SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Bùi Giáng : một Triều thơ luân sinh

riêng tặng Ngô Thanh Nhàn, người cho tôi những tập thơ đầu của Bùi Giáng.
THI VŨ

Mây lãng đãng giữa núi và trời. Sương thầm thì giữa mây và nước. Ai bảo sương không là hoa ? Từ hoa nắng lung linh đầu ngọn lá đến cành mai trắng nở lưng đèo một sáng mai xanh... Sự luân sinh giữa lòng cây cỏ, đất trời, vũ trụ, mở ra bao nhiêu mầu nhiệm mỗi ngày. Sự luân sinh giữa ý và lời bật thành ngữ ngôn siêu tục là Thơ. Ngôn ngữ thơ nhào nặn bản năng thành tư tưởng, thành nếp sống vượt lên thường tục để con người thường nhiên tự tại trước bao đột kích của ý thức hệ hay lối sống vong thân.

Anh đi -- ngữ điệu đười ươi
Em về -- ngữ thể vẹn mười tiên nga
...
Anh đi -- ngôn ngữ quáng lòa
Em về -- ngữ thể thực thà ngôn thân

Đó là thơ Bùi Giáng.
Thơ Bùi Giáng cũng như thơ Nguyễn Du. Người ta có thể viết về chữ nghĩa, cấu trúc trong Truyện Kiều, bình luận về tâm sự và con người Nguyễn Du, phát hiện các giai thoại chung quanh cuộc sống Nguyễn Du. Nghĩa là làm công tác của nhà giáo thông minh, nhà sư phạm tài hoa, nhà nghiên cứu cần cù. Nhưng khi động tới nguồn thơ Nguyễn Du, thì ta chỉ lắng lòng đọc thuộc như người mẹ ru con bằng ca dao, ta chỉ sống với như sống mối tình thầm lặng nỗi cháy nơi khe núi thâm tâm.
Những câu thơ của Bùi Giáng như:

Hỏi rằng người ở quê đâu ?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà,
...
Sông ơi ngươi bỏ sa mù
Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau
...
Em về giũ áo mù sa
Trút tà phong nhụy cho tà huy bay
...
Bây giờ em để quần đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao
...
Đi về với gió du côn
Mở tồn sinh xuống cõi tồn sinh phai
...
Em đi ngày đó thình lình
Rồi sau ngày đó một mình anh đi
Em đi ngày đó một mình
Rồi sau ngày đó thình lình anh đi
...
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
... v.v...

đã đem lại cho thi ca Việt một điều gì mới. Mới không do phá cách. Cách điệu vẫn thường nhiên tự xưa nay. Mới không ở từ ngữ tân kỳ. Chữ vẫn là chữ thường dụng, tuy vị trí chúng trong câu thơ vang lên ngữ điệu khác, khui phong những không gian kỳ bí lạ thường. Bắt chúng ta nghi vấn, xui chúng ta đặt lại những giá trị, thúc giục ta suy nghĩ cách khác. Khác với hiện tại tang thương và thảm họa.

Xưa nay trong cơn trở vỏ, lột da, người làm thơ hay muốn thoát ly lối diễn tả cũ càng để tìm phương cách mới phù hợp với sự động mình nơi tâm tưởng. Những cuộc xông xáo như thế đã bỏ lối thơ Đường – kỳ thực là loại Đường thi thù tạc, trường ốc – chuyển qua thơ mới, thơ mới nhảy thành thơ tự do, thơ tự do quay qua uốn lượn câu, chữ...

Khi mất ý và tứ, người ta đi tìm chữ. Khi thiếu chữ người ta đặt bày ra cấu trúc. Thiếu chữ không riêng việc nghèo nàn từ ngữ, mà còn là bội chữ, những chữ mất hồn, thiếu máu, vì bị vắt kiệt nghĩa uyên nguyên. Tưởng là mới, là có khám phá, kỳ thật nhiều nhà thơ ở nước ta ưa sống cuộc đu dây táo bạo qua về trên hai mốc thí nghiệm của các nhà thơ Pháp những năm 30. Hết Thi Sơn (Parnassien) đến Siêu thực đến Đa đa (Dadaisme), hết Đa đa đến Kết chữ (Lettrisme)... Cứ thế luân hồi lưu lạc trong cuộc lang thang đi ngang chứ không đi tới.

Những nỗ lực như thế không thấy ở Bùi Giáng. Anh một mình một cõi thong dong tái lập nguồn Thơ đông phương Việt suốt hạ bán thế kỷ XX. Như Nguyễn Du ở hạ bán thế kỷ XVIII. Những kỷ thời đấu đá, chưa phải đấu tranh. Và là đấu tranh cho nhân văn.

Mấy thế hệ qua, chúng ta đi xa biệt nguồn cội đông phương quá lắm. Chỉ biết lấy cái của người làm của mình. Ký giả Lô Răng kể lại giai thoại : "Có một buổi, mời Bùi Giáng tham dự buổi hội 'bàn tròn' về thơ tượng trưng. Ông đọc thơ Bích Khê, thơ Đinh Hùng, thơ Rimbaud, thơ Verlaine rồi sau đó đọc luôn thơ Lý Thương Ẩn rồi tuyên bố ngang xương rằng 'thằng cha này mới là tượng trưng hơn hết'".  Ngang xương hay gọi thức ? gợi nhớ ? Chủ nghĩa Hiện sinh thường sững dậy trong ta những tên tuổi Jean-Paul Sartre, Kierkegard… nghĩa là sản phẩm tra vấn, buồn nôn hay phi lý của Tây phương. Song ít ai chú tâm tới dòng Hiển sinh dấn thân của Đông phương. Con người không chỉ ý thức về triết lý (tra vấn theo điệu thể Tây phương), mà con người làm triết lý (bằng cuộc dấn thân trong điệu thể Đông phương). Một bên nắm cái toàn thể bằng sự đối nghịch giữa hữu hạn và vô hạn, hữu thần và vô thần, khẳng định và phủ định. Một bên thể hiện cái toàn thể bằng cuộc nhập hóa tương duyên. Con người thôi làm kẻ trung gian cho vọng tưởng ảo hóa; con người hiển sinh cái toàn thể như một chứng nhân chuyển hóa.

Các câu thơ của Bùi Giáng trích trên thoáng qua đầu viết xuống, nên đã quên xuất xứ. Mà thơ Bùi Giáng không có tập dù anh đã xuất bản hàng chục tập thơ. Thơ Bùi Giáng không có bài, dù bài nào cũng đặt tiêu đề. Tên tập thơ, tiêu đề các bài chiếu lệ bày ra như một thứ "hòa hợp hòa giải" nơi "hậu đình hoa". Thơ Bùi Giáng là một triều của tứ, một phong triều tư tưởng đang tư tưởng lại. Bỏ hết các tiêu bài, kết lại bên nhau vẫn hòa nhập trong dòng thơ dài lộng như con sông Cửu Long chảy từ tây Tạng viễn khơi đến tận chân không xanh.

Các nhà thơ tiền chiến lập công đầu thi hóa ngôn ngữ Việt. Thơ phơi phới những niềm chiều, nỗi nhớ, những tình vang và ý thiết, những nhú người khua động bình minh. Thế rồi khói lửa bùng lên, thơ chính luận ra đời để lý sự chuyện nhân gian, kiểu "cái hầm chông là điều nhân đạo nhất" (Chế Lan Viên). Thơ đánh mất không gian thênh ngát trong và ngoài tâm cảnh. Người thơ lý sự kéo nhân gian vào cơn túy lúy, phát triển khoảnh khắc vô thường làm vĩnh hằng ảo tưởng.

Khi đã nhìn viễn tượng lúc đầu xanh
Cũng vô lý như lần kia dưới lá

Một bi kịch hãi hùng khiến

Tờ giấy mỏng mấy lần không chịu nổi
Những hình qua quái ác anh vẽ nên

Khiến

Anh đi – ngôn ngữ quáng lòa
Em về - ngữ thể thực thà ngôn thân

Em là chân lý ? em là lý tưởng ? hay em là hình và bóng tuyệt vời nở giữa đời ta một giọt sương long lanh ? Em là thân thể lay động suốt đời người ? Chớ hỏi. Bời vì thơ là vấn cú. Thơ là dấu hỏi tỉnh thức, không cần câu đáp. Thơ khước từ đối thoại so tài. Thơ khước từ chạy vòng theo thảm họa. Thơ vượt lướt giới hạn cốt thoát đêm đại hồng thủy (J'ai couru jusqu'à l'issue de cette nuit diluvienne – René Char). Thế thì hẳn cứ hồn nhiên phiêu bồng "Xin về với gió phù du. Mở trang trí huệ cho mù sa bay" trên mặt đất lai rai lúc chiều hôm mộng mị. Mạnh bạo hơn thì "Xin về với gió du côn. Mở tồn sinh xuống cõi tồn sinh phai". Cõi tồn sinh vô ký mở ra thay cho nỗi tàn phai nơi sinh tồn đấu đá giành nhau mấy tia ánh mặt trời rải vung vô hạn!

Dù muốn hay không, dù em mang huy hiệu, danh tướng gì, em vẫn tràn lan ngày tháng trên bình minh không tắt. "Em từ vô thủy vô chung, về đây một thuở tao phùng phút giây". Em mang tên Thúy Kiều, Diotima, Béatrice, Cosima, Sylvie, Adrienne… làm khao khát những vùng sa mạc Từ Hải, Hölderlin, Dante, Nietzsche, Gérard de Nerval… Hoặc em là lẽ đạo làm bồn chồn khắc khoải những linh tâm tu sĩ. Có một lần ký giả Lô Răng viết rằng "ở Bùi Giáng có rất nhiều hình ảnh, âm thanh gần gũi với cái giống… lá hoa cồn, liên tồn, tồn lưu…" hẳn là thế, song trong chúng ta ai không "Chim kêu vì nhớ rừng già. Người kêu vì nhớ đàn bà khắp nơi" ? Chỉ là nói hay giả bộ không nói đó thôi, chỉ là nhớ ít hay nhớ nhiều cái chốn sinh thành lay lắc ấy. Sau này chưa biết ra sao nơi trùng trùng thiên giới. Chứ trên mặt đất này, xô ta vào đời là "họ", vất ta vào cõi tâm linh cũng là "họ", hèn hạ hoặc anh hùng đều có bàn tay "họ" nhúng vào. Phải vậy không ?

Anh khắp rừng cao xuống lũng sâu
Tìm em đi hái lộc xanh đầu (HC)

Những ai cứ mải sầu thương than khóc, trầm đắm lo âu hay hốt hoảng trước hăm dọa của sống chết, sinh tử. Thì em hiện tới nhắc nhủ cái trụ thời hiển sinh đáng giá nghìn vàng. Trụ thời hay khoảnh khắc nhân sinh trên mặt đất, vốn vô tận hơn cả phút giây ngắn ngủi của những lần sinh, những lần chết. Thoắt một cái, ta sinh ra. Thoắt một cái, ta ngã chết. Nhưng trụ thời ưu ái giang qua hàng tỉ tỉ hơi thở, mà cũng là hơi Thơ, thì ta lại quên đi. Phụ tình và ruồng rẫy nó, làm như nó không có, làm như nó đã bị hủy diệt từ lúc sơ sinh. Nó thôi làm bệ phóng cho cuộc sống luân sinh băng vượt qua những cửa ô sinh và tử. "Mưa nguồn từ thuở tuôn ra. Tới bao giờ dội màu hoa trên ngàn" ?

Người ta hay dọa nhau chuyện luân hồi quay đảo. Hẳn nhiên luân hồi là vòng luẩn quẩn, chạy quanh chiếc trục khổ đau, uẩn ức nghìn đời hay trong một kiếp. Tựa kẻ cầm cây hương quay mãi những vòng hương khôn dứt trong đêm, đến quên mất vòng kia chỉ là một chấm sáng do mình vừa thắp. Thế nhưng Thơ, người Thi sĩ, là cách là kẻ bứt phá chiếc vòng này, dẫn ta vào dòng sống vô bờ, nơi sinh và tử chỉ là những lần đột biến. Để luân sinh miên viễn.

Anh điên mà dzui dzẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu

Chúng ta hình tượng một Bùi Giáng điên. Chúng ta hình tượng về người khác, tra vấn, chê bai hay kết án người khác. Nhưng ít khi tự vấn, ít khi nhìn lại cái thể cái thân mình. Ừ nhỉ người điên kia – người Thi sĩ – y điên sao y lại thảnh thơi vui thú ? Còn ta chẳng những không điên mà còn rất tỉnh táo, ta bảnh bao quần áo, ta cao chức nhiều danh, ta tự kiêu tự mãn nhất đời, mà sao ta lại không vui, cứ hiu hắt, cứ cằn nhằn năm canh suốt tháng ? Bất ổn quá lắm. Tại sao ? Vì tâm hồn đang sa mạc hóa trong thời buổi mạt thế chăng ? Thời buổi mà văn nghệ, phê bình, ý thức hệ cứ liên miên hý luận, liên miên tàn phá, phế lụi những cảo thơm muôn thuở.

Người đi như đạp xe đua
Kẻ về chểnh mảng thêu thùa gió trang

Ở đời trong cõi lem nhem
Người thương lem luốc kẻ thèm loạn ly

Đi và đi mải đi miết như xe đua. Đi biền biệt không biết dừng. Nguy ngập hơn, không muốn trở về. Làm sao về khi chưa có chốn ở, không nơi trú ngụ, không vết tích sử xanh ? Như một đoàn quân ma vừa bị trục xuất khỏi chốn dương trần. "Đường đi xa lắc em đi. Lối về xa lắc em về được không ?". Đi như thế chỉ kéo theo sa mạc. "Em đi đắm đuối tấm lòng. Có bao giờ biết người trăm năm buồn". Chuyến giã biệt ra đi quá thình lình khiến kẻ liên quan phải vội vã một mình đuổi theo đi. Song thể thống nhất tương vầy đã chia rẽ, không gian và thời gian làm cách trở thêm. Như bóng với hình. Hình lìa bóng bước tới một mình, dù bóng thình lình biết được thì duyên nợ đã trễ tràng:

Em đi ngày đó thình lình
Rồi sau ngày đó một mình anh đi
Em đi ngày đó một mình
Rồi sau ngày đó thình lình anh đi

Những chữ bình dị qua cấu trúc bình thường như thế sao dấy lên điều gì làm ta thốn tâm ? Có thể nó vừa nói lên bi kịch những kẻ hủy diệt đời nơi hư vô chủ nghĩa. Những kẻ đi theo thể điệu tự ly dị mình, như bóng ly dị hình mà không biết nguyên nhân đến từ tia ảo ảnh tà huy :

Người đi cuối cuộc hành trình
Quy hồi bất chợt thình lình thấu ra

Biết bao thi sĩ lên đường với một hành trang chữ nghĩa để lý sự chuyện nhân sinh, rồi quên mất đường về. Bùi Giáng cũng hành trang với vô vàn chữ nghĩa trong Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột và hàng chục tập thơ khác. Nhưng anh thủ sẵn một chốn quy hồi, một chốn về với người Em chưa một lần ly dị trên bước thi tưởng. Dù năm phen bảy bận anh múa nhảy muốn làm đười ươi, dù anh nhào lộn đùa vờ với đủ thứ ngôn ngữ quáng lòa khắp nơi chốn thập thành.

Anh đi – ngữ điệu đười ươi
Em về – ngữ thể vẹn mười tiên nga

Anh đi – ngôn ngữ quáng lòa
Em về – ngữ thể thực thà ngôn thân

Bước đi vong thân quệt vết trên sa mạc thứ ngôn ngữ quáng lòa. Chỉ khi rời sa mạc trở về như bước chân kia của Em mới mang về đầy đủ tự thể thắp hồn cho tấm thân ngà ngọc kiêu sa. Chữ trả lại cho lời. Lời trong nghĩa nguyên ngôn, chứ không là lời đàm tiếu, lời rập khuôn, lời của chiếc lưỡi không xương. Ngữ về với ngôn. Thể về với thân. Không làm bước đi về thái thậm ấy, tất cả chỉ là cuộc tầm ruồng.

Tầm ruồng kể chuyện té ra
Ngôn từ rốt cuộc từ xa vắng từ

Triều thơ luân sinh của Bùi Giáng vừa trả lại cho nguồn thơ Việt "ngữ thể vẹn mười tiên nga" bị đánh mất suốt thời gian nô lệ và sa đọa tinh thần vì ảo ảnh của loại trí thức cỏ bồng. Thứ cỏ bồng mà có lần Nguyễn Du hạ bút viết "Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp" – một phiến cỏ bồng bị gió Tây thổi trốc gốc cuốn đi.
Thi sĩ điên trên đất nước này hầu như chỉ có mình Bùi Giáng. Cứu vớt trời thơ Việt ra khỏi chốn đảo điên mộng tưởng hình như cũng lại là Bùi Giáng đó thôi.
Đã bao lâu rồi "Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa" ?

THI VŨ
Giáp Tết Mậu Dần (1997)

Ghi chú : tất cả những câu thơ viết nghiêng (mà không ghi tên thi sĩ) trong bài này đều là thơ Bùi Giáng.

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012