SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Thơ Tứ Tuyệt

Tứ Tuyệt là thể thơ chỉ có 4 câu, mỗi câu có 5 hoặc 7 chữ, còn gọi là Tuyệt Cú. Còn Bát Cú là thể thơ có 8 câu, mỗi câu có 5 hoặc 7 chữ. Hai thể thơ này đã trải qua suốt chiều dài văn học sử VN hơn 1,000 năm, có sức sống tiềm tàng mãnh liệt, do nghệ thuật tinh diệu được chắt lọc, cô đọng qua những cây bút lừng danh trong nhiều thế kỷ. Thể Bát Cú xuất hiện từ đời Đường bên Tàu có luật tắc nghiêm ngặt đã rõ rồi, nhưng thể Tứ Tuyệt xuất hiện từ thời nào? Truyền sang VN ra sao, kể cả quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện và luật tắc của nó...  đến nay vẫn còn phức tạp. Do đó trong bài viết này, chúng tôi muốn quay về nguồn cội để tìm hiểu thấu đáo về thể thơ này, xin được trình bày dưới đây để chúng ta biết được lịch sử và cái hay cái đẹp của nó để có thể phát huy tinh hoa làm giàu nền thi ca VN.

Thời nhà Đường (618 - 907) bên Tàu sử dụng hai thể thơ chính:
- Cổ Thể: gồm Cổ phong và Nhạc phủ, không hạn chế số câu số chữ, không ràng buộc niêm luật đối vận nên phóng khoáng dễ diễn đạt tâm hồn.
- Kim Thể: gồm Bát cú (thơ luật) và Tuyệt cú (tứ tuyệt), còn gọi là Đường luật gò bó về niêm luật đối vận khó diễn đạt nhưng có cấu trúc chặt chẽ, cân đối, hài hòa. Bát cú là dạng chính của thơ Đường luật, từ đó có Tứ tuyệt tức Tuyệt cú.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay ở Trung Hoa và Việt Nam (VN) có nhiều thuyết định nghĩa về thơ Tứ tuyệt (Tuyệt cú) và sự hình thành của thể thơ này.

1.Thuyết Định Nghĩa 1: Cụ Bùi Kỷ theo thuyết Ngô Tề đời Thanh cho rằng 'Tuyệt là tuyệt diệu, mỗi câu chiếm một vị trí đặc biệt. Chỉ trong bốn câu mà thiển, thâm, ẩn hiện, chính kỳ, khởi phục đủ cả cho nên gọi là tuyệt’. Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Nhiễm lại hiểu chữ tuyệt là tuyệt vời: 'Thơ bốn câu gọi là tứ tuyệt, người Trung Quốc gọi là tuyệt cú, tức là bài thơ hay tuyệt vời, vì chỉ có bốn câu 20 từ hoặc 28 từ mà nói lên được đầy đủ ý tứ của một đề tài theo đúng luật lệ của thơ Đường.'

2. Thuyết Định Nghĩa 2: Gần đây ở VN có nhiều công trình chứng minh Tứ tuyệt xuất hiện ở Trung Hoa khá sớm mà ca dao cổ đại là đầu nguồn lịch sử của tuyệt cú; có mầm mống trong Kinh Thi, xuất hiện đầu tiên trong nhạc phủ thời Nhà Hán (206 TCN-220 CN) phát triển thời Nam-Bắc-Triều (420-589). Đến thời Sơ Đường (618 - 713), tứ tuyệt chuyển mình, chỉnh đốn về niêm, luật, đối, vận. Qua thời Thịnh-Đường(713 - 766), tứ tuyệt phát triển về số lượng, chất lượng; trong suốt quá trình hình thành, phát triển trải qua mấy trăm năm, Đây là thời kỳ toàn thịnh nhất vì hầu hết các nhà thơ lớn đều làm tứ tuyệt, nghệ thuật đi tới chỗ hoàn thiện, số lượng tăng vọt mà đứng đầu là Lý Bạch 193 bài, kế đến Đỗ Phủ 139 bài, Vương Duy 106 bài, Vương Xương Linh 89 bài.

Nói một cách ngắn gọn, tứ tuyệt xuất hiện đầu tiên từ thời Nhà Hán (206 TCN-220 CN) gọi là liên cú, qua đời Nhà Tấn (265-420) gọi là tuyệt hưởng (không có hưởng ứng), tức là tuyệt cú hoặc đoạn cú. Lý Trường Lộ khẳng định: Tuyệt cú còn gọi là tiệt cú hoặc đoạn cú. Đến đời Nhà Đường (618-907) gọi là luật tuyệt. Như vậy, Tứ tuyệt là một thể loại độc lập, có quá trình hình thành phát triển lâu dài khoảng 800 năm trước Bát Cú thời Đường là một chỉnh thể nghệ thuật riêng biệt chứ không phải là một bộ phận được ngắt ra từ Luật thi hay Cổ thi.

3. Thuyết Định Nghĩa 3: Ô. Dương Mạnh Huy căn cứ thuyết Tiền Mộc Am (đời Thanh) khẳng định: “Tuyệt là Tiệt (ngắt), cú là câu, tuyệt cú nghĩa là cũng theo những luật đó mà ngắt ra dùng 4 câu nửa bài trong luật 8 câu”. Từ đó, ông phân tuyệt cú ra làm 4 loại, tùy theo 4 cách ngắt trong một bài bát cú: ngắt 4 câu đầu, ngắt 4 câu giữa, ngắt 4 câu cuối và ngắt 2 câu đầu, 2 câu cuối. Thuyết này được học giả Trần Trọng Kim, GS Dương Quảng Hàm, GS Trần Đình Sử tán thành.

 4- Định Nghĩa Của Từ Điển Văn Học:
“Thơ tứ tuyệt theo nghĩa rộng, chỉ những bài thơ nhỏ, mỗi bài gồm bốn câu, mỗi câu thường năm hoặc bảy chữ. Theo nghĩa hẹp, còn gọi là tuyệt cú, gồm hai dạng: cổ tuyệt (tứ tuyệt theo lối cổ thi) và luật tuyệt (tứ tuyệt làm theo thể Đường luật)”.

 5. Kết Luận: Như vậy, chúng ta có thể xác định Tứ Tuyệt xuất hiện khoảng 800 năm trước thời nhà Đường, cách nay trên 2 nghìn năm với 4 câu phóng khoáng gọi là cổ tuyệt, tức tứ tuyệt theo lối cổ thi. Đến đời Đường do ảnh hưởng của thơ Bát Cú chặt chẽ về niêm luật đối vận, nên người ta mới áp dụng vào Tứ tuyệt, cho nên mới gọi tứ tuyệt làm theo thể Đường luật. Từ đó người ta gom chung cả Bát Cú và Tứ Tuyệt thành một thể chung gọi là Thơ luật hay Đường luật: Đường luật bát cú, Đường luật tứ tuyệt. Rồi theo thời gian người ta quên đi nguồn gốc của Tứ Tuyệt là một thể thơ đã có trước Bát Cú tới khoảng 800 năm.

 6. Tứ Tuyệt ở Việt Nam: Từ thời nhà Lý (1009 - 1225) đã xuất hiện thơ Tứ Tuyệt bằng chữ Hán. Đến thời nhà Trần (1225 - 1400), Nguyễn Thuyên là người đầu tiên làm thơ Nôm theo Đường luật, gọi là Hàn luật, có nhiều bài tứ tuyệt xuất sắc trong Phi sa giản tập của ông. Đến thời nhà Lê (1428 - 1788) , thi hào Nguyễn Trãi làm nhiều Tứ tuyệt trong Ức Trai Thi Tập bằng chữ Hán và Quốc Âm Thi Tập bằng chữ Nôm. Đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Bát cú được ưa chuộng hơn Tứ tuyệt. Từ thời Tiền Chiến đến nay, Bát cú suy vi, Tứ tuyệt được cách tân dưới dạng “trường thiên tứ tuyệt” gồm nhiều bài tứ tuyệt ghép lại, mà hầu như nhà thơ nào cũng làm, như Nguyễn Nhược Pháp bài Chùa Hương năm 1934, Vũ Đình Liên bài Ông Đồ năm 1936, Thế Lữ bài Giây Phút Chạnh Lòng tặng Nhất Linh năm 1937, TTKh bài Hai Sắc Hoa Ty Gôn năm 1937, Kiên Giang bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím, năm 1962, v.v...  Đặc biệt, Quách Tấn nhà thơ Đường luật thất ngôn bát cú, cũng ngã qua làm Tứ tuyệt, xuất bản thi tập Đọng Bóng Chiều năm 1965 gồm 100 bài toàn Tứ tuyệt. Tô Thùy Yên nhà thơ tự do cũng cầm bút viết trường thiên tứ tuyệt, bài Ta Về (1985) rất dài với trên 30 khổ tứ tuyệt thuộc hàng tuyệt bút.

7. Một Số Bài Thơ Tứ Tuyệt Nổi Tiếng Của VN:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95ng_T%E1%BB%AD - cite_note-1#cite_note-1

- Lý Thường Kiệt (1019-1105):

Năm 1076 nhà Tống đem 10 vạn quân tinh nhuệ, hợp với quân Chiêm Thành và quân Chân Lạp sang xâm chiếm nước Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu). Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân (Trương Hống và Trương Hát: hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục) có tiếng đọc to bài thơ thần mà tác giả chính là Lý Thường Kiệt:

Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

(Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
không rõ dịch giả)

*Đây là bài thơ cổ nhất, hùng tráng nhất, chủ đề có tính thời đại nhất, thường được xem là “bản tuyên ngôn độc lập băng thơ đầu tiên của VN”.

- Trần Quang Khải:

 Năm 1284, đem quân vào thành Thăng Long mở tiệc khao quân sau khi đánh tan giặc Nguyên (Thoát Hoan bỏ chạy về Tàu), tướng Trần Quang Khải làm bài tứ tuyệt:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san

 (Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
Trần Trọng Kim dịch)

- Vua Trần Nhân Tông:

 
Xuân hiểu
Ngủ dậy ngó song mây
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng
Phấp phới sân hoa bay.

 

- Nguyễn Thuyên:

Ông là người đầu tiên làm thơ Nôm theo Đường luật, gọi là Hàn luật. GS Dương Quảng Hàm nhận xét: “Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên ông có thể coi là ông tổ của văn nôm”.

 Văn tế cá sấu

Ngặc ngư kia hỡi! Mày có hay!
Biển Đông rộng rãi là nơi này
Phù Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây

Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa

Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày

Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mạng bảo cho mày
Hãy vào biển Đông mà vùng vẫy...

(trích từ “Les chefs-d“oeuvres de la littérature Vietnamiennes”, Dương Đình Khuê, Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1966).

Tập thơ Phi sa giản tập của Nguyễn Thuyên viết về thiên nhiên bằng chữ Nôm như các bài:
 
Xuân
Hoa nở, lộc hường, xuân lại xuân,
Cỏ cây mơn mởn đón đông quân.
Bướm ong bay rộn. Trời đang ấm
Mừng mảng trăng xuân sáng bội phần

 (Trích Phi sa giản tập theo Ngô Văn Phú - Văn Nghệ Trẻ).

Gió nồm
Ra tết hây hây gặp gió nồm
Cỏ loang mặt đất.
Lúa xanh om
Người hòa tươi tốt.
Cảnh hòa lạ
Biếc một ngàn xa.
Biếc núi non...
 (Trích Phi sa giản tập theo Ngô Văn Phú - Văn Nghệ Trẻ)

 

- Ngô Chi Lan (thế kỷ XV):

Trước sự tích Đức Thánh Gióng, nữ sĩ cảm tác bài tứ tuyệt:
Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn
Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian
Ngựa sắt lên trời tên rạng sử
Anh hùng mãi mãi với giang san.

 

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442): Thi hào thời Lê có nhiều thi tập.

 Mộ Xuân Tức Sự
Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.
(trích Ức Trai Thi Tập)

Cuối Xuân Tức Cảnh
Suốt ngày nhàn nhã khóa phòng văn
Khách tục không lai vãng đến gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
Vinh Hồ dịch

Trại Đầu Xuân Độ
Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên
(trích Ức Trai Thi Tập)

Bến Đò Xuân Đầu Trại
Cỏ xuân đầu bến xanh như khói
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa thớt khách
Con đò gối bãi suốt ngày ngơi.
Điềm Ca / Vinh Hồ dịch

Cây chuối
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.

 Vô đề
Cây rợp tán che am mát
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn
Rùa nằm hạc lẫn nên bầy bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con.

Thuật hứng
Hái cúc ương lan hương bén áo;
Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn
Đàn cầm suối trong tai dội
Còn một non xanh là cố nhân.

 

- Vua Lê Thánh Tông: Vị Vua tài đức:

Con Cóc
Bố mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm-thẳm một mình ngồi.
Nghiến răng ba tiếng cơ trời động
Tắc lưỡi vài hồi chúng kiến lui

 

- Nguyễn Hữu Chỉnh

Cái Pháo
Xác không, vốn những cậy tay người,
Bao nả công trình, tạch cái thôi!
Kêu lắm, lại càng tan tác lắm,
Thế nào cũng một tiếng mà thôi.


- Hồ Xuân Hương: Bà Chúa thơ Nôm

 Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

 

- Trần Tế Xương: nhà thơ trào phúng

Ba cái lăng nhăng
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,
Chừa được cái nào hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.

 

- Yến Lan: nhà thơ tiền chiến

 Hồn mưa
Cửa khép giờ này em ngủ say
Ngoài kia trời đất trở heo may
Lặng thầm chiếc nón treo trên vách
Quanh nón hồn mưa chấp chới bay

 

- Quách Tấn: nhà thơ tiền chiến

 Ngậm Lòng
Từ phen mây nước đổi
Biếc ngậm lòng sông sâu
Nhìn cầu xưa chửa nối
Đôi bờ thương nhớ nhau.

Mong Đợi
Ngọt ngào xuân rụng móc
Cam chuối đượm tình quê
Tựa cửa chờ trăng mọc
Muôn xa lòng ghé về

 

- Hàn Mặc Tử: nhà thơ tiền chiến

 Đây Thôn Vĩ Dạ (trường thiên tứ tuyệt)

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

 8. Một Số Bài Thơ Tứ Tuyệt Nổi Tiếng Của Trung Hoa:

- Cổ phong tứ tuyệt thời Nam-Bắc-Triều: gọi là ngũ ngôn tứ tuyệt, như bài:

Tí Dạ tứ thời ca
Thanh hà cái lục thủy,
Phù dung ba hồng tiên.
Lang kiến dục thái ngã,
Ngã tâm dục hoài liên.

(Lá xanh phủ nước biếc xanh
Phù dung mơn mởn muôn cành hồng tươi.
Chàng nhìn muốn hái em rồi,
Lòng em vương vít bên nơi sen hồng.
PH Anh dịch)

- Tứ tuyệt nhạc phủ Bắc triều: khảng khái như bài:

Chiết dương liễu ca
Phúc trung sầu bất lạc,
Nguyện tác lang mã tiên.
Xuất nhập hoàn lang tí,
Điệp tọa lang tất biên.

(Lòng buồn bã bất an
Nguyện làm roi ngựa chàng
Mang trên tay xuất nhập
Quấn quít bên gối chàng.
Vinh Hồ dịch)

 

- Tứ Tuyệt Sơ Đường (618 - 713): đã luật hóa thể tứ tuyệt thành “luật tuyệt”, phát triển thất ngôn tứ tuyệt thành “thất ngôn luật tuyệt”. Việc áp dụng niêm luật của luật thi vào tứ tuyệt, khiến tứ tuyệt Sơ Đường có thanh vận hài hòa hơn. “Tam Vương” thời Sơ Đường là Vương Tích, Vương Phạn Chí, Vương Bột mở đường phát triển về chất làm cho tứ tuyệt lời giản dị, ý sâu sắc. Trần Tử Ngang đưa thơ ca về hiện thực mở hướng mới cho tứ tuyệt. Tứ tuyệt Sơ Đường thoát ly tính chất ca từ, nội dung mang tính triết lý nhân sinh thế sự:

Vi Thừa Khánh

Nam hành biệt đệ
Đạm đạm trường giang thủy,
Du du viễn khách tình.
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh.

(Biệt Em Về Phương Nam
Lênh láng trường giang thủy
Mênh mang viễn khách tình
Hoa rơi chia mối hận
Chạm đất tuyệt vô thanh
Vinh Hồ dịch)

 Vương Bột:
 
Tư quy
Trường Giang bi dĩ trệ,
Vạn lý niệm tương qui.
Hướng phục cao phong vãn,
Sơn sơn hoàng diệp phi.

(Nghĩ trở về
Trường Giang buồn lai láng
Muôn dặm nghĩ ngày về
Gió thổi chiều tái tê
Lá vàng bay trên núi.
Vinh Hồ dịch)

 Lạc Tân Vương

 Dịch thủy tống biệt
Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan.
Tích thời nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn.

(Tiễn Người Trên Sông Dịch
Đất này biệt Yên Đan
Tráng sĩ tóc dựng ngược
Người xưa đã khuất rồi
Nước sông nay lạnh buốt.
Vinh Hồ dịch)

 Trần Tử Ngang

Đăng U Châu Đài Ca
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

(Lên đài U Châu Ca
Trước không thấy người xưa
Sau không thấy ai cả
Nghĩ trời đất rộng vô cùng
Một mình lệ rơi lã chã.
Vinh Hồ dịch)

Hí đề tân tài tường vi
Di căn dịch địa mạc tiều tụy
Dã ngoại đình tiền nhất chủng xuân
Thiếu phủ vô thê xuân tịch mịch
Hoa khai tương nhĩ đáng phu nhân.

(Đề bỡn cây tường vi mới trồng
Rễ dời, đất đổi đừng tiều tụy
Dã ngoại đình tiền cũng một xuân
Thiếu phủ không thê xuân quạnh quẽ
Lấy hoa nở thắm làm phu nhân.
Vinh Hồ dịch)

Lư Chiếu Lân

Khúc Trì Hà
Phù hương nhiễu khúc ngạn
Viên ảnh phú hoa trì
Thường khủng thu phong tảo
Phiêu linh quân bất tri !

(Sen Trong Ao Khúc
Hương ngạt ngào ao khúc
Bóng lá tròn đẹp thay!
Ngại gió thu về sớm
Trôi dạt người có hay?
Vinh Hồ dịch)

Hạ Tri Chương

Hồi Hương Ngẫu Thư
Thiếu tiểu ly gia , lão đại hồi
Hương âm vô cải , mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiểu vấn “khách tòng hà xứ lai”

(Ngẫu nhiên viết khi về làng
Niên thiếu ra đi, già lão hồi
Giọng quê không đổi, tóc sương phơi
Thấy nhau chẳng biết nhau, trẻ vấn:
“Khách từ đâu bước đến làng tôi?”
Vinh Hồ dịch)

-  Tứ Tuyệt Thịnh Đường (713 - 766):
 
Lý Bạch:

Tĩnh dạ tứ
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

(Đầu giường ánh nguyệt sáng
Ngỡ mặt đất giăng sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Vinh Hồ dịch)

Oán tình
Mỹ nhân quyển châu liêm,
Thâm tọa tần nga mi.
Đãn kiến lệ ngân thấp,
Bất tri tâm hận thùy.

(Người đẹp cuốn rèm ngọc
Ngồi im chau đôi mày
Chỉ tay lệ vơi đầy
Lòng giận ai không biết?
Vinh Hồ dịch)

Tự khiển
Đối tửu bất giác minh,
Lạc hoa doanh ngã y.
Tuy khởi bộ khê nguyệt,
Điểu hoàn nhân diệc hi

(Rượu vào trời tối mịt không hay,
Hoa rụng rơi trên áo ta đầy.
Lúy túy bước đi khê nguyệt hiện
Chim bay về tổ, người đâu đây?
Vinh Hồ dịch)

Liễu Tông Nguyên

Giang tuyết
Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt,
Cô chu thôi lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết.

(Tuyết trên sông
Ngàn non chim mất dấu
Vạn nẻo không bóng người
Thuyền đơn nón áo tơi,
Ngồi câu sông tuyết lạnh.
Vinh Hồ dịch)

 Trương Kế

Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

( Đêm Trắng Phong Kiều
Quạ kêu trăng lặn sương đầy trời
Lửa chài cây bãi đối sầu ngơi
Hàn San tự nửa đêm chuông động
Qua Cô Tô vọng đến thuyền, người.
Vinh Hồ dịch)

 Vương Hàn:
Nhiều điệu hát dân gian như khúc Thượng chi hồi, Chiến thành nam, Tương tiến tửu, Hoàng tước hành, Lạc mai hoa... được nhiều người dùng để đặt tên cho tác phẩm của mình. Lương Châu Từ sau đây được sáng tác từ tên gọi của một điệu hát cổ nói về trận mạc, biên ải.

Lương Châu Từ
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

(Bồ đào mỹ tửu, chén dạ quang
Muốn uống tỳ bà giục lên ngựa
Đừng cười người say nằm chiến địa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?
Vinh Hồ dịch)

 Vương Duy
 
Vị Thành khúc
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
Khách xá thanh thanh liễu sắc tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bội tửu,
Tây xuất Dương quan vô cố nhân.

(Sáng sớm Vị Thành mưa bụi bay,
Quán trọ xanh xanh sắc liễu này.
Một chén nữa mời anh hãy cạn,
Rời Dương Quan bạn cũ còn ai?
Vinh Hồ dịch)

 Điểu Minh Giản
Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh xuân giản trung .

(Khe Chim Kêu
Người nhàn, hoa quế rụng
Đêm lặng, núi xuân yên
Trăng lên chim núi hoảng
Kêu vang giữa khe xuân.
Vinh Hồ dịch)

 
Trúc Lý Quán
Độc tọa u hoàng lý
Đàn cầm phục trường khiếu
Thâm lâm nhân bất tri
Minh nguyệt lai tương chiếu .

(Quán Trúc Ly
Một bóng bên khóm trúc
Đàn cầm gãy khúc ca
Rừng sâu người chẳng biết
Trăng sáng đến cùng ta.
Vinh Hồ dịch)

Lộc Trại
Không sơn bất kiến nhân
Đản văn nhân ngữ hưởng
Phản ảnh nhập thâm lâm
Phục chiếu thanh đài thượng .

(Trại Lộc
Núi vắng không thấy người
Chỉ nghe tiếng người nói
Rừng thâm u nắng rọi
Thảm rêu xanh nắng soi.
Vinh Hồ dịch)

 Đỗ Phủ

Tặng Hoa Khanh
Cẩm Thành ti quản nhật phân phân,
Bán thập giang phong bán nhập vân
Thử khúc chỉ ứng thiên thượng hữu,
Nhân gian năng đắc kỷ hồi văn!

(Tặng Hoa Khanh
Cẩm Thành đàn địch suốt đêm ngày
Nửa theo sóng gió, nửa theo mây
Xem ra chỉ ứng trên thiên quốc
Trần thế ai nghe được khúc này?
Vinh Hồ dịch)

 Vương Xương Linh
 
Tống Hồ Đại
Kinh Môn bất kham biệt,
Huống nãi Tiêu Tương thu.
Hà xứ dao vọng quân,
Giang biên mình nguyệt lâu.

(Tiễn Hồ Đại
Kinh Môn chẳng đành biệt
Còn gặp Thu Tiêu Tương
Biết đứng đâu trông bạn?
Lầu nguyệt sáng bên sông.
Vinh Hồ dịch)

Khuê Oán
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu

(Khuê Oán
Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu
Ngày Xuân trang điểm bước lên lầu
Đầu đường chợt thấy màu dương liễu
Hối hận khuyên chồng kiếm tước hầu.
Vinh Hồ dịch)

 

 Bạch Cư Dị (772 - 846)
 
Dạ vũ
Tảo cung đề phục yết
Tàn đăng diệt hựu minh
Cách song tri dạ vũ
Ba tiêu tiên hữu thanh.

(Mưa đêm
Con dế hừng đông gáy lại ngừng
Ngọn đèn tàn lụi bỗng sáng bừng
Cách song biết đêm mưa rả rích
Tàu tiêu lộp độp mãi không ngừng.
Vinh Hồ dịch)

Trì Thượng
Tiểu oa sanh tiểu đỉnh
Thâu thái bạch liên hồi
Bất giải tang tung tích
Phù bình nhất đạo khai

(Trên Ao
Cô bé bơi thuyền nhỏ
Bông sen trắng hái về
Hớ hênh không che dấu
Mặt bèo hở một khe.
Vinh Hồ dịch)

Hàm Đan đông chí dạ tư gia
Hàm Đan dịch lý phùng đông chí
Bão tất đăng tiền ảnh bạn thân
Tưởng đắc gia trung thâm dạ tọa
Hoàn ưng thuyết trước viễn hành nhân

(Hàm Đan đêm đông chí ở nhớ nhà
Hàm Đan nhà trạm tiết đông chí
Ôm gối trước đèn một bóng ta
Tưởng đến gia trung đêm đã cạn
Còn ngồi bàn tán nhắc người xa.
Vinh Hồ dịch)

Mạnh Hạo Nhiên

Xuân hiểu
Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

(Buổi sớm mùa xuân
Xuân ngủ vùi nào hay
Nơi nơi chim ríu rít.
Đêm qua mưa gió lay
Hoa rụng nhiều hay ít?
Vinh Hồ dịch)

9. Tâm Tình Sẻ Chia:
Qua những bài Tứ tuyệt tiêu biểu trên của các tác giả lừng danh, có nhiều tác giả đã sống cách nay hơn nghìn năm, nhưng tâm hồn luôn đa cảm, trân trọng cái đẹp, yêu quý tình nghĩa...  không khác chúng ta bây giờ. Đứng trước thiên nhiên, tình người...  trái tim họ rung lên bằng lời thơ bày tỏ, ca ngợi. Họ thường sống đạm bạc, hòa mình vào thiên nhiên vũ trụ. Qua thơ, thiên nhiên gần gũi, người và thiên nhiên hòa nhập thành một, phảng phất hương vị Thiền, Đạo. Nhà thơ như đạo sĩ, Thiền sư. Trong thơ họ, thiên nhiên đẹp rực rỡ, thường bàng bạc đâu đó nỗi cô đơn, u tịch của thân phận con người hữu hạn trước trời đất vũ trụ vô cùng. Vũ trụ bao la, tình người vĩ đại, cảm xúc tràn đầy...  đáng lẽ phải được viết ra trong vài ba trang giấy nhưng không, họ chỉ chấm phá cô đọng (tối đa) trong 4 câu 28 chữ, thậm chí chỉ có 20 chữ mà thâm sâu ảo diệu vô cùng! Thế mới biết Tứ Tuyệt tuyệt vời ra sao? Một thể thơ đã sống, trải qua 2 nghìn năm lịch sử, đến nay vẫn còn được nhiều người hâm mộ, vẫn còn được nhiều người chấp bút. Đặc điểm của Tứ Tuyệt là nhỏ về hình thức nhưng lớn lao về nội dung. Ý nghĩa này có lẽ đã được đề cập đến trong Kinh Duy Ma Cật: căn phòng chỉ có một trượng nhưng đã chứa hàng hà sa số chư thiên. Lão Tử cũng nói “Quý dĩ tiện vị bổn. Cao dĩ hạ vi cơ” (Quý lấy tiện làm gốc. Cao lấy thấp làm nền). Người xưa nói chỉ trong gang tấc mà có cái thế của vạn dặm. Tứ tuyệt có thể ví như một ly cà phê phin, một chậu bon-sai hay một viên ngọc. Có nhiều bài đã đạt tới 2 chữ: “thơ thần” sống mãi với thời gian.

Đọc thơ Tứ tuyệt, yêu thơ Tứ tuyệt, làm thơ Tứ tuyệt là trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc VN và không ngừng nỗ lực phát huy tinh hoa của nó. Suốt trên một nghìn năm, Tứ Tuyệt đã chuyên chở một phần đáng kể “tâm hồn” VN. Đẹp đẽ biết bao nhiêu!

Vinh Hồ (sưu tầm, biên khào).
8/11/11

 *Kinh Thi là một bộ tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (1027 -771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770-476 TCN). Kinh Thi chia làm Phong, Nhã, Tụng gồm 311 bài thơ có nguồn gốc ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình mà tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời. Từ lĩnh vực dân gian, âm nhạc...  được chuyển sang lĩnh vực thành văn rồi thành kinh tịch, Kinh Thi đã trải qua quá trình sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn khá phức tạp.
Thời Xuân Thu (722 đến 481 TCN), Thời Chiến Quốc (403-221 TCN). Năm 230 trước công nguyên, vua Nhà Tần lần lượt tiêu diệt 6 nước, thống nhất toàn quốc vào năm 221 trước công nguyên, kết thúc chia rẽ trong gần 600 năm ở Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

  • Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1997.
  • Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (Tập I). GS. Huỳnh Minh Đức dịch. Nxb Trẻ, 1992.
  • Nguyễn Khắc Phi, Từ điển Văn học (bộ mới), Nxb Thế giới, 2004.
  • Nhiều tác giả Trung Quốc, Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc. GS. Lương Duy Thứ (chủ biên) dịch từ tiếng Trung Quốc. Nxb Văn hóa-Thông tin, 1994.
  • Trần Trọng San, Thơ Đường. Tủ sách Đại học Tổng hợp Sài Gòn ấn hành, 1990.
  • Huỳnh Minh Đức, Hán văn I, Nxb Minh Trí, Sài Gòn, 1973.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012