gì nữa. Nước mắt nước mũi chèm nhèm đầy mặt. Thằng Tây trưởng tháp đưa bàn tay hộ pháp của nó đập vào vai tôi mà hét lên bảo tôi bắn. Cái đập của nó làm người tôi nhích tới phía trước. Chân tôi tự nhiên  nhấn mạnh vào cò mà gửi đạn đi một cách cầu âu hết biết. Tình tiết nầy thật ra còn lắm dài dòng nhưng ở đây xin nhận lớp cho gọn nghen mấy vị. “

Anh Tư tiếp:

- “Đoàn tàu bọn tôi dẫn dắt nhau chạy thành hàng một. Chạy vòng quanh đảo và cứ thế mà khỉa từng tàu địch,. Chiếc nào cũng nằm bất động mà hứng đạn. Đạn bắn thì vô kể số mà phần trúng đích, nói thiệt thì chừng...một hay hai phần trăm mà thôi. Khi xong một vòng thì tất cả tăng máy chạy thẳng ra khơi xuôi hướng Nam. Rồi không đầy giờ đồng hồ sau, đang làm kiểm tra báo cáo thiệt hại bỗng có tin máy bay địch tiến đến. Từ pháo tháp, tôi nhảy ra ngoài ngẩn cổ nhìn lên thấy từ hướng Đông có những chấm đen trên cao. Tụi nó cũng khôn nên biết chọn hướng tiến từ phía mặt trời mọc khiến mắt bọn tôi bị chóa mắt chẳng nhìn thấy rõ được bọn chúng. Nhưng không sao. Tàu mang rất nhiều súng cao xa. Đạn thì khối. Bắn có mà điếc con ráy luôn. Tuy máy bay luôn là kẻ thù nguy hiểm nhất của tàu thủy nhưng tụi nó bay chậm rì. Cứ cà nhích cà nhích từng chút. Thế là tất cả súng nào nổ được là hướng về địch mà hùng hổ nhả đạn bất phân trúng hay trật. Cứ nổ cho an lòng binh sĩ cái đã. “                        
“Tàu nhỏ thì bắn súng liên thanh Hốt-kít (Hotkish) mỗi gắp gần năm mươi viên. Tàu lớn thì 75 ly, 105 ly đua nhau nổ khiến bầu trời nở  ra hàng ngàn cụm khói đen kịt bên trên. Nhìn xuống phía biển thì các tàu mẹ tàu con bung ra chạy ngoằn ngoèo tránh bom. Máy tàu chạy tối đa phun khói tàu hòa với khói ngụy trang làm cho ban ngày trở thành như lúc sẩm tối. Tôi chui vội vào bên trong pháo tháp để tránh bị...văng miễn uổng mạng con nhà nghèo.  Khi đoàn phi cơ  địch bay ngang tôi nghe rõ tiếng rú của máy. Tiếng rít của những quả bom trong không khí rồi thì tiếng bom nổ chung quanh nghe kình....kình...kình. Ban đầu thì có sợ. Sau cũng bớt đi. Sợ cũng chết mà không sợ cũng chết.”
“Tàu tôi là soái hạm. Trọng tải trên 10 ngàn tấn mà khi chạy hết ga nó run lên như người đang cơn sốt rét. Thò đầu ra khỏi pháo tháp thấy bầu trời đầy đặc khói. Máy bay địch cánh nhọn, toàn thân màu đen thui. Tụi nó bay cao có đến ngàn thước mà phóng bom thì...trời kêu ai nấy dạ chớ trốn vào đâu nữa. Trên biển thì các tàu vùng vẫy như kình ngư lạc vào vùng nước cạn, vẽ những đương cong queo ở mặt nước. Trong cơn khói lửa đó chẳng hiểu sao tôi vẫn tin tất cả đều thoát nạn một cách vinh quang. Tôi cầu nguyện lung lắm nghe. Sau độ nửa giờ quần thảo với nhau chẳng chiếc tàu nào bị trúng đạn còn máy bay thì cũng chẳng chiếc nào bị rơi. Hay và an toàn y như đang xem phim đánh nhau trên biển vậy. Sau đó tất cả tàu tập họp theo hàng dọc như trước mà chạy về bến.”
“Trưa hôm sau thì về đến Sài Gòn mở tiệc ăn mừng chiến thắng, gắng huy chương. Ai ai cũng được thưởng cả. Bét nhèm như tôi mà cũng được cái T.O.E. [7] Tây nó hay lắm nghe. Mỗi huy chương đều kèm theo một quyển sách với hình ảnh nói về trận đánh. Đây chú Ba và mấy đứa cầm xem chơi để đừng nói thằng nầy đi xa....về nói dóc.”
Nói xong anh Tư Chơi thò tay vào túi dết gần bên lôi ra một cuốn sách bằng nửa cuốn vở học trò. Bìa màu nâu nhạt có mấy hàng chữ ghi : Dédíé à VÕ văn CHƠI - Quartier Maitre Maistrancier. [8]  Bên trong sách nầy có in nhiều hình của hải chiến với những hàng chữ giải thích về trận hải chiến Koh Tchang.

Anh Tư nói thêm:

- “Chiếc máy bay nói lúc đầu nó đi từ Sài Gòn đến đảo quan sát và xác nhận tất cả tàu địch vẫn còn tại vị trí cũ. Nó cũng con có nhiệm vụ chụp ảnh của trận đánh về nghiên cứu. Toàn ảnh thật cả đó, chú Ba.”

Chú Ba hỏi:

- ” Nói về buổi tiệc nghe chơi.”

Anh Tư nói tiếp:

- “Tiệc tổ chức trên tàu lớn là cho tụi Tây với Đầm. Đông lắm. Thôi thì xăm -banh có dịp nổ khấp nơi. Mặt mày ai nấy đỏ sẵn thì khi rượu vào càng thêm sậm lại.  Ngoài ra, còn có cả một sĩ quan Nhật làm ở tòa Đại sứ của họ. Người này mặc quân phục, mang gươm dài thòn. Đến dự mà không ăn, uống chi cả. Chỉ ra boong tàu đứng nhìn các pháo tháp. Xem hết một vòng thì lặng lẽ ra về, chẳng thèm nhớ chào ai cả.

Ngưng một chút, anh tiếp:

- ” Nhưng cái giá của chiến thắng đó ra sao ? Nghe đây. Chiếc Charner bị nứt lường phải bó thành hai chỗ chờ lên ụ. Vỏ tàu không chịu nổi sức run khi các súng nổ đồng loạt. Chiếc La Marne bị cong một trục chân vịt và phần lái tàu cũng bị nứt. Chiếc Urville thì bị mất một bánh lái. Còn chiếc Picquet của bọn tôi thì ôi thôi, các bóng đèn đều bị bể hay sút văng đâu mất cả. Ống dẫn nước phần lớn bị gẫy. Nước tràn vào các hầm làm tàu nặng thêm hàng chục tấn. Hệ thống điện thoại bị rối. Hai phần ba nòng súng 75 ly phải được thay thế và chân vịt thì cũng bị cong. Đó là tất cả sự thật về hải chiến Koh Tchang. Sau nầy nếu ai nói ai tài hơn ai thì xin cười thôi. Tư Chơi  có  dự trận đó mà. Đâu phải thằng Tây nào hễ có đi tàu trận là được tham dự hải chiến đâu. Dù  cho là có đi cả đời.”

Chú Ba xem sách xong, nói:

- ”Tốn quá hả, mầy Tư ?”
- “Tốn chớ sao không ? Thủy binh mà. Người ta chấp nhận nuôi một tàu trong 20 năm để dùng trong 20 phút. Đó là nói tối đa. Tụi kia chỉ dùng không đầy 5 phút là xong.”

Ngày anh Tư lên đường trở lại tàu bọn Hảo theo tình nghĩa anh em láng giềng, cũng theo chú Ba đi ra bến xe mà đưa tiễn.
Chú Ba vỗ vai anh, nói:

- ” Cố lên đi. Năm sau lên lon Ách tàu thủy  về cho con Lệ bán gạo xóm dưới lé cái con mắt chơi.”

Anh nghe thế chỉ mỉm cười. Thế rồi chiến tranh ngày càng tăng cường độ. Máy bay Đồng minh ngày nào vào khoảng 11:45 phút sáng là hàng trăm chiếc từ phía biển ào ào kéo vào ném bom các cơ sở của Nhật ở Saigon. Dường như họ biết giờ tan sở tại địa phương là 11:30 trưa. Chờ  mười lăm phút sau cho mọi người xuống hầm trú ẩn xong thì máy bay mới bắt đầu oanh tạc. Họ đến lúc thanh thiên bạch nhật. Ném bom, bắn súng xong thì đường hoàng bay đi. Toàn thân máy bay sơn màu kim nhũ óng ánh dưới nắng ban trưa pha lẫn những chữ, số, hình phụ nữ khỏa thân, phù hiệu hoa hòe hoa sói. Họ đi đánh giặc mà thích mang theo màu sắc như để phủ cho kín những thứ nguy hiểm chết người . Các đội cao xạ của Nhật bắn lên cũng dữ. Cao xạ 37 ly bốn nòng ghép lại đặt trên xe sáu bánh với xạ thủ chân bị xích vào ụ súng. Bình thường bọn này được giấu dưới các lùm cây trong sở thú hay trước dinh Norodom, sau nầy là dinh Độc lập thời Đệ Nhất Cộng hòa.

Khi tàu bay Đồng minh ào vào thì các giàn cao xạ nầy từ đó lệt bệt chạy ra nạp đạn bắn lên cũng  ác liệt. Nhưng lạ thay. Tuồng như bắn đạn giả để chào nhau chơi hay sao. Chẳng có chiếc máy bay nào bị trúng đạn. Mấy tiệm hớt tóc lại tung tin rằng máy bay Đồng minh làm bằng cao su. Khi đạn xuyên qua thì tự động bít lại. Thành thử đạn Nhật bắn đúng vào không khí mà thôi.

Các máy bay nầy sà xuống rất thấp, thấp đến độ có khi mắt thường cũng nhìn thấy đầu viên phi công tròn vo với cặp mắt kiến to tổ bố. Họ bay đuổi theo các xe cao xạ Nhật bản giống như chim bù cắt rượt gà con, rồi từ cao khạc đạn xuống làm xe lật gọng banh xà rông, xác người văng tung tóe. Còn vùng Ô cấp ( Vũng tàu) thì thê thảm hết biết. Các tàu thủy chở quân đi chiến trường hay từ chiến trường về ghé qua bến neo nầy mà rủi gập bọn hung thần trên không đó thì kể như xong thôi. Tàu neo hay chạy gì thì cũng bị đánh chìm tức khắc. Xác người chết nổi lên tấp vào bãi trước, bãi sau nhiều đến phải tẩm xăng mà đốt tập thể. Thiên hạ kiêng ăn cá biển hàng nhiều tháng trời vì nghi cá ăn xác chết.

Sức mạnh của quân đội Thiên Hoàng được rầm rộ tuyên truyền khi trước lúc bấy giờ chỉ còn là trang cuối của một huyền thoại mơ hồ mà thực tế là sự thảm bại chưa từng thấy trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Sau đó hỏi ra mới biết tại Việt Nam cái gọi là quân đội Thiên Hoàng vào thời điểm sau cùng của cuộc chiến sấp thua chỉ gồm các thanh niên thuộc địa Mãn châu và Cao ly bị bắt lính, huấn luyện cấp tốc rồi gửi ra các mặt trận nhẹ về chiến đấu. Lính rặc nòi Phù tang thì lúc đó đang đánh nhau trên những hải đảo xa xôi, nghe đâu cũng đang bị thua xiểng liểng. Mọi việc chẳng qua được cái chữ Thời. Phải đâu họ, người Nhật, từ lâu không hiểu rằng chủ lực của mọi cuộc chiến trong tương lai là hàng không mẫu hạm. Họ đã cụ bị từ lâu. Chắc chiu từng đồng vốn để đóng gần chục tàu loại nầy với hàng ngàn máy bay tinh xảo cốt đủ dùng trong vòng hai năm là thời hạn tối đa các nhà chiến lược Nhật Bản đặt ra để thắng cuộc chiến . Nhưng họ không đủ tài nguyên để thay thế các thiệt hại do chiến trận mang đến. Về phía Đồng minh hễ mất một thì được thay bằng mười. Người Nhật lúc đó có sức voi may ra mới theo kịp.

Vào thời điểm nầy thì anh Tư Chơi lại về và lần nầy là thực sự rũ áo phong sương. Chiếc Picquet, người làm nên chiến thắng Koh Tchang, đang đậu ngon lành ở bến Thanh Thủy Hạ trong tư thế trung lập hoàn toàn thì một buổi trưa, bỗng bị máy bay oanh tạc không biết thuộc quân ngũ nào bay qua ném bom làm chìm ngay tại chỗ. Nhưng theo tin báo chí thì người Pháp bị ép cho Nhật trưng dụng tàu đó đi đánh nhau với Đồng minh nên họ tự nhận chìm tàu mình cho rảnh nợ. Hay tin nầy, Hảo chạy xuống tiệm của chú Ba thì thấy cửa nhà đóng kín mít. Là người am tường thời cuộc nhất làng, thấy Nhật bị thua quá nên chú động lòng mà tình nguyện đi ôm bom nhảy xuống tàu Mỹ để trả thù chăng ?

 Tháng tám năm đó, Nhật bản chịu đời không thấu sau khi lãnh hai trái bom nguyên tử liền tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Thứ bom nầy với sức công phá như thế chỉ nữa quả là đủ tạo kinh hoàng, cần chi đến hai. Trong tỉnh Hảo, một buổi sáng thức dậy thấy người Nhật biến đâu hết cả. Người Pháp thì vừa bị bắt vừa bỏ trốn mấy tháng trước đó. Chỉ có những người tự xưng là..Cách mạng chiếm các công sở. Họ chuyên mặc đồ đen, khăn rằn quấn cổ, có dáng điệu và hành động giống như đồng chí được tả trong quyển Mặt Nạ Cộng Sản [9]. Gập mặt thì chào nhau bằng cách đưa tay mặt lên như kiểu chào của Hitler. Nhưng Hitler và đồ đệ ông ta thì duỗi bàn tay ra. Ở đây thì nắm chặt bàn tay lại thành như một quả đấm. Đó là những người nghe nói từ nhà tù Côn Sơn được vua Bảo Đại ký giấy tha về. Với chính quyền vào tay trong vòng một đêm, họ bắt người không cần án lệnh. Những ai có tiếng tốt trong làng là bị họ bắt rồi xét nhà người đó, lôi ra không biết từ đâu những thứ giấy tờ lạ lùng rồi la lên là tài liệu phản cách mạng.

Cách mạng là gì vậy? Không ai có quyền kháng tố. Kháng tố là phản cách mạng. Tội đáng giết làm gương. Có người bị mang ra sân vận động xử về tội....ăn trộm và bắn  cho dân chúng xem. Người đứng đầu Công an miền Nam thời đó—sau  nầy làm tới đại tướng— chắc không tài nào biết rõ con số những người bị tình nghi rồi mang đi thủ tiêu là bao nhiêu. Cuộc hành quyết thường xảy ra ban đêm. Họ giam những người bị họ bắt vào một căn nhà lá. Số người đông đến độ vào đó chỉ có ngồi. Muốn nằm thì phải chồng lên nhau. Ban đêm, một người bọn họ mở cửa vào cầm một tờ giấy viết tay với một ngọn đèn. Người này đánh vần từng tên người. Ai có tên gọi thì đứng dậy bước ra bên ngoài có người đang chờ. Mỗi lần gọi mười người. Được dẫn ra cách đó chừng hai mươi thước thì bị giết. Tiếng kêu la vang trời hòa với tiếng gỗ đập vào đầu người. Khúc tre già đập vào đầu nạn nhân, và đập nhiều đầu đến nỗi sáng hôm sau thanh tre già tua ra như....chổi xuể.  Máu người nhuộm đất thành một màu đen như hắc ín. Đường lối nầy được chỉ đạo từ đâu? Thời đó chưa ai nghĩ ra hai chữ diệt chủng để dùng.

Trong tình hình đó, nhiều phong trào được lập ra, trong đó có phong trào Thanh niên Tiền phong mà Hảo tích cực tham gia. Ai ai cũng phải vào phong trào dành riêng cho mình. Lớn theo lớn, trẻ theo trẻ. Rồi qua học tập với hội thảo (?) bọn Hảo biết Việt Nam đã được độc lập. Do đó toàn dân phải thật sự đoàn kết đánh đuổi Tây xâm lược đang theo gót quân Anh-Ấn vào Đông dương giải giới quân Nhật để  thừa cơ tái chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Nhạc hùng được mọi người ca hát suốt ngày. Đoàn Hảo có anh Tư Chơi làm thủ lãnh. Trường học đóng cửa. Ngày nào sáng cũng có lệnh gọi nhau đi họp, kết đoàn thành đội ngũ trang bị từ gậy gộc đến dao kiếm và có gì dùng nấy. Buổi chiều thì ra chỗ trống tập bò, trườn theo lệnh của những người chuyên mặc áo đen lạ hoắc.

Được non hai tháng thì có tin tàu Pháp đánh chiếm Mỹ Tho. Tiếng súng đại bác nổ nghe ngày càng gần. Lệnh từ trên đưa xuống : “Không được hoảng hốt. Tàu Pháp đóng vỏ bằng cạt-tông. Súng Pháp bắn đạn mã tử. Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.” Đoàn của bọn Hảo được lệnh sống hay chết cũng phải giữ mặt sông, quyết ngăn không cho Pháp đổ bộ. Quân số toàn đoàn là ba mươi người. Lớn nhất là anh Tư Chơi, trẻ nhất là thằng Tí, mười hai tuổi mà người trong đoàn nầy đặc tên là Gavroche. Võ khí gồm có tầm vong vạt nhọn, dao găm theo kiểu “tự biên tự diễn “. Cái dao găm của Hảo được làm bằng cái quay bình nhôm dùng nấu nước. Bao làm bằng mo cau. Mỗi khi tập dượt Hảo dùng nó thử cũng đâm thủng được... thân cây chuối con.

Với lực lượng như thế, bọn Hảo được giao giữ một chiến tuyến dài gần .....mười cây số bờ sông với nhiệm vụ chống và tiêu diệt “tàu chiến vỏ cạt tông, bắn đạn mã tử  của giặc Pháp.”  Thời đó bọn Hảo quả tình có say mê nhiệm vụ. Ăn cơm nhà  vác ngà voi mà chạy tưng bừng bất kể ngày đêm, mưa hay nắng, nguy hay không nguy đến tính mạng.
Một lần trong khi đi kiểm tra canh gác ban đêm, và giữa chỗ đông người, anh Tư có nói với bọn Hảo rằng :"Tàu Tây vỏ nó bằng sắt dày cả phân và súng của nó bắn sập núi lận, chẳng có vừa đâu. Tao có đi tao biết rõ. Tụi bây đừng nghe ai đó nói láo mà vội tin."

Hôm sau chẳng thấy anh đi kiểm tra đôn đốc công việc canh gác như thường lệ. Và cũng chẳng có ai được trên chỉ định thay thế anh nên bọn Hảo cảm thấy bị lạc lõng. Một số lớn trong đó có Hảo đành ở nhà không đi sinh hoạt đoàn như trước đó. Nhưng ở nhà nhìn người ta ai cũng đi họp thì lại không thấy yên tâm. Một số bàn nên di tản.

Chưa kịp suy nghĩ gì thêm thì có tin chắc chắn tàu Pháp xong việc bên Mỹ Tho thì đang trên đường kéo nhau sang tỉnh bọn Hảo. Tin nầy là đúng vì sau tin đó những thủ lãnh cùng toàn thể ban lãnh đạo hành chánh kháng chiến tỉnh đã âm thầm tự động rút lui, nói là để...bảo toàn lực lượng đồng thời thiết lập phòng tuyến phía sau tiếp tục kháng chiến trường kỳ. Thường dân ồ ạt kéo nhau chạy loạn. Gia đình mẹ Hảo được một chiếc ghe lớn từ nhà bà nội Hảo cách đó mười hai cây số ra đón đưa về quê tị nạn.

Ngày rời bến, sợ nỗi ra đi không còn ngày trở lại mảnh đất thân thương, Hảo như thấy lòng mình bịn rịn nên nấn ná đứng lại trên bờ cho đến giờ phút chót. Hảo bỏ dép vì muốn đôi bàn chân của mình còn được tiếp xúc càng lâu càng tốt với bờ đất đó. Hảo muốn nhìn những hàng cây, nhìn chiếc cầu đúc trên đó ngày ngày Hảo đi qua trên đường từ nhà đến trường và ngược lại. Hảo cũng muốn nhìn nóc ngôi giáo đường, nhìn những cây xoài ở đó đã cho Hảo thật nhiều kỷ niệm êm đềm khó quên. Hảo nhớ đến người bõ già nua đang đạp xe lôi kiếm sống. Gương mặt đau khổ và nhẫn nhục của bõ Hảo hao hao gương mặt của bức tượng Chúa Giêsu lúc Ngài bị treo trên thập giá. Nhẫn nhục và luôn chịu hàm oan.

Lúc đó không biết người bõ đỡ đầu của Hảo đang ở đâu, có phương tiện để chạy giặc hay không. Gia đình của bõ Hảo đông người mà bõ thì mọi sự đều chỉ biết xin phú dâng cho Chúa. Thậm chí khi bị oan ức điều gì thì bõ Hảo thường nói “ Bỏ xin chịu vì Chúa.” Lúc đó Hảo thấy lòng Hảo nhớ bõ Hảo vô cùng và thương đến nỗi nếu mà được gặp ngay lúc đó thế nào Hảo cũng kêu bõ Hảo cùng đi, mang theo tất cả gia đình của bõ cùng đi. Hảo sẽ đứng ra lo tất cả.

Người trách nhiệm chiếc thuyền di tản nhìn Hảo rồi đưa tay ngoắc. Hảo từ bờ nhảy xuống. Chiếc thuyền có hơi bị tròng trành. Mọi người trên thuyền ai nấy mặt mũi bơ phờ. Nhìn ra bên ngoài Hảo thấy trên mặt sông lặng lờ dòng nước bạc chảy buồn thiu, một xác người bị trói thúc ké đang vật vờ  trôi, úp mặt, và ở nơi cổ có tấm bảng viết bằng mực tàu còn y nguyên mấy chữ : Tư Chơi Việt gian.

Tiểu Đĩnh


[1] Lính bộ binh người bản xứ tức là lính thuộc Infantery coloniale
[2] Súng Mousqueton Mat 36, loại súng trường do người Pháp sản xuất, bắn từng viên một.
[3] (Ah! c'est vous. Eh ben. On va voir)
[4] Police, tức Cảnh Sát
[5] Cannonier, pháo thủ.
[6] Năm 1940, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản vào Thái Lan, xúi nước này đánh lấy đất của nước  Cam bốt, một thuộc địa của Pháp. Do đó mà Pháp bắt buộc phải tuyên chiến với Thái Lan và thình lình đánh đảo Koh Tchang.
[7] Troupes d’Orient Etrême
[8] Tặng cho Võ văn Chơi, Hạ sĩ I pháo binh.
[9] Le Communisme sans voile

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011