SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

14.  (tiếp theo)

Trong mê màng tay mẹ cha trìu mến ấm đọng vai con. Hạnh phúc, khổ đau, li biệt, đoàn viên khẽ khàng trôi trong váng vất chiêm bao của dòng sông quá khứ. Mặt bàn ấm má giấc ngủ tuổi thơ rã mềm loang chìm theo dòng nước. Tay ấm mẹ cha vỗ về con ngái ngủ vụt biến thành cánh chim bay xa tắp mơ hồ. Lục Hà chới với gọi theo, sặc sụa trong làn nước cuộn rồi như có ai đó kéo xốc ngược lên hoảng hốt vô chừng.

- Trời đất! Út ra ngoài này hồi nào mà để bị trúng gió nằm lạnh tanh dzậy nè!

Lục Hà thấm lạnh rùng mình tỉnh cơn hồi tưởng về mẹ cha.

- Cha mẹ về thăm em. Cha sắp sửa cõng em đi ngủ thì chị Ba tới kéo người ta dậy. Lãng xẹt!

Người đàn bà ở đậu hốt hoảng dìu Lục Hà vào nhà.

- Nhỏ Út này chắc bị ma nhập rồi. Út hổng được làm chị Ba sợ à nha.

Út Hà ngờ ngợ quay nhìn dòng sông khuya. Chẳng một cánh chim bay. Đêm bên dòng sông Trẹm bao la, trời nước sâu nhập vào hương rừng mùi đất như cơ hồ rơi vào nơi u mình tận cùng sáng tối. Nàng rưng vui nghĩ tới ánh mắt mẹ cười buổi chiều giỗ cha lần cuối cùng trước năm mẹ mất. Mẹ kể về kỉ niệm đặt tên cho con gái. Lần cha mẹ đầu tiên với nhau trên dãi lục hà Tiền Giang.

Lục Hà mỉm cười bước vào nhà. Những lần thất vọng chán chường tưởng như quỵ ngã trên đường đời, con gái đã vịn vào kỉ niệm sôi nổi đời mẹ và hạnh phúc tình yêu mẹ cha trao mớm cho nhau mà đứng dậy. Như đêm nay...

Chiếc vỏ lãi len lỏi cập vào bến chợ Thới Bình lúc chợ nổi trên ngã ba sông còn dày kín đò ghe huyên náo tiếng người. Nữ nhìn cảnh tấp nập đang trở thành quen thuộc mà tưởng chừng chợ nổi Cà Mau đã theo nàng lan dài tới tận nơi đây. Ý nghĩ mang tới cho Nữ nỗi vui trở về, bất chợt mà sâu lắng cưu mang khiến nàng không muốn ngồi yên chờ đợi. Cây cầu nhỏ bắc qua sông. Ghe xuồng ngược xuôi lan tỏa trên mặt nước như bầy lá tre quây quần trong chậu nước tuổi thơ. Xóm phố nhà mái ngói rêu phong nằm khuất mình trong bóng mát cây già. Nữ bước đi trong ước mơ. Bóng người thân mừng rỡ đón chào. Dáng anh trong áo lính hào hoa...  Mơ tưởng chóng tàn lụi theo con phố ngắn trơ trụi và những căn nhà cửa đóng im lìm. Nữ quay về bến chợ. Nước chảy dưới cầu lắt lay theo từng bước chân buồn bã của người khách lạ.

- Cô Hai cho hỏi thăm...

Hai người đàn bà đối mặt nhau trên chiếc cầu vắng người qua lại. Nữ nhìn cô gái nước da trắng xanh dưới lớp khăn rằn quấn đầu, buột miệng.

- Có phải chị là Lục Hà ?

Cô gái gật đầu, vẻ mặt e dè tan biến sau nụ cười tươi, liến thoắng hỏi chào.

- Xin lỗi chị Nữ thứ mấy ? Em là Út Hà. Vỏ lãi tới hà rầm hai ba chuyến rồi mà hổng thấy ai lạ. Em nói trong bụng mửng này là bữa nay chị chưa xuống tới. Gần hai tuần rồi, sáng nào em cũng chờ ghe đò Cà Mau cho tới trưa. Út Hà nhìn chăm vào mắt Nữ, cười tươi hơn...  Hèn gì anh Tuân mấy năm nay ngày nào cũng nhắc tới chị.

Nữ bật cười vì câu nói của cô gái.

- Nữ cũng là út trong nhà. Mà...  đón người quen chớ ai lại đi đón người lạ. Với lại tại sao mà hèn gì?
- Tại đúng là như dzậy. Khách đi đò Cà Mau dzô em biết mặt gần hết. Em tính hễ chờ thấy cô gái nào thiệt đẹp mà lạ mặt chưa hề thấy ở Thới Bình thì phải là chị Nữ. Đi đón người lạ để tìm người quen là dzậy đó.

Nữ chỉ tay nhìn về phía xóm nhà cổ, phân bua.

- Nữ thấy dãy phố giống một góc phố cổ ở Hội An quê mình nên tò mò. May mà gặp chị trên cầu chớ không là tối nay ngủ bụi rồi.
- Nhà ông bà ngoại em để lại ở cuối đường, dưới bóng cây còng già nhất...  Thôi mình xuống bến đi. Nhà anh Tuân phía sông Trẹm, xuồng chạy cả giờ mới tới. Coi dzậy mà hổng sao. Ảnh làm ngoài ruộng mía nhiều khi tới tối mịt mới về. Còn gặp khi đệ tử hải quân thời trước của ảnh mời nhậu thì khỏi biết luôn.

Xuồng ra sông Trẹm, Út Hà để máy ghe chạy đều. Hàng cây ven sông chen lẫn trong đám dừa nước nở hoa trắng hồng lay đùa trong gió.

- Bông bần đó chị Út Nữ. Ầu ơ...  thân em như trái bần trôi. Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?...

Nữ nhìn Lục Hà mộc mạc,duyên dáng trong chiếc áo bà ba rộng không eo, nét mặt thanh cảnh và giọng hò miền Nam truyền cảm rượi buồn.

- Út Hà dễ thương quá! Nếu chỉ nhìn mặt đừng nghe giọng nói, nhiều người sẽ lầm là một người đẹp xứ Huế.

Út Hà bớt máy cho xuồng chạy chậm lại, lắc đầu.

- Chị Út Nữ cũng biết xạo há! Nhưng cũng có người nhận xét chung như vậy về con gái Thới Bình. Em nghe Ngoại kể lại, hồi xưa chúa Nguyễn trên đường bôn tẩu có nương náu tại Thới Bình thôn một thời gian. Sau khi chúa Nguyễn rời Thới Bình nhiều phi tần kiêu sa đài các đã chọn ở lại sống đời dân dã. Út Hà cười...  Biết đâu tụi em là con cháu đời thứ chín mươi chín của mấy bả !?

Sông trôi dài theo câu chuyện Út Hà kể về địa danh quê mình. Những tên gọi mộc mạc, xa lạ mà sao dễ khơi lòng tưởng tượng ngay lúc thoạt nghe. Cái Nước, Năm Căn, Miệt Thứ, Cạnh Đền, Huyện Sử, Chắc Băng...  Nữ cảm như đang bềnh bồng vào một nơi xa lạ hơn hai trăm năm trước. Chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn rượt đuổi bỏ thành Phú Xuân chạy về phương Nam qua Xiêm cầu viện hầu mong giữ mộng bá vương. Con lạch nhỏ len lỏi trong cánh rừng hoang vu tràm đước, như vận nước âm thầm dòng lịch sử cứ trôi trong cùng tận mịt mù chẳng thể đổi thay. Trên bước đường tản lạc dừng chân, khu nhà cỏ bên dòng kinh hoang dã trở thành đền vương phủ chúa. Vùng bìa rừng cao ráo cạnh đền vua, nơi chôn cất nàng công chúa Ngọc Hạnh mệnh yểu vì bệnh thương hàn qua cửa miệng dân gian đã trở thành địa danh Cạnh Đền. Đâu xa bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh (Ca dao). Thân chúa Nguyễn cũng lâm trọng bệnh. Trong cơn thập tử nhất sanh tưởng mình chắc phải băng hà, vị vương đã có lần buông lời trăng trối. Thế nhưng một thầy thuốc ở Thới Bình thôn gần đó đã mang tài lương y ra cứu chúa. Dòng kinh nhỏ không tên được chúa Nguyễn tưởng ơn mà ban cho tên gọi Chắc Băng đã trở thành địa danh được nhiều đời sau truyền tụng nổi tiếng khắp vùng U Minh cuối Việt.

Dòng sông uốn lượn giữa vùng rừng tràm đước bạt ngàn. Từng bầy ô rô, lục bình nở hoa tím nhạt chen kín hai bên triền sông. Nữ nao nao nhìn vùng sông nước quanh mình. Địa danh của biết bao bìa rừng, bãi nước, dòng kinh hay cả những tỉnh thành, thôn làng, đường phố đã bao lần thay tên đổi chủ theo cái lẽ “được làm vua, thua làm giặc” của lịch sử tàn bạo. Bất biến chăng là màu hoa nở rồi tàn, lá xanh rồi rụng theo nhịp luân sinh của trời đất, của nước mãi trôi qua ngàn vạn năm cho nguyên vẹn những dòng sông.

Giọng kể chuyện thích nghe của Út Hà im bặt tự lúc nào, chỉ còn tiếng máy nổ đều của chiếc xuồng đuôi tôm nhẹ nhàng bơi trên mặt sông lấp lánh nắng. Nữ quay nhìn cô gái má ửng hồng dưới lớp khăn rằn vì nắng.

- Nếu lịch sử được viết lại, hồi đó chúa Nguyễn bị Tây Sơn bắt thay vì lâm bệnh được lương y cứu chữa rồi sau đó lên làm vua, Út Hà thử nghĩ kinh Chắc Băng đã được đặt tên thế nào?

Út Hà vẫn đăm chiêu nhìn về phía trước hồi lâu rồi sực tỉnh vì tiếng cười thúc giục của cô gái chung xuồng.

- Kinh Chắc-Là-Chết!

Cái tên ngộ nghĩnh về một dòng kinh giúp họ vui cười quên đi ánh nắng gay gắt của mặt trời đang đứng bóng. Nữ không ngớt nghĩ về chặng đường lịch sử đã lưu danh thiên cổ từng con rạch, gò đất không tên. Chiến thuyền quân Xiêm tan tác ở Rạch Gầm. Đàn voi Việt dày xéo xác quân Thanh trên gò Đống Đa. Một thời vinh quang của Quang Trung đại đế. Chúa Nguyễn Ánh buổi sa cơ tẩu quốc ăn cơm hẩm với bần chua chấm mắm qua ngày. Sự đụng đầu giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh không hẳn là một bất hạnh cho lịch sử đất nước. Nguyễn Ánh không có đủ thao lược để đại phá quân Thanh, cho nên nếu chúa Nguyễn thắng Tây Sơn sớm có lẽ Đàng Ngoài vẫn còn bị Tàu đô hộ. Hay đó cũng chính là cơ may của Nguyễn Ánh, khốn đốn bôn ba một phần đời mình như cái vốn để đổi lấy toàn cõi giang sơn lúc khải hoàn trở lại Phú Xuân. Nhưng đồng thời ông vua có công dựng lên triều Nguyễn này phải chịu phần trách nhiệm về một trăm năm đô hộ của Pháp trên đất nước mình.
Út Hà tháo khăn rằn lau mồ hôi, mái tóc xõa sài buông lơi.

- Chị Út Nữ rành sử Việt hay quá. Còn em, lịch sử là chuyện đã rồi. Em vẫn muốn chúa Nguyễn được cứu để phi tần cung nữ của ổng ở lại Thới Bình. Có dzậy lớp cháu chắt tụi em mới nhìn giống con gái Huế như chị đã khen chớ !
- Út Hà đẹp mà còn ích kỉ nữa. Nguy quá! Nữ cười...  Còn chúa Tuân trốn từ đất Quảng Nam vào, vượt biên hoài không được bị bắt ở lại Thới Bình, chúa Tuân phải đặt tên kinh Chắc Băng thế nào đây?

Cô gái mím môi làm như suy nghĩ lung lắm rồi lắc đầu.

- Em hổng biết đâu...  Nhà của chúa Tuân còn chừng cây số nữa là tới rồi. Chừng đó chị tha hồ hỏi han, hành xách ông chúa này cái gì cũng được nếu ổng không xỉn.

Hai người đàn bà nhìn về hai ngả sông. Điều Út Hà chờ đợi gần tháng nay đang xảy ra thế mà giờ đây lòng cô lại bối rối như tơ vò. Nữ cũng bối rối bồn chồn chẳng kém. Những lọn sóng từ đuôi xuồng lan xa làm nhấp nhô đám hoa tím lục bình trải theo triền sông. Xuồng chạy ngang qua một bến vắng lỏng chỏng mấy chiếc xuồng và cái chòi quán chợ trống trơ.

- Khúc sông này vào mùa hè bông súng nở trắng tràn lan, thơm lựng. Bông ngắt về luộc chấm mắm sặt ăn cũng được cơm lắm.

Út Hà tắt máy chống xuồng quẹo vào con rạch nhỏ. Qua khỏi khúc nước trở lục bình kéo bè che kín mặt nước, nàng nổ máy chạy xuồng chầm chậm theo dòng nước thẳng tắp. Hai bên bờ trồng đều đặn hàng cây lá nhỏ như phượng tây, màu bông trắng tím phất phơ theo từng chùm trái trổ dài như những chiếc đũa treo lơ lửng.

- Bông so đũa đó chị Nữ. Nấu canh hay xào với tôm ngon lắm. Anh Tuân trồng hàng so đũa này trong thời gian trốn tránh sau một lần vượt biên thất bại, trước ngày mẹ em qua đời. Mới đó mà đã gần sáu năm.

Chiếc cầu khỉ dựng bằng thân tràm bắc qua con rạch nằm chông chênh dưới bóng mát cây còng già. Út Hà cột xuồng vào chân cầu phía bờ rạch dẫn lên ngôi nhà khá khang trang dựng trên nền đất cao, hai cánh cửa gỗ đóng kín dưới mái hiên rộng. Cô gái chỉ tay về phía căn nhà nằm nhỏ nhoi sau lùm cây so đũa bên kia rạch.

- Nhà anh Tuân đó! Hai năm trước một mình ảnh dựng nó, mấy tháng mới xong.

Lục đục cất đặt xong hành lí, giỏ xách, rau trái mang từ xuồng vào ngôi nhà lớn, hai người đàn bà trở ra đứng dưới mái hiên nhà. Buổi trưa châu thổ lặng lờ không một chút gió, bóng nắng rải đọng trên mặt đất im lìm. Nữ muốn hỏi han về Tuân, muốn nghe Út Hà huyên thuyên kể chuyện về con người vẫn sâu lắng trong nàng nỗi nhớ nhưng rồi nàng vẫn chần chờ yên lặng. Út Hà lén nhìn vẽ mặt bồn chồn của Nữ. Nàng đã trải lòng ra, sống hết cho hết, chẳng còn chi để phân trần ngoài sự im lặng đợi chờ.

Họ bước qua khoảng sân nắng, ngồi bên nhau trên cầu chênh vênh. Bóng người xen bóng lá lung lay trong làn nước từ từ trôi. Nữ muốn được yên tâm với bờ nước nhỏ, nhịp cầu này như ngày nào bên giếng khơi dưới tàng cây vú sữa trong sân nhà phố cổ Hội An.

- Sau ngày giải phóng, mẹ em không muốn ai dòm ngó nên bà dọn hẳn về nơi kín đáo này. Mẹ luôn kể chuyện có được khu đất như một may mắn không ngờ.

Năm bảy ba, mẹ đưa Lục Hà và chị về quê Ngoại sau ngày cha tử trận tại Mộc Hóa. Hai mẫu đất Người-Cày-Có-Ruộng cấp cho gia đình thương binh tử sĩ đã bắt đầu chuyện tính toan trồng mía và mở nhà máy đường của mẹ. Ngày đi thăm đất, từ ngoài sông Trẹm theo con rạch thẳng tắp xuồng chạy chưa bao xa thì mắt đã choáng ngợp bởi bông sen trắng hồng nở đầy mặt đầm được chắn bọc bởi cụm rừng cầm thủy xanh ngắt lá tràm. Nhìn vùng đất kín đáo mẹ vui mừng van vái chồng đã phù hộ tìm ra nơi lí tưởng. Bà thương lượng mua lại hơn mấy chục mẫu đất quanh đó, rồi mướn người làm đất trồng mía, xây nhà máy sát bờ sông cái. Ngôi nhà của mẹ được ông Ngoại giúp trông coi nhóm thợ mười mấy người xây dựng hơn tháng trời mới xong.

Không lâu sau bảy lăm, tất cả ruộng mía và nhà máy đều bị quốc doanh, gia đình chỉ còn giữ được ngôi nhà và phép dùng con rạch độc đạo để xuồng chạy ra vào. Mẹ đã sống vui những ngày cuối đời trong căn nhà này.
Trái còng khô rụng trôi theo dòng nước một quãng ngắn rồi chìm lỉm mất tăm. Út Hà quấn lại chiếc khăn rằn, vịn vai người đàn bà nàng đã đón về gặp Tuân để “nhứt chín, nhì bù” với chính duyên phận mình.

- Em phải vào nông trường làm sổ sách một hồi cho kịp ngày mai ghe cửa hàng quốc doanh ngoài Cà Mau vô chở đường.

Cô gái xuống ghe, lời từ giã rớt lại theo tiếng máy xuống nổ giòn.

- Em giao ảnh lại cho chị đó nha.

Chiếc xuồng chạy giữa hai hàng cây so đũa thả sóng lăn tăn tấp dài theo con rạch thấp thoáng nước sông Trẹm ngoài kia.

Người đàn ông lầm lũi bước trên lối mòn dọc theo ruộng mía về phía cụm rừng tràm tiếp giáp đầm nước. Rặng cây bên kia đầm lẩn chìm theo bóng tối đang rớt vào cuối ngày. Anh thở dài quay nhìn lối mòn từ nông trường về nhà anh vẫn đi lại mỗi ngày từ mấy năm qua rồi lui cui kéo chiếc xuồng nhỏ ra khỏi lùm đước sát bờ. Mái dầm khoắn xua mặt nước yên làm dập dềnh những tàn lá sen non lác đác trên mặt đầm. Gió thoảng dậy mùi bùn làm anh nhớ đầm sen vào những ngày hè. Buổi sáng chống xuồng qua đầm len lỏi giữa sen trắng, sen hồng nở đầy mặt nước trong hương sen tẩm ngát cơn gió sớm đồng nội khiến lòng vừa thanh thoát mà ngất ngây như một thiền sư vướng lụy. Cành sen lá trĩu sương trong. Áo ni xám hạt trời nong buồn về. Tay nào nghiêng nón thơ che. Tay nào lần chuỗi bồ đề xanh xao (Phạm Thiên Thư). Anh ngẩng nhìn khoang trời chập choạng vào đêm, nghĩ tới ánh trăng tháng Giêng vàng ngát đêm qua lòng nhủ thầm sớm nhất có lẽ cũng phải hơn tháng nữa may ra mới thấy được nụ sen đầu.

Căn nhà bên kia con rạch gần như tiệp vào bóng đêm lúc người đàn ông dừng lại trên chiếc cầu khỉ mong manh như một thói quen buồn bã. Anh tần ngần đứng nhìn trong giây lát liếp cửa khép im lìm rồi đi về phía cuối hiên nhà, cởi bỏ áo quần, xối xả tắm gội từ lu nước lóng phèn. Qua liếp cửa vừa chống cao, quầng sáng vàng lay ám khói tỏa ra từ chiếc đèn hoa-kì đặt trên bàn giữa nhà soi bóng anh tóc tai còn ướt đứng dồng dỗng mặc áo quần.

Mùi cơm chín tới, cá kho thơm khiến anh ngạc nhiên nhìn xuống bếp rồi dõi mắt nhìn qua ngôi nhà lớn im ỉm không đèn. Dọn cơm lên bàn, anh sững sờ nhìn nồi cá nục kho với ớt đỏ nguyên trái cay nồng. Và như trong cùng khoảnh khắc đó anh chợt thấy ở góc bàn một chiếc lồng đèn lụa đỏ nhỏ nhắn nằm trên tập bút kí mở ra trang cuối, tờ thư anh viết dở dang và một mảnh giấy nhỏ mềm mại nét chữ phụ nữ. Anh hối hả lục tìm xấp thư niêm kín anh viết từ những năm qua đã đề tên người nhận nhưng rồi đành chóng vánh thất vọng. Trong bàng hoàng xúc động, anh đọc tới đọc lui lời nhắn trên tay. Anh không tin vào mắt mình, anh không thể nào ngờ người con gái anh vẫn luôn nghĩ tới từ bao năm qua đang ở gần chỉ cách vài bước chân. Suốt buổi tối, mấy lần anh qua ngôi nhà lớn đứng chần chừ trước sân, muốn gõ cửa gọi lớn tên nàng nhưng vì lời lẽ cương quyết, nghiêm trang trên mảnh giấy anh đành phải quay về ngồi thừ trước bàn.

Từ sau khe cửa hướng về căn nhà nhỏ bên kia rạch, Nữ ngồi trong bóng tối nhìn Tuân cắm cúi viết tiếp trang thư dưới ngọn đèn lu. Nàng đã lau khô dòng lệ rơi chiều nay sau lúc đọc tập bút kí của Tuân và những trang thư không hề gởi.

Nàng hiểu ra sự có mặt của mình đêm nay trong căn nhà xa lạ. Hiểu ra vì sao Tuân đi biệt những năm qua không một tin nhắn hay có lẽ đã cố gắng nhiều lần mà không thể nào làm được như chồng thư dán kín vẫn nằm yên một chỗ góc bàn. Nàng bàng hoàng nhớ lại cuộc gặp gỡ tình cờ đong đầy phận rủi nhiều năm trước. Từ trên tuyệt đỉnh của cảm giác, buổi sớm đồi dương hụt hẫng bóng Tuân vời vợi con đò qua đầm sông Thuận Tình mờ mịt sương bay đến hình ảnh anh tối nay ẩn hiện xốn lòng chỉ là tiếp nối của dòng mộng ảo kéo dài chẳng dứt. Giữa cơn xúc động vỡ bờ, âm thanh bật gào thảng thốt tên người từ giấc mơ vào thuở mười ba chẳng để lại âm hao nào trong nàng mông lung cõi nhớ nhưng đủ cho Tuân nghe được rồi thất vọng bỏ đi. Dòng mộng ảo như vết lăn trầm trải qua năm tháng thiết tha, giúp nàng sống hạnh phúc trong sự đợi chờ không tưởng, nhưng đã đến lúc từ giã cõi mơ trở về với thực tại. Những hàng bút kí như nhát chém cắt đứt một phần đời làm sa nước mắt nhưng cùng lúc khai phóng nàng vào biên ngưỡng mới của thực sự sống, ưu phiền mà không cần phải nuối tiếc.

Nữ nghĩ tới tiếng cười hạnh phúc của mẹ con chị Vê đêm lộng gió trên bãi Chân Mây. Những người đàn bà sống thiệt thà với tình cảm mình. Lục Hà, cô gái Thới Bình “mua bán không lời, chèo chống mải mê”, hiến dâng, chấp hết. Quế. Nương. Hay cả người đàn bà đã hiếp đoạt anh mình.

Nữ nghĩ tới những đứa cháu gần xa. Rồi từ trong khuất sâu trí nhớ, hình ảnh nàng đứng trên gác phố đêm Hội An nhìn theo bóng người mẹ trẻ dẫn con đi bán hàn rong và tiếng cười trẻ thơ vẳng vọng sau khúc đường quanh chợt trồi lên như một thôi thúc ân cần của tình mẫu tử, gia đình, mẹ con hôm sớm có nhau.

Nữ biết ra dòng chữ cuối cùng Tuân đang ngồi viết trong căn nhà kia như một thứ phán quyết đã không còn cần thiết cho nàng. Chỉ mong Tuân có quyết định đúng cho tương lai anh và cho Út Hà đang ốm nghén đứa con của hai người.

Nữ đi vào giấc ngủ hạnh phúc đầu tiên không mộng ảo. Nàng có canh bạc lớn để đánh ngày mai mà vốn liếng là chính số phận mình.

Nữ thức dậy sớm nhưng lúc vừa mở cửa nhà nàng đã thấy Tuân đứng chờ trước sân tự lúc nào. Nữ cố trấn tĩnh nhưng giọng vẫn run câu hỏi chào. Tuân phong trần đi nhiều nhưng ánh mắt vẫn tinh quái trẻ thơ. Anh vồn vã thăm chào rồi mời Nữ qua nhà.

- Thục Nữ xuống thăm bất ngờ quá. Tối qua về thấy nhà cửa sạch sẽ, cơm canh nấu sẵn anh vừa mừng vừa sợ tưởng cô Mỹ Lan (nhân vật trong truyện Bên dòng sông Trẹm của Dương Hà) ghé hớp hồn cho tới khi đọc “tối hậu thư” hăm dọa lại càng sợ hơn.

Nữ nhận li trà nóng từ tay Tuân.

- Cũng may cậu Triệu Vỹ (nhân vật trong truyện Bên dòng sông Trẹm của Dương Hà) biết nghe lời, chớ không thì giờ này cô Mỹ Lan đã ra ngồi “bên dòng sông Trẹm” quá giang xuồng về Cà Mau để đón xe đò ra lại Hội An rồi.

Sau câu đối thoại vui, hai người lấy được tự nhiên thân mật chuyện trò. Tuân hỏi thăm chuyện nhà, chuyện Hội An mấy năm qua trong lúc họ cùng ăn sáng. Nồi cháo gạo nấu cá lóc bốc hơi thơm thấm tiêu hành. Lúc Tuân trao cho Nữ lá thư anh viết xong đêm qua nàng chỉ đặt xuống bàn trong lúc mắt vẫn nhìn Tuân.

- Anh hứa phải chịu làm hai điều này thì em mới đọc. Nếu không...

Tuân cười cười nheo mắt cướp lời.

- Nếu không...  thì sao đây o Thục Nữ?
- Thì anh phải lấy xuồng chở em ra Thới Bình liền bây giờ.

Nét mặt nghiêm trang của cô gái khiến Tuân đành gật đầu chấp thuận rồi còn phải đưa tay thề thốt đúng như Nữ muốn.

- Anh đã chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện” rồi. Em cũng nên đọc “bài thâu hoạch” của anh trước khi nói ra những điều em muốn đi.

Cô gái quay người cầm lá thư, cúi đầu tránh ánh mắt cười lửng lơ phiếu diễu của anh. Nàng trằn trọc suy nghĩ suốt đêm qua về quyết định của mình thế mà bây giờ trong lòng vẫn kích động bồn chồn. Nữ chăm chú đọc lại trang thư Tuân viết thêm phần kết đêm qua, lòng mừng anh đã đề cập tới chuyện Lục Hà có thai như nàng đã đoán biết.

- Vậy mới đáng mặt quan hai tàu thủy Ngụy, phải không anh Tuân!?

Nữ nhét vào túi áo anh mẫu giấy nhỏ gấp kín rồi làm ra vẽ tự nhiên hắng giọng nói lớn.

- Điều kiện thứ nhất là anh và Lục Hà phải làm đám cưới trong tháng này. Còn điều thứ hai em đã viết sẵn trong giấy...  Mình chèo xuồng ra thăm đầm sen trước, khi nào “cán bộ” cho phép thì anh mới được mở ra đọc đó nghe.

Chiếc xuồng lướt đi dưới tàng cây so đũa. Con rạch nhỏ, dãy tàng lá chúi đầu vào nhau thành chiếc vòm xanh dài hun hút.

- Nữ lặn lội vô tới đây chỉ để bắt anh cưới vợ thôi sao?

Nữ níu tay Tuân giữ xuồng chậm lại.

- Nếu anh hỏi Nữ chiều qua có lẽ em đã có câu trả lời khác rồi. Chẳng trách chi anh mô, trái lại là khác. Sáng nay vào cuối cơn mất ngủ cũng là lúc em thức giấc ra khỏi giấc mơ dài nửa đời mình. Nằm trong gian nhà vắng, bóng tối còn vây quanh, thời gian phôi đọng lại rồi mọi việc trong đời chợt trở nên rõ ràng. Em muốn anh hạnh phúc với Lục Hà, gầy dựng gia đình. Em cũng muốn bước ra khỏi thế giới mộng tưởng kéo dài để sống đời có ý nghĩa cho mình. Bắt đầu bằng sự thách thức chính số phận mình.

Tuân thở dài, anh mạnh tay chèo về phía quầng sáng cuối vòm cây. Vầng sáng nở dần ra chạm mặt nước đầm in bóng trời xanh nhẹ nhàng lung linh theo bờ đước chao mình trong gió sớm. Giữa đầm mảnh khảnh trồi lên cái chòi nhỏ dựng bằng cây tràm mái lợp đước xiêu xiêu buồn buồn giữa trời nước cô quạnh. Người đàn ông đỡ cô gái lên chòi. Nữ nhìn quanh mặt đầm rộng lấp lửng lá sen xanh chen rải với ô rô lục bình loang bông tím mà lòng náo nức đợi chờ.

- Ở đây tháng nào thì sen nở anh ?
- Mới qua Rằm tháng Giêng, sớm nhất cũng phải hơn tháng nữa.
- Rứa mà có người sắp bắt anh phải chèo xuồng tìm cho ra ít nhất một bông sen để làm lễ vật gieo quẻ bói phận mình đó.

Nữ vói kéo áo Tuân lúc anh dợm bước xuống xuồng.

- Em ở đây chờ. Anh phải chèo ra thiệt xa mới được mở giấy đọc. Nhớ làm cho đúng theo lời nguyền của mụ phù thủy ni, không là hết linh đó nghe.

Tuân cố chèo một quãng xa, lúc anh không nén được ngạc nhiên quay nhìn Nữ đang tươi cười vẫy tay, anh sững sờ buông dầm đứng ngẩn ngơ. Tuân nghĩ tới bức họa thứ hai trong đời mình. Cô gái trong đầm Trích Nữ.

Nữ cố trấn tĩnh không nhìn theo anh. Nàng nằm trên chòi nhìn trời nước. Mây bay, nước trôi. Cô gái bềnh bồng trong đằm thắm đợi chờ và an lòng với điều sẽ tới không ngờ...

Nước nhỏ giọt từ mấy nụ sen hàm tiếu bó trong lá sen xanh Tuân cầm trên tay rớt xuống mặt ướt lạnh làm Nữ tỉnh giấc ngủ quên.

- Em ngủ như một cô tiên... Trả giấy lại cho mụ phù thủy để làm chứng nè ! May mà tìm ra được bảy bông sen. À, mà nếu anh không tìm ra được bông nào, chẳng lẻ... ?
- Thì mụ phù thủy cũng phải tuân theo lời nguyền của mình... đành “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” chớ răng chừ. Trời không chiều lòng thì phải chịu .

Tuân cười thật tươi lúc anh trao bó hoa sen cho Nữ. Họ nằm bên nhau trong buổi sáng êm đềm như sự thật đang nở ra rồi ríu quyện vào nhau.

Người đàn ông bồng cô gái xuống thuyền lúc nàng vẫn nâng niu bó hoa trên tay. Anh thoảng cười trìu mến lúc nhìn cô gái lấy một hoa sen quăng lên sàn chòi. Anh vừa nghĩ ra thêm một chi tiết cho bức họa của mình. Cô gái hoa sen trong đầm Trích Nữ.

 (hết chương 14)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012