SỐ 53 - XUÂN NHÂM THÌN - THÁNG 1 NĂM 2012

Về quê

Ngô Thụy Chương

Khanh hăm hở lên đường trở về quê cũ sau hơn 40 năm xa cách.
Chàng tưởng tương đến giây phút nhìn thấy lũy tre làng năm xưa và gặp lại những người bạn của thời niên thiếu. Khanh có rất nhiều kỷ niệm ở nơi đây vì ngay từ lúc nhỏ, chàng đã nhiều lần theo bố về thăm quê. Những hình ảnh năm xưa bỗng chợt trở về.

Bố Khanh đậu cử nhân Hán học nên cụ day học tại trường đại học Văn Khoa Hà Nội. Quê cụ là làng Bái Dương, Nam Định. Cụ vẫn thường về quê để thăm viếng họ hàng và tham dự các ngày giỗ gia tộc.

Ngày xưa, muốn về Nam Định thường phải đi tàu thủy, sau đó ngồi thuyền nan qua bến đò Quan. Từ bến đò Quan, Khanh thường được bố cho lên ngồi xe kéo bánh gỗ để về làng. Ngồi trên xe kéo, nghe tiếng bánh xe gỗ kêu lọc cọc tưởng như đang ngồi trên lưng ngựa. Nhưng Khanh thích nhất là được nằm trên cáng để về làng. Cáng là một thứ võng đan bằng gai, hai đầu võng treo tòn ten trên một cái đòn ống dài, do hai người khỏe mạnh khiêng trên vai, rồi họ chạy bộ. Măc cho mưa nắng, khách nằm trên cáng vẫn an toàn vì đã có mui che bằng chiếu cói.

Khanh nhớ đến những ngày chàng về làng được chơi đùa với đám trẻ nhà quê thật là thích thú. Khanh khoác lác kể những chuyện lạ trên tỉnh cho đám bạn mới nghe. Đứa nào cũng trố mắt vì những chuyện ly kỳ chàng kể. Thật tình lúc ấy Khanh cứ tượng như mình là kẻ văn minh nhất và lũ nhỏ chắc chắn phải phục chàng sát đất. Chúng rủ Khanh đi bắt cưa mò ốc bên bãi sình hoặc đi câu bên dòng sông uốn khúc quanh làng. Những lúc ấy Khanh mới thấy cái thông minh của mình không bằng sự lanh lợi, khéo léo và nhanh nhẹn của đám bạn mới này. Chúng mò một cái là có ốc, nhìn đám đất bùn là biết chỗ nào có cua, tung cần câu mấy chốc giựt lên là có cá. Chả bù với Khanh mò ốc cả buổi chẳng có con nào, bắt cua câu cá lại càng khó hơn nữa. Những lần thấy Khanh giựt cần câu lên mà chẳng dính chú cá nào, lũ trẻ ôm bụng cười thỏa thích vì sự vụng về của Khanh. Sau đó chúng nó tranh nhau chỉ Khanh cách mò tôm bắt cá; đứa nào cũng muốn chỉ dạy cho Khanh nên nhao nhao như cái chợ. Khanh rất thích tính tình hồn nhiên chân thật của đám bạn mới này và chàng cũng phục bản năng linh động của chúng. Khanh thấy mình càng ngày càng gần gũi với những người bạn nhỏ này nên mỗi lần về quê là chàng chạy ngay đi tìm đám bạn nhà quê nhưng chân thật này.

Thú hơn nữa là Khanh được cùng đám bạn leo lên cây đa đầu làng, nằm vắt vẻo chờ đám mục đồng lùa trâu đi qua thì cả bọn bất thần la lớn và đồng loạt nhảy xuống. Có hôm đám mục đồng hoảng vía, có đứa té cả xuống ao khiến áo quần dính bùn sình trông thật thảm hại. Đám mục đồng giận dữ kéo đến nhà thưa bố Khanh. Ông cụ giận quá bắt Khanh nằm xuống lấy roi mây đánh ba roi thật đau. Ấy vậy mà Khanh cố cắn răng không khóc vì chàng biết tính bố: không khóc thì chỉ ba roi, mà khóc thì sẽ bị ăn thêm ba roi nữa.

Khanh còn nhớ rõ, con đường làng rộng hơn một mét, từ đầu làng đi vào khoảng 500 mét sẽ gặp một cầu đá. Đó là một phiến đá bắc ngang con lạch, phía tay mặt là cánh đồng làng Tang Trữ, phía tay trái là một khu đất cao rất rộng. Trên khu đất này có một ngôi đền cổ kính gọi là “đền Gin”; nơi đây thờ phụng một vị linh thần. Lúc còn sống ông là một vị sứ quân, húy là Kiều Công Hãn. Tục truyền rằng Kiều Công Hãn đã trải qua một cuộc chiến đấu mãnh liệt với một sứ quân khác, rồi tử trận tại mảnh đất này. Ông rất hiển linh nên được dân làng lập miếu thờ.

Khanh vẫn nhớ có lần về quê gặp đúng ngày làm giỗ vị linh thần. Làng trên làng dưới tụ họp đông đủ thật là náo nhiệt. Ca múa, tế lễ rất long trọng. Khanh theo lũ bạn nhỏ tiến thật gần bàn thờ để coi cho rõ. Khi các vị bô lão cúi đầu khấn vái thì một thằng bạn thừa dịp không ai để ý quơ tay lên bàn thờ chớp mấy miếng oản và quả chuối dấu vào túi áo. Khi các vị bô lão lâm râm khấn vái xong nhìn lên bàn thờ thì đã thấy mất ít đồ cúng. Quả là thần linh thiêng thật, mới đó đã về hưởng lộc cúng rồi !

Nhưng có lẽ kỷ niệm mà Khanh nhớ nhất là được tham dự những ngày giỗ tổ trang trọng, uy nghi ở từ đường dòng họ của chàng. Con cháu các nơi tụ về, chén chú chén anh, nói cười nổ vang như tết. Rồi giây phút giỗ cúng đã tới. Các bác, các chú, các cô, các dì luân phiên thắp nhang kính cẩn đứng trước bàn thờ khấn vái. Nhìn hương khói bay bay, Khanh cứ tưởng như linh hồn các cụ tổ ở nơi nào đó đang bay về tụ hội nơi đây. Các cụ nở nụ cười mãn nguyện vì thấy đàn con cháu vẫn còn nhớ đến tổ tiên.

Description: TU DUONG

... . Khanh thẫn thờ đứng trước ngôi nhà cũ, từ đường vẫn còn in dấu nơi đây nhưng khung cảnh hình như xa lạ. Mấy đứa trẻ thấy người lạ lẽo đẽo theo sau; chàng hỏi thăm bạn cũ thì chẳng ai biết ở nơi đâu. Cuộc đổi đời chằng mang lại hạnh phúc cho ai mà chỉ làm thêm tan nát cuộc sống dân lành.

Bước vào từ đường năm xưa, Khanh lấy bó nhang đem theo châm lửa thì thầm khấn vái. Rồi chàng lăng lẽ ra về mà lòng bùi ngùi luyến tiếc vì biết rằng sẽ không bao giờ tìm lại được hình ảnh quê xưa.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012