SỐ 54 - THÁNG 4 NĂM 2012

 

Hoa Thịnh Đốn - Mùa anh đào 1964

Nguyễn văn Quang
cựu SVSQ Hải Quân Nha Trang - Khóa 7

Mùa Xuân năm 1964, dân chúng thủ đô Hoa Kỳ nao nức theo dõi tin hoa Anh đào nở qua đài truyền hình , báo chí. Nhiều đài phát thanh không ngừng loan tin từng giờ về thời tiết ở thủ đô, và mức độ Anh đào chớm nở quanh bờ hồ Tidal Basin (1) , tiếp giáp với sông Potomac chảy qua thủ đô.  Vào thời gian đầu thập niên 60, lệ thường hoa Anh đào nở rộ trong khoảng trung tuần tháng Tư.  Người dân ở thủ đô ngóng xem hoa nở, có nhiều gia đình đã đến công viên quanh bờ hồ để ngắm hoa bắt đầu nở, dẫu cho trời đã tối, dưới ánh đèn chiếu của công viên rọi thành từng chùm ánh sáng  trực tiếp vào những cụm cây anh đào đã sớm trổ hoa. Không khí về đêm, gió từ sông Potomac đem theo hơi lạnh thổi vào, nhưng người yêu thích Anh đào không ngại vì đã có áo choàng ; thanh  niên đã có áo gió ngang người.

Chúng tôi , ba Trung úy Hải quân Việt Nam đang du-học ở Hoa Kỳ, trong giai đoạn đầu, tại Defense Language Institute East Coast (2)  . Viện Sinh ngữ ở bên bờ Nam nhánh sông Anacostia River, phụ lưu của sông Potomac, thuộc khu Đông-Nam Hoa Thịnh Đốn. Vừa đến thủ đô Hoa Kỳ kịp ngày kỷ niệm  Washington's Birthday (3) ,  thời đó có lệ tại rất nhiều cửa hàng ở thủ đô, bán nhiều món hàng chỉ với giá 1 mỹ kim.

Sáng mùng hai Tết âm lịch, tháng 2 - 1964 , chúng tôi rời Sài Gòn bay qua San Francisco trên chuyến bay của hãng Hàng Không Flying Tiger Airlines, theo đường Bắc cực (polar route) , quá cảnh Anchorage, Alaska. Hải Quân Hoa kỳ ở San Francisco cấp vé máy bay để tiếp tục hành trình qua Hoa Thịnh Đốn.

Ngày 20 tháng 2, máy bay đáp ở phi trường quốc gia tại thủ đô, xe của trường ra đón chúng tôi gồm có anh Nguyễn Trần H. khóa  6 (đã quá vãng ở Hoa Kỳ năm 2011) , thêm anh Tô Văn H. và tôi thuộc khóa 7. 

Thời gian này,  thủ đô có nhiều ngày tuyết rơi dày. Nhà trường cho chúng tôi lựa chọn hoặc ở trong trường, như nội trú hay muốn ở ngoài trường, thì được hưởng tiền trợ cấp thuê nhà.  Theo lời nhận xét của anh Bùi Huy P.,  khóa 6, đang học về Thủy Đạo cũng tại thủ đô, chúng tôi đồng ý xin nhờ trường thuê nhà giùm, gần trường, gần siêu-thị, để buổi chiều đi học về , ba anh em chúng tôi cùng ghé vào “ chợ “ mua thức ăn ; đem về tự nấu ăn.

Mấy ngày đầu, tuyết phủ,  chúng tôi gọi Taxi đến để đi học ; vì chưa quen đường ; cũng may, chỗ ở không xa trường. Sau một đôi lần đi học bằng Taxi, bà Webster phụ-trách khóa học của chúng tôi,  đã chỉ cho chúng tôi cách đi băng ngang qua khu đất trống sau trường, thì rút ngắn được thời gian đi bộ.  Trường tuy có cổng chánh, thủy quân Mỹ canh gác, nhưng lại không có hàng rào quanh trường ; dễ cho chúng tôi đi ngang về tắt.

Trường học ở Khu Đông-Nam (South-East) của thủ đô, nhà chúng tôi thuê cũng ở Đông-Nam ; biết được cách đi băng qua khu đất trống, chỉ đi bộ hơn mươi phút tới trường.  Khu nhà ở này, khá khang trang, gần siêu thị, trên đường từ nhà đến trường.  Bà Franklin, chủ nhà có hai tầng lầu để ở và thêm một tầng, nửa trên mặt đất nửa ngầm dưới đất dành cho chúng tôi thuê.  Buổi sáng thức dậy, thấy tuyết phủ, chim sẻ vào núp sưởi ấm bên khung cửa sổ, trên mặt đất.  Hệ thống sưởi ấm trong nhà do hơi nước nóng cung cấp cho cả khu phố rộng lớn ; đường ống dẫn hơi nóng bọc cách nhiệt, lắp và nối tiếp theo hàng trụ điện, gỗ thông tẩm dầu màu đen.

Sau một tuần đầu, sinh hoạt dần dần ổn định. Sáng dậy ăn điểm tâm, luôn nghe đài VOA  phát thanh bản nhạc “ I want to hold your hand “  do Paul McCartney trình bày ; ban nhạc Beatles mới sang trình diễn ở Hoa Kỳ tháng 2 năm 1964 ; rất được giới ghe nhạc ở thủ đô ưa chuộng.  

Đi học hằng ngày, quy chế của trường : mặc quân phục mùa Đông.  Đi qua 2 dãy phố, băng ngang sau trường, vô tới lớp ; chiều về, ghé siêu thị . Ban đầu, cô thu-ngân ở quầy tính tiền, đã cho tất cả hàng đã mua vào trong một bao giấy lớn, loại gói hàng ; nhưng về sau, biết ý chúng tôi, đã tự động chia làm 3 gói nhỏ cho ba người đem về nhà.  Gọi điện thoại về Việt Nam, cách đúng 12 thời đạo, tại thủ đô Hoa Kỳ, mùa Đông trời bắt đầu tối dù mới non 17 giờ, ở bên nhà sắp sáng. Muốn gọi,  bỏ tiền “kên” vào trạm điện thoại  dọc đường ; bỏ thiếu 1 hào (a  dime) cũng không được, cô tổng-đài-viên nhắc bỏ thêm tiền cho đủ.

Nấu ăn, dần cũng quen, nhờ anh Nguyễn Trần H.  đã nấu phở rất ngon, chỉ cho anh em cách làm món ăn hấp dẫn.  Buổi trưa ở lại trường ăn trưa tại nhà ăn chung cho các cấp của trường.

Có một Thiếu tá Hải Quân Hoa Kỳ dạy về môn Quân Sử tại trường, trước đó đã phục vụ ở Việt Nam ; có nhã ý mời chúng tôi đi xem hoa Anh đào ban đêm. Theo sự thông báo của bà Webster, chiều hôm ấy chúng tôi mặc thường phục với áo nỉ choàng mùa Đông, đến điểm hẹn của trường.  Thiếu tá dạy Quân Sử đã lái xe đến đón chúng tôi và đưa về nhà trên ngọn đồi ngoại ô Hoa Thịnh Đốn ; dùng bữa cơm cùng gia đình. Trong bữa cơm có phu nhân và hai ái-nữ , nhiều kỷ niệm về Việt Nam đã nhắc đến như các thành phố biển Nha Trang,  nơi nghỉ mát Đà Lạt , và áo dài của phụ nữ Việt Nam.

Sau bữa cơm tối khá thịnh soạn đãi khách, ông bà Thiếu tá mời ba anh em chúng tôi cùng ra xe, đi viếng vườn Anh đào ở thủ đô, hoa bắt đầu nở.  Dưới ánh sáng của các đèn chiếu khá mạnh, cảnh đẹp bên bờ hồ thủy triều Tidal Basin lung-linh, huyền-ảo.  Những cành hoa Anh đào sà xuống , lay động trước cơn gió nhẹ se lạnh về đêm ; phủ qua đầu đoàn người ngắm hoa đi trên bờ đá ven hồ..

Ở xa là là Tòa nhà  cẩm thạch trắng, rực sáng dưới ánh đèn pha phản chiếu, đài kỷ niệm Thomas Jefferson, người đã thảo ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Tiếp theo đó, ông bà Thiếu Tá còn chở chúng tôi đến viếng đài tưởng niệm Abraham Lincoln , vị Tổng Thống  thứ 16 của Hoa Kỳ bị ám sát  ngày 14 tháng 4 năm 1865 , trước khi kết thúc cuộc nội chiến Nam-Bắc về giải phóng người  nô-lệ da đen (4) . Công viên trước đài kỷ niệm này, hướng về “tháp bút” Washington Monument là hồ phản chiếu (reflecting pool) dài  618 thước, ngang 51 thước .

Ban đêm, nhiều cụm đèn chiếu đưa ánh sáng phủ toàn diện đài kỷ niệm Lincoln; toàn cảnh sáng trưng về đêm,  là nơi nhiều du-khách trên thế giới khi viếng thủ đô Hoa Thịnh Đốn không khỏi đặt chân đến nơi này dù ngày hay đêm.

Một hôm vào lúc nghỉ giữa giờ học, bà Webster đến thông báo cho chúng tôi, sau giờ ăn trưa, sẽ có bà Giáo-sư người Việt đang dạy ở Viện Sinh ngữ này muốn đến thăm các Sĩ quan Hải Quân Việt Nam.  Đi ăn về, đang ngồi ở phòng đọc báo, tạp chí của trường , chúng tôi thấy có một bà người Việt trạc độ bốn mươi bước vào , đoán chừng là bà Giáo-sư. Chúng tôi đều đứng dậy, chưa kịp tự giới thiệu, bà ấy nói nghe các anh đến đây từ tháng trước, tôi bận nên chưa gặp các anh được. Bà giới thiệu danh tánh, chúng tôi cũng xưng cấp bậc tên, như thường thấy Sĩ quan  Hải Quân Mỹ, tự  giới thiệu theo xã giao.

Sau vài câu thăm hỏi về tình hình bên Việt Nam, quê quán chúng tôi, qua Hoa Kỳ học về ngành nào ... bà đã nói qua về chính trị ở Việt Nam, mới đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963 xong, thì lại có chỉnh lý Tướng Nguyễn Khánh lên ; và bà nói thêm : “Anh Oánh trước dạy ở Ann Arbor (Đại Học Michigan) đã về Việt Nam tham gia chính trị (GS Nguyễn Xuân Oánh) có rủ vợ chồng tôi về theo. Nhưng chúng tôi nghĩ, anh Oánh lên, chúng tôi lên ; anh xuống thì chúng tôi phải xuống ; nên đã quyết định ở lại Hoa Kỳ “.

Thời gian học ở trường, cuối tuần, bà Webster đã tổ chức cho lớp học của chúng tôi đi viếng Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ trên đồi Capitol ; phòng họp của Thượng Viện , phòng họp của Hạ Viện, cũng là nơi dành cho cả Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ họp khoáng đại hội nghị. Điểm đáng chú ý , tòa nhà Quốc Hội, tiền sảnh nhắm về hướng chính Đông là Châu Âu và mặt sau nhìn về phía Tây, trông thẳng đến đài tưởng  niệm George Washington, xa hơn là đài kỷ niệm Abraham Lincoln ; và Nghĩa trang quốc gia Arlington, bên kia bờ sông Potomac.

Dưới vòm tròn cao vút (the dome) của Tòa nhà Quốc Hội , lấy tâm điểm trên nền nhà của viên đình vẽ bốn hướng Đông, Tây, Nam Bắc. Đó cũng chính là tâm điểm thủ đô, chia District of Columbia (D.C.)  thành 4 Khu : Đông-Bắc (NE), Đông-Nam (SE) và Tây-Bắc (NW), Tây-Nam (SW).

Vào một dịp cuối tuần khác, trước đó ngày thứ Năm, thứ Sáu mưa tuyết quá dày ; may thay, sáng thứ Bảy trời nắng chói, tuyết đã ngưng rơi từ đêm trước ; xe của trường lại lên đường đi viếng Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ (US Naval Academy) ở Annapolis, tiểu bang Maryland , cách thủ đô chừng 50 cây số về hướng Đông. Tại Quân trường này có bốn khóa, thời gian học 4 năm. Mỗi khóa có độ non ngàn Sinh viên Sĩ quan (SVSQ) ;  học  cùng một lúc, ăn cùng một lúc, nên đến giờ ăn , phải có ban quân nhạc đánh trống , thổi kèn để điều hành SVSQ đi có thứ tự đến nhà ăn. Quân trường này là nơi đã đào tạo những Sĩ quan, về sau là các vị Đô-Đốc lừng danh của Hải Quân Hoa Kỳ trong thế chiến qua. Vị trí của Trường rất thuận lợi về huấn luyện vì nằm sát Vịnh Chesapeake Bay, đổ ra Đại Tây Dương.

Về mặt sinh hoạt văn hóa dành cho Sĩ Quan Hải Quân ngoại quốc theo học tại trường, bà Webster còn trao thiệp mời tham dự đêm văn nghệ quốc tế do sinh viên ngoại quốc của nhiều nước trên thế giới đang theo học tại đại học ở Hoa Thịnh Đốn, đứng ra tổ chức dưới sự bảo-trợ của Ông Đại Sứ IRAN. Trong dịp này, thấy có nhiều sinh viên Pháp qua học ở Mỹ. Cô sinh viên tiếp tân hôm ấy là người Pháp, đã hướng dẫn chúng tôi tại đại thính đường thủ đô. Chương trình văn nghệ đa dạng, nhất là những hoạt cảnh gặt lúa mì ngày xưa, những bản  nhạc dân tộc Đông Âu ; hay điệu vũ dân gian, tập thể, của các quốc gia Trung Cận Đông.

Đa số sinh viên ngoại quốc đến học ở các Đại Học Hoa Kỳ nói chung và quanh Hoa Thịnh Đốn nói riêng, đều du-học tự-túc rất đông đảo ; nên mới trình diễn được như vừa kể. Cũng có sinh viên Việt Nam tại Đại Học Georgetown , Tây-Bắc thủ đô, nhưng số lượng không đông vì du-học theo học bổng của chính phủ Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ sinh hoạt văn hóa, trường còn tổ chức buổi đi xem đoàn “xiếc” nổi tiếng đến biểu diễn ở thủ đô, dưới lều vải rộng lớn. Buổi tối, chúng tôi mặc thường phục, vẫn với áo choàng mùa đông, đến trường để cùng đi coi “xiếc” với bà Webster, theo xe của trường. Khi chuẩn bị bước ra xe, bà Webster vui vẻ giới thiệu với chúng tôi  một nữ Thiếu úy Hải quân Hoa Kỳ, dong-dỏng cao, duyên-dáng, mặc quân phục mùa đông, cát-kết với bao nón trắng, một vòng vàng trên tay áo nỉ  xanh Hải Quân với ngôi sao vàng 5 cánh, ngành Chỉ huy.

Cô Thiếu úy ấy cũng lên xe theo đoàn đi xem “xiếc”. Tới địa điểm, bà Webster xuống xe , ra phía trước mua vé. Khi vào tìm chỗ ngồi, đi loanh-quanh mãi mới thấy, không biết thế nào, vé của tôi và vé của cô Thiếu úy lại ngồi gần nhau ; trong lúc đoàn đi xem xiếc lại ngồi tách ra.  Ngỡ-ngàng, không biết nói chuyện gì, bắt đầu từ đâu, tôi kể chuyện mùa hoa Anh đào năm 1964 ở thủ đô ; vì vừa mới được Thiếu tá Hải Quân Mỹ dạy Quân sử tại trường, cùng phu nhân mời chúng tôi đi xem hoa Anh đào đã nở quanh hồ thủy triều và West Potomac Park.

Ra về, trước khi bước lên xe, anh Bạn cùng khóa 7 cười, nói với tôi, bà Webster biết anh độc thân nên đã sắp chỗ cho anh ngồi bên cạnh cô Thiếu úy. Tôi kể cho anh Bạn nghe, cô hòa-nhã, vui tính dễ bắt chuyện. Ngày nay, gia đình Bạn hiện ở Hoa Kỳ, có lẽ bật cười khi đọc dòng chữ này.

Những nhánh  hoa Anh đào đầu tiên được trồng ở Hoa Thịnh Đốn,  từ năm 1912 ; do thành phố Tokyo tặng cho thành phố Washington (5). Buổi lễ chính thức trồng cành Anh đào được tổ chức ở bờ Bắc của Tidal Basin ngày 27 tháng 3 năm 1912 do Bà Helen Herron Taft, Phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ William Howard Taft trồng nhánh cây thứ nhất,  Phu nhân Tử Tước  Chinda, Đại Sứ Nhật-bản tại Hoa Kỳ, trồng nhánh thứ hai.  Đây là đợt thứ nhất, gồm 3020 nhánh Anh đào, hơn phân nửa thuộc họ Anh đào Somei-Yoshino trồng quanh công viên bờ hồ thủy-triều (Tidal).  

Năm 1965, Nhật đã tặng thêm cho Hoa Kỳ 3800 nhánh Anh đào Yoshino (6). Lập lại khung cảnh của buổi lễ lịch sử hơn nửa thế kỷ trước, đã diễn ra năm 1912,  Bà Bird Johnson Phu nhân Tổng Thống Hoa kỳ Lyndon Baines Johnson  và  Bà Ryuji Takeuchi, Phu nhân Đại Sứ Nhật-bản tại Hoa kỳ ;  đã cùng trồng tượng trưng các nhánh Anh đào này ở bên hồ thủy triều , ngày 6 tháng  4-1965 , trong mùa hoa Anh đào.  Sau đó đem  trồng ở công viên  đài tưởng niệm cố Tổng Thống George Washington.

Không xa bờ hồ có cây Đèn đá cổ Nhật-bản, hằng năm đến  mùa hoa Anh đào ở thủ đô, Sở Công viên Quốc gia và Hội đồng Quốc gia về Hội Đoàn Tiểu Bang đồng chủ tọa lễ hội mùa Anh đào, có sự tham-dự của Tòa Đại Sứ Nhật, bình chọn ' Công chúa mùa Anh đào' (Cherry Blossom Princess), để đốt lên ngọn lửa thắp sáng đèn đá này , báo hiệu Xuân về trên thủ đô. Ngọn lửa này chỉ thắp sáng trong  mùa lễ hội hoa Anh đào (7).

Đèn đá xưa hơn ba thế kỷ, cao 2,5 mét, tạc bằng đá hoa cương, được thắp sáng lần đầu tiên năm 1651 ; Nhật-bản tặng cho thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1954,  kỷ niệm 100 năm Hiệp ước Mỹ-Nhật Hòa-Bình  Hữu-Nghị  Thương-Mãi  ký ngày 31 tháng 3-1854 tại Yokohama.

Ngày Hội Hoa Anh Đào (National Cherry Blossom Festival) thường được tổ chức vào tháng Tư hằng năm ; quy tụ đại diện học sinh trung học từ các tiểu bang về thủ đô diễn hành với ban nhạc, xe hoa, màu sắc sặc-sỡ. Buổi tối có bắn pháo bông trên hồ Tidal.

Mùa hoa Anh đào ở thủ đô Hoa Kỳ năm 1964, có nhiều ngày nắng đẹp trời. Gặp ngày nghỉ cuối tuần, quanh bờ hồ thủy triều đông đúc người đi ngoạn cảnh, không riêng người sống tại thủ đô mà còn có rất nhiều gia đình người Mỹ từ các thành phố ở tiểu bang xa cũng về ngắm cảnh, quay phim, chụp hình lưu niệm. Có rất nhiều sinh viên Nhật đi từng nhóm năm, bảy người hay đông hơn, có lẽ họ từ các Đại học ở các tiểu bang khác, cũng về đây trong mùa Anh đào, như truyền thống lễ hội hoa Anh đào ở Nhật. Dễ biết là sinh viên Nhật, mặc đồng phục, nam với sơ-mi trắng, cà-vạt, áo veste màu đen ; nữ cũng sơ-mi trắng, jupe và veste đen.

Công viên thủ đô mùa Anh đào nở rộ quanh hồ thủy triều, buổi chiều ánh nắng rọi từ hướng Tây, phản chiếu lung linh trên mặt nước, gió lay nhẹ cành Anh đào, những cánh hoa trắng hay hồng nhạt bay rơi trên tóc, trên áo của đôi bạn trẻ, hay đôi tân lang, tân giai nhân,  đưa nhau đến chụp hình kỷ niệm ngày cưới dưới tàn cây Anh đào hoa nở trĩu cành.  Cánh hoa bay xuống hồ, dưới chân bờ đá, phủ trên nước như thảm hoa màu hồng nhạt. 

Giữa bầu trời xanh, “tháp bút”   Washington Monument hiện ra ở xa, cận cảnh là những tàng cây đầy hoa, tùy theo góc độ nhìn từ công viên Anh đào.  Nhìn về bờ hồ phía Nam, đài tưởng niệm Jefferson, mái vòm tròn, cẩm thạch trắng, những rặng  Anh đào phủ đầy hoa. Dạng của hồ không tròn hẳn, rộng nhất non cây số, có chỗ ăn thông ra sông Potomac, có nơi mở rộng ,  nơi uống cong như một vịnh nhỏ, làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên, thơ mộng của mùa Anh đào à

Cuối thời gian học ở Hoa Thịnh Đốn,  còn một tuần mới đến ngày nhập học ở Trưởng Tiếp Liệu của Hải Quân Hoa kỳ tại thành phố Athens, tiểu bang Georgia, Đông Nam Hoa Kỳ ; bà Webster thuận theo lời yêu cầu của chúng tôi, liên hệ và tổ chức cho chúng tôi đi viếng Trung tâm Thực  nghiệm Mẫu Vỏ tàu (David Taylor  Model  Basin)   thuộc Hải Quân Hoa Kỳ (HQ HK) .

Sở dĩ chúng tôi đề nghị vấn đề này, vì người viết năm 1961-1962 ngoài nhiệm vụ Trưởng Xưởng Động Cơ còn được Ban Giám Đốc Hải Quân Công Xưởng (HQCX) chỉ định kiêm nhiệm Sĩ Quan Kế Hoạch đóng 13 ghe chủ lực vỏ gỗ cho Lực Lượng Hải Thuyền (LLHTh) trang bị máy chánh GM 6-71. Công tác thực hiện  từ đặt “sống ghe” ( la quille , tiếng Anh :  the keel)  lắp ván vỏ, boong, lắp đặt máy chánh, chân vịt , bánh lái, giá súng ; cho đến hạ thủy và chạy thử sau đó bàn giao cho  LLHTh.

Thời gian làm việc ở HQCX, hằng tháng người viết đọc được tập tài liệu “Buships Journal” ; thông tin kỹ thuật đóng mới, sửa chữa, bảo trì chiến hạm do Bureau of Ships, thuộc  Bộ Tư Lệnh HQ HK phổ biến ; thường đề cập tin tức trắc nghiệm vỏ tàu tại “David Taylor Model Basin”  - xin tạm gọi là Trung tâm Thực nghiệm DTMB .

Bà Webster là người có uy tín đối với các cơ quan của Bộ Tư Lệnh HQ HK ở thủ đô ; phu quân của bà là một Trung Tá Lục Quân HK làm việc ở Ngũ giác đài. Nhờ vậy, chỉ mấy hôm sau, Trung tâm Thực nghiệm đã đưa xe đến đón ba Sĩ Quan HQ VN tại Trường , mặc quân phục mùa đông, để đi viếng Trung tâm này. 

Cơ quan nằm sâu trong khu rừng thuộc thuộc tiểu bang Maryland , cách Washington  D.C. chừng 20 cây số, hướng Tây-Bắc. Một đại diện đứng tuổi, mặc y-phục chỉnh tề, trông là người có cấp-chức của cơ quan , đón chúng tôi từ cửa chính bước vào ; hướng dẫn chúng tôi đi qua một phòng hẹp, lối đi giới hạn. Khi đi trên lối đi đó, có cảm giác bệ kim loại dưới chân lung lay.  Giờ nghỉ uống giải khát, anh em chúng tôi nói với nhau, chắc là mới vào "đã bị cân rồi" ; dễ hiểu, khi đi ra sẽ đối chiếu với trọng lượng lúc vào ; an-ninh cẩn-mật là vậy.

Tại Trung tâm này, HQ HK đã thử nghiệm tất cả vỏ tàu, thu  nhỏ theo tỷ lệ,  từ Khu trục hạm , Tàu vận tải, Tuần dương hạm, đến Hàng không Mẫu hạm , Tiềm thủy đĩnh à Có nhiều hồ  để trắc nghiệm vỏ tàu,  tạo sóng ngang, sóng ngược, nhiều hướng , để đo sức cản, vận tốc, thăng bằng của chiến hạm ; thử các loại chân vịt thích nghi cho từng loại tàu. Hồ dài nhất 904 thước, ngang 15 thước, sâu 6 thước ; khả năng thử với vận-tốc cao hơn 50 hải lý / giờ hay 92 cây số / giờ. Tất cả các hồ này đều không cho ánh sáng mặt trời vào, để tránh  các loại rong sống ở dưới lòng hồ.

Đến trưa, vẫn do ông đại diện Trung tâm Thử nghiệm mời đi ăn trưa tại nhà ăn của cơ quan. Buổi chiều đi thăm viếng các văn phòng họa-đồ thiết-kế, các kỹ sư dân sự làm việc cho HQ HK trình bày phương pháp thử nghiệm, xử-lý các thông số kỹ thuật, có khi phải thay đổi mẫu thiết kế vỏ tàu. 

Đã 48 năm qua, thời ấy máy vi-tính chưa phát triển và áp dụng rộng, tuy nhiên những giàn máy tính IBM quay với băng nhựa hay đĩa nhựa đã bắt đầu được Hải Quân Hoa Kỳ ứng dụng ; thông số kỹ thuật đưa vào phiếu đục lỗ (punch cards) , máy IBM in kết quả hay bản vẽ ra giấy, đường biểu diễn hiện lên bằng nhiều chấm nhỏ (dot)  (8).

Một ngày trọn vẹn viếng thăm, nghe trình bày, tiếp xúc trực tiếp với nhiều kỹ sư, chuyên viên, nghe chúng tôi tự giới thiệu làm ở Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn , nên đã dành thì giờ tiếp chúng tôi với tinh thần đồng nghiệp.   Ra về, chúng tôi không quên ngỏ lời cảm ơn nhờ chuyển đến Ban Giám Đốc Trung tâm Thực nghiệm DTMB và các kỹ sư đã đón tiếp chúng tôi. Xe của Trung tâm này đưa chúng tôi về lại Trường.

Mãn khóa, Giám Đốc của Viện Sinh Ngữ là vị Trung Tá Hải Quân đã phát Chứng chỉ theo học cho chúng tôi,  với lời nhắn thân mật , nếu có đi thực tập tại các Căn cứ Tiếp Vận Hải Quân ở miền Tây Hoa Kỳ, “please say hello to San Francisco,  my hometown !”.
Những tháng theo học lớp Anh ngữ bổ túc tại Defense Language Institute East Coast qua đi thật nhanh, thời gian lưu lại Hoa Thịnh Đốn nhiều kỷ niệm, trong đó có sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của bà Webster, những ông bà Giáo sư người Mỹ : bà Cagle, ông Arena ; tình cảm quý trọng của các vị Sĩ Quan  Hải Quân Hoa Kỳ Giảng viên, đã dành cho các Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam.
Ngày rời Trường,  lên đường về miền Đông-Nam Hoa kỳ, theo học khóa Tiếp liệu ở US Navy Supply Corps School tại Athens, Georgia ; chúng tôi trở lại Phi trường quốc gia, hữu ngạn sông Potomac thuộc tiểu bang Virginia ; nơi chúng tôi đã đến giữa mùa tuyết.  Máy bay cất cánh, qua khung cửa, Capitol Building tòa Nhà Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ, sông Potomac và thủ đô Hoa Thịnh Đốn xa dần .-
Strasbourg  PH ÁP, 25 mars 2012                                     

Nguyễn văn Quang
cựu SVSQ Hải Quân Nha Trang 
Đệ Nhất Thiên Xứng  - Khóa 7


Chú thích :
(1)  Tidal Basin , hồ thủy triều nằm ở khu Tây-Nam (SW)  thủ đô, ăn thông ra sông Potomac. Mặt hồ rộng nhứt là 968 thước , nhưng hồ không  tròn, bờ hồ uốn cong tạo thành từng  vịnh nhỏ.

(2)  Bộ Quốc Phòng Mỹ có hai Viện Sinh Ngữ : Defense Language Institute East Coast ở Miền Đông và Defense Language Institute West Coast cho miền Tây Hoa Kỳ. Năm 1964, tại Viện Sinh Ngữ miền Tây, có 20 gia đình Giáo sư người Việt, dạy tiếng Việt cho hơn 250 quân nhân Hoa Kỳ các cấp . Có nhiều lớp học từ 1 tháng đến một năm.

(3)  Washington's  Birthday  , năm 1964 còn lấy ngày sinh của Vị Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên là  22 tháng Hai năm 1732 để kỷ niệm sinh-nhật. Nhưng từ năm 1968, Quốc Hội quy-định về những ngày nghỉ lễ nhằm ngày Thứ Hai “Monday Holiday Law” ; nên từ đó  Washington's Birthday thuộc ngày Thứ Hai, tuần lễ thứ 3 trong tháng Hai như hiện áp dụng. Năm nay, lễ kỷ niệm sinh-nhật này nhằm Thứ Hai , Feb. 20, 2012.

(4) Trong bài diễn văn đọc ở Nghĩa Trang Liệt Sĩ tại  Gettysburg, Tiểu bang  Pennsylvania  ngày 19 tháng 11 - 1863, để tưởng niệm chiến  sĩ hy sinh trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ,  có câu bất hủ của Abraham Lincoln, vị Tổng Thống  Hoa Kỳ  thứ 16  :  ” AND THAT GOVERNMENT OF THE PEOPLE BY THE PEOPLE FOR THE PEOPLE SHALL NOT PERISH FROM THE EARTH o“ ( chính phủ của Dân bởi Dân vì Dân sẽ không bị hủy diệt trên trái đất.)

(5)        http://www.nps.gov/cherry/cherry-blossom-history.htm
Năm 1912, Thị Trưởng thành phố Tokyo , Yukio Ozaki và Hội đồng thành phố Tokyo tặng cho thành phố Washington 3020 nhánh Anh đào. Đáp lễ lại, năm 1915, Hoa Kỳ đã tặng cho Nhật-bản  một số cây hoa dogwood  (Mùa Xuân, cành cây toàn là hoa, rất đẹp. Có hai loại  dogwood, hoa màu trắng hay hồng nhạt)

(6) http://en.wikipedia.org/wiki/National_Cherry_Blossom_Festival
Đợt thứ hai, năm 1965 Nhật-bản tặng thêm 3800 nhánh Anh đào, họ Yoshino cánh hoa trắng.

(7)  http://dc.about.com/od/cherryblossomfestival/ss/Japanese-Stone-Lantern-Lighting-Ceremony.htm
1912 - 2012 ,  kỷ niệm 100 năm ngày Nhật-bản tặng những cành hoa Anh đào cho Hoa Kỳ. Thủ đô tổ chức mùa Lễ Hội Hoa Anh Đào năm nay, từ ngày 20 tháng Ba  đến 27 tháng Tư ; và cuộc diễn hành của lễ hội Anh đào vào ngày 14 tháng  Tư  - 2012.
Theo Điện báo Anh Ngữ YOMIURI của Nhật-bản, bản tin ngày 10 tháng 4-2012 : Lễ thắp Đèn đá đã được thực hiện ngày Chủ nhật 8 tháng 4 vừa qua tại bờ hồ thủy triều. “Công chúa Mùa Anh đào” 2012 , cô Kanako Mori 17 tuổi, nữ sinh Trung học ở Hoa Thịnh Đốn đã đốt lên ánh lửa cho Đèn đá cổ.

(8)  ” Modern Ship Design “ by Thomas C. Gillmer , United States Naval Institute , Annapolis, Maryland  -   Copyright ỉ 1970     Chapter 14 -  The Computer in Ship Design and Construction  “

 


Ngày 8 tháng 4-2012 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cô Kanako Mori 17 tuổi, nữ sinh Trung học,  “ Công chúa Anh đào “, thắp ánh lửa cho Đèn đá cổ Nhật-bản tại công viên hồ thủy triều (Tidal Basin) khai mạc Lễ Hội Hoa Anh Đào năm 2012 .

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012