SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Chuyện ANH và TÔI

Chương  11
Xa Rồi… Tình Hoang Dại

 Ở chỗ làm cũ, tôi đã cự tuyệt ông nha sĩ (ông ta làm thêm ngoài giờ cho vui, không ăn lương, ông ta là Trưởng-phòng của tôi). Ông Sinh mắt híp đeo kính cận dày cui, má xệ, miệng mồm ăn uống ngồm ngoàm như heo. Dáng người ông mập phệ ú nù, thô kệch, coi thô vụng hết biết.

Dẫu vậy ông ta có tính “nghệ sỹ”: biết đánh đàn, ca hát, ngâm thơ, có tài vẽ tranh hí hoạ thì tuyệt đẹp. Nhất là sự giàu sang và vốn kiến thức khá cao, thì không ai sánh bằng ông Sinh cả. Ông si mê tôi đến độ không còn giữ gìn ý tứ gì. Ông luôn lân la tìm cách sấn lại bên tôi, la cà gợi chuyện, cố ý cọ cạ, vồ vập dê xồm, hay buông lời nịnh khen trắng trợn, lợi dụng “thời cơ” đùa cợt lơi lả, nham nhở hết biết. Ông gửi cho tôi ba lá thư tỏ tình yêu thương. Ông ta lại dám hỏi tôi có muốn làm người tình? vợ bé không? Úi Trời! Mặc mụ vợ ốm nhom ốm nhách tối ngày luôn rình mò xem “đức ông chồng” đang làm gì, đi đâu. Tôi nghĩ chắc bà ta đã từng bị “mọc sừng”, nên trông bà ta luôn nhăn nhó “xù độ ra” như xù lông nhím.

Nhân ngày Tết và ngày sinh nhật của tôi, ông ta mua tặng tôi chiếc nhẫn nhận hột trai, chung quanh nhẫn có đính mấy viên kim cương tấm. Lần trước do tôi “nể” và sợ mất việc làm, nên chỉ lắc đầu không nói. Lần sau ông tặng tôi chiếc đồng hồ Omega dây vàng 18k đắt tiền. Tôi cau mặt lại nhất quyết không nhận một thứ gì, vì tôi không muốn dây dưa thêm phiền. Vả chăng tôi rất sợ ăn axit sunphuric (như trường hợp “đệ nhất vũ nữ” hai mươi ba tuổi Cẩm Nhung: làm việc tại nhà hàng Kim Sơn. Cẩm Nhung lừng danh nhảy nhót & tuyệt đẹp, bà ta sống phè phỡn giàu sang (mua nhà riêng do tiền kiếm được từ “phòng nhảy nhót”, qua những tay đàn ông có quyền thế, phong lưu, những ông chủ... và do người tình bao). Ngày 18-7-1961 vũ nữ nầy đã bị bà “Năm Ra-đô” (vợ Trung-tá Công-binh Trần Ngọc Thức) nhiều phen nổi cơn ghen tam bành lục tặc... vẫn không chia cách được chồng với con vợ bé, bà ta trả hai lượng vàng cho tên tay sai rình tạt nguyên can axit vô mặt Cẩm Nhung, để hủy hoại nhan sắc nàng. Mặc dù Cẩm Nhung giàu sang danh vọng tràn đầy, nàng đã chữa chạy ở bệnh viện Đô Thành Sài Gòn, chuyển qua bệnh viện Đồn Đất. Và nàng có người đàn bà đầy uy quyền khác chống lưng, cho Cẩm Nhung đi qua cả Nhật Bản, để “tu sửa”, mong nhan sắc vãn hồi. Nhưng... Kinh khủng thay! Sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, bà ta lưu vong qua Pháp, và nàng vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh ngày nay thực sự xấu xí, như trong phim “Thiên thần & ác quỷ”! Cẩm Nhung: từ cô nàng hai mươi ba tuổi giàu có sống phè phỡn, sa đọa bây giờ càng nhanh chóng đau khổ sa đọa hơn, nghiện ngập sa sụp, nghèo khổ bần cùng, đến nỗi Cẩm Nhung phải đeo tấm hình “tình chung của nàng & chàng” để lê lết đi ăn mày! 

Thấy cái gương “lèo tèo” với kẻ có danh vọng giàu sang vung tiền qua cửa sổ, có vợ con đùm đề kia rõ mồn một, chuyện nầy gây xôn xao rúng động hầu như ít có ai mà không theo dõi trên báo chí, nên tôi sợ phát rùng mình đã xin nghỉ việc. Thà tôi nghỉ việc, chứ không chịu bị khuất phục vì miếng cơm manh áo. Ông ta nghĩ chỉ cần tặng tôi đồng hồ nhận sáu hột xoàn tấm, hay chiếc nhẫn kim cương vài ly, là ông ta dụ khị tôi, hay mua được tình cảm sao? Coi tầm thường quá! Không như kiến thức sâu rộng mà ông đã am tường, còn trên lĩnh vực tình cảm thì ông không hiểu biết xa hơn, nông cạn và đánh giá người khác sai bét. Tôi nâng lòng tự trọng lên cao, cảm thấy tự hào, tự thắng trước bả vinh hoa, khinh người đến thế. Có thể đối với cô gái khác thì thích vật chất xa hoa. Nhưng đối với riêng tôi tuyệt nhiên không. Tôi tôn trọng tình yêu chân thật phát xuất từ hai trái tim đồng điệu, nồng thắm, hòa ái hơn bất cứ thứ gì sáng chói trên đời. Tôi xô ghế đứng dậy, giật cái xách tay móc trên tường, khiến nó văng chiếc đinh xuống nền nhà. Tôi bỏ đi, không thèm nói câu chào. Tôi cố gắng lắm để mình khỏi trở thành “con mất dạy”, mà nhổ bãi nước bọt vào mặt ông ta. Một người trước kia tôi trọng như bậc thầy, mến như chú, kính như bác.

Tôi và Hiền, (Hiền là em của chị dâu) đi Sài Gòn để thi vào Ty Thông Tin. Sài Gòn! Nghe sao mà thương lạ thương lùng! Thủ đô luôn náo nhiệt tưng bừng ồn ào với những đoàn xe tấp nập rộn ràng nối đuôi nhau, chạy suốt ngày đêm trên những con đường rộng thênh thang. Xe cộ như đàn kiến chuyển quân vội vã. Dưới ánh đèn chói lòa muôn vạn màu sắc, có những cao ốc hàng hàng lớp lớp chọc trời khác nhau. Tôi ngẩng mặt nhìn lên mà mỏi cổ, tối tăm mặt mày muốn quay vòng vòng như chong chóng. Những cột khói từ những công xưởng lớn tỏa ra ngùn ngụt, dưới làn sóng người chen lấn đi trên các lề phố đại lộ, chật như nêm. Dưới lòng đường xe hơi, xe taxi, xe xích lô máy, xe ba gác, chen với xe đạp ùn ùn chạy tới, chạy lui. Khiến một con nhỏ cù lần từ trên miền Cao Nguyên Lâm Viên xuống thị thành đô hội như tôi hoa cả mắt. Ở Sài Gòn rộng mênh mông, bao la bát ngát, con người nhỏ nhắn tôi chỉ như cây kim rơi vào bụi rậm.

Đây là lần thứ nhì tôi đi Sài Gòn. Lần thứ nhất tôi đi với má vào thăm bà con họ hàng. Lần ấy tôi ở nhà Phước, (là cháu họ xa xa bốn đời bên ngoại, gọi tôi bằng dì, mẹ của Phước là em họ tôi). Tôi và Phước có nhiều cảm tình thân thiết đặc biệt, rất tâm đầu ý hợp, lại “xứng đôi vừa lứa”. Hồi đầu năm, Phước ở Sài Gòn lên thăm chúng tôi, Phước ở dưới nhà chị Tư suốt hai tháng nghỉ hè (Phước làm trong ban nghi lễ bộ ngoại giao Phủ Tổng Thống). Dì cháu chúng tôi luôn đưa hết cả đám cháu nhỏ ở Đà Lạt đi chơi nhiều thắng cảnh đó đây. Phước hơn tôi năm tuổi. Cậu ấy lại đẹp trai, ăn mặc lịch sự nên đi với nhau, ai cũng lầm là bồ bịch. Lần nầy tôi không đến nhà Phước, hay ghé thăm chị Ấm con ông bác ruột, chị Ấm là vợ Trung-tá Minh. Tôi ở bên nhà bà con của Hiền, cho tự do.

Chúng tôi đi thăm Nghi ở đại học xá sinh viên. Nghi vui vẻ đón tiếp. Nghi thật tốt, tận tình với chúng tôi, anh biết tôi chẳng có tình ý gì ngoài tình bạn. Nghi niềm nở mời hai đứa tôi đi thăm nhà thờ Đức Bà, chùa chiền, dinh thự, đi Thảo Cầm Viên dạo đó đây. Buổi tối chúng tôi ăn cơm xong, đi đến rạp Rex xem phim. Lần đầu tiên đi cầu thang máy, tôi vụng về lúng túng và sợ sệt, thật quê xệ. Nghi nắm tay tôi dìu đi trong ánh đèn tối mờ. Tôi ngồi bên Hiền và Nghi nói đủ thứ chuyện xưa. Nghi đang lo thủ tục đi du học ở Pháp. Hồ sơ đã hoàn tất, cuối tháng nầy là Nghi “bay”. Tôi chia tay Nghi, chúc anh thượng lộ bình an.

Hôm sau, tôi và Hiền đi thăm Thanh Trúc hay Ngọc Tuyết. (Trúc lấy nhiều tên “ca hiệu” quá. Nay tên nầy, mai tên khác. Vì có thể tên cúng cơm của Trúc thật xấu, cả vấn đề lý lịch cá nhân của Trúc cũng kín bưng, kín bít. Chẳng mấy ai biết rõ tông tích, họ hàng Trúc. Tìm nhà Trúc thật khó khăn, nhà cha mẹ cô ở tít trong con hẻm sâu quanh co ở Phan Đình Phùng. Dưới cơn mưa tầm tã ầm ầm trút xuống mái nhà tôn cũ kỹ, chật chội, chỉ vừa vặn ba mét hơn chiều ngang, sáu bảy mét chiều sâu, nhà có tầng gác xép treo màn mùng cẩu thả, dơ bẩn, luộm thuộm. Ngọc Tuyết đã bỏ việc làm trong Sư-đoàn 2 ngoài Đà Nẵng. Trúc nói nay trở về Sài Gòn để chuẩn bị lấy chồng.

Có lẽ Trúc cảm thấy thẹn thùng khi chúng tôi đến thật bất ngờ. Tóc tai quần áo Trúc bù xù, ướt nhẹp nước mưa bắn vào. Cô đang ngồi giặt hai thau quần áo to tướng, mấy cái thùng và hai cái thau hứng nước từ máng xối ra. Nước chảy lênh láng trên nền xi măng. Không có một chỗ trống cho chúng tôi đứng. Nhà cô thật nghèo đến thảm thương. Không thấy Trúc đứng dậy hay mời chúng tôi quá bộ vào bên trong nhà tối thui. Tôi hỏi năm ba câu xã giao. Trúc vừa trả lời, vừa vò mấy áo quần:

- Trời mưa, hứng được nước, nên mình giặt mấy chậu quần áo gấp. Ở đây vấn đề nước thật nan giải đó Thụy.

Tôi nhìn Hiền nheo mắt ngao ngán lắc đầu. Ôi! Còn đâu người đẹp ca sĩ có hạng của Sư Đoàn 2 năm xưa! Còn đâu những ngày tháng cô lên xe GMC xuống xe Jeep, có tài xế (của cậu Đại-tá) ân cần đưa cô đi, đón cô về!? Tôi nghĩ có lẽ Trúc không phải là cháu chiếc ruột rà gì của đại tá, đại tướng chi cả. Mà cô ta chỉ là “con cháu hờ”, đi hát phòng trà ở đâu trong Sài Gòn. Cô ta hát hay lắm, nên “lọt mắt xanh cậu” gia ân làm ơn làm phước tuyển cô ta vào, cậu “nhặt” cô về nhà, cho cô ăn nhờ ở đậu với gia nhân của họ. Cô ta đi làm ca sĩ trong Sư đoàn 2. Thế là cô Trúc “bốc phét” tự nâng mình lên hàng danh giá chăng? Hồi ấy, tôi chẳng mấy khi tin lời Trúc nói. Chơi với nhau lâu ngày, tôi biết tính Trúc lẳng lơ, bay bướm kinh khủng. Trong lối nói chuyện, cũng như tư cách, lịch lãm, học vấn hiểu biết, Trúc không hơn tôi. Thấy tôi có tú tài toàn, cô nói sẽ thi “tú tài tam”. Tôi thử sát hạch tìm hiểu về trình độ học vấn, thì… có mấy khi Trúc nói điều gì đúng và thật.

Chúng tôi lại đội mưa đi thăm Thái Thạnh ở đường Yên Đỗ. Thạnh vui mừng gặp tôi. Anh tự tay rót hai ly nước đá chanh, mời tôi và Hiền. Thạnh luôn nhỏ nhẹ và hiền lành, anh cười nói:

- Ôi! Được gặp lại Ngân Thụy ở đây, Thạnh mừng lắm. Tuần tới nầy, Thạnh đi du học ở Bỉ rồi.
- Ui Trời! Sao ai ai cũng đi du học du hành hết trọi vậy. Để “em” ở nhà, buồn xo muốn chết.

Thạnh nheo mắt cười cười:

- Thạnh mới gặp Năm tuần vừa rồi. Có lẽ Năm còn ở Sài Gòn, chưa lên Đà Lạt đâu. Thụy đến nhà thăm gia đình Năm đi.

Tôi không biết nhà “cố nhân Năm Hoàng” thật, và bây giờ tôi không muốn đến thăm họ nữa. Chúng tôi đã chia tay. Mặc dù ba má, các em của anh thật tình rất quý mến tôi. Thạnh ngạc nhiên vì sao tôi không biết nhà Năm. Thạnh cho tôi biết nhà ba má Năm ở Tân Định, anh giục tôi nên đến thăm họ một lần. Thạnh biết rất rõ về mối tình của chúng tôi. Nhờ Thạnh, tôi mới biết nhà của họ. Dạo xưa, tôi không mấy khi hỏi về việc gia đình ba má, anh em của anh ta làm gì, ở đâu. Tôi chỉ gửi thư đến nhà Thạnh, nhờ anh chuyển thư cho Năm.

- Để coi, Thạnh gọi phone đến nhà Năm trước, xem sao nhe.

Nói xong, không chờ tôi phản ứng, Thạnh đến bên bàn giấy, gọi phone đến nhà Năm. Bà má ToBi bắt phone, Thạnh hỏi thăm sức khỏe  bà, và hỏi Năm. Bà trả lời là Năm vừa trở lên Đà Lạt ngày hôm qua. Thế là định mệnh đã dứt khoát phân định cho tôi vĩnh biệt xong một việc. Thật sự đã xa rồi… Tình hoang dại vì 

“Men” Kia Thôi Đã Hết

Sông Ngân Hà cõi lòng xưa chết lịm
Đường phố cũ ngóng mây chiều lướt cao
Bên nhau nhìn giọt lệ tuôn trào
Tim ta chới với ngược dòng nước lội.

Lịm tắt vì sao chân trời quỳ gối
Ta đắm mình trong sóng nổi mây trôi
Lệ lăn tràn trên gò má song đôi
Tình lính chiến xót ai chiều viễn xứ.

Sóng dậy mù khơi nhạc buồn sầu phủ
Đan vào nhau sâu kín chợt nhủ mình
Chia sẻ yêu thương vào cõi lặng thinh
Phố nhỏ vùi "men" đời thôi đã hết.

Đong tình cũ mỗi đêm thu sáng nguyệt
Ánh trăng vào rọi chiếu cánh song khuya
Nghe cô đơn sao rơi lạnh bốn bề
Tan sầu héo cung đàn ơi nguyệt quyện.

Sương gậm nhấm hương tình đêm rớt muộn
Tiếng rì rào sóng vỗ cuối biển khơi
Bóng ai về ẩn dấu nụ cười tươi
Kề môi má trao những lời xa vắng.

Vui tan hợp ánh trăng ta uống cạn
Bạn tình ơi hãy dừng bước phương này
Như vầng trăng lả lướt Đào Nguyên mây
Tình cuối tuyệt hơn tình đầu xưa ấy. (*)

Tôi vào thi xong, họ hẹn hai tuần mới có kết qủa. Hiền và tôi trở về Tùng Nghĩa thăm anh chị Tuế trước khi lên Đà Lạt. Vả lại, hai tuần phép của Cảnh đã được ký vào đầu tháng Sáu. Anh về Biên Hòa trước là thăm gia đình ba má, các em, bạn hữu. Sau đó là Cảnh bàn tính với cha mẹ của anh về việc hôn nhân, đính ước với tôi.

Cùng lúc đó, anh chị Tuế dọn xuống ở Tùng Nghĩa. Ngôi biệt thự Mimosa ở đại lộ 2 Pasteur của ba má bỏ trống, nên anh chị Dzoãn dọn về tạm ở chung với tôi cho vui, cho có người đi ra đi vào. Anh Dzoãn là anh ruột của tôi đã có vợ, chị dâu tên là Xuân, chị mới sanh một cháu gái đầu lòng, đặt tên cháu là Châu Ngọc Bích. Anh Dzoãn làm công chức, lương thư ký hành chánh quá eo hẹp, không đủ sống. Nên sau giờ làm công chức anh về nhà chạy xe lam thêm. Xe lam nầy là của chị Tư, (chị Tư là chị ruột của chúng tôi). Anh Dzoãn chạy xe thuê, mỗi ngày anh Dzoãn đem tiền về trả góp cho chị Tư là hai chục đồng. Thừa thiếu ít nhiều gì anh ráng chịu. Anh Dzoãn nuôi vợ con, tôi, cháu Châu (con chị Sáu) cùng mấy đứa em vợ lóc nhóc. Ngôi nhà rộng sáu phòng ngủ như thế, mà vẫn không đủ chứa bằng ấy người, ồn ào hết biết cái đám họ hàng bên vợ của anh Dzoãn. Khiếp!

-----------------------------------------------------------------

(*) Thơ Tìnhhoàihương

Chương   12
Hững Hờ Sóng Cuốn

Nắng chiều yếu ớt ẻo lả mệt nhoài ngã trên con đường nhựa mang lớp đất đỏ đọng phù sa mong mỏng phủ lên mặt. Đồng ruộng, cây cối phì nhiêu xanh um bóng mát ẩn hiện bao ngôi nhà tôn, nhà ngói. Dưới những rặng cây thưa, có nhiều làn khói lam rụt rè vươn lên nóc nhà, gợi nhớ bữa cơm chiều thân thiết. Từ dưới Cầu Đại Ninh lên khu Đức Trọng, rải rác nơi nơi có đàn bò lửng thửng về chuồng. Vài con trâu gặm cỏ bên lề đường ngơ ngác nhìn ngó khi đoàn xe vút qua.

Tại Tùng Nghĩa, hai đứa tôi khệ nệ xách va ly và giỏ trái cây vào sân nhà chị ruột. Tôi chợt thấy một người con trai lạ, còn trẻ, mặt mày anh ấy rất sáng sủa, quắc thước. Phải cái tội là anh hơi lùn, hơi có vẻ lùn lùn tí thôi. Anh ấy đang bế cháu Cường, (là cháu ruột gọi tôi bằng dì, con trai đầu lòng của anh chị Tuế). Gật đầu chào anh, tôi cầm tay Cường mỉm cười vui vẻ rung rung tay cháu. Anh ta tỏ ý vui và gọi đúng tên cúng cơm của tôi, khiến tôi giật mình, ngạc nhiên tròn xoe mắt sửng sốt nhìn anh:

- Dạ! Thụy… chào anh. Xin lỗi, sao anh biết tên em vậy cà?

Chàng nở nụ cười gợi cảm. Khuôn mặt khá xinh trai sáng lên chốc lát, làm cho người đối diện được một phen thắc mắc, nhìn kỹ, và lưu ý về anh hơn:

- Có thể em không biết anh. Nhưng anh biết em từ lâu mà.
- Ấy da dà… Ui!

Tôi chúm chím cười, nhìn anh giây lát và gật gù nhè nhẹ gật gật đầu, rồi rảo bước vô nhà. Đã lâu, nay trông thấy em, chị Hách rất vui vẻ, mừng rỡ, hớn hở nói cười rôm rả ríu rít. Chị vào phòng ngủ mở tủ lấy tiền, chị định đi mua mấy tô bún bò giò heo, cho hai em ăn đỡ đói. Dù chị đang loay hoay trong bếp làm bữa cơm tối. Mặc anh chồng liếc chị tằng hắng lên mấy tiếng, vì giờ cơm tối đã gần kề. Bà chị của tôi hiền lành, phúc hậu, luôn bị ông chồng ưa “ăn hiếp”, ai ai trong họ cũng thành thật nói là: anh Tuế ưa “lấn át” răm đe, nạt nộ, và bốn năm lần vũ phu vợ, vợ như kẻ dưới con hầu vậy.
Ba chị em cứ lờ ông anh, vui vẻ đi ra chợ, chị giải thích:

- Anh chàng đang bế cháu Cường đó: tên là Quốc, sinh trưởng ở Cần Thơ. Quốc trọ ở sát bên cạnh phòng của anh chị. Nhất cận thân nhì cận lân mà em. Quốc hay qua nhà chị chơi khi rảnh rỗi, Quốc ưa bế giùm cháu Cường, cho chị làm việc nhà. Quốc là biên tập viên đồng thời chỉ huy của anh Tuế. Tuy vậy, tính tình Quốc bình dân, giản dị dễ thương, chứ không ỷ ta đây có quyền cao chức lớn, mà phách lối. Chị có nói sơ sơ về em cho Quốc nghe. Anh chị có đưa hình của em cho anh ấy coi.
- Hèn chi vừa thấy em, là anh Quốc gọi đúng tên em rồi. Bây giờ em không ngạc nhiên nữa.
-  Anh ấy còn độc thân. Ở đây chị không thấy Quốc có bạn gái. Chị muốn em quen Quốc là tốt đó.
- Trời! Chị thật ngây thơ, chị cũng như Quốc, mới ở nơi xứ quê nầy gần một năm thôi. Biết đâu Quốc có vợ, hay có cô bồ dấu ở miền lục tỉnh, hay ở miệt Sài Gòn cũng nên.
- Không đâu em. Ở gần nhau lâu ngày, chị biết mà. Anh Tuế làm bảng lương, tất biết rõ việc Quốc không vợ.

Tôi im lặng nhìn chị cười vu vơ. Chị tôi thật thà, không văn hoa, không khách sáo đón đưa, chất phác dễ thương lắm. Chị chân thật nên nhìn ai, chị cũng thấy họ tốt cả.

Bạn Hiền ở chơi với chị em tôi ba ngày. Sau đó, cô ta lên Đà Lạt trước. Riêng tôi, vừa thất nghiệp; nên ý tôi muốn ở lại chơi với chị, sau là giúp chị nửa tháng làm việc vặt, chờ chị qua cơn bệnh (do chị mới có thai nghén hành). Về Đà Lạt tôi không làm gì, dù ở đó đang có Cảnh hoặc có ai chăng nữa. Thật ra tháng nầy Cảnh đã đi phép, nên tôi chưa muốn về nhà. Gia đình bên vợ anh Dzoãn đông đúc đều dồn về ở nhờ. Họ lo chuyện giả thịt heo, thịt bò, làm giò lụa, làm nem chua, rồi đem ra bỏ mối ngoài chợ lớn. Ngày cũng như đêm họ nói chuyện ra rả, ồn ào suốt ngày. Tôi nhức bưng đầu chịu không nỗi, chán. Tôi sợ sự huyên náo làm điếc con ráy hết biết.

oOo

Tôi sợ nhất là những khi Quốc đứng trước cửa phòng của anh (đối diện với phòng khách của anh chị), mỗi cử động nhỏ nhặt nào ở trong phòng nầy, đều không khỏi có đôi mắt anh lặng lẽ ngắm nhìn tôi từng ly từng tí (mỗi khi tôi bước đi ra sân phơi quần áo, hoặc khi tôi đi ra đi vào cổng), tôi đều bắt gặp ánh mắt anh ngời sáng và trìu mến nhìn tôi. Khiến tôi cảm thấy sợ, bẽn lẽn, bối rối, ngượng ngùng không ít. Mỗi ngày: sáng, chiều, tối, Quốc hay qua nhà chị Tuế, anh bế cháu Cường phụ tôi. Rảnh tay tôi lo nấu cơm nước. Giặt giũ, lau dọn nhà cửa. Nhiều khi tôi gặp Quốc, hai người tỉ tê nói năm ba chuyện vui vớ vẩn. Có tiếp xúc với anh, tôi mới nhận thấy bản tính đa số người miền Nam như anh thật chân tình, dễ chịu, vui vẻ hòa ái, dễ dàng thân mật với bất cứ ai anh ưa thích. Đôi khi Quốc vào tận bếp xem tôi nấu ăn. Củi cháy rực than hồng, mồ hôi bên thái dương tôi nhỏ giọt xuống ngực áo, ướt đẫm lưng. Đôi má tôi rực đỏ vì thấm mệt và đứng lâu bên lửa nóng. Bình thản lấy khăn mouchoir của anh ra, Quốc nhẹ nhàng chặm chặm những giọt mồ hôi trên cằm trên má cho tôi. Tôi cảm ơn anh và cảm thấy lòng bình yên sau những niềm vui đơn sơ mà chí tình ấy.

Trên bàn rộng rung lanh canh, chuyển động dao chặt thịt gà trên thớt. Tay của tôi yếu, hay do có người con trai đầy bản lĩnh đứng gần bên chòng chọc nhìn tôi, do Quốc quan sát hoài hay sao, tôi cảm thấy ngượng, nên tôi lúng túng, bối rối thẹn thùng, mà làm việc gì cũng không xong?
Quốc nhìn tôi nheo mắt, cười cười:

- Anh mạnh tay, để anh phụ em chặt một phát, là miếng thịt đứt đôi liền hà. Em coi. Nè...

Thế là Quốc xăn tay áo lạnh lên, anh ngồi chò hõ dưới nền xi măng mà chặt thịt gà ra gọn gàng, anh sắp thịt vô dĩa có lớp lang đâu ra đó, coi gọn ơ! Có lần anh bắt chuyện:

- Câu chuyện về Thắng Cảnh và Hương Thụy như thế nào rồi. Hở em?

Giật bắn người, tôi ngưng nhặt rau, ngẩng nhìn anh dò hỏi:

- Anh nói… sao?
- À, chuyện của em và Cảnh í mà.
- ...  Sao anh biết?
- Ồ! Anh làm đặc phái viên tình báo trung ương tư nhân cho “Hãng của em”, thì chuyện gì mà anh không biết chớ.
- Anh khéo đùa dai.
- Anh nói thật chớ hổng nói đùa. Em ui.
- Vậy anh hỏi chuyện đó. Để làm gì?
- Từ trước ngày anh không quen và chưa tiếp chuyện với em. Thỉnh thoảng anh đến nhà em ở villa Mimosa. Anh có gặp em.
- Gặp?! Anh nói gì lơ tơ mơ vậy hổng biết. Em chưa bao giờ gặp anh.
- Ừ! Làm sao em gặp anh chớ. Anh cùng anh Tuế đi công tác đột xuất, chỉ ghé tạt qua nhà. Vài lần anh ngủ lại vài đêm khuya ngoài phòng khách. Cũng có lần anh ngồi ngoài xe đợi anh Tuế đi làm. Anh thấy em.
- À… ra vậy!

Tôi không trả lời câu hỏi của anh về “câu chuyện Cảnh và tôi”. Tôi không muốn thổ lộ nỗi niềm cho Quốc biết về chuyện riêng tư. Hay tôi muốn giấu nhẹm chuyện tình giữa tôi và Cảnh, để tôi có dịp tìm hiểu chàng trai kỳ lạ đầy hấp lực mang tên Quốc trong mộng và thực? Tôi chả biết tôi muốn gì! Thực sự tôi cũng có cảm tình với Quốc, khoảnh khắc luyến mến chân thật nầy đã đến rất nhanh từ đáy lòng mình, và có thể nói là tôi thật lòng trong thời gian ngắn ngủi nào đó, rồi lặng lẽ âm thầm rời xa. Từ hôm đó Quốc thường tạo cơ hội đến với tôi, anh nói cười tự nhiên và lặng lẽ nhưng say đắm nhìn tôi hoài. Chúng tôi thân mật vui vẻ tự nhiên hơn, Quốc ưa rủ tôi đi ăn sáng hay ăn tối (vì anh ăn cơm tháng ở ngoài nhà hàng). Tôi đều từ chối. Bởi lẽ cái xã Tùng Nghĩa nầy nhỏ lắm, nhất cử nhất động đều có tai vách mạch rừng. Tôi không muốn người ta dòm ngó, xầm xì, không phải vì tôi, mà vì do Quốc “nổi bật” ở đây. Anh là “cái đích”, anh là “cái rốn”, để các cô ở Thôn, Xã, Quận nầy nhìn vào. Tôi thành thật vô tư lự mà nhận xét: Quốc là chàng trai “sáng giá” ở cái Quận Đức Trọng.

Nhiều ngày Quốc đi ăn sáng, ăn tối ngoài phố, lúc về, anh mua cho chị em và cháu: khi thì cái bánh giò, khi bánh mì dồi thịt. Có ngày anh mua nguyên con gà xối mỡ, và dĩa xôi về, anh mang những thứ đó qua nhà chị Tuế. Thế là cả nhà chúng tôi và Quốc cùng nhau trà dư tửu hậu ăn uống lúc cuối tuần nhàn rỗi vui vẻ. Nhiều lần anh chị Tuế ngủ trưa trong phòng, (che chắn phòng khách và phòng ngủ bằng cái màn vải màu xanh, ở ngoài phòng khách sát đầu giường ngủ, nếu ai làm gì, nói gì, thì ở trong kia họ đều nghe, & thấy rõ mồn một), tôi đường hoàng mời Quốc qua nhà, chúng tôi ngồi ngoài phòng khách, khi thì ăn chè hột sen, chè đậu xanh, chè bắp, để đáp lễ. Chứ ăn chùa hoài của người ta cũng kỳ, coi sao được! Quốc hay đút chè cho cháu Cường ăn, và anh tự nhiên đút chè cho tôi ăn. Chúng tôi rù rì nói chuyện vui và tếu. Tôi mến Quốc. Tôi muốn xem Quốc như người anh trai khả kính.

Vào một buổi trưa cuối tuần, anh Tuế chở chị Hách lên Đà Lạt tái khám. Tôi ở nhà một mình trông coi cháu Cường. Cơm nước xong, tôi cho cháu đi ngủ. Cháu đã ngủ say. Tôi nằm phía ngoài mép giường cạnh cháu, để canh chừng cháu khỏi té. Tôi đọc sách rồi úp sách lên ngực, mệt mỏi lim dim nhắm mắt, mơ mơ màng màng nằm im.

Bất ngờ Hiền từ Đà Lạt xuống, một chân ngoài sân một chân trong cửa, cô ta nheo nhéo kêu réo gọi tên tôi. Quốc ngồi làm việc ở phòng khách bên cạnh phòng của nhà anh chị Tuế, anh vụt đứng lên mở cửa đi qua nhà anh chị tôi. Thật nhanh tôi nhỏm dậy, lo lắng bàng hoàng ra ngồi ngoài bàn nói chuyện với Hiền. Anh chị Dzoãn sai Hiền xuống gọi tôi về Đà Lạt gấp: vì Chủ Nhật nầy có ba má Cảnh ở Biên Hòa lên thăm Cảnh, họ sẽ bàn tính chuyện của chúng tôi.

Thoáng buồn thứ nhất đọng lại trên giếng mắt ướt của chàng trai dễ mến đó. Nhưng tôi run rẩy như người mất hồn, mất vía, nào có hay biết gì. Tôi không thể hiểu tại sao lúc đó lại muốn không cho Quốc biết chuyện Cảnh sẽ đến nhà đính ước (!?). Tôi e dè ngượng ngập len lén nhìn Quốc, và cảm thấy tiếc tiếc một điều gì quá mơ hồ! Trong khi anh lặng lẽ cúi đầu đăm chiêu lo nghĩ.

Chiều, khi anh chị Tuế đi tái khám về nhà. Tôi nói chuyện đó, và thu xếp quần áo. Quốc nằng nặc xin đưa tiễn tôi đi về Đà Lạt.

- Vâng! Anh muốn đi thì cứ đi tự do. Ai dám cấm anh mà xin ha.

Tôi ngồi trên xe đò giữa Quốc và Hiền. Dù bên trên thân thể tôi đã mặc áo len dài tay màu đen, nhưng do tôi mặc chiếc short shirt màu hồng khá ngắn, nên lộ ra khoảng đầu gối run run vì thấm lạnh. Quốc tinh ý mỉm cười lấy chiếc overcoat của anh choàng lên phủ kín người tôi. Tôi liếc nhìn Quốc e dè nói lời cảm ơn lý nhí trong miệng. Hiền khẽ rỉ vào tai tôi:

- Coi chừng chết nghe. Ông Quốc si mê mi lắm đó.
- Bậy bạ nào. Yêu gì mau vậy.
- Tui biết ông Quốc từ hồi anh chị Tuế còn ở trên Pasteur kìa.
- Mình không bao giờ thấy anh Quốc ở đó hết.

Hiền thì thầm:

- Dạo đó thì mi có thèm để ý tới ai. Ngoài sự bực bội tức giận cái thằng bồ “mất dạy cũ” của mi chớ.
- Vô lý. Ít ra mình phải thấy anh nầy một vài lần.
- Ông Quốc còn ở lại nhà, ngủ dưới phòng khách nữa kìa.
- Ơ! Những lúc đó thì mình đi đâu?
- Rúc ở trong phòng riêng, đóng chặt cửa. Chứ đi đâu.
- Trời! Mình “tu” đến mức đó à!
- Hừ. Còn gì nữa! Bi chừ lo mà tỉnh người ra đi. Chớ yêu nhiều thì yếu, mà yếu nhiều thì ốm. Ốm hoài thì ngủm, chết. Chết là lết vô hòm...
- Tại, bởi, vì… mình yêu đắm, yêu đuối! Hì hì! Yêu quá thì sẽ chết đắm, chết đuối mà!
- Hô hô hô!

Thì ra, ngày xa xưa ấy… dưới mắt tôi “người ta” chỉ là con số không to tướng, che lấp mắt mình mù lòa giữa mộng ảo và thực tế. Tôi nào thấy ai ngoài cái tên “bồ hóng mất dạy Năm Hoàng cũ” như Hiền đã nói. Phải mà.
Lên tới Đà Lạt, Quốc bịn rịn kín đáo khe khẽ nói lời chia tay ứ trào niềm đau, không thành tiếng alphabê trong cõi thật mà rất hư vô… Ấp Ủ cơn mê... Quốc dúi vô tay Hiền những câu thơ ghi vội... khiến Hiền vừa đi vừa đọc, dường như than giúp:

“Dạ. Anh thương”! Anh cảm nặng rồi đó́,
Thố lộ cùng ai, chuyện ốm đau nầy?
Nỗi niềm riêng không lẽ nói cho người...
lạnh nhạt thờ ơ và quá hững hờ?

Dẫu thật lòng anh muốn gửi trang thơ.
Nói với em dù ngập ngừng nhỏ nhẹ.
Số phận nàng bẽ bàng Trời đã định.
Anh thật buồn, bởi không người san sẻ.

Chẳng có ai tri kỷ như mình ước
mơ. Người lâu nay mòn moỏi trông chờ.
Ai ngờ… là sóng đùa trên bãi cát.
Kể cả em. Người… ấp ủ trong mơ. (*)

----------------------------------------------------------------------
(*) thơ tìnhhoàihương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012