SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ:
Người lính Mỹ ở Trân Châu Cảng

 Đáng lẽ tôi định viết tiếp về hòn đảo lớn nhất (Big Island) trong quần đảo Hạ Uy Di nằm ở Thái Bình Dương như đã hẹn với bạn, nhưng thôi để lần sau vì chỉ còn mấy hôm nữa là ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, đất nước mà tôi yêu mến bởi đã mở cánh cửa cơ hội cho gia đình tôi có được như ngày hôm nay.

Khi đến Honolulu, điều tôi muốn đến trước tiên vẫn là căn cứ Trân Châu Cảng mà tôi đã được xem bộ phim này vào thập niên 70, cuốn phim chiến tranh có sức hút mãnh liệt vì lúc đó đất nước tôi cũng đang có chiến tranh. Thuở ấy mỗi ngày trên báo chí và đài truyền hình, tôi đã đọc, đã nhìn thấy hình ảnh thảm khốc của chiến tranh từ cầu Bến Hải cho tới mũi Cà Mau, nhiều đêm tôi bất chợt bị đánh thức bởi những quả đại bác dội vào thành phố, ầm ầm xoáy xuống nơi nào đó mà gia đình tôi đang trú ngụ.

Tôi không thích chiến tranh là vậy, nói theo luật Nhân Quả của nhà Phật, chắc chắn quả báo sẽ đến với kẻ gây hấn, trong tiền kiếp đến hiện tại, thế nào cũng có lúc lãnh nhận cái quả này. Tuy vậy, tôi lại thương người lính, nhất là những người lính xa nhà, nơi chiến trường tanh tưởi mùi máu và bom đạn. Qua hình ảnh những người lính Mỹ  nơi hải đảo xa xôi mà tôi đã nhìn thấy ở Trân Châu Cảng,  trong một buổi chiều chiến hạm ghé vào bờ. Vẻ rắn rỏi với nước da đồng nâu trong bộ chinh y màu sa mạc của người lính Hoa Kỳ khiến tôi nao lòng. Cảnh thì đẹp như vậy, trời vẫn xanh và biển vẫn xanh, họ sẽ đi đâu, đến đâu trong suốt cuộc hành trình đời Lính?

Ngày hôm trước, đoàn du lịch đã được thông báo ngày mai đến thăm Trân Châu Cảng, tiếng Anh gọi là Pearl Harbor, hải cảng thuộc đảo O'ahu, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Hawaii. Trân Châu Cảng nằm ở phía Tây của thành phố Honolulu, vùng quân sự nước sâu và đây là trung tâm chỉ huy của hạm đội Thái Bình Dương. Nơi này đã diễn ra cuộc chiến nổi tiếng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, ngày 7 tháng 12 năm 1941, trận chiến này khởi đầu cho việc Mỹ tham gia vào đệ nhị thế chiến.

Đi thăm Trân Châu Cảng là một ước mơ của tôi, bộ phim này của hai nhà đạo diễn là Micheal Bay và Bruckheimer năm 1970, và ngay tức khắc nó đã bay xa đến các nơi trên thế giới. Mãi tới năm 1973 tôi mới được xem, cảm tưởng trái tim mình đã se thắt lại khi nhìn thấy trong phim một buổi sáng tinh sương tháng 12 năm 1941, hình ảnh của những người lính trẻ Hoa Kỳ đang tuổi thanh xuân, như còn nặng trĩu trong trí nhớ của tôi, nước mắt như đọng lại trên viền mi cho tới đoạn cuối cùng của bộ phim chiến tranh.

Trong một bộ phim khác về chiến tranh, người lính già sau khi giã từ vũ khí, nhìn lại những hình ảnh tan nát, đổ vỡ đã nói một câu để đời : “Khi cuộc chiến kết thúc, người trẻ thì chết còn người già thì nói”. Vâng, người lính già của bất cứ cuộc chiến nào cũng đang hoài niệm từng trận đánh sinh tử, tiếng đạn réo bom rơi, sự ra đi của đồng đội thì có lẽ Trân Châu Cảng ngày nay cũng là nơi để người dân Mỹ tưởng nhớ lại trận đánh tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Sáng hôm đó mọi người đều dậy sớm, lục tục kéo xuống “lobby” của khách sạn uống cà phê và lên đường. Nhân đây tôi sẽ nói về loại cà phê Kona nổi tiếng của Hawaii mà dân địa phương rất hãnh diện về sản phẩm này, tôi không sành cà phê nhưng chắc chắn đây là loại cà phê nguyên chất không pha chế nhăng nhít. Khi viết về Big Island, tôi sẽ đề cập đến buổi ghé vào  đồn điền  Kona Joe Coffee, nhìn tận mắt những cánh đồng trồng cà phê và cách hoạt động của một nhà máy cà phê như thế nào.

Muốn khỏi cảnh xếp hàng chờ đợi khi vào Trân Châu Cảng, du khách phải đến sớm để kịp chuyến xe chở khách đi quanh một vòng hải cảng, mỗi chuyến độ 2 giờ đồng hồ. Nhìn cảnh hôm nay khó ai hình dung nổi nơi đây ngày xưa đã từng bất thình lình diễn ra khi hằng trăm máy bay Nhật, với các viên phi công Thần Phong  ào ạt tấn công vào các chiến hạm của Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng.

Đây là phần mở rộng của vịnh nước cạn được gọi là WAI MOMI, tiếng địa phương là Pu'uloa, có rất nhiều ngọc trai thiên nhiên. Hiện nay tại các cửa hàng chuyên bán Gift Shop đều có một chiếc chậu nhỏ, đựng những con trai còn sống với giá 15 mỹ kim, và họ bảo rằng mỗi con đều có chứa 1 hay 2 viên ngọc, nếu du khách nào may mắn sẽ có được những viên ngọc trai với một giá rẻ mạt làm thành trang sức.

Và đây, một người lính Mỹ là nhân viên an ninh đứng chặn ngoài cửa để kiểm soát  giấy tờ tùy thân  của du khách. Từ chỗ này vào bờ vịnh không xa, thấp thoáng những chiến hạm ở thập niên 40 rải rác đó đây, có một bến tàu mà cách đây khoảng 70 năm về trước đã ngổn ngang, hoảng loạn , hãi hùng của các chiến hạm Mỹ khi bị Nhật tấn công bất ngờ. Cuộn phim “Tora, Tora, Tora” năm xưa như hiện ra trước mắt tôi, vẻ hồn nhiên của những người lính Mỹ buổi mai hôm ấy bên ly cà phê còn bốc khói, bỗng chốc tiếng còi báo động hú lên từng hồi và những chiếc máy bay của Nhật từ trên không lao xuống, những trái bom phà lên ánh lửa, những cột khói bốc lên trời, chết chóc, thương vong, như một cơn ác mộng đến với những người thủy thủ Hoa Kỳ ngoài hải đảo xa xôi, tích tắc đã chỉ còn là hoang tàn đổ nát...

Một chút bùi ngùi khi du khách nhìn thấy những đài tưởng niệm nhỏ hình khối thẳng đứng dọc theo ven bờ, trên mặt có khắc những hàng chữ kỷ niệm ghi từng chiến hạm đã bị đánh chìm và tên tuổi của các quân nhân đã tử trận theo con tàu nằm rải rác trong vùng Thái Bình Dương. Bao nhiêu trụ là bấy nhiêu chiến hạm lớn nhỏ đã bị đánh đắm hoặc tan tành với mưa bom, đối diện bên kia bờ là một Đài Kỷ Niệm sơn trắng một màu tang tóc, ngày xưa là chiến hạm Arizona đã bị đắm và nằm im dưới lặng dưới đáy nước, mang theo 1102 sinh mạng của người lính Hoa Kỳ, số thương vong cao nhất trong các chiến hạm của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương thời đó.

Gió biển thổi lá cờ nước Mỹ bay phần phật trên bầu trời xanh lơ, nước vẫn êm đềm vỗ sóng vào ven bờ, như tiếng kinh cầu trầm buồn của biển khơi ròng rã bao năm tháng cho bao nhiêu sinh linh đã bỏ mình vì đất nước:

“Những hồn năm cũ, người năm cũ
Như còn ẩn hiện cả nơi đây
Biển vẫn âm vang lời tưởng nhớ
Lờ lững quanh trời mây trắng bay”

Du khách có thể ghi lại vài tấm hình với cái mỏ neo sơn màu xám nhạt, nếu nhìn sơ lại rất giống hai con chim bồ câu chụm vào nhau trong một tư thế hòa bình. Chao ơi! Thế giới vẫn luẩn quẩn trong cái vòng nghiệt ngã của chiến tranh và hòa bình, tôi và chị Oanh, bà chị kết nghĩa nhóm thơ thẩn Hoa Bưởi chụp chung vài tấm hình kỷ niệm, phía sau có chiến hạm 287.

Bỗng dưng tôi nhớ lại ở Corpus Christi thuộc tiểu bang Texas, hiện đang trưng bày chiến hạm Lexington tượng trưng cho Viện Bảo Tàng chiến tranh mà tôi đã một lần ghé thăm, nghe nói cũng đã cùng nhiều chiếc mang tên Lexington chiến đấu với phi cơ Nhật dài dài ngoài khơi Thái Bình Dương, ngay sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng và Mỹ đã bắt đầu phục hồi lại lực lượng hải quân của họ. Cuối cùng thì chiến tranh đã kết thúc, hai trái bom nguyên tử thả xuống 2 thành phố  Hiroshima và Nagasaki khiến nước Nhật phải tuyên bố đầu hàng, kết thúc đệ nhị thế chiến.

Trong lúc mọi người tản mát vào các phòng trưng bày các loại  vũ khí chiến tranh, quả thật nước Nhật hồi ấy đã có những vũ khí tối tân, và điều kinh khủng hơn nữa là có những quân nhân cảm tử dám liều chết khi điều khiển một quả ngư lôi chứa khoảng 3000 “pounds” thuốc nổ để lao vào phá  hủy tàu Mỹ ở dưới nước. Trong khi đó các hạm đội của Mỹ hình như ở tư thế không chống trả được vì họ vẫn còn đứng ngoài vòng cuộc chiến.

Nhìn những thứ vũ khí giết người ghê gớm ấy, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi kể cho các con nghe về năm 1945, lúc  ấy tôi chưa sinh ra, dân Việt Nam mình đã chết như rạ trong trận đói năm Ất Dậu vì lúa bị đốt để trồng đay. Gia đình tôi ở thị xã đời sống tương đối còn khá nên mỗi buổi sáng, cha tôi bảo mẹ tôi nấu mấy nồi cháo đặt trước cửa để bố thí cho người nghèo đi xin ăn. Khi thấy tình hình quá bi đát, ông về nơi chôn nhau cắt rốn tìm người làng xem  ra sao. Tới cổng làng ông chợt nhìn thấy một đứa bé chưa đầy năm đang úp mặt trên đôi vú khô queo của người mẹ đã chết tự bao giờ. Ông bế đứa bé về giao cho các bà phước nuôi nấng, còn gọi người làng ra để tạm chôn cất cho người phụ nữ xấu số xuống nấm đất nông, vì chị ta từ một làng khác bồng con định đến xin ăn ở làng này vì đói quá. Bây giờ có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay, tôi cứ nghĩ mình đã được hưởng cái phúc đức của cha tôi ngày trước, ông cũng đã nằm lại mảnh đất quê nhà năm 1954, trước ngày phân ly đất nước.

Trời đã đứng bóng, Trân Châu Cảng vẫn kẻ đến người đi, những chiến hạm lặng lẽ nằm phơi mình trên sóng nước đại dương. Trên cao là những giải mây trắng lững lờ bay in bóng lên nền trời xanh lơ, bao nhiêu dâu bể cuộc đời, những núi biếc non xanh, những con tàu trầm mặc in hình xuống làn nước biếc, có bao giờ thổn thức vì nơi này ngày xưa biết bao người đã nằm xuống?

Chúng tôi còn đi qua khu vực trại gia binh của lính Mỹ, người địa phương cũng gọi thành phố này là thành phố lính vì lính đã chiếm khoảng phân nửa dân số sống tại đảo O'ahu. Gần trại lính có một trung tâm mua bán có nhiều quán ăn của Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa. Chúng tôi ngồi gần bàn ăn của vài người quân nhân, công nhận quán nấu ăn khá mà lại rẻ, một tô mì phải hai người ăn mới hết, thật hợp với sức ăn của Lính.

Thôi hãy để những đau buồn đó nằm im lặng trong nấm mồ lịch sử của nước Mỹ, chúng tôi rời Trân Châu Cảng và đi thăm địa điểm sản xuất dứa mang tên Dole của Honolulu. Những trái dứa ở đây rất to, óng vàng mà ngọt lịm, y hệt dứa Bến Lức ở quê mình, giá khá đắt so với các loại dứa trồng các nơi khác trên nước Mỹ, nhưng “đáng đồng tiền bát gạo”.

Từ trang trại và nhà máy, ngó qua bên kia đường để rồi ai cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra một hàng cây phượng thắm, rưng rưng đỏ thắm trên một bức phông trùng trùng mây và núi. Có ai đó bật ra tiếng hát bài ca “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn:

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn!”

Chao ơi là nhớ, ở cái tuổi đầu đã bạc mà vẫn chưa quên được màu hoa của tuổi học trò. Hoa phượng ở Hawaii nhiều lắm, trồng dọc theo đường đi nhưng chưa chỗ nào mọc thành hàng như ở đây. Ai cũng vội vã băng qua đường ghi lại những tấm hình với hàng phượng vĩ, như níu thời gian lại mà quay về tuổi học trò đã xa tít mù khơi...

Nguyên Nhung

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012