SỐ 51 - THÁNG 07 NĂM 2011

 

MÙA VUI QUA MAU !

- Ê, ê con diều lèo
- Một hai ba, con diều lèo …

Tiếng vỗ tay cùng những giọng cười chế diễu đồng thanh lập lại nhiều lần làm thằng em trai tôi rơm rớm nước mắt, khuôn mặt bí xị của nó trông thật tội nghiệp, căm tức ném lại sau lưng cái nhìn quắc mắc dẫn bầy em đi về vừa đi tôi vừa giảng giải ;

- Mình chỉ mới cho nó bay thử thôi mà, nó chưa lên cao được chắc tại cái đuôi nặng quá, để mình về sửa lại nhưng mấy đứa thấy diều mình là đẹp hơn của tụi nó hong ?
- Ừa chắc tụi nó ganh tị mình đó chị,

Nhỏ Hồng Châu chạy lúp xúp theo nói leo lẻo trong khi Phong Châu hai tay khư khư nâng niu cẩn thận con diều quý dù cho ban nãy chính nó làm cho thằng nhỏ chạy hụt hơi, vừa chạy vừa ngoái ra sau, tay nắm sợi chỉ giật giật nó vẫn lì lợm xoay vòng vòng rồi chúi đầu xuống đất, tôi sốt ruột thay tay của thằng em cầm sợi dây thả cho con diều nương theo hướng gió nhưng cũng chỉ lên cao khỏi đầu tôi chút xíu rồi đảo hai ba vòng trước khi rơi xuống đất. Thằng em trai nói :

- Chắc tại ít gió quá diều không lên được !

Đứa em gái cãi :

- Sao diều của tụi nó vẫn bay kìa, tại anh hông biết thả thì có.

Tôi dàn hòa hai đứa :

- Có lẽ tại diều của mình cột dây lèo chưa đúng, lại thêm cái đuôi mình làm theo kiểu dây xích hơi nặng nên khi bay lên bị lảo đảo vì không cân bằng với cái đầu.
- Chừng nào mình thả nữa chị ? Em ghét mấy đứa xóm nhà lá tụi nó hay chọc mình, cái vụ lồng đèn méo hồi trung thu năm ngoái cũng vậy.

Tôi an ủi mấy đứa em :

- Thì tại mình làm không thành thạo bằng mấy đứa nó, nhưng bù lại mình được ba má mua cho mấy cái lồng đèn ngoài tiệm đẹp hết cỡ, được ăn bánh trung thu trong khi tụi nó nhịn thèm.
- Sao ba má tụi nó không mua cho tụi nó vậy chị.

Nhỏ em ngây thơ hỏi, lòng tôi hơi xốn xang khi trả lời :
- Tại nhà tụi nó nghèo quá không có tiền mua.
- Sao nhà nó không có tiền mua vậy chị ?
Con nít hay có kiểu hỏi vần lân như vậy, tôi biết muốn giải thích cho chúng hiểu phải mất rất nhiều thì giờ nên nói lảng :

- Mấy em cố học giỏi mai mốt lớn lên đi làm có tiền mới có thể mua được những thứ mình thích.

Nhỏ em gật gật đầu :

- Vậy là tại ba má tụi nó không có đi làm nên không có tiền. Em thấy mấy đứa trong xóm nhà lá phía trong ba nó tối ngày ngồi ở nhà đờn cho mấy đứa nhỏ ngồi ca, còn nhà con Nga má nó thì đi bán cốm giẹp ví bán cải chua ở chợ thôi.

Phong Châu thêm vô :

- Hèn chi khi nhà mình mới dọn về tụi nó nói mình giàu vì nhà mình đẹp quá, vách tường và mái lợp ngói trong khi nhà nó là nhà lá, nền đất, bức vách làm bằng phên tre đan lại, trên đó ba má con Lùn dán đầy nhóc vé số.

oOo

Câu hỏi của đứa em gái ban chiều vẫn còn trong đầu tôi khi nó hỏi lý do ; tại sao những đứa con nít của xóm nhà lá phía trong không được ba má chúng mua quà trung thu cho ? Tôi bắt đầu biết phân biệt hai chữ giàu, nghèo từ khi theo ba má tôi rời thành phố dọn về khu ngoại ô này. Và cũng từ nơi chốn này tôi mới thấy rõ một đời sống khác, sinh hoạt khác biệt với gia đình tôi. Trong mắt những đứa trẻ ở đây gia đình tôi thuộc tầng lớp mà chúng gọi là nhà giàu bởi bọn tôi học trường tiểu học ở trung tâm Saigon, đi học mặc bộ đồng phục trắng tinh trong khi chúng chỉ học đến lớp ba, biết đọc biết viết là phải ở nhà giữ em hoặc nấu cơm, nhưng nếu còn đi học cũng chỉ đi chân đất ; áo quần mặc ở nhà thế nào thì đi học cũng vẫn là bộ đồ ấy, không có cặp táp chỉ có quyển tập và cây viết trần trụi cầm tay, nghe đâu muốn đến trường phải quanh co đi dọc theo bờ sông rất xa, nếu muốn nhanh hơn thì đi ngõ tắt qua mấy khu vườn ổi hoang, hai ba cái ao cá tra ven bờ mọc đầy cây bình bát, băng ngang con rạch có chiếc cầu lắt lẻo ghép tạm bằng dăm cây cột tràm với vài miếng ván mỏng. Tôi không biết tên trường chỉ nghe chúng gọi là trường Sở Rác mặc dù đó là trường tiểu học nhà nước đàng hoàng. Chỉ cách thành phố con sông thế nhưng ở bờ bên này là khu ngoại ô nghèo, cái chợ nhóm dọc lề đường cũng bị gọi theo cái tên mọi người nghe qua là biết nghèo nàn ; “ chợ Sở Rác “. Đa số dân ngụ cư đều là dân lao động chân tay., buôn gánh bán bưng, cũng có những gia đình trước kia làm ruộng, sống trong vùng “ xôi đậu “ theo bà con dạt về tá túc nơi đây bởi không muốn khi con cái lớn lên nửa đêm bị những bóng đen xa lạ bịt mắt dẫn đi mất tích.

Cửa trước nhà tôi hướng mặt vào hông một ngôi chùa. Trước kia nơi đây là cửa chính vì còn mấy bậc thềm tam cấp tráng xi măng, vòm cửa hình tròn với ba khung cổng tam quan giống như hầu hết các kiến trúc của chùa chiền. Phía trên cửa chính là bao lơn đắp bằng xi măng chạm trổ hình búp sen thật to, khoảng trống trên ấy trước có thể là gác chuông, vết đạn lỗ chỗ in dấu chiến tranh từ thời trước vẫn còn lưu lại trên tường. Sư ông trụ trì sau này xây gạch bít hết các cửa và quay hướng cửa chùa ra phía đường lộ chính. Bây giờ hai bên chùa là vùng đất trống người ta chỉ cần cúng vào chùa một số tiền để xin Sư ông trụ trì khoanh cho một miếng đất cất nhà, căn nhà gia đình tôi ở là căn nhà thứ ba cất trên đất chùa và gần con lộ chính. Qua một vạt đất trống trồng mấy bụi trúc, hai cây dương cổ thụ, đi sâu vào phía trong còn một dãy nhà lá xộc xệch chia thành nhiều gian, ngày trước hình như là hậu liêu nhưng nay mỗi gian là một gia đình trú ngụ. Gia đình ông thầy mù dạy ca vọng cổ và bà bán cải chua ngoài chợ cũng ở đây. Có lần xảy ra tranh chấp giữa người thuê và sư ông trụ trì, tôi thấy một viên chức trên quận đi cùng vài người lính xuống phân xử, nhìn những gian chòi trống trên, hở dưới ông ta lắc đầu ngao ngán nói : “ Nhà như vầy làm sao ở mà sư đòi người ta trả tiền thuê ? Sư phải cất lại đàng hoàng mới được, nếu người ta tự sửa chữa thì sư phải trừ tiền cho thuê đến hết mới thu tiền.” Lần đầu tiên và cũng là duy nhất có chính quyền hiện diện trong việc xây cất. Đi vào sâu hơn nữa băng qua khỏi hai dãy mộ đá có một gian nhà thật to và rộng, vách che bằng những khung vẽ hình ảnh sơn màu đã bị mưa nắng làm lem luốc. Căn nhà là xưởng vẽ của một đoàn hát thuộc loại đại ban danh tiếng bởi thỉnh thoảng vẫn có chiếc xe mang bảng hiệu đoàn hát ấy ghé đến. Những ngày đầu mới dọn về nhà chưa có cầu tiêu riêng chị em chúng tôi phải men theo con đường đất vòng vèo dẫn đến mấy ao cá tra xa phía trong của những người Bắc di cư năm 54. Mỗi lần như vậy tôi hay tò mò nhìn vào những tấm phông vải sơn màu được tô vẽ bởi bàn tay người họa sĩ, chỉ là những mảng sơn xanh đỏ vô hồn, chỉ là một chiếc ghế gỗ ghép bằng miếng carton cứng sơn son thếp vàng, thế nhưng khi xuất hiện trên sân khấu là những lâu đài thành quách huy hoàng, chiếc ngai vàng lộng lẫy của bậc quân vương đầy quyền uy tối thượng có biết bao người muốn tranh giành.

Mảnh sân trước nhà ba tôi cho tráng xi măng chạy dài hết cả bực thềm chùa. Trong xóm chỉ có nơi này là sạch sẽ và rộng rãi nhất. Những ngày hè trời không mưa khoảng sân là nơi tụ họp tất cả con nít trong xóm, chúng làm tôi nhớ biết bao mùa vui trong những ngày đi học, niềm vui theo mùa nối tiếp nhau qua những trò chơi ; mùa đánh đũa của bọn con gái, trong cặp đứa nào cũng có ít nhất chục chiếc đũa, trái banh nhỏ nhắn chỉ to bằng trái chanh là quý rồi. Trò nào có được trái banh cũ thứ người ta đánh tennis bỏ đi là cả một tuyệt vời, là hạng nhất trong đám đánh đũa được chúng bạn xum xoe, ân cần. Trong khi đó đám con trai xúm quanh cái xe quay số vòng dù trúng hay trật cũng được người bán đưa cho một dọc ô hình màu mè khoảng chục tấm đem về cắt ra theo từng ô để mang vào trường chơi trò vít hình. Chỉ cần cầm một tấm hình lật qua lật lại sao cho tấm này nằm lên tấm kia hoặc rời nhau, mỗi đứa thay phiên nhau vít một cái và khéo tay làm thế nào để khi tan học trong tay nắm một cọc hình ăn được của đứa bạn. Khi trong cặp đứa nào cũng chứa đầy hình, thì mùa tạt hình nối tiếp. Bấy giờ không còn tỉ mỉ ngồi tìm một góc hình ló ra để vít nữa mà chung nhau một lần cả chục, hai chục tấm thành một chồng cao ngất, thay phiên từ đàng xa ném tới sao cho chúng lọt ra khỏi vòng tròn quy định. Bên đám con gái đánh đũa chán lại quay sang trò búng thun ; những ngón tay nhỏ nhắn co co, duỗi duỗi sao cho sợi thun của mình nằm chồng vào sợi kia và chỉ cần chồm qua một chút xíu là đủ hả hê ăn được nhỏ kia sợi thun mỏng manh. Đến lúc đứa nào cũng đầy ăm ắp thun trong cặp thì mùa nhảy dây lại bắt đầu. Những sợi thun mua trước cổng trường hoặc búng thun ăn của mấy đứa bạn được xâu lại, hai sợi ba sợi một vòng và dài hay ngắn tùy theo số thun nhiều hay ít mình có được.

 Thường thường mùa vui của lũ học trò cũng xuất phát theo những người bán rong trước cổng trường. Đám mưa đầu tiên rơi xuống chưa kịp rửa sạch bụi bám trên nhánh lá me mấy đứa học trò đã thấy anh chàng bán dế xuất hiện với cái lồng đầy dế bên trong. Tiếng gáy của mấy chú dế lửa, dế than như một bản nhạc thu hút những tên con trai có máu ăn thua, thế nào cũng phải nhịn quà sáng tậu ít nhất một chú dế thật chiến để đấu với dế của đứa mình ghét nhất.

Nhưng hấp dẫn hơn hết là những hàng quà ăn, ngoài những thứ thông thường có quanh năm không kể, mùa củ sắn người miền bắc gọi là củ đậu được người bán rửa sạch sẽ, buộc túm thành một bó nhỏ xíu độ dăm bảy củ, mỗi củ nhỏ hơn nửa nắm tay nên chỉ cần lấy răng ngoạm đuôi củ lột nhẹ vỏ, chấm phần thịt trắng bóc bên trong vào gói muốt ớt đỏ, nhai rau ráu và nuốt ực vị ngọt mát giòn tan trong miệng. Những trái trâm hình bầu dục chua chua, da bóng láng tím lịm môi miệng, nhánh nhãn rừng trái nhỏ bằng ngón tay út, cũng như trái sai còn được gọi là trái xa lông vỏ đen mướt như nhung đối với người lớn là thứ đồ trái cây “ tầm bậy “ nhưng vẫn là thứ có sức quyến rũ bầy học trò tiểu học như thường bởi chúng vừa với đồng tiền ít ỏi của mình.

Suýt chút nữa thì quên nhắc đến một thứ người ta không tin là chế biến ra vẫn thu được tiền con nít, đó là hột điệp rang ! Đầu mùa hè khi cây phượng vĩ trong góc sân bắt đầu trổ búp xanh, hàng me tây bên đường đã lủng lẳng những trái me đen dài. Thứ trái có vỏ đen nhám xù xì khi chín, lột ra bên trong rin rít chất mật trông ngọt ngào nhưng chẳng ai dám nếm thử. Người nghèo hái lượm về đập lấy những cái hạt vỏ có vân nâu, nhỏ bằng phân nửa hạt me, sau khi rửa sạch sẽ, phơi khô đem rang trong cát, cái nhân màu vàng bên trong nở bung tỏa một mùi thơm hấp dẫn, bầy con nít cắn tanh tách cái nhân bùi bùi, thơm thơm để rồi sau buổi học đứa nào cũng ôm bụng, ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi về nhà.

Đầu mùa hè trước khi nghỉ học là mùa đoán số, những cái hình dẹp dẹp làm bằng nhựa cứng đủ màu, này là hình cái nhà, cái xe được đánh giá trị một, cái tách nhựa, cái ly uống nước nhỏ xíu giá trị cao nhất là năm, à v.v. Người chơi giấu một món trong lòng bàn tay úp xuống và đưa về phía trước họp với hai ba bàn tay khác của mấy đứa bạn. Mỗi đứa nói một con số sao cho khi xòe tay ra, những món đồ trong tay cộng lai trúng với con số mình đoán là có quyền lấy tất cả các món đó. Trường hợp không ai đoán đúng thì bỏ ván đó làm lại. Ở đây toàn con nít nhà nghèo đồ chơi của chúng làm khác hẳn với những trò chơi tôi tham gia ở trường. Con nít nào cũng cùng nét hồn nhiên giống nhau dù hoàn cảnh mỗi gia đình mỗi khác. Mấy đứa em của tôi thân thiện rất nhanh với đám trẻ trong xóm. Những món đồ chơi đơn giản chúng tự tay làm ra, tạo niềm vui cho mình. Tất cả xúm xít ngồi trên những bực thềm trước nhà tôi vì nơi này có xi măng láng cóng, những cục đất sét dẻo quánh được vo tròn, đập lên, vất xuống nhào nặn. Cái tô, cái chén, con trâu, con heo ... và hàng bao nhiêu tác phẩm khác được sáng tác miễn là chúng xuất hiện trong trí tưởng tượng của đám trẻ. Về sau này khi lớn lên tôi mới biết khởi đầu của nghệ thuật tạo hình trong điêu khắc mỹ thuật cũng bắt đầu từ việc nhồi nắn những cục đất sét vô tri.

Ai bảo con nhà nghèo không có thú vui, chỉ cần một lon sữa bò rỗng với hai thanh tre ngắn, vài sợi thun và cái nút khoén đập dẹp làm được ngay một khẩu súng tiểu liên bắn nghe tạch tạch giòn tan. Hộp cá mòi đã ăn với bốn cái nút khoén là hình thành một chiếc xe kéo chạy vòng vòng, những thứ từ trước đến giờ khi ở thành phố chị em tôi chưa bao giờ trông thấy hoặc hình dung ra. Hôm qua khi chị em tôi xúm xít làm diều mấy đứa em khấp khởi nói với nhau :

- Diều của mình đẹp hơn của tụi nó hén
- Ừa, chị Mỹ Châu mua hết hai đồng giấy màu bao tập ở tiệm tạp hóa hai căn mờ.
- Diều của tụi nó dán bằng giấy vụn làm hàng mã xin được của ông Huynh Huệ bên chùa, làm sao đẹp bằng diều của mình.

Buổi trưa bà giúp việc không cần la hét bắt bọn nhỏ đi ngũ chúng cũng răm rắp nằm yên bởi tôi đã hứa sau khi ngủ dậy sẽ dẫn mấy đứa qua sân banh bên kia đường thả diều, trò chơi mấy đứa trong xóm chơi đã mấy ngày nay, vây mà tôi đã làm các em thất vọng. Chị em chúng tôi không có anh lớn, những trò chơi xuất phát từ phía con trai tôi đành chịu thua. Chơi trò làm nhà chòi, làm võng bằng cái khăn tắm để ru búp bê ngũ là sở trường của con gái như tôi thôi. Năm ngoái tôi cố gắng làm cái lồng đèn ngôi sao nhưng bị thất bại, năm nay lại đến con diều, cũng là mảnh giấy bao tập cắt vuông góc, thanh tre mỏng đặt giữa hai đầu chia mảnh giấy thành hai hình tam giác, thanh tre khác uốn cong nối hai đỉnh tam giác nằm trên trục thẳng, hai đầu tam giác xếp vào, dán cứng lại giữ cho thanh tre ngang thành hình vòng cung, trục giao nhau của hai thanh tre dán thêm miếng giấy màu vuông vức giữ chặt lại, vậy là xong đầu con diều, chỉ cần thêm râu, thêm đuôi đâu có khó khăn gì ! Nó cũng giống những con diều khác tôi thấy đang phất phới bay trên trời. Thế nhưng tại sao con diều của tôi không cất đầu lên được, chỉ bay quờ quạng vòng vèo vài cái rồi chúi đầu xuống đất !

Bữa cơm chiều tôi nuốt không muốn vô, ăn xong trong khi bà chị và mấy đứa nhỏ xúm quanh ba má ở nhà trên, một mình tôi lẵng lặng leo lên gác ra ngoài ban công phía sau nhà nhìn mông lung. Hàng rào lưới mắt cáo của người chủ ao vây quanh cái hồ nuôi cá đề phòng người khác câu trộm cao hơn hai thước mọc toàn cỏ dại dưới chân bên trên leo rậm rạp dây nhãn lồng. Đứng trên này nhìn xuống đón cơn gió từ mặt hồ thổi đến lòng tôi vẫn chưa thấy thanh thản chút nào. Chợt tôi trông thấy một vật trăng trắng tựa như cánh bướm khổng lồ đang bám vào cái hàng rào bay phập phồng theo làn gió nhẹ. Dụi mắt nhìn kỹ thấy hình dạng giống như một con diều, con diều băng của ai đó bị gió thổi vướng vào đám dây leo bằng khúc chỉ ngắn, nó nằm buông thõng cái đầu lắc lư theo gió.

Cả buổi tối tôi bí mật ngồi trên gác dán lại con diều băng với những tấm giấy màu bao tập học cũ của năm ngoái, giữ nguyên vị trí của khung tre và sợi dây cột lèo, tôi cắt dán hai mảnh râu hai bên, thay cái đuôi bằng những mảnh giấy màu mỏng manh xen kẽ thay vì cuốn lại thành hình dây xích như con diều cũ, xong xuôi tôi ngồi ngắm tác phẩm mới, lật qua lật lại nhìn nó tôi bỗng nhớ ra : “ A! Sao mình không làm cho nó con mắt ? Nó không thấy đường làm sao bay được ? “ Vậy là tôi dán thêm hai con mắt, tôi tự hỏi mình : “ Không biết mắt diều ra sao, dài hay tròn ? có giống mắt con chim phượng tôi nhìn thấy trong hình vẽ.” Tôi nhớ những năm ba dẫn chúng tôi về quê ngoại, gần bên nhà là trại mộc chuyên đóng ghe thuyền, thấy mấy chiếc ghe cũ nằm trên bờ trét lại dầu chai tôi hỏi ông Hai ghe, người chủ trại :

- Ủa, sao chiếc ghe nào người ta cũng vẽ con mắt chi vậy ông ?
- À! Người ta điểm nhãn cho nó đó mà.
- Điểm nhãn để làm chi vậy ông ?

Câu hỏi vần lân chắc khiến ông Hai ghe mắc cười nên nói

- Cho nó thấy đường để nó chạy chứ,

Chừng như thấy tôi vẫn còn thắc mắc ông nói thêm :

- Cháu thấy có con gì không có con mắt mà biết đi hay không ? Bây giờ ông bịt mắt cháu lại, đố cháu thấy đường để đi.

Đêm đó tôi nằm mơ, giấc mơ thấy con diều của mình bay tít trên cao, cao hơn diều của mấy đứa trong xóm, do bay cao quá con diều như trôi tuột vào đám mây mất hút, bên tai tôi nghe tiếng trẻ con nhao nhao : “ Diều băng, diều băng rồi..” Tiếng chân chạy rầm rầm trên thang gác, tiếng léo nhéo mấy đứa em làm tôi tỉnh giấc mơ, nhìn ra mặt trời đã lên cao, tại đêm qua thức khuya nên ngủ quên. Cẩn thận hơn lần trước, tôi giấu mấy đứa nhỏ con diều mới, phải cho nó bay thử trước khi dẫn chúng đi thả.
 
Chiều chưa tắt nắng, bầu trời trong veo xanh ngắt. Bãi cỏ bên sân banh nằm lọt thỏm trong vòng rào trại lính Bảo an gác chân cầu. Mấy anh lính hiền khô tha hồ tụi nhỏ vạch rào kẽm theo con đường mòn chạy vào chơi đùa ở đó. Mùa thả diều nơi đây không bao giờ vắng bóng con nít các xóm chung quanh. Những đứa thả xong cho con diều lên cao hết cuộn chỉ đang có, ngồi xếp hàng bên triền dốc cạnh chân cầu, phía dưới đám con nít lăng xăng chạy tới chạy lui trên tay cầm con diều lượn qua lượn lại, tôi thấy trong mắt mấy mấy đứa em nét hồi hộp nhìn con diều của mình, mấy đứa ngụ cùng xóm chùa thấy chị em tôi qua tới bèn giơ tay ngoắc, diều chúng đã thả xong đang uốn éo trên bầu trời, trao diều của mình cho con Lùn cầm giùm, thằng Liêm cháu ngoại bà Hai ốm chạy đến nói với Phong Châu

- Mày chạy theo hướng này nè, ngược với chiều gió diều mày mới lên được.

Hai đứa cùng chạy song song với nhau, thằng Liêm chỉ cho em tôi cách giật đầu con diều nương theo hướng gió. Con diều nhẹ nhàng ngóc đầu từng bước, uốn qua uốn lại thân mình hai lỗ tai phất phơ, cái đuôi uốn éo bay phần phật trong gió. Tiếng thằng Liêm la lớn :

- Thả từ từ cho hết chỉ ra, ừa làm vậy đó đúng rồi.

Hồng Châu nhảy tưng tưng vỗ tay :

- Diều bay, diều bay rồi chị ơi.

Ngồi trên bãi cỏ tôi vui vẻ ngắm nhìn nét hớn hở của mấy đứa em, Hồng Châu kéo tay tôi :

- Chị muốn gởi thơ cho diều không,

Tôi còn trố mắt ngạc nhiên nó đưa cho tôi mảnh giấy vuông nhỏ xé phân nửa theo đường xếp dẫn vào một cái lỗ nhỏ vừa vặn lồng vào sợi chỉ thả diều và lạ lùng thay mảnh giấy ấy chầm chậm, nhè nhẹ chạy tít lên cao nơi tận cùng để gặp gỡ con diều đang bay lượn.
oOo
   Những mùa vui của tuổi thơ sao thấy qua mau và ngắn lạ thường. Mùa hè năm sau tôi thôi không chơi đùa giống như con nít nữa, tôi bận học để dự kỳ thi tuyển vào Đệ thất trường công, gia đình tôi giờ xuống cấp vì nằm trong hàng ngũ công chức, quân nhân đông con. Chiến tranh leo thang, đời sống đắt đỏ, cả nhà đơn thuần sống bằng lương bổng của ba tôi, chỉ có học trường công lập không đóng học phí chị em tôi mới có thể tiếp tục việc học, mới không phải là gánh nặng cho ba má tôi thêm.

Ngày tháng dần trôi, trận chiến dần đi đến chỗ khốc liệt nhất, xóm nhà cũ ra tro sau trận tổng tiến công năm Mậu thân. Mùa vui hầu như mất hẳn, đám trẻ trong xóm lớn lên, có đứa chưa đủ tuổi cũng đi đăng lính như thằng Long, thằng Minh, thằng Tín chỉ còn lại thằng Cưng bị chém vào cột sống trong một trận ấu đã giành bắt cá ngoài vành đai thành phố là còn ở lại, nhưng má nó cũng xin cho nó lên tàu bệnh viện Mỹ để chữa trị hai cái chân bị liệt ; Bầy con gái lớn lên xin vào mấy xưởng dệt làm việc có xe đưa rước đàng hoàng. Trại lính bên kia đường giờ phòng thủ rất cẩn thận, bãi cỏ trở thành nơi đóng quân tạm thời thỉnh thoảng có một chiếc trực thăng hạ xuống để ông lớn nào đó đi thị sát vùng ven. Mùa hè không còn bất cứ một con diều nào bay lượn nữa mặc dù bầu trời vẫn trong xanh và mây vẫn trắng tinh. Người ta từ dưới quê lên, từ trong phố dọn về, những cái ao bị lấp dần để cất nhà, mảnh đất cuối cùng của xóm cũng được ông Năm Tuýt cất lên ngôi nhà ba tầng cạnh căn nhà hai tầng của Sáu Thu trước làm vũ nữ giờ nuôi gái bán bar. Nhà ông Năm tuýt lao xao bầy con gái lấy Mỹ ôm con lai về thăm đi ngang dọc trong hẻm. Thỉnh thoảng ghé về xóm cũ người quen hỏi thăm ba tôi sao không về cất nhà lại, ba tôi chỉ cười nói “ không thích “ nhưng tôi hiểu thâm tâm ông không muốn bầy con gái bị đánh giá thấp giống như những người láng giềng hiện tại.

Ai lại không nhớ và làm sao quên được những phút giây nồng thắm của thời thơ dại, đẹp đẽ, những kỷ niệm mỗi khi nghĩ đến là lòng bâng khuâng hối tiếc những mùa vui qua mau quá !./.

Cỏ Biển
Tháng Bảy mùa hè 2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011