SỐ 55 - THÁNG 7 NĂM 2012

 

CÁI CHẾT CỦA MỘT NHÀ THƠ

Ông không thường làm thơ, và thơ ông không hay, nhưng đối với ông thơ là một điều  hết sức  thiêng liêng, quan trọng vô cùng. Tôi quen biết ông đã lâu,  thân thích tới mức có thể đùa cợt mọi chuyện. Thế nhưng đối với thơ thì không thể. Mỗi năm ông chỉ làm vài bài. Một bài  khai bút đầu xuân. Trong năm, vào những dịp lễ lạc quan trọng ông làm thêm đôi bài nữa. Ông không thích “khoe thơ”, nên không in, rất ít khi đưa ai đọc.  Tôi là người duy nhất được ông  tin. Ông khen tôi là người “sành ăn“, ăn đây là ăn thơ, thưởng thức thơ, nên đọc cho nghe, và đôi khi được phép nhận xét, khen chê, dĩ nhiên khen nhiều chê ít. Tôi biết việc này rất  quan trọng  nên hết sức thận trọng lời ăn tiếng nói. Trong một thời gian rất dài. mọi việc tương đối  suôn sẻ.

Thời đại bây giờ, những năm cuối thế kỷ 20, thời kì của phi thuyên không gian lên sao hỏa, của vi tính hàng tỉ phép toán trong một giây mà thấy một người khăn đen áo dài, đốt lò trầm. Ngồi trước trang giấy trắng tinh, tay cầm bút, mặt mày nghiêm trang, khó đăm đăm, nắn nót từng chữ cho bài thơ, ai mà không tức cười. Thực là một hình ảnh lạ, giống như  ra đường trông thấy con khủng long đứng gặm cỏ ở công viên  bên cạnh những chiếc ô tô bóng lộn  lướt ngang dọc trên  xa lộ. Ông đã giành cho thơ tất cả sự trang trọng. Ông viết, ông xóa, ông vò, ông ném, ông hành hạ mình, hành hạ những người chung quanh ông... Chính ông cũng không biết cái nào là tác phẩm cuối cùng. Bài thơ cuối cùng tuyệt vời của ngày hôm nay  song qua ngày mai là đồ bỏ, đã có vị nữ hoàng khác lên ngôi. Có thể bài thơ sau chỉ khác bài trước một cái dấu phảy. Và tôi thường là người được thưởng thức đầu tiên. Bắt chước nói theo kiểu các vị vừa được bầu vào chức vụ quan trong thì… “Đây thực là nhiệm vụ vinh quang, nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề…” Nếu không khéo khen thì tôi là người nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh hoang tưởng  bay cao đến không cùng. Hoặc ngược lại nếu không biết chê tôi sẽ là tay đồ tể  giết chết nàng thơ  không gớm tay ! Đọc xong truyện này quí vị sẽ thấy sự việc còn nghiêm trọng hơn thế rất nhiều.

Mấy năm sau này sức khỏe ông giảm sút. Ông chỉ đọc những tập thơ tặng, còn thời gian  ông thường đọc những tạp chí sức khỏe. Trong sách nói đến bệnh gì, ông nghe ngóng trong người thấy cũng có bệnh như thế. Và ông lại vào nằm viện. Nằm viện cũng là dịp để làm thơ. Thấy ông đôi ba ngày nhập viện một lần, tôi cũng không lo. Thường thấy những lần ông cầm cái quyển sổ khám bệnh lững thững đi vào bệnh viện xếp hàng, ngồi hàng nhiều giờ, để được vị nào đó mặc áo blu trắng, chụp chụp cái ống nghe qua loa trên bộ ngực lép kẹp   cùng  với cái lưng tôm của  nhà thơ, xong  nguệch ngoạc vài chữ, thêm vài lời an ủi lấy lệ, với mấy viên  aspirine Ph8 và Multivitamin là ông yên tâm.
Buổi chiều, đi làm về sớm tôi cũng thường ghé vô bệnh viện nói chuyện phiếm với ông. Không phải tôi lo cho sức khỏe ông, tôi biết  nằm viện kiểu ấy chẳng có gì để lo. Cũng không phải tôi thích cái không khi bệnh viện . Tôi chúa ghét. Thế nhưng trong ấy cũng có vài món tôi ưa : Có các bóng hồng mặc  blu trắng, như những cánh bướm trắng khoan thai lượn lờ, làm trong bệnh viện có khi cần phải chạy mà quí cô  đi thơ thẩn như người  tìm vần thơ . Má tôi ngày trước cũng làm trong bệnh viện với người Pháp, bà nói :” Khi có bệnh nhân  cấp cứu tất cả mọi người đều chạy, lao công, y tá, bác sĩ, kể cả giám đốc bệnh viện cũng chạy, chạy cật lực . Bác sĩ ta lúc đầu quen thói lề mề thường bị  tát tai “ Sau này xem phim tôi vẫn thấy cái cảnh cả bệnh viện  nhốn nháo  như có cháy. Nhưng đó là ở nước ngoài. Các người đẹp trong bệnh viện ta  không thiếu. Lũ đàn ông chúng tôi, mấy năm về sau, lão nào cũng kém cỏi,  hình như  chỉ “đói” hai con mắt. Lão nào cũng mắc cái “bệnh ngắm nghía” .

Lần đó gặp tôi, ông vui hẳn. Ông rút dưới gối lên tờ đơn thuốc đưa tôi xem. Tôi  thấy một dãy  chữ, chữ ai không biết nhưng trông rất giông chữ tôi, nghĩa là  rất xấu, xấu thậm tệ, đi học thường bị khẻ  nát năm đầu ngón tay. Tôi đưa trả lại ông, tôi nói :

-  Sao ? Tôi không đọc ra. Bác sĩ nói cái bệnh huyết áp của anh  ổn định rồi sao ?

Ông cười :

- Không phải chuyện bệnh tật thuốc men !
- Thế chuyện gì ? Thời sự trong nước hay quốc tế ?

Ông lại cười , nói:

- Cũng không phải, mình đã lạnh nhạt sự đời rồi. Lật ra phía sau  tờ giấy.

Tôi lật phía sau cái đơn thuốc thấy một bài thơ. Tôi chưa kịp đọc thì đúng lúc ấy có một cô mặc áo blu , có  thêu mấy chữ nhỏ trên ngực áo, tôi không đọc được, không biết y tá, bác sĩ, hay hộ lí gì đó  bước ngang qua. Cô thực là một đóa hoa trắng đang độ mãn khai ngào ngạt hương. Cô  bước, cuốn theo sau một làn hương quyến rũ khó tả. Dưới làn áo trắng mỏng cả một sự hứa hẹn đồi núi chập chùng, núi đồi thứ thiệt chớ không phải núi cao su, núi mousse. Tôi nhớ ngày trước áo blu may bằng thứ vải thô và dày. Ngày nay hình như cái lệ ấy bị các người đẹp phá bỏ. Họ tự ra chợ tìm thứ vải  sang trọng, mỏng tanh, mịn,  may đo cẩn thận  để làm nổi bật những của cải trời cho... Đầu óc tôi đang suy nghĩ về ba cái chuyện tào lao đó, tôi chưa kịp đọc bài thơ mới nhất ông sáng tác trong bệnh viện, thì ông hỏi :

- Sao ?

Không nghĩ ngợi gì cả tôi liền  nở nụ cười tươi tắn nhất  kêu lên :

- Ôi !Tuyệt vời ! Không thể chê vào đâu được !

Ông hớn hở ra mặt. Ông cười và tỏ ra mãn nguyện vô cùng . Ông đem nhiều chuyện vui ra nói . Chúng tôi chia tay nhau trong niềm hân hoan

oOo

Chiều hôm sau cảnh tượng cũng diễn ra tương tự như thế . Khi ông móc dưới gối lên đưa tôi xem bài thơ  ông mới làm đêm qua  lại có một người y tá hay bác sĩ, hay  điều dưỡng gì đó xuất hiện . Chỉ có điều người này bà con với Chung Vô Diệm,  nhan sắc tệ quá, đủ thứ tệ hại. Cũng đúng lúc ấy thì ông hỏi :

- Sao ?

Với tất cả thất vọng, tôi liền xổ ra một tràng:

- Kém, kém quá !  Mất cân đối ! Không gây được chút ấn tượng nào! Tôi thật sự thất vọng ...

Lần này tôi cũng chưa kịp đọc bài thơ. Nhà thơ tội nghiệp của tôi  giật nó lại, nhét xuống gối, nằm yên nhìn trần. Tôi nói lời từ giã ra về, ông chỉ gật đầu.

Khuya ấy tôi  nhận điện thoại của vợ ông báo tin, nửa đêm  ông bị một cơn đột quị ! Nặng quá ông  gượng dậy không nổi . Tôi đến nơi thì ông đã bất động. Tôi phân vân, tại mình hay chỉ là ngẫu nhiên?

Ngang qua phòng hội tôi nhìn vào thấy nhiều bác sĩ  họp, người ta  đang phân trần cãi vã kịch liệt . Hình như  họ đang đem cái chết  của nhà thơ  ra qui trách nhiệm cho ai đó.  Không khí rất căng thẳng. Có lẽ người vừa bị kiểm điểm nặng nề đã ra sức biện bạch chống chế. Tôi đứng nép bên cột lén nghe, thấy kẻ kia bị hàm oan. Tôi tính sẽ nhận tất cả trách nhiệm về mình. Tôi định lao vô nói to :” Thủ phạm cái chết của nhà thơ là tôi !”. Tôi chưa kịp hành động  thì một ông  hùng hổ đi tới, quắc mắt nhìn tôi nạt lớn :” Ông kia đi chỗ khác chơi cho người ta làm việc việc quan trọng !“ Tôi  quay đi , cứ suy nghĩ mãi.

Trời ơi ! Người đẹp hôm trước sao không chịu xuất hiện, để ra nông nổi này ? 

Quý Thể 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2012