SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

Kỷ Niệm Với Dòng Sông

Nguyên Nhung

Trí nhớ tôi thật tệ, mỗi khi nhắc về những dòng sông quê hương, tôi chẳng nhớ rõ tên, chỉ nghe trong lòng dấy lên một nỗi nhớ kỳ dị. Hình như tôi chẳng nhớ con sông gì với sông gì, bắt nguồn từ đâu, nhưng hình ảnh và cảm xúc của mỗi dòng sông thì lại đầy ắp trong tâm tưởng. Ví như dòng sông là quê hương, đã gắn bó với con người trong từng chặng đời từng hơi thở, đối với tôi, sông vì thế cũng gắn bó với nhiều kỷ niệm, mà mỗi lúc nhớ lại , nghe có gì thật thắm thiết như con người không thể tách rời với tổ quốc.

Thời niên thiếu, tôi đã có một thời gian dài sống trong ngôi nhà cất ở ven sông. Gọi là sông cho thơ mộng, chứ thật ra chỉ là nhánh của một con sông con chảy vào khu dân cư ở thành phố, tuy thế nó vẫn mang đầy đủ vẻ đẹp của những bờ sông quê mình. Cũng hàng dừa lả lơi soi bóng nước, cũng chiếc cầu khỉ lắt lẻo bắc ngang sông, con đường đất nhẵn thín khi mùa nắng, lầy lội khi trời mưa, và lũ trẻ con í ới gọi nhau trên sông chiều khi nước thủy triều lên.

Đó là dòng sông đầu tiên mà tôi nhớ, theo con mắt nhìn hạn hẹp khi nghĩ về một dòng sông tuổi thơ. Dường như đời tôi gắn bó nhiều với những dòng sông miền Nam, nước đục ngầu phù sa và cọng hoa lục bình lẻ loi trôi trên dòng nước. Tôi lớn lên ở một thành phố nhỏ, kỷ niệm chỉ là con đường có hàng me bay dẫn tới ngôi trường Trung học tỉnh lỵ, có một dòng sông chẳng nhớ là con sông gì hơn là một nhánh của sông Cổ Chiên. Từ bến chợ, tôi đã đứng hằng giờ nhìn theo mấy con đò đưa khách từ bờ bên này sang bờ bên kia, dù rằng vẫn có một nhịp cầu sắt bắc qua phố chợ. Người ta vẫn đi đò để có cái thú bập bềnh trên sông nước, hay là chuyến đò ngang lại nằm trước sân nhà, chỉ cần đi xuống mé sông là đã có phương tiện di chuyển.

Bờ bên này đông vui những hàng quán và vựa cây vựa củi. Bờ bên kia chỉ đi quá vào trong đã là cảnh đồng quê và vườn cây ăn trái, những thửa ruộng bát ngát cánh cò bay. Trong cái rộn rã, đông đúc của chốn phồn hoa náo nhiệt bên này sông, bên kia sông ngược lại chỉ là hình ảnh của một đồng quê hiền hòa và tĩnh mịch. Dòng sông này có hai ngả đi về hai nơi khác nhau, một ra cửa sông Cái để đi ra biển có những làng mạc đất cát chuyên nghề trồng rẫy, một ngả lại đi về hướng trong, đến những làng mạc trồng cây ăn trái và ruộng đồng thẳng cánh cò bay.
Sau này, khi chiến tranh kéo theo những hệ lụy của nó, cũng chỉ có dòng sông mới chứa hết những nỗi oan khiên của một thời chinh chiến. Những xác người trôi sông, buổi tối bờ bên kia vọng sang bờ bên này những tiếng súng nổ vu vơ, chuyến đò về quê biết đâu lại trở thành chuyến đò tang, khi chiếc quan tài của người lính trẻ được chở về quê để yên nghỉ ngàn đời trong tiếng róc rách của lượn sóng vỗ bờ nơi dòng sông quê mẹ.

Trong những kỷ niệm cũ, tôi vẫn nhớ mãi những chuyến đò đưa khách về những làng quê, nằm rải rác hai bên bờ sông. Nhất là đám cưới miền quê đi bằng đò máy quả thực hấp dẫn đối với người thành phố, khi con đò rẽ nước đi vào miền quê êm ả. Nỗi rộn ràng hạnh phúc thơm tho như lúa chín ngoài đồng, mát mẻ như hơi nước trộn lẫn mùi bùn sình phả vào khứu giác cảm giác ngất ngây, và những bữa cỗ ở miền quê cũng ngon ngọt đầy nét thực thà của rau cỏ. Sân trước vườn sau, con bò con đang bú mẹ được cột ở ụ rơm khô bên đầu nhà, cây mận đỏ lúc lỉu những trái chín treo đong đưa trên cành lá biếc, ngọn cau, lá trầu, làn khói bếp tỏa lên trời mông mênh lẫn vào mây trắng. Thỉnh thoảng lại có tiếng đò máy chạy sình sịch trên mặt sông êm ả, tất cả đã được ghi nhận vào ký ức để vẽ thành hình ảnh một dòng sông quê hương thật tuyệt vời trong trí nhớ.

* * *

Sông Hậu Giang cũng để lại những kỷ niệm đẹp trong đời tôi, còn in trong trí nhớ những chuyến phà sang sông thời đi học. Đó là những ngày mới lớn, dòng sông đi vào đời người có chiều sâu và mang theo những nhớ nhung đằm thắm. Phà sang sông vào buổi sáng, trời còn mờ hơi sương, mặt nước như một miếng bông cỏ nõn nà phô mình dưới nắng mai. Phà thưa người, đứng tựa vào lan can chiếc phà để hít vào buồng phổi cái mát mẻ của dòng sông mênh mông gió sớm, chiếc phà lao chao tạo cảm giác bồng bềnh cho một chuyến đi xa. Tôi vẫn yêu những buổi sớm qua phà, vì tâm hồn lúc ấy thênh thang như mặt sông rộng. . .

Có những chuyến đò sớm thì vẫn lại có những chuyến đò chiều, khi mà hoàng hôn dần xuống nhuộm một màu tím trên khoảng sông mênh mông, bát ngát. Cứ đứng dựa lan can chiếc phà, nhìn theo một cọng hoa lục bình trôi bập bềnh trên sóng nước, cái buồn ở đâu ập đến làm mắt bỗng cay cay. Hoa lục bình là thứ hoa "trôi sông lạc chợ", đi thành đám thì nặng nề thô tục, nhưng chỉ một cọng hoa lạc loài trên sóng nước lúc chiều buông, thì bỗng hắt hiu mà nhớ tới hình bóng một người giờ đây lang thang cuối nẻo chân trời.

Sông mênh mông là nước, buồn ở đâu cũng cuồn cuộn chảy về. Mưa trên dòng sông trong một buổi nào tiễn biệt bạn ra đi, lòng cứ bâng khuâng khi bất chợt nhớ đến vần thơ cũ, “. . . mà lỡ khi mình không về...” đọc được trong đôi mắt người đi, kẻ ở. Mưa trắng xóa cả trời nước khi mình đứng lại bên này bờ, nhìn theo chuyến xe qua bờ bên kia đã nhạt nhòa trong màn mưa, tiếng sóng nhỏ vỗ vào mạn bờ nghe ngậm ngùi quá đỗi. Tiễn nhau một lần cũng đi qua con sông này, ở bờ bên này ngó ngút mắt qua bờ bên kia để chẳng thấy nhau mà vẫn thương vẫn nhớ. Chắc chỉ ở quê mình mới có những dòng sông như thế, có cách đò cách sông mới đo lường được cái nhớ của lòng người, mới để lại được câu chuyện tình đẹp mà buồn như một dòng sông.

Nhắc tới sông tôi lại không quên được thú chèo ghe đi chơi với bạn trên nhánh sông con gần nhà. Nói là ghe mà không phải ghe, vì bạn tôi gọi nó là chiếc xuồng, dùng làm phương tiện để đi lại trên sông. Nhà bạn có vườn cây ăn trái, lại nằm sát bờ sông nên mỗi lần muốn chở trái cây ra chợ, bạn dùng xuồng để vận chuyển. Có lẽ vì vậy mà bạn biết chèo xuồng thành thạo, với đôi mái chèo buộc chéo đằng sau lái, bạn đứng ở mũi xuồng phía sau, vươn tay đưa mái chèo ra đằng trước, kéo vòng ra đằng sau, chiếc xuồng cứ thế lướt phăng phăng trên dòng sông. Hình ảnh của cô bạn gái mộc mạc, quê mùa vẫn còn in đậm nét trong trí nhớ của tôi, dù thời gian qua đi đến mấy chục năm ròng. Đầu đội nón lá, mặc chiếc áo bà ba màu tím nhạt, dây quai nón màu xanh phất phơ trong ráng chiều đỏ thắm, tấm lưng ong thon thả nhịp nhàng theo đôi tay thật dẻo, bạn tôi là hiện thân của cô con gái lục tỉnh hiền hòa , xinh đẹp, lại đảm đang tần tảo. . .

Thấy bạn chèo xuồng ngon lành và có vẻ dễ dàng nữa, tôi đòi thử một lần cho biết. Chao ơi! Thấy vậy mà không phải vậy, y như hồi nhỏ tập đi xe đạp cứ xiên xiên xẹo xẹo ngã nhiều cái đau gần chết, mà vẫn mê. Khi được bạn giao cho đôi tay chèo, tôi mới thấy khó mà điều khiển cho chiếc xuồng khỏi lao chao trên dòng nước. Nó không tới cũng không lui, đâm ngang đâm ngửa trên dòng sông vắng, lại thêm nỗi sợ lật xuồng chết chìm nữa. Gắng hết sức bình sinh, lại có bạn dùng chiếc mái dầm ngồi ở mũi trước chèo tiếp, một lát chiếc xuồng lấy lại thăng bằng đã lướt nhẹ trên sông chiều. Những buổi chiều như thế, hai cô con gái má hồng hồng không son phấn , chèo ghe đi trên sông chiều lướt qua những bến nước, để nghe vẳng theo tiếng chọc ghẹo của ai đó hai bên bờ.

Thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp vài thân cây chuối cụt ngủn, ghép vào với nhau hình dáng giống một con tàu, có cờ phướn bằng giấy, luôn luôn có đĩa trái cây, miếng thịt và cái hột vịt luộc, dĩa gạo và muối, vài cọng chân nhang cắm vào cái bè chuối ấy trôi lang thang trên dòng sông. Mỗi lần như vậy bạn tôi đều bơi ra xa, như sợ đụng vào thế giới vô hình có âm binh ma quỷ. Tôi tò mò hỏi bạn, mới biết đó là một hình thức người ta cúng để giải trừ ốm đau bịnh tật, hay là để hối lộ cho các âm binh đằng dưới mang theo giùm những thứ xui xẻo ấy đi.

Tôi có một anh bạn, vì say mê sông nước mà trở thành lính biển. Anh ấy kể rằng đi Đông, đi Tây vẫn nhớ dòng sông quê mình. Là sĩ quan hàng hải, anh được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, thế mà mỗi ngày đứng trên bờ biển nhìn về hướng Tây vì biết hướng ấy là hướng có quê mình, trên một đất nước hòa bình để nghĩ về quê nhà đang quằn quại trong máu lửa, anh vẫn chỉ mong đến ngày trở về để được gần gũi với dòng sông. Ở xứ người, một chiều thu nào đó đứng bên bờ sông Potomac, nhìn những rừng lá thấp đủ màu tạo thành một tấm thảm tuyệt đẹp của thiên nhiên, dường như vẫn thiếu vắng điều gì. Có dịp đứng bên dòng Mississippi cuộn sóng, hay đi qua những vùng đầm lầy ở Louisiana, từng đám lục bình nặng nề tấp vào chân cầu, làm gì có cái đẹp của hoàng hôn sông Hậu.

Sau này khi trở lại quê nhà, bắt đầu tiếp cận với chiến tranh, anh vẫn không quên bữa cơm gạo mới với bát canh bông điên điển nấu cá đồng của bà mẹ quê miền Nam hiền lành, chất phác, những buổi tối trời đầy trăng sao ở vùng Đồng Tháp Mười, chiếc tàu neo vào một bờ sông có rặng bần lập lòe đom đóm. Đó là cảm nghĩ của người lính trẻ, anh chỉ nhìn lại quá khứ với những kỷ niệm đẹp của dòng sông quê hương, cho nên với anh phong cảnh hai bên bờ sông trông có xơ xác vì bom đạn, người dân sống trong những làng mạc ven sông có quê mùa nhếch nhác, tô canh điên điển nấu cá đồng của bà mẹ quê miền Nam nơi vùng đóng quân, vẫn là kỷ niệm mà anh nhớ hoài.

Dòng sông đẹp là nhờ phong cảnh hai bên bờ, khi chiếc xuồng đi vào con rạch nhỏ là ta bắt đầu tiếp cận với những gì rất riêng tư mà lại không kém phần thắm thiết. Có thể là một bụi tre mọc trên thẻo đất ngay đầu dòng, có thể là hàng dừa nghiêng nghiêng in bóng xuống dòng sông, có một cây hoa phượng trồng ở mé sông gần bến nước, mùa hè hoa đỏ chói mà giọt nắng chiều còn đọng trên đó một chút sắt se. Thành ra đi xa vẫn nhớ là nhớ vậy, thương là thương vậy, chứ ở quê người sông nước thiếu gì, vậy mà đứng trên bờ sông lòng cứ trơ trơ tự hỏi, cũng nước cũng hoa cũng lá mà sao không cảm thấy gì ráo trọi, thì ra cái hồn của những dòng sông quê mình nó đi vào tim lúc nào không biết.

* * *

Vậy mà đến hơn ba mươi tuổi tôi mới có dịp "quy cố hương", kể từ khi mẹ tôi lếch thếch dẫn mấy đứa con đi từ Bắc vào Nam theo đường biển. Bởi vậy chuyến về quê cũ cũng là một dịp để tôi được đi qua những dòng sông lịch sử nổi tiếng của đất nước.

Miền Trung có nhiều con sông hẹp, không mênh mông như sông Cửu Long nhưng nước trong văn vắt, có lẽ vì thế mà đất đai, ruộng đồng không màu mỡ, phì nhiêu. Tháng bảy trời nóng như nung, mây đứng lặng không buồn trôi, nhìn ra hai bên đường chỉ thấy những đồi cát nối tiếp nhau trắng xóa đến rợn rùng, duy nhất thứ cây xương rồng thân đầy gai tua tủa, tôi chợt nghĩ "đất cày lên sỏi đá" là đây. Làm sao để sống với những dải đất khô cằn như thế, vậy mà trên chặng đường tôi đã đi qua, vắt vẻo lưng chừng đồi là những căn nhà gỗ nằm cheo leo giữa cảnh núi rừng hoang dã, con đường đất bò ngoằn ngoèo giữa những nương sắn nương khoai. Đi qua một nghĩa trang có những ngôi mộ gần như chìm khuất dưới cát bỏng và bóng cây phi lao, ngoài cổng nghĩa trang có tấm bảng vẽ hàng chữ "Chờ Ngày Sống Lại" bỗng nghĩ mà ngao ngán. Tuy biết rằng do niềm tin tôn giáo mà hy vọng ngày sống lại, nhưng sống lại để mà sống trong điều kiện thê thảm như vậy thì thà xin được yên nghỉ nghìn đời dưới lòng cát bỏng.

Dừng lại thị trấn Đông Hà để lang thang trong khu chợ đầy gió cát và hừng hực nóng vì gió Lào thổi về, mấy con lợn cỏ bụng ỏng đi lang thang sục mỏm vào ụ đất, bữa cơm trưa hôm ấy hình như có cát lẫn với cơm. Gió nóng và cát bụi, khiến đôi mắt lúc nào cũng đỏ cộm lên. Tôi bắt gặp những bà mẹ miền Trung nghèo khổ, áo vá vai, trên đôi vai gầy khẳng khiu gánh lỏng chỏng mấy món quà nhà quê trông rất tội. Một bữa cơm nhà quê bất chợt ghé mắt nhìn, chỉ là bát muối vừng, đĩa rau lang luộc và bát nước mắm mặn dầm ớt đỏ cay xé, mấy đứa trẻ con quần áo bẩn thỉu vây xung quanh nồi cơm gạo hẩm chìa bát ra chờ đợi, những đôi mắt trẻ thơ tội tình trên một quê hương khốn khổ. Bây giờ ở những vùng quê miền Trung, Nam, Bắc có còn những đứa bé như thế không nhỉ?

Khi chuyến xe sắp tới sông Bến Hải để đi qua phía bên kia, ranh giới giữa Nam và Bắc thời kỳ chiến tranh, tự nhiên lòng chùng xuống một nỗi buồn mênh mang khó tả. Xe tới cầu Hiền Lương, đa số là người Bắc di cư vào Nam về thăm quê sau bao nhiêu năm chiến tranh, ai c?ng cố nhìn xem con sông này có gì đặc biệt hơn những con sông khác, để bao năm đã trở thành vết hằn trong lòng người dân Việt. Cầu Hiền Lương đã cũ, long sòng sọc lên như một người già gần gãy hết xương cốt  mà vẫn cố sống để chờ những đứa con đi xa trở về. Sông Bến Hải hẹp té chỉ bằng một cái nhánh của dòng sông Hậu, phong cảnh hai bên bờ xơ xác, ấy thế mà lại có sức đẩy giạt người dân hai miền Nam Bắc tới hai mươi năm, ấy thế mà có người đã bỏ xác khi vượt dòng sông tìm về gia đình, anh em bên này bờ vĩ tuyến.

Hình như chuyến xe hôm ấy đi ngang sông Bến Hải lại im ắng lạ thường, tôi cứ hình dung trong mỗi nhịp đập của trái tim mỗi người, đều giấu kín tiếng thở dài hay chút nghẹn ngào cố nén xuống để khỏi bật ra tiếng khóc vì xúc cảm. Không ai nói câu gì, mắt đăm đắm nhìn xuống dòng sông êm đềm vẫn lặng lờ trôi, nhưng cái buồn của một chiều qua sông Bến Hải vẫn mang theo nhiều ray rứt. Cuối cùng thì chiến tranh chấm dứt, những hoang tàn đổ nát vẫn còn đó, đất nước chưa hồi sinh, miền Trung nghèo quá, bom đạn đã đào xới ruộng đồng khô cằn thành những chiếc ao cạn không nước, nứt nẻ vì tháng hè nghiệt ngã. Tôi không hiểu tại sao người dân ở đây có thể chịu đựng nổi suốt bao nhiêu năm dài với chiến tranh, với khí hậu khắc nghiệt như vậy. Con đường đầy ổ gà khiến chiếc xe nghiêng ngả như sắp ngã, hành khách lắc lư thấm mệt, tiếp tục cuộc hành trình đi về hướng Bắc của Tổ Quốc, qua nhiều vùng đồi đất đai khô cằn và những lùm sim tím trải tít vào những làng thôn thấp thoáng bóng tre xanh.

Nghỉ một đêm ở Đồng Hới, buổi chiều ra tắm tát giặt giũ ở một chiếc ao vuông, xung quanh ao trồng nhiều cây bạch đàn, phong cảnh xem có phần thơ mộng. Người đàn bà đưa cho khách chiếc bánh đa rắc vừng nướng, món quà nhà quê miền Bắc, mắt hướng ra mặt ao nhoẻn miệng cười, nói với khách mà như nói với mình:
" Hết chiến tranh rồi, cây cỏ cũng mọc lại."

Không biết bà ta định nói gì, bấy nhiêu năm chia lìa nay cùng ngồi cạnh nhau gần gũi như lúc này, không nỡ nào nhớ n?a tiếng bom rền, không nỡ nào nhớ tiếng đại pháo dội vào thành phố lúc nửa đêm. Bát nước trà tươi làm trằn trọc khó ngủ, tối ấy trăng treo trên những cây bạch đàn trồng xung quanh ao, dưới ánh trăng miền đất khô cằn cũng đỡ vẻ thê lương. Mặt trăng tự nghìn xưa vẫn là món quà vô giá của trời, nó tỏa sáng trên khắp các nẻo đường đất nước, đêm ấy cũng nghiêng mình soi xuống mặt ao một giải lụa vàng sóng sánh. . . .

Sáng hôm sau trời vừa hừng sáng , chuyến xe đã lên đường. Buổi sáng gió Lào vẫn thổi mạnh, hai bên đường thảm cỏ lau rạp xuống trắng xóa cả một cánh đồng khô khốc. Tôi đã có dịp đi ngang con sông Gianh, một dòng sông lịch sử nổi tiếng đã được đưa vào bài học đầu đời của trẻ em Việt Nam:

" Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam,
Đây dòng sông, dòng máu Việt còn loang,
Đây cổ độ, xương tàn xưa chất đống..."

Ôi những con sông buồn trong lịch sử dân tộc, vẫn còn đây khi dòng nước vẫn không thể cuốn đi những nỗi buồn trong lòng người dân Việt. Con sông Gianh nghe trong bài học lịch sử, nhìn dòng nước chảy mà lại hình dung ra cảnh chia lìa nồi da xáo thịt thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tai ách đổ lên đầu người dân, lại ngậm ngùi vì sự phân rẽ bằng một dòng sông oan nghiệt.

Từ Đồng Hới đi Vinh phải qua một chuyến phà trên sông Nhật Lệ, chiếc phà miền Bắc cũng nghèo nàn tội nghiệp như đời sống của người dân ngoài ấy. Không biết bây giờ đã cải tiến như thế nào, chứ chiếc phà ngày ấy gần như là một chiếc sà lan, không có máy chạy, được kéo đi bằng một chiếc đầu máy, vận tải được vài chiếc xe và khách bộ hành. Phà cập vào bến Thủy, xe chạy vào thành phố còn đang xây dựng dở dang, không đi xa lắm đã thấy những xóm làng miền Bắc, lũy tre xanh bao bọc quanh làng, ụ rơm khô, bụi chuối, thấp thoáng bóng người đi trên con đường làng lát gạch đỏ đã bạc màu thời gian.

Những con sông ở quê hương suốt ba miền Nam Trung Bắc, dòng sông nào có tội tình gì như người dân quê tôi nào có tội tình gì, dòng nước cứ êm đềm chảy theo năm tháng, lại nghe như trong tiếng sóng bao lời thở than của những oan hồn dân Việt. Nỗi ám ảnh đó đã in sâu vào tâm khảm, để đến nỗi khi qua sông Bến Hải, hay sông Gianh để bước vào ranh giới của miền Trung Bắc Việt, lại nghe như dòng nước chuyên chở mối tương tàn cốt nhục, để nỗi buồn cứ phảng phất mãi đến nghìn sau.

Tôi còn đi qua những dòng sông của miền Bắc, qua cầu Hàm Rồng trên con sông Mã ở Thanh Hóa, nằm vắt trên hai mỏm núi vôi, cây cối hình như trơ trụi không ngóc đầu lên nổi với cái nóng mùa hè, vẳng lên dư âm của vần thơ "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" còn vang vọng mãi trong lòng. Có ai đó chỉ cho tôi nhìn những dải núi phía xa, rồi nói đó là giang sơn của anh hùng áo vải Lê Lợi, chiêu mộ nghĩa quân để chống kẻ thù phương Bắc. Sắp bước vào Hà Nội, chuyến xe lửa chạy qua cầu Long Biên, nhìn xuống  sông Hồng nước đỏ ngầu như máu.

* * *

Quê tôi có núi Tản sông Đà, thế nhưng mặt mũi con sông Đà ra sao thì tôi chưa biết. Chỉ biết rằng cách Hà Nội độ sáu mươi cây số, có những vùng đồi thấp và rặng núi Ba Vì mờ mờ trong màn sương , uốn quanh chân núi là con sông Đà lượn theo những làng mạc vùng Trung Du Bắc Việt. Con sông Đà ở quê tôi vẫn chỉ là hình ảnh mịt mờ lẫn lộn với những con sông rộng miền Nam, con sông dài miền Trung, và qua một bản nhạc mà tôi đã được thưởng thức:
"Ai qua bến Đà giang, cho tôi nhắn vài câu, thương về mái tranh nghèo bên hàng cau. Chia ly đã từ lâu, ôi thương nhớ làm sao, bao nhiêu bóng hình quê cũ năm nào. Tôi thương mái chèo lơi, trên manh áo tả tơi, của người lái con đò trên dòng nước. . . "

Tôi nhớ lại bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Văn Phụng đã khiến lòng kẻ xa quê ngậm ngùi thương cảm. Tôi sinh ra ở miền Bắc, lớn lên ở miền Nam, tôi yêu những con sông nghèo đất Bắc, cũng như những dòng sông phù sa màu mỡ ở miền Nam, yêu nét thơ mộng và buồn bã của những con sông miền Trung. Cho đến bây giờ, mỗi lần đứng bên một bờ sông ở quê người, cũng nước, cũng mây, cũng trời thênh thang gió lộng, vậy mà lòng vẫn mênh mang nhớ hoài cọng hoa lục bình nhấp nhô trên đầu sóng , khi chuyến phà sang sông vào một buổi hoàng hôn trên sông Hậu.

Nguyên Nhung

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011