SỐ 54 - THÁNG 4 NĂM 2012

 

Khổ Qua tự thuật

Vân Kha

Description: kho_qua

Tên cúng cơm của tôi là Mướp Đắng nhưng xin đừng gọi tôi tên này vì tuy có thân hình dài nhưng tôi không bà con với chị Mướp.

Tôi cùng chung dòng họ với chị Bầu anh Bí, họ Bầu Bí vang danh thế giới tuy da tôi hơi sần, không láng mịn và thân hình không tròn trịa như anh chị Bí Bầu.

Hãy gọi tôi là Khổ Qua vì tôi thích tạo cảm giác mạnh cho mọi người. Khi ăn, các bạn sẽ than thầm:’Khổ quá, đắng quá” nhưng khi ăn xong, các bạn sẽ khen:’Khổ qua rồi, khỏe quá” vì đường huyết của các bạn đã giảm bớt.

Tuy sống ở nơi thôn quê, dân dã nhưng tôi cũng có tên Tây giống như các cô chiêu cậu ấm ở thành thị. Các nhà khoa học đặt tên Tây cho tôi là momordica charantia, đọc nghe oai và kêu như tiếng chuông. Chị Đậu Ngự với giọng Huế nhẹ nhàng lại thích gọi tôi thân mật là chú “mô tê chi rứa”, nghe cũng ngồ ngộ. Anh em trong gia đình tôi gòm có anh Gấc (momordica cochinchinensis) và em La Hán Quả (momordica grosvenori).

Mẹ tôi là giống dây leo mọc ở các vùng nhiệt đới của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Hàng năm, bà khai hoa nở nhụy sinh ra chúng tôi.

Tôi rất tự hào vì không những là món ăn ngon mà còn là vị thuốc được dùng phổ biến trong dân gian.
Mời các bạn xem những nghiên cứu khoa học về tôi:

“Thành phần dinh dưỡng trong 100g trái khổ qua: Cung cấp 19klalo, carbohydrate 4,32g, đường 1,95g, chất xơ 2g, chất béo 0,18g, protein 0,84g, nước 93,95g, một số vitamin và chất khoáng.

Năm 1962, một hoạt chất trong khổ qua tên là charantin dược khám phá có tác dụng hạ đường huyết ở thú vật thí nghiệm. Sau đó các hoạt chất lectin, polypeptide-P có tác dụng hạ đường huyết cũng được tìm thấy trong khổ qua. Các hoạt chất trong khổ qua làm hạ dường huyết ở thú vật và con người..

Năm 2007, nghiên cứu của Bộ Y Tế Philippin chứng minh rằng 100mg/kg bột cao khổ qua có tác dụng hạ đường huyết tương đương với 2,5mg/kg glibenclamide, ngày 2 lần (glibenclamide là thuốc trị tiểu đường). Các hãng dược phẩm Philippin đã sản xuất viên khổ qua (momordica capsules) và bán trên thế giới.

Vì chưa có tiêu chuẩn thống nhất xác định liều lượng hoạt chất trị tiểu đường nên hiện nay, khổ qua chỉ được xem là thực phẩm bổ sung (food supplement) chứ không phải là thuốc trị tiểu đường.”

Mời các bạn xem mục “Khổ Qua vòng quanh thế giới”:
“Năm 1990, Liên Hiệp Quốc phát hành bộ tem dược thảo, mỗi con tem có hình ảnh một cây thuốc được Liên Hiệp Quốc cho là có giá trị chữa bệnh trên thế giới. Khổ qua được chọn là một trong 6 cây tiêu biểu. Tem khổ qua được phát hành ở Áo quốc”.

Người dân Togo dùng khổ qua để trị rối loạn tiếu hóa và giun sán ở ruột. họ còn dùng để trị bệnh thủy đậu và sởi.
Các dân tộc ở Châu Á và Trung Mỹ (Panama, Colombia, Guyana) dùng lá và trái khổ qua để ngừa và trị sốt rét.
Nước nấu với khổ qua còn dược dùng để trị rôm sảy và mụn nhọt ở da.

Lưu ý là hạt của trái khổ qua khi chín có thể gây ngộ độc ở trẻ em và gây sẩy thai ở phụ nữ mang thai. Khi chin, trái khổ qua có màu cam, hạt có màu đỏ. Vì vậy, chỉ nên dùng trái khổ qua xanh và loại bỏ hạt.

Khổ qua nhồi thịt xay, đem hấp hoặc nấu canh là món ăn được ưa chuộng ở Đông Nam Á.”
Vì có hẹn gấp với chị bếp nên xin từ giã các bạn, hẹn ngày tái ngộ. Khổ Qua

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012