SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

LẠC MẤT XUÂN THÌ

... Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
...

Bài hát mở đầu của chương trình tuyển chọn Hoa hậu mùa xuân được một nhật báo lớn nhất thành phố tài trợ đang chiếu trên Tivi gợi nhớ trong tôi nhiều thứ. Ban chiều đám em rủ tôi đi xem, nghe đâu giá vé khá đắt và hơi khó mua, nếu không có người quen mua giùm phải mua với giá chợ đen, tụi nó nói " hơn hai mươi năm đây là lần đầu tiên chị về Việt Nam ăn Tết, đi xem thi Hoa hậu cho vui ". Thật tình thì tôi không mấy hào hứng để tham dự bèn lấy cớ mới về chưa khỏe lắm nên từ chối, vả lại nghe nói đài truyền hình có phát sóng trực tiếp tôi bèn nói thôi để chị ở nhà xem Ti vi cũng đủ. Việt Nam bây giờ hơi " bị " quá tải về danh xưng hoa hậu, thậm chí về miệt vườn gặp cô gái đang chèo xuồng đẹp đẹp đôi chút chắc thế nào cũng có tổ chức giải thi " hoa hậu chèo xuồng " giống như cuốn tiểu thuyết Hoa hậu Bồ đào của nhà văn Bình Nguyên Lộc viết từ những năm tôi chưa sinh ra. Nội dung quyển truyện kể về cuộc thi hoa hậu do chủ hãng rượu Bồ đào tổ chức, người thiếu nữ đoạt ngôi hoa hậu được người ta gọi là Hoa hậu Bồ Đào luôn.

Theo thông lệ khi bắt đầu chương trình bao giờ cũng phải qua mấy màn diễn văn khai mạc dài dòng, kế tiếp là giới thiệu thành tích, chức vụ của các vị nam nữ giám khảo cho dù việc tuyển chọn chẳng ăn nhập gì đến khả năng hoặc nghề nghiệp liên quan. Ai cũng ngầm hiểu để đoạt được giải người dự thi cần phụ thuộc vào các yếu tố khác không tiện nói ra, thường thì kết quả đa phần đều do đôi mắt " ngẫu hứng " của người ngồi ghế ghi điểm và ảnh hưởng của nhà tài trợ nào nặng ký nhất. Ống kính chiếu lướt qua từng khuôn mặt được xướng tên, ký ức tôi bỗng quay về khi chợt nghe người MC giới thiệu "... nhà văn, thi sĩ Lâm Viên.. phó tổng biên tập báo Đất Trẻ ". Tôi căng mắt nhìn hình người vừa được ống kính chiếu thẳng khi ông ta đứng lên nghiêng mình, nhiều năm rồi dù tướng tá trở nên bệ vệ với dáng dấp tròn căng theo địa vị được thăng hoa, tôi vẫn nhận ra người quen ngày cũ nhờ cái tên và đường nét của khuôn mặt không thay đổi mấy.

1.

 - Cho Anh xin lỗi, đừng giận nữa mà !

Mặc cho Lâm Viên xin lỗi tôi vẫn ngúng nguẩy ngồi bó gối, gục đầu quay mặt vào vách, bên cạnh giọng anh vẫn lải nhải dỗ dành :

- Vào ăn cơm đi, anh hứa sẽ không tái phạm lần sau, anh thề đó. Không ấy anh cho em nhát lại anh bù trừ.

Tôi bật cười :

- Anh này khôn dễ sợ, biết Linh sợ ma còn kêu người ta giả làm ma hù anh. Không thèm đâu, Linh phạt anh phải leo lên cây ngọc lan hái đền cho Linh mấy nhánh có thật nhiều hoa mới được.
- Rồi tuân lịnh công nương, kẻ hèn này dù thịt nát xương tan cũng sẽ làm hài lòng người đẹp.
- Trời, trông anh giống kép hát cải lương chưa kìa, bảo đảm anh đi hát đóng tuồng còn hay hơn kép Hùng Cường.

Trong tổ công tác tôi là người ít nói nhất, nhưng trước tài chọc cười của Lâm Viên thỉnh thoảng tôi cũng phải phì cười và mở miệng vài câu, có lẽ vì hai cái tên chúng tôi có sự liên kết về mặt địa lý, đọc lên nghe rất quen thuộc. Lúc điểm danh gọi tên bất cứ ai nghe được cũng đều hỏi có phải cả hai là anh em ? Một người là Lâm Viên, còn người kia là Di Linh, vì nhắc đến Lâm Viên lại nhớ đến Di Linh hoặc ngược lại. Xuôi theo câu hỏi tôi hay trả lời " Dạ phải, tụi tôi là anh em nhưng khác cha khác mẹ ".

Lần này tôi được chuyển vào nhập chung tổ với Lâm Viên vì công ty dệt này lớn quá nên cần phải bổ sung thêm lực lượng để kiểm kê thật nhanh theo yêu cầu của chủ nhân. Không giống như các nhà máy khác, người chủ thuộc loại " tư sản dân tộc " nhờ vào thành tích có thân nhân đi tập kết về và trước kia có giúp đỡ cho cách mạng nên được " chiếu cố " không bị quy vào thành phần tư sản mại bản. Có lẽ nhờ giác ngộ cách mạng sớm biết thức thời nên tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản gồm nhà xưởng, đất đai, đồn điền, xe cộ cho nhà nước để bù lại được nhà nước cấp cho giấy phép xuất cảnh ra nước ngoài càng sớm càng tốt. Ấy là tôi nghe đám công nhân xì xào nói thế.

Có lẽ biết mình phải ra đi với hai bàn tay trắng nên của cải còn lại chủ nhân hào phóng tiêu xài trước khi nhà máy nhập vào hệ thống quốc doanh, những người làm công bao nhiêu năm gắn bó được hưởng đã đành, những người " khách mời " như bọn chúng tôi cũng được hưởng ké theo. Nhưng cái không khí thích thú nhất của bọn tôi là làm việc trong tinh thần thoải mái ghi chép mặc dù vẫn có những đôi mắt cú vọ của mấy tay cán bộ tổ trưởng quan sát, vì là do chủ nhân tự nguyện nên không có cảnh căng thẳng, uất ức hoặc hầm hừ đau khổ khi bị kẻ khác đến kiểm kê, tịch biên gia sản của mình, trái lại người chủ càng lôi ra hết những thứ bỏ xó trong kho từ lâu để ban kiểm kê đánh giá càng nhiều càng tốt, giá trị tài sản càng cao càng sớm được ra đi.

Đi qua nhiều nhà máy tôi chưa thấy nơi nào có khung cảnh thơ mộng như nơi này, toàn bộ phía trước nhà máy có thiết kế đẹp giống như một công viên nhỏ. Những bồn hoa, bãi cỏ được cắt xén cẩn thận, trồng tỉa công phu chứng tỏ chủ nhân có đầu óc thẩm mỹ khác người. Sau khi cơm trưa xong cả đám tụ tập dưới gốc cây ngọc lan cổ thụ, mấy tên con trai nằm lăn thoải mái trên bãi cỏ xanh tươi còn đám con gái ngồi dựa gốc cây thì thầm tán gẫu. Ngồi duỗi chân trên thảm cỏ tôi bỗng nghe có tiếng chim hót véo von đâu đó trên tàng cây trong khoảng không gian xanh im ắng, khiến hồn tôi tạm lắng xuống những nỗi buồn riêng trong hoàn cảnh hiện tại, khiến tôi quên đi trong chốc lát như chưa từng sống trong dâu bể, chưa từng trải qua mưa nắng dãi dầu ; bởi có lần tôi đọc trong một quyển sách tác giả đã viết " Trên trái đất còn có mùa xuân, còn ánh sáng, còn tiếng chim hót thì đừng bao giờ tuyệt vọng hay chán nản cuộc đời ".

 Hôm qua nhà máy thông báo ngày mai sẽ bán giá nội bộ cho nhân viên đoàn kiểm kê mỗi người một quần satin đen và năm mét vải đầu cây. Ngoại trừ mấy người cán bộ tổ trưởng có bậc lương chuẩn mực và tiêu chuẩn cung cấp cao họ xem là chuyện bình thường, còn lại đám nhân viên tạm tuyển như tôi sinh sống ở miền Nam ai cũng hết sức mừng rỡ nhưng biết giấu ngay cảm xúc và cố giữ vẽ thản nhiên, chị Khoán khều tôi hỏi nhỏ :

- Linh nè, em biết vải quần satin ngoài chợ trời họ thu vào bao nhiêu không ?
- Em đâu có biết.

Nhỏ Quỳnh xen vô :

- Nghe công nhân nói chợ trời thu vào tám chục đồng một quần, vải đầu cây mười lăm đồng một mét.
- Chị Khoán biết giá nội bộ bán cho mình tất cả là bao nhiêu không ?
- Chính xác khoảng hơn mười đồng thôi.
- Hả ? Chỉ có mười đồng thôi !

Tôi tròn mắt ngạc nhiên nén hồi hộp, lương tạm tuyển của tôi một tháng chỉ có hai mươi bốn đồng, cộng thêm hai mươi xu tiền cơm một ngày. Làm công nhân viên chỉ trông chờ những khoản nhu yếu phẩm nhà nước bán cung cấp hàng tháng đem ra bán lại cho chợ trời bù thêm vào. Khoản thu nhập lần này vượt quá sức mong được của tôi, nhưng lòng tôi lại băn khoăn, lấy đâu ra mười đồng bây giờ ! Ngày mai thứ bảy tôi mới theo xe đưa rước về nhà, đi làm trong túi tôi chưa bao giờ có quá năm đồng và không dám tiêu xài mất đồng nào.
Cô Nga bên nhóm ngân hàng nói thêm vào :

- Chị nghe cô em bạn dâu chạy chợ trời nói vải quần satin đen của nữ ngoài Bắc hút hàng lắm, có khi giá cao hơn vì họ thu gom hết ở đây để mang ra ngoài ấy.

2.

 Khi trong đời sống có điều buồn bã người ta hay tìm một người bạn thân thiết nào đó để tâm sự, để chia xẻ ; riêng tôi thì không bởi cho dù làm việc chung với nhiều người tôi vẫn có cảm giác đang bơ vơ trên ốc đảo ! Lần nào cũng thế mỗi lần nghe người khác than phiền về những vất vả, khắc nghiệt của đời sống hiện tại, tuy đồng cảm nhưng tôi vẫn dè dặt giữ im lặng, giấu chặt cảm nghĩ thật của mình, nhìn quanh hầu như đa số đều giống như tôi, chỉ một số ít làm khác hơn, họ hùa theo, ca tụng chế độ và lập lại như con vẹt mỗi khi học nghị quyết hoặc có phiên họp kiểm điểm công tác, phê và tự phê ! Sống bằng hai mặt hình như là cái mốt thời thượng của mọi người bây giờ.

Buổi tối hôm nay trời có trăng, nhà máy nằm ở khu ngoại ô ở xa thành phố, trong thời gian kiểm kê ca đêm tạm thời ngưng hoạt đông. Giữa khoảng mênh mông yên tĩnh, không có tiếng đập lách cách rào rào của con thoi vào khung dệt giống như ban ngày, ánh trăng dường như yên tâm đọng trên mặt đường, trên cành cây, ngọn cỏ. Lang thang chầm chậm đi dạo dưới ánh trăng, trong chiếc áo ngắn tôi giơ hai cánh tay lên hồn nhiên xòe hai bàn tay làm động tác xoay chuyển múa may, thấy cả hai tay mình trắng muốt như sữa đông, ước gì ngay bây giờ có được cây kem sữa thì sung sướng biết bao nhiêu, ao ước trẻ con ấy làm tôi bật cười, nếu ai trông thấy chắc chắn họ nghĩ tôi sắp hóa khùng nhưng có sao đâu, còn cười được là còn hạnh phúc.
Có tiếng chân bước thật mạnh phía sau làm tôi ngoái đầu nhìn lại, nhận ra Lâm Viên tôi đứng lại chờ anh :

- Anh làm gì mà đi rầm rập giống như duyệt binh vậy ?
- Phải đi có tiếng động như vậy nếu không Linh giật mình lại cho rằng anh nhát ma.
- Lâu lắm rồi Linh mới đi dạo dưới ánh trăng như vầy. Ở đô thành đèn điện sáng quá nên ánh trăng bị lu mờ và quên lãng.

Chúng tôi ngồi xuống chiếc băng đá đặt dọc theo lối đi cạnh cây ngọc lan. Hít một hơi dài hương hoa làm đầu óc tôi trở nên lâng lâng nhẹ bổng, lần đầu tiên tôi thổ lộ cảm nghĩ lãng mạn của mình :

- Mùi hương làm Linh nhớ nhà, nhớ cây ngọc lan nhà hàng xóm ; sau bảy lăm chủ nhà di tản nên bộ đội vào tiếp quản, họ đặt bếp ăn tập thể đốt bằng củi gần cây ngọc lan nên cây bị chết khô dần, tiếc thật ! Bên nhà Linh chỉ trồng hoa quỳnh thôi, nửa đêm Linh hay chờ xem hoa quỳnh nở, nhưng luôn luôn ngủ quên đến khi thức giấc thì hoa đã nở tự bao giờ, hoa quỳnh đẹp hơn ngọc lan nhưng lại không hương.

Quay đầu ngước nhìn về phía cây ngọc lan cành lá đang bàng bạc dưới trăng, lại một cơn gió thoảng nhẹ mang hương thơm ngất ngây bao trùm không gian tôi nghe giọng Lâm Viên khe khẽ hát :

- " Đêm khuya như một dòng sữa, lũ chúng em ra trước hiên nhà......
Nhẹ bàn chân hương đêm ơi, nhẹ bàn chân hương đêm ơi.....
.... Lung linh trăng lại về nữa........
- Bài Dạ lai hương của Phạm Duy ?
- Nhưng, trong thời gian đi lính, trực diện với cái chết khiến anh thích mấy bài hát Bình ca nhiều hơn.

Rồi anh hát tiếp nho nhỏ :

- Khi tôi về...con chim câu nằm trong tổ ấm,
Dây thép gai đã hết rào quanh đồn phòng ngự
Và người lính đã trở về cày đám ruộng xưa.
......

Khi tôi về con diều bay đùa bay trong gió,
Khi tôi về, khi tôi về
với hai tay tôi níu con tim tôi ôm lồng ngực
Khi tôi về cuộc đời xuôi chảy......

Bài hát nói về mùa dứt chiến tranh và sự trở về của người lính :

- Sống sót trở về trên đường làng tươi mát.........
Sống sót trở về anh thợ mỏ nao nức.
Sống sót trở về anh thợ cày sung sức...
Sống sót trở về tôi một mình tôi đi !

Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ký kết năm ấy tôi vừa học hết lớp mười, khắp nơi người ta nghêu ngao những bài hát ca ngợi hòa bình, viễn ảnh ngày kết thúc chiến tranh sao thấy thân ái và hạnh phúc cho cả đôi bên quá. Không còn thù hận, không còn giết chóc, nhưng sự thực lại không phải thế, trận chiến vẫn tiếp diễn suốt hai năm sau đó khốc liệt hơn và kết cuộc lại tàn nhẫn gấp bội ! Sự tàn nhẫn vô nhân thể hiện qua những trận mưa pháo của kẻ xé bỏ hiệp ước để giành chiến thắng rót vào người dân trên đường chạy loạn. Những dối trá lừa phỉnh, đày đọa tàn khốc dành cho người bại trận ở miền Nam thê thiết khôn nguôi ! Nghĩ đến đây tôi lại nhớ cha mình đang trong cảnh lao tù và mẹ phải dãi nắng dầm mưa lén lút mua đi bán lại từng trăm gram bột ngọt, cân đường hộp sữa ngoài chợ trời để kiếm tiền thăm nuôi cha tôi trong tù, cho các em tôi có được bữa cơm dù chỉ là ăn độn !Tôi kín đáo giơ tay quệt dòng nước mắt sắp trào ra mi rồi gượng hỏi :

- Bộ hồi đó anh có đi lính hả, chắc không phải là sĩ quan nên không bị đi tập trung cải tạo.
- Anh được hoãn dịch mấy lần vì lý do học vấn nhưng chứng chỉ cuối cùng thi rớt nên vào lính được một năm thì tan hàng, lúc đó anh đóng lon Chuẩn Úy.

Tôi gật đầu hiểu biết :

- Cấp bậc Chuẩn Úy chỉ đi học tập có ba ngày giống như lính.

Gần hai năm nay sống khép kín, cẩn thận từng lời bỗng hôm nay tôi thấy hơi tin cậy khi biết anh đã từng là người lính cùng màu áo trận với ba tôi, nỗi niềm thông cảm ùa đến một cách tự nhiên mang cho tôi cảm giác nhẹ nhõm, được hít thở những hương thơm tinh khiết từ phía cây ngọc lan đưa lại khiến tâm tư tôi như vừa mới hồi sinh, lòng tôi chìm ngập trong nỗi hân hoan vì tình bạn vừa mới khám phá làm tôi bớt chút bi quan với cuộc đời.

Hết đợt công tác tôi được trả về xí nghiệp, tuy không làm chung nhà máy nhưng chúng tôi vẫn gặp gỡ nhau luôn. Thời gian đầu chưa quen công việc mới, phải tìm đọc thêm các tài liệu liên quan, có hôm bỏ cả cơm trưa ngồi chép lại các biểu mẫu để kịp làm báo cáo. Chiều đó khi ra về bụng đói đạp xe lảo đảo, anh chạy song song theo bên cạnh hỏi :

- Em khỏe không ? Sao trông em xanh mét vậy ?

Tôi ậm ừ :

- Khỏe !... nhưng mà không khỏe mấy !
- ? ? ? ?
- Tại không ăn trưa nên bây giờ đói bụng quá !!
- Em đã gầy nhom lại nhịn ăn nữa, Linh phải cố giữ gìn sức khỏe chứ.

Cảm động ngước lên nhìn đôi mắt đỏ hoe sau làn kính trắng khi nghe anh nói thế nhưng tôi vẫn cố chống chế cãi :

- Tại Linh cao quá nên mới thấy gầy thôi, tụi bạn học vẫn gọi Linh là " cây tre miễu "
- Còn anh thì thấy Linh có dáng cao gầy xinh đẹp giống hệt nữ tài tử Kim Vui.
- Không biết anh là người thứ mấy nói Linh giống tài tử điện ảnh Kim Vui, giống ở khuôn mặt hơi dài với xương gò má cao và đôi mắt xếch phải không ?. Sao có nhiều " chí " lớn tưởng tượng giống nhau vậy nhỉ?

Người ta nói tình bạn giữa hai người khác phái với tình yêu là khoảng cách mong manh mơ hồ. Hai đứa chẳng ai nói với nhau điều gì nhưng hình như vẫn cảm thấy và vẫn biết. Qua cái siết tay thật chặt mỗi khi giã từ nhau sau những lần gặp gỡ, nhiều buổi tối đạp xe lòng vòng trên các con đường vắng, ngang qua những ngôi biệt thự nồng nàn hương ngọc lan thoang thoảng, cảm nhận hơi ấm từ chiếc áo khoác anh cởi ra choàng vội trên vai tôi tránh ngọn gió đông đầu mùa. Tôi mơ hồ nhận ra chúng tôi đã đi hơi quá tình bạn thông thường. Tôi dường như bớt đi những buồn bã thường trực vì hoàn cảnh gia đình đeo đẳng từ ngày cha tôi bị tập trung cải tạo.

Những buổi tối đi trực xí nghiệp biết tôi sợ ma Lâm Viên hay đến rủ tôi ra quán nước mía bên kia đường ngồi dựa tường tán chuyện trên trời dưới đất. Tôi đọc mấy câu thơ tôi quên mất tên tác giả rồi đố Lâm Viên là cây gì ?

- " Có những cây cành nhiều hơn lá
Nên suốt đời chỉ soi bóng trăng qua.
Có những con người lòng chân thật quá
Dẫu khổ đau nhiều tình vẫn bao la.

Lâm Viên ậm ừ đoán mãi không ra, cuối cùng hỏi tôi :

- Anh chịu thua, cây đó là cây gì.
- Em cũng không biết luôn.

Nói xong tôi cười thích thú làm Lâm Viên bật cười theo.

- Hôm kia anh đọc trong tờ báo có bài thơ anh cũng quên mất tên tác giả luôn, chỉ nhớ được mấy câu thôi ! :
" Tôi viết tâm tình nàng Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên để cơ đồ đắm biển sâu !

Đột nhiên tôi hỏi Lâm Viên :

- Nếu anh ở trong hoàn cảnh nàng Mỵ Châu phải chọn lựa giữa tình và hiếu thì anh chọn ai ?
- Em muốn hỏi giữa trái tim và lý trí nên chọn lựa thứ nào phải không ? Nếu chuyện ấy xảy ra thì riêng em sẽ chọn cái nào ?

3.

" Tình vui theo gió mây trôi, ý sầu mưa suốt đời. Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi, mấy tuổi xa người. Ngày thần tiên em bước lên ngôi đã nghe son vàng tả tơi !....... Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai...! "

Bài hát này tôi ưa thích từ lâu lắm, có lẽ nào số phận của tôi lại giống hệt như lời ca ! Mãi sau này tôi mới biết bố mẹ của Lâm Viên đều là cán bộ tập kết miền Bắc. Hai chị em của anh ở lại sống với ông bà ngoại. Thoạt đầu tôi cố biện hộ rằng anh sinh ra lớn lên ở miền Nam dù không nhiều thì ít tôi vẫn tin anh có tư tưởng chính trị phóng khoáng hơn những người không sống cùng chế độ, khi quen anh tôi không nghĩ anh là người bị chi phối và ảnh hưởng nhiều từ cha mẹ. Ngày đầu năm tôi sang chúc Tết gia đình anh, để đáp lễ hôm mồng một anh đã ghé qua nhà tôi. Ra về Lâm Viên nói trước đây đã có dự định sẽ thưa với ba mẹ anh chuyện của hai đứa nhân dịp tôi gặp mặt ba má anh nhưng anh không ngờ.....!. Tôi im lặng không nói lời nào vì trong mắt tôi đã trông thấy tương lai chồng chất đầy thành kiến không có chút vui vẻ cho cả hai dù chỉ mới lần đầu tiên gặp mặt, tôi biết dễ gì ba má anh chấp nhận tôi và riêng bản thân tôi còn chữ hiếu và tự ái của mình nữa. Cái chiến tuyến đáng lẽ phải dẹp bỏ ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, nào ngờ lại bị bên thắng trận dựng lại bằng hình thức khác qua lý lịch.Chẳng cần anh biện hộ tôi thừa hiểu những người không cùng quan điểm chính trị khó lòng ngồi cùng nhau bàn luận bất cứ chuyện gì !

Thời gian sau gặp gỡ giữa hai chúng tôi thưa thớt lần, Lâm Viên và tôi lẵng lặng xa nhau từ dạo ấy, tôi không trách anh trong việc chọn lựa, bởi tương lai anh phải dựa vào công trạng cha mẹ làm bệ phóng, hy sinh đời bố củng cố đời con là chuyện đương nhiên. Sống trong chế độ hiện tại có những phân bố bất thành văn ai ai cũng đều rõ : " Nhất thân, nhì thế, tam tiền, tứ chế " (*). May mắn thay tôi không thấy buồn chút nào vì không phải là nàng Mỵ Châu để trái tim lầm chỗ. Đời sống xã hội đổi thay đối với tôi là chuyện đáng buồn hơn hết ! Nếu không giờ này tôi đang là cô sinh viên đang cùng ai đó " uống ly chanh đường " hay cùng người yêu có ánh mắt " cùng nhìn chung một hướng " tay trong tay cùng nhau dạo phố, chứ chẳng phải tất bật lo lắng từng lon gạo cho ngày mai ! Nhưng thôi cho dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn khắc nghiệt não nề, kiêu hãnh trong tôi vẫn còn đầy ắp. Còn nhớ một lần nhân dịp Tết mẹ bị bệnh tôi phải thay thế đi nuôi cha, trong căn chòi thăm nuôi giữa rừng tôi tình cờ lật một quyển vở chép lại các bài hát cũ không biết của ai, giữa những lời nhạc tôi nhìn thấy hàng chữ viết nắn nót rất trang trọng, đó là lời của Mạnh Tử trong Kinh Thi mà tôi có dịp đọc qua lời dịch vào năm cuối lớp mười hai trước ngày mất nước:

-" Ta yêu đời và chuộng công lý nhưng nếu không giữ được cả đôi, ta ưng chịu hy sinh tánh mạng để duy trì công lý.
Tuy ta yêu đời nhưng còn có những cái đáng quý hơn cuộc sống.
Tuy ta không ưa sự chết, còn có những cái ta ghét hơn cả sự chết nữa. "

Chỉ mấy dòng chữ ngắn ngủi nhưng gói gọn trong đó sự chịu đựng lẫn hy sinh cao cả cho một lý tưởng, dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thay đổi.

 Nỗi vui mừng cha tôi được thả về chưa đầy tháng mấy mẹ con tôi lại phải tiễn cha đi một chuyến không về. Nhìn mẹ tôi lúi húi ngoài sân phơi quần áo mấy đứa em, trên đầu mang vành khăn trắng lòng tôi nặng trĩu. Là đứa con gái đầu lòng tôi bỗng thấy mình có một trách nhiệm hết sức nặng nề ! Giúp mẹ thay cha dìu dắt đàn em. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại tôi không biết phải làm thế nào để thay đổi.

Mấy năm sau này người đi vượt biên thành công được chính quyền cho phép họ ồ ạt gửi tiền, hàng hóa về tiếp tế cho thân nhân trong nước. Một người bạn cũ của ba tôi ở kinh tế mới mượn địa chỉ nhà tôi để nhận hàng từ nước ngoài, mấy lần tôi phải tháp tùng theo gia đình họ ra Tân sơn Nhất để lãnh. Nhìn dòng chảy quà cáp từ thế giới tự do của tư bản tuôn về quả thật lòng tôi buồn thê thảm ! Sao cái gì ở bên ấy bây giờ tôi đều thấy thơm tho, đẹp đẽ và sang trọng dù rằng những thứ ấy không phải xa lạ gì trong đời sống của dân miền Nam thuở trước ! Nhìn lại mình bỗng thấy hóa thành một đứa con gái quê mùa, lạc hậu nghèo nàn. Tôi ước gì gia đình mình nhận được một thùng quà như thế, má tôi sẽ có đủ tiền sang một gian hàng trên chiếc sạp gỗ đàng hoàng, không còn buôn bán chui nhủi đầu đường cuối chợ. Rủi thay gia đình tôi chẳng có ai là người thân ở ngoại quốc nên mọi thứ với chúng tôi cũng chỉ là mơ thôi.

Đời người con gái có thì, tuổi xuân qua chóng lắm, ai cũng nói thế và tôi cũng biết vậy ! Nhìn các em nheo nhóc tôi chẳng nỡ buông tay để nghĩ đến hạnh phúc riêng mình, đôi lúc thầm nghĩ phải chi ai đó đặt điều kiện đỗi cái ngàn vàng của tôi bù lại bằng một chuyến vượt biên vài cây vàng tôi rất sẵn lòng.

4.

Hội diễn văn nghệ ở nhà văn hóa thanh niên nhân dịp thành phố mười năm " bị "giải phóng tập hợp nhiều công ty, xí nghiệp tham gia biểu diễn được tổ chức rầm rộ. Tôi tình cờ gặp lại Lâm Viên ở phía sau hội trường sân khấu. Giả vờ như không có chuyện gì tôi vui mừng gọi :

- Anh Hai khỏe không ? Lâu lắm mới gặp lại anh, giờ anh công tác ở đâu ?

Giơ tay chỉ người đi cùng :

- Giới thiệu anh đây là bí thư chi đoàn nhà máy của em kiêm ông bầu của đoàn văn nghệ.
- Anh cũng bình thường, hiện đang viết cho báo Đất trẻ, còn em bây giờ ra sao ?
- Em hả, cũng như vậy thôi, mưa xuống thì buồn nắng lên lại vui ấy mà.
- Cô ấy bây giờ là trưởng ban văn nghệ, ca sĩ kiêm tay trống trong ban nhạc của xí nghiệp đó.

Nghe tay bí thư " hồ hởi " giới thiệu, tôi cười lớn :

- Anh viết báo nhớ giới thiệu ca sĩ Di Linh giùm nhé, một ngôi sao vừa hiện lên ban ngày.
- Anh thấy em bây giờ trông vui vẻ, yêu đời hơn xưa.

Giã từ Lâm Viên, trở về vị trí của ban văn nghệ miệng vẫn giữ nụ cười nhưng lòng tôi cay đắng với lời nhận xét của anh ! Bây giờ trông tôi tiến bộ vượt bậc vì đã biết khoác cái mặt nạ để sinh tồn ; được đánh giá là một đoàn viên thanh niên rất hăng say trong công tác. Ai cũng tưởng tôi đã triệt để giác ngộ cách mạng nên hăng hái xung phong làm lá cờ đầu, đâu có ai biết mục đích thực sự của tôi khi tạo thành tích chỉ với lý do muốn tay bí thư chi đoàn ghi tên tôi vào danh sách công nhân được tuyển chọn đi xuất khẩu lao động sang Cộng hòa dân chủ Đức. Hình như những nước theo chế độ độc tài Cộng sản đều ưa thích dùng những chữ " mị dân ". Cái gì cũng có chữ nhân dân và dân chủ làm đầu nhưng sự thật thì ngược lại. Tôi chọn đi Đức vì ai cũng bảo sang Đức là khá nhất, tàm tạm là Bulgary, Hung, Tiệp nghèo nhất là Liên Xô. Đồng lương của những người xuất khẩu lao động như tôi bị cắt xén để trả nợ quốc gia, trừ đủ thứ gọi là sinh hoạt phí chúng tôi không hề biết ! Chỉ biết người ta phát bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi, nhưng dù sao vẫn đỡ hơn đồng lương kém cỏi khi làm công nhân ở Việt Nam.

Dành dụm, chắt mót nhịn ăn, nhịn mặc hơn một năm, những đồng " đê mác " đầu tiên gửi về gia đình, nhỏ em gái khi nhận được viết thư báo cho tôi biết :

- " Chị Hai biết không, khi má với em đến nhà chị Thanh nhận tiền chị gửi về, tiền Đức có giá rất cao gia đình mừng đến đỗi nghẹn lời, tất cả má mang đi mua vàng hết đó chị. Chị có thể tưởng tượng được tất cả là bao nhiêu không ? Là ba cây vàng đó chị....”

Tôi đọc đi đọc lại lá thư, những ngày còn ở quê nhà, chỉ năm phân vàng thôi nhà tôi còn không có nói gì đến một cây hay một lượng.
Nửa năm sau tôi nhận được tin nhà của nhỏ em thứ tư :

- " Chị Hai ơi, em báo cho chị tin mừng, chị Ba đi theo anh người yêu sang HongKong rồi....”

Những lá thư sau tôi mới rõ nhiều sự việc khi tôi vắng mặt ở nhà. Với số tiền tôi gởi về em gái kế tôi cùng bạn trai lần mò đường dây vượt biên tận ven biển miền Bắc, chỉ tốn hai lượng vàng cho một đầu người. Nếu ở quê nhà những người như gia đình tôi bị xếp vào loại lý lịch xấu, bị phân biệt đối xử thì sang trại tị nạn lại là điểm tốt để đậu thanh lọc.Em tôi qua Mỹ năm trước, năm sau tôi sắp hết hạn hợp đồng bốn năm lao động chuẩn bị trở về nước, gánh nặng trên vai tôi giờ cảm thấy nhẹ tênh, nhìn lại thấy tuổi xuân mình cũng đã nhẹ bay theo cùng năm tháng.

oOo

 Đời là một chuỗi dài các biến cố bất ngờ đến độ không thể tưởng tượng sẽ xảy ra vậy mà chúng lại xảy đến, thời gian ở Đông đức tôi không hề biết những chuyện ở bên ngoài bức màn sắt kể cả bên trong phe chủ nghĩa xã hội. Khi bức tường Berlin sụp đổ nước Đức thống nhất, trong lúc những người bạn cùng nhà máy còn đang hoang mang chờ bồi thường và đợi về nước tôi đã nhanh chóng vượt bức tường mà cả thế giới tự do lên án là ô nhục giờ chỉ còn là đống gạch vụn ; quyết tâm đi về hướng Tây về phía tôi tin rằng tốt đẹp hơn việc tôi trở về.

Có những giấc mơ trở thành hiện thực đến nỗi người trong cuộc vẫn tưởng là đang nằm mơ, tôi là một trong số đó. So với những người khác phải đánh đổi nhiều thứ kể cả tính mạng để đạt được giấc mơ của mình, tôi thấy tôi là người may mắn cho dù phải trả giá bằng tuổi xuân thì của mình. Trên truyền hình bài hát vẫn còn đang vang vang

-..... Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón xuân về....

Câu hát làm một góc sâu nhất của trái tim tôi chao nhẹ, khơi dậy nỗi đau, tình yêu đầu đời tôi nén chặt bấy lâu. Giống như bông hoa khi bị chàng thi sĩ ngắt rời đã trở thành héo rũ, tuổi xuân tươi xinh đẹp của tôi ngưng đọng từ ngày ấy, giờ muốn tìm lại thuở xuân thì lạc mất cũng đã muộn màng

 Cỏ Biển
Mùa xuân 2012



(*) Thân nhân, họ hàng trong gia đình,
Thế lực, địa vị
Tiền
Chế độ quy định (thương binh, liệt sĩ, bộ đội, người có công với cách mạng)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012