SỐ 52 - THÁNG 10 NĂM 2011

 

    
VỀ MOONGLOW PARK

Phạm Hồng Ân

Vòng vo lên xuống cả mấy tháng trời với mấy ông địa ốc ở San Diego, cuối cùng tôi quyết định mua một căn Mobile Home nằm trong khu Moonglow Park, Escondido. Ông địa ốc như vẫn còn muốn nuối tiếc, chưa chịu buông tôi, gãi đầu gãi tai phân bua đôi câu :

- Anh suy nghĩ chưa? Mua nhà phải cho đáng cái nhà. Lúc này, kinh tế xuống, tiền lời ngân hàng đâu có bao nhiêu!
- Gia đình tôi đã đồng lòng với nhau rồi ông ạ! “Liệu cơm gắp mắm”.  “Cửa rộng lầu cao” ai mà không ham thích, nhưng tình hình này, ông thấy đó, biết bao nhiêu ngôi nhà bị “kéo”.
- Nhưng mà ... Mobile Home nào có giá trị gì đâu. Nó chỉ là một loại tiền chế, vật liệu rẻ tiền.

Thấy ông cứ giằng co như thi kéo dây, tôi liền “phán” một câu để chấm dứt “tình nghĩa” đôi đàng :

- Mua nhà để ở, để che nắng tránh mưa, chứ đâu phải để tranh đua hay “trình diễn” với thiên hạ đâu ông bạn?

Ngày đầu tiên qua Mỹ, khi đặt chân vào khu apartment vùng East San Diego, gia đình tôi đã cảm thấy sung sướng và nghĩ rằng cuộc đời mình đang bắt đầu bước lên một nấc thang huy hoàng rồi. Vì so với căn chòi thiếu trước hụt sau ở vùng quê bên Việt Nam, căn phòng này quá tiện nghi và quá ấm cúng. Niềm sung sướng chưa tận hưởng được bao lâu thì thằng con trai duy nhất của vợ chồng tôi bỗng ngứa ngáy đôi chân, muốn bước những bước giang hồ phiêu linh qua các tiểu bang khác. Bây giờ, qua 16 năm trôi nổi, bỗng dưng nó muốn mang vợ con về sống với cha mẹ. Thôi thì, hai gia đình ở hai phương, nay sum họp lại một nhà, chỉ còn cách mua một Mobile Home vừa thuận lợi vừa tiết kiệm đủ điều.

Trước khi chấp thuận khu Moonglow Park, tôi vào Wikipedia để tìm hiểu về lịch sử của căn nhà lạ đời này. Ngày xưa, Mobile Home còn có tên là Caravans hay Trailers. Nó chỉ là 1 unit nhỏ có gắn bánh xe để được kéo theo, khi chủ nhân muốn du ngoạn hay cắm trại. Bắt đầu từ năm 1950, Unit này được cải biến thành căn nhà, đặt yên một chỗ trong khoảng thời gian lâu dài. Từ năm 1956 trở về sau, Mobile Home được qui hoạch từng khu vực và càng ngày càng không ngừng cải tiến. Ngày xưa, mỗi căn Mobile Home chỉ có chiều rộng là 8 feet với loại single-wides đơn giản. Ngày nay, Mobile Home rộng và dài hơn nhiều. Có căn y hệt như ngôi biệt thự với diện tích từ 1,800 đến 2,000 square feet bằng loại mới hiện đại double-wides hay triple-wides. Người ta còn sử dụng gạch làm nề xung quanh phần đáy của Mobile Home.

Đọc xong Wikipedia, tôi nhất định trả pay-off căn Mobile Home ở Moonglow Park. Sau khi hoàn tất thủ tục Escrow, căn nhà thật sự thuộc quyền sở hữu của tôi. Nó mới hoàn toàn và xinh xắn từ trong ra tới ngoài. Tôi thích nhất cái carpot rộng rãi chứa đến 3 xe. Thích nhất khoảng hành lang thênh thang ở mặt tiền, nơi đó có thể đặt một chiếc bàn ngồi uống cà phê, rung đùi nghe tiếng chim kêu líu lo trên hàng cây bên vệ đường. Thích nhất những khoảng đất bao quanh khu nhà, vợ tôi sẽ tha hồ trồng rau cải và đủ loại hoa, bù lại 16 năm ngồi co ro ở Apartment chật hẹp, chẳng bao giờ có được một phân đất để quậy bùn. Bước vào trong, màu vàng mịn màng của chiếc thảm đã làm tăng vẻ sắc sảo của căn nhà. Thảm trải suốt căn nhà, ngoại trừ Kitchen được lót bằng gạch. Thảm dẫn tôi đi đến các phòng. Nào là Master room và 3 phòng ngủ khác. Nào là living room, family room, và có thêm chỗ đặt cặp máy giặt và máy sấy. Như vậy mỗi lần giặt quần áo, tôi sẽ không còn cảnh chạy xe lòng vòng kiếm phòng giặt tập thể nữa.

Ngày đầu tiên sống ở đây chẳng khác nào thêm một lần nữa đổi đời. Tôi ngủ ngon giấc đến sáng, thức dậy bởi tiếng chim kêu ríu rít trên các vòm cây. Buổi sáng bình yên một cách tỉnh lặng. Tôi có thể nghe từng tiếng cựa mình của những búp hoa vừa hé cánh. Tiếng cỏ non vươn đọt ngoài sân. Tiếng lăn tròn của những giọt sương trườn dài trên phiến lá. Bên kia đường là dãy community house còn loe hoe vài ánh đèn, ông manager đã ngồi trước sân uống cà phê với mấy ông bạn già. Thấy tôi, họ "good morning" thân thiện và chúc mừng niềm nở. Phía sau dãy community house là khu vực swimming pool rộng lớn, với những hàng ghế nằm trải dài xung quanh, dành cho các tay bơi phơi gió phơi nắng. Dân Moonglow park ngoài một số người già hưu trí ra, đa số đều là dân thợ có nghề nghiệp đàng hoàng. Mỗi ông mỗi chiếc truck, cứ sáng sớm chất đồ nghề lên xe, chạy đi làm khắp nơi, tới chiều mới trở về park. Họ là thợ tiện, thợ xây dựng, thợ cơ khí, thợ ống nước, thợ điện, thợ cắt cỏ...v...v... Họ rất lịch sự, lễ phép và kính trọng những người lớn tuổi như tôi.

Trong lúc tôi lui cui sửa soạn bên trong căn nhà để tiếp đón gia đình thằng con trở về, thì vợ tôi lại lăng xăng bên ngoài với những chòm hoa luống cải. Bà xin hạt giống từ các bạn già, rồi làm cỏ trộn phân, gieo đủ thứ giống trên đất, từ cải bẹ xanh đến xà lách, húng cây, tần ô, rau đắng, cà, ớt, hành, hẹ ...v...v... Phía trước nhà, bà chơi hoa.  Cũng như rau cải, bà vào Home Depot mua đủ thứ hoa, nào là: hồng, cúc, hướng dương, tulip, lay-ơn, thược dược, anh đào, trạng nguyên... về đặt đầy rật trong sân. Bà tận dụng luôn cả hành lang, treo lủng lẳng những vò hoa đủ sắc đủ hương do chính tay bà chọn lựa từ các vườn hoa của Garden Shop.

Mặc dù niềm vui đang tràn dâng trong lòng, nhưng khi nhìn lại thân thế, dường như tôi thấy thiếu vắng một điều gì? Chỉ nghĩ đến chừng đó, bà vợ tôi đã đi guốc trong bụng :

- Tôi biết ông buồn vì hoàn cảnh hiếm hoi chứ gì?
- Chứ còn gì nữa! Sang Mỹ, gia đình người ta đông con, bù qua sớt lại với nhau để sống. Đứa thành công dìu dắt đứa thất bại. Đứa bất hạnh nương tựa đứa may mắn. Còn mình, chỉ có một cây một trái, vậy mà nó bỏ đi tuốt luốt mười mấy năm đằng đẵng, bây giờ tui với bà sắp “hui nhị tỳ”, nó mới chịu trở về.
- Sao? Ông nói sao? Ông chỉ có một vốn mà bây giờ đẻ ra lãi mẹ lẫn lãi con. Còn đòi hỏi cái gì nữa? Chiều nay, thằng quí tử của ông sẽ dẫn con dâu và ba đứa cháu nội về. Ông chuẩn bị ra phi trường đón tụi nó, ở đó mà lo than với thở?

Chiều đó, căn Mobile Home của tôi như muốn nổ tung bởi những trận cười giòn tan. Các đứa cháu nội đua nhau chạy vòng vòng quanh phòng family room. Chúng bá cổ bà nội nũng nịu đủ điều. Chúng lôi ông nội xuống thảm, bắt làm ngựa cỡi đi khắp nhà. Còn thằng con và vợ nó thì chui đầu vào bếp trổ tài nấu nướng. Chẳng bao lâu những thức ăn ngon bày đầy bàn, mọi người tha hồ ăn uống, tha hồ kể lại chuyện xửa chuyện xưa. Trong không khí đoàn tụ, tôi chợt nhớ lại quãng đời đi qua của mình. Ngoài thời gian ấu thơ sống với cha mẹ trong mái ấm gia đình ở ngoại ô thị xã Cà Mau, vợ chồng tôi chưa có được một căn nhà đàng hoàng để tá túc. Từ khu gia binh thời Việt Nam Cộng Hòa đến căn chòi tạm bợ dựng sơ sài trên đất của người chị bà con... đã để lại trong tôi những nỗi đau của thân phận nước sông gạo chợ. Chỉ ở nước Mỹ, gia đình tôi mới có cơ hội vươn lên. Chỉ ở nước Mỹ, những đứa cháu nội như : Tammy, Cindy, Golden... mới có chỗ đứng ở xã hội, mới thật sự xóa đi những dấu vết bẩn thỉu mà chế độ nghịch thù đã cố tình bôi trét lên thân thế ông cha của các cháu.

PHẠM HỒNG ÂN
(Escondido, 02/07/2011)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2011