SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

Hạnh phúc đợi chờ

Cỏ Hoang

Mới 27 cái xuân xanh, nhưng hắn sống âm thầm, lẻ loi, cô đơn như một thầy tu - đúng hơn - như một người hoàn toàn bỏ cuộc, đầu hàng số mệnh. Hắn không còn chờ ai, cũng không mong đợi điều gì sẽ xảy đến nữa. Ai đến rồi cũng sẽ đến. Cái gì tới thì sẽ tới. Sớm hay muộn cũng như nhau. Lâu nay hắn là như vậy đó. Lặng lẽ. Hững hờ. Không bon chen. Không háo hức. Không sao động.

Cuộc đời hắn cứ phẳng lặng như mặt nước hồ thu vậy. Cả giấc ngủ của hắn cũng âm u, cô tịch. Ngủ cho có ngủ. Rồi thức dậy. Đi làm. Rồi ăn cho có ăn, uống cho có uống. Rồi coi TV cho có chút tiếng nói bên tai, có chút hình ảnh hoạt đông trong thế giới lặng thinh của hắn. Rồi mở computer, vào internet, trả lời qua quít mấy cái emails. Rồi đi ngủ. Thức dậy. Rồi đi làm... Đời sống của hắn là một vòng tròn, tròn thật tròn. Cứ xoay, xoay... xoay mãi. Hết 365 ngày này lại đến 365 ngày khác. Hắn không còn một chút ý niệm gì về không gian và thời gian nữa. Ngày tháng cứ thế mà trôi qua.

Nhưng rồi một hôm, có một người làm “méo mó” cái vòng tròn sống cố hữu của hắn. Và kết quả là hắn cứ phải chờ, chờ và chờ. Hắn chờ trong đau khổ. Chờ trong hạnh phúc...

oOo

Một ngày như mọi ngày, đúng giờ hắn mở computer lên, vào internet, xem và trả lời từng cái thư một. Bỗng một ô vuông vuông, có chữ “Yahoo!. Messenger” hiện lên bất ngờ. Chuyện này thỉnh thoảng có xảy ra, nhưng hắn rất ghét cái mục “chit chat”. Hắn đang định xóa bỏ cái ô vuông này thì tình cờ mắt hắn đụng nhằm một cái tên ngay bên trên, góc trái, nghe ngờ ngợ như quen, nhưng cũng lờ lợ như lạ: “D Thao”, và bên trong khung trống xuất hiện hàng chữ “Hello anh P Tấn Huy. Anh khỏe không?” Quái! Là ai vậy? Còn biết hết cả tên cúng cơm của mình. Hắn moi óc ráng nhớ. D Thao, có thể là Dương Thao, Diên Thao, Dị Thảo, Đức Thao, Đặng Thảo, Đoàn Thảo... Đều không nghe quen! Gì gì thì vẫn là cái khoảng hắn không thích. Hắn điều khiển con chuột để vào dấu đi ra và tiếp tục làm việc.

Chưa đầy 30 giây sau cái khung nhỏ chớp chớp báo hiệu có người gửi tin. Hắn mở khung vuông trở lại. Lần này nhiều chữ hơn, “Anh Duy, em biết anh mà. Em còn quen anh nữa. Anh đang làm gì vậy? Ngày nào anh cũng lên internet giờ này há”. Trời ạ! Hắn rên rỉ. Đối phương rành rẽ cả thói quen, giờ giấc sinh hoạt của hắn. Còn hắn như kẻ đi khơi khơi ngoài đường cái và bị địch từ trong bụi rậm phục kích vậy. Hắn phân tích tình hình, địch - không - gọi địch nghe trầm trọng quá, đối phương xài chữ “internet”, vậy có nghĩa là đang ở bên ngoài Việt nam. Người ở tại VN dùng chữ “mạng”. Rồi tới “em”. Em là ai? Là trai hay gái? Lớn hay nhỏ? Già hay trẻ? Lại “còn quen anh nữa”. Quen ở đâu? Trong trường hợp nào? Ở bên đây hay trại tị nạn bên đảo? Không gian tĩnh mịch của hắn sắp nổ tung vì những thắc mắc không có câu giải đáp.

Hắn có lý do chánh đáng để thắc mắc, lo lắng, cân nhắc kỹ càng về thể loại của một “em” không chân dung kiểu này và bối cảnh cùng thời gian quen nhau. Hắn nhớ lại hồi còn sống bên đảo, mấy bà trên sáu mươi, thường mướn hắn viết thư kết bạn bốn phương gửi sang Anh, Pháp, Úc, Đức, Mỹ...Bà nào bà nấy như con trâu nước già, nên đã phải nhờ mấy em bé khoảng 14, 15 tuổi trang điểm thật đẹp rồi chụp hình giùm. Dĩ nhiên họ cũng thân tặng các em một hai kiểu, các em mừng hết lớn. Còn mấy bà thì mướn một tên thợ chuyên chụp hình dạo, rửa từ những hình này ra thành hằng tá hình khác để gửi đi khắp thế giới cho mấy tên bồ nhí miệng còn hôi sữa nhưng đầy lòng từ thiện. Vì viết thư mướn nên hắn chỉ phải sấp sếp ý muốn của chủ thư sao cho suôn sẻ, ngọt ngào, nhưng thật cảm động, dễ thương. Hình như hắn có tài ca bài con cá từ khi mới lọt lòng mẹ hay sao mà khi thư viết xong, hắn đọc lại cho chủ nhân nghe, mọi người chung quanh đều khóc sướt mướt như đang lâm vào cảnh đói khát, thiếu thốn, cơ hàn và thống khổ tột cùng thật sự vậy. Nhờ đó mà có bà hàng tháng nhận được từ khoảng 500 cho đến 1000 đô Mỹ đều đều trong nhiều năm liên tục từ những anh kép trẻ khắp thế giới gửi qua trại tị nạn.

“Phải dzậy mới sống được con à. Chứ con nghĩ coi, mấy dì ở đây 3, 4 năm không hè, mà không thân nhân, không nước nào nhận cho đi định cư hết. Nếu không nhờ những lá thư này thì mấy dì đã chết từ lâu rồi đa.” Mấy bà giải thích như vậy khi thấy hắn ngần ngừ không muốn viết mướn kiểu thư như vậy ngay lúc đầu.

Nhờ lợi tức viết thư cho những người tình không chân dung này, cùng với gạo và mắm muối của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tặng, nên hắn mới có thể sống lây lất cho đến khi được nhận vào Mỹ với đặc ân là còn dưới tuổi vị thành niên. Bây giờ, em nào biết và đang gửi thư cho hắn đây? Hắn cầu mong lịch sử không tái diễn lại lần nữa cho chính hắn! Nghĩ đến đây hắn mạnh dạn nhận vào chỗ “đóng” lẹ làng như kẻ đang hấp tấp chạy trốn một nguy cơ sắp ập tới vậy.

Nhưng rồi cái gì đến thì cũng vẫn đến. Cứ vài hôm cái ô vuông “nợ đời” này lại xuất hiện. Hắn lờ đi nhiều lần. Người gửi cứ kiên trì. Lần nào cũng vẫn những lời thăm hỏi buâng quơ, vớ vẩn, xoay quanh vấn đề sức khỏe, và mục đích chánh là nỗ lực để cạy miệng hắn. Nhưng hắn nhất định không mở miệng. Người gửi thì cứ dai dẳng, bền chí!

Cuối cùng hắn đành chịu thua! Hắn viết trả lời. “Em---,” hắn khựng lại và xóa vội chữ này. Lỡ như “em” là một chàng đồng tính với hắn thì sao? Hoặc một bà trên 60 tuổi? Hoặc một em bé dưới 18 tuổi? Hoặc... hoặc... và còn nhiều chữ hoặc khác... Gọi bằng “mày” thì hắn lại thấy hơi thiếu lịch sự. Thôi, cứ gọi trổng không cho an toàn.

“Đừng gửi cho tui nữa nghe. Tui không thích cái mục “chit chát” này đâu,” hắn viết.

“Em mà, đâu phải người lạ anh Huy. Anh bây giờ ra sao? Mập hay ốm? Anh đang ở đâu?” bên kia thăm dò.

Hắn hết kiên nhẫn rồi và định viết lại hỏi cho rõ em là ai nhưng chợt nhìn thấy chữ D Thao bên góc trái nên thôi. Vì hằn biết câu trả lời sẽ là “ Em là D Thao đây mà”! Cả đời hắn, tức là từ khi lọt lòng mẹ cho đến giờ là 27 năm, không hề quen ai có cái tên lạ hoắc D Thao này. Thôi được, muốn chơi trò cù cưa thì hắn chơi cho bõ ghét.

“Mập ốm hay ở đâu thì kệ tui. Không mắc mớ tới ai hết,” hắn viết trả lời một cách dấm dẳng. Rồi tắt computer một cái cụp và bỏ đi như chạy trốn.

oOo

Đúng là giờ đây hắn đang sống một cách âm thầm, đơn độc và “không mắc mớ tới ai hết!”

Sau năm 75, Ba hắn đi biệt không về. Mãi đến 2 năm sau mới có một người đàn ông tìm tới nơi mẹ con hắn đang ở, báo tin cho biết là đã nhìn thấy Ba hắn chết trong biển lửa tại một chiến trường khốc liệt ở miền Trung. Lúc đó mọi người, kẻ chết, người sống chạy tứ tán, không phương, không hướng. Người cựu chiến binh này thoát được, nhưng bỏ trốn về quê vợ tận miền Tây, mãi đến bây giờ mới có dịp lên Sài gòn. Ông ta băn khoăn vì không biết mẹ con hắn có nhận được tin dữ này chưa, nên tìm đến chỗ ở cũ của gia đình hắn mà cho hay. Hai năm nay mẹ con hắn trông chờ với hy vọng Ba hắn vẫn còn sống sót, nhưng bị bắt tù tội ở một nơi nào đó và cầu mong có một ngày sẽ lù lù xuất hiện bất ngờ trước cửa nhà. Giờ thì bao nhiêu hy vọng cùng sụp đổ tan tành theo vận mệnh đất nước. Mẹ hắn bán đồ đạc trong nhà, thu góp hết tiền bạc và gửi hắn đi vượt biên trong một chuyến tàu của người quen. Bà ở lại! Bảo với hắn là bà ở lại để trong trường hợp có gì xảy ra cho hắn thì còn người lo.

Sang đến đảo và vừa vào ở trong trại tị nạn vài hôm thì hắn trở thành tứ cố vô thân. Vì hắn được tin từ người quen mới tới trại sau hắn, báo cho biết là khi hắn đi được mấy ngày thì mẹ hắn ngã quỵ, bất tỉnh, hôn mê cho đến khi được chở vào nhà thương và mất luôn. Lúc nghe tin này, hắn chỉ ngồi lịm người, bất động, không nói, không khóc, cũng không ăn, không uống. Sau đó, hắn ra ngồi dưới một gốc cây to, có nhiều cành lá rũ khá kín khuất cạnh bờ biển ngày này qua ngày khác. Và nhìn về hướng Việt Nam - ở phương trời mịt mùng ngàn khơi đó, nơi có mảnh đất hình cong cong - đã chôn vùi nắm xương tàn của cha mẹ hắn. Rồi giờ đây, chính mảnh đất này lại tẩn liệm vĩnh viễn tuổi thơ ngọc ngà của hắn. Hắn 15, và bước sang tuổi người lớn chỉ trong một đêm!

Vẫn trong tư thế ngồi bất động, vô hồn đó, hắn nghe loáng thoáng bước chân đi trên cát và tiếng nói lao xao của đám trẻ con. Rồi một giọng nói của con gái nhỏ gần và rõ hơn.

“Đó, thấy hông. Em nói đúng mà. Là ảnh đó. Đúng ảnh rồi,” cô bé quả quyết.
Sau đó là tiếng con trai.

 “Hay quá anh Hai, mình kiếm ảnh mấy ngày rồi mới gặp,” giọng mừng rỡ.

“Được rồi, hai đứa im đi cho anh nói chuyện với ảnh,” hắn nghe tiếng người anh Hai này trả lời.

Và cuộc nói chuyện bắt đầu.
“Nè bạn, mấy anh em mình đi kiếm bạn quá chừng. Cả Ba Má mình cũng đi tìm phía bên kia, còn tụi mình phía này. Bạn về ở chung với tụi mình đi,” người anh Hai nói.
Im lặng.

“Bạn không thể ngồi đây mãi như vậy được đâu. Ráng lên nghe. Đi. Đi... Mình kè bạn về,” giọng nói của anh Hai lại tiếp.

Vẫn im lặng.

Sau đó hắn nghe bên tai giọng con gái lúc nãy.

“Anh à, anh theo tụi em về đi. Ngồi ngoài này lâu bị lạnh rồi đói nữa, dễ chết lắm đó.”

Hắn không nhúc nhích. Rồi hắn cảm thấy cánh tay phải bị giật thật mạnh và nghe giọng của đứa con gái lúc nãy nổi sùng, rầy rà.

“Sao anh lớn rồi mà còn hư quá dzậy? Mẹ anh đâu có biết là anh không thể tự lo cho mình được chớ. Phải mẹ anh mà biết anh dzở như dzậy thì đã để anh ở nhà chứ đâu có cho anh đi vượt biên làm chi!” cô bé chì chiết.

Ừ, mẹ hắn. Mẹ hắn sẽ thất vọng khi nhìn thấy hắn tệ quá mức như vậy. Mẹ hắn cho đi là để hắn tìm đường sống chứ đâu phải để hắn buông xuôi và chờ chết. Hắn gọi “Mẹ ơi!”. Nấc lên. Nước mắt tuôn trào. Rồi ngất đi...

Lúc tỉnh dậy, hình ảnh đầu tiên hắn thấy qua ánh sáng lờ mờ của buổi chiều nhá nhem tối, là gương mặt bầu bĩnh đang cúi sát gần mặt hắn của một cô bé khoảng 10 tuổi, tóc dài cột bính hai bên.

Cô bé reo lên, “ A... anh tỉnh rồi. Mẹ ơi, anh ấy tỉnh rồi.”

Và cái hắn nhìn được rõ nhất trong lúc này là hai má lúm đồng tiền cạn, hơi xoáy một chút trên gương mặt lanh lợi, lém lỉnh của cô bé, người đã lớn tiếng rầy rà, mắng mỏ hắn lúc gặp ngoài bãi biển!

Mọi chuyện tuần tự xảy ra như được kể lại. Sau khi hắn ngất đi thì ba anh em này vừa cõng, vừa khiêng hắn một quãng đường dài về đến trại tị nạn. Tại đây mọi người xúm xít nhau mang hắn lên bịnh xá - là một dãy nhà dài lợp tôn, dừng lá chung quanh với nhiều giường nhỏ sơ sài - mà hắn đang được nằm điều trị bây giờ. Khi người báo tin về cái chết của mẹ hắn trở lại tìm thì không thấy hắn đâu nữa, bèn lên văn phòng thường trực báo cáo. Sau đó mọi người đổ xô đi tìm và đám con ông Hậu đã gặp hắn ngồi dưới gốc cây. Ông Hoàng Đức Hâu - là người tình nguyện giúp việc trên văn phòng - đã hô hào và chủ động trong việc tìm kiếm này nhiều nhất. Ông Hậu biết hắn vì lúc hắn mới tới ông đã giúp làm giấy tờ và thông dịch cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc về trường hợp của hắn.

Vợ con ông Hậu đến thăm hắn thường xuyên, mỗi ngày đều mang cho hắn nào cháo cá, cháo đậu xanh, cơm trắng với tép rang. Lúc đầu hắn chỉ lắc đầu, từ chối không ăn. Nhưng nghe mãi cái giọng lải nhải, rầy rà, cằn nhằn rồi lên mặt dữ dằn, giận dỗi của cô bé lên 10 này làm hắn vừa bực mình vừa tức cười, hắn bèn húp thử muỗng cháo cá đầu tiên. Cái ngon của cháo thấm vào tận ruột gan, phèo phổi của hắn. Còn cái nét mặt mừng rỡ của người nhà ông bà Hậu khi thấy hắn bằng lòng ăn uống trở lại thì đã in sâu vào tận cùng tim óc hắn cho tới chết vẫn chưa phai.

Thế rồi hắn tấp vào sống chung với gia đình ông bà Hoàng Đức Hậu. Người anh Hai là Hoàng Đức Trung. Cô bé thích rầy rà mọi người là Tí Lúm và em trai nhỏ là Út Còi. Ông Hậu trước đây ở VN làm giáo sư dạy Toán và Lý Hóa tại trường Võ Trường Toản. Còn vợ ông là cô giáo Lan dạy Anh văn tại trường Trưng Vương. Sau năm 75, họ trôi theo dòng đời! Trôi theo dòng người, họ cuốn luôn cả con cái ra biển Đông, rồi tấp vào trại tị nạn này an toàn và chờ đợi ngày đi đinh cư ở một bến bờ tư do thực sự nào đó. Họ mất mát nhiều thứ. Thiếu thốn mọi bề. Nhưng cái vẫn còn lại nơi họ giờ đây là Tình thương và không thiếu Tình người. Hắn may mắn đã lọt vào quỹ đạo của họ. Cái may mắn còn sót lại sau bao nhiêu bất hạnh phủ lên đầu hắn!

Trung chỉ lớn hơn hắn 1 tuổi nhưng hắn cũng gọi là anh Hai. Hai đứa lại hạp tính nên thân nhau dễ dàng. Tí Lúm là em gái giữa, vừa 10 tuổi. Vì trên má có lúm chút đồng tiền nên trong nhà gọi luôn là Tí Lúm. Cô bé này thừa hưởng một chút tính ân cần, sốt sắng, chu đáo và tốt bụng của bà mẹ nên luôn luôn quan tâm, săn sóc và lo lắng cho tất cả mọi người trong nhà. Để hoàn thành sứ mạng này, cô sẵn sàng lên mặt chị Cả với anh Hai và em trai, bây giờ thì bao gồm luôn cả hắn trong đó. Hắn cũng không còn khó chịu khi bị cô rầy rà như lúc đầu nữa. Ngược lại đôi khi hắn còn thấy ngồ ngộ, tức cười và vui vui khi chọc cho cô bé la lối. Út Còi nhỏ nhất, mới 6 tuổi. Sau 75 vì thiếu dinh dưỡng nên cứ gầy ốm tong teo. Thế là em có tên Út kèm theo chữ Còi. Bộ ba của mấy anh em nhà này đi đâu cũng đi cùng, chơi gì cũng chơi chung mặc dù lứa tuổi có hơi cách xa. Bây giờ có thêm hắn, trở thành bộ bốn người. Ông bà Hậu đối xử với hắn cũng không có chút phân biệt nào.

Nhờ kiếm được chút đỉnh tiền bằng tài viết thư tình mướn nên hắn thường mua bánh trái cho cả bọn ăn chung. Có khi “trúng mối” kha khá thì hắn gửi bà Hậu mua thịt cá để tăng thêm dinh dưỡng cho gia đình. Lúc đầu bà Hậu không nhận, còn rầy la, bảo hắn có một thân một mình, phải biết tiết kiệm để đề phòng khi bất trắc. Hắn đứng đực mặt ra, buồn xo, không nói tiếng nào. Bà Hậu thấy cũng chạnh lòng, liền bảo hắn: “Thôi được, đưa đây rồi cô tính cho”. Nhìn nét mặt hớn hở của hắn, bà Hậu nhận tiền mà xót xa, cảm động sắp khóc.

Những bữa ăn trong ngày thường rất đạm bạc. Nhưng nhờ tài biến chế khéo léo của bà Hậu cùng không khí vui vẻ, ấm cúng của gia đình làm mọi người ăn thật ngon miệng. Một hôm, trong giữa bữa ăn, ông Hậu thông báo cho mọi người biết quyết định mới của ông.

“Các con ở không chơi như vậy đủ rồi. Bây giờ tất cả phải bắt đầu học lại để một khi được đi định cư, các con sẽ có thể tiếp tục học lên mà không gặp khó khăn gì”, ông Hậu nói.

Thế là cả bọn hắn đến dự những lớp học do người tị nạn tự tổ chức để dạy cho những đứa trẻ trong trại. Ông Hậu kèm riêng chúng Toán, Lý Hóa và bà Hậu dạy Anh văn. Bà Hậu còn dùng tiền hắn đã đưa cho sắm sửa quần áo, giầy dép tươm tất và sách vở cho hắn đi học như những đứa con của bà. Đời hắn tưởng chừng như đã mất mát, đã tan nát hết thì giờ đây hắn thấy nó giống như những cuốn sách lật sang trang vậy. Hắn đang lật những trang mới kế tiếp và xếp lại những trang cũ qua rồi.

Thời gian hàn gắn được vết thương cũ thì cũng có thể làm rạn nứt thêm vết mới khác. Thật vậy! Những ngày êm ấm, hạnh phúc của hắn trong gia đình này chưa đầy một năm thì hắn được chọn đi định cư tại Hoa Kỳ. Mọi người, kể cả hắn, vừa vui mừng vì đã biết được dứt khoát tương lai hắn đi về đâu, vừa buồn bã vì sự chia ly sắp tới. Gia đình ông bà Hậu là gia đình thứ hai hắn mới tìm được và không muốn phải rời xa họ. Rồi còn có cơ hội gặp lại nữa không? Ông bà Hậu và mấy người con sẽ tới bến bờ nào? Những câu hỏi này quay cuồng trong đầu óc hắn khi hắn một mình lặng lẽ ra ngồi dưới gốc cây mà trước đây hắn đã ngồi ngó ra biển khi hay tin mẹ mất. Hắn ngồi như vậy thật lâu. Lâu lắm! Cho đến một lúc hắn cảm thấy dường như có một người đang ngồi cạnh hắn từ hồi nào mà hắn không hay biết gì cả. Rồi một bàn tay nhỏ nhắn nắm chặt lấy bàn tay của hắn. Rồi hắn nghe tiếng “hích, hích...” cách quãng và cuối cùng thì tiếng bật khóc của Tí Lúm.

“Em không muốn anh đi một mình. Em muốn cả nhà mình cùng đi chung,” cô bé vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc.

Hắn cũng muốn khóc theo. Làm sao đầu óc nhỏ bé của em hiểu được nỗi phức tạp này?

“Khi anh lớn anh sẽ đi tìm em và gia đình,” hắn ráng nén xúc động, vừa vỗ vỗ vào vai cô bé vừa nói.

 “Thiệt hả?” cô bé vụt nín khóc và hỏi lại.

“Ừ, thiệt!” hắn quả quyết.

Bàn tay cô bé đang nắm chặt bàn tay hắn vội buông ra. Cô bé đưa ngón út tới trước mặt hắn và ra lệnh,

 “Ngoéo tay đi!”

Hắn vội vàng đưa ngón út mình lên và hai ngón tay móc vào nhau, rồi để yên vậy cho tới lúc trở về trại. Hắn cảm thấy trong bụng dễ chịu hơn nhiều.

Người nhận bảo lãnh và nuôi hắn là hai vợ chồng bác sĩ người Mỹ gốc Đức, đang làm việc cho một bịnh viện lớn tại Boston, thuộc tiểu bang Massachusette. Họ không con cái nên quí và thương yêu hắn hết lòng. Bước đầu của hắn tương đối dễ dàng, trôi chảy, hội nhập vào môi trường mới mau lẹ. Hắn học hết Trung học rồi chuyển sang Đại học thẳng một lèo. Cha mẹ nuôi hắn rất hài lòng, hãnh diện về hắn. Còn hắn nỗ lực và cố sức học vì một động lực khác: để thực hiện một lời hứa khi còn bên đảo.

Nhưng mọi việc không phải luôn suôn sẻ như hắn dự tính! Khi sang đến Mỹ, hắn viết thư qua đảo cho gia đình ông bà Hậu thường xuyên. Hắn xin phép cho mẹ nuôi để giữ một chân bỏ báo ngày và tiền kiếm được hắn gửi hết cho họ. Rồi đùng một cái, cha mẹ nuôi hắn chuyển qua vùng Bắc Cali để làm việc cho một bịnh viện lớn và có tiếng hơn. Trước ngày đi hắn nhận được thư của ông bà Hậu báo cho biết sắp có tin vui, gia đình sẽ đi định cư sớm và sẽ cho hắn địa chỉ sau. Đó cũng là lá thư cuối cùng của họ! Vì khi qua đến Cali, ổn định xong chỗ ở và có địa chỉ chắc chắn rồi thì hắn gửi hàng loạt thư qua đảo mà không có thư trả lời. Hắn buồn bã vô cùng mà không biết làm sao. Tiếc một điều là lúc đó hắn còn nhỏ, chưa học xong Trung học nữa, nên không biết xoay xở thế nào. Còn ông bà Hậu thì đã không viết thêm một chữ cho hắn biết sẽ đi quốc gia nào, nên công việc tìm kiếm của hắn càng khó khăn hơn.

Hắn không bao giờ bỏ qua một cơ hội nào mà có thể tìm kiếm và liên lạc lại với gia đình ông bà Hâu. Hắn nhắn tin trên báo chí, radio, đài truyền hình VN... Thậm chí mỗi khi đi vào đám đông, hắn luôn nhìn dáo dác, mắt soi mói vào từng người một, để ráng tìm lại một nét mặt quen quen, một giọng nói cũ may ra có trong đó. Nhiều lúc hắn cảm thấy thật nhớ, muốn và thèm được nghe lại tiếng rầy rà, cằn nhằn, cự nự và nhìn lại nét mặt cau có, nhíu mày, trợn mắt của Tí Lúm mỗi khi không vừa như ý. Nhưng rồi vẫn bặt bóng chim tăm cá!

Năm tháng dần trôi. Hắn vào Đại Học. Ra trường. Rồi đi làm. Niềm hy vọng gặp lại gia đình ông bà Hậu mỏi mòn, vơi đi. Nhưng những bất hạnh cho đời hắn thì càng tăng chồng chất thêm lên! Năm hắn 25 tuổi, cha mẹ nuôi của hắn rủ nhau đi leo núi tại một vùng núi cao hiểm trở bên Âu châu. Trong một tai nạn do tuyết lở, họ đã bị chôn sống mấy ngày trong tuyết sâu, lúc tìm được họ thì chỉ còn là xác ướp không hồn. Hắn nhận xác mang về chôn mà cảm thấy như chôn chính cuộc đời còn lại của hắn xuống sâu trong lòng đất vậy. Hắn thừa hưởng của họ một ngôi nhà rộng lớn mênh mông, cả một tiểu đội ở cũng chưa hết chỗ, một gia tài có thể sống đến già cũng không thiếu và một “hắn” còn lại với trái tim khô héo, với tâm hồn rỗng tuếch như hiện giờ. Định mệnh thật trớ trêu! Cái mà hắn tha thiết cần có nhất - là tình thân mến, sự thương yêu nồng ấm của một mái gia đình - thì cứ lũ lượt rủ nhau bỏ hắn mà đi. Còn cái hắn không bao giờ màng tới - là của cải vật chất - thì cứ tồn tại ở đó!

oOo

Đã ba hôm rồi hắn không mở email cá nhân. Vì lý do gì hắn cũng không rõ lắm. Sợ bị thất vọng? Bị lừa bịp? Bị chọc ghẹo, phá chơi? Hắn cảm thấy tự do của mình đang bị xâm phạm, đời tư đã có kẻ xen vào, thói quen thường ngày bị thay đổi một cách vô lý. Đối phương thì úp úp, mở mở, còn hắn thì mù mờ như đêm 30. Đôi lúc hắn muốn thử nói chuyện qua lại để xem có điều tra thêm được chi tiết gì không, nhưng lại ngại ngần, không muốn bị vướng mắc vào cái lôi thôi nhảm nhí.

Hôm nay hắn ngồi trước computer đã gần một giờ đồng hồ. Mắt cứ nhìn trừng trừng vào chữ “mail”. Lưỡng lự. Ngần ngại. Mở? Không mở? Mở? Mấy hôm trước hắn cũng ở vào tâm trạng tiến thoái lưỡng nan này, nhưng cuối cùng thì tắt máy đi ngủ. Bỗng dưng hôm nay hắn ấm ức, bực bội vì thấy mình không còn là mình nữa mà dường như đang bị áp đặt dưới một quyền lực vô hình nào đó. Nghĩ đến đây hắn nóng mặt và mạnh dạn nhấn vào chỗ “mail” rồi ngồi chờ...Chưa thấy gì! Hắn lần lượt trả lời những email bị tồn đọng mấy ngày qua mà mắt cứ liếc nhìn xuống góc phải, nơi cái ô vuông “nợ đời” thường hay xuất hiện. Chờ mãi vẫn không thấy gì. Chán! Hắn bỏ đi ngủ sớm.

Hôm sau, hắn lại tiếp tục đợi chờ “ai đó” trò chuyện trở lại. Như một thói quen thôi thúc, chưa tới giờ như mọi khi, nhưng hắn vội vã ăn uống qua loa, tắm rửa thật lẹ làng, rồi mở email ra và ngồi chờ. Lại vô sự! “Ai đó” có lẽ đã hiểu được ý hắn nên không quấy rầy nữa. Hắn kết luận và thở ra. Lẽ ra đó phải là tiếng thở ra nhẹ nhõm mới phải, nhưng ngược lại hắn có cảm tưởng như là tiếng thở dài thất vọng của mình vậy. Nhiều ngày kế tiếp, hắn sống trong bồn chồn, trông mong, hy vọng. Chờ cái gì? Mong một người bá vơ, xa lạ xuất hiện trở lại để làm quen? Hay chơi trò “chit chat” mà xưa nay hắn vốn ghét? Hắn thật sự cũng không rõ. Hắn không còn hiểu chính hắn nữa. Dường như hắn có một chút xíu thay đổi gì đó...

Đúng vào cái lúc mà hắn tưởng chừng như sắp quên đi sự quấy nhiễu của “ai đó” và đã gác bỏ sự chờ mong vớ vẩn, khùng điên của mình qua một bên, thì cái ô vuông “nợ đời” kia bỗng xuất hiện trở lại. Hắn reo lên một tiếng như mừng rỡ và vội vàng tìm đọc những chữ mà hắn trông mong.

“Hello anh Huy,” bên kia viết. Chỉ có vậy! Hắn thất vọng.

Hắn ngần ngừ rồi quyết định nhập cuộc.

“Hello!” hắn gửi lại. Rồi chờ một lúc (nhưng hắn thấy lâu ơi lâu à).

Bên kia đang gõ máy. Rồi gửi, “Lâu nay anh vẫn khỏe chứ? Chắc anh không nhớ em là ai đâu. Nhưng em vẫn nhớ anh đó.”

Chết rồi! cầm chắc như là thua nhe. Hắn than thầm. Rồi trả lời, “Xin lỗi!”

“Em nhớ hồi bên trại tị nạn anh hay viết thư mướn cho bà Năm Hột Xoàn, cô Mụ Tư, bà Tám Móm...phải không?” bên kia viết tiếp.

Trời ạ! Hắn rên. Giờ thì một liều, ba bảy cũng liều. “Em là ai?” hắn hỏi.

“Lần nào anh viết thư ở ngoài cái sạp chợ em cũng đều có mặt. Em hay mặc quần sọt và áo thung hường,” bên kia gửi thêm.

Chết thật! Vậy là bắn trúng mục tiêu rồi em ơi. Hắn lẩm bẩm, rồi ráng moi óc nhớ. Hồi đó mỗi lần viết thư, hắn đều tập trung, dồn hết tâm trí vào công việc, đâu có nhìn chung quanh. Hơn nữa mỗi lần như vậy, người lớn và con nít bu trong bu ngoài, làm sao hắn biết và nhớ ra ai với ai? Còn nữa, mấy đứa con trai, con gái nhỏ lúc ấy bên trại gần như đều mặc quần sọt và áo thung hết. Vì thứ nhất là kiếm được gì thì mặc nấy, thứ hai là cho mát mẻ và gọn gàng. Như vậy những tin tức thu lượm được đều vô bổ! Hắn vừa thất vọng vừa bực mình nên đánh vội mấy chữ, “Tui không biết gì hết. Đừng làm phiền tui nữa”. Rồi tắt máy và đi ngủ.

Nhưng rồi hắn lại trằn trọc, trăn trở, không ngủ được. Sau khi cắt đứt một cách thô lỗ, cộc cằn, đột ngột với “ai đó” thì hắn lại rơi vào trạng thái áy náy, thấy trống vắng, mất mát và nuối tiếc. Cảm giác này thật không dễ chịu chút nào cả!

Hắn suy nghĩ miên man... Đầu óc hắn lùi dần về khoảng thời gian bên đảo. Lúc ấy hắn đã nhiều lần thầm ước ao gia đình ông bà Hậu sẽ mãi mãi là gia đình của hắn. Giờ này họ đang ở đâu? Có bình yên và vẹn toàn? Họ có nhiều thay đổi không? Trung giờ đang làm gì? Tí Lúm và Út Còi giờ chắc đã thành người lớn. Tí Lúm! Hắn ngồi bật dậy như lò xo. Phải rồi! Tí Lúm thuở ấy cũng hay mặc quần sọt với áo thung hường. Sao đầu óc hắn lại ngờ nghệch và ngu muội thế chứ? Có thể nào D Thao là Tí Lúm ngày xưa không? Bộ bốn người họ dạo ấy đi đâu cũng đều đi chung. Nhưng sao D Thao chỉ cố điều tra tin tức về hắn mà không nói gì nhiều về bản thân cả? Làm sao biết được tông tích người này bây giờ? Hắn bức tóc, gãi tai, loay hoay mở email để tìm địa chỉ của D Thao. Tìm mãi rồi cũng ra. Hắn định viết thư cho D Thao để hỏi xem có phải là Tí Lúm không, nhưng chợt nghĩ nếu như “ai đó” mạo nhận thì sao? Trong lòng hắn nôn nóng vô cùng mà vẫn chưa tìm được biện pháp nào thỏa đáng. Cuối cùng hắn đành tạm quên ý kiến này để đi ngủ vì ngày mai còn có cuộc họp quan trọng trong sở.

Hàng năm hãng của hắn đều có một phiên họp toàn chi nhánh các nơi tựu về. Mấy lần họp trước hắn vô cùng bận rộn vì phải chuẩn bị để lên thuyết trình. Lần này may mắn thoát khỏi nên hắn tìm một góc kín khuất ngồi để không ai chú ý đến. Mục đích chính là ngồi ngủ gục mà không ai thấy vì đêm rồi hắn ngủ thật ít. Đang lơ tơ mơ nửa thức nửa ngủ thì hắn nghe giọng nói như quen quen của một thuyết trình viên mới lên trình bày về quảng lý thị trường. Hắn chuyên về kỹ thuật, không phải ngành nghề nên hắn chẳng quan tâm, cũng chẳng chú ý đến người đang trên bục diễn thuyết. Nhưng chính âm giọng đặc biệt của người này làm hắn tỉnh ngủ. Hắn lắng nghe, giọng trầm, ấm và đặc biệt có âm dài như dư hơi ở mỗi chữ cuối cùng. Tiếng nói này, âm giọng này, hắn có nghe qua, nghe nhiều lần nữa. Nhưng ở đâu thì hắn chưa nhớ ra. Tiếc là hắn đã chọn chỗ ngồi tuốt phía sau cùng, lại lơ là, không chú ý nghe khi giới thiệu tên người diễn thuyết. Hắn ngóc đầu rướn cổ cao lên, cố nhìn mặt người đang nói. Nhưng xa quá nên chỉ thấy được dáng người cao ráo, nét mặt vuông vức, rắn rỏi, khá đẹp trai và là Á Đông. Hắn định bụng sau phiên họp sẽ tìm để nhìn lại người này xem có quen không.

            Tan họp thì cũng vừa tới giờ ăn trưa. Mọi người túa ra cùng một lúc. Hắn bị làn sóng người xô đẩy tới lui mãi mới thoát ra khỏi đám đông. Đang đứng nhìn dáo dác, tìm kiếm chưa thấy gì thì hắn bị một đám bạn đồng nghiệp cùng phòng vây quanh và định kéo đi ăn trưa chung. Hắn chưa kịp phản ứng thì nghe tiếng sếp lớn của hắn gọi từ xa.

“Huy, Huy! Tới đây tôi giới thiệu với anh một người mới sắp đổi về làm chung. Từ nãy giờ anh trốn đâu mà tôi tìm hoài không thấy?”

“Tại em không đủ cao cho xếp nắm đầu lôi ra từ trong đám đông thôi,” hắn khỏa lấp.

“Lại đây! Lại đây!” Sếp lớn vồn vã đẩy một người cao ráo, đẹp trai vừa trên bục diễn thuyết lúc nãy tới trước mặt hắn và giới thiệu, “Đây là---”

Hắn nhìn sững người này chỉ trong một giây thôi rồi thảng thốt kêu lên “---Anh Hai!” Và nhìn trân trối người hắn vừa gọi bằng anh Hai mà nghẹn lời, nước mắt rưng rưng.

“Có thể như vậy sao? Huy đây mà! Huy đây mà!” Người hắn vừa gọi là anh Hai lập đi lập lại tên hắn như không tin sự thật.

Rồi họ ôm chầm lấy nhau trước bao con mắt ngạc nhiên và tò mò của nhiều người.

Thế đấy, suốt 12 năm tìm kiếm gian khổ, mỏi mòn, vô vọng. Cuối cùng hắn gặp lại Hoàng Đức Trung, con trai lớn của ông bà Hậu trong một dịp thật ngẫu nhiên, bất ngờ. Đúng là Tạo Hóa trêu người! Hắn bây giờ trở lại là một Phạm Tấn Huy của thời còn ở chung với gia đình ông bà Hậu bên trại tị nạn. Đời hắn lại mở ra một chương sách mới từ đây.

oOo

Họ gặp nhau. Trăm ngàn điều thắc mắc tuôn ra. Hắn được biết nhiều năm qua gia đình ông bà Hậu củng cố tình tìm kiếm hắn mà không kết quả. Họ đinh cư tại Tiểu bang Minnesota. Trung sẽ chuyển về chung hãng với hắn ở vùng Vịnh Bắc Cali nay mai và rắp tâm dời cả gia đình theo vì ông bà Hậu đã già, đau yếu thường xuyên, không chịu được cái lạnh lẽo vùng Bắc Mỹ. Tí Lúm học y tá 4 năm, vừa ra trường và cũng đang có ý theo anh về vùng nắng ấm. Út Còi xin được học bổng của Đại học Stanford và đang theo học năm thứ nhất tại đây. Mọi chuyện cứ như là có toan tính, sắp xếp trước bởi một bàn tay vô hình mà theo hắn, mằn mơ cũng không có được vậy.

Hắn cảm thấy như đang bay bổng, lơ lửng trên chín tầng mây. Như người vừa hồi sinh, hồn còn lâng lâng, chân đi không đụng đất. Đôi lúc hắn không dám tin là thật nếu không có sự hiện diện của Trung ở đó. Họ cùng đi với nhau đến trường để rước Út Còi ra. Trên đường đi, vì không đè nén được cái điều thắc mắc ấp ủ trong lòng lâu nay nữa nên hắn để tuôn ra.

“Tại sao trong thư Thầy Cô (hắn quen miệng gọi ông bà Hậu như thế) không cho em biết là sẽ đi định cư ở nước nào?” hắn hỏi Trung.

“Lúc đó chánh phủ Úc chấp nhận cho đi trước. Ba má anh cũng đồng ý vì đã chán ngán cảnh ở trại tị nạn quá lâu rồi. Nhưng Tí Lúm nó cứ khóc lóc, nằng nặc đòi đi qua Mỹ để gặp em, nên Ba anh còn chần chờ, chưa ký giấy tờ. May mắn làm sao!

Cũng đúng trong thời gian này gia đình anh được phái đoàn Mỹ gọi lên phỏng vấn. Đó là do sự bảo lãnh của một ông giáo sư người Mỹ mà Ba anh đã quen biết khi đi du học. Vì vậy nên tính đợi đến thư sau mới báo cho em biết sẽ đi về đâu, nhưng lại không may trùng vào lúc gia đình cha mẹ nuôi em đã dọn qua Cali rồi.” Trung giải thích.

Cám ơn em, Tí Lúm. Anh cũng đã đi tìm em mãi mà không gặp. Nhờ em mới có ngày hôm nay. Hắn nói thầm trong đầu và định bụng tối nay sẽ xin Trung số điện thoại để gọi cho Tí Lúm.

Út Còi giờ đã là một sinh viên trẻ trung nhưng chững chạc, lực lưỡng và đẹp trai, khác hẳn với cậu bé ốm yếu, gầy còm khi xưa. Nhìn em từ xa đang đi tới, hắn biết chắc một điều là nếu tình cờ hai người có gặp mặt, họ cũng sẽ không thể nào nhìn ra nhau. Hắn đứng im lặng chờ xem em phản ứng thế nào. Đúng như hắn nghĩ. Út Còi đi thẳng lại chỗ Trung đang đứng, bá cổ anh và tíu tít.

“Anh Hai! Em chờ anh mấy ngày nay rồi đó. Em biết anh bận họp nên không gọi cho anh”. Rồi quay sang nhìn hắn, gật đầu và chờ Trung giới thiệu.

“Em không nhớ ai đây sao? Anh Huy đó.”

“A! anh Huy! Anh Huy bên đảo. Anh Huy viết thừa,” em reo lên, bỏ lửng câu nói và bá cổ hắn rồi nhảy vòng vòng y như hồi còn nhỏ.

Hắn có cảm giác sung sướng đến lịm người, đến ngộp thở, đến mất cả tiếng nói và sự suy nghĩ. Cứ để mặc cho Út Còi ôm hắn mà xoay nhiều vòng đến mấy phút.

“Anh không ngờ Út Còi giờ lại to lớn, dũng mãnh và đẹp trai như vậy,” cuối cùng hắn cũng ráng tìm lại giọng nói của mình và lên tiếng.

“Em là Điền Thao. Tên Út Còi đã bỏ lại bên đảo rồi và không còn ai nhắc tới nữa,” Út Còi vừa cười vừa đính chính.

“Điền Thao! D Thao! Là em? Người đó là em?”

“Anh nói gì?”

“À không, anh nói anh sẽ gọi em là Điền Thao,” hắn nói láo.

Hắn ráng nhớ lại thật nhanh xem trong mục “chitchat” trả lời qua lại có điều gì quá đáng không. May quá, hình như Điền Thao cũng không có ý nhắc đến chuyện vừa qua. Niềm vui chưa tan, nhưng trong lòng hắn mang mang một chút thất vọng. Hắn thầm mong ước người gửi thư đàm thoại với hắn lâu nay là Tí Lúm chứ không phải Điền Thao.

Họ cùng đưa nhau về nhà hắn hàn huyên, bàn tính chuyện đến thật khuya. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng Trung cũng bằng lòng theo sự van nài, khẩn khoản của hắn là khi gia đình di chuyển sang đây sẽ trú ngụ tại nhà hắn. Tất cả đều đồng ý theo yêu cầu của hắn là khoan báo tin cho ông bà Hậu và Tí Lúm về việc họ đã gặp lại nhau.
“Để dành sự ngạc nhiên bất ngờ cho mọi người,” hắn nài nỉ.

“Được rồi, em đã tính đi chung với anh về gặp gia đình thì anh giữ kín cho vài hôm cũng không sao. Ba mẹ và Tí Lúm biết tin này sẽ mừng vô cùng. Nhất là Tí Lúm, lúc nào nó cũng để tâm tìm kiếm em.”

Rồi như chợt nhớ ra điều quan trọng, Trung dặn dò hắn, “Nhớ khi gặp nó em đừng gọi nó là Tí Lúm nghe, nó sẽ không nói chuyện với em đâu đó.”

“Vậy gọi bằng gì?” hắn sững sờ. Tên Tí Lúm hắn nghe đã quen tai, luôn thấy gần gũi và thân thiết vô cùng. Giờ Tí Lúm đổi tên khác! Hắn nghe hụt hẫng, cảm thấy như vừa bị mất mát một cái gì mà hắn đã hết lòng trân quý lâu nay. Như đọc được ý nghĩ của hắn, Trung vội lên tiếng giải thích.

“Nó không có tên mới nào đâu. Tại em không biết đó thôi. Cũng như Điền Thao, lúc mới sinh ra nó đã được đặt tên là Đan Thảo rồi, nhưng lúc bé mọi người thấy nó có 2 đồng tiền xinh xinh nên gọi là Tí Lúm rồi thành danh luôn. Bây giờ nó hết còn con nít rồi mà là một cô thiếu nữ trẻ đẹp và duyên dáng, vì vậy nên nó chỉ muốn lấy lại tên cúng cơm của mình thôi.”

Tí lúm là Đan Thảo. Đan Thảo là D Thao. D Thao là Tí Lúm... Tí Lúm mặc quần sọt áo thung hường! Đất trời chao đảo. Đầu óc hắn quay cuồng. Lâu nay hắn nói chuyện với Tí Lúm mà không hay biết gì cả! Hắn mở email ra và ngồi chờ. Bây giờ là 3 giờ sáng bên kia. Hắn biết Tí Lúm đang ngủ, nhưng vẫn thích ngồi trước computer và đợi chờ. Vì như vậy hắn có cảm giác gần kề bên Tí Lúm hơn. Ngày mai hắn lên máy bay và sau vài tiếng đồng hồ hắn sẽ gặp lại những người mà hắn coi như gia đình thân yêu ruột thịt đã thất lạc lâu nay. Những người luôn mở vòng tay đón hắn vào. Những người cũng giống như hắn, vẫn còn chủ tâm tìm kiếm nhau...

... Và cuộc tìm kiếm kéo dài suốt 12 năm! Kết quả sau cùng là sự đoàn tựu sắp tới. Nghĩ đến giây phút gặp lại mọi người, hắn có cảm giác ngầy ngật như say rượu, thấy mình chới với, bềnh bồng, bị cuốn hút. Rồi hụt hơi, đuối sức và chìm sâu vào dòng sông hạnh phúc bất ngờ đang cuồn cuộn chảy xiết. Bây giờ thì hắn biết sự đợi chờ nào cũng đầy đau khổ lẫn với hạnh phúc tuyệt vời. Bên tai hắn văng vẳng tiếng của Tí Lúm, “Sao anh hư quá dzậy!” Hắn muốn được nghe giọng rầy rà, mắng mỏ này suốt cả đời.

Cỏ Hoang
San Jose Oct 14, 2011

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011