SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Những Chuyện Còn Dang Dở …

Nguyên Nhung

Cuối cùng thì chàng cũng “tóm” được nàng, lúc hai người đều ở cái tuổi “tri thiên mệnh” của cuộc đời, nhờ một tấm hình in trên Đặc San trường cũ. Bao nhiêu kỷ niệm ào ào trở lại, không biết nàng có đúng là cái cô bé xinh xinh nhà ở gần bến sông, mỗi buổi sáng trong chiếc áo dài trắng đồng phục, ôm chiếc cặp da, khép nép đi lẫn vào đám bạn gái trên con đường nhiều bóng cây sao ngày xưa không? Những buổi trưa tan trường, bọn học trò thường hay đi tắt trong những ngõ nhỏ để trốn nắng, hai đứa nhà cùng một ngõ nên vẫn lẽo đẽo theo nhau mà chẳng nói năng chi. Chàng không nhớ rõ cô nào với cô nào, nhưng chắc chắn có hai con bé, một cô có chiếc răng khểnh và một cô có má lúm đồng tiền, cô nào thuở ấy trông cũng dễ thương.

Bọn con trai hồi ấy ngu ngơ như những con chim non vừa ra ràng, tình yêu tựa như chiếc lá bay trên hè phố, bỡ ngỡ như cánh bướm lạc vào khu vườn hoa đầy sắc thắm. Chỉ nhớ là họ đi theo nhau lặng lẽ trong những con ngõ đầy hoa nắng, hay trên những vỉa hè thành phố mỗi buổi tan trường, kẻ đi trước người theo sau, bước chân nàng thường luống cuống và cái mặt chàng thì ngu ngơ “vô số tội”.

Vậy mà sau ba mươi mấy năm sau, những kỷ niệm ấy bỗng dưng đẹp quá đỗi. Chàng vẫn nhớ mỗi lần đám con gái đi ngang nhà, bao giờ cũng bắt gặp vài khuôn mặt con trai quần xanh áo trắng đứng ngồi dưới bóng cây mận đỏ. Một thằng đàn ba thằng hát, lúc nào cũng vui nhộn, bài hát tủ và đầy tính cách trêu ghẹo vẫn chỉ là bài “Sáu mươi năm cuộc đời”, để dụ dỗ những con tim khờ khạo yêu mau đi kẻo đời ngắn lắm.

Bây giờ họ đã “bắt” được nhau, cả hai đều cảm động, dù trong họ chỉ mù mờ những hình ảnh không rõ nét, nhưng thoáng chốc đã làm họ quên đi thực tại. Ở một xó xỉnh nào trên xứ người, họ cùng nhớ về thành phố cũ, ngôi trường xưa, những con đường thân quen mà ngày xưa thời còn trẻ họ đã đi qua, con tim đập rộn ràng trong lồng ngực. Ở hai đầu dây xa tít qua đường điện thoại viễn liên, họ đang thử nối lại nhịp cầu, gợi lại cho nhau nhớ những kỷ niệm đẹp thời đi học.

***

“Nhớ anh không? Có phải ngày xưa nhà em ở gần bờ sông, vẫn hay đi với cô bé gì có chiếc răng khểnh đó phải hông?”

Giọng chàng bây giờ không còn là thanh âm của mấy chục năm  trước, khó nhận ra ngay vì nó khàn khàn như đàn chùng dây tơ. Và giọng nàng thì cũng không thánh thót như xưa, chàng đang tìm “hú họa” cái cô bé đi cùng đường tới trường năm cũ.

“Đúng là nhà tui ở đó, nhưng anh nhớ ai mới được chứ? Con nhỏ có chiếc răng khểnh hay là tui?”

“Như vậy là em rồi”, giọng chàng khàn khàn nhưng rất ngọt, sau mấy chục  năm đã có phần tự tin, không ấp a ấp úng như ngày xưa, mà lại dám gọi nàng bằng “em” chứ không nói trống không như thuở đó.

“Đúng là em mà, anh nhìn thấy tấm hình là nhớ liền. Em đâu có khác xưa bao nhiêu.”

Sao bây giờ chàng khéo nói thế, chẳng bù cho ngày xưa cóc ít khi nào mở miệng. Nghe sao mà cảm động, dù nàng không tin rằng nàng lại “vẫn như xưa” được, thời gian có “nịnh” ai bao giờ, dẫu cho nàng có đi thẩm mỹ viện nhờ tân trang lại chút nhan sắc đã tới lúc phôi phai. Nàng nhớ ra anh chàng gầy gầy ngồi lẫn lộn trong đám bạn trai trước căn nhà có cây mận đỏ, nhưng hồi ấy khi chỉ có hai đứa đi chung một con ngõ tới trường, chưa bao giờ nàng nghe chàng nói được điều gì hay ho hết.

”Có phải hồi xưa anh học lớp B. không?”

Nàng nghe có tiếng reo vui bên kia đầu dây điện thoại:

“Đúng rồi, trí nhớ em còn tốt mà giọng nói vẫn ngọt ngào như xưa. Anh xem hình thấy em không thay đổi bao nhiêu, hổng biết cái núm đồng tiền còn đó hông?”

“Mô Phật! Hình chỉ là bóng, bóng đâu có phải là thật. Tấm hình ấy tui chụp lâu rồi, con nhỏ có chiếc răng khểnh đứng bên cạnh đó, anh không nhìn ra sao?”

Có tiếng cười bên kia đầu dây:

“Ồ vậy hả? Chắc bây giờ mắt kém, chỉ nhận ra có mình em thôi.”

Nàng băn khoăn một chút. Anh chàng đang nói trên đường dây điện thoại, coi bộ cái miệng “trơn hơn mỡ”, không biết có đúng anh chàng vẫn hay lẽo đẽo theo mình ngày xưa mặt mũi ỉu xìu, sao bây giờ anh “đấu” như két vậy:

“Thôi đừng cho tui uống nước đường, hồi ấy anh nhát như thỏ, sao bi giờ nói giỏi quá vậy? À, còn anh gì bạn anh tui quên rồi, hay đi chiếc xe đạp màu xanh đó. . .”

Chàng cười vang trong máy điện thoại:

” Úi cha! Thằng N. chứ ai, bây giờ nó giàu lắm, đang điều hành một cơ sở thương mại ở Cali, hồi xưa nó đẹp trai nên tới bây giờ vẫn còn có người nhớ...”

Tự nhiên nàng cũng thấy vui vui:

“Lãng nhách thì thôi, nhưng hổng biết anh ta còn nhớ tui không? Ngày xưa có lúc hay đi theo con nhỏ có chiếc răng khểnh. Làm quen gì mà kỳ cục, hễ thấy nhỏ đi học về mà đường trưa vắng người, đạp xe theo rồi gõ lên nón lá người ta. Nhỏ sùng lắm, hễ mở miệng chửi là bị anh chàng quay lại cà khịa con gái gì vô duyên, dữ như bà chằng. Nếu biết anh chàng giàu vậy, tui xúi nó thương có phải bây giờ đỡ khổ không?”

Giọng chàng ngậm ngùi:

“Ủa, bộ bây giờ cô ấy khổ lắm sao?”

” Ừa khổ lắm, chồng nó đi tù sau năm 75 được vài năm thì chết trong trại cải tạo, nó mang được hai đứa con qua bên này, bây giờ con lớn hết rồi, nó ở có một mình thôi hà.”

“Hả? Sao cô ấy giống hệt anh vậy kìa? Anh cũng chỉ có một mình, “vợ thà coi như là hạt bụi, con thà coi như chiếc lá bay.”

“Sao bi quan quá vậy? À, mà hồi ấy anh đi đâu, tự nhiên bỗng biến mất hổng thấy nói giã từ với ai.”

Có tiếng cười trong đường dây, nghe sao có chút ngậm ngùi:

“Đi lính, đi lính thì có gì vui mà nói. Ngày xưa anh thấy mấy cô trốn học ra bờ sông ngồi trên bến tàu nhìn say mê mấy anh lính thủy lên bờ. Thế là xong Tú Tài anh đi Hải Quân, để mong rằng mỗi lần mình xa bờ có người ngồi ngóng đợi dưới bóng thùy dương.”

Nàng cũng cười khúc khích:

“ Nghe cải lương dữ ha. Rồi có ai chờ anh hông dzậy?”

Biết nàng vui tính hay đùa, chàng cũng cười:

“Không, có một cô chung ngõ nhưng anh đâu có dám nói gì để người ta chờ đợi. Cho nên khi anh đi qua Mỹ về thì cô bé đã yêu người khác . Em biết hông? Hồi ấy sau chín tháng quân trường, anh được đưa qua New-Port vùng Boston để học về Hàng Hải, mỗi lần đứng trên bờ biển để ngóng về quê nhà, nhìn theo những cánh chim hải âu, nghe tiếng sóng vỗ, và nghe Thái Thanh hát bài “Nghìn trùng xa cách”, nó nhớ ui là nhớ. Trên một xứ sở hòa bình để nghĩ về một đất nước chiến tranh, anh nhớ nhà quá chừng, nhớ nhứt cô bé má núm đồng tiền nhà chung ngõ thời đi học. Nhưng mà...”

Cả hai cùng im lặng, hình như họ cùng cảm động vì những kỷ niệm cũ., riêng nàng thì đang nghĩ cái miệng ăn gì mà “xạo” ghê. Chàng lại tiếp tục kể, như đang nói cho chính mình nghe:

“Hồi đó anh về, có đi thăm lại Trường và bạn cũ, nghe tin mấy cô bạn nhỏ ngày xưa đều đã có người đưa đón, chắc tại mình về muộn quá nên lỡ chuyến đò đưa. Sau đó cuộc chiến lại càng đưa anh đi xa hơn nữa, qua nhiều bến bờ trên sông biển, uýnh nhau với Việt Cộng mút mùa lệ thủy, anh đâu có nhiều thời gian để nhớ tới ai nữa. Chưa kể thời gian theo tàu ra Hoàng Sa Trường Sa, có người còn gọi là “đảo chuếnh choáng”, vì đêm ngủ cứ tưởng như mình đang lắc lư trên sóng nước biển khơi.”

“Tội chưa! Nhưng ai kiểm chứng được con tim của người lính biển, khi mỗi bến bờ là một chốn yêu đương”

“Ha, ha, bây giờ em còn làm thơ nữa, anh chỉ tìm có một bến thôi mà tìm không ra, người ta cứ lần lượt lên xe hoa ráo trọi. Để anh kể em nghe mấy câu chuyện cũ, vì nếu kể người khác nghe, họ không hiểu, bảo anh không có tương lai nên hay hoài niệm dĩ vãng. Đời lính biển nghe thì thơ mộng vậy, nhưng hồi ấy vào Hải Quân có lúc đi theo tàu sông vô những vùng sâu nơi Đồng Tháp Mười, chỉ thấy toàn rừng tràm xơ xác, tiếng chim kêu, chưa kể nhiều lần bị phục kích trên sông, tàu quay ngang đâm vô bờ là có máu đổ thịt rơi, anh chỉ ao ước quê hương mình thôi đừng chiến tranh nữa. Nhiều lần sau khi chiến trường im tiếng súng, thấy hậu quả của bom đạn, bạn bè anh  gục ngã, anh chẳng biết chừng nào thì tới lượt mình đây. Nhìn người ta chết anh chợt nhớ tới bài hát phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư, do Thái Thanh hát, em có biết bản này không?

“Chim kia chết dưới cội hoa,

Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà . ..

Mai ta chết dưới cội đào,

Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu...”

Ôi! Mấy chục năm dài  chuyện chàng kể nó buồn quá vậy? Nhưng thôi, cứ để chàng nói hết những chuyện dang dở từ mấy mươi năm trước, như đổ xuống sông biển nỗi đau của một tuổi trẻ đầy bất hạnh. Nàng nói:

“Dù sao thì anh vẫn còn đó, đời thì luôn luôn có vui mà cũng có buồn, như bàn tay có ngón dài ngón vắn vậy.””

Nghe từ bên kia tiếng chàng kể lể:

“Bởi vậy mà anh không vui mà cũng chẳng buồn, sống cho qua một kiếp người thì cuối cùng ai cũng như ai. Ngay trong thời chiến tranh bom đạn, anh vẫn nhìn thấy chút bình an ngay bên cạnh những bất an của quê mình. Có lần tàu neo vào một bến sông, đóng quân gần một làng quê hẻo lánh, ngồi đu đưa chiếc võng , nhìn theo những dề lục bình trôi trên dòng nước, anh nghĩ mình cũng chỉ là cọng lục bình trôi sông, bến bờ nào cũng là nhà. Anh nhớ những bà mẹ quê miền Nam miệng cười móm mém, nấu cho mình tô canh điên điển với cá đồng, ăn với ba khía trộn chanh ớt, sao nó ngon quá chừng.”

” Ừa, những món ăn dân dã ở quê mình, sao ngọt đầy tình người khiến đi xa lắc xa lơ mà vẫn không bao giờ quên được.”

Tiếng chàng bỗng dưng như có chút ngậm ngùi trong đó:

“Em nói hai chữ “quê mình” sao dễ thương ghê nơi, khiến anh nhớ tới căn nhà mình ở ngày xưa có dòng sông xôn xao con nước lớn vào những ngày cận Tết, những cây mai vàng nở ven sông sao nó buồn mênh mông. Không biết mấy cây phượng ở mé sông có còn đó không há?”

Coi bộ anh chàng đang nhớ nhiều  kỷ niệm cũ, những hình ảnh thân quen của một thời đi học, rồi cũng đang lẫn lộn giữa mùa Xuân với mùa hè, hoa mai với hoa phượng. Nàng tưởng tượng, mấy chục năm qua rồi, chắc tóc chàng không còn xanh, đuôi mắt đã đầy dấu chân chim, không biết tại sao vẫn chỉ có một mình. Nàng hỏi:

“Hiện giờ anh ra sao? Sao lại chỉ có một mình? Có muốn tìm lại con nhỏ có chiếc răng khểnh không?”

Giọng chàng có vẻ vui hơn, nhưng thấm thía cũng nhiều. Chàng đùa:

“Nếu cô bé có chiếc răng khểnh không từ chối để nói lại câu chuyện cũ. Mình chỉ là bạn thôi, chứ bây giờ đâu có ai trồng cây si ở tuổi này nữa. Càng già, đời càng không vui như hồi mình còn trẻ, ăn gì cũng không biết ngon. Hồi đi tù về, gia đình tan nát, qua đây, anh lạc hậu quá, không theo kịp ai, đời cũng chê mình luôn. Anh buồn lắm, giờ này chỉ có một mình lảm nhảm hoài chuyện cũ, đâu có ai muốn nghe. May là anh gọi “hú họa” cô bạn nhỏ xem có nhớ chuyện ngày xưa không, ai ngờ em vẫn còn một tấm lòng đối với chốn cũ, người xưa, và nhất là cho anh một chút vui sống lại thời đi học.”

***

Lâu rồi, nàng không nghe anh bạn cùng xóm cùng trường năm xưa gọi thăm. Mãi tới một hôm Tết sắp đến, cơn gió đông cứa vào gan ruột kẻ tha hương lại có tiếng chuông rộn rã:

“Từ hôm nói chuyện với em, anh cảm thấy vui lên nhiều lắm. Đời chúng mình như những nhánh sông, dẫu cùng một nguồn nhưng đâu có bao giờ chảy ngược nguồn để gặp lại nhau . Xuân sang lại nhớ Tết quê mình, nhưng anh không về đâu, chịu không nổi cảnh khi thấy nhiều người nghèo quá mà mình không chia xẻ được nó áy náy trong lòng. Lại nhớ đến dòng sông quê mình: “ Dẫu anh biết không bao giờ có thể, tắm được hai lần trên một dòng sông, sông còn kia mà nước chẳng quay về, cứ lặng lẽ mà trôi ra lòng biển.”

“Lại mần thơ rồi. Thơ anh sao buồn dữ “dzậy”? Lóng rày, anh có gì vui không?”

Bên kia đầu dây, nghe xôn xao giọng nói vui của một người đã tìm được sự bình an sau những cơn giông bão:

“Úy trời!Lâu lắm rồi mới lại nghe được những câu nói dễ thương quê mình. Dạo này anh ít gọi thăm ai vì người không được khỏe, nhưng bữa nay khá lắm rồi. Có bữa nằm chiêm bao thấy một giấc mơ kỳ lạ, sau đó thì anh thiệt sự đã nhìn ra cái vui cái buồn của đời chỉ là chút gió thoảng qua mà thôi.”

“Anh nằm mơ thấy gì mà có vẻ “ngộ” dữ vậy?”

Ở một nơi xa xôi nào đó, giọng chàng buồn buồn trên đường dây viễn liên:

“Anh nằm mơ thấy mình đi lạc vào một nơi chưa hề tới bao giờ, có lẽ là chốn của thế giới bên kia. Chỗ thì nhà cửa tồi tàn như mả Đạm Tiên, sè sè nắm đất bên đàng, chỗ thì nguy nga tường cao cửa rộng, hoa cảnh xum xuê tươi tốt, có chỗ cũng chỉ nhàng nhàng nhà cửa thấp bé, dân cư đông đúc, đất đai chật hẹp. Chỗ nào cũng thấy người đi lại, kẻ cùng đinh lẫn với người giàu có. Gặp ngày hội gì không biết, chẳng lẽ ngày Thanh Minh tiết tháng ba, mà người ta chen lấn nhau đi như chảy hội. Người đi ngựa, kẻ đi xe, còn đa số lại đi chân đất, xã hội mình làm sao thì ở đó cũng y chang như vậy”.

Chuyện kể là giấc mơ, vậy mà y như chuyện thật, không biết chàng già rồi đầu óc có lẫn lộn gì không:

“Bộ hết chuyện đời sao kể chuyện chiêm bao vậy anh hai? “

“Anh biết em đang cười anh mà, nhưng từ từ nghe anh kể hết rồi hãy cự nự. Chuyện chiêm bao mà “ngộ” được thì cũng vẫn là chuyện hay quốc tế vậy. Đang lúc người người chen lấn nhau, xô đẩy nhau để đi, chẳng biết đi đâu thì bỗng một cơn địa chấn bất ngờ xảy tới, anh thấy người ta biến mất hết trơn, chỉ còn mình anh đứng băn khoăn nhìn cảnh vật điêu tàn, đổ nát. Lúc đó đất sụp xuống, nhà cửa tanh bành, mà không phải nhà mới kỳ, toàn mồ lớn mả bé gì đâu không hà, không cái nào còn nguyên vẹn. Bỗng nước ở đâu dâng lên tư bề, cuốn phăng tất cả trôi lềnh bềnh đi khắp ngả, anh nhìn kỹ thì toàn là thây ma, cái nào cũng hệt nhau không cái nào ngộ hơn cái nào. Giữa lúc đó anh bỗng giựt mình thức dậy, sợ toát mồ hôi, rồi “ngộ” luôn từ đấy.”

Nàng an ủi:

“Anh lớn tuổi rồi hay chiêm bao mộng mị, để tui giới thiệu cho con nhỏ có chiếc răng khểnh nghe. Hai người cùng đơn chiếc như nhau, nó có thể nấu cháo, cạo gió cho anh khi trái gió trở trời, hai người lại cùng cảnh ngộ thì chắc là “duyên tiền định”.

Có tiếng cười ha hả bên kia đầu dây:

“Duyên tiền định” chứ đừng “tiền định duyên “ nghe cô. Nói gì thì nói, mấy cô em ngày xưa sao già rồi mà tính tình vẫn dễ thương như hồi còn tý nị.”

Nàng mơ hồ thấy mắt mình cay cay, thời gian qua đi đã lâu mà những “ông anh, cô em” còn nhiều chuyện dang dở chưa nói hết. Vẫn tiếng cười ấm áp từ nơi xa xôi vọng tới:

“Cám ơn em nhiều nghe, cám ơn em đã cho anh chút vui của ngày xanh , dù rất muộn màng nhưng có còn hơn không. Ở bển có mưa hông? Bên này cuối năm mưa trắng trời luôn, sao giống y mưa ở quê mình vậy kìa.Mưa này mà nghe nhạc tình thì ngất ngư con tàu đi, “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, em tan trường về đường mưa nho nhỏ . . . la la là là, là la la lả .. .. .”

Nguyên Nhung

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012